T
ớ ở trên phòng, yên vị ngồi vào bàn để vẽ phần tiếp theo trong mẩu truyện tranh mới của mình. Một số người thư giãn bằng việc nghe nhạc, một số đi đá bóng hay chơi trò chơi điện tử, còn tớ thì thích vẽ truyện tranh. Tớ bắt đầu say mê vẽ truyện tranh từ khi lên sáu và Chú Talbert đã đưa cho tớ một quyển truyện tranh về chú chó Snoopy. Nó có tiêu đề là “Hạnh phúc là… một chú cún ấm áp”. Có ba chấm ở trên tiêu đề - cái đoạn cách nhỏ nhỏ ấy mà - làm tớ thấy tiêu đề đó như một câu hỏi. Liệu hạnh phúc có phải là một chú cún ấm áp thật không? (Tớ mới sáu tuổi - lúc đó tớ nghĩ hạnh phúc chắc chắn phải là một chú cún. Hoặc là kem vị sô cô la.) Tớ đọc đi đọc lại quyển sách và bắt đầu tự cóp nhặt một số tính cách. Sau đó tớ tự sáng tác truyện (câu chuyện đầu tiên của tớ là Chú chó Bánh rán, không cần đoán cũng biết là nó kể về một chú chó thích ăn bánh rán). Đầu tiên tớ đã khoe với gia đình tớ, nhưng dù họ có cười và gật gù thì họ dường như không ấn tượng mấy, nên chẳng bao lâu sau, tớ chả khoe thêm với họ cái gì nữa, và chỉ kể về những mẩu truyện tranh của mình cho Elise nghe. Elise hiểu rằng truyện tranh làm tớ vui thích theo cách mà gia đình tớ không cảm nhận được, dù họ luôn nói về việc “theo đuổi giấc mơ của mình”. Có lẽ vì Elise đã nghiên cứu về căn nguyên của hạnh phúc từ khi cậu ý quyết định trở thành nhà trị liệu nên mới hiểu được. Cậu ấy đã luận ra rằng, nếu cậu ấy hiểu được nguyên lý hạnh phúc hoạt động như thế nào, cậu ấy sẽ có nhiều khả năng giúp mọi người tìm thấy nó hơn.
Tớ thích vẽ truyện tranh hơn bất cứ thứ gì. Tớ thích cách mình có thể làm mọi thứ diễn ra từ khung hình này sang khung hình khác. Vẽ tranh có nghĩa là mọi thứ bạn vẽ ra đều sẽ bất biến, không gì thay đổi được chúng. Nhưng truyện tranh lại đồng thời khiến mọi thứ chuyển động và đổi mới. Và khi chiều cao của tớ ngừng phát triển cách đây khoảng một năm, tớ nhận ra hạnh phúc có nghĩa là gì với tớ, không phải là những thứ bất biến, mà lại là những thay đổi cơ. Và hạnh phúc có nghĩa là cao lên hơn nữa. Bởi vì nếu tớ cao bằng tất cả các thành viên còn lại của gia đình - hoặc chí ít là không quá lùn so với họ - họ có thể sẽ lắng nghe tớ nhiều hơn, tớ có thể giống họ hơn. Tớ sẽ trở nên xuất sắc, và không tầm thường nữa.
Tớ vừa vẽ đến trang thứ hai của cuốn truyện tranh mới nhất với tựa đề “Khổng Lồ cô độc” thì có điện thoại. Tớ nhấc máy. (Tớ thường là người duy nhất trong nhà nghe thấy tiếng chuông điện thoại đổ.)
“Alô?”
“À, tớ tìm thấy quyển sách này ở nhà,” giọng của Elise (Cậu ấy luôn bắt đầu câu chuyện kiểu này - không phải chỉ vì cậu ấy nhận ra giọng tớ từ câu đầu tiên, mà vì cậu ấy biết không cần hỏi ai đang ở phía đầu dây bên kia, do cậu ấy hiểu rằng tớ sẽ tự biết chỉ có mỗi cậu ấy là người muốn gọi điện cho tớ. Cái chuỗi dài dằng dặc tớ biết/cậu ấy biết này là một trong những lý do tại sao bọn tớ là bạn bè. Bạn bè hiểu rất nhiều thứ về nhau mà không cần phải nói ra).
“Và?”
“Tớ đang lật qua quyển sách của chúng ta và tớ tìm thấy một ý có thể rất hữu ích với cậu. Về cái điều mà cậu muốn ấy.”
Tớ ngồi thẳng lên, “Ờ”.
“Quyển này có tiêu đề là ‘Sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực’.”
“Ồ,” tớ ngồi tụt xuống giường một lần nữa. “Hãy thử đọc qua nó một lần đi đã, trước khi cậu quyết định nó chỉ là một đống nhảm nhí,” cậu ấy nói thế.
“Tớ có nói gì đâu cơ chứ!”
“Cậu nói ‘Ồ’, và tớ biết ‘Ồ’ có nghĩa là gì.” (Đây không phải là một khía cạnh hay ho cho lắm của cái tớ biết/cậu ấy cũng biết.)
Tớ nghe thấy tiếng vòng tay của Elise va vào nhau leng keng. Elise đeo khoảng năm mươi cái vòng mỗi tay và chúng luôn kêu om tỏi. Tớ thấy như mình đang làm bạn với một chuỗi chuông gió ấy.
“Sách nói là,” Elise bắt đầu một cách chắc nịch, “Nhiều điều có thể đạt được bằng việc không ngừng tâm niệm về mục đích của mình”.
“Thế nghĩa là sao chứ?”
“Có nghĩa là nếu cậu liên tục nói ‘Tôi muốn cao hơn nữa’ thì cậu sẽ cao hơn đấy.”
“Chỉ đơn giản thế thôi á?” “Đơn giản thế thôi.”
“Tớ đã nói điều này bao năm nay rồi,” tớ rầu rĩ đáp. Sao Elise có thể nghĩ rằng cứ tự nhủ với bản thân nhiều lần thì sẽ có được điều mình muốn cơ chứ.
“Ừ, nhưng không phải là cứ nhắc đi nhắc lại mãi,” Elise giải thích, “Sách nói là để việc tâm niệm thành hiện thực thì phải nhắc đi nhắc lại đến cả trăm lần, thực sự chú ý vào điều mình muốn cơ”.
Tớ không nói gì. Tớ đang hình dung bản thân mình ngồi tâm niệm ở trường và ai cũng cười vào mặt tớ. Ý tớ là, dù sao tớ cũng bị cười nhạo sẵn rồi, nhưng không có nghĩa là tớ sẽ cho họ thêm lý do để chọc ghẹo tớ nhiều hơn.
“Cậu không cần nói to lời tâm niệm đấy ra,” Elise nói như thể đọc được suy nghĩ của tớ, “Và cậu không phải làm điều đó suốt ngày. Chỉ cần làm việc này đầu tiên vào buổi sáng và ngay trước khi đi ngủ thôi”.
“Hàng trăm lần á?”
“Cậu làm càng nhiều lần càng tốt.” Tiếng vòng tay lại va vào nhau lẻng xẻng. Elise đã trở nên phấn khích khi nhận ra rằng tớ đang suy nghĩ về điều này. “Và cậu nên mường tượng ra mục đích của mình khi cậu tâm niệm.”
“Ý cậu là tớ phải mường tượng bản thân mình rất cao?”
“Ừ.” Tiếng vòng tay lại kêu lên điên cuồng, tớ đoán là cậu ấy đang gật đầu. “Nhìn xem này, tại sao cậu không thử xem sao? Cho dù nghe có vẻ khó tin, nhưng cũng đáng để thử đấy chứ.”
Tớ phải công nhận rằng điều cậu ấy nói nghe rất hợp lý.
Thế là tớ đã quyết định thử Sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực một lần. Ý tớ là - Elise đã đúng - nó cũng chả làm cho tình hình tồi tệ hơn được, và có thể, chỉ có thể thôi, nó có thể khiến mọi việc tốt hơn thì sao.
Hai mươi lần tâm niệm đầu tiên, “Tớ muốn cao hơn,” khiến tớ thấy thật điên rồ. Nhưng đến khoảng lần thứ ba mươi, tớ bắt đầu nắm bắt được việc này. Tớ cố gắng nhấn mạnh những từ khác nhau.
Tớ muốn cao, tớ muốn cao, tớ muốn cao nữa, tớ muốn cao nữa, tớ muốn cao hơn nữa.
Câu đấy nghe gần giống như một nhịp điệu âm nhạc. Tớ thử hát rap những từ đấy trong khi ngón tay nhịp nhịp trên đùi.
Tớ muốn cao hơn, tớ muốn cao hơn, tớ muốn cao nữa, tớ muốn cao nữa…
Đến đoạn cuối thì tớ chẳng nhớ nổi mình đã đếm được bao nhiêu lần, nhưng buổi sáng khi tớ tỉnh dậy, câu tâm niệm đó đã ở trong đầu tớ.
Tớ muốn cao hơn, tớ muốn cao hơn, tớ muốn cao nữa, tớ muốn cao nữa…
Tớ ném chăn ra đằng sau và chạy lại nơi tớ cất thước dây và bút chì (các bạn cũng sẽ làm như thế nếu các bạn chỉ cao bằng tớ). Tớ lấy thước đo chiều cao của mình lên đằng sau cánh cửa.
Tớ đã không cao lên được một mi-li-mét nào cả.
Tớ muốn cao hơn, tớ muốn cao hơn, tớ muốn cao nữa, tớ muốn cao nữa.
Tớ đoán là thật ngu ngốc để nghĩ rằng điều này có thể thực sự xảy ra chỉ sau một đêm tỉnh dậy.
Mà kể cả nhiều đêm thì cũng thế thôi.