Sống với những điều chưa hoàn hảo.
Giả Hành Gia - Nhà văn
Sống với những điều chưa hoàn hảo.
Giả Hành Gia - Nhà văn
Nhà tâm lý học Pierce Steele của Đại học Calgary ở Canada đã đề xuất mô hình về lý thuyết động lực thời gian (TMT). Đây là một lý thuyết động lực tích hợp, nhấn mạnh thời gian là yếu tố quan trọng và có tính thúc đẩy. Lý thuyết này có thể được áp dụng cho hành vi của con người, được sử dụng để phân tích sự trì hoãn và đặt mục tiêu. Nghĩa là: Động lực của một cá nhân đối với một nhiệm vụ sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như sự kỳ vọng của bản thân, thời điểm thực hiện và sự nhạy cảm đối với việc chậm trễ. Khi niềm tin của cá nhân vào khả năng hành động để đạt được mục tiêu càng tăng thì động lực càng cao. Khi thời gian để hoàn thành nhiệm vụ càng bị trì hoãn thì động lực càng giảm.
Nhà tâm lý học Trương Hân, Phó Giáo sư tại Khoa Tâm lý học và Khoa học nhận thức tại Đại học Bắc Kinh đã sử dụng kiến thức chuyên môn để đề xuất phương pháp “trì hoãn tích cực” dựa trên lý thuyết động lực thời gian của Pierce Steele - nghĩa là không né tránh vấn đề mà giải quyết chúng theo đường vòng. Ví dụ: Hiện giờ bạn đang trì hoãn một nhiệm vụ lớn là viết bài báo. Bạn sẽ thực hiện một số công việc khác dễ dàng hơn như trả lời email, rửa bát, chạy bộ... để thư giãn và giảm sự căng thẳng. Có lẽ, bạn sẽ thích làm những việc đó trước khi bắt tay vào viết lách.
Còn việc viết bài báo như thế nào? Nếu bạn trì hoãn cho đến khi không thể trì hoãn được nữa thì cuối cùng bạn sẽ viết nó. Là người có trách nhiệm, dù có trì hoãn, bạn vẫn hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy, cách giúp bản thân cảm thấy dễ chịu là “đi đường vòng” và sử dụng khoảng thời gian trì hoãn cần thiết này để thực hiện những việc khác.
Đây là “sự trì hoãn tích cực, chủ động”, trái ngược với “sự trì hoãn tiêu cực, thụ động”. “Sự trì hoãn tiêu cực, thụ động” là khi thời gian chờ đợi được dùng để xem chương trình truyền hình hoặc chơi trò chơi. Những việc này thường gây lãng phí thời gian, ít mang lại những giá trị hữu ích.
Nếu bạn muốn tìm hiểu, thực hành những phương pháp có thể tận dụng sức mạnh nội tâm, ý chí của chính mình thì cuốn sách này sẽ là cẩm nang quý giá dành cho bạn. Đúng như tiêu đề sách, “Không sao đâu, tất cả chúng ta đều có chút khác biệt”, hai tác giả Trương Hân và Hạ Bạch Lộc đã giải mã những vấn đề “kì lạ” của tất cả chúng ta một cách chân thực nhất.
Cùng là nói về việc bị ốm, có ba người nói với ba cách khác nhau. Người đầu tiên sẽ nói “Tôi bị ốm” với thái độ thờ ơ. Người thứ hai lại nói “Tôi sợ mình sẽ lây cho những người trong gia đình” với tâm trạng lo lắng. Còn người thứ ba mong được người khác quan tâm, để ý khi bảo “Tôi bị ốm, bạn có thuốc không?”
Cả ba cách nói này đều truyền đạt chính xác thông tin về tình trạng một người bị ốm. Tuy nhiên, theo như giải thích của nhà tâm lý học Trương Hân, sự khác nhau nằm ở cách biểu hiện của lời nói, suy nghĩ. Ông cho rằng, có hai biểu hiện phổ biến của con người trong xã hội - một là cảm giác sợ hãi, xa lánh xã hội; hai là tìm mọi cách để trở nên thu hút đối với xã hội. Cả hai biểu hiện đều xuất phát từ sự thiếu tự tin của con người vào bản thân mình. Với chứng rối loạn lo âu xã hội, cá nhân đó sợ người khác phát hiện ra việc mình làm là sai hoặc chưa đủ tốt nên mong người khác không để ý đến mình. Ngược lại, có cá nhân luôn sợ người khác không chú ý đến mình nên tìm mọi cách để đạt được sự chú ý từ họ. Hai kiểu biểu hiện này có thể biến đổi, thay thế cho nhau trong những hoàn cảnh nhất định. Ví dụ, khi còn nhỏ, bạn bị xã hội chê bai, coi thường; bạn sợ hãi và bị tổn thương khi thể hiện cá tính, đam mê của mình. Tuy nhiên, khi lớn lên, bạn có xu hướng muốn chứng tỏ bản thân, muốn được công nhận để vượt qua cảm giác bị coi thường từ ngày bé.
Hướng nghiên cứu của Trương Hân là nghiên cứu toàn bộ quá trình phát triển tâm lý của con người từ khi sinh ra cho đến khi về già. Ông đề cập trong cuốn sách rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lo lắng, sợ hãi ngày bé do đó là thời kỳ chúng ta “coi bản thân làm trung tâm” nhưng lại chưa được như ý muốn. Qua quan sát, tác giả tin rằng trẻ em dễ xúc động vì chưa hiểu biết đầy đủ về thế giới. Khi một đứa trẻ thấy trời mưa mà không thể ra ngoài chơi, nó sẽ tức giận vì không hiểu được rằng trời mưa là hoàn cảnh bất khả kháng, không ai kiểm soát được điều đó. Thực tế, không có gì cần phải tức giận cả.
Nhà tâm lý học Jean Piaget tin rằng con người phải trải qua hai giai đoạn phát triển tâm lý. Giai đoạn “lấy mình làm trung tâm” trong độ tuổi từ 4 - 6 tuổi là giai đoạn mỗi người tin rằng thế giới nên vận hành theo mong muốn của chính họ. Tiếp theo, độ tuổi từ 13 - 17 tuổi được coi là giai đoạn “hoang đường cá nhân” vì chúng ta cho rằng mọi hành động của mình đều sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt từ người khác. Nếu con người không hoàn toàn “tự coi mình là trung tâm” và nhận ra rằng mình không phải là tâm điểm của thế giới thì họ vẫn sẽ ở trong trạng thái luôn mong muốn được mọi người chú ý đến. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành tâm lý học, hiện nay, nhiều người đã hiểu được lí lẽ này.
Cuốn sách có giá trị lớn về tư tưởng, nhận thức, vượt xa lẽ hiểu biết thông thường của chúng ta. Trương Hân nói: “Thế giới vốn dĩ không hoàn hảo. Có bao nhiêu người trải qua những giai đoạn quan trọng một cách êm đẹp, và trưởng thành theo đúng tiêu chuẩn của sách giáo khoa?”
Một ví dụ khác, đó là vấn đề về sự “phô trương”. Đây là điều mà hầu hết mọi người đều không ưa thích, nhưng cũng có thể được thấu hiểu vì nguyên nhân chính đến từ sự không hiểu biết của chúng ta. Phô trương sự giàu có không có nghĩa là người đó đủ giàu, và có thể họ đang giả vờ giàu có. Động cơ của hành vi phô trương là do không có khả năng đạt được sự hài lòng bên trong thông qua sự tự nhận thức về bản thân, nên cần khẳng định động lực, sức mạnh và có được những cảm xúc tích cực từ phản hồi của người khác (ngưỡng mộ, ghen tị...).
Như vậy, ở đây, phô trương sự giàu có là một phương tiện để có được những cảm xúc tích cực cho tinh thần. Tâm lý học tin rằng, bất kì hành vi nào không ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và người khác đều là hành vi bình thường. Những người không thích phô trương sự giàu có của mình vì họ không bị cảm giác thiếu tiền gây áp lực hay có nhu cầu được người khác ghen tị, ngưỡng mộ. Điều quan trọng là chúng ta có hiểu được rõ nội tâm, mong muốn, nhu cầu của mình hay không? Nếu hiểu đúng về bản thân, chúng ta sẽ không cần phải khoe khoang phù phiếm, thiếu tự tin và đầy bất an như thế.
“Bạn nghĩ rằng bạn hơi khác biệt phải không?”, thực ra, mỗi người trong chúng ta đều có một chút “khác biệt”, giống như tên của cuốn sách. Chúng ta chỉ cần biết mình “khác biệt” đã là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Có một người từng nói: “Kể từ khi biết mình mắc chứng rối loạn lo âu, tôi không còn cảm thấy lo lắng nữa. Trước đây, tôi từng nghĩ rằng mình không thể vượt qua được sự lo lắng vì đối với tôi, nó rất khủng khiếp. Nhưng bây giờ tôi chợt hiểu ra, không phải chuyện gì to tát cả, tôi mắc chứng rối loạn lo âu cơ mà!”
Chúng ta chỉ cần chú ý một điều: Khi những “khác biệt” của chúng ta bắt đầu có biểu hiện thành bệnh lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thì chúng ta cần phải điều trị kịp thời.
Nhiều khi, chúng ta sẽ không biết được sự “khác biệt” lại là triệu chứng của một bệnh tâm lý. Tôi đã học được một bài học về vấn đề này. Cách đây vài năm, tôi từng ghi hình một chương trình truyền hình. Ban đầu, một số khách mời là nam giới thảo luận về chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ. Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng đó không phải là trầm cảm thực sự, và rằng phụ nữ chỉ đang tự gây rắc rối, phiền não cho chính mình. Có vẻ như chúng tôi đã tạo ra sự tranh cãi ngay tại trường quay. Sau khi chương trình phát sóng, vợ tôi nói với tôi: “Anh là người vô tâm, anh không hiểu được sự hi sinh của người mẹ, cũng không biết cảm giác rơi nước mắt suốt đêm dài. Anh khiến những người phụ nữ như chúng em tổn thương bằng những suy nghĩ thiếu hiểu biết của anh. Em hỏi anh, khi em chăm sóc con, anh đã làm gì ngoài việc xem phim?”
Tôi vẫn bị ám ảnh mỗi lần nhớ lại những lời nói của vợ mình. Hầu hết mọi người đều chưa hiểu đầy đủ về chứng trầm cảm sau sinh. Hiểu biết của đa số mọi người về chứng trầm cảm sau sinh chỉ giới hạn ở những sự việc cực đoan, đau lòng xảy ra được đưa trên tin tức. Theo số liệu thống kê, tỉ lệ mắc trầm cảm sau sinh là khoảng 10%. Nếu được tư vấn hoặc điều trị tâm lý tích cực, khoảng 80% triệu chứng ở bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể tự khỏi trong vòng một đến sáu tháng. Nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng, không tìm cách điều trị kịp thời thì bi kịch có thể xảy ra.
Tất cả chúng ta đều có nỗi đau của riêng mình, và có thể chúng ta không hiểu được nỗi đau của người khác. Tôi không cố gắng che đậy sai sót của bản thân về những điều tôi đã nói. Việc che đậy những vấn đề nội tâm của tôi cũng vô ích. Những dằn vặt mà tôi tưởng mình có thể giấu đi lại hiện ra trước mắt - càng trốn tránh, kìm nén, nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Điều tôi muốn nói là bạn phải có những kiến thức, hiểu biết cần thiết về tâm lý học.
Khi Trương Hân lựa chọn ngành Tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh, anh ấy nghĩ rằng mình đang học cách đọc suy nghĩ của mọi người. Nhưng hiện giờ điều anh ấy muốn nói là: “Những người nghiên cứu tâm lý học không đọc được suy nghĩ, không biết trước vận mệnh của ai. Họ cũng không giải thích được giấc mơ nào cả.” Hiện nay, theo quan điểm của Trương Hân, nghiên cứu tâm lý học có thể giúp mọi người học cách “hiểu được nhiều vấn đề khác nhau”, “nắm bắt được những hành vi có vẻ kì quái”, “hiểu người khác và hiểu chính mình hơn”.
Với mỗi chúng ta, sau khi tìm hiểu tâm lý học, chúng ta có thể nói với “con quái vật” bên trong mình: “Hãy ra đây, ta nhìn thấy ngươi rồi. Hãy đối diện với ta!”
Có hai cách để đọc cuốn sách này:
Một là, coi nó như một cẩm nang hướng dẫn sử dụng. Nhiều bài viết trong đây là các bài báo khoa học về những vấn đề cụ thể. Chúng định hướng vấn đề rõ ràng, đưa ra nguyên nhân và giải pháp, giúp chúng ta tìm ra các phương hướng thực hành phù hợp. Chẳng hạn như câu hỏi liên quan đến phương pháp “trì hoãn tích cực” đã nói ở phần trên: Tại sao chúng ta càng lo lắng, chúng ta càng trì hoãn hơn, ít suy nghĩ hơn? Bởi vì sự lo lắng gây ra sự tích tụ lớn lượng norepinephrine1, từ đó gây tổn hại cho hệ thần kinh của con người. Nguồn lực nhận thức đã được phân bổ để đối phó với sự lo lắng, vậy làm sao có thời gian rảnh để suy nghĩ hay làm việc khác?
Chú thích:
[1] Norepinephrine (NE), còn gọi là noradrenaline (NA) hoặc noradrenalin, đôi khi còn được gọi là levarterenol, là một hóa chất hữu cơ trong họ catecholamine hoạt động trong não và cơ thể như một hormone và chất dẫn truyền thần kinh - Chú thích của biên tập viên.
Giải pháp hữu hiệu cho vấn đề trên là phải luôn xác định rõ mục tiêu. Bạn có thể chia các mục tiêu lớn thành nhiều mục tiêu nhỏ để có thể hoàn thành trong nhiều giai đoạn. Nếu đặt quá nhiều mục tiêu hoặc mục tiêu quá cao, bạn rất dễ mất kiểm soát. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm một người bạn có tính kỷ luật cao hơn mình để hỗ trợ.
Nói đến đây, sẽ có nhiều người không hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Họ cho rằng, việc theo đuổi những mục tiêu trong xã hội là nguồn gốc gây ra nỗi lo lắng cho con người trong xã hội hiện nay. Họ cũng nghĩ rằng, chúng ta lo lắng vì không biết nên làm gì để đạt mục tiêu, sợ hãi khi phải dừng lại. Trên thực tế, vấn đề ở đây là chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều nhưng lại làm quá ít, chứ không phải lo lắng vì theo đuổi mục tiêu.
Vậy, chúng ta có bắt tay hành động để giải quyết lo lắng của mình không? Hãy lấy một ví dụ: Trong cuộc đời, chúng ta thường phải đối mặt với một quyết định là nên ở lại thành phố lớn hay về quê sinh sống? Lựa chọn nào cũng có thể khiến bạn cảm thấy hối hận, và dù lựa chọn ra sao, bạn vẫn có xu hướng tự lừa dối bản thân. Những người chọn về quê sẽ nói ở quê rất thoải mái, nhưng ánh mắt họ lại không sẵn lòng cho việc đó, bởi ở quê không có nhiều cơ hội cho họ thể hiện năng lực. Những người chọn ở lại các thành phố lớn sẽ nói mình học được bao nhiêu kiến thức và có bao nhiêu cơ hội, nhưng trông họ lại đầy mệt mỏi. Cả hai kiểu tự lừa dối này đều là những nỗ lực nhằm giải quyết sự mâu thuẫn trong nhận thức.
Có phải hiện nay mọi người đang lo lắng vì quá bận rộn theo đuổi mục tiêu và không biết làm cách nào để dừng lại? Hay họ đang trì hoãn trong khi lẽ ra phải bận rộn? Câu trả lời là bạn sẽ không thể biết mình muốn gì khi bận rộn một cách không hiệu quả. Điều quan trọng là tính hiệu quả của hành động, mọi thứ phải bắt đầu từ hành động. Chỉ khi hành động, bạn mới có thể đối mặt với những lựa chọn, và chỉ bằng cách lựa chọn, bạn mới có thể chứng minh được điều mình thực sự muốn. “Đừng suy nghĩ khi đang đứng, hãy suy nghĩ khi đang đi” - một ai đó đã nói rất hay như vậy.
Hai là, thông qua những câu hỏi cụ thể được đưa ra trong sách, bạn có thể đạt được sự thấu hiểu, chấp nhận bản thân, tạo nên nền tảng để chữa lành và trưởng thành. Chúng ta lo lắng, chán nản, bị thao túng hoặc ngược đãi về tinh thần... bởi chúng ta không thể chấp nhận bản thân mình và nghĩ rằng mình cần sự cứu rỗi, thừa nhận của người khác.
Một người hiểu con người của mình và hoàn toàn chấp nhận bản thân sẽ nói: Đúng, tôi hơi kì quặc, nhưng đó mới chính là tôi, và điều ấy không làm tôi bận tâm nữa.
Chúng ta hãy tiếp tục sống với sự kì quặc, với những điều chưa hoàn hảo của riêng mình, dùng những điều đó để trải nghiệm cuộc sống và thấu hiểu người khác nhiều hơn.