N
gày qua ngày, bà Hurst và Caroline dành vài giờ mỗi sáng ở bên cạnh Jane. Hiện tại Jane đang dần bình phục trở lại. Buổi tối, Elizabeth gia nhập cùng mọi người trong phòng khách để giải trí. Tuy nhiên, hôm nay bàn chơi bài không được bày ra. Darcy đang viết thư cho em gái, Caroline ngồi bên cạnh ngắm nhìn chàng viết, nhiều lần cố thu hút sự chú ý của chàng bằng cách nhờ chàng viết lời hỏi thăm tới em gái của chàng. Ông Hurst và Bingley đang chơi bài piquet1 và bà Hurst chỉ ngồi cạnh xem họ chơi.
1. Bài dành cho hai người chơi, tất cả gồm có ba mươi hai lá.
Elizabeth ngồi khâu vá và nàng cảm thấy thích thú khi quan sát những gì đang xảy ra giữa Darcy và Caroline. Caroline khen ngợi Darcy liên tục, nào là nét chữ đẹp, thẳng hàng đều đặn, rồi thì nội dung trau chuốt, mượt mà. Cô không hề để ý xem những lời khen của mình được người nghe chú ý không.
“Hẳn là em gái anh sẽ rất vui mừng khi nhận được lá thư này.”
Darcy vẫn không trả lời. Cô nói thêm: “Anh viết nhanh quá.”
“Cô nhầm rồi. Tôi viết rất chậm.”
“Một năm anh viết bao nhiêu lá thư, kể cả thư kinh doanh?
Trời ơi, chỉ nghĩ thôi tôi cũng thấy sợ rồi.”
“Cũng may, viết thư là việc của tôi, chứ không phải của cô.”
“Làm ơn nhắn với em gái anh là tôi rất muốn gặp cô ấy.”
“Tôi đã nhắn như vậy một lần hồi nãy rồi, y như lời cô dặn.”
“Tôi nghĩ anh không thích cây bút đó. Để tôi sửa cho. Tôi sửa bút rất cừ đấy.”
“Cảm ơn, nhưng tôi luôn tự mình sửa bút.”
“Bằng cách nào mà anh duy trì việc viết lách đều đặn, ngay ngắn như vậy?”
Darcy im lặng, không hồi đáp.
“Nhắn với em gái của anh rằng tôi rất vui khi nghe tin cô ấy chơi hạc cầm tiến bộ và tôi rất say mê cách trang trí bàn của cô ấy. Tôi nghĩ chắc chắn là vượt trội hơn so với cô Grantley.”
“Có thể cho phép tôi để dành những say mê mà cô vừa nói cho lá thư sau được không? Bây giờ thì tôi không còn chỗ.”
“Ồ! Không sao cả. Tôi sẽ gặp lại cô ấy vào tháng Giêng tới đây. Nhưng lúc nào anh cũng viết những lá thư dài và hay như vậy cho em mình à?”
“Thường thì lá thư nào cũng dài, còn nội dung hay dở thế nào thì tôi không biết.”
“Theo tôi nghĩ, một người có thể viết được những lá thư dài một cách dễ dàng thì nội dung không thể dở được.”
Bingley chen vào, thốt lên: “Caroline, câu nói đó của em đối với Darcy không phải là lời khen ngợi đâu, bởi vì anh ấy viết thư không hề suôn sẻ như em nghĩ. Anh ấy phải suy nghĩ, trau dồi rất nhiều để tìm ra những chữ có bốn âm tiết. Phải vậy không Darcy?”
“Cách viết của tôi khác hẳn với cách viết của anh.”
Caroline nói: “Ôi! Anh Charles viết thư rất ẩu. Anh ấy dễ dàng từ bỏ một nửa những gì mình muốn viết, và sau đó tẩy xóa lèm nhèm những phần đã viết trước đó.”
“Ý tưởng trong đầu tôi tuôn trào nhanh quá khiến tôi không có đủ thời giờ diễn đạt hết. Bởi vậy những lá thư của tôi đôi khi khiến người đọc không hiểu gì cả.”
Elizabeth nói: “Anh Bingley, sự khiêm tốn của anh khiến mọi người không thể chê trách anh được.”
Darcy tiếp: “Không có gì dối trá, giả tạo hơn sự khiêm tốn bề ngoài. Nó thường bắt nguồn từ sự khinh miệt của người khác, hoặc đôi khi nó là biểu hiện của sự khoe khoang gián tiếp, trá hình.”
“Trong hai cách định nghĩa kể trên, anh xếp sự khiêm tốn của tôi vào loại nào?”
“Vào loại khoe khoang gián tiếp vì anh rất hãnh diện với những khuyết điểm của mình trong khi viết thư. Anh muốn mọi người biết rằng anh suy nghĩ nhanh nhạy nên mới diễn đạt cẩu thả. Và đối với anh điều này rất thú vị. Người có khả năng xử lý mọi việc một cách nhanh chóng luôn cảm thấy hãnh diện về bản thân và họ thường ít khi để ý tới những khiếm khuyết và sai sót trong công việc. Sáng nay anh nói với bà Bennet rằng nếu có ý định rời khỏi Netherfield thì anh sẽ ra đi trong vòng năm phút, điều đó chứng tỏ anh cố tình ca tụng, khen ngợi chính mình. Có gì đáng để tự hào khi anh quyết định vội vã, thiếu suy nghĩ, bỏ lại hết mọi công việc quan trọng chưa làm xong để ra đi? Điều đó mang lại lợi lộc gì cho bản thân anh và người khác?”
Bingley nói lớn: “Chúng ta không nên nhắc lại những điều ngu ngốc nói ra hồi sáng. Hơn nữa, tôi xin hứa danh dự, những gì tôi nói về bản thân mình đều chân thành và đúng đắn. Tôi không đem tính hấp tấp vô nghĩa của mình ra khoe khoang với các quý cô.”
“Điều đó đúng, nhưng tôi không tin anh sẽ lập tức bỏ đi ngay. Giống như những người đàn ông khác, hành động của anh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh. Thí dụ, khi anh đang chuẩn bị lên ngựa ra đi, một người bạn của anh nói “Bingley, anh nên ở lại đây cho tới tuần sau”, có lẽ anh sẽ làm theo lời bạn, không đi nữa và có thể sẽ ở lại hẳn một tháng nếu được mời.”
Elizabeth thốt lên: “Darcy, những gì anh nói chứng minh rằng Bingley là người biết lắng nghe, không dễ dàng tuân theo ý muốn và cảm xúc của mình. Chính anh mới là người “khoe” hết tính cách của Bingley, đâu cần anh ấy phải khoe khoang nữa.”
Bingley nói: “Tôi rất vui vì cô đã biến lời chê trách của bạn tôi thành lời khen ngợi đối với nét dễ thương trong tính cách tôi. Nhưng tôi e là cô đã hiểu sai ý của Darcy. Trong ví dụ vừa đưa ra, anh ấy chắc chắn sẽ đánh giá tích cực hơn nếu tôi từ chối người bạn đó một cách thẳng thừng và cưỡi ngựa đi thật nhanh.”
Elizabeth hỏi: “Như vậy, Darcy sẽ cho rằng, sự cứng đầu, cố chấp thực hiện ý định của bản thân trong trường hợp đầu tiên sẽ biến thành phẩm chất dứt khoát, kiên quyết khi đưa ra quyết định trong trường hợp thứ hai?”
“Tôi không thể giải thích được. Darcy phải tự mình giải thích.”
Darcy lên tiếng: “Bingley, anh đang ép tôi phải giải thích một điều mà tôi không hề nói ra, chính anh đẩy nó sang cho tôi. Tuy vậy, hãy quay lại ví dụ lúc nãy. Cô Elizabeth, xin hãy nhớ rằng người bạn đó chỉ nêu ra một lời gợi ý, một lời mời, chứ không hề đưa ra một lý do chính đáng để thuyết phục Bingley ở lại.”
“Không ngần ngại và dễ dàng thay đổi ý định trước tấm lòng của một người bạn chẳng lẽ là điều xấu? Điều đó không đáng để làm sao?”
“Đối với tôi, người thay đổi ý định mà không cần lý do là người không xứng để khen ngợi, dù là Bingley hay người bạn của anh ta.”
Elizabeth nhận định: “Darcy, dường như tôi thấy anh không có niềm tin vào sức mạnh của sợi dây gắn kết giữa những người bạn. Bingley có thể chấp nhận ngay lập tức hảo ý của bạn mình, chẳng cần lý do hay động cơ gì cả, đơn giản chỉ vì họ là bạn. Thế thôi. Mặt khác, xét trong tất cả trường hợp, khi ai đó gửi đến ta một lời đề nghị và muốn ta thay đổi ý định, liệu ta có nhất thiết phải tìm ra một lý do thỏa đáng để nhận lời không? Anh sẽ chỉ trích họ, chỉ vì họ vội vàng nhận lời mà không cần lý do hay sao?”
“Trước khi tiếp tục bàn luận sâu thêm về chủ đề này, chúng ta có nên làm rõ tầm quan trọng của lời đề nghị và mức độ thân thiết giữa hai người bạn?”
“Nên lắm...” Bingley góp lời. “Hãy lắng nghe thật kĩ những dữ kiện nhỏ nhất, chúng có thể đem tới sức nặng cho các luận cứ. Cô Elizabeth, chắc cô chưa biết, những yếu tố như chiều cao, cân nặng của người đối diện cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Tôi cam đoan với cô, nếu Darcy không cao ráo, khỏe mạnh hơn tôi, tôi sẽ không phải nhún nhường anh ấy một nửa như vậy. Tôi dám khẳng định, tôi chưa từng thấy người nào đáng sợ như Darcy. Nhất là lúc ở nhà anh ấy hoặc tối Chủ nhật, khi anh ấy không có gì để làm.”
Darcy chỉ mỉm cười. Elizabeth cho rằng Darcy bị chạm vào lòng tự ái nên nàng không dám cười. Tuy nhiên, Caroline rất nóng giận khi thấy Darcy phải nghe những lời nói tổn thương của Bingley. Cô phê bình những điểm sai trái của anh mình và trách móc Bingley vì chàng nói những điều vô nghĩa. Darcy đáp: “Bingley, tôi đã thấy rõ ý định của anh. Anh không thích tranh luận và muốn chấm dứt cuộc tranh luận này.”
“Tôi không phủ nhận điều này. Tranh luận cũng đâu khác gì tranh cãi. Tôi rất biết ơn nếu anh và Elizabeth có thể chờ tôi ra khỏi căn phòng này, rồi hai người muốn nói gì về tôi cũng được.”
Elizabeth nói: “Dĩ nhiên là được. Yêu cầu của anh không phải điều gì quá to tát đối với tôi. Còn anh Darcy, anh cũng nên tập trung viết cho xong lá thư của mình đi.”
Darcy nghe theo lời khuyên của Elizabeth và hoàn thành lá thư của mình.
Khi lá thư đã viết xong, Darcy đề nghị Caroline và Elizabeth thay đổi không khí bằng âm nhạc. Caroline sốt sắng nhận lời và tiến về phía chiếc piano. Cô lịch sự mời Elizabeth biểu diễn trước nhưng Elizabeth nhất định từ chối. Bởi vậy Caroline không ép nữa và cô ngồi xuống bắt đầu đàn.
Bà Hurst cũng tới hát chung với em gái. Trong khi cả hai đang hát, Elizabeth đứng kế bên, đưa tay lật những trang sách trên mặt đàn. Nàng không khỏi tò mò, hướng ánh mắt về phía Darcy. Nàng phát hiện ra chàng thường xuyên chăm chú nhìn mình. Elizabeth băn khoăn, liệu mình có phải là đối tượng mà Darcy ngưỡng mộ, hay chỉ vì chàng không thích mình và vẫn còn coi nàng như người xa lạ? Elizabeth đoán có lẽ Darcy tìm thấy ở nàng những điểm đáng quở trách. Giả thuyết này không làm Elizabeth buồn lòng. Nàng cũng không thích Darcy nên nàng không hề lo ngại về sự đánh giá của chàng.
Sau một vài bản nhạc Ý, Caroline thay đổi thể loại bằng một bài nhạc Scotland sôi động. Một lúc sau, Darcy tiến lại gần Elizabeth và nói: “Elizabeth, nhân cơ hội này, cô có cảm thấy hứng thú để nhảy một điệu reel1 với tôi không?”
1. Điệu nhảy của người Scotland hoặc Ireland.
Elizabeth mỉm cười nhưng không trả lời. Darcy cảm thấy ngạc nhiên về sự im lặng này và lặp lại câu hỏi một lần nữa. Elizabeth trả lời: “Ồ, tôi nghe thấy rồi, nhưng tôi không thể trả lời ngay được vì còn đang suy nghĩ. Tôi biết, anh muốn tôi trả lời là “có” để có thể chế giễu tôi. Nhưng tôi luôn thích phá vỡ những mưu mô xảo trá như vậy. Bởi vậy, tôi đã quyết định trả lời rằng tôi không muốn khiêu vũ, và bây giờ anh có thể khinh thường tôi nếu như anh muốn.”
“Thật ra tôi không dám coi thường cô.”
Trước khi Darcy trả lời, Elizabeth đã sẵn sàng để đương đầu với Darcy, tuy nhiên sau đó nàng hết sức kinh ngạc về thái độ lịch thiệp, nhã nhặn này. Kỳ thực, với bản tính dễ thương, ngọt ngào và có phần tinh quái, Elizabeth khó lòng làm mất mặt người khác. Về phần Darcy, chưa bao giờ chàng cảm thấy thích thú và say mê như vậy. Chàng tin rằng nếu gia đình Elizabeth không ở địa vị thấp kém, chàng sẽ rơi vào lưới tình.
Caroline bắt đầu nhận ra và ngờ vực thái độ của Darcy. Cô càng lúc càng trở nên ghen tị, chỉ mong Jane sớm bình phục để Elizabeth biến đi cho khuất mắt. Caroline thường tìm cách khiêu khích để Darcy chán ghét Elizabeth, đưa ra những giả thuyết và vẽ ra viễn cảnh cuộc hôn nhân của hai người.
Ngày hôm sau, khi Darcy và Caroline đi dạo dưới hàng cây, cô nói: “Tôi hy vọng sau khi đám cưới của anh được tổ chức, anh sẽ có vài lời chấn chỉnh với bà mẹ vợ của mình, bà ta nên biết giữ mồm giữ miệng. Và nếu có thể, hãy nhắc nhở mấy cô em vợ, đừng để họ chạy theo mấy gã quân nhân nữa. Còn một đề tài tế nhị khác, tôi xin phép được nói, anh cũng nên cố gắng kiểm soát tính tự phụ, xấc xược của người yêu anh.”
“Ngoài những điều đó, cô còn lời khuyên gì cho hạnh phúc gia đình tôi không?”
“À, có chứ. Hãy treo ảnh chân dung của ông bà Philips trong phòng trưng bày của nhà anh ở Pemberley. Nhớ đặt tấm hình của họ ngay bên cạnh tấm hình ông chú thẩm phán của anh. Anh biết đó, họ đều có chung một ngành nghề, chỉ khác nhau về dòng dõi. Còn chân dung của Elizabeth thì không cần phải vẽ, có họa sĩ nào có thể diễn tả được đôi mắt đẹp đó?”
“Đúng thế, không dễ gì vẽ được cái thần của đôi mắt đó. Tuy nhiên, màu mắt, hình dạng mắt và hàng lông mi thì có thể vẽ lại được.”
Đúng lúc đó, họ gặp bà Hurst và Elizabeth đang đi dạo. Caroline nói một cách ấp úng, bối rối, sợ rằng hai người đã nghe hết những lời cô nói: “Tôi không biết là hai người cũng đang đi dạo đấy.”
Bà Hurst đáp: “Hai người xấu tính quá, lẻn đi ra đây mà không cho chúng tôi hay.”
Sau đó bà tiến về phía trước, choàng tay Darcy và bỏ Elizabeth đi một mình. Con đường nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ cho ba người cùng sánh bước. Darcy nhận thấy sự tồi tệ của họ, lập tức lên tiếng: “Con đường này quá nhỏ cho chúng ta. Chúng ta nên đi ra đường lớn.”
Tuy nhiên, Elizabeth không có ý định gia nhập với họ, nàng vừa cười vừa trả lời: “Không cần đâu, cứ đi như vậy đi. Các anh chị là những người duyên dáng, đi chung với nhau trông thật lộng lẫy. Cảnh tượng này sẽ xấu đi nếu có người thứ tư xen vào. Xin chào.”
Sau đó nàng hoan hỉ bỏ đi, tản bộ một mình, hy vọng sẽ được về nhà trong vòng một, hai ngày nữa. Jane đã gần như hoàn toàn bình phục và dự định sẽ ra khỏi phòng để gặp mọi người một, hai tiếng đồng hồ vào buổi tối hôm đó.