Anh chàng nhân viên công ty chuyển nhà Đại Long nói với con: “Này cô em, ngần này đồ không chuyển hết trong một chuyến xe được em hiểu không?”. Tất nhiên con không phải là em gái của gã nhân viên công ty chuyển nhà này, mà từ “cô em” anh ta dùng, chắc chắn kiểu kiểu như muốn nói với con rằng: “Này em, anh xin em, anh chịu em rồi đấy!”. Thông thường những câu nói có mở đầu bằng “này em”, “này cô em” thì bao giờ kết thúc cũng là câu hỏi tu từ “Em có hiểu không?”, “Có được không”... Gần chục năm trước, anh trai cũng từng nói với con như thế: “Này em, cái đống sách này thực sự rất nặng em có biết không?”.
Đó là ngày mùng 4 tháng 7, cách một ngày sau ngày con thi hết cấp 3, con chuyển về nhà sau ba năm ở ký túc xá của trường, sau đó chờ kết quả thi, chờ bảng điểm, chờ cả xem số phận con sẽ được đi đến thành phố mới nào. Lần đầu tiên trong đời con được biết cảm giác thế nào là gói ghém tất cả những gì thuộc về mình, không để lại một vết tích gì ngoài căn phòng trống trơn lạnh lẽo, giao trả chìa khóa, nhận lại tiền đặt cọc phòng từ năm đầu tiên nhập học, chỉ sau một động tác kéo cửa lại, con và căn phòng đã từng gắn bó ba năm này sẽ không còn bất kỳ mối liên quan nào nữa.
Trong ba năm cấp ba, ngoài một ít quần áo và vật dụng, đồ sử dụng hằng ngày, hành lý của con chỉ toàn là sách. Nhìn dáng anh trai thoăn thoắt phân loại rồi xếp đồ trong phòng lên chiếc xe chín chỗ anh mượn được, con không khỏi có cảm giác quyến luyến nơi này. Từ nhỏ con đã dị ứng với bụi bặm, nên con đứng tránh về một bên xì mũi, dụi mắt, hoặc lấy tay khua bớt đi lớp bụi đang bay do anh trai xếp đồ. Nhiều năm sau này con mới hiểu, cái cảm giác của con lúc đó, không phải là buồn đau, càng không phải quyến luyến, mà chỉ là con đang từ biệt nơi đó. Khi cảm giác từ biệt quá mạnh mẽ, nó lại phản tác dụng, khiến con người ta bỗng thấy mình yếu mềm, nhưng thứ cảm giác yếu mềm đó lại tan biến rất nhanh khi ta chuyển đến một nơi mới.
Khi về đến nhà, sau khi chuyển hết những vật dụng thường nhật của con, chiếc xe chở nguyên cả núi sách của con ấy quay đầu tiến thẳng về hướng xưởng tái chế giấy.
Núi sách ấy, chủ yếu là những sách giáo trình thời cấp 3 của con xếp thành, nó như một vị thuốc bổ cho lứa học sinh 9x chúng con thời đó. Bác nhân viên ở xưởng tái chế nhìn thấy chỗ sách ấy cũng biết thừa nếu dùng cân nhỏ thì cân không xuể nên “chỉ đạo” anh trai con lái xe lên thẳng cân bàn, cân lần đầu xong giỡ hết sách trên xe xuống, cân tiếp lần nữa, chênh lệch số cân giữa hai lần sẽ chính là số cân sách. Họ đã dùng cách cân như cân voi như thế để con biết được rằng, con đã đọc tổng cộng hai mươi lăm cân sách1 trong suốt ba năm. Mỗi cân giấy vụn có giá một tệ, thế là con đã kiếm được một trăm tệ cha à. Sau đó anh trai dẫn con ra ngoài chợ đêm ăn một suất bít tết. Cuộc đời ở trọ ba năm cấp ba, được kết thúc bằng một bữa bít tết ngoài chợ đêm cha ạ.
1 Ở đây tính theo cân Trung Quốc. Một cân Trung Quốc bằng 0.5 cân Việt Nam.
Sau này con nghe mấy người bạn học ở khu trung tâm thành phố kể, tụi nó mang những cuốn sách tham khảo đến tiệm sách cũ bán đi, nên để dành được một ít tiền ăn chơi cho kỳ nghỉ hè. Còn suất bít tết của con thì con đã ăn rồi, thế còn nói làm gì nữa cha nhỉ?
Câu chuyện về đám sách vở của con năm ấy, khiến con hiểu một điều: những gì đã đánh mất rồi, thì khó lòng mà lấy lại được.
Sau đó, con đã đến sống ở nơi đắt đỏ nhất trong cuộc đời con - khu Đại An ở Đài Bắc. Ký túc xá của trường Đại học sư phạm Đài Loan con học là phòng sáu người, ở trên là giường đơn, bên dưới là tủ quần áo và bàn học, cả phòng có sáu chiếc bàn học thì có tới sáu chiếc máy tính to đùng. Vào mùa đông thì coi như sáu chiếc máy tính này làm lò sưởi luôn, sang hè thì sáu chiếc giường nhỏ chỉ có thể để thêm một cái quạt nhỏ là hết chỗ, có lúc trở mình không cẩn thận còn đạp bay quạt xuống đất, sau đó bị tỉnh giấc vì nóng quá, chúng con lại lụi cụi trèo xuống nhặt lên cha ạ. Các thanh chắn giường thì được tận dụng làm sào phơi quần áo đa năng luôn, chúng con nằm trên giường nghe nhạc, nếu có ai tìm chúng con, chúng con sẽ thò đầu ra mà nhìn chứ không phải trèo xuống và đi ra tận cửa phòng nữa, tất nhiên một điều hiển nhiên là trong phòng luôn có mùi quần áo chưa khô.
Và điều quan trọng nhất khi ở đây là giờ giới nghiêm, mười hai giờ đêm, một khi cửa đã đóng, học sinh ở đây chỉ có cách chọn lựa giữa việc bấm chuông dựng bác bảo vệ dữ dằn dậy, ký tên vào biên bản, chờ đợi một tờ thông báo kiểu kiểm điểm học sinh được gửi về cho bố mẹ, hoặc là phải lang thang vất vưởng cho hết đêm.
Hai anh A và W khóa trên con thuê phòng trọ ở đối diện trường, trong khu phòng áp mái trong ngõ Văn hóa, dĩ nhiên nơi đây cũng trở thành nơi quy tụ của những “con ma đêm” lang thang không về ký túc. Thông thường khi các anh nhận được tiền gia sư, chúng con sẽ tụ tập ở hàng mì nghi ngút khói, gọi ra vài đĩa thịt má lợn, đậu phụ chiên, phở nóng với lòng, tràng cùng rất nhiều bia, rồi tán gẫu đùa nghịch đến tận sáng sớm hôm sau.
Có lần trót to tiếng quá, hàng xóm xung quanh báo công an, công an đến dưới chân lầu bấm chuông cửa luôn cha ạ, nhưng tầng áp mái đó làm gì có chuông cửa, anh công an đành chọn chuông của tầng cao nhất tòa nhà mà bấm liên hồi, kết quả đổi lại tiếng hét lớn vì bị tỉnh giấc khi đang ngủ ngon của chủ nhà đó: “Này! Nhầm rồi nhé! Không phải nhà này, là bọn học sinh trên tầng kia kìa!”. Bọn con ở trên nghe thế phải nhịn cười tưởng chết đấy cha ạ.
Những tháng ngày đi học, quậy phá như thế ở Vĩnh Hòa của con vui như thế đó cha.
Rồi cuối cùng con cũng có phòng trọ ở bên ngoài, đó là kỳ nghỉ hè khi con chuẩn bị bước sang năm thứ tư, con cùng một người bạn thuê được căn phòng ở tầng bốn một khu chung cư nằm trên đường Đắc Hòa. Đến thời gian này, con đã không yếu mềm ủy mị như ngày xưa nữa, những tháng ngày làm gia sư ở những khu Bản Kiều, Thổ Thành, Tam Trùng... đã tôi luyện cho con khả năng lái xe tốt hơn, nên khi chuyển nhà, con đã tự chở từng chuyến xe luôn.
Kỳ nghỉ hè năm ấy, thành phố Đài Bắc bắt đầu thực hiện chính sách thu gom rác thải theo túi nhỏ, nghe nói rất nhiều người dân Đài Bắc khi đó đã đợi đến nửa đêm để mang rác ra vứt ở bờ kè bên kia, dần dà thành ra có thêm cả công tác kiểm tra, xem túi người dân mang có rác bên trong không. Thế mà con lại chuyển nhà bằng những chiếc túi nilon đựng rác màu đen cỡ đại, có lần con đã bị cảnh sát tuýt còi dừng lại ngay giữa cầu Phúc Vĩnh, họ mở túi đen của con ra kiểm tra, bên trong nào là chăn đơn mùa đông, móc quần áo, đĩa máy tính, chuột máy tính, hoa hoét lòe loẹt cả lên, nhìn trông cũng có vẻ giống rác thật.
Con ổn định chỗ ở rồi, dưới nhà một bên là chợ, một bên là trường tiểu học đông học sinh nhất Đài Loan, sáng sớm nơi đây ít nhất sẽ có tiếng ồn từ hai nơi này, nếu không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn ào, thì nghĩ một cách lãng mạn, nơi đây cũng mang nhiều nét đặc trưng của Vĩnh Hòa ra trò cha ạ.
Thời gian này, khái niệm về “nhà” của con ngày càng mơ hồ. Như khi con nghe điện thoại nếu đầu bên kia hỏi con đang ở đâu, nếu trả lời đang ở ký túc, có thể bên kia lại hỏi không phải con đã chuyển ra ngoài rồi sao? Nếu con trả lời đang ở nhà, bên kia chắc chắn sẽ hỏi con về Chương Hóa rồi à? Sau này, con cứ trả lời, con đang ở Vĩnh Hòa.
Hai anh khóa trên A và W, sau này một người thì đi Mỹ, một người thì đi Anh, chúng con đã tổ chức một buổi tiễn nho nhỏ ở ngay công viên dưới nhà với những bài hát, rượu, và cả ánh sáng. Khi cả lũ đã ngà ngà say, chúng con châm pháo nhang chơi trò ba điều ước, con đã nói, con muốn được tự do mãi mãi thì ngay lập tức, con bị mọi người mắng: “Cậu tham lam quá đi mất”.
Lúc đó con nghĩ, nhanh lắm, rồi sẽ có một ngày, tất cả những đồ vật trong căn phòng thuê của con bấy giờ như tủ sách, bàn học, giường, quần áo, sách vở đều sẽ được nén thành một chiếc va ly, con sẽ giống như A, như W, sẽ được bay nhảy ra bên ngoài, ra khỏi thành phố nhỏ bé này.
Kết quả là, con chỉ loanh quanh trong cái thị trấn nhỏ bé này, hành lý thì từ mười cái va ly trở thành hai mươi, ba mươi cái, con chuyển từ khu cầu Phúc Hòa, đến cầu Phúc Vĩnh, rồi lại đến khu cầu Trung Chính.
Khu nhà ở thành phố Vĩnh Hòa cạnh cầu Phúc Vĩnh là con ở lâu nhất, con từng ở cả khu nhà chung cư cũ ở ngõ Vĩnh Chinh và đường Phúc Hòa. Lúc đó một người bạn làm biên kịch cũng chuyển đến Vĩnh Hòa, ở ngay gần con, gần đến nỗi mà con tưởng như mỗi lần một trận bão vừa tan, khi tiếng loa phát thanh của khu phát lên tràng thông báo “Văn phòng khu Vĩnh Phúc xin thông báo những xe nào đang đỗ trên cầu tránh bão đã có thể di chuyển được”, thì anh bạn con cũng có thể nghe thấy y như con.
Anh ta ở tầng trên cùng áp mái của tòa nhà trong ngõ phố Trung Hưng, lúc mới chuyển đến hoàn cảnh rất khó khăn, nhà chẳng có gì ngoài bức vách, may thế nào anh ta đi sơn cả một mảng tường thành màu xanh nước biển, thêm chút văn thơ vào nhìn trông cũng có tí gọi là sức sống thanh niên trai tráng. Sau này khi không còn nghèo kiết xác, có điều kiện hơn một chút, chúng con thường hay rủ nhau đi ăn lẩu ở đường Trúc Lâm.
Về sau một người bạn khác ở hội nghiên cứu sinh xã hội học của con cũng chuyển đến khu phía đông đường Hoàn Hà. Anh chàng đã ở mấy năm trời ở khu đường Nam Kinh nên không mấy quen với cảnh vật, ánh sáng ở bên khu bờ trái này, ngày nào cũng vác máy ảnh đi test độ sáng trên bờ đê. Anh ta tâm đắc rằng, mọi thứ ở Vĩnh Hòa này đều mang đậm dấu ấn nơi đây.
Những đứa thuê phòng ở Vĩnh Hòa như bọn con, người Vĩnh Hòa bọn con quen duy nhất chính là những người chủ cho thuê nhà, quá trình giao thiệp với họ đã giúp chúng con tôi luyện bản lĩnh lăn lộn với xã hội, thậm chí cả khả năng nhìn thấu cái tâm thiện ác của người ngoài xã hội sau này. Theo kinh nghiệm của chúng con, những người chủ nhà ở đây đại khái có mấy kiểu sau: Kiểu thứ nhất đa phần là những người công chức nhà nước mẫn cán, rất tuân thủ luật pháp, hoặc là những người ở Đài Trung Đài Nam lên phía Bắc vào những năm kinh tế khởi sắc, sau khi vất vả cày cuốc cả nửa đời thì cũng có thêm được căn hộ thứ hai có thang máy, có nhân viên bảo vệ, họ liền để nhà cũ cho thuê. Đây là những người chủ nhà rất đơn giản, dễ đoán. Kiểu chủ nhà thứ hai lại là những tay trọc phú hợm hĩnh, lúc ký hợp đồng thì miệng cười niềm nở, nhưng sau đó cần thì không thấy, điện nước hỏng hóc tiệt không thấy bóng, đến hạn hợp đồng lại tìm mọi cách trừ khoản nọ khoản kia, cấm không thấy trả lại đồng nào bao giờ, hoặc thậm chí tự dưng họ lại muốn bán nhà, và yêu cầu chúng con dọn khỏi nơi đó trước hạn hợp đồng.
Cứ sáu tháng đến một năm chuyển nhà một lần ở Vĩnh Hòa, con đã quen với việc nhìn các mẩu giấy dán đỏ thông báo cho thuê nhà rồi cha ạ, kể cả khi không có nhu cầu tìm phòng ở, con vẫn theo phản xạ nhìn vào những mẩu giấy dán đó ở bảng tin dọc các đường Trúc Lâm, Vĩnh Trinh hay bảng tin chếch đối diện tòa thương mại Thái Bình Dương ở đường Bảo Sinh, có đi qua con cũng không bỏ lỡ những mẩu thông báo này, để phòng khi cần dùng đến.
Trong năm, sáu năm ở Vĩnh Hòa, con rất ít khi chăm chỉ đi làm thêm mà đa phần con dành thời gian để đi thăm thú mọi nơi, các con ngõ nhỏ vùng này nhiều như mê cung không sao đi hết nổi, trong lúc đi lang thang phố phường, con cũng vẫn ngẩng đầu tìm kiếm những mảnh giấy thông báo cho thuê nhà, y như đã thành thói quen cố hữu.
Thông thường, qua các mẩu giấy quảng cáo, đôi khi nhìn thấy trên lan can nhà nào bày biện nhiều thanh gỗ trang trí, con hay thầm xuýt xoa: Chao ôi, họ đúng là một nhà nghệ thuật. Hoặc nếu thấy nhà nào có cả cánh cửa kính đẩy ra đẩy vào được, lớp cửa chính bên trong thoắt ẩn thoắt hiện, con lại trầm trồ, chà chà, thật là sang quá. Hoặc như khi thấy một dãy nhà cũ kỹ san sát nhau, tự dưng con lại thấy thật là thú vị ghê. Những mẩu giấy quảng cáo chằng chịt, không thứ tự trước sau ở Vĩnh Hòa đã luyện cho con phản xạ trầm trồ à ồ như thế đấy cha ạ.
Những người ở Vĩnh Hòa lâu có cảm giác phương hướng rất tốt, một khi đã phân biệt được những tuyến đường ở đây như đường Trung Hòa, đường Vĩnh Hòa, đường Trung Sơn và đường Trung Chính thì cho dù có thế nào cũng không bao giờ sợ lạc đường nữa.
Trạm dừng chân cuối cùng của con ở Vĩnh Hòa là tòa nhà mười bảy tầng trong khu dân cư ở đường tây Hoàn Hà. Chuyển tới chuyển lui, cuối cùng con lại đi ở ngay dãy đầu tiên gần bờ sông, nhưng hướng nhà lại không phải là nhìn ra hướng bên ngoài sông thoáng đãng mà lại là quay vào bên trong, nhìn được toàn cảnh Vĩnh Hòa. Tức là, cha ạ, sẽ là những tòa chung cư bốn, năm tầng san sát, những mái nhà đỏ, xanh liên tiếp, sáng sớm còn có cả mùi thơm của món bánh nướng, sữa đậu nành truyền thống, nửa đêm có mùi hải sản xào của hàng hải sản rong ven đường, có hôm mấy anh chàng bán hàng này còn bị đánh đập đến nỗi phải gọi xe cứu thương. Thật là những mùi đặc trưng của Vĩnh Hòa.
Sau đó, con lại phải chuyển nhà, nhưng lần này khác một chỗ, con rời đi khỏi Vĩnh Hòa cha ạ. Những lần chuyển nhà trước, vì điều kiện kinh tế có hạn, khoảng cách cũng gần nên “công cụ chuyển nhà” hữu dụng của con chính là em gái, em khóa dưới và cả bạn trai của em ấy nữa. Nếu là con, nếu là bạn trai quen đã lâu, có khi chỉ cần vì một việc nhỏ như có nên vứt miếng đậu phụ nát trong tủ lạnh đi hay không mà cãi nhau, nhưng nếu là người bạn trai mới quen không lâu, thì con phát hiện ra rằng, cha mẹ ơi, nguyên nhân chia tay có thể đến từ hai phía, bất cứ lúc nào, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tiến độ chuyển nhà. Bởi vậy, nếu có thể “tận dụng” được bạn trai của người khác thì tranh thủ “tận dụng”, đợi khi chuyển nhà xong mời luôn mấy người đó đi ăn một bữa, cũng coi như là mừng về nhà mới.
Nhưng không hiểu có phải do số con xui xẻo hay không, những cậu bạn trai từng giúp con chuyển nhà thì sau đó đều đã chia tay với đám bạn của con cả. Những cậu bạn trai mới trước khi đến làm “phu chuyển nhà” giúp con chắc cũng không được biết đến thành tích “một năm ít nhất một hai lần chuyển nhà” của con nên lần này hai “phu chuyển nhà chuyên nghiệp” Đại Long và Tiểu Long cũng xuất hiện rất nhanh ở nhà con. Hai cậu này đều tuổi Thìn, một cậu ba mươi tuổi, một cậu mười tám tuổi. Sau màn tự giới thiệu về mình, cậu Đại Long nhìn một vòng quanh nhà rồi nói với con: “Này chị, hai cái xe cũng không chở được hết đồ của chị, ok?”.
Cuối cùng, hai cậu Long tốt bụng đã chở cho con hai chuyến đồ mà không tính tiền công cha ạ. Hai chuyến xe cũng chất được nửa cả cái xe tải rồi. Lúc tiễn hai cậu ấy về, tự nhiên con lại ngâm nga lời bài hát lúc tiễn hai anh A và W ra nước ngoài, khi chúng con đứng dưới chân cầu vào cái ngày mùa hè năm đó: “Nếu như cuộc sống bên ngoài không vui vẻ, thì hãy mau quay về nhé...”.