Để trở thành cha mẹ tỉnh thức, ta cần nhận biết sự vô minh, vốn được ta kế thừa từ các thế hệ trước, ảnh hưởng tiêu cực đến con ra sao. Ví dụ:
Chính ta dạy con tham lam khi ta cho con kim cương thay vì trao cho con cây gậy và những viên đá.
Chính ta dạy con sợ phiêu lưu mạo hiểm khi ta thưởng cho con mỗi khi đạt thành tích và mắng mỏ khi con thất bại.
Chính ta dạy con nói dối khi ta tức giận vì con nói thật.
Chính ta dạy con ích kỉ và bạo lực với người khác khi ta xem nhẹ cảm xúc của con và từ chối con vô điều kiện.
Chính ta dạy con đánh mất động lực và nhiệt tâm khi ta tạo áp lực để con phải xuất sắc và làm gì đó “nên cơm nên cháo”.
Chính ta dạy con không tôn trọng ta khi ta hối thúc con trở thành một người mà ta mong muốn chứ không phải người mà con muốn trở thành.
Chính ta dạy con trở thành kẻ hay bắt nạt khi ta áp chế tinh thần và không cho con được thể hiện quan điểm cá nhân.
Chính ta dạy con bối rối và bị chế ngự khi ta trao cho con mọi thứ bên ngoài nhưng không cho con công cụ để suy ngẫm nội tâm.
Chính ta dạy con lơ đễnh và xao nhãng khi ta khiến con bận rộn với quá nhiều hoạt động mà không có không gian để tĩnh lặng.
Chính ta dạy con sống thiên về vẻ bề ngoài khi ta dành quá nhiều thời gian và năng lượng vào diện mạo bên ngoài.
Chính ta dạy con không tôn trọng ta khi ta không ngăn chặn con trong lần đầu tiên con có thái độ bất kính và những lần sau đó.
Chính ta dạy con ngang bướng vì ta không biết cách đề ra quy tắc và nói là làm.
Chính ta dạy con hổ thẹn vì ta đổ lỗi cho tinh thần của con và liên tục phán xét con.
Chính ta dạy con lo lắng vì ta phủ nhận sự tán dương đối với hiện tại và chỉ hướng đến ngày mai.
Chính ta dạy con không được yêu mến bản thân vì ta liên tục phân loại cảm xúc của con thành cảm xúc được và không được ta chấp nhận.
Chính ta dạy con không được tin tưởng thế giới vì ta phản bội con mỗi khi ta không nhìn thấy bản chất của con.
Chính ta dạy con yêu thương hoặc không yêu thương bởi mức độ ta yêu thương hoặc không yêu thương bản thân.
Tất cả chúng ta đều cảm thấy sự thôi thúc phải hành động một cách quen thuộc, dễ đoán. Thật sự không dễ dàng gì để ta từ bỏ thói quen này và phản ứng một cách nguyên bản, tự nhiên, mặc dù ta cần phải làm vậy để nuôi dạy con hiệu quả. Trước thách thức phải nuôi dạy những đứa con luôn quan tâm đến chủ nghĩa và phong cách cá nhân, ta không thể áp đặt thói quen của bản thân cho con, nếu không con sẽ mất đi sự nguyên bản của bản thân. Thay vì bắt buộc con phải kết nối tinh thần của con với sự không nguyên bản của ta, dạy con trong tỉnh thức đòi hỏi ta phải tạo sự đối xứng giữa sự tiếp cận mệt mỏi, hoài nghi, bực bội, gay gắt của ta với sự nguyên bản của con.
Sự hài lòng của con đối với cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mối quan hệ với ta. Nếu mối quan hệ ấy không củng cố sự kết của con với thế giới nội tâm của chính con, linh hồn khô nẻ của con sẽ tìm cách hồi phục sự kết nối này thông qua các biện pháp khác. Con sẽ tìm đến các yếu tố bên ngoài như cửa hàng quần áo, góc tụ tập của nhóm bạn, sòng bài, rượu, kim tiêm, hay ly hôn rồi tái hôn. Nhưng nếu mối quan hệ giữa con và ta khuyến khích con đối thoại giàu ý nghĩa với bản tâm, con sẽ sống hài hòa với chính bản thân con và đây là chìa khóa để con đến với cuộc sống giàu ý nghĩa.