Cha mẹ đem đến cho con sự chỉ dẫn về cảm xúc, sự ổn định, sự chấp thuận và sự an toàn, còn con đến với cha mẹ để dạy cha mẹ biết những điều mà chỉ trẻ con mới thể làm được: sống trọn vẹn với cuộc sống hiện tại, nguyên bản, sự tự nhiên vui vẻ mà người lớn đã đánh mất một cách vô thức khi trưởng thành.
Nuôi dạy con đòi hỏi ta phải hiện diện từng-giây-từng-phút bên con, tạo cơ hội cho vô số những sự việc mà ta tham gia hoặc không tham gia. Vì vậy ta không thể đưa ra sách lược tài tình ở đây và bí quyết khéo léo ở kia. Nuôi con tỉnh thức là phương pháp sống động, cơ bản, tận dụng từng khoảnh khắc để con được đắm chìm trong mối quan của ta với cuộc sống và nhờ đó, con biết cách nghe theo tiếng lòng để có thể đặt dấu vết độc đáo của bản thân trong cuộc sống này. Vì vậy, cách ta kết nối với bản tâm của chính mình và thể hiện mục đích cá nhân sẽ ảnh hưởng đến con hơn tất thảy.
Vì vậy, ta cần biết cách giám sát xem mình sống thực với hiện tại đến đâu, bằng cách tạo thói quen tự đặt câu hỏi như:
Mình có thể trấn tĩnh và ngồi yên tĩnh không?
Mình có thể tạm ngừng suy nghĩ và ngửi, lắng nghe và nếm mọi khoảnh khắc không?
Mình có thể cười vui vẻ ngay cả khi cuộc sống không như mong đợi không?
Mình có thể tỏ lòng cảm thông với người khác khi mình đang bị tổn thương không?
Mình có trân trọng thân thể mình không?
Mình có theo đuổi đam mê của bản thân không?
Mình có yêu thương cuộc sống không hoàn hảo của mình không?
Mình có thể là chính mình, khi không là gì cụ thể và không làm gì không?
Mình có thể tìm đến cảm xúc sâu thẳm nhất mà không sợ bị cười chê hay tủi hổ không?
Mình có định hướng thế giới này từ trong nội tâm không?
Nếu ta có thể sống với thực tại như vậy, con cũng sẽ học được điều đó – không phải từ lời nói, mà từ khả năng của ta: khả năng hiện hữu với bản thân; không phải từ món đồ ta mua cho con hay ngôi trường mà ta cho con theo học, mà từ sự nhận thức được thức tỉnh của chính ta.
Sự thật là rất ít người trong số chúng ta biết cách trải nghiệm kinh nghiệm của bản thân mà không có sự can thiệp của tâm trí, tức là chỉ cần hiện diện và sống với thực tại của trải nghiệm ấy. Một cách vô thức, ta luôn bị mắc kẹt giữa hai thái cực: cái này hoặc cái kia, hoặc là thế này hoặc là thế kia, tốt – xấu, niềm vui – buồn đau, tôi – bạn, quá khứ – tương lai, và cả mối quan hệ cha mẹ – con cái. Thời khắc mà tâm trí ta có ý nghĩ theo hướng hai thái cực như vậy, nó tạo ra sự ngăn cách giữa bản thân ta và thế giới. Ta không nhận thấy mình đang tạo ra sự ngăn cách ấy, nhưng phần lớn thời gian ta thực sự làm như vậy. Ta gặp một người mới và ta đánh giá họ ngay lập tức. Ta quan sát con và tự nhủ ngay “Con ngoan quá”, “Con bé hư thật”, hay “Sao thằng nhỏ lại cư xử như vậy nhỉ?” Ta cảm thấy mình phải đưa ra lời phán xét đối với thực tại ngay lập tức.
Để đến với thực tại trong trạng thái như nhiên quả thực rất lạ với ta. Để thực sự hiện diện với thực tại của mình, trong trạng thái như nhiên của nó, thay vì ta mong ước thực tại ấy phải thế nào, ta cần biết trấn tĩnh tâm trí và tách bạch mối ưu tư với quá khứ và tương lai. Ta cần phải tập trung vào hiện tại. Thay vì nhìn mọi thứ thông qua tấm mạng của ý nghĩ theo chiều hướng hai thái cực, ta bước vào trạng thái trải nghiệm thuần túy.
Ta khó có thể đến với con trong trạng thái như nhiên của con nếu ta không sống với hiện tại của cuộc sống. Thay vào đó, ta tìm cách áp đặt lên con những lý tưởng vốn bị áp đặt từ quá khứ của ta. Con là “của chúng ta”, nên ta vẫn tin rằng ta có toàn quyền áp đặt như vậy. Vì vậy ta nuôi dạy con nhưng lại áp chế bản chất cốt yếu của con. Ta trở thành một thành viên trong vòng xoay vô thức của xã hội thay vì thoát ra khỏi đó.
Sự vô minh của bạn không phải là yếu tố mà con phải thừa kế; bạn có nghĩa vụ khai phá sự vô thức đó. Nuôi dạy con tỉnh thức nghĩa là bạn ngày càng có ý thức về động lực và sự phổ biến của sự vô thức đó khi nó trỗi dậy trong các tình huống thường nhật.
Nếu được nuôi dưỡng bởi cha mẹ tỉnh thức, trẻ sẽ biết sống hài hòa với bản thân và kết nối với niềm vui trong lòng, khám phá ra sự giàu có của vũ trụ và biết cách thích nghi với dòng chảy liên tục đó. Coi cuộc sống là một người bạn đồng hành, trẻ sẽ tiếp ứng với thách thức của cuộc sống bằng sự hiếu kì, niềm phấn khích và sự tôn trọng. Biết cách chung sống hòa bình với nội tâm và hiểu rõ niềm vui cố hữu của bản thân, sau này trẻ biết dạy các thế hệ tương lai sống vui vẻ với cuộc đời.
Niềm vui ấy có thể truyền vào tâm hồn con người ý thức về sự trao quyền. Không còn chỗ cho những trò chơi giành giật quyền lực và sự kiểm soát, bởi nó đã được thay thế bằng trải nghiệm của một người với mọi thứ, để cuộc sống căng tràn khả năng hàn gắn cho các thế hệ mai sau.