C
ó 2 bước cơ bản để tìm kiếm các khách hàng mới:
• Tìm người phù hợp để bán sản phẩm
• Bán được sản phẩm cho họ
Ở ĐÂY, Ở ĐÓ, Ở KHẮP NƠI
Ban nhạc nổi tiếng The Beatles có một bài hát mang tên Here, There and Everywhere – nghĩa là Ở đây, ở đó, ở khắp nơi. Và để tìm khách hàng tiềm năng, bạn chỉ cần dựa theo tựa bài hát đó. Thật vậy, bạn có thể tìm thấy khách hàng tiềm năng ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu bạn chỉ chào hàng qua điện thoại (cold call) , cơ hội này sẽ hóa thành một thử thách. Ngược lại, việc thu thập những thông tin sâu hơn, đáng tin cậy hơn (warm prospect) sẽ rất có ích khi cần tiếp thị khoản đầu tư, bảo hiểm, kế hoạch tài chính, hay xa hơn nữa là sự bình yên trong tâm hồn và niềm vui khi thu được lợi nhuận.
Bạn bè và gia đình. Hãy bắt đầu bằng cách liên lạc với bạn bè và các thành viên trong gia đình. Đây là những người biết bạn, thích bạn và tin tưởng bạn. Còn nếu họ không hiểu, không thích, không tin tưởng bạn, tôi nghĩ bạn nên chọn một ngành nghề khác ít giao thiệp hơn. Trong trường hợp lý tưởng, họ sẽ hào hứng khi biết người thân, người quen của mình có kỹ năng mình còn thiếu, để mình có thể nhờ cậy. Chắc chắn họ sẽ muốn sử dụng trí tuệ và dịch vụ của bạn.
Chưa kể, họ còn có đồng nghiệp, bạn bè riêng và trong số đó, nhất định sẽ có người cần kỹ năng tài chính cũng như các sản phẩm và dịch vụ của bạn, ít nhất là trong tương lai nếu không phải ngay bây giờ.
Dưới đây là một ví dụ về tìm kiếm các khách hàng “trong tầm tay”.
Chắc hẳn bạn có bạn bè làm trong đủ mọi ngành nghề. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ họ chính là nguồn khách hàng tiềm năng chưa? Tôi cá là bạn chưa từng có ý nghĩ ấy. Trên thực tế, không nhiều người làm trong ngành tiếp thị sản phẩm, dịch vụ có thể nhận ra nguồn khách hàng tiềm năng dồi dào ở ngay bên họ.
Bạn hãy phủ sóng mình rộng hơn. Bất kỳ người quen nào của bạn đều có nhóm người quen của họ, và các nhóm ấy sẽ rất đông là đằng khác. Từ nay, trong mọi buổi hẹn, dù bạn là người trao hay nhận dịch vụ, bạn đừng ra về mà không suy nghĩ về việc liệu đối phương có người quen nào có thể cần dịch vụ của bạn không.
Người quen. Bạn cũng đừng nên bỏ qua những người bạn chỉ quen sơ. Mỗi ngày, bạn gặp gỡ rất nhiều người, và trong số đó sẽ có những người cần dịch vụ của bạn hoặc quen biết những người khác cần dịch vụ của bạn. Tôi (lại) cá rằng bạn không hề nhớ mỗi ngày bạn gặp (hoặc có thể sẽ gặp) bao nhiêu người. Bạn nghĩ xem, bạn có vào tiệm cà phê không? Bạn có vào hiệu thuốc để lấy đơn mới không? Bạn có ra ngoài ăn trưa không? Bạn có đưa đón con đến buổi tập đá banh không? Và trên đường về nhà, bạn có đi chợ không? Bạn nghĩ xem?
Mỗi một tình huống nêu trên đều tạo ra vô số cơ hội để bạn tiếp cận gần gũi với những người cùng đường. Đừng vô thức nữa, hãy chủ động làm quen với họ.
Bạn hãy chuẩn bị một “đoạn quảng cáo” 30 giây về bản thân, sản phẩm và dịch vụ của bạn để khi gặp người mới, bạn có thể “phát” ngay đoạn quảng cáo ấy. Khi đã có sẵn nó trong đầu, bạn nhớ phải áp dụng nó. Dưới đây là một ví dụ:
“Xin chào, tôi là Hank Martin. Công việc của tôi là giúp mọi người, và có thể là cả bạn nữa, để họ đạt được Giấc mơ Tài chính bằng cách cung cấp những thông tin chuyên môn về cơ hội đầu tư, để bạn an tâm rằng tiền đầu tư đang thực hiện đúng yêu cầu của bạn. Có thể nói, tôi giúp các gia đình và cá nhân biết cách tiết kiệm và kiếm tiền, qua đó xóa nợ và củng cố tài chính.”
Các doanh nghiệp khác. Các công ty quanh bạn chính là nguồn khách hàng tiềm năng lý tưởng. Hãy luôn làm việc hết mình để gây được ấn tượng tốt với bất kỳ công ty nào bạn hợp tác, dù bạn là người mua hay người bán dịch vụ. Một trong những cách tiếp thị quyền năng nhất ngành quảng cáo chính là truyền miệng, và khi hình ảnh của bạn được những công ty có uy tín quảng bá, người khác sẽ lắng nghe và tin tưởng.
Chu kỳ sản phẩm. Mỗi sản phẩm hay dịch vụ đều có một vòng đời hữu hạn: trái phiếu sẽ đáo hạn, bảo hiểm định kỳ sẽ kết thúc. Một kế hoạch tài chính 5 năm sẽ không thể kéo dài một cách tự nhiên suôn sẻ sang năm thứ 6. Vậy nên trước khi sản phẩm “hết hạn”, bạn hãy liên lạc với khách hàng để có thể được họ tin tưởng nhờ cậy khi họ cần gia hạn lại sản phẩm hay dịch vụ, hoặc giới thiệu cho họ một sản phẩm mới phù hợp hơn với chu kỳ tiếp theo của cuộc đời họ.
Ví dụ, nếu bạn để ý thấy thị trường trái phiếu đang đình trệ dần, tốt nhất là bạn nên liên lạc với những người mà bạn biết đã mua trái phiếu và thảo luận với họ về việc đầu tư có lợi hơn vào thị trường chứng khoán chẳng hạn. Khi làm vậy, bạn không chỉ đang giúp công việc làm ăn của chính mình mà còn cung cấp được dịch vụ cho đúng người cần nó.
“Anh Mike và chị Martha này, năm ngoái chúng tôi đã giúp anh chị thiết kế một kế hoạch đầu tư phù hợp, nhưng cuộc sống của chúng ta thay đổi rất nhanh, nên chúng tôi nghĩ rằng anh chị nên xem lại kế hoạch sau một năm để bảo đảm rằng kế hoạch vẫn chạy đúng với mục tiêu tài chính mà anh chị đang nhắm tới.
Hơn nữa, mỗi năm lại có vô số sản phẩm tài chính mới xuất hiện nhằm giúp những nhà đầu tư như anh chị có thêm cơ hội, và tôi có một số đề xuất liên quan đến tình hình hiện tại của anh chị. Nếu được, tôi có thể ghé qua để bàn về một số cơ hội rất khả thi và phù hợp với nhu cầu của anh chị không?”
Hãy luôn nắm bắt tình hình mới nhất của ngành này, vì mọi thứ luôn thay đổi – đó là quy luật tự nhiên. Khi bạn để ý thấy nền kinh tế thay đổi, có thể là trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn tài chính, luật nhà đất, môi trường kinh tế địa phương, xu hướng kinh doanh tài chính hoặc bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến bạn và khách hàng của bạn, hãy tận dụng và hành động ngay. Liên lạc với khách hàng để giành cơ hội giúp đỡ họ khi sự thay đổi đến. Bạn sẽ không chỉ cung cấp được dịch vụ mà bạn còn củng cố được hình ảnh một chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp và chủ động của bạn trong nghề này.
Khách hàng bị bỏ sót. Nếu bạn là nhân viên hay làm chủ một công ty với quy mô vừa trở lên, danh sách khách hàng của bạn sẽ khá dài. Và trong quá trình họ đến rồi đi, khả năng cao là sẽ có vài người bị bỏ sót hoặc quên mất. Những người này vốn đã hiểu kha khá về dịch vụ và sản phẩm của bạn, cũng như có thể được chúng làm hài lòng, chính là những khách hàng tiềm năng tuyệt vời cho những sản phẩm và dịch vụ mới của bạn. Hãy kiểm tra lại với cấp trên, đồng nghiệp và xem lại hồ sơ công ty để tìm ra những mỏ vàng chưa khai quật này.
Truyền thông. Hãy tìm hiểu truyền thông thật kỹ. Dù quy mô thị trường của bạn là địa phương hay toàn quốc thì trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, tạp chí, tập san, trang mạng và rất nhiều nguồn thông tin khác, bạn sẽ luôn tìm được những thông tin có ích để phát triển sự nghiệp.
Tin tức đã được định sẵn là luôn tập trung vào những điều tiêu cực. Ngành truyền thông có câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi không đưa tin về những chuyến bay hạ cánh an toàn”. Tuy điều đó có lý, nhưng nó vẫn là tác nhân tạo ra suy nghĩ tiêu cực với nhiều người. Độc giả có thể sẽ tin rằng mọi tin tức đều tiêu cực, từ đó kết luận là giờ không phải lúc để đầu tư vào các dịch vụ tài chính. Lối suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến kết quả tiêu cực. Rồi sẽ đến một ngày, chính những dịch vụ họ vốn sợ phải đầu tư vào lại là những dịch vụ họ cần nhất.
Bạn hãy thật cẩn trọng khi “chiến đấu” với nỗi sợ đó, đồng thời cũng phải thật quyết liệt. Dù tin tức có tiêu cực đến đâu thì chắc chắn vẫn có một vài tin tốt để cân bằng lại. Chưa kể, chính những tin tiêu cực cũng có thể là lý do để bạn hành động, vì suy cho cùng, chẳng phải lúc nền kinh tế bấp bênh chính là lúc khách hàng cần sự trợ giúp về tài chính sao?
Hãy đọc, xem và lắng nghe tin tức để phát hiện ra những tin đáng tiền trong lĩnh vực này và cả cộng đồng của bạn. Hãy để ý xem ai đang được thăng chức, hay công ty nào đang đầu tư vào thành phố của bạn. Hãy cố gắng tạo được mối quan hệ với họ. Trái với quan niệm của nhiều người, việc này không quá khó, thậm chí có nhiều mối quan hệ còn cực kỳ dễ kết nối. Bạn chỉ việc nhấc điện thoại lên và giới thiệu bản thân mình, rồi đặt một cuộc hẹn không chính thức, hoặc chính thức với danh nghĩa công ty cũng được, để có thể hiểu họ hơn. Tiếp theo, hãy mời họ sử dụng dịch vụ của bạn. Nếu đối phương là “ma mới” trong cộng đồng, hãy là một vị tiền bối giúp họ hòa nhập cộng đồng. Mấu chốt ở đây là bạn phải luôn sẵn sàng gặp gỡ người mới – luôn luôn. Hãy tìm hiểu nhu cầu của họ và giúp họ hiểu những sản phẩm và dịch vụ của bạn có thể đáp ứng những nhu cầu đó một cách hoàn hảo thế nào.
Nhà cung cấp. Lợi ích của nhà cung cấp đối với bạn không chỉ là cung cấp được sản phẩm cho bạn, mà rất có thể họ cũng sống trong khu vực của bạn và quen biết rất nhiều người. Họ cũng có thể nắm những thông tin bạn ít khả năng tự tìm được. Ví dụ, bạn biết ông X vừa được thưởng một khoản kha khá nhờ thành tích cuối năm ở công ty, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận để tư vấn cho ông một gói đầu tư tài chính phù hợp với số tiền vừa nhận được.
Quy luật 5 mét. Hãy xem bất cứ người nào đến gần bạn trong vòng 5 mét là một khách hàng tiềm năng, hay ít nhất là một nguồn giới thiệu. Thật đấy, đây cũng là một phần của cách suy nghĩ Ở đây, ở đó, ở bất cứ đâu. Nếu có thể, hãy bắt chuyện làm quen một cách thân thiện với họ, và trong câu chuyện nhớ sử dụng mẩu quảng cáo 30 giây của bạn. Số người cần hoặc biết ai đó cần dịch vụ của bạn sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy!
Mạng Internet. Hãy tận dụng Internet để kết nối với khách hàng. Chỉ cần đăng nhập trên mạng và gõ vài từ khóa vào máy vi tính là bạn đã truy cập được một khối lượng thông tin vô cùng khủng về bất cứ lĩnh vực nào. Bạn chỉ việc ngồi êm ấm trong văn phòng mà vẫn có thể tìm kiếm thông tin về toàn bộ ngành công nghiệp hay chỉ một vài công ty và tổ chức nhất định, hoặc thậm chí là vị giám đốc của một tập đoàn nào đó.
Hãy tạo trang web riêng để các khách hàng tiềm năng có thể tìm hiểu và liên lạc với bạn dễ dàng, nhanh chóng. Một khi đã tạo trang web riêng, hãy nhớ phổ biến nó đi bất cứ đâu có thể: trên danh thiếp, trên đầu thư, các mẩu quảng cáo, chữ ký, thông cáo, v.v... Hãy giúp mọi người tìm được bạn một cách dễ dàng.
Biển quảng cáo. Một trong những vị trí lý tưởng nhất để quảng cáo chính là trên xe ô-tô của bạn. Bạn cứ nghĩ mà xem, khi bị tắc đường trên cao tốc hoặc xa lộ, bạn biết nhìn vào đâu nếu không phải vào những chiếc xe khác? Thế nghĩa là hành khách trên những chiếc xe đó cũng có thể đang nhìn vào xe bạn. Vậy tại sao bạn không giúp họ tránh sự nhàm chán bằng vài câu chữ nhỉ?
Tôi đã tìm được vô số sản phẩm và dịch vụ khi chỉ ngồi yên trong xe mình. Bạn nghĩ xem, biết đâu có ai đó đang cần sản phẩm và dịch vụ của bạn, và khi họ ngồi trong xe nhìn ra bên ngoài, họ lại thấy được ngay tên bạn, tên công ty, địa chỉ công ty, địa chỉ e-mail, số điện thoại của bạn và nhận ra bạn chính là người nắm giữ giải pháp cho khúc mắc tài chính đang làm họ đau đầu. Chỉ cần gắn một tấm biển nhỏ vào bên cửa xe thôi là bạn đã có thể khiến khách hàng gắn bó với mình.
Công nghệ cao. Xu hướng của vài năm trước là mời chào khách hàng bằng những tập quảng cáo in sẵn gửi qua đường bưu điện. Sau đó, công nghệ đã phát triển hơn và giá cả cũng đã hợp lý hơn, vì vậy các công ty bắt đầu gửi “tập quảng cáo” bằng băng video, và tiếp theo là CD và DVD. Mạng Internet đã khơi mào cuộc cách mạng về phương pháp làm việc của vô số công ty và cá nhân. Hiện nay, không ít người chọn phương pháp tìm khách hàng qua các trang web hoặc các chiến dịch qua e-mail, vì đây chính là những công cụ hữu dụng cho việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Bạn hãy tận dụng chúng theo cách phù hợp với nhu cầu quảng bá của bạn, và hãy luôn nhớ rằng công nghệ vẫn luôn tiếp tục phát triển. Khi các công cụ công nghệ mới ra đời, bạn hãy tiếp tục sử dụng chúng nếu chúng phù hợp với nhu cầu của bạn.
MẠNG LƯỚI
“Mạng lưới” là một nhóm người giúp đỡ nhau đạt được các mục tiêu của từng cá nhân. Tôi giúp bạn đạt được điều bạn muốn; đổi lại, bạn cũng giúp tôi đến được nơi tôi cần. Hình thức giúp đỡ này có thể (và sẽ) xuất hiện trong cuộc đời bạn bằng nhiều hình thức.
Ví dụ, bạn vừa mở công ty riêng. Bạn cần lời khuyên của các chuyên gia như luật sư, kế toán, chuyên viên bất động sản, hay các nhà cung cấp. Lúc này, một trong số những người thuộc mạng lưới người quen có thể sẽ giới thiệu được cho bạn vài người có ích. Mà bạn cũng không cần phải tìm cách đáp lễ ngay, vì biết đâu sau này người đó lại cần nhờ bạn viết một bài phát biểu cho nhóm doanh nhân của họ. Nếu đấy là thế mạnh của bạn, đừng chần chừ gì mà hãy nhận lời giúp họ với bài phát biểu đó ngay. Mấu chốt của mạng lưới người quen là giúp đỡ thành viên khác bằng bất cứ lĩnh vực nào bạn giỏi, miễn là cả hai hiểu được lý do mình giúp người kia.
Điều quan trọng đối với mạng lưới người quen là bạn phải xem họ như là một nhóm bạn bè thân chứ không phải là một hội trao đổi. Bạn đừng nên nghĩ theo hướng“Cô ấy đã giúp mình, thế là mình nợ cô ấy rồi”, mà hãy nghĩ rằng “Mình có thể giúp cô ấy thế nào? Cô ấy cần gì?”. Mạng lưới người quen cũng như mọi khía cạnh khác của cuộc sống, bạn càng bỏ công sức đầu tư vào nó, bạn sẽ càng thu được nhiều lợi ích từ nó.
Nếu bạn chưa nằm trong một mạng lưới người quen nào đó, hãy bắt đầu xây dựng mạng lưới cho mình. Việc xây dựng mạng lưới rất thú vị và bạn sẽ gặp được nhiều người vĩ đại. Nhưng bạn nên nhớ đừng gói gọn mình trong một giới hạn nào: bạn đừng nghĩ công việc tư vấn tài chính là chỉ ngồi ở văn phòng thì bạn không thể gặp gỡ được giới “cổ cồn xanh” (tức nhóm người làm nghề lao động chân tay). Anh công nhân cơ khí ở tiệm ô-tô bạn hay đến bảo trì xe, người đưa thư bạn quen hay bất kỳ ai ở bất kỳ ngành nghề nào đều có thể giúp hoặc nhận sự trợ giúp từ mạng lưới của bạn.
Khi bạn đã có liên hệ trong một mạng lưới nào đó, hãy luôn nhớ rằng thành công phụ thuộc vào sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau – bạn cho đi bao nhiêu thì bạn sẽ nhận lại bấy nhiêu. Hãy chia sẻ những thông tin, mối khách hàng và mối quan hệ mà bạn có, rồi bạn sẽ được nhận lại những thông tin, mối khách hàng và mối quan hệ có ích cho bạn.
Hãy xem ví dụ dưới đây giữa bạn và Joe, người thợ bảo trì máy photocopy cho bạn.
Joe: “Chị Henning, tôi đã kiểm tra bảo trì toàn diện máy photocopy của chị rồi. Tôi cũng đã đổi hộp mực và vặn lại vài cái vít. Cái máy sẽ chạy tốt, ít nhất có thể phô tô một trăm ngàn bản nữa.”
Bạn: “Cảm ơn nhé, cậu Joe.”
Joe: “Dạo này công việc của chị thế nào?”
Bạn: “Cũng ổn, nhưng tôi vẫn luôn tìm kiếm khách hàng mới.”
Joe: “À, nhắc mới nhớ, nhà tôi có tin vui. Vợ chồng em gái tôi vừa có đứa nữa, tôi biết hai em ấy đang cần mua thêm bảo hiểm nhân thọ. Mà tôi chắc là hai đứa nó cũng chưa tính tới học phí đại học cho bé sau này đâu. Tôi nghĩ hai em ấy sẽ muốn nói chuyện với chị.”
Bạn: “Vậy cậu cho tôi tên và số điện thoại liên lạc của họ được không?”
Joe: “Được chứ, chị cho tôi xin một tấm danh thiếp, để cuối tuần này gặp nhau tôi đưa cho họ luôn.”
Và cuối cùng, tôi muốn nhắc đến một yếu tố tác động đến mọi yếu tố khác, hay nói cách khác là tác động đến cả sự nghiệp của bạn: niềm tin. Người ta sẽ không hợp tác với ai đó họ không tin tưởng. Đúng là sự lừa lọc vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng bạn nghĩ xem, có bao nhiêu khách hàng sẽ quay lại với một kẻ lừa đảo? Bao nhiêu người sẽ giới thiệu người quen của mình cho hắn? Chưa kể lời đồn về danh tiếng của hắn sẽ ảnh hưởng đến mọi giao dịch, chuyện làm ăn và cả cuộc sống riêng trong tương lai. Khi bạn lừa đảo, nạn nhân lớn nhất chính là bản thân bạn. Hãy nhớ xây dựng sự tin tưởng và doanh nghiệp của bạn cũng sẽ được xây dựng theo.
Mà niềm tin không thể được xây bằng sự ngay thẳng trong giờ cầu nguyện ở nhà thờ, rồi khi đi làm bạn lại giở mánh khóe. Những kẻ đạo đức giả không thể trụ lâu trong ngành này. Đừng coi việc xây dựng lòng tin là một quá trình. Hãy coi nó là lối sống.
Trong cuốn Sales Prospecting for Dummies (tạm dịch Nhập môn Tìm kiếm Khách hàng Tiềm năng), tôi đã thiết kế một bài kiểm tra “Đạo đức cơ bản”. Mỗi khi bạn gặp phải trở ngại khi ai đó nghi ngờ sự trung thực của bạn, hãy thực hiện bài kiểm tra này. Hãy tin tôi, bài kiểm tra này sẽ giúp bạn đi đúng hướng.
• Mình có muốn bị ai đó làm vậy với mình không?
• Nếu có người làm thế này với mình thì sao?
• Nếu mình lựa chọn thế này, liệu có ai sẽ bị thiệt hại không? Người đó là ai, thiệt hại tới đâu?
• Mình có dám nhìn thẳng vào mắt bố mẹ/thầy cô/con cái của mình mà kể về việc này không?
• Nếu việc này lên mục tin tức trên truyền hình tối nay, mình có tự tin xem nó không?
Khi bạn gặp thử thách dạng này, hãy suy nghĩ dù chỉ vài giây. Hãy xem mình là một chuyên viên thực thụ mà suy nghĩ, và bạn sẽ biết mình nên hay không nên làm gì.
NHẮM VÀO THỊ TRƯỜNG PHÙ HỢP
Những khách hàng rải rác khắp đó đây sẽ khiến bạn khó tập hợp họ lại thành một nhóm. Hãy thu gọn mục tiêu để nhắm vào một thị trường cụ thể và nhờ vậy bạn có thể bảo đảm nguồn khách hàng cũng như lợi nhuận thu về ở mức tốt nhất. Để làm được điều đó, hãy thực hiện quy trình đơn giản sau. Quy trình này hiệu quả với cả cá nhân lẫn các nhóm tổ chức.
Đầu tiên, hãy liệt kê ra 25 - 30 khách hàng ưu tú nhất và tìm những điểm tương đồng giữa họ như nhóm tuổi, mức thu nhập, trình độ học vấn, nhu cầu tài chính, nhu cầu trong tương lai, sở thích, v.v... Khi đã làm xong, hãy xem họ có tương đồng nhiều với chính bạn không, và hãy ghi lại những điểm tương đồng vừa tìm ra.
Sau đó, bạn hãy đánh giá từng khách hàng một. Ghi lại quy mô vốn đầu tư của họ, những nhu cầu về dịch vụ tài chính, nhu cầu bảo hiểm, khoản nợ, chứng minh tài chính, tài sản sở hữu, lý do họ tìm đến bạn, ai giới thiệu họ, họ đã giới thiệu bạn với ai chưa, v.v... Lần nữa, hãy ghi lại những điểm tương đồng vừa tìm ra.
Tiếp theo, hãy liệt kê 25 nguồn giới thiệu hữu hiệu nhất và cũng hãy đánh giá từng người một. Ghi ra những điểm tương đồng giữa họ và bản thân bạn. Một lưu ý nhỏ cho bạn là đừng dành cả ngày để đánh giá quá kỹ. Những điểm tương đồng sẽ rất dễ thấy.
Và những điểm tương đồng dễ thấy đó chính là thông tin đáng giá để bạn có thể dựa vào đấy mà thu hẹp phạm vi tìm khách hàng tiềm năng. Có thể bạn sẽ tìm thấy một thị trường “nhỏ mà chất”, phù hợp với nhu cầu phục vụ của bạn. Ví dụ, tuy bạn vẫn đang tập trung toàn lực vào một lĩnh vực kinh tế, bạn cũng tìm thấy một dạng khách hàng tiềm năng khác có thể khai thác – ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ, hay những gia đình trẻ có thành viên trụ cột vừa được thăng chức với thu nhập và các phúc lợi vượt trội, hoặc những cá nhân quan tâm chủ yếu đến việc duy trì tài sản sẵn có hơn là kiếm thêm. Nhu cầu ngoài kia rất đa dạng, bạn hãy vận dụng trí tưởng tượng của mình và nghĩ xem bạn có thể phục vụ cho những ai?
Cũng như khách hàng tiềm năng, cơ hội ở đây, ở đó, ở khắp mọi nơi nếu bạn chịu bỏ công sức ra tìm và thu lợi từ nó. Tôi khuyến khích bạn thực hiện bài tập này sớm và bạn sẽ nhanh chóng thu được kết luận về việc liệu doanh nghiệp của bạn có đang nhắm đúng mục tiêu hay chưa.
Quy trình rất đơn giản: tìm người phù hợp, cung cấp dịch vụ cho họ, và bạn sẽ vô cùng bất ngờ với lợi nhuận bạn có thể thu về trên mọi khía cạnh của cuộc sống.
“Ta không được ngồi chờ sung rụng, mà phải đứng lên và hành động!”
- Nhà truyền giáo John Eliot