Sundar Pichai
CEO của Google
Lãnh đạo nhóm Google X đã định nghĩa những mục tiêu mở rộng của mình thật đẹp đẽ – nhóm này đang phát triển dự án Loon và xe hơi tự lái. Astro Teller nói: “Nếu anh muốn xe của mình chạy 50 dặm(********) tốn 1 gallon(********) xăng, cũng ổn. Chỉ cần trang bị lại các bộ phận một chút là được. Nhưng nếu tôi yêu cầu chỉ tốn 1 gallon xăng mà chạy 500 dặm(********) thì anh phải thiết kế lại từ đầu”.
(********) Khoảng 80 km.
(********) Khoảng 3,8 lít.
(********) Khoảng 805 km.
Năm 2003, Sundar Pichai nhận chức phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm của Google. Khi Sundar và nhóm của anh ấy đưa trình duyệt web Chrome ra thị trường, gần như họ thiết kế lại hoàn toàn sản phẩm này. Muốn đạt được thành công nhưng cũng không sợ thất bại, họ sử dụng OKRs làm bệ phóng cho sản phẩm Chrome. Hiện tại, theo đánh giá của thị trường, Chrome là trình duyệt web phổ thông nhất cho cả máy tính để bàn và thiết bị di động. Câu chuyện dưới đây, chúng ta sẽ thấy, luôn có những trở ngại trên con đường phát triển sản phẩm. Larry Page nói: “Nếu anh đặt mục tiêu quá tham vọng và điên cuồng, rồi anh thất bại, anh vẫn đạt được một cái gì đó xuất sắc”. Khi mục tiêu của anh là chinh phục các vì sao trên trời, nếu anh đi chưa tới nhưng ít ra cũng tới mặt trăng trước chứ.
Con đường sự nghiệp của Sundar Pichai chính là một mục tiêu mở rộng được nhân cách hóa. Tháng 10 năm 2015, ở tuổi 43, Sundar trở thành CEO thứ ba của Google. Ngày nay, anh ấy đang vận hành một công ty với hơn 60.000 nhân viên và có doanh thu lên đến 80 tỷ đô la.
-----
Sundar Pichai kể: Lớn lên ở miền Nam Ấn Độ vào thập niên 1980, tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ như chúng ta thấy hôm nay. Tuy nhiên, những thứ chúng tôi có cũng đủ tác động sâu sắc đến cuộc đời tôi. Cha tôi là một kỹ sư điện ở Chennai, một trung tâm lớn của Ấn Độ, nhưng gia đình tôi sống khá khiêm tốn, giản dị. Muốn lắp một cái điện thoại để bàn – loại quay số analog – phải chờ từ 3 đến 4 năm trong danh sách. Lúc tôi 12 tuổi, cuối cùng, gia đình tôi cũng lắp được một cái. Đó là một sự kiện lớn. Hàng xóm có thể đến chia sẻ sử dụng chung với chúng tôi.
Trước khi có điện thoại, mẹ tôi thường nói: “Con xem giúp mẹ khi nào mẹ có thể đến bệnh viện thử máu?”. Tôi phải đón xe buýt đến bệnh viện, xếp hàng, và thường là họ nói với tôi: “Chưa tới lượt mẹ em đâu, ngày mai lại đến xem sao nhé”. Tôi lại phải đón xe buýt về nhà, mất 3 tiếng đồng hồ. Sau khi lắp điện thoại, tôi có thể gọi đến bệnh viện kiểm tra và biết ngay kết quả. Giờ đây, chúng ta sử dụng công nghệ như một việc mặc định và công nghệ lại ngày một tiến bộ hơn. Nhưng đối với bản thân tôi, tôi nhận thức được những khoảnh khắc khác biệt – trước và sau – mà tôi sẽ không bao giờ quên được.
Tôi đọc bất kỳ cuốn sách nào về máy tính và mạch bán dẫn mà tôi có trong tay. Tôi khao khát một ngày nào đó được đặt chân đến Silicon Valley, nghĩa là bước chân vào đại học Stanford – đó là mục tiêu của tôi – để trở thành một phần của những thay đổi đang diễn ra trên thế giới. Tôi nghĩ rằng mình đã mơ ước quá nồng nàn bởi vì thực tế tại nước tôi có quá ít sự hiện hữu của công nghệ. Tôi bị sức mạnh của trí tưởng tượng dẫn dắt.
Nền tảng của những ứng dụng mới
Tôi làm việc tại công ty Applied Materials ở Santa Clara trong suốt 5 năm trong bộ phận R&D. Thỉnh thoảng, có việc tôi cần sang Intel làm việc và tôi cảm nhận được văn hóa Andy Grove ngay từ khi bước chân vào cửa Intel. Họ có kỷ luật kinh khủng, đến một việc nhỏ nhất (tôi còn ngờ ngợ nhớ là phải trả tiền cho mỗi tách cà phê ngồi uống ở đó). Trong bộ phận mạch bán dẫn, anh phải có phương pháp thiết lập mục tiêu và giải quyết mục tiêu đó với nỗ lực cao. Vì thế, công việc của tôi tại Applied Materials đã giúp tôi suy nghĩ về mục tiêu với cách nhìn chính xác hơn.
Khi Internet tiếp tục phát triển, tôi đã nhìn thấy vô vàn tiềm năng trước mặt. Tôi đọc tất cả mọi thứ mà Google đang làm. Đặc biệt, tôi rất phấn khích khi họ tung ra sản phẩm gọi là Deskbar – chúng ta có thể tìm thông tin trên web mà không cần mở trình duyệt web. Deskbar khởi động cùng với hệ điều hành Windows nằm ở một góc nhỏ trên màn hình. Deskbar được xem là một công cụ “mồi” để phát triển về sau, một cách đưa Google đến với nhiều người hơn.
Năm 2004, tôi gia nhập Google làm trưởng phòng sản phẩm, khi đó công ty còn “loay hoay” với công cụ search. Nhưng đó cũng là năm xuất hiện Web 2.0, sự trỗi dậy của khái niệm “nội dung do người sử dụng tạo ra” và một công nghệ mang tên AJAX (một công nghệ web cho phép người sử dụng giao tiếp với máy chủ mà không cần tải lại trang web). Web ban đầu là một nền tảng để chuyển tải nội dung nhưng nhanh chóng trở thành một môi trường dành cho các ứng dụng. Chúng tôi chứng kiến thời kỳ đầu tiên của sự thay đổi mô hình nền tảng trên Internet và tôi “đánh hơi” được Google có khả năng sẽ là trung tâm của cuộc thay đổi đó.
Nhiệm vụ đầu tiên tôi được giao là mở rộng các ứng dụng và phân phối thanh công cụ của Google gọi là Google Toolbar, có thể đưa thêm vào bất kỳ trình duyệt có sẵn nào để giúp người sử dụng tìm thông tin bằng Google Search. Theo tôi, đó là một dự án đúng thời điểm. Chỉ trong vòng vài năm, chúng tôi đã mở rộng quy mô từ một toolbar bé nhỏ lên gấp 10 lần. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy sức mạnh của khát vọng – một OKRs mở rộng đầy tham vọng.
Xem xét lại hoàn toàn trình duyệt web
Vào khoảng năm 2006, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về một trình duyệt web đóng vai trò là một nền tảng của ứng dụng, gần giống như một hệ điều hành, để có thể mở đường cho các nhà phát triển viết những ứng dụng chạy ngay trên trình duyệt web. Suy nghĩ có tính chất đột phá này chính là nền tảng để cho ra đời trình duyệt Chrome. Chúng tôi biết cần có một kiến trúc đa nhiệm (giống như hệ điều hành đa nhiệm) để giúp mỗi tab trên trình duyệt xử lý riêng lẻ như một ứng dụng và vẫn duy trì được thông tin độc lập của dịch vụ Gmail nếu một ứng dụng nào đó bị “tê liệt”. Chúng tôi biết cần phải làm cho JavaScript chạy nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại (JavaScript nổi tiếng làm chậm tốc độ duyệt web vì chứa nhiều mã code). Chúng tôi cần xử lý rất nhiều thứ để có thể tạo ra một trình duyệt web tốt nhất có thể.
Eric Schmidt, CEO của chúng tôi biết xây dựng một trình duyệt web từ đầu gian khổ như thế nào: “Nếu đã quyết định làm thì tốt hơn hết nên nghiêm túc với sản phẩm đó”. Nếu Chrome không thể tạo nên sự khác biệt rõ rệt, tốt hơn và nhanh hơn những trình duyệt khác trên thị trường, không có lý do gì chúng tôi phải tiến lên phía trước nữa.
Năm 2008, Chrome xuất hiện trên thị trường, nhóm quản lý sản phẩm đưa ra một mục tiêu cao nhất tạo ra sức ảnh hưởng vĩnh viễn cho tương lai Google: “Phát triển một nền tảng thế hệ tương lai cho các ứng dụng web”. Kết quả then chốt của mục tiêu lớn này: “Chrome sẽ đạt được 20 triệu người sử dụng trong 7 ngày”.
Táo bạo nâng cấp mục tiêu
Trong môi trường OKRs của Google, ai cũng hiểu 70% hoàn thành mục tiêu được xem là một thành công. Không ai cho rằng anh phải luôn đạt màu xanh (mức hoàn thành) cho mỗi mục tiêu anh đưa ra – điều đó cũng không có lợi cho các mục tiêu mở rộng về sau. Nhưng có một áp lực từ bản chất của công ty tạo ra bởi vì anh không thể gia nhập Google trừ phi anh chấp nhận hướng đến sự thành công. Còn trong vai trò một lãnh đạo, anh cũng không muốn, sau mỗi quý, phát hiện rằng mình cầm cây “cờ đỏ” hiện lên trên màn hình trước mắt “bàn dân thiên hạ” và “ngọng nghịu” giải thích tại sao. Trước áp lực và sự không thoải mái của trải nghiệm này, rất nhiều người trong chúng tôi phải làm nhiều việc “quả cảm” để tránh cầm cờ đỏ. Nhưng cho dù anh thiết lập mục tiêu đúng đắn cho nhóm của mình, đôi khi việc này vẫn không thể tránh khỏi.
Larry Page rất giỏi trong việc nâng cấp OKRs. Ông ấy dùng một số cụm từ như “phấn khích không hề dễ chịu” hay “xem thường những điều không thể”. Tôi cũng thử như vậy với nhóm sản phẩm của tôi, khuyến khích họ can đảm viết xuống một OKRs trông có vẻ rất dễ thất bại, nhưng không còn cách nào khác nếu họ muốn trở thành người vĩ đại. Chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt ra kết quả then chốt 20 triệu người sử dụng – đó là một sự mở rộng cực kỳ kinh khủng – bởi vì Chrome bắt đầu bằng con số 0.
Là một lãnh đạo, anh phải thử đưa ra thách thức cho nhóm của mình mà đừng bao giờ làm họ có cảm giác mục tiêu đó không thể nào đạt được. Tôi nghĩ không chắc là chúng tôi đạt được mục tiêu đúng thời hạn (thẳng thắn mà nói, không có cách nào đạt được). Nhưng tôi cũng nhận thấy mục tiêu đó có thể giúp chúng tôi bứt ra khỏi giới hạn của bản thân. Đặt ra mục tiêu 20 triệu người sử dụng, tôi biết sẽ có những thứ tốt đẹp xảy ra. OKRs mở rộng này đã cho nhóm chúng tôi một định hướng và một “phong vũ biểu” để đo lường sự tiến bộ; giúp dẹp bỏ tâm lý thỏa mãn; thúc giục ngày nào cũng suy nghĩ về điều mà chúng tôi đang làm. Tất cả những việc đó quan trọng hơn là việc đến ngày hôm đó có đạt được một mục tiêu có thể nói là hơi độc đoán hay không.
Ban đầu, khi Chrome chiếm được 3% thị phần trình duyệt web, chúng tôi nhận được một số tin không vui. Phiên bản dành cho máy Mac không ra kịp so với hoạch định. Mục tiêu đó chỉ còn trông cậy vào người sử dụng hệ điều hành Windows.
Nhưng cũng có tin tốt – người sử dụng có phản hồi tốt về Chrome, giúp tạo hiệu ứng tăng trưởng thật tốt. Tuy vậy, trục trặc nhỏ này cũng giúp chúng tôi nhận diện được cách mới để tiếp cận với dịch vụ web tốt hơn. Khó khăn đã được giải quyết, vấn đề chỉ là thu hút thêm người sử dụng mà thôi và tôi nghĩ chẳng mấy chốc đâu!
Đào sâu hơn nữa…
Google muốn tên của họ được nhắc đến đồng nghĩa với một thứ gì đó phải nhanh. Họ đã tiến hành một cuộc trường chinh chống lại sự trì hoãn, chậm trễ trong việc chuyển dữ liệu sẽ làm giảm trải nghiệm của người sử dụng. Năm 2008, Larry và Sergey đưa ra một OKRs hấp dẫn, thật sự thu hút mối quan tâm của mọi người: “Chúng tôi làm cho web nhanh như lật trang tạp chí”. Mục tiêu này truyền cảm hứng cho cả công ty khiến mọi người phải suy nghĩ nhiều hơn để có thể làm web tốt hơn và nhanh hơn.
Đối với dự án Chrome, chúng tôi tạo ra thứ gọi là “tiểu OKRs” để tăng tốc cho JavaScript. Mục tiêu của OKRs này là viết ứng dụng chạy trên web nhanh như chạy trên máy tính để bàn. Chúng tôi đã đưa ra những mục tiêu “hầm hố” theo kiểu gấp 10 lần và đặt tên dự án đó là V8 – phỏng theo tên của chiếc xe hơi tốc độ cao. Chúng tôi may mắn có được một tay lập trình người Đan Mạch tên là Lars Bak, người đã tạo ra mô hình “máy ảo” cho hãng Sun Microsystems và nắm trong tay hàng chục bằng sáng chế. Lars được xem là một trong những nghệ nhân tài hoa của lĩnh vực này. Anh ấy đến và nói với một thái độ không có một chút gì là dè dặt: “Tôi có thể làm một cái gì đó chạy nhanh hơn rất nhiều lần”. Chỉ trong vòng 4 tháng, anh ấy làm cho JavaScript chạy nhanh hơn 10 lần trên Chrome so với chạy trên Firefox. Trong vòng 2 năm, chạy nhanh hơn 20 lần – một sự tiến bộ không tưởng tượng nổi. (Đôi khi, một mục tiêu mở rộng cũng không quá điên rồ như chúng ta tưởng tượng. Như Lars nói với nhà báo Steven Levy trong quyển In The Plex: “Chúng ta đôi khi xem thường bản thân đối với những việc mà chúng ta có thể làm”.)
OKRs mở rộng là một bài tập căng thẳng trong việc giải quyết vấn đề. Đã trải qua hành trình nâng cấp Google Toolbar, tôi đã có cảm giác tốt về chuyện làm thế nào để vượt qua con dốc đứng. Thật tình, đã có những đêm mất ngủ. Nhưng dù có cảm thấy căng thẳng thế nào đi nữa, tôi vẫn giữ được sự lạc quan tin tưởng vào nhóm của chúng tôi. Nếu người sử dụng chê trình duyệt, tôi yêu cầu họ làm thí nghiệm để hiểu tại sao và sửa lỗi ngay. Nếu vấn đề nằm ở chỗ tương thích với các ứng dụng chạy chung, tôi chỉ định một nhóm tập trung giải quyết. Tôi cố gắng suy nghĩ thận trọng và có hệ thống, và không cảm tính. Tôi nghĩ điều đó có thể giúp ích.
Mục tiêu rất tham vọng thì tất nhiên rất khó hoàn thành. Nhìn từ góc độ tích cực, nhóm chúng tôi nhận thấy thành công của Chrome rốt cuộc là có được hàng trăm triệu người sử dụng. Bất cứ khi nào, tạo ra cái gì mới ở Google, chúng tôi luôn suy nghĩ: làm sao để mở rộng quy mô lên 1 tỷ? Ban đầu, con số thoạt nghe rất trừu tượng. Nhưng khi thiết lập được một mục tiêu có thể đo đếm được trong một năm và chặt nhỏ những vấn đề ra, quý này qua quý khác, việc “hái sao trên trời” trở nên có thể làm được. Đó cũng là một trong những ích lợi của OKRs, cho chúng ta những mục tiêu định lượng rõ ràng trên con đường đột phá về định tính.
Sau khi chúng tôi thất bại với mục tiêu dành được 20 triệu người sử dụng năm 2008, đã làm cho chúng tôi đào sâu vấn đề hơn. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ mục tiêu, nhưng phải thay đổi cách cấu trúc lại mục tiêu. Đây là những điều tôi muốn nói: “Không, chúng tôi đã không đạt được mục tiêu, nhưng đã đặt được nền móng để vượt qua hàng rào đó. Bây giờ, chúng ta sẽ làm gì để tạo sự khác biệt?”. Tốt hơn hết, chúng tôi đi tìm câu trả lời thông minh cho câu hỏi trên. Chúng tôi cần một giải pháp cho một vấn đề rất cơ bản: Tại sao vô cùng khó khăn khi thuyết phục người sử dụng thử một trình duyệt web mới?
Câu hỏi đó chính là chìa khóa để chúng tôi có động lực đi tìm những kênh phân phối mới cho Chrome. Sau đó, chúng tôi phát hiện lý do nằm ở chỗ: người sử dụng không biết rõ trình duyệt mới sẽ làm được gì nhiều hơn cho họ so với cái họ đang sử dụng quen. Vậy là chúng tôi chuyển sang kênh truyền hình để marketing và giải thích cặn kẽ. Mẫu quảng cáo Chrome thể hiện một chiến dịch lớn nhất trong lịch sử Google. Nhiều người vẫn còn nhớ “Dear Sophie”, một spot quảng cáo của Chrome nói về câu chuyện một người cha lập quyển nhật ký số cho con gái yêu quý từ lúc lọt lòng đến trưởng thành. “Dear Sophie” cho thấy Chrome là cửa ngỏ dễ dàng để bước vào “ngôi nhà” đầy những ứng dụng web, từ Gmail và Youtube đến Google Maps – một sự phối hợp và tương thích tuyệt vời giữa các ứng dụng. Chrome dẫn người sử dụng vào thế giới Internet đúng nghĩa như một nền tảng ứng dụng – chứ không còn chỉ là một trình duyệt web thụ động, thể hiện thông tin từ máy chủ mà thôi.
Thử - thất bại và Thử - thành công
Thành công không thể đến ngay tức khắc. Năm 2009, chúng tôi đặt một mục tiêu mở rộng cho Chrome – 50 triệu người sử dụng – và một lần nữa lại thất bại, hết năm chúng tôi có 38 triệu người sử dụng. Năm 2010, vẫn không nản lòng, tôi đề xuất mục tiêu 100 triệu người sử dụng. Larry Page vẫn nghĩ rằng chúng tôi nên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Ông ấy nói mục tiêu của tôi chỉ mới chạm được 10% của 1 tỷ người lên Internet vào lúc đó. Tôi phản biện rằng 100 triệu thực tế đã rất cam go rồi.
Larry và tôi cuối cùng đồng ý với con số 111 triệu người sử dụng. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi cần phải thay đổi gần như hoàn toàn mô hình kinh doanh của Chrome và suy nghĩ về tăng trưởng theo cách nhìn mới. Một lần nữa, chúng tôi lại đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm khác đi cái gì? Vào tháng 2 năm 2010, chúng tôi mở rộng kênh phân phối với các nhà sản xuất máy tính OEMs để cài Chrome vào những chiếc máy mới xuất xưởng. Tháng 3 năm 2010, chúng tôi khởi động chiến dịch marketing “Chrome Fast” để nâng cao nhận diện của sản phẩm tại Mỹ. Tháng 5, Chrome xuất hiện trên hệ điều hành OS X và Linux. Cuối cùng, Chrome không còn là sản phẩm chỉ chạy được trên Windows mà thôi.
Sundar Pichai giới thiệu Chrome tại hội nghị các nhà lập trình I/O của Google, năm 2013.
Vào đến quý 3 năm 2010 rồi mà kết quả dường như vẫn còn khá hoài nghi. Sau đó, chúng tôi đã làm một việc nhỏ nhưng hóa ra lại là một việc lớn: tìm đến những người đã từng cài Chrome nhưng sau đó đã xóa khỏi máy hoặc không sử dụng nữa. Vài tuần sau, cuối quý 3, số người sử dụng nhảy vọt từ 87 triệu lên 107 triệu. Và không lâu sau, chúng tôi đạt được mục tiêu 111 triệu.
Ngày nay, chỉ riêng phân khúc thiết bị di động, hơn 1 tỷ người đang sử dụng Chrome. Chúng tôi đã không thể đạt đến con số này mà không có OKRs – đó là cách chúng tôi suy nghĩ về mọi thứ tại Google, cách mà chúng tôi luôn làm được mọi thứ.
Giới hạn của bản thân nằm ở đâu?
Cha tôi trưởng thành vào thời kỳ máy tính là những chiếc máy khổng lồ như căn nhà và những kỹ sư đông như “quân Nguyên” cặm cụi làm việc để vận hành hệ thống – khi đó máy tính là những thứ vô cùng phức tạp và ít ai tiếp cận được. Vào thời gian làm dự án Chrome, tôi nhận ra rằng tất cả những gì cha tôi muốn là một cách tiếp cận dễ dàng và trực tiếp đến web. Tôi cũng luôn thích sự đơn giản. Mọi sự phức tạp của Google Search đều nằm đằng sau trang web gọn gàng và trắng tinh, trải nghiệm của người sử dụng được thực hiện một cách đơn giản đến mức không ngờ được. Tôi muốn đem chất lượng tuyệt vời đó vào Chrome – cho dù một đứa trẻ ở Ấn Độ hay một giáo sư ở Stanford đều có thể sử dụng. Nếu có máy tính và một kết nối Internet, trải nghiệm với Chrome hiển nhiên là vô cùng đơn giản.
Năm 2008, khi cha tôi về hưu, tôi tặng ông ấy một máy netbook di động nhỏ và chỉ ông ấy cách sử dụng Chrome. Một việc tuyệt vời đã đến với ông: cha tôi có thể làm mọi thứ trên Chrome, mở trình duyệt, mở email, không cần download bất kỳ phần mềm nào và không cài đặt bất cứ phần mềm gì cả. Ông ấy chỉ quanh quẩn với Chrome và lọt vào một thế giới mới: đơn giản và đầy những điều kỳ thú.
Ở Google, ngay từ ban đầu, tôi đã hấp thụ được nhu cầu suy nghĩ không ngừng về mục tiêu kế tiếp – từ sản phẩm Toolbar đến Chrome. Anh sẽ không bao giờ ngừng mở rộng mục tiêu. Trải nghiệm của cha tôi đã khiến chúng tôi suy nghĩ: Nếu thiết kế được một hệ điều hành thật đơn giản và an toàn, với Chrome là “cánh cửa” chính, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể tạo ra một chiếc laptop trên nền tảng hệ điều hành này hay không? Chiếc Chromebook chạy trực tiếp tất cả ứng dụng từ cloud (công nghệ đám mây)?
Tất cả những câu hỏi đó trở thành những mục tiêu mở rộng cho Google.