Bệnh uốn ván gây ra bởi nội độc tố tetanospasmin do vi khuẩn kỵ khí Clostridium tetani sinh ra. Đường vào thường từ một vết thương, vết bỏng hoặc đôi khi từ nhiễm trùng sau nạo phá thai không được điều trị hợp lý. Một số trường hợp (15 - 30%) không tìm thấy đường vào vi khuẩn. Các chương trình tiêm chủng phòng uốn ván ở cộng đồng đã làm giảm tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh nhưng vẫn còn tỷ lệ mắc đáng kể ở người lớn.
Điều quan trọng trong khai thác bệnh sử là khoảng thời gian từ khi bị thương đến khi xuất hiện triệu chứng và khoảng thời gian từ lúc xuất hiện cứng cơ đến khi bắt đầu co thắt. Khoảng thời gian từ lúc bị thương đến khi xuất hiện các triệu chứng càng ngắn và sự tiến triển triệu chứng càng nhanh thì bệnh tiên lượng càng nặng.
Phân loại uốn ván theo thực hành lâm sàng:
- Nhẹ: Cứng cơ nhẹ và co thắt nhẹ.
- Trung bình: Cứng cơ vừa phải và/hoặc co thắt với triệu chứng khó nuốt.
- Nặng: Co thắt tái phát nặng và khó nuốt, kèm theo hoạt động quá mức của thần kinh tự động.
Hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân uốn ván, ngoại trừ tử vong sớm do tắc nghẽn đường thở. Hội chứng cường giao cảm biểu hiện tần số tim nhanh, dao động huyết áp nhiều (hạ huyết áp và tăng huyết áp), tăng tiết nước bọt và mồ hôi, dẫn đến mất nước và điện giải. Tác động trên tim có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Điều trị:
Phương pháp điều trị bao gồm thuốc an thần liều cao và thông khí áp lực dương ngắt quãng đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh.