Ở Việt Nam, trước khi thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Nhờ thực hiện tốt việc tiêm vaccin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân (năm 1985) xuống 0,013/100.000 dân (năm 2018).
Cơ chế tổn thương tim trong bệnh bạch hầu là do một ngoại độc tố lưu hành ức chế tổng hợp protein ở các mô đích, có ái lực cao với hệ thống dẫn truyền. Viêm cơ tim xảy ra ở 25% trường hợp mắc bệnh bạch hầu với tỷ lệ tử vong khoảng 60%.
Giải phẫu bệnh: Hình ảnh đại thể thấy cơ tim giãn nhợt nhạt với sự xuất hiện các “‘vệt”’. Giải phẫu vi thể thấy thâm nhiễm mỡ đặc trưng của tế bào cơ tim kèm thêm các đặc điểm khác của viêm cơ tim.
Chẩn đoán:
Triệu chứng lâm sàng:
- Đau họng, mệt mỏi khó chịu, sốt nhẹ và nổi hạch vùng cổ. Bệnh nhân có nổi ban đỏ vùng hầu họng và tiến triển điển hình thành các mảng giả mạc trắng, bóc ra sẽ gây chảy máu.
- Tần số tim nhanh, tiếng ngựa phi và tụt huyết áp, phì đại cơ tim thường xuất hiện từ tuần thứ hai của bệnh.
Cận lâm sàng:
- Nuôi cấy: Bệnh phẩm lấy từ vùng mũi và họng bao gồm cả giả mạc và tổ chức bên dưới. Sau khi lấy bệnh phẩm cần nhanh chóng đưa vào môi trường nuôi cấy đã chuẩn bị sẵn.
- Xác định độc tố bạch hầu bằng phản ứng Elek, PCR, ELISA.
- Các bất thường điện tâm đồ rất hữu ích trong chẩn đoán và thuộc hai nhóm:
• Các bằng chứng về tổn thương cơ tim lan tỏa: điện thế thấp, khoảng QT kéo dài và sóng T dẹt hoặc T đảo ngược.
• Các bằng chứng tổn thương hệ thống dẫn truyền với block nhĩ thất ở tất cả các mức độ. Sự tiến triển của block nhánh hoặc ngừng tim là một biểu hiện rất nặng, tỷ lệ tử vong được báo cáo dao động từ 54 - 100% mặc dù có cấy máy tạo nhịp hỗ trợ. Biểu hiện tổn thương cơ tim được đánh giá qua sự tăng đáng kể của nồng độ troponin T trong huyết thanh, tăng càng cao tiên lượng càng nặng.
• Những bất tiện trên điện tâm đồ do tổn thương cơ tim lan tỏa có thể trở lại bình thường sớm nhưng các bất thường về dẫn truyền có thể tồn tại trong nhiều năm.
Điều trị:
- Điều trị bao gồm các biện pháp hỗ trợ trong điều trị suy tim, kháng sinh (Procaine penicillin G 600.000UI tiêm bắp mỗi 12 giờ trong 10 ngày hoặc erythromycin 250 - 500mg uống mỗi 6 giờ trong 7 ngày) để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát và loại bỏ vi khuẩn ở họng.
- Đặt máy tạo nhịp tạm thời nếu có block nhĩ thất.
- Huyết thanh kháng bạch hầu không nên dùng trong giai đoạn này vì độc tố đã được cố định, hơn nữa còn có nguy cơ phản ứng huyết thanh dẫn đến tử vong.
- Đặt nội khí quản và thông khí nhân tạo được chỉ định cho những bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp.
- Hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) được tiến hành trong trường hợp suy tuần hoàn.