Các biểu hiện lâm sàng của HIV (human immunodeficiency virus) trên tim mạch tương đối hiếm gặp. Các biểu hiện của HIV chủ yếu trên phổi, đường tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương và da. Các triệu chứng trên hệ tim mạch có thể là tràn dịch màng ngoài tim, bệnh cơ tim, tăng áp lực động mạch phổi, phình mạch máu lớn và các biến chứng chuyển hóa liên quan đến sử dụng thuốc kháng retrovirus.
3.1. Tràn dịch màng ngoài tim
Tràn dịch màng ngoài tim thường là biểu hiện đầu tiên của nhiễm HIV ở khu vực châu Phi cận Sahara, tràn dịch số lượng nhiều thường gặp khi có đồng nhiễm lao. Trong khi đó, tràn dịch màng tim số lượng nhiều ở nhóm bệnh nhân AIDS tại các nước phát triển thường vô căn. Điều trị viêm màng ngoài tim do lao bằng phác đồ tiêu chuẩn tương tự như ở bệnh nhân HIV âm tính. Vai trò của steroid trong điều trị tràn dịch màng ngoài tim ở những đối tượng này chưa rõ ràng. Viêm mủ màng ngoài tim có thể gặp do sarcoma Kapossi hoặc u lympho tế bào B.
3.2. Bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim gặp ở 50% bệnh nhân HIV nhập viện cấp cứu và 15% bệnh nhân HIV không có biểu hiện triệu chứng. Sinh bệnh học thường không rõ ràng, có lẽ do sự tác động của đa yếu tố. Một số bệnh nhân có suy chức năng thất trái không triệu chứng thường do bệnh lý động mạch vành, sử dụng chất gây nghiện, lạm dụng rượu, các thuốc gây độc hay từ những nhiễm trùng cơ hội.
Viêm cơ tim
Ở phương Tây, viêm cơ tim trên bệnh nhân HIV thường liên quan đến virus; trong khi đó ở châu Phi, dữ liệu sơ bộ cho thấy viêm cơ tim có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng cơ hội không phải virus như Toxoplasmosis, Cryptococcosis và Mycobacterium avium intracellulare. Khoảng 80 - 85% các trường hợp viêm cơ tim trên bệnh nhân HIV không xác định rõ nguyên nhân. Mặc dù HIV có thể được xác định qua sinh thiết cơ tim nhưng các virus cũng có thể xuất hiện trong máu, tế bào nội mạc hơn là trong các tế bào cơ tim. Ngoài ra, các virus khác cũng không thể trực tiếp xác định được như cytomegalo, coxsackie hay Epstein-Barr. Nếu không tìm thấy nguyên nhân thì điều trị theo nguyên tắc điều trị suy tim. Tiên lượng xấu, với thời gian sống trung bình là 100 ngày nếu không dùng thuốc kháng retrovirus.
Thiếu máu cơ tim
Sự gia tăng tỷ lệ các vấn đề tim mạch trên bệnh nhân nhiễm HIV dẫn đến sự xuất hiện của bệnh lý thiếu máu cơ tim. Thường do tác động của đa yếu tố bao gồm các nguy cơ của bệnh động mạch vành nói chung, rối loạn lipid máu liên quan đến thuốc kháng virus, sự đề kháng insulin và suy chức năng nội mạc tế bào cơ tim. Tình trạng viêm mạn tính và các đáp ứng miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
3.3. Tăng áp lực động mạch phổi
Tỷ lệ tăng áp lực ĐMP ở bệnh nhân HIV ước tính là 1/200, cao hơn nhiều so với 1/200.000 được tìm thấy trong dân số nói chung. Tăng áp lực ĐMP nguyên phát được tìm thấy ở 0,5% bệnh nhân có hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) nhập viện, là nguyên nhân gây ra các bệnh tâm phế mạn và tử vong. Cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được biết rõ.
3.4. Phình động mạch
Phình động mạch ở người bị HIV là thể lâm sàng và bệnh lý riêng biệt có liên quan sự tiến triển của HIV. Phình động mạch do HIV thường gặp ở các bệnh nhân trẻ tuổi (tuổi trung bình là 30 tuổi) không có yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch, xảy ra chủ yếu ở các động mạch ngoại biên (mạch cảnh, đoạn xa động mạch đùi nông và động mạch khoeo), thường có nhiều ổ phình. Bệnh thường gặp ở những người da đen hơn người da trắng. Quá trình viêm mạch liên quan đến mạch máu nuôi mạch ở lớp áo ngoài với sự bảo tồn của lớp áo giữa và áo trong.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp là một khối tăng kích thước gây đau nhiều. Chẩn đoán bằng siêu âm hoặc chụp CLVT hoặc chụp động mạch đánh giá kích thước khối phình. Các xét nghiệm huyết thanh được chỉ định để chẩn đoán bệnh giang mai, thương hàn, HIV và bệnh tự miễn.
Điều trị bằng can thiệp hoặc phẫu thuật đối với phình động mạch có triệu chứng ở bệnh nhân mà nguy cơ phẫu thuật có thể chấp nhận được và kỳ vọng sống còn dài.
3.5. Rối loạn chuyển hóa
Việc sử dụng các chất ức chế protease và các chất ức chế men sao chép ngược nucleoside có liên quan đến các rối loạn về chuyển hóa như: Loạn dưỡng mỡ, tăng cholesterol toàn phần và triglyceride, giảm lipoprotein trọng lượng cao (HDL), rối loạn dung nạp glucose, tăng tích mỡ bụng. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim khi sử dụng lâu dài các thuốc kháng retrovirus. Cần điều chỉnh một cách thận trọng các yếu tố nguy cơ tim mạch và các rối loạn chuyển hoá mắc phải khi dùng các thuốc kháng virus.