10.1. Nhịp nhanh nhĩ đơn ổ
- Cơn nhịp nhanh phải được gây ra và duy trì để lập bản đồ điện học dựa ở vị trí tâm nhĩ được hoạt hóa sớm nhất (điểm trọng tâm), do đó một số trường hợp có thể cần phải truyền isoprenaline.
- Một dấu hiệu để chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ là sự phân ly của điện đồ nhĩ và điện đồ thất trong cơn nhịp nhanh với tần số nhĩ cao hơn tần số thất.
- Hình dạng của sóng P trên điện tâm đồ bề mặt có thể được sử dụng để xác định vị trí của ổ khởi phát cơn nhịp nhanh nhĩ (+ ở I và aVL, - ở V1 = vùng cao thành bên nhĩ phải; - ở II, III và aVF = sau vách nhĩ trái hoặc nhĩ phải; + ở I, aVL và V1 = các tĩnh mạch phổi phải; - ở I, avL, + ở V1 = các tĩnh mạch phổi trái).
- Các ống thông điện cực trong nhĩ phải và xoang vành sẽ giúp xác định vị trí được hoạt hóa đầu tiên ở nhĩ trái hoặc nhĩ phải. Chú ý: nhịp nhanh nhĩ đơn ổ (FAT) khởi phát từ tĩnh mạch phổi trên phải (RSPV) có thể biểu hiện giống như từ nhĩ phải. Có thể dễ dàng lập bản đồ điện học ở nhĩ phải bằng một ống thông triệt đốt đi qua tĩnh mạch chủ dưới (IVC) nhưng với nhĩ trái, cần phải chọc xuyên vách liên nhĩ.
- Vị trí triệt đốt thành công thường có điện đồ tại chỗ đi trước sóng P ít nhất 30 ms.
- Tỷ lệ triệt đốt thành công > 90%.
10.2. Cuồng nhĩ điển hình
- Bệnh nhân bị cần được dùng thuốc chống đông warfarin trước thủ thuật.
- Vòng vào lại có thể bị phá vỡ bằng cách tạo ra các tổn thương triệt đốt liền kề nhau, qua đó cắt đứt sự dẫn truyền xung động đi qua vùng giữa tĩnh mạch chủ dưới và van ba lá (Hình 21.7). Vì đây là một thủ thuật mang tính giải phẫu đơn thuần nên có thể được thực hiện trong lúc nhịp xoang hoặc trong cơn nhịp nhanh.
- Thường sẽ đặt một ống thông 20 điện cực trong nhĩ phải để lập bản đồ điện học vùng vòng van ba lá.
- Kết quả thành công khi cắt được cơn nhịp nhanh (nếu đang trong cơn nhịp nhanh) và chứng minh được không còn dẫn truyền cả hai hướng qua eo van ba lá (block hai chiều).
- Tỷ lệ thành công là 90%, tái phát là 10%.30% số bệnh nhân được triệt đốt cuồng nhĩ tiến triển thành rung nhĩ sau đó.
Hình 21.7: Triệt đốt cuồng nhĩ điển hình. Các mũi tên thể hiện hướng di chuyển của xung động trong vòng vào lại trong nhĩ phải với dẫn truyền chậm (mũi tên zig-zag) ở eo van ba lá nằm giữa tĩnh mạch chủ dưới (IVC) và vòng van ba lá (TV). Một ống thông triệt đốt được đưa lên từ IVC và tiến hành triệt đốt để tạo ra một loạt các thương tổn liên tiếp nối từ TV tới IVC. Bằng cách này, không có một xung động nào có thể đi qua, vì thế vòng vào lại của cuồng nhĩ điển hình đã bị cắt đứt.