Bệnh giang mai gây ra phình động mạch chủ ngực, hở van động mạch chủ, hẹp gốc động mạch vành, thường xuất hiện 10 đến 25 năm sau nhiễm trùng khởi phát. Hiếm thấy có tổn thương cơ tim kèm theo. Sự ra đời của Penicillin đã giúp kiểm soát bệnh nhưng giang mai vẫn là một nguyên nhân hay gặp gây ra bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển.
5.1. Bệnh mạch vành do giang mai
Tổn thương tại gốc động mạch vành do giang mai có thể gây đau thắt ngực, phình thành tim hoặc đột tử, hiếm khi nhồi máu cơ tim.
Cần nghĩ đến nguyên nhân giang mai khi bệnh nhân nam giới trẻ tuổi có cơn đau thắt ngực kèm theo hở van ĐM chủ nhẹ (mức độ hở không tương xứng với mức độ đau). Glyceryl trinitrate thường ít hiệu quả để giảm triệu chứng.
Chẩn đoán bệnh bằng huyết thanh giang mai dương tính và chụp ĐMV. Điều trị bằng phẫu thuật tạo hình gốc ĐMV hoặc bắc cầu chủ vành.
5.2. Hở van động mạch chủ do giang mai
Các triệu chứng có liên quan đến suy vành hoặc suy tim trái. Triệu chứng thực thể giống như các dấu hiệu của bệnh van ĐM chủ do thấp. Tổn thương chỉ có hở chủ đơn thuần, không kèm theo hẹp giúp chẩn đoán phân biệt. Do sự mở ra và giãn của ĐM chủ, tiếng thổi thường nghe rõ hơn ở bên phải xương ức. Đôi khi, tiếng thổi tâm trương nghe như tiếng chim gù do sa hoặc rách của một lá van ĐM chủ.
5.3. Phình động mạch chủ do giang mai
Phình đoạn lên và quai ĐM chủ có thể gặp với tỷ lệ tương đương. Phình đoạn xuống ít gặp hơn và hiếm gặp nhất là phình ĐM chủ bụng. Không phải hiếm gặp phình nhiều vị trí trên cùng một bệnh nhân. Phình ĐM chủ do giang mai thường là phình hình túi (khác với phình hình thoi ĐM chủ do xơ vữa động mạch). Phình ĐM chủ do giang mai có thể vỡ nhưng không bao giờ kèm tách thành ĐM chủ. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu do chèn ép của khối phình lên các cấu trúc xung quanh, do đó triệu chứng thay đổi theo phần ĐM chủ liên quan.
a. Phình ĐM chủ lên
- Chèn ép tĩnh mạch chủ trên: Xuất hiện nhiều tĩnh mạch bàng hệ và phù ở khu vực dẫn lưu của tĩnh mạch (nửa đầu mặt cổ và chi trên cùng bên).
- Chèn ép nhánh phế quản chính phải.
- Chèn ép đường ra thất phải: Triệu chứng của hẹp phổi.
- Dấu hiệu ăn mòn xương ức - khối đập theo nhịp tim ở bề mặt.
b. Phình quai ĐM chủ
- Chèn ép đường thở gây ho khan, khó thở.
- Chèn ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng.
- Chèn ép thực quản gây khó nuốt.
- Chèn ép chuỗi hạch giao cảm - Hội chứng Horner.
- Bào mòn các đốt sống và chèn ép các dây thần kinh gây ra cảm giác đau xương và đau rễ thần kinh dai dẳng.
Cần nghĩ đến phình ĐM chủ khi trên lâm sàng độ nảy của mạch và chỉ số huyết áp chênh lệch giữa hai tay hoặc có biểu hiện của co kéo khí quản. Đôi khi, phình ĐM chủ được phát hiện trên Xquang ngực và cần được chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác. Vôi hóa thành túi phình động mạch và khối đập lớn trên màn huỳnh quang là những dấu hiệu hữu ích. Chẩn đoán xác định dựa trên kết quả chụp cắt lớp vi tính ĐM chủ.
5.4. Điều trị
Benzathine penicillin G với liều 2,4 triệu đơn vị mỗi tuần trong ba tuần liên tiếp. Nếu dị ứng với penicillin, thay thế bằng tetracycline 500 mg, 4 lần mỗi ngày trong 1 tháng.