Mirowski cấy máy phá rung tự động lần đầu tiên năm 1980 để điều trị đột tử do tim. Từ đó đến nay, đã có những tiến bộ vượt bậc về mặt kỹ thuật và kết quả của các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã ủng hộ sử dụng máy phá rung tự động cấy để dự phòng đột tử tiên phát cũng như thứ phát. Các thế hệ máy ban đầu này rất lớn, phải phẫu thuật để đặt túi máy ở bụng và kết nối với dây điện cực đặt ở thượng tâm mạc. ICD hiện nay được cấy tương tự như phương pháp cấy máy tạo nhịp tim và thường là một phần của hệ thống tạo nhịp hai thất.
20.1. Các thành phần của ICD
Phần chính của thân ICD là pin và tụ điện - nơi lưu trữ và tạo nên năng lượng để thực hiện nhát sốc phá rung. Thân ICD được kết nối với một dây điện cực sốc đặt ở trong tâm thất và một dây điện cực nhận cảm,tạo nhịp đặt ở trong tâm nhĩ. Dây điện cực có 1 hoặc 2 cuộn dây sốc và một điện cực hai cực ở đầu để tạo nhịp. Điện cực này có thể nhận cảm các điện đồ và phát ra xung động có cường độ thấp để tạo nhịp tim nếu tần số tim quá chậm (tạo nhịp chậm) hoặc tạo nhịp vượt tần số nếu tần số tim quá nhanh, ví dụ như trong nhịp nhanh thất (tạo nhịp chống nhịp nhanh - ATP). Bộ vi mạch xử lý có các chương trình có thể phân tích các dữ liệu đã thu nhận được để:
- Phát hiện cơn nhịp nhanh.
- Phân biệt nhịp nhanh thất/rung thất với các rối loạn nhịp không đe dọa tính mạng khác (Ví dụ: rung nhĩ).
- Đưa ra biện pháp điều trị.
Những chương trình này có những dữ kiện đặc trưng có thể lập trình hoặc không thể lập trình được.
20.2. Cấy thiết bị
ICD được cấy tương tự như phương pháp cấy máy tạo nhịp tim và các biến cũng có thể xảy ra tương tự. Các loại dây điện cực hiện nay đang sử dụng: Có thể là cố định chủ động hoặc bị động, có thể một cuộn dây hoặc hai cuộn dây sốc. Cần lựa chọn vị trí đặt điện cực thất có thể nhận cảm tốt (lý tưởng là sóng R > 10 mV). Kiểm tra hoạt động của máy nên được tiến hành sau khi cấy, vì biên độ các điện đồ thất trong rung thất sẽ thấp hơn nhiều biên độ trong nhịp xoang. Bệnh nhân phải được gây mê và ICD sẽ được bật sẵn sàng, rồi gây ra rung thất. Phải theo dõi chặt chẽ để đảm bảo chắc chắn là máy phát hiện đúng và phá rung thất thành công. Nếu nếu máy thất bại trong việc phá cơn rung thất, phải tiến hành sốc điện ngoài hai pha 360 J và điện cực sẽ được đặt lại. Trong quá trình kiểm tra, ICD được lập trình ở mức phát hiện nhận cảm thấp nhất và năng lượng tạo ra ít nhất 10 J thấp hơn năng lượng tối đa. Sau thủ thuật, ICD sẽ được lập trình lại để có thể nhận cảm tốt nhất và năng lượng sốc đưa ra ở mức cao nhất. Bằng cách này, có một dải an toàn để giảm nguy cơ lỗi của thiết bị (device failing).
20.3. Chỉ định ICD
a. Loại I
- Những bệnh nhân sống còn sau ngừng tim do nhịp nhanh thất hoặc rung thất, khi mà tất cả các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được đã được loại trừ (dự phòng cấp I).
- Nhịp nhanh thất bền bỉ và bệnh tim thực tổn nặng nề (dự dòng cấp I).
- Ngất không rõ nguyên nhân, bệnh tim thực tổn và nhịp nhanh thất bền bỉ huyết động không ổn định hoặc rung thất gây ra khi thăm dò điện sinh lý.
- Nhồi máu cơ tim trên 40 ngày và LVEF < 35% với NYHA II-III hoặc LVEF < 30% với NYHA I hoặc LVEF < 40% và thăm dò điện sinh lý gây ra nhanh thất: tất cả là chỉ định dự phòng cấp I.
- Bệnh cơ tim không do thiếu máu cục bộ (LVEF ≤ 35%) và NYHA II-III.
b. Loại IIa
- Nhịp nhanh thất bền bỉ và chức năng thất trái giảm vừa phải.
- Bệnh cơ tim phì đại (HCM) hoặc bệnh cơ tim loạn sản thất phải sinh loạn nhịp (ARVC) và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ đột tử do tim.
- Nhịp nhanh thất hoặc ngất trong hội chứng QT dài, hội chứng Brugada hoặc nhịp nhanh thất nhiều dạng do catecholaminergic.
c. Loại III
Chống chỉ định cấy ICD:
- Bệnh nhân có tiên lượng sống dưới 1 năm.
- Các bệnh lý tâm thần đồng thời có thể bị nặng thêm khi cấy máy phá rung tự động hoặc có những khó khăn trong theo dõi.
- Nhịp nhanh thất/rung thất do nguyên nhân có thể điều trị như tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân nặng với tim mạch bình thường hoặc nhịp nhanh trên trái tim bình thường, có thể điều trị khỏi bằng phương pháp triệt đốt.