CHÚNG TA SẼ CHẾT NẾU KHÔNG CÓ NHỮNG TÁC NHÂN “ÍCH KỶ”
Chúng ta luôn nhận thức được rằng không nên đến siêu thị khi đang đói. Chúng ta thường kết thúc bằng việc mua quá nhiều và mua những thứ không cần thiết. Chúng ta mua quá nhiều bởi vì lúc đó chúng ta muốn ăn tất cả những thứ mình nhìn thấy… bởi vì chúng ta đang đói. Đó là sự thật hiển nhiên. Nhưng câu hỏi thú vị hơn đặt ra là tại sao chúng ta đến siêu thị khi chúng ta không đói?
Trong thời kỳ đồ đá, tổ tiên của chúng ta đã sống trong khoảng thời gian mà nguồn tài nguyên cạn kiệt và lương thực rất khó kiếm. Hãy thử tưởng tượng, mỗi khi thấy đói, chúng ta phải ra ngoài săn bắn hàng giờ đồng hồ và không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ săn bắn được bất kỳ thứ gì. Kỳ quặc là, loài người đã không tồn tại được với hệ thống như vậy. Chính vì vậy, trong nỗ lực để giúp chúng ta lặp lại hành vi, cơ thể đã đưa ra cách để khuyến khích chúng ta săn bắn và hái lượm thường xuyên, thay vì ngồi chờ đến khi chết đói.
Hai chất endorphins và dopamine là nguyên nhân định hướng cho chúng ta săn bắn, hái lượm và thu hoạch. Chúng khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn mỗi khi tìm được thứ mà mình đang kiếm tìm, xây dựng nên những thứ chúng ta cần làm hay hoàn thành các mục tiêu. Đây là những chất của quá trình phát triển.
E LÀ ENDORPHINS: CẢM GIÁC HƯNG PHẤN
Endorphins phục vụ với một mục đích duy nhất: Che giấu nỗi đau thể xác. Đúng như vậy. Hãy nghĩ endorphins như một loại thuốc phiện. Xuất hiện để đối phó với những căng thẳng hay nỗi sợ hãi, chúng sẽ che giấu những đau đớn thể xác bằng niềm vui. Cảm giác hưng phấn do chạy bộ của các vận động viên trải qua trong và sau quá trình tập luyện chăm chỉ, trên thực tế là chất endorphins đang dâng trào trong tĩnh mạch. Đây chính là một trong những lý do mà những người chạy bộ và những vận động viên khác tiếp tục đẩy cơ thể vận động càng gian khổ hơn. Điều đó không phải chỉ vì phương pháp rèn luyện khiến họ làm vậy mà bởi vì họ cảm thấy thực sự thoải mái khi vận động. Họ yêu thích và đôi khi còn khao khát sự tuyệt diệu có thể đạt được khi luyện tập chăm chỉ. Tuy nhiên, lý do sinh học cho endorphins không liên quan đến việc luyện tập, mà nó hoạt động vì sự sống còn của chúng ta.
Nhờ endorphins, con người có khả năng vượt trội để chịu đựng nỗi đau thể xác. Endorphins sẽ bảo vệ và duy trì hoạt động cho tất cả vận động viên. Hầu hết chúng ta không thể tưởng tượng được rằng họ phải chạy nhiều km liên tục và chạy một cách thường xuyên. Đó chính xác là thứ đã mang đến cho tổ tiên chúng ta một con dao sắc bén khi săn bắn trong suốt thời kỳ cổ đại. Họ có thể theo dõi một con vật từ khoảng cách rất xa và sau đó vẫn đủ khả năng để trở về nhà. Nếu những người thợ săn đáng tin cậy từ bỏ con mồi của mình bất cứ lúc nào chỉ vì họ kiệt sức, thì họ và những người trong bộ tộc của họ sẽ không được ăn thường xuyên và cuối cùng sẽ chết. Vì vậy Mẹ thiên nhiên đã tạo ra một động lực thông minh, khuyến khích chúng ta tiếp tục kiên trì – đó là một chút động lực endorphins.
Chúng ta thực sự có thể phát triển lòng khao khát nhờ chất endorphins. Đó là lý do tại sao những người có thói quen tập thể dục thường xuyên đôi khi lại khao khát được chạy bộ hoặc tập gym để giúp họ thư giãn, đặc biệt là sau một ngày làm việc căng thẳng. Có thể tổ tiên của chúng ta đã đi săn bắn và hái lượm không phải vì họ biết rằng mình cần phải làm vậy mà bởi vì họ cảm thấy thoải mái khi đi săn bắn và hái lượm. Một lần nữa, cơ thể muốn chúng ta cảm thấy tốt hơn khi tìm kiếm thức ăn hoặc làm việc chăm chỉ để xây dựng chỗ ở của mình nên chúng ta thích thú để làm việc đó. Tuy nhiên, nhờ có xe cộ và các siêu thị, chúng ta đang được sống trong một thế giới với mọi thứ sẵn có và nguồn tài nguyên dồi dào. Cơ thể chúng ta không còn tán thưởng cho việc tìm kiếm thức ăn, ít nhất là không còn sự xuất hiện của chất endorphins. Trong thời đại ngày nay, chúng ta có được endorphins từ những bài tập thể dục hay hoạt động chân tay cơ bản, và có ít nhất một ngoại lệ đáng chú ý.
Stephen Colbert, một nhà văn với phong cách châm biếm chính trị và là người dẫn chương trình của chương trình truyền hình The Colbert Report, trong một cuộc phỏng vấn về tầm quan trọng của tiếng cười trong những khoảng thời gian căng thẳng đã nhận xét: “Bạn không thể cười và sợ hãi cùng một lúc”. Và ông đã đúng. Khi cười sẽ giải phóng ra chất endorphins. Endorphins được giải phóng ra để che giấu những đau đớn mà chúng ta gây ra cho chính bản thân mình khi các cơ quan trong cơ thể bị tác động. Chúng ta thích cười cũng giống như lý do những vận động viên thích luyện tập, vì nó sẽ hình thành nên một cảm giác tốt. Nhưng tất cả chúng ta đều từng trải qua việc cười quá nhiều đến nỗi buộc phải dừng lại vì bắt đầu cảm thấy đau. Giống như những vận động viên, sự đau đớn đã bắt đầu trước đó, nhưng nhờ có chất endorphins mà chúng ta không cảm thấy đau cho đến tận một lúc sau đó. Đó là đỉnh điểm của cảm giác mà chúng ta nhận được vẫn tiếp tục sau khi tiếng cười kết thúc và như Colbert nói, chính điều này đã khiến cảm giác lo sợ khó mà cùng tồn tại được. Trong lúc căng thẳng, một chút cảm giác thư thái sẽ góp phần giúp chúng ta thư giãn với những người xung quanh và giảm áp lực để chúng ta có thể tập trung vào hoàn thiện công việc của mình.
D LÀ DOPAMINE: ĐỘNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN
Dopamine là lý do cho loại cảm xúc tích cực mà chúng ta có được khi tìm thấy thứ mình đang tìm kiếm hoặc làm điều mà chúng ta cần thực hiện. Dopamine làm chúng ta thấy thỏa mãn và hài lòng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, hoàn thành một dự án, đạt được mục tiêu hay thậm chí tiến thêm được một bước trên con đường tiến tới mục tiêu lớn hơn. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác sung sướng khi hoàn thành một việc gì đó trong một loạt danh sách công việc cần phải làm. Cảm giác này chủ yếu là do dopamine.
Một thời gian dài trước khi có nền nông nghiệp hiện đại và hệ thống siêu thị, con người đã dành một phần thời gian để tìm kiếm thức ăn cho bữa tiếp theo. Nếu không tập trung vào hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản như săn bắn và hái lượm, chúng ta không thể kéo dài sự sống. Vì thế, Mẹ thiên nhiên đã tạo ra một phương thức thông minh giúp chúng ta luôn tập trung vào nhiệm vụ của mình trong tầm tay. Một trong những cách chúng ta nhận được dopamine là từ việc ăn uống, đó cũng chính là lý do chúng ta thích ăn uống. Chính vì vậy chúng ta nỗ lực để lặp lại hành vi tìm kiếm thức ăn của mình.
Dopamine khiến chúng ta trở thành một loài định hướng mục tiêu với xu hướng phát triển. Khi được giao một nhiệm vụ hoặc một yêu cầu, miễn là chúng ta có thể nhìn thấy hoặc tưởng tượng ra trong đầu mình về thành quả, chúng ta sẽ nhận được một lượng dopamine thúc đẩy chúng ta phát triển trên con đường của mình. Ví dụ, quay trở lại thời kỳ đồ đá, nếu có ai đó nhìn thấy một cái cây trĩu quả thì ngay lập tức một lượng dopamine được sản sinh để khuyến khích họ tập trung vào nhiệm vụ và tìm kiếm thức ăn. Vì họ đang tập trung và hướng mọi sự chú ý của mình vào cây đó, họ sẽ có cơ hội lớn hơn, một dấu hiệu cho thấy họ đang tiến lại gần thành quả của mình. Và với mỗi dấu hiệu trong quá trình thực hiện, họ sẽ nhận được một lượng dopamine nhất định. Dopamine sẽ được bổ sung dần dần cho đến khi họ hoàn thành công việc khi họ đạt được mục tiêu của mình. Eureka!
Thời đại của chúng ta cũng giống như vậy. Khi gần đạt được mục tiêu, các chỉ số trong cơ thể nói cho chúng ta biết chúng ta đang thực hiện quá trình đó và sẽ có một chút động lực khác để tiếp tục quá trình. Rồi cuối cùng, khi đạt được mục tiêu, cảm giác mãnh liệt của việc “đạt được” là cú đánh lớn của dopamine mà cơ thể thưởng cho chúng ta vì đã làm việc chăm chỉ. Mỗi cột mốc mà chúng ta đi qua là một chặng đường, một con đường để chúng ta tiến gần hơn nữa tới thành quả của mình. Giống như những vận động viên điền kinh phải vượt qua mỗi vạch mốc để hướng tới vạch đích, cơ thể sẽ tự thưởng bằng cách giải phóng dopamine để chúng ta có thể tiếp tục phấn đấu, thậm chí làm việc chăm chỉ hơn để đạt được một lượng lớn dopamine khổng lồ – một cảm xúc mãnh liệt khi hoàn thành mục tiêu cuối cùng. Rõ ràng là mục tiêu càng lớn thì nỗ lực bỏ ra càng nhiều và chúng ta nhận càng nhiều dopamine. Đây là lý do tại sao chúng ta thực sự cảm thấy thoải mái khi nỗ lực làm việc chăm chỉ để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn, còn làm những việc đơn giản và nhanh chóng chỉ có thể cho chúng ta một lượng dopamine nhỏ. Nói cách khác, chúng ta cảm thấy thoải mái, hạnh phúc khi bỏ ra nhiều nỗ lực để hoàn thành một nhiệm vụ. Không có động lực sinh học thì chúng ta chẳng thể làm gì cả.
MỤC TIÊU PHẢI rõ ràng
Con người là loài theo định hướng trực quan. Dường như chúng ta tin tưởng vào đôi mắt của mình hơn bất kỳ một giác quan nào khác. Khi nghe thấy một tiếng động trong đêm tối, chúng ta thường muốn kiểm tra và chắc chắn không có gì ở đó trước khi có thể thoải mái, quay trở lại giường và nghỉ ngơi. Khi ai đó mà chúng ta quen biết đưa ra lời hứa hay tuyên bố họ đã hoàn thành một việc nào đó, chúng ta thường muốn “nhìn thấy tận mắt rồi mới tin”. Đây là lý do chúng ta thường ghi ra mục tiêu của mình. “Nếu bạn không viết ra mục tiêu, thì bạn sẽ không thể thực hiện nó”. Có một vài sự thật minh chứng cho điều này. Giống như khi nhìn thấy một cái cây trĩu quả ở trong một khoảng cách, nếu chúng ta có thể nhìn thấy trước điều mà chúng ta sẽ thiết lập để hoàn thành hoặc tưởng tượng ra nó một cách rõ ràng, thì chúng ta có thể thực sự nhờ vào sức mạnh của dopamine và có nhiều khả năng hơn để đạt được mục tiêu.
Đây là lý do chúng ta luôn muốn nhận được những mục tiêu rõ ràng để phấn đấu và đạt được phần thưởng, thay vì nhận những lời hướng dẫn vô định hình. Bạn sẽ không cảm thấy có động lực khi nghe thấy rằng chúng ta sẽ nhận được nhiều phần thưởng nếu chúng ta đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Nhiều đến bao nhiêu? Hãy đưa ra một điều gì đó cụ thể để chúng ta có thể thiết lập tầm nhìn của mình, một thứ mà chúng ta có thể đo lường việc thực hiện có nhiều khả năng để đạt được. Đây là lý do tại sao những người cân bằng được chi tiêu hay duy trì được ngân sách có nhiều khả năng để tiết kiệm và không vượt mức chi tiêu. Tiết kiệm không phải là một trạng thái của tâm trí, nó là một mục tiêu cần phải đạt được.
Đây cũng chính là lý do tại sao tuyên bố về tầm nhìn của một tổ chức phải là điều mà chúng ta có thể nhìn thấy được trong con mắt tâm trí của mình. Đó là lý do chúng ta gọi là “tầm nhìn” bởi vì chúng ta cần phải “nhìn” thấy nó. Những chỉ dẫn vô hình, như mục tiêu “trở thành công ty được tôn trọng nhất trong lĩnh vực của mình” thường là vô ích. Được ai tôn trọng? Khách hàng? Cổ đông? Nhân viên? Hay cha mẹ của CEO? Nếu chúng ta không thể đánh giá đầy đủ tiến trình đối với mục tiêu đó thì làm sao chúng ta có thể biết được rằng mình đang thực hiện tiến trình xứng đáng. Những từ ngữ thường xuyên xuất hiện trong những tuyên bố về mục tiêu, tầm nhìn như “lớn nhất”, “tốt nhất”, ở mức độ sinh học, thật là vô ích nếu chúng ta muốn truyền cảm hứng cho mọi người để họ làm việc chăm chỉ và đạt được mục tiêu đó.
Ngược lại, một tuyên bố về tầm nhìn tốt, trong những điều kiện cụ thể, sẽ giải thích những gì mà thế giới nhìn thấy nếu mọi thứ chúng ta làm thành công trên quy mô lớn. Tiến sĩ, mục sư Martin Luther King Jr. đã nói với chúng ta, ông có một ước mơ. Rằng một ngày “các bé trai và bé gái da đen có thể cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà”. Chúng ta có thể hình dung ra điều đó, chúng ta có thể nhìn thấy những điều tương tự như vậy.
Và nếu chúng ta thấy rằng mục tiêu đó, tầm nhìn đó truyền cảm hứng, xứng đáng với thời gian và sức lực của ta thì có thể dễ dàng lập ra kế hoạch cho từng bước đi mà ta cần để đạt được tầm nhìn ấy. Dù ngắn hạn hay dài hạn, thì càng nhìn rõ những gì chúng ta đang thiết lập ra để đạt được mục tiêu thì ta càng có khả năng đạt được mục tiêu ấy. Đó là nhờ dopamine. Đây cũng chính là lý do tại sao những mục tiêu, tầm nhìn tốt có thể mang lại những thứ mà đôi khi chúng ta sẽ không bao giờ đạt được nhưng chúng ta lại sẵn sàng hi sinh để cố gắng. Mỗi điểm trong cuộc hành trình là một cơ hội để chúng ta cảm thấy mình đang trong quá trình tiến tới những điều to lớn hơn, vĩ đại hơn bản thân mình.
Endorphins và dopamine hoạt động cùng nhau để đảm bảo sự sinh tồn vì chúng liên quan đến thức ăn và nơi sinh sống. Chúng giúp hoàn thành mọi việc để chúng ta có nhà để ở và có thức ăn để tồn tại. Không phải ngẫu nhiên nói rằng chúng ta cần một công việc để “sinh tồn”. Chúng ta thực sự cảm thấy đó là cách để sinh tồn. Nếu không có chất endorphins mang đến động lực để tiếp tục, chúng ta sẽ không phấn đấu và từ bỏ ngay khi thấy mệt mỏi và kiệt sức. Còn chất dopamine sẽ tự thưởng cho chúng ta khi hoàn thành một công việc bất kỳ, khiến chúng ta muốn tiếp tục làm việc đó. Nhưng sẽ rất khó khăn nếu làm mọi thứ một mình, đặc biệt là những việc lớn. Làm mọi việc cùng nhau vẫn luôn tốt hơn.
NHỮNG CHẤT VỊ THA
Tìm kiếm, xây dựng và đạt được thành quả chỉ là một phần trong câu chuyện cuộc đời. Đó là cách thức chúng ta thực hiện trong quá trình phát triển để có thể tồn tại được trong thế giới đầy rẫy nguy hiểm. Những chất vị tha, luôn nghĩ đến người khác khiến chúng ta cảm nhận được giá trị khi bản thân ở giữa cộng đồng, những người mà mình tin tưởng, tạo cảm giác thân thuộc và truyền cảm hứng cho chúng ta làm việc vì lợi ích của tổ chức. Đó chính là các chất vị tha giúp cho Vòng tròn an toàn luôn được vững mạnh.
S LÀ SEROTONIN: CHẤT LÃNH ĐẠO
“Tôi không có một nghề nghiệp chính thống và tôi cần sự tôn trọng của các bạn hơn bất cứ thứ gì”, Sally Field nói, khi cô đứng trên sân khấu Oscar và nhận giải thưởng cho vai diễn của mình trong bộ phim Places in the Heart. Năm 1985, lần thứ hai trên sân khấu Oscar, cô thừa nhận: “Lần đầu tiên tôi đã không cảm nhận được, nhưng lần này tôi đã cảm nhận được và tôi không thể phủ nhận sự thật là các bạn đã thích tôi, ngay lúc này, các bạn thực sự thích tôi!”
Những gì Sally Field đang cảm nhận lúc đó là do chất serotonin đang chảy qua những mạch máu của cô. Chất serotonin là cảm giác của niềm tự hào. Đó là cảm giác chúng ta có được khi nhận thấy rằng những người khác thích hoặc tôn trọng mình. Nó khiến chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và tự tin như thể ta có thể làm bất cứ điều gì. Và hơn cả việc thúc đẩy sự tự tin, serotonin còn thúc đẩy tâm trạng. Sự tôn trọng mà Sally Field nhận được từ công chúng có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp của cô. Người thắng giải Oscar có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi xuất hiện trong một bộ phim, có nhiều cơ hội nhận được những lời mời đóng phim và được lựa chọn bộ phim mình muốn tham gia, đồng thời cũng có nhiều khả năng ra lệnh cho người khác hơn.
Như những động vật xã hội, chúng ta muốn có sự ủng hộ của nhiều thành viên trong cộng đồng của mình, chúng ta thực sự cần những điều đó. Đó cũng chính là vấn đề. Tất cả chúng ta đều muốn cảm nhận được giá trị của những nỗ lực mà chúng ta đã làm cho những người khác trong tổ chức hoặc cho chính tổ chức. Nhưng nếu cảm thấy cô đơn, chúng ta sẽ chẳng có lễ trao giải, chương trình công nhận của công ty hay lễ tốt nghiệp nào cả. Và chắc chắn chúng ta cũng sẽ chẳng cần quan tâm đến có bao nhiêu lượt “thích” trên facebook của mình, bao nhiêu lượt người xem trên Youtube hay có bao nhiêu người theo dõi chúng ta trên Twitter. Chúng ta muốn cảm thấy rằng bản thân và công việc chúng ta đang làm được những người khác coi trọng, đặc biệt là những người trong tổ chức.
Nhờ serotonin mà một người tốt nghiệp đại học sẽ cảm thấy tự hào, cảm nhận được sự tự tin và tinh thần dâng cao khi họ bước lên sân khấu để nhận bằng tốt nghiệp. Thực tế, tất cả sinh viên đều cần tốt nghiệp để trả những khoản nợ, thực hiện những mong muốn của mình và có được sự công nhận của mọi người. Nhưng những người cùng tốt nghiệp khác có thể không cảm nhận được điều này nếu họ chỉ nhận được một bức email với lời chúc mừng chung chung và một tập tin đính kèm bằng tốt nghiệp để tải về.
Và đây là phần quan trọng nhất. Vào giây phút những người tốt nghiệp đại học cảm nhận được serotonin đang chảy trong tĩnh mạch, khi nhận bằng tốt nghiệp thì cha mẹ của họ, những người đang ngồi trên hàng ghế khán giả cũng đột nhiên nhận được serotonin và cảm thấy tự hào giống như con của họ vậy. Và đó chính là điểm quan trọng. Serotonin đang nỗ lực để củng cố sợi dây liên kết cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh, huấn luyện viên và cầu thủ, ông chủ và nhân viên, lãnh đạo và người thừa hành.
Đó là lý do tại sao khi ai đó nhận được phần thưởng thì người đầu tiên họ cảm ơn là cha mẹ, ông chủ, huấn luyện viên, Chúa hay bất cứ ai họ cảm thấy đã mang đến sự ủng hộ, bảo vệ để thực hiện được những dự định của họ. Và khi những người khác mang đến sự bảo vệ và giúp đỡ, nhờ serotonin, chúng ta cảm nhận được trách nhiệm của mình với họ.
Hãy nhớ rằng, các chất dẫn truyền thần kinh này kiểm soát cảm xúc của chúng ta. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cảm nhận được sức nặng của trách nhiệm khi người khác dành thời gian và sức lực của họ giúp đỡ chúng ta. Chúng ta muốn họ cảm nhận được rằng những hi sinh họ dành cho chúng ta hoàn toàn xứng đáng. Chúng ta không muốn làm họ thất vọng. Chúng ta muốn họ được tự hào. Nếu chúng ta là những người hỗ trợ, giúp đỡ người khác, chúng ta cũng cảm nhận được trách nhiệm tương đương như người nhận. Chúng ta muốn làm điều gì đó cho họ để họ có thể thực hiện những gì đã đặt ra. Nhờ serotonin, chúng ta sẽ không cảm thấy cần có trách nhiệm với những con số, mà chỉ cảm thấy trách nhiệm với mọi người. Điều này cũng lý giải tại sao lại có cảm giác khác nhau khi vận động viên vượt qua vạch đích một mình mà không có khán giả cổ vũ và khi chúng ta vượt qua vạch đích với tiếng reo hò, cổ vũ của đám đông. Trong cả hai trường hợp, việc hoàn thành, thời gian và ngay cả sự nỗ lực cũng giống nhau. Sự khác biệt duy nhất là trong một trường hợp có những người khác ở đó chứng kiến và cổ vũ.
Tôi đã cảm nhận được điều này khi tham gia chạy bộ ở cuộc thi Chạy bộ của thành phố New York vài năm trước đây. Một trong những điều thúc đẩy tôi tiếp tục chạy là vì tôi biết rằng bạn bè và gia đình đã tới đây để cổ vũ cho tôi. Họ đã dành thời gian và sức lực quý báu của mình để vượt qua quãng đường dài chỉ để thoáng nhìn thấy tôi khi tôi chạy qua. Thậm chí mọi người còn tính thời gian và địa điểm tôi sẽ chạy qua vì họ cảm thấy tự hào khi tôi đang nỗ lực để chạy qua đó. Và điều này đã truyền cảm hứng để tôi tiếp tục chạy, bởi vì tôi biết rằng, họ đang ở đó nhìn tôi. Tôi không chỉ chạy vì bản thân nữa, tôi không chỉ chạy vì chất endorphins và dopamine nữa. Lúc này tôi đang chạy vì serotonin. Chúng thực sự đã giúp tôi tiếp tục chạy.
Nếu tất cả những gì tôi muốn là hoàn thành quãng đường 42km, là tận hưởng khả năng của chất dopamine, thì tôi có thể tập luyện và làm việc đó mỗi tuần. Nhưng tôi không hề muốn như vậy. Tôi chạy vào ngày gia đình đến cổ vũ, vào ngày ban tổ chức mang đến cho tôi những đám đông. Tuyệt vời hơn nữa, tôi đã giành được một chiếc huy chương, một biểu tượng của thành công, mang đến cho tôi sự tự hào khi được đeo trên cổ. Chất serotonin thực sự mang đến cảm giác tốt.
Chúng ta càng trao đi những gì mình có để nhìn thấy thành công của người khác, thì giá trị của chúng ta với cộng đồng càng tuyệt vời và chúng ta càng nhận được sự tôn trọng từ mọi người. Khi đó địa vị của chúng ta trong tổ chức càng cao và chúng ta càng có nhiều động lực để tiếp tục cống hiến. Ít nhất, đây cũng là trách nhiệm để làm việc. Cho dù chúng ta là ông chủ, cha mẹ hay huấn luyện viên, chất serotonin cũng hoạt động để khuyến khích, thúc đẩy chúng ta phục vụ những người chúng ta đang chịu trách nhiệm trực tiếp. Nếu là công nhân, cầu thủ hay những người đang được quan tâm, chăm sóc, chất serotonin cũng sẽ hoạt động để khuyến khích chúng ta làm việc chăm chỉ, để ông chủ, bố mẹ hay huấn luyện viên của chúng ta được tự hào.
Những người làm việc chăm chỉ nhất để giúp người khác thành công sẽ được tổ chức nhìn nhận như một nhà lãnh đạo hay “alpha” của tổ chức. Người được gọi là Alpha phải là người mạnh mẽ, nguồn hỗ trợ của tổ chức, người sẵn sàng hi sinh thời gian và sức lực của mình để người khác đạt được thành công. Đây cũng là điều kiện đầu tiên của một lãnh đạo.
O LÀ OXYTOCIN: CHẤT TÌNH YÊU
Oxytocin là chất dẫn truyền thần kinh được mọi người yêu thích. Oxytocin là cảm giác của tình bạn, tình yêu hay niềm tin sâu sắc. Đó là cảm giác chúng ta nhận được khi sống và làm việc trong công ty có những người bạn thân thiết nhất hay những người đồng nghiệp chúng ta tin tưởng. Và đó cũng là cảm giác chúng ta có được khi làm việc gì tốt cho ai đó hay có ai đó làm những điều tốt đẹp cho chúng ta. Oxytocin cũng chịu trách nhiệm hình thành nên những lời nói âu yếm, cử chỉ thân mật. Oxytocin cũng là cảm giác chúng ta có được khi nắm tay nhau và cùng hát bài “Kumbaya”1. Nhưng oxytocin không chỉ tồn tại để khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ mà còn là chất thiết yếu trong bản năng sinh tồn.
1 Kumbaya: Bài hát dân gian rất thịnh hành ở Mỹ từ những năm đầu thế kỷ XX. Bài hát thể hiện sự gắn bó, gần gũi về tâm hồn cũng như cách sống của một nhóm người.
Nếu không có chất oxytocin, chúng ta sẽ không có những hành động khoan dung và rộng lượng. Nếu không có oxytocin, cũng sẽ không có sự đồng cảm. Nếu không có oxytocin chúng ta cũng không thể phát triển sợi dây liên kết của tình bạn và sự tin tưởng. Nếu không có oxytocin, chúng ta cũng chẳng có ai để dựa vào, cùng chia sẻ và tin tưởng. Không có oxytocin, chúng ta cũng sẽ chẳng có người để cùng nuôi dạy con cái và thậm chí không còn yêu thương con cái của mình nữa. Nhờ oxytocin, chúng ta tin tưởng mọi người sẽ giúp đỡ chúng ta xây dựng sự nghiệp kinh doanh, làm những việc khó khăn hoặc giúp chúng ta thoát khỏi trường hợp khó khăn mà bản thân gặp phải.
Nhờ oxytocin, chúng ta cảm nhận được sự liên kết giữa con người giống như ở trong một cộng đồng những người mà chúng ta yêu mến. Oxytocin làm cho chúng ta có tính xã hội.
Bởi vì trong một nhóm hay một cộng đồng, nhiều người có thể thực hiện tốt hơn là những cá nhân, vì vậy chúng ta cần phải nhận biết ai là người mình tin tưởng. Trong một nhóm, không cá nhân nào có thể duy trì một trạng thái cảnh giác liên tục để đảm bảo sự an toàn của cả nhóm. Nếu chúng ta nằm trong số những người chúng ta tin tưởng và những người tin tưởng chúng ta, thì lúc này trách nhiệm sẽ được chia sẻ cho mỗi người trong nhóm. Nói cách khác, chúng ta có thể đi ngủ vào ban đêm vì chúng ta tin tưởng rằng sẽ có người khác canh chừng những nguy hiểm cho chúng ta. Oxytocin chính là chất định hướng cho chúng ta thấy chúng ta có thể khiến chính mình dễ bị tổn thương như thế nào. Nó chính là chiếc la bàn xã hội quyết định khi nào an toàn thì cởi mở và tin tưởng, khi nào chúng ta nên giấu đi và giữ kín.
Không giống như dopamine mang lại cảm xúc hài lòng trong chốc lát, oxytocin là cảm xúc kéo dài. Chúng ta càng dành nhiều thời gian bên cạnh một ai đó, chúng ta càng sẵn sàng vì họ và có thể khiến bản thân dễ bị tổn thương. Khi chúng ta tin tưởng họ và có được sự tin tưởng của họ, thì càng có nhiều oxytocin chảy trong cơ thể chúng ta. Cuối cùng, giống như một trò ảo thuật, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mình đã phát triển mối quan hệ sâu sắc với những người đó. Sự điên cuồng, phấn khích và tự phát của dopamine sẽ được thay thế bằng sự thoải mái hơn, ổn định hơn và những mối quan hệ định hướng oxytocin lâu dài hơn. Nếu dựa vào ai đó để nhờ họ giúp làm việc hay bảo vệ khi chúng ta không đủ mạnh thì lúc đó trạng thái của ta còn giá trị hơn nhiều. Một định nghĩa yêu thích của tôi về tình yêu đó là cho ai đó sức mạnh để phá hủy chúng ta và tin tưởng rằng họ sẽ không bao giờ sử dụng nó.
Điều này cũng giống như bất kỳ một quan hệ mới nào. Khi bắt đầu đến một nơi làm việc mới, chúng ta cảm thấy hào hứng, mọi người cũng cảm thấy vui mừng, mọi thứ rất hoàn hảo. Nhưng sự tin tưởng chúng ta cần phải cảm nhận được đó là những người đồng nghiệp sẽ quan tâm và giúp đỡ chúng ta tiến bộ để chúng ta thực sự cảm thấy thân thuộc, dành thời gian và sức lực cho họ. Dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, tất cả đều áp dụng chung một quy tắc khi xây dựng mối quan hệ.
Trong Vòng tròn an toàn, chúng ta luôn cảm thấy mình thuộc về nơi đó.
Nhiều khi chúng ta muốn bản thân được nổi bật và được xem xét như một cá nhân riêng biệt, nhưng điều cốt lõi, chúng ta là động vật bầy đàn đã được tạo ra về mặt sinh học để tìm kiếm sự thoải mái khi cảm thấy thuộc về nhóm. Bộ não của chúng ta sẽ bị tác động để giải phóng ra chất oxytocin khi có sự hiện diện của nhóm và hoóc môn cortisol, chất sẽ tạo nên cảm giác lo lắng khi chúng ta cảm thấy cô độc và dễ bị tổn thương. Đối với tổ tiên của chúng ta cũng như tất cả động vật có vú khác, cảm giác thân thuộc và niềm tin rằng chúng ta có thể đối mặt với những nguy hiểm xung quanh phụ thuộc vào cảm giác an toàn trong nhóm. Ở bên ngoài luôn đầy rẫy những mối nguy hiểm. Những kẻ cô đơn bên ngoài tổ chức dễ bị động vật ăn thịt hơn là loài được bảo vệ và được con khác coi trọng.