N
ếu cảnh sát sắp sửa đưa bạn vào phòng mổ, bạn phải nói đôi điều, rõ ràng và đơn giản, có thể khiến họ thay đổi ý định và cứu được mạng sống của bạn. Hãy nói với họ một cách thẳng thừng: “Giết tôi là sai trái. Tôi là một con người, và các anh không thể làm như vậy với tôi”. Câu nói này có thể khiến các viên cảnh sát ngừng hành động.
Nhưng vì sao câu nói này lại có sức thuyết phục mạnh đến vậy? Câu trả lời là câu nói đó đã nhấn mạnh vào một nguyên tắc cơ bản nhất – trực tiếp lấy đi mạng sống của một người vô tội là điều sai trái – và nói cho các viên cảnh sát biết họ có nghĩa vụ phải làm theo nguyên tắc đó. Bạn nói rằng đơn giản tôi là một con người, cảnh sát phải có trách nhiệm đối với tôi. Và cảnh sát cũng là con người, họ không thể vi phạm nghĩa vụ đó.
Chú ý rằng câu nói đó không đả động gì đến hệ quả thuần cả. Trong khi không phủ nhận dứt khoát câu hỏi thứ nhất trong chương 2, câu nói này đã mở ra một viễn cảnh hoàn toàn mới cho vấn đề đưa ra quyết định trong vùng xám. Viễn cảnh này sẽ là tiếng nói thứ hai trong cuộc đối thoại và câu hỏi chủ đề của chương này chính là điều quan trọng thứ hai. Ý tưởng cơ bản của câu hỏi này là để ra những quyết định đúng đắn, chúng ta phải hiểu những trách nhiệm cơ bản của con người là cái gì? Phải chuẩn bị cho mình câu trả lời cho câu hỏi: “Trong hoàn cảnh này, trách nhiệm cơ bản của tôi là cần phải làm gì và không cần làm gì?”.
Trường hợp hiến tạng vừa rồi tuy là giả định nhưng cũng đáng suy ngẫm, hãy cùng xem thêm một ví dụ có thật trong lịch sử để thấy trách nhiệm cơ bản của con người trong việc ra những quyết định khó khăn sẽ như thế nào?
Năm 1945, Mỹ đã quyết định thả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật là Hiroshima và Nagasaki. Hơn 200.000 người chết, một số chết ngay tức khắc, một số người bị hành hạ bởi những chấn thương trầm trọng, phỏng và bị nhiễm phóng xạ. Vài ngày sau khi thả bom, Tổng thống Mỹ Truman nói với bộ trưởng quốc phòng Mỹ rằng ông ấy đang bị hành hạ bởi chứng nhức đầu kinh khủng. Khi bộ trưởng quốc phòng hỏi lại tổng thống rằng ông đang nói nghĩa đen hay nghĩa bóng, Truman trả lời là: “Cả hai”. Tổng thống Truman nói ông không thể chịu nổi cái ý nghĩ “Giết tất cả những đứa trẻ vô tội ở đó”. Sau đó, Tổng thống Truman ra lệnh không cho bất kỳ trái bom nguyên tử nào được thả xuống khu vực Thái Bình Dương mà không có lệnh của ông nữa.
Tại sao Truman ra lệnh như vậy và tại sao ông ấy bị nhức đầu kinh khủng? Truman đã từng tham gia đánh trận trong Thế chiến thứ nhất. Ông ấy biết những người lính đồng minh và gia đình họ đã chịu đựng như thế nào khi cuộc chiến tràn sang châu Á. Ông ấy rất muốn chấm dứt cuộc chiến dai dẳng và tàn phá khốc liệt đó. Nhưng Truman cũng nhận thức được rằng hàng ngàn trẻ em vô tội đã chết trong sự tàn phá của hai quả bom nguyên tử. Ông ấy biết điều đó là sai. Những đứa trẻ kia vô tội, và giết người vô tội vì mục đích chính trị cũng là sai. Thực tế, ngày nay chúng ta xem đó là hành động khủng bố.
Khi Truman nói ông không thể chịu đựng nổi suy nghĩ giết trẻ em, ông ấy đã không nói về hệ quả thuần mà nói về trách nhiệm cơ bản của con người, không phải với tư cách một tổng thống mà bằng tư cách con người. Truman biết giết trẻ em vô tội là sai và không muốn vi phạm trách nhiệm cơ bản của con người. Nhưng tại sao ông lại cảm thấy như vậy? Tại sao Truman tin rằng thả hai trái bom nguyên tử là đúng khi đưa ra quyết định trong thời khắc chiến tranh khốc liệt đó? Một quyết định với tư cách tổng thống hay tư cách con người? Và cách suy nghĩ nào mới là đúng?
Trách nhiệm cơ bản của chúng ta
Cũng giống như năm câu hỏi trong quyển sách này, câu thứ hai có tính chất như là tia laser, mang những ý nghĩa phức tạp và nền tảng cho định nghĩa thế nào là một cuộc sống tốt; một cộng đồng tốt; và tất nhiên điều chúng ta đang bàn luận ở đây: một quyết định tốt. Vì sao ví von câu hỏi này như là tia laser? Bởi vì câu hỏi này ẩn chứa sự tập trung và mạnh mẽ.
Câu hỏi được kết tinh từ những kiến thức uyên thâm của tôn giáo, những bài giảng cơ bản của tâm lý chính trị, những ý tưởng quan trọng của thuyết Tiến hóa, cũng như từ những phản ứng hằng ngày theo bản năng của chúng ta, bao gồm đau khổ, chịu đựng và cả cái chết.
Trước tiên là câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải có trách nhiệm với người khác?”, câu trả lời chỉ gói gọn ở một yếu tố duy nhất và rất quan trọng: Chúng ta có những trách nhiệm cơ bản đối với người khác bởi vì chúng ta cũng là con người . Nói cách khác, có những thứ thuộc về bản năng chung của con người đã trực tiếp tạo ra những trách nhiệm và nghĩa vụ của con người với nhau. Vì thế, con người mới có cảm giác như mang nợ nhau.
Nhà triết học người Đức Immanuel Kant từng nói: “Có hai thứ làm tôi khiếp sợ nhất: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và lương tâm đạo đức bên trong con người tôi”. Về cơ bản, câu hỏi thứ hai này nói rằng chúng ta đều có những trách nhiệm cơ bản về đạo đức, giống như những vì sao trên bầu trời mà chỉ cần ngẩng đầu lên là thấy được. Thấy được những trách nhiệm này là cách tốt nhất để làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn và giúp ta đưa ra quyết định tốt hơn. Tất nhiên, cũng có những tuyên bố mạnh mẽ và gây tranh cãi khác về lập luận này. Nhưng tại sao những bộ óc thông minh và những trái tim nhân hậu nhất hành tinh này lại tin rằng đó là cách suy nghĩ hoàn toàn đúng?
Câu trả lời rõ nhất và xa xưa nhất đã tồn tại trong các triết lý tôn giáo như: Hồi giáo, Do Thái giáo, Công giáo và Hindu giáo, tất cả đều cho rằng con người là một sinh vật đặc biệt. Một số tôn giáo cho rằng con người có linh hồn; một số dạy giáo dân rằng con người là một phần xác thịt và một phần là linh hồn, một sản phẩm của Tạo Hóa. Hay nói cách khác, con người không chỉ là một nấc thang của con đường tiến hóa. Ví dụ, một nguyên tắc căn bản của xã hội Công giáo được giảng dạy hàng thế kỷ nay là: “Vì được tạo dựng bởi hình ảnh của Thiên Chúa, con người sở hữu phẩm giá của một nhân vị, đó không phải là một vật, mà đó là con người”.
Đó chính là quan điểm về con người của các tôn giáo – chúng ta có trách nhiệm gắn kết mạnh mẽ với người khác – bất kể chúng ta là ai, sống ở đâu, hoặc theo thể chế chính trị nào. Truyền thống phương Đông còn thể hiện điều này rõ ràng hơn nữa(**). Ví dụ, theo Khổng Tử, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bắt buộc đối với gia đình, cộng đồng và cả vua chúa. Trong xã hội phương Tây, người Hy Lạp và La Mã xưa cũng có cùng quan điểm như thế. Trong một bài luận đàm nổi tiếng của luật sư thời La Mã Marcus Tullius Cicero mang tên “Thi hành trách nhiệm”, ông đã chỉ ra rằng mỗi con người đều bị ràng buộc bởi những trách nhiệm xuất phát từ bản năng vốn có và tác động của cộng đồng xung quanh ta.
(**) Trong quyển sách này, ở một số đoạn, tác giả đã nhấn mạnh sự khác biệt lớn giữa cách suy nghĩ của phương Tây và phương Đông về các thông lệ xã hội, chủ yếu nhằm phân biệt các xu hướng triết lý khác nhau. Trên thực tế, tất nhiên triết lý phương Đông hay phương Tây đều không thể khác nhau hoàn toàn và độc chiếm tư tưởng. Văn hóa phương Đông và phương Tây đều có những điểm quan trọng tương đồng nhau và ranh giới giữa hai nền văn hóa này bị xóa nhòa bởi sự giao thoa theo chiều rộng của các tư tưởng. Ví dụ, sự hồi sinh của tư tưởng triết học Aristotle trong giai đoạn thế kỷ 12 và 13 là kết quả của quá trình phổ biến những lý luận của nhà triết học này bởi nhà triết học người Hồi giáo Ibn Rushd, hay còn được nhắc đến dưới cái tên Averroes.
Ngày nay, trong thế giới phương Tây, nhấn mạnh vào quyền tự do cá nhân, chúng ta càng tiếp tục sống trong một thế giới đầy trách nhiệm với người khác. Những trách nhiệm này đi cùng với vai trò trong xã hội: trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, của con cái, của công dân, của nhân viên, và trách nhiệm nghề nghiệp. Ngay cả với những người luôn đấu tranh đòi quyền lợi cũng nhận thức được rằng họ cũng không thể tránh khỏi phải có những trách nhiệm ràng buộc. Bởi vì quyền lợi và nghĩa vụ chính là hai mặt của một đồng xu: Nếu tôi có quyền đối với tài sản của mình, thì cũng phải có trách nhiệm tôn trọng những tài sản đó. Nếu tôi có quyền được biết sự thật, thì ngược lại cũng phải có trách nhiệm nói sự thật. Tóm lại, chúng ta có trách nhiệm gắn liền với những người khác trong cuộc sống và tổ chức, và những trách nhiệm đó luôn luôn hiện hữu trong từng suy nghĩ của mỗi người.
Tại sao cần phải nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm của con người? Chưa có một câu trả lời dứt khoát cuối cùng nhưng thuyết Tiến hóa của loài người đã đưa ra một cách giải thích lý thú và hấp dẫn mà chúng ta có thể kiểm chứng từ những trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Một số loài linh trưởng có khả năng hiểu tốt hơn các loài khác – theo các nhà thần kinh học là do sự tồn tại của loại tế bào thần kinh phản chiếu. Những loài này có khả năng thực hiện tốt hơn các công việc theo nhóm – như tìm và dự trữ thức ăn, bảo vệ con cái và chiến đấu chống lại các loài ăn thịt khác. Vì vậy, chúng có khả năng sống sót và di truyền những đặc tính này cao hơn cho các thế hệ con cháu sau này – chính là loài người chúng ta.
Tất nhiên, đó chỉ là những suy đoán, nhưng cuộc sống hằng ngày sẽ kiểm chứng những điều đó. Giả sử, khi xem một phóng sự truyền hình về nạn lạm dụng trẻ em hay về những vụ án giết người, chúng ta nhận ra những phản ứng từ trong thâm tâm, có một cái gì đó không đúng với đạo đức. Một thứ gì đó nói cho chúng ta biết rằng loài người lẽ ra không nên hành động như vậy đối với nhau. Đồng thời cũng cảm thấy có điều gì đó không đúng nếu ai đó không có những phản ứng giống như mình.
Nếu ví von trong một dàn nhạc hợp xướng, câu hỏi thứ hai này sẽ là một nhạc cụ nền khá quan trọng nhưng không thể dùng để chơi solo. Câu hỏi này không những bao phủ những suy nghĩ sâu sắc có từ lâu đời và được chia sẻ bởi các nhà tư tưởng xuất chúng, mà còn bởi hầu hết những người đã có trải nghiệm cuộc đời này. Đối với con người, những trách nhiệm này sẽ dẫn hướng cho những quyết định của chúng ta trong cuộc sống. Nhà triết học Kwame Anthony Appiah cũng đã khẳng định điều đó.
Câu hỏi thứ hai đã giải thích vì sao hành vi của những viên cảnh sát yêu cầu bạn tự nguyện hiến tạng là sai trái. Đó cũng là lý do vì sao Tổng thống Truman căm ghét ý nghĩ giết hại trẻ em vô tội ở Nhật. Câu hỏi này cũng là một lời giải thích cơ bản trong cuộc tranh cãi vô tận – cái gì thật sự quan trọng trong cuộc đời này? Thế giới này thật ra vận hành ra sao? Hay cách nào tốt nhất để có thể đưa ra những quyết định khó khăn và quan trọng? Điều này cũng có nghĩa là người nào khi đối mặt với những quyết định khó khăn mà không thèm đếm xỉa đến câu hỏi thứ hai này tức là họ quá ngạo mạn, luôn phủ nhận và ích kỷ.
Câu hỏi này khá quan trọng nhưng liệu có mang tính thực tế hay không? Giả sử, hãy tưởng tượng bản thân đang phải vật lộn với một vấn đề trong vùng xám. Bạn tiếp cận vấn đề với vai trò của một nhà quản lý, làm việc với các đồng nghiệp và phát triển những thông tin tốt nhất, tiến hành phân tích và nhận được nhiều ý kiến đánh giá hợp lý. Bây giờ là lúc bạn đưa ra quyết định cần phải làm gì. Làm sao để biết được trách nhiệm cơ bản trong hoàn cảnh này là gì? Đâu là ranh giới của trách nhiệm mà bạn không thể bước qua? Để trả lời những câu hỏi này, chắc chắn bạn phải đặt mình vào vị trí nhà quản lý đang đối mặt với những thách thức lớn kinh khủng trong vùng xám trong những ví dụ dưới đây và suy nghĩ dựa trên những trách nhiệm cơ bản của con người.
Những thách thức thực tế
Hãy đặt mình vào vị trí của Jim Mullen, CEO của Biogen Idec. Năm 2004, Biogen là một công ty công nghệ sinh học nhỏ. Sau nhiều năm phát triển, Biogen đã sáng chế ra một loại thuốc chữa bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis, gọi tắt là MS), một loại bệnh lý mà hàng triệu người trên thế giới bị mắc phải và có những triệu chứng không thể lường trước, nguy hiểm đáng sợ – từ cảm giác mệt mỏi, đau nhức cơ, tay chân yếu, mất cân bằng, trầm cảm, suy giảm nhận thức và trong vài trường hợp dẫn đến tử vong.
Thuốc mới của Biogen mang tên “Tysabri”, được đánh giá là một bước tiến bộ trong việc chữa trị chứng MS, như một bệnh nhân kể: “Tôi khỏe hẳn lên. Không những có thể chạy nhảy một cách kỳ diệu, mà còn có thể cùng hai đứa con năm tuổi của tôi đạp xuồng khắp hồ. Tôi có thể đứng nấu ăn khá lâu và luôn tươi cười. Tysabri đã nhóm lên tia hy vọng cho tôi”.
Bởi vì Tysabri đã chứng minh được hiệu quả quá tốt trong quá trình điều trị lâm sàng ở năm đầu tiên, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chuẩn y cho yêu cầu của Biogen đưa thuốc ra bán ở thị trường trước khi quá trình điều trị lâm sàng đầy đủ thực hiện xong. Biogen vội vã tung thuốc ra thị trường. Chỉ trong một năm, Biogen đã xây hai nhà máy sản xuất mới, chuẩn bị tài chính cho các đối tác thứ ba, tái cơ cấu lực lượng kinh doanh, tập trung hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho FDA. Đã có 7.000 bệnh nhân sử dụng Tysabri và 15.000 bệnh nhân đang chờ được kê toa Tysabri. Cổ phiếu của Biogen Idec đã tăng đến con số kỷ lục.
Vào một buổi sáng thứ Sáu của tháng Hai, Jim Mullen tổ chức một cuộc họp mặt với toàn thể nhân viên Biogen Idec để cảm ơn những đóng góp của họ cho những thành công của công ty. Khi ông ấy trở về văn phòng, phát hiện một tin nhắn thoại từ giám đốc phụ trách an toàn sản phẩm: “Jim, chúng ta cần nói chuyện, hãy gọi tôi ngay nhé”. Mullen cảm giác đây là một tin xấu. Cuối cùng thì Mullen cũng nhanh chóng nhận được tin một bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Tysabri đã chết vì bệnh viêm não PML, một dạng nhiễm trùng cực kỳ hiếm gặp và một bệnh nhân khác cũng bị tương tự nhưng đang ở trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù đó là trường hợp hiếm, nhưng có đến hai trường hợp xảy ra khiến các bác sĩ đặt nghi vấn Tysabri là một tác nhân.
Chúng ta sẽ quay lại những rắc rối của Mullen và những quyết định ông ấy đưa ra trong các chương kế tiếp, bởi vì những điều đó minh họa những ý kiến và tư tưởng quan trọng về vấn đề vùng xám này. Tuy nhiên, bây giờ hãy tiếp tục chú ý đến hoàn cảnh hiện tại đã tạo ra những thách thức rất lớn về trách nhiệm cơ bản của con người khi gặp vấn đề trong vùng xám.
Một loạt câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của Mullen. Đầu tiên là trách nhiệm pháp lý của Biogen Idec đối với bệnh nhân bị viêm não PML, đối với các bệnh nhân khác đang điều trị bằng Tysabri, các bác sĩ và y tá đang điều trị, các cơ quan chức năng cấp phép và nhóm các nhà đầu tư. Song song đó, Mullen còn đối mặt với hàng loạt trách nhiệm đạo đức. Nếu suy xét kỹ càng, sẽ thấy những trách nhiệm pháp lý và đạo đức đó đều không đơn giản.
Ví dụ, trách nhiệm đối với bệnh nhân đang điều trị bằng Tysabri là gì? Về mặt pháp lý và đạo đức, Mullen có bị bắt buộc lập tức phải thông báo với các bác sĩ đang kê toa Tysabri cho bệnh nhân hay không? Và ông có trách nhiệm phải thông báo công khai cho tất cả bệnh nhân đang dùng Tysabri hay không? Hoặc ông có nghĩa vụ phải thực hiện ngay một cuộc nghiên cứu lại từ đầu để tìm ra nguồn gốc chứng PML có phải do Tysabri gây ra hay không? Hoặc Mullen có phải đưa ra thông báo triệu hồi toàn bộ số thuốc Tysabri trên thị trường về ngay hay không? Bệnh nhân có được quyền tự quyết định chọn tiếp tục điều trị bằng Tysabri và chấp nhận rủi ro?
Rõ ràng những vấn đề của Mullen là khá đặc biệt. Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại chuyện về Tysabri và suy nghĩ về những quyền mà con người thường đòi hỏi. Hãy lập danh sách những quyền đó, chúng ta sẽ thấy rất nhiều: quyền được sống, quyền được chọn lựa, quyền bầu cử, đi làm việc, đình công, bãi miễn quốc hội, đối xử công bằng trước pháp luật, quyền được tồn tại, được phát động một cuộc tấn công hạt nhân, quyền được tin vào đôi mắt của một ai đó, được làm chứng hợp pháp cho hôn nhân,... Tất cả những quyền đó đã tạo ra trách nhiệm của con người với con người.
Vấn đề phức tạp ở chỗ những quyền đó lại được thể hiện bằng những hình thức khác nhau. Một số dưới dạng pháp lý và quy định; một số được thực hiện trong mối quan hệ gia đình, hoặc chốn riêng tư; một số có vẻ không hợp lý và một số lại được quy định trong cuộc sống hằng ngày. Thêm một loạt câu hỏi được đặt ra: “Liệu những trách nhiệm này có thứ tự ưu tiên hay không? Nếu những trách nhiệm này bị xung đột thì giải quyết thế nào? Ví dụ như trách nhiệm phải nói sự thật và trách nhiệm phải đối xử tốt với bạn của mình. Nếu nói sự thật sẽ làm bạn đau khổ thì nên giải quyết thế nào? Tóm lại, một loạt trách nhiệm trên đã tạo ra những vấn đề có tính thực tiễn cao. Làm sao trong một hoàn cảnh khó khăn cụ thể, chúng ta biết đâu là trách nhiệm cốt lõi của mình? Thứ tự ưu tiên của các trách nhiệm đó là thế nào? Phải làm gì khi trách nhiệm này mâu thuẫn với trách nhiệm khác? Chúng ta nên sắp xếp các trách nhiệm theo cảm nhận hay theo lý trí?”.
Khi trưởng thành, hầu hết mỗi người đều có một danh sách dài những điều phải làm và không nên làm – vâng lời cha mẹ, giữ cho căn phòng sạch sẽ, gọn gàng, kính trọng người trên,... đó là những điều học được từ cha mẹ và những người trưởng thành khác. Thông thường, tiếng nói của những người này luôn vang vọng trong tâm trí, nói cho chúng ta biết một cách vô thức nên làm cái gì và không nên làm cái gì, tạo ra nhiều cảm giác theo nhiều cung bậc khác nhau với bản thân.
Tệ hơn nữa, có nhiều bằng chứng có căn cứ cho rằng ngay cả khi hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm của mình, các tác động từ bên trong và ngoài thường ngăn cản chúng ta thực hiện những việc mà bản thân biết rằng nên làm. Một ví dụ được nhiều người biết đến là câu chuyện của các sinh viên ở trường dòng Princeton. Trong một tiết học về giáo lý hướng dẫn đức tính tốt đẹp của người hay làm phước, giúp đỡ người khác, giảng viên cố tình kéo dài thời gian tiết học để làm các em này trễ học tiết sau. Trên đường chạy từ lớp này qua lớp khác, họ nhìn thấy một người (tất nhiên là trường sắp xếp) nằm ngay lối đi đang rên rỉ đau đớn và ho sù sụ. Chỉ có mười trong số sáu mươi ba sinh viên dừng lại hỏi han và giúp đỡ người đó. Số còn lại lo chạy đến lớp khác cho kịp giờ.
Cách đây một thế kỷ, nhà tâm lý học người Mỹ William James đã viết: “Dấu vết về mặt trái của loài người tồn tại khắp mọi nơi”. James nhấn mạnh rằng nền khoa học đương đại cũng xác nhận rõ ràng và lặp đi lặp lại: Niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người thường bị chính những thiên kiến, ước muốn của bản thân làm méo mó đi bằng những cách mà chúng ta không thể phát hiện được.
Trường hợp Tysabri buộc chúng ta phải tự hỏi liệu câu hỏi thứ hai có thật sự mang tính thực tế hay không? Phải làm gì khi muốn thực hiện trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc trong khi những trách nhiệm khác lại dồn chúng ta ở một phía khác? Làm thế nào để hiểu rõ trách nhiệm cốt lõi mà không bị tác động bởi những thiên kiến?
Hướng dẫn thực hành: Đánh thức trí tưởng tượng
Có một cách để trả lời cho câu hỏi thứ hai này, dựa trên một khái niệm mà chúng tôi gọi là sự “tưởng tượng đạo lý”. Chúng ta sẽ giải thích khái niệm này và tầm quan trọng của khái niệm này như thế nào trong việc xử lý vấn đề trong vùng xám. Nhưng trước khi sử dụng khái niệm này, chúng ta phải trải qua hai bước đầu tiên. Mỗi bước đòi hỏi chúng ta phải xóa bỏ trong đầu câu trả lời cho câu hỏi thứ hai có tính chất định kiến, mang tính hợp lý theo suy diễn của bản thân. Hai bước này rất dễ bị hiểu sai.
Nhìn vào con số
Bước đầu tiên trong bài thực hành này là hãy cố gắng tập trung nhìn vào các con số có tính chất kinh tế. Xem xét thật kỹ con số nào là quan trọng và luôn nhớ phải đặt các định kiến hoặc thông tin đã có từ trước sang một bên để không ảnh hưởng đến đánh giá về con số đó.
Có những hiểu sai về bước này. Nếu bản thân là một nhà quản lý kinh doanh, nhiệm vụ chính sẽ là mang về lợi nhuận, tối ưu hóa đầu tư, tạo giá trị cổ đông hay đơn giản là kiếm tiền. Tất nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cần tạo ra nhiều lợi nhuận và hầu như tổ chức nào đi chăng nữa cũng cần giám sát chặt chẽ số liệu tài chính. Vì vậy, nhà quản lý cũng cần phải có kỹ năng để thực hiện những điều đó. Đó là lý do tại sao hướng dẫn thực hành cơ bản trong quyển sách này yêu cầu chúng ta tiếp cận vấn đề vùng xám dưới vai trò của một nhà quản lý. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhìn sự việc dưới góc độ kinh tế. Nếu không, xử lý vấn đề trong vùng xám hay những quyết định hằng ngày trong công việc, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định không tốt và có thể làm suy yếu doanh nghiệp, cũng như hạn chế con đường sự nghiệp của bản thân.
Nhưng khi xử lý vùng xám, chúng ta buộc phải giải quyết vấn đề với cả tư cách một con người. Vì thế bước thứ hai, chúng ta phải nhìn xa hơn những con số kinh tế, nếu muốn hiểu hết những trách nhiệm cơ bản của mình.
Ví dụ như trong trường hợp của Jim Mullen, ông ấy có nên phớt lờ trách nhiệm với người khác, thay vào đó tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc Tysabri bằng mọi cách để tối ưu lợi nhuận cho cổ đông hay không? Lẽ ra ông ấy nên quan tâm đến mối quan hệ lợi ích và rủi ro khi tung Tysabri ra thị trường trước khi hoàn thành kiểm nghiệm lâm sàng, hay chỉ cần quan tâm về mặt kinh tế của Biogen thôi? Với suy nghĩ đó, liệu những nhà quản lý chịu trách nhiệm sa thải nhân viên có nên chỉ nhìn vào khía cạnh kinh tế? Họ có nên đặt những tác động mà nhân viên phải gánh chịu vì bị sa thải sang một bên và nhìn nhận nhân viên như là một loại tài sản được định giá, có giá trị sử dụng, mua bán như những chiếc máy sản xuất khác?
Nếu đi ngược dòng lịch sử một chút, chúng ta nhận thấy ý tưởng nhà quản lý trong doanh nghiệp chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tối ưu hóa lợi ích kinh tế từng là một sự phát triển nổi bật về lý thuyết quản lý và được giới học thuật thừa nhận. Lý thuyết này áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: kinh tế học, tài chính, các mô hình toán kinh tế và nhiều thứ khác nữa – đến gần cuối thế kỷ 20, tại Mỹ, lý thuyết này được cải biên một chút và trở thành nguyên tắc tối cao để ra quyết định của các nhà quản lý.
Nếu nhìn ở góc độ nhân văn, khái niệm này có thể làm nhiều người bất bình. Không tồn tại một loại trách nhiệm cơ bản nào của con người là kiếm thật nhiều tiền cho bất kỳ một nhóm người nào khác cả.
Nhưng có lẽ trong thế giới ngày nay, chúng ta không có chọn lựa nào khác. Có phải những nhà quản lý, ít nhất là những người đang làm việc trong hệ thống kinh tế Anglo - American, đều bị pháp luật bắt buộc phải tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư cho cổ đông? Câu trả lời là không. Và đó là lý do, khi đối mặt với vùng xám, chúng ta phải nhìn xa hơn khía cạnh kinh tế. Không có một bộ luật doanh nghiệp nào tại Mỹ nói rằng những nhà quản lý phải luôn có trách nhiệm không giới hạn tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông. Điều mà luật ghi ra khá là khác nhau: Trách nhiệm pháp lý của nhà quản lý là phục vụ cho lợi ích của cổ đông và doanh nghiệp. Đó là một sự ủy thác rất rộng và luật cũng cho phép các nhà quản lý một sự linh hoạt khá lớn để theo đuổi trách nhiệm đó.
Cuộc đối thoại gần đây giữa CEO của Apple, Tim Cook, và một cổ đông là một ví dụ thực tế về trách nhiệm pháp lý của nhà quản lý. Cổ đông này đặt vấn đề với Tim Cook về chương trình năng lượng tái tạo của Apple và yêu cầu Apple chỉ nên theo đuổi mục tiêu nếu chương trình này đem lại lợi nhuận. Với một thái độ nổi giận hiếm có, Cook đáp trả rằng Apple đã thực hiện nhiều dự án bởi vì tính hợp lý và đúng đắn – “Khi chúng tôi sản xuất thiết bị cho người mù, tôi không màng đến lợi nhuận đầu tư là bao nhiêu.” – Cook nói. – “Nếu anh muốn tôi làm những thứ chỉ vì mục đích lợi nhuận, anh nên bán cổ phiếu của mình đi là vừa.”
Ở Mỹ, những quy định liên quan đến doanh nghiệp cho phép các nhà quản lý và ban giám đốc quyền tự quyết khá rộng trong việc thiết lập mục tiêu mà doanh nghiệp theo đuổi – miễn là động cơ của họ không bị xung đột với quyền lợi của quốc gia và cho thấy doanh nghiệp đã nỗ lực để đưa ra những quyết định có cân nhắc. Bên cạnh đó, ba mươi tiểu bang cũng đã thông qua những điều luật cho phép doanh nghiệp được quyền ưu tiên xem xét lợi ích của các nhóm khác chứ không chỉ riêng nhóm cổ đông. Viện Luật Pháp của Hoa Kỳ nêu rõ các nhà quản lý có đủ quyền tự do để hy sinh lợi nhuận nhằm tránh thi hành những hoạt động có thể gây tổn hại cho nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng và những nhóm khác.
Những lý lẽ về việc tối đa hóa lợi ích, thật ra là những điều mang tính thực dụng và cụ thể. Những lý lẽ đó khá đơn giản, rõ ràng và cũng là những tiêu chuẩn hữu dụng trong việc ra quyết định hằng ngày trong môi trường kinh doanh của thị trường cạnh tranh và tuân thủ luật pháp. Trong những hoàn cảnh này, suy nghĩ dựa trên lợi ích lâu dài và lợi nhuận ngắn hạn là một cách để sử dụng nguồn lực xã hội theo cách tốt nhất. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, lợi nhuận cao có thể là điều rất quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nhưng hãy lưu ý rằng trách nhiệm tìm kiếm lợi nhuận không được xung đột hoặc thay thế những trách nhiệm cơ bản của con người. Nhà quản lý phải hết sức cẩn trọng để không vì trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp mà phớt lờ trách nhiệm cơ bản của con người. Đó là lý do tại sao khi đối mặt với vùng xám và để hiểu rõ trách nhiệm cơ bản của con người, chúng ta không thể không quan tâm đến yếu tố kinh tế và nhìn xa hơn những trách nhiệm kinh tế đó.
Dựa trên trách nhiệm với cổ đông
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu suy nghĩ dựa trên trách nhiệm đối với cổ đông? Đây là một chọn lựa truyền thống, chỉ tập trung vào lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, quan điểm mà chúng ta đang thảo luận chính là phải có trách nhiệm với những nhóm khác nữa, chứ không chỉ có cổ đông, bao gồm khách hàng, nhân viên, đối tác, chính phủ và cộng đồng nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
Liệu chỉ dựa vào trách nhiệm với cổ đông có phải là cách đúng hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Quan điểm của cổ đông rất có giá trị và quan trọng – được đánh giá như là những chỉ dẫn mạnh mẽ và thực dụng để thu hẹp những âu lo về lợi nhuận của doanh nghiệp – giúp cho nhà quản lý cân nhắc cẩn trọng, có trách nhiệm và chiến lược về lợi ích của tất cả các nhóm liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp. Những quan điểm của cổ đông cũng thúc đẩy nhà quản lý phát triển những kế hoạch hợp lý để duy trì mối quan hệ với các nhóm này. Tuy nhiên, quan điểm của cổ đông cũng có hai vấn đề gay go cần phải thảo luận.
Đầu tiên, những quan điểm đó quá tổng quát – chỉ cho biết chúng ta phải chú ý đến trách nhiệm của mình với cổ đông mà không nói rõ là cần làm những gì – không nói rõ nhóm nào có ưu tiên cao hơn, hoặc những trách nhiệm nào nhà quản lý và doanh nghiệp phải ưu tiên cho nhóm có ưu tiên cao hơn? Cổ đông có thể giúp cho nhà quản lý đi đúng hướng, nhận ra tầm quan trọng của những nhóm khác, hiểu được sức mạnh của họ, những điều họ quan tâm và trách nhiệm của chúng ta với họ, nhưng lại không nói rõ vấn đề nào là ưu tiên.
Vấn đề thứ hai, cũng chính vì quan điểm của cổ đông mang tính chung chung nên vô hình trung tạo ra cho nhà quản lý một sự tập trung thiên lệch về những nhóm có ảnh hưởng lớn, thân quen, đặc biệt là những nhóm có lợi ích kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Đây thật sự là một mối hiểm họa có thật chứ không chỉ nằm trên sách vở. Aaron Feuerstein, ông chủ nhà máy Malden Mills, đã bị rơi vào cái bẫy này. Ông ấy đã quá tập trung vào những lợi ích nhìn thấy được trước mắt của nhóm cổ đông có mối quan hệ lâu dài với mình mà xem nhẹ những trách nhiệm lâu dài với họ. Ông ấy đã quyết định chăm lo cho nhóm công nhân nhà máy ở Malden Mills nhưng đó chỉ là trách nhiệm ngắn hạn. Ở Malden Mills, hay bất cứ nơi đâu ở Mỹ, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, không ai có thể giúp cho những công nhân này được hưởng lợi về lâu dài, ngoại trừ việc Feuerstein suy nghĩ cặn kẽ và tái cấu trúc lại Malden Mills để đem lại cho họ công việc ổn định lâu dài trong những năm tiếp theo.
Nếu quá tập trung vào những nhóm có tầm ảnh hưởng lớn hoặc quá quen thuộc với mình, nhà quản lý rất dễ không chú ý đến những cơ hội lâu dài và bỏ sót những trách nhiệm hợp lý đối với các nhóm bị đánh giá là không quan trọng và không có tầm ảnh hưởng chính trị. Họ quá ân cần với những nhóm mà họ muốn duy trì trong quá khứ hơn là suy nghĩ đến tương lai. Quyển sách The Future and Its Enemies đã mô tả rất rõ vấn đề này. Câu hỏi khá cơ bản ở đây chính là: “Ai là người đại diện cho tương lai? Ai là đại diện cho quyền lợi của những nhóm nhỏ hoặc nhóm chưa hình thành?”. Những doanh nghiệp lớn và các ngành lớn thường có nhiều mối quan hệ với thế giới chính trị mà các doanh nghiệp nhỏ không có.
May thay, Jim Mullen đã tránh mối nguy từ cổ đông. Khá nhiều nhóm có lợi ích liên quan đến quyết định của ông ấy trong vấn đề thuốc Tysabri. Vì thế, Mullen nên tập trung vào những người đại diện và đưa ra một kế hoạch phục vụ cho lợi ích của cổ đông, nhân viên, cộng đồng, bệnh nhân, bác sĩ và các cơ quan chính phủ ở các quốc gia có sử dụng thuốc Tysabri? Hoặc ông nên tập trung mạnh trách nhiệm của mình vào một nhóm duy nhất – đó là những bệnh nhân đã sử dụng thuốc Tysabri? Mullen đã không phớt lờ nhóm cổ đông của Biogen, nhưng ông ấy tập trung nhiều hơn vào trách nhiệm cơ bản của con người đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc Tysabri. Trách nhiệm này lấn át tất cả những nhóm khác có lợi ích liên quan đến Biogen.
Đánh thức tiếng nói nội tâm
Khi đối mặt với vùng xám, làm thế nào chúng ta biết trách nhiệm cơ bản của con người là gì? Làm sao xác định được những trách nhiệm đó có ý nghĩa gì trong một hoàn cảnh cụ thể? Câu trả lời ngắn gọn là: hãy dựa vào tiếng nói nội tâm.
Ngày nay, khái niệm “tiếng nói nội tâm” dường như khá xa lạ nhưng thật ra đã tồn tại rất lâu và tạo được ấn tượng mạnh trong quá khứ. Dưới hình thức đơn giản nhất, khái niệm này là một dạng “độc thoại nội tâm”. Trong một số tình huống, tiếng nói này cho chúng ta biết điều gì đó là sai lầm nghiêm trọng mà không thể phớt lờ, cần phải hành động. Tổng thống Truman đã lắng nghe tiếng nói nội tâm này khi ông nói rằng: “Tôi không thể chịu đựng nổi ý nghĩ giết những đứa trẻ vô tội”, và sau đó yêu cầu ngưng sử dụng bom nguyên tử.
Để hiểu khái niệm “tiếng nói nội tâm” một cách cụ thể hơn, hãy nhớ lại quyết định trong vùng xám ở chương đầu tiên, về trường hợp của một nhân viên lâu năm nhưng mấy tháng gần đây cô ta tỏ ra sa sút trong công việc. Đây là một trường hợp có thật, tôi tạm gọi cô thư ký ấy là Kathy Thompson và sếp của cô là Alisha Wilson. Những nhà quản lý cấp dưới Wilson cùng quản lý công việc của Thompson tỏ ra rất giận dữ với sự sa sút của cô thư ký. Hầu hết họ đều muốn trả cô ấy về phòng nhân sự với mong muốn cô ấy bị đuổi việc. Wilson rất miễn cưỡng làm việc đó và cảm nhận được người thư ký Thompson này đang phải đấu tranh với vấn đề tâm lý hay bệnh tật gì đó. Đến một thời điểm, Wilson nói: “Tôi thật sự lo ngại rằng Thompson sẽ bị đuổi việc và gặp rắc rối trong cuộc sống sau đó”.
Khi Wilson nói như thế, cô ấy đã lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình. Wilson cho rằng cô và những người quản lý Thompson nhiều năm nay nợ cô thư ký này một sự quan tâm và sự đối xử đặc biệt. Wilson tin rằng họ phải có trách nhiệm nghiêm túc để giúp đỡ Thompson hơn là đẩy cô ấy về phòng nhân sự để thanh lý hợp đồng, cho cô ấy một khoản trợ cấp và một lá thư giới thiệu.
Cách đây hơn hai thế kỷ, nhà triết học, sử học người Anh, Edmund Burke đã đưa ra một định nghĩa cơ bản về tiếng nói nội tâm, đó là một phản ứng của con người trong một hoàn cảnh mà trái tim thấu hiểu và sự đồng cảm được biểu hiện . Định nghĩa của Burke mô tả chính xác phản ứng của Alisha Wilson đối với hoàn cảnh của Kathy Thompson. Đó là sự hợp nhất giữa cảm giác và lý trí, giữa trái tim và khối óc. Trái tim của Wilson – là phản ứng bản năng của một con người – nói cho cô ấy biết mình phải có trách nhiệm hợp lý đối với chế độ an sinh xã hội với người khác. Cô ấy nhìn thấy và lo sợ viễn cảnh Thompson phải “lang thang đầu đường xó chợ”. Khi Wilson suy nghĩ về vấn đề này, cô ấy hiểu đây là khả năng hoàn toàn có thật, bởi vì vấn đề về sức khỏe và tâm lý của cô thư ký khá là nghiêm trọng. Wilson và các quản lý phải có trách nhiệm đặc biệt đối với Thompson, người không những đã làm việc với công ty lâu năm mà còn là một người bạn. Trong định nghĩa của Burke, sự đồng cảm của Wilson đã chấp nhận những gì trái tim cô ấy nói.
Hoàn cảnh nào mới có khả năng kích hoạt tiếng nói nội tâm của chúng ta? Không có một câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này; tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, như Alisha Wilson và Jim Mullen, hai trách nhiệm cơ bản của con người đang bị đe dọa.
Trách nhiệm thứ nhất tập trung vào quyền được sống mà không phải lo sợ, đau khổ và chịu đựng một cách vô ích. Tính chính đáng của quyền này đã quá rõ ràng. Về cơ bản, lý lẽ này không dính dáng gì đến vấn đề chính trị hay tư tưởng triết học cả, thay vào đó là sự bao phủ của góc nhìn nhân văn – chính sự đồng cảm và thấu hiểu những trải nghiệm cuộc sống sẽ cho chúng ta biết những hành động nào là sai trái, và chúng ta bị ràng buộc phải cố gắng tránh cho điều đó xảy ra đối với những người xung quanh. Đó là những điều gì? Stuart Hampshire, nhà triết học đương đại đã viết: “Tính xấu của con người chẳng có gì bí ẩn, hay do chủ quan, hoặc do văn hóa – xuất hiện ở mọi độ tuổi, mọi hoàn cảnh lịch sử và tồn tại trong cả bi kịch lẫn hư cấu: giết người, hủy hoại cuộc đời, bỏ tù, nô lệ, đói rách, nhục hình, vô gia cư, không bạn bè,... Ngăn chặn những tính xấu này xảy ra vẫn còn là một giả định trong mọi lý lẽ về đạo đức ở bất cứ nơi nào trên thế giới từ trước tới nay”. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều có một quyền cơ bản là không để cuộc đời của mình bị tước đoạt hay bị hủy hoại. Có nghĩa là các nhà quản lý có một trách nhiệm lớn: không hủy hoại hoặc đe dọa cuộc sống của người khác vì những quyết định của mình.
Trách nhiệm thứ hai khiến cho tiếng nói nội tâm được kích hoạt đó là trong những hoàn cảnh con người không được đối xử một cách tôn trọng hay có đầy đủ phẩm giá mà lẽ ra họ đáng được hưởng. Như chúng ta đã thấy, trách nhiệm cơ bản này có nguồn gốc sâu xa từ tôn giáo trên khắp thế giới. Sau đó được gắn vào khái niệm cơ bản của dân chủ – khái niệm mà tất cả chúng ta đều hiểu và nhận được như nhau.
Những trách nhiệm này không được mô tả một cách chính xác và đầy đủ, cũng không có một lý lẽ về mặt triết lý nào buộc chúng ta phải tin vào những trách nhiệm này là đúng đắn. Nhưng cũng không có yếu tố nào cho phép các nhà quản lý có quyền phớt lờ những trách nhiệm này, hay tìm cách thay thế bằng những thứ khác. Trên thực tế, bởi vì hai trách nhiệm này cơ bản là không có giới hạn, vì thế các nhà quản lý phải làm việc vất vả hơn và suy nghĩ cẩn trọng hơn trong những trường hợp cụ thể.
Trường hợp thuốc Tysabri cho thấy tầm quan trọng của hai trách nhiệm cơ bản này. Quyết định của Mullen rất rõ ràng – ai thật sự cần được điều trị bằng Tysabri, và khi nào họ nhận được thuốc. Ông ấy cũng đã xác định ai là người đang được điều trị bằng Tysabri, ai là người có thể hứng chịu nguy cơ bởi Tysabri. Tất cả những thông tin này cho phép Mullen xác định được trách nhiệm rất rõ ràng là tập trung vào sự an toàn của bệnh nhân. Trách nhiệm này lấn át mọi trách nhiệm với cổ đông của Biogen và các nhóm khác. Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc Tysabri cũng có quyền được đối xử bằng sự tôn trọng và tự quyết. Có nghĩa là Mullen và Biogen có trách nhiệm phải nói sự thật, đầy đủ và chính xác nhất những gì họ biết về cơ hội và nguy cơ của Tysabri.
Tấn công vào những trở ngại
Nói “Hãy dựa vào tiếng nói nội tâm của mình” thì thật dễ dàng, nhưng trên thực tế có thể sẽ không dễ nếu đối mặt với những áp lực thật sự. Vì vậy, nhất thiết phải theo quy trình như đã đề cập trong chương 2 về những hệ quả chung. Để đánh thức được trí tưởng tượng đạo lý, cần phải qua hai bước. Bước thứ nhất là phải nhận diện được những chướng ngại ngăn cản trí tượng tưởng đạo lý của mình. Bước thứ hai là cần phải làm việc tích cực với những người khác để cùng nhau hiểu được tiếng nói nội tâm đã nói gì với chúng ta.
Những chướng ngại đó là gì và ảnh hưởng ra sao đến chúng ta? Câu trả lời đến từ một người rất thú vị: nhà kinh tế học Adam Smith. Mặc dù ông ấy rất nổi tiếng trong việc hệ thống hóa một số lý thuyết kinh tế cơ bản, ví dụ như tư tưởng Bàn tay Vô hình trong nền kinh tế thị trường, Smith vẫn là một nhà tư tưởng lớn về nhân văn. Quyển sách nổi tiếng nhất của Smith về kinh tế là The Wealth of Nations , nhưng những nghiên cứu của ông về triết học mới thật sự ấn tượng và được ghi lại trong quyển The Theory of Moral Sentiments .
Trong đó, Smith dành hẳn một chương để bàn luận về việc con người thường phản ứng với những tin tức về thảm họa, tai ương xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới. Điều thú vị là những gì ông viết ra cách đây hơn hai trăm năm lại diễn ra chính xác vào thời điểm bây giờ. Smith giả định có một trận động đất ở Trung Quốc giết chết hết tất cả mọi người ở đó. Sau đó, Smith phác họa những phản ứng tức thì của những người đang ở châu Âu. Đầu tiên, có một người bày tỏ mạnh mẽ sự tiếc nuối cho những người không may, anh ấy bắt đầu than thở về sự tạm bợ của cuộc đời, sự phù phiếm của công việc, tất cả đều có thể bị hủy diệt trong phút chốc.
Phản ứng này chỉ kéo dài chốc lát, sau đó những người bạn châu Âu đồng cảm kia sẽ làm gì? Smith viết tiếp: “Khi mọi triết lý đẹp đẽ qua đi, khi tất cả những tình cảm nhân văn đã được giãi bày, anh ấy lại tiếp tục theo đuổi công việc của mình hoặc những niềm vui riêng, tận hưởng kỳ nghỉ và những thú tiêu khiển của mình,... giống như chưa từng có việc gì xảy ra”. Adam Smith, một nhà quan sát sắc sảo về những hành vi tình cảm của con người, cho chúng ta thấy tất cả đều khá quen thuộc: tiếng nói nội tâm trỗi dậy nhanh chóng bằng sự cảm thông với những người Trung Quốc không may và rồi cũng nhanh chóng lụi tàn.
Điều gì khiến cho tiếng nói nội tâm của chúng ta trở nên quá mong manh? Đối với nhà quản lý, một yếu tố dễ dàng nhìn thấy nhất đó là sự bận rộn. Thực chất, công việc của nhà quản lý có thể được ví như là sợi đai băng chuyền trong các dây chuyền sản xuất tự động, luôn luôn mang đến hết việc này đến việc khác. Vài công việc có tầm quan trọng, một vài việc không quan trọng lắm, nhiều thứ khác thật là hỗn độn và phức tạp, và hầu hết mọi việc đều phải xử lý nhanh chóng để có thể chuyển sang việc khác. Công việc hằng ngày ở công ty cũng là một chướng ngại đối với tiếng nói nội tâm của chúng ta. Hầu như chúng ta không nghĩ ngợi nhiều về công việc hằng ngày, thay vào đó gần như là làm việc theo thói quen, quy trình đã vạch sẵn. Trong trường hợp của Kathy Thompson, quy trình đã vạch sẵn chính là gửi trả cô thư ký Thompson về phòng nhân sự.
Một chướng ngại khác chắc sẽ làm chúng ta ngạc nhiên, đó chính là sự thành công. Cách đây nhiều năm, một người quản lý có dịp nhìn lại sự nghiệp của mình ở New York. Khi đó, anh ấy khởi sự là một nhân viên với đồng lương thấp và phải đi làm bằng xe buýt. Về sau khi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, anh ấy lái chiếc limousine đi làm và sử dụng thang máy dành riêng để lên tầng thượng uống cà phê. Cứ mỗi lần thăng chức, anh ấy lại tách bản thân mình càng ngày càng xa với cuộc sống của mọi người xung quanh. Cứ mỗi bước thăng tiến lại càng làm anh ấy thêm quyền lực và thành công, tất nhiên đi kèm những ảo tưởng.
Rủi thay, những hàng rào ngăn bản thân đến với tiếng nói nội tâm càng ngày càng xa, càng sâu, không chỉ bao gồm những thứ như sự bận rộn, công việc theo thói quen hằng ngày và những thành công làm ta bị mê hoặc, mà còn là bản chất con người chúng ta. Con người tiến hóa như những sinh vật bầy đàn. Chúng ta vạch ra ranh giới giữa “bản thân và người khác”, giữa “người trong cuộc và ngoài cuộc” – nhưng ranh giới đó thường vô cùng mong manh. Theo bản năng, chúng ta yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn tất cả. Vì thế, tiếng nói nội tâm của chúng ta cũng giống như một người mù không biết phương hướng. E.O. Wilson, một trong những nhà sinh vật học có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 đã viết: “Vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi trong bối cảnh sinh học hiện đại ngày nay. Sự đối kháng giữa bộ lạc này và bộ lạc kia đã ăn sâu vào trong máu loài người cho đến nay. Đó cũng chính là động lực tiến hóa và phát triển của chúng ta đến ngày nay”. Xu hướng này đã làm lệch đi tiếng nói nội tâm trong bản thân chúng ta, như những gì Adam Smith quan sát ở một người châu Âu khi nghe tin dữ về người Trung Quốc.
Hãy hỏi điều gì là đáng ghét
Vậy thì làm sao để giải quyết những chướng ngại đó, nếu phải đối mặt với việc ra quyết định trong vùng xám mà không bỏ sót những trách nhiệm cơ bản? Thách thức ở đây chính là chúng ta có khả năng đặt bản thân vào người khác – một người ngoài cuộc hoặc chính nạn nhân, chứ không phải là người trong cuộc, hay người sẽ ra quyết định – hay không? Và một thách thức lớn hơn nữa đó là hiểu và cảm nhận được cảm giác, suy nghĩ của người khác – những người chịu tác động từ trách nhiệm cơ bản của người ra quyết định.
Một trong những cách thực tế nhất chính là dành thời gian trả lời một câu hỏi rất xưa cũ – được đúc kết bởi Hillel the Elder, một nhà triết học và thần học cổ. Một người đàn ông nói rằng anh ta sẽ cải đạo sang đạo Do Thái với một điều kiện: Hillel phải giảng giải bộ kinh Ngũ Thư – còn gọi là Torah, phần đầu của năm bộ kinh của Do Thái giáo, nhiều người cho rằng tương đương với kinh Cựu Ước trong Kitô giáo – mà phải đứng bằng một chân. Hillel giải quyết thách thức này một cách dễ dàng. Ông ấy chỉ đơn giản nói với người đàn ông đó: “Cái gì mà anh căm ghét thì đừng làm điều đó với hàng xóm của mình. Đó chính là tinh thần của Torah. Phần còn lại chỉ là những chú giải thêm. Hãy nghiên cứu thêm đi”.
Từ hay nhất và hấp dẫn nhất chính là “căm ghét”. Hillel yêu cầu chú ý đến những điều mà chúng ta thật sự quan tâm, từ trong thâm tâm, nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của họ. Trên thực tế, điều này có nghĩa là tìm cách tự hỏi và hỏi những người khác suy nghĩ gì và cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng nặng nề vì quyết định của chúng ta. Thử tưởng tượng xem mình sẽ phản ứng thế nào nếu cha mẹ, con cái hoặc người mà chúng ta thương yêu rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm? Nếu mình bị chứng đa xơ cứng (MS) hay viêm não PML, mình sẽ suy nghĩ thế nào? Điều mình mong muốn nhanh nhất là gì? Nếu con cái hoặc cha mẹ của mình bị MS thì sao? Hoặc giả sử sau khi dùng Tysabri bị viêm não PML thì sao? Trách nhiệm cơ bản nào mình nghĩ Jim Mullen và công ty Biogen phải gánh vác?
Một phiên bản tương tự những chỉ dẫn của Hillel là nguyên tắc được lưu hành ngày nay, gọi là Nguyên tắc Vàng: Đối xử với người như đối xử với chính mình. Ở phương Tây, hầu hết mọi người đều xem lời dạy này như là giáo lý của Kitô giáo. Nhưng Nguyên tắc Vàng này không mang đầy đủ ý nghĩa mà Hillel muốn chúng ta hỏi. Các nhà triết học cho rằng Nguyên tắc Vàng này là một phần nền tảng quan trọng của các lý thuyết về đạo đức học – không còn là của riêng Kitô giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng sử dụng nguyên tắc này để giáo huấn. Ngày nay, chúng ta nghe những câu tương tự như vậy khá nhiều – như ngạn ngữ Mỹ có câu: “Hãy mang thử đôi giày của người khác”.
Nếu chỉ xem nguyên tắc này như là một thứ giáo lý mà không phải là sự hiểu biết sâu sắc mang tính phổ quát, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Câu hỏi của Hillel mang hàm ý súc tích và cụ thể hơn Nguyên tắc Vàng ở chỗ yêu cầu chúng ta tìm ra những điều mình ghét hay không thích, không muốn. Câu hỏi này cũng đã tồn tại qua hai thế kỷ bởi vì đã thúc trúng tiếng nói nội tâm đang ngủ quên trong mỗi chúng ta, kích thích sự suy nghĩ và cảm thông của chúng ta về những trải nghiệm của người khác như một cách thấu hiểu trách nhiệm cơ bản của mỗi con người trong những hoàn cảnh cụ thể.
Việc đặt câu hỏi này rất có giá trị, bởi vì đánh thức tiếng nói nội tâm quả là một việc khó khăn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Đó cũng là lý do vì sao nên áp dụng quy trình, vì không đơn giản chỉ một hoặc hai câu hỏi là có thể đánh thức tiếng nói nội tâm. Đặc biệt, nó rất hữu ích cho các nhà quản lý và nhóm làm việc phải tìm cách thoát khỏi những thông tin nhiễu loạn trong doanh nghiệp và lắng nghe trực tiếp những người bị ảnh hưởng hoặc những người đại diện cho sự mất mát, đau khổ do quyết định của chúng ta gây ra. Trừ phi tìm ra được cách để giải quyết, bằng không có thể sẽ rơi vào trường hợp của Joseph Stalin mà chúng tôi sẽ đề cập trong chương cuối cùng. Khi đó, chúng ta càng làm khó cho mình và gây đau khổ cho người khác vì đã tập trung vào những dữ liệu thống kê sai.
Một cách tiếp cận khác nữa đó là yêu cầu ai đó đóng vai người ngoài cuộc hoặc nạn nhân, và đặt những câu hỏi thật sống động, đủ sức thuyết phục, để có thể nghe được ít nhất những phiên bản khác nhau về nhu cầu cơ bản của những người mà một quyết định trong vùng xám có ảnh hưởng đến họ. Cách tiếp cận này đôi khi được gọi là đóng vai “người thô lỗ” trong một buổi họp vì họ có thể nói thẳng thừng những điều họ nghĩ, rõ ràng và trực tiếp. Trong trường hợp của Kathy Thompson, Alisha Wilson đã đóng vai trò người thô lỗ đó khi cô hỏi thẳng những quản lý làm việc với mình rằng cô ấy lo ngại Thompson có thể bị cú sốc lớn khi bị đuổi việc và có thể Thompson sẽ kết thúc cả cuộc đời.
Tất cả những chiến thuật vừa rồi là cách để có thể trả lời cho câu hỏi thứ hai này một cách nghiêm túc. Đó là nhìn xa hơn những con số kinh tế, những cổ đông và làm việc theo quy trình để có thể đánh thức tiếng nói nội tâm của bản thân. Câu hỏi thứ hai này cho chúng ta biết: Đừng nghĩ về vị trí của mình trong xã hội hoặc trong doanh nghiệp mà loại trừ bản thân ra khỏi những trách nhiệm cơ bản. Đừng bị sa vào bẫy lợi ích, kinh nghiệm, đánh giá và thế giới quan của bản thân. Hãy làm mọi cách để thoát khỏi sự cầm tù của lòng ích kỷ. Hãy cùng với các đồng nghiệp làm việc cật lực để thử cảm nhận điều mà người trong cuộc, hay nạn nhân, cảm nhận.
Một sự khởi đầu tốt đẹp
Độc giả đã đi qua hai câu hỏi cơ bản mang tính nhân văn, một câu hỏi tập trung vào hệ quả và một câu hỏi tập trung vào trách nhiệm, những cách để vận dụng hai câu hỏi đó. Hai câu hỏi đó có giúp giải quyết vấn đề trong vùng xám hay chưa? Câu trả lời là hãy kiên nhẫn, chúng ta đã đi được một phần ba chặng đường và còn phải làm việc nhiều hơn nữa để hoàn thành các câu hỏi còn lại.
Chúng ta đã có được những điều cơ bản hữu ích của một bộ khung giúp ra quyết định tốt đối với những vấn đề trong vùng xám. Hai câu hỏi đầu tiên, thực ra, khuyên mọi người đừng nhanh chóng đâm đầu vào xử lý mọi việc khi khó khăn, mà nên dành thời gian làm việc với người khác và cân nhắc kỹ lưỡng. Cố gắng hiểu những hệ quả chung đầy đủ nhất có thể và suy nghĩ về trách nhiệm cơ bản của chúng ta dưới góc độ con người.
Để nhìn thấy được sự hữu dụng của hai câu hỏi này, cần phải đặt ra những tình huống phức tạp cụ thể. Ví dụ, các chính phủ có nên giám sát những cuộc điện thoại riêng tư và những giao tiếp trên Internet hay không? Những người ủng hộ việc giám sát tranh luận dựa trên hệ quả chung: họ muốn tránh những hoạt động khủng bố tàn nhẫn. Phía chống đối lại dựa trên những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền riêng tư. Cuộc tranh cãi về quản lý súng ở Mỹ cũng với những lập luận tương tự. Phía ủng hộ kiểm soát súng muốn nhấn mạnh về hậu quả mà những người vô tội phải gánh chịu khi những người không thích hợp sở hữu súng. Phía ngược lại thì nhấn mạnh vào quyền công dân mà Hiến pháp Mỹ đã quy định.
Hai câu hỏi đầu tiên này cũng giải thích những quyết định trong lịch sử, như quyết định của Tổng thống Truman về việc sử dụng bom nguyên tử tại Nhật. Sự thỏa hiệp của ngài giữa một bên là cứu những người lính đồng minh và một bên là hy sinh mạng sống của những trẻ em vô tội. Những nhà sử học vẫn tiếp tục tranh cãi về việc liệu sự thỏa hiệp của Truman là đúng hay sai. Có lẽ cuộc chiến vẫn có thể sẽ kết thúc mà không cần đến bom nguyên tử. Hoặc chỉ cần một quả bom thì quân Nhật đã có thể đầu hàng. Bất kỳ tình huống nào, hai câu hỏi đầu tiên này đã hé lộ những đặc điểm cơ bản trong tình huống mà Tổng thống Truman đương đầu.
Những ví dụ mà chúng ta đã đề cập cũng đã khá phức tạp và gây nhiều tranh cãi, một phần nào cho thấy những thỏa hiệp được thi hành trong những tình huống khó khăn. Hãy kết hợp cả hai câu hỏi, vì đôi khi hai câu hỏi này hoạt động như một cái phễu, tức là giúp bỏ bớt những chọn lựa nảy sinh hệ quả không mong muốn và những chọn lựa vi phạm những trách nhiệm cơ bản của con người.
Tuy nhiên, trong vùng xám, cần nhiều điều rõ ràng hơn về sự thỏa hiệp, chứ không đơn giản chỉ loại bỏ bớt những lựa chọn. Câu hỏi quan trọng là kế hoạch hành động nào hay chọn lựa nào mà chúng ta nên theo đuổi? Chúng ta cần một kế hoạch để cả nhóm, cả phòng ban, hay đôi khi cả một doanh nghiệp, tham gia xử lý vấn đề đầy trách nhiệm và thành công. Có nghĩa là cần một viễn cảnh thực tế. Để hiểu khái niệm viễn cảnh thực tế là gì, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một tư tưởng quan trọng và vượt thời gian của Niccolò Machiavelli.