M
Để trả lời câu hỏi “Sự tự phản bội đã diễn ra như thế nào?”, trước hết chúng ta hãy xem thử từ khi nào tôi bắt đầu nhận thấy Nancy có vẻ tồi tệ với mình, trước hay sau khi tôi tự lừa dối mình?
– Tất nhiên là sau, thưa ngài.
– Đồng ý. – Bud nói. – Thế theo cậu, khi nào thì giấc ngủ trở nên quan trọng hơn đối với tôi nào, trước hay sau khi tôi tự phản bội lại chính mình?
– Tôi đoán là sau đó.
– Và theo cậu thì khi nào những vấn đề khác, chẳng hạn như trách nhiệm công việc của tôi ngày hôm sau – trở nên áp lực hơn với tôi, trước hay sau khi đó?
– Vẫn là sau đó, thưa ngài.
Bud im lặng một lúc rồi nói tiếp:
– Đây là một câu hỏi khác: Cậu có cho rằng Nancy thật sự tệ như tôi đã nghĩ không?
– Chắc hẳn là không. – Tôi đáp.
– Tôi hoàn toàn ủng hộ Nancy. – Bà Kate nói. – Bà ấy khác xa những gì ông đã mô tả ở đây.
– Sự thật đúng là thế. – Bud tán thành.
– Thế nhưng, nếu bà ấy đúng như những gì ngài miêu tả ở đây thì sao? – Tôi phản đối. – Nếu bà ấy quả thật lười biếng, thiếu chu đáo, thậm chí là một người mẹ – người vợ tồi thì sao? Điều đó có làm thay đổi gì không?
– Câu hỏi của cậu hay đấy, Tom ạ. – Bud đáp và lại đứng dậy. – Ta hãy cùng nghĩ về điều này một lát.
Ông bước quanh chiếc bàn, giọng đều đều:
– Cứ cho là Nancy lười biếng và thiếu chu đáo. Nhưng cậu hãy lưu ý rằng trước khi tự phản bội mình, tôi đã có ý định giúp đỡ cô ấy. Như thế nghĩa là tôi đã dùng lỗi lầm của cô ấy để biện hộ cho cách cư xử tiêu cực của bản thân mình. Đúng không nào?
Tôi không chắc lắm về điều này. Tôi có thể cảm thông với những điều Bud vừa nói, nhưng vẫn cảm thấy không thoải mái cho lắm. Tôi nghĩ về cuộc sống gia đình mình và nhận ra trường hợp tương tự ngay trong nhà mình. Dù không lười biếng nhưng Laura, vợ tôi, lại là người thiếu quan tâm. Tôi cảm thấy thời gian gần đây, cô ấy đã trở thành một người vợ rất tệ. Và rõ ràng, điều đó cũng liên quan phần nào đến việc liệu cô ấy có xứng đáng được tôi giúp đỡ hay không bởi thật khó để giúp một người hoàn toàn vô tâm với mình.
– Tôi đoán là thế. – Tôi đáp, vẫn không biết làm thế nào để bộc lộ điều mình đang băn khoăn.
– Cậu có thể suy nghĩ khác đi như thế này, Tom ạ. – Bud nói, dường như đoán được mối băn khoăn của tôi. – Chúng ta vừa mới thống nhất rằng dù Nancy có lười biếng và thiếu thông cảm đi nữa thì tôi cũng chỉ cảm nhận được điều đó sau khi tự phản bội mình, đúng không?
– Đúng thế ạ. – Tôi đáp.
– Điều đó cũng có nghĩa rằng, sự thật là tôi đã tô vẽ thêm những khuyết điểm của cô ấy so với thực tế. Và đó là điều mà tôi làm, chứ không phải là bản tính của cô ấy.
– Tôi hiểu, thưa ngài. – Tôi gật đầu.
– Và sự thật là tôi đã phóng đại những lỗi lầm của cô ấy để tự bào chữa cho mình. Cùng với việc tự phản bội, tôi đã làm cho sự thật trở nên đối nghịch với những gì mà tôi đã từng nghĩ trước đây.
– Vâng, tôi cũng nghĩ thế. – Tôi nói, chầm chậm gật đầu, lòng vẫn không ngừng liên tưởng đến Laura và cố tìm lời giải đáp cho mình.
– Ngoài sự méo mó trong cách nhìn nhận về Nancy, bản thân ông Bud đây cũng có cái nhìn méo mó về chính mình. Theo anh, Bud có thật sự lao động vất vả, quan trọng và nhạy cảm như ông tự nói về mình không? Ông cho rằng mình là một người cha, người chồng tốt, nhưng tại thời điểm đó liệu ông có đúng là một người cha tốt, chồng tốt không? – Kate lên tiếng.
– Không. – Tôi nói. – Thật tiếc là trong tình huống này, ông không những đã làm méo mó hình ảnh của Nancy mà còn cố gắng giảm thiểu sai lầm của bản thân và tô vẽ thêm những tính tốt cho mình.
– Đúng thế. – Kate nói.
– Nghĩa là, – Bud xen vào, – sau khi tự phản bội lại chính mình, cách nhìn của tôi về bản thân và thực tế hoàn toàn bị bóp méo. Bud quay lại bảng và viết thêm dòng thứ ba vào định nghĩa của sự tự phản bội.
“Sự tự phản bội”
1. Một hành động ngược lại điều mình thấy mình nên làm cho người khác gọi là hành động “tự phản bội”.
2. Khi tự phản bội, con người bắt đầu nhìn nhận thế giới qua lăng kính biện minh cho sự tự phản bội của mình.
3. Khi nhìn thế giới qua lăng kính đánh giá cá nhân, nhận định của con người về thực tế sẽ bị bóp méo.
– Thế thì Tom này, theo cậu sau khi tự phản bội lại chính mình, tôi đã ở trong trạng thái nào, “nhốt mình trong hộp” hay “thoát ra khỏi hộp”?
– Tôi nghĩ khi đó ông đã bắt đầu “nhốt mình trong hộp”. – Tôi hăng hái trả lời.
– Chính xác. – Bud đáp, đoạn ghi tiếp lên bảng: Sự tự phản bội là nguyên nhân đẩy con người vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”.
“Sự tự phản bội”
1. Một hành động ngược lại điều mình thấy mình nên làm cho người khác gọi là hành động “tự phản bội”.
2. Khi tự phản bội, con người bắt đầu nhìn nhận thế giới qua lăng kính biện minh cho sự tự phản bội của mình.
3. Khi nhìn thế giới qua lăng kính đánh giá cá nhân, nhận định của con người về thực tế sẽ bị bóp méo.
4. Sự tự phản bội là nguyên nhân đẩy con người vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”.
– Dựa trên những gì hai anh vừa thảo luận, thiết nghĩ tôi đã có thể ghi chú hoàn chỉnh cho sơ đồ của Bud rồi đấy. – Kate nói và đứng lên, đi về hướng chiếc bảng.
– Cảm ơn bà, Kate. – Bud nói rồi ngồi xuống.
Theo bàn tay của Kate, tôi dần trông thấy một sơ đồ hoàn chỉnh giải thích rõ bản chất của sự tự phản bội.
Cách tôi tự nhìn nhận mình
Nạn nhân
Làm việc vất vả
Quan trọng
Nhạy cảm
Người cha tốt
Người chồng tốt
Cách tôi nhìn nhận Nancy
Lười
Không đánh giá đúng những gì chồng làm
Không nhạy cảm
Không trung thực
Người mẹ - người vợ tồi
– Tom này, thế theo anh thì điều gì đã khiến tôi cáu giận và bực tức với Nancy?
– Chính là sự tự phản bội của ông.
Giọng tôi như chùng xuống bởi lúc này tôi đang đắm mình vào những suy nghĩ của cá nhân tôi. “Thật thế chăng ? Chẳng lẽ đó lại là sự thật ư?”. Tôi nhìn lại sơ đồ một lần nữa. Trước khi tự phản bội, Nancy đơn giản là một người cần được giúp đỡ trong mắt Bud, bất kể lỗi lầm của bà là gì. Thế nhưng sau đó, cảm nhận của Bud về Nancy đã thay đổi hoàn toàn: Bà ấy không xứng đáng được giúp đỡ, và ông cho rằng sở dĩ mình cảm thấy như vậy là do bản chất của Nancy. Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Điều duy nhất đã xảy ra chính là sự tự phản bội của ông và nó đã đánh lừa ông.
“Nhưng trường hợp của mình lại hoàn toàn khác!” – Tôi hét lên trong đầu. – “Không phải do mình tưởng tượng ra mà thật sự là Laura có vấn đề. Cô ấy không hề dịu dàng hay tỏ ra quan tâm đến mình. Cô ấy cứ như một lưỡi thép lạnh lẽo khiến mình đau đớn. Và theo Bud thì đó là lỗi của mình ư? Còn Laura thì sao? Tại sao đó không phải là lỗi của cô ấy?”.
Tôi bắt lấy ý nghĩ đó. “Đúng thế,” – tôi tự bảo mình. – “Có lẽ đó là lỗi của Laura. Cô ấy mới chính là người đã tự phản bội bản thân”. Suy nghĩ này giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. “Nhưng khoan nào”, – Tôi lại tự tranh luận với mình. – “Mình đang đổ lỗi. Những suy nghĩ này chính là sự đổ lỗi. Và đổ lỗi là điều mà Bud đã làm sau khi ông tự phản bội bản thân”.
“Nhưng như thế thì sao nào?”– Tôi tự phản biện. – “Nếu Laura là người như thế, thì việc tôi trách cứ cô ấy cũng là công bằng kia mà”.
“Ô kìa, nhưng tại sao mình lại cần phải biện minh như thế này nhỉ? Tại sao lại nghi ngờ chính mình?”– Tôi nghĩ. – “Laura mới là người có vấn đề”.
“Bud cũng đã suy nghĩ y hệt như thế”. Tôi bỗng nhớ lại.
Tôi bắt đầu cảm thấy bị mắc kẹt giữa những điều mình đã biết với điều mà tôi vừa mới học được. Hoặc là tất cả những thứ này đều sai, hoặc là tôi sai. Mọi thứ bỗng trở nên rối ren.
Nhưng rồi tôi đã tìm ra một lối thoát cho mình.