T
ôi nhìn lên bảng một lần nữa.
“Phải rồi!” Tôi hoan hỉ trong im lặng. “Tất cả các rắc rối này xảy ra vì Bud đã phản bội lại những cảm nhận tích cực mà ông đã có với Nancy. Còn tôi, hiếm khi nào tôi có những cảm xúc như thế với Laura, đơn giản là vì Laura tệ hơn Nancy nhiều. Chắc chắn chẳng có ai muốn làm điều gì tốt đẹp để giúp một người như thế cả. Trường hợp của tôi khác. Bud gặp vấn đề vì ông ấy đã tự phản bội lại cảm nhận của mình, còn tôi, tôi không tự phản bội mình”. Tôi bắt đầy cảm thấy thoả mãn.
– Tôi hiểu rồi. – Tôi nói, chuẩn bị đặt câu hỏi. – Tôi nghĩ là tôi đã nắm rõ bản chất của sự tự phản bội. Để tôi nói xem có đúng không nhé. Mỗi chúng ta đều cảm nhận được nhu cầu cần được giúp đỡ của người khác và biết cách làm thế nào để giúp họ, phải vậy không?
– Đúng. – Bud và Kate đáp, gần như đồng thanh.
– Nếu phản bội lại cảm nhận đó, tôi sẽ nhìn nhận mọi thứ khác đi – về người khác, bản thân mình, hoàn cảnh của mình… Tất cả sẽ bị bóp méo với mục đích giúp tôi cảm thấy thoải mái với điều mình đang làm.
– Chính xác! – Bud nói. – Tức là khi đó, cậu bắt đầu biện minh cho sự tự phản bội của mình.
– Và tôi sẽ bắt đầu “nhốt mình trong hộp” khi tự phản bội.
– Đúng vậy.
– Vậy thì, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không cảm thấy mình đang tự phản bội? Ví dụ, khi đứa trẻ khóc, tôi không có cảm giác như ngài đã cảm thấy? Nếu tôi gọi vợ dậy và bảo cô ấy chăm sóc con thì sao? Theo những gì ngài vừa nói thì rõ ràng tôi không hề tự phản bội mình và cũng không “nhốt mình trong hộp”, đúng không?
Bud im lặng một lúc và nói:
– Đó là một câu hỏi rất quan trọng, Tom ạ. Chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận về nó. Bởi việc cậu có “nhốt mình trong hộp” hay không thì chỉ có cậu mới biết được. Tuy nhiên, vẫn còn vài điều mà chúng ta chưa đề cập tới. Chúng có thể gợi ý để cậu tìm thấy câu trả lời cho mình.
Bud đứng lên, nói:
– Cho tới đây, chúng ta đã biết được vì sao chúng ta lại rơi vào tình trạng “nhốt mình trong hộp”. Còn bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu xem cuộc sống bên trong chiếc hộp ấy ra sao.
Bud chỉ vào sơ đồ.
– Sau khi tự phản bội, tôi nhìn nhận bản thân dưới góc độ tự đánh giá. Ví dụ, tôi cho mình là một người “làm việc vất vả”, “quan trọng”, “nhạy cảm”, “một người cha tốt”, “người chồng tốt”. Thế nhưng, trước khi tự phản bội, liệu tôi có nằm đó và tự khẳng định bản thân như thế không ?
– Không, tôi nghĩ là không. – Tôi nói.
– Đúng thế. Những suy nghĩ này chỉ nảy sinh trong lúc tôi tự phản bội – khi tôi muốn tự bào chữa.
– Vâng, điều này tôi hiểu. – Tôi nói.
– Thế nhưng, cậu hãy nghĩ thêm về điều này. – Bud tiếp tục. – Câu chuyện mà chúng ta vừa đề cập chỉ là một ví dụ đã xảy ra nhiều năm trước. Liệu có thể nào đó là lần duy nhất tôi tự phản bội mình không?
– Cái này tôi không chắc được… – Tôi thẳng thắn.
– Hãy thoải mái ngờ vực, Tom ạ. – Bud nói, cười tủm tỉm. – Bởi vì trên thực tế, khó có ngày nào tôi không tự phản bội mình theo cách nào đó, hoặc thậm chí là theo từng giờ nữa kia. Cũng như cậu hay bà Kate và tất cả mọi người ở đây, có khi cả đời tôi chứa đầy những lần tự phản bội như thế. Theo thời gian, những hình ảnh tự khẳng định như thế này đã trở thành đặc điểm của tôi. Chúng hình thành chiếc hộp của tôi, và theo tôi trong mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Tới đây, Bud thêm dòng thứ năm vào sơ đồ mô tả sự tự phản bội.
“Sự tự phản bội”
1. Một hành động ngược lại điều mình thấy mình nên làm cho người khác gọi là hành động “tự phản bội”.
2. Khi tự phản bội, con người bắt đầu nhìn nhận thế giới qua lăng kính biện minh cho sự tự phản bội của mình.
3. Khi nhìn thế giới qua lăng kính đánh giá cá nhân, nhận định của con người về thực tế sẽ bị bóp méo.
4. Sự tự phản bội là nguyên nhân đẩy con người vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”.
5. Cùng với thời gian, những nhận định về bản thân xuất phát từ trạng thái “nhốt mình trong hộp” sẽ tạo thành tính cách của người đó.
Nhìn vẻ đăm chiêu của tôi, Bud mỉm cười giải thích tiếp:
– Tôi biết cậu đang cảm thấy như thế nào, Tom ạ. – Bud nói, chỉ vào chữ “chồng tốt” trên sơ đồ. – Hãy tưởng tượng, sau rất nhiều lần tự phản bội, tôi đã nghiễm nhiên tự nhìn nhận mình là một người chồng tốt trong cuộc sống, đúng không?
Tôi gật đầu.
– Thế rồi, giả sử vào một ngày lễ nào đó, Nancy bảo tôi rằng: “Hôm nay anh rất tệ, chẳng biết quan tâm gì đến em cả”. Vậy thì theo cậu, tôi sẽ nghĩ về Nancy thế nào khi cô ấy buộc tội tôi thiếu quan tâm? Theo cậu, tôi có giận dữ và buộc tội lại cô ấy không?
Câu nói của Bud nhắc tôi nhớ đến Laura. Vài tháng trước, cô ấy cũng đã nói một điều tương tự như thế.
– Rất có thể, ngài sẽ cho rằng cô ấy không biết ghi nhận những gì ngài đã làm cho cô ấy… – Tôi lưỡng lự.
– Đúng, thậm chí có thể tôi còn cho là cô ấy vô ơn nữa kìa.
– Hoặc hơn thế. – Tôi thêm vào. – Có thể ngài còn cảm thấy mình đã bị mắc bẫy. Cô ấy luôn miệng buộc tội ngài thiếu quan tâm, chăm sóc trong khi chính cô ấy lại chẳng bao giờ tỏ ra xứng đáng để có được sự quan tâm đó cả.
Tôi dừng lại và cảm thấy thật xấu hổ. Tôi đã liên tưởng đến hoàn cảnh của mình khi phát biểu và đã để lộ cho Bud cùng Kate thấy rõ những gì mình đang nghĩ. Tôi tự trách mình và quyết tâm không để bị phân tâm thế nữa.
– Đúng vậy. – Bud nói. – Tôi hiểu những gì cậu muốn nói. Còn một điều này nữa, với lối suy nghĩ ấy, liệu có bao giờ tôi cân nhắc đến lời phàn nàn của Nancy không, hay tôi chỉ cố gắng phớt lờ nó đi?
Câu hỏi của Bud một lần nữa khiến tôi nghĩ đến Laura và những cuộc cãi nhau triền miên giữa chúng tôi gần đây. “Thế Nancy thì sao? Có thể cô ấy cũng ở trong hộp. Tại sao chúng ta không xem xét đến khía cạnh này?”. Đột nhiên tôi thấy giận dữ với tất cả những vấn đề này.
Sự im lặng bao trùm lấy chúng tôi một lúc. Sau đó, Bud tiếp tục bài giảng của mình bằng một câu hỏi khác.
– Và trong thời điểm đó, liệu tôi có cảm nhận được sự tự phản bội của mình không?
– Thế nghĩa là sao ạ?
Tôi hỏi lại với vẻ bị kích động và một lần nữa, tôi lại ngạc nhiên với thái độ của mình cũng như việc mình đã để lộ quá nhiều cảm xúc.
– Xin lỗi, nhưng tôi không hiểu câu hỏi của ông cho lắm. – Tôi cố trấn tĩnh.
Bud nhìn tôi, rõ ràng ông đã nhận ra sự tức giận của tôi, nhưng không có ý định từ bỏ mục tiêu của mình.
– Ý của tôi là như thế này. – Ông lặp lại câu hỏi. – Tôi đã đổ tội cho Nancy và phóng đại lỗi lầm của cô ấy, nhưng liệu tôi có cảm nhận được mình đang tự phản bội và rơi vào trạng thái “nhốt mình trong hộp” khi cư xử với cô ấy không?
– Tôi không chắc lắm. Tôi đoán là không. – Tôi đáp.
– Đúng vậy. Bởi vì lúc đó tôi đã “nhốt mình trong hộp” mất rồi.
Hẳn là khi ấy, trông tôi rất bối rối nên Kate phải giải thích thêm:
– Đó là vì, khi chúng ta tự phản bội mình và nhìn nhận bản thân theo một cách nào đó, thì sau đó chúng ta sẽ vô tình mang theo cách nhìn nhận này vào các tình huống mới xảy ra trong cuộc sống. Nghĩa là khi đó, chúng ta đã “nhốt mình trong hộp” mà không hề hay biết.
– Chính xác. – Bud gật đầu đồng ý. – Và nếu tôi đã “nhốt mình trong hộp” thì tôi sẽ không biết mình nên làm gì cho những người xung quanh cả. Nhưng dù tôi có chút ít cảm nhận điều mình cần làm cho một ai đó chăng nữa thì điều đó cũng không có nghĩa là tôi đang “thoát ra khỏi hộp”. Mà thay vào đó, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy tôi đã “chìm sâu trong hộp”.
Lần đầu tiên trong buổi chiều đó, tôi thấy mình cởi mở với những gì mà Bud và Kate đã chia sẻ. Trước đó, tôi cho rằng nếu mình đang có vấn đề nghĩa là tôi là kẻ chiến bại, còn Laura là người chiến thắng. Nhưng giờ thì đã khác. Tôi suy nghĩ tự do lạ thường và như được giải thoát. Laura không thắng và tôi cũng không thua. Thế giới dường như khác đi nhiều so với trước. Tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng. Thật kỳ lạ! Tôi thấy hy vọng tại thời điểm phát hiện mình đang mắc một vấn đề.
– Tôi hiểu cảm giác hiện tại của anh. – Kate nói. – Tôi cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
– Tôi cũng vậy. – Bud gật đầu.
Một vài giây trôi qua trong im lặng.
– Vẫn còn một số điều thú vị mà chúng ta cần trao đổi thêm. Sau đó, tôi muốn chúng ta hãy quay lại xem tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với Zagrum nhé. – Bud nói.