V
ậy là chúng ta đã biết những cảm nhận của tôi khi đang trong tình trạng “nhốt mình trong hộp”. – Bud tiếp tục. – Nhưng như các bạn hình dung, chiếc hộp của tôi cũng có thể gây ảnh hưởng đến người khác.
Ông vừa nói vừa vẽ lên bảng một hình người đứng trong một cái khung.
– Hãy cho đây là hình của của tôi khi đang “nhốt mình trong hộp”.
– Vậy khi sống trong chiếc hộp này, tôi sẽ làm gì đối với người khác nào?
– Ông sẽ kết tội họ. – Tôi nói, cố đúc kết lại những gì đã biết.
– Phải. – Bud vẽ thêm một mũi tên hướng ra khỏi chiếc hộp. – Nhưng liệu những người xung quanh tôi có nghĩ rằng: “Ôi, hôm nay mình thật đáng bị khiển trách!” hay không?
Tôi cười phá lên.
– Có họa là điên à?
– Tôi cũng không nghĩ vậy. – Bud gật gù. – Hầu hết những người chung quanh tôi sẽ suy nghĩ rằng: “Có thể tôi không hoàn hảo đấy, nhưng nếu ở trong hoàn cảnh của tôi thì anh cũng chỉ làm được như thế mà thôi”. Sở dĩ như vậy là vì trong mỗi người chúng ta đều có một hình ảnh tự khẳng định các giá trị của mình. Do đó chúng ta luôn ở trong tư thế phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ mình trước mọi sự tấn công, khiêu khích. Như thế thì theo cậu, cách cư xử “nhốt mình trong hộp” của tôi đã vô tình mời gọi những người chung quanh làm gì?
– Tôi nghĩ là, ông cũng đang mời gọi họ “nhốt mình trong hộp” như mình. – Tôi suy luận.
– Chính xác. – Bud nói và vẽ thêm một người thứ hai trong chiếc hộp khác. – Bằng cách kết tội người khác, tôi đã mời họ vào trong hộp. Để rồi sau đó, họ lại quay sang kết tội tôi vì đã kết tội họ vô lý. Nhưng vì đang “nhốt mình trong hộp” nên tôi càng cảm thấy bất bình và kết tội họ nặng nề hơn. Và tình trạng này lại xảy ra với người đối diện. Và vòng tròn liên đới ấy cứ siết chặt dần, ngày càng nghiêm trọng.
Bud điền thêm nhiều mũi tên qua lại giữa hai chiếc hộp.
Sau đó, Bud viết thêm dòng thứ sáu vào đoạn mô tả sự tự phản bội.
“Sự tự phản bội”
1. Một hành động ngược lại điều mình thấy mình nên làm cho người khác gọi là hành động “tự phản bội”.
2. Khi tự phản bội, con người bắt đầu nhìn nhận thế giới qua lăng kính biện minh cho sự tự phản bội của mình.
3. Khi nhìn thế giới qua lăng kính đánh giá cá nhân, nhận định của con người về thực tế sẽ bị bóp méo.
4. Sự tự phản bội là nguyên nhân đẩy con người vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”.
5. Cùng với thời gian, những nhận định về bản thân xuất phát từ trạng thái “nhốt mình trong hộp” sẽ tạo thành tính cách của người đó.
6. Việc “nhốt mình trong hộp” sẽ khiêu khích người khác và khiến họ rơi vào tình trạng “nhốt mình trong hộp” như mình.
– Hay đấy, để tôi kể cho các anh nghe một ví dụ nhé. – Kate lên tiếng. – Tôi có một cậu con trai mười tám tuổi tên là Bryan. Thật lòng mà nói, giữa Bryan và tôi rất thường xảy ra xung đột, mà một trong những nguyên nhân là do thằng bé thường xuyên về nhà muộn. Nào, hãy hình dung là tôi đang “nhốt mình trong hộp” đối với Bryan. Vậy theo anh, tôi sẽ nghĩ gì về chuyện nó thường xuyên về nhà muộn?
– Ồ, có thể bà sẽ cho rằng Bryan vô trách nhiệm. – Tôi nói.
– Đồng ý, còn gì nữa không? – Kate hỏi
– Chuyên gây rắc rối.
– Và vô lễ nữa. – Bud thêm vào.
– Phải. – Kake đồng ý. – Tôi xóa sơ đồ kết tội này được chứ anh Bud?
– Được chứ, cô cứ tự nhiên.
Thế là Kate tóm tắt lại những điều chúng tôi vừa nói lên bảng.
– Tiếp tục nhé. Vậy với những suy nghĩ đó, theo các anh tôi sẽ làm gì nào?
– Ờ…– Tôi ậm à, vẫn còn đang suy nghĩ.
– Cô sẽ trừng phạt thằng bé thật nặng. – Bud cắt lời.
– Và bắt đầu phê phán nó thật nhiều. – Tôi thêm vào.
– Được. – Kate điền thêm vào hình vẽ. – Còn gì nữa không nào?
– Có thể cô sẽ bí mật kiểm soát thằng bé chặt chẽ hơn để nó không thể gây thêm rắc rối nào nữa. – Tôi nói.
Kate điền nốt những điều ấy lên bảng và chuyển sang ô bên cạnh.
– Nào, còn bây giờ giả sử Bryan tự phản bội mình, nghĩa là nó rơi vào trạng thái “nhốt mình trong hộp” đối với tôi. Vậy theo các anh, nó sẽ nghĩ gì về những việc tôi làm như trừng phạt, phê phán, kiểm soát như vậy?
– Nó có thể sẽ coi cô là người độc đoán, không thương con và tồi tệ. – Bud đáp ngay.
“Kẻ độc đoán, không thương con và tồi tệ”.
– Kate nhắc lại trong khi thêm chúng vào hình vẽ. – Được rồi, giờ hãy nhìn xem chúng ta có gì nào.
– Và với những suy nghĩ tiêu cực như thế, theo anh Bryan sẽ muốn về nhà sớm hay là muộn hơn nào?
– Hẳn là càng muộn hơn. – Tôi nói.
– Thậm chí là nó sẽ cố chống đối lại những điều mà bà mong đợi. – Bud thêm vào.
– Đúng vậy. – Kate đồng tình và vẽ một mũi tên từ chiếc hộp của Bryan sang hộp của cô ấy. Cứ như thế, càng ngày, hố ngăn cách giữa chúng tôi càng bị nới rộng. – Vừa nói Kate vừa vẽ thêm những mũi tên quanh các chiếc hộp. – Kết quả là chúng tôi khiêu khích nhau làm những việc mà người kia không thích.
– Tom này, theo cậu thì lúc đó Kate mong mỏi điều gì nhất? – Bud hỏi.
– Mong Bryan sống có trách nhiệm hơn, ít gây rắc rối hơn.
– Chính xác. Thế nhưng liệu những gì Kate làm có mang lại cho bà ấy kết quả như mong muốn không?
– Tôi nghĩ ngược lại nữa là đằng khác. – Tôi trả lời, nhìn vào hình vẽ. Bỗng tôi cảm thấy khó chịu vì sự mâu thuẫn đó.
– Nhưng thật là nực cười! Tại sao Kate lại làm thế? Tại sao bà ấy lại để điều đó tiếp diễn?
– Câu hỏi hay đấy. – Bud nheo mắt nhìn tôi, vẻ thích thú. – Sao cậu không hỏi thẳng bà ấy nhỉ?
– Tôi đã nghe rồi, anh Bud ạ. – Kate đáp lời. – Câu trả lời là: Tôi đã không hiểu mình đang làm gì, vì lúc đó tôi đang “nhốt mình trong hộp”. Nó khiến tôi không thể nhìn rõ mọi việc đồng thời có những nhận định lệch lạc về bản thân và những người xung quanh, cũng như cả động cơ của mình nữa. Vấn đề không phải là việc tôi có trừng phạt Bryan hay không mà chính là ở thái độ của tôi khi làm điều đó. Tôi biết trong nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ cần phải trừng phạt con cái nghiêm khắc. Nhưng trong trường hợp của tôi, tôi đã trừng phạt Bryan không phải vì nó cần bị phạt mà bởi tôi cảm thấy bực tức vì nó đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn. Tôi đã không coi con trai mình là một người cần được giúp đỡ mà là một đối tượng để kết tội. Và Bryan đã cảm nhận được điều đó nên phản ứng lại.
Khi những chuyện này còn đang diễn ra thì vào một tối cuối tuần nọ, Bryan đã hỏi mượn ô tô của tôi để đi chơi cùng bạn. Vì không muốn đồng ý nên tôi đã đưa ra một điều kiện gắt gao đến vô lý: trở về nhà trước 10 giờ 30 phút. Thế nhưng, trái với dự đoán của tôi, Bryan trả lời: “Vâng, thưa mẹ”. rồi nhanh chóng lấy chùm chìa khóa và lao ra khỏi nhà.
Còn lại một mình, tôi ngồi phịch xuống ghế, lòng cảm thấy rất lo lắng và thề sẽ không bao giờ để Bryan dùng ô tô nữa. Cả buổi tối trôi qua trong sự nặng nề. Càng nghĩ tôi càng giận đứa con trai vô trách nhiệm của mình. Lúc 10 giờ, tôi ngồi xem tivi với chồng và than phiền về Bryan. Sau đó, tôi nghe có tiếng bánh xe thắng rít trên mặt đường. Và anh có biết điều gì xảy ra không?
Tôi chăm chú lắng nghe.
– Tôi nhìn đồng hồ, đồng hồ chỉ 10 giờ 29 phút, và cảm thấy thất vọng vô cùng. – Kate nhìn tôi. – Hẳn anh cho tôi thật khó hiểu, đúng không? Tôi đã mong mỏi Bryan sống có trách nhiệm và biết giữ lời hứa. Thế nhưng khi nó làm được điều đó thì tôi lại không công nhận nó.
– Ồ, kỳ lạ thật. – Tôi nói, trong đầu thoáng nghĩ đến Todd, con trai mình.
– Đúng thế. Điều đó cho thấy, khi rơi vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”, tôi đã cần một điều gì khác chứ không phải là điều mà tôi cho là mình mong muốn nhất. Cậu có biết điều tôi thật sự mong muốn khi “nhốt mình trong hộp” là gì không?
Tôi lưỡng lự, không chắc chắn đó là gì.
Kate bèn đáp:
– Khi “nhốt mình trong hộp”, điều duy nhất tôi mong muốn là cảm thấy mình đúng. Và nếu tôi mất cả đêm, và thậm chí là dài hơn thế, để kết tội con mình, thì cậu nghĩ tôi cần gì ở nó để cảm thấy mình đã công bằng và đúng đắn?
– Cô cần thằng bé sai. – Tôi nói chầm chậm, cảm thấy cổ họng mình nghẹn đắng. – Để việc kết tội con mình trở nên công bằng, cô cần thằng bé phạm lỗi và đáng bị khiển trách.
Ngay lập tức, tôi nhìn thấy hình ảnh của mười sáu năm về trước. Khi cô y tá trao cho tôi cái bọc nhỏ và từ trong đó, một đôi mắt màu xám tro nhìn tôi chằm chằm. Trước đó tôi chưa từng nhìn thấy đứa trẻ sơ sinh nào nên thấy thằng bé thật buồn cười. Đứa trẻ mà tôi đang bế nhăn nheo, xám xịt và nó là con của tôi.
Gần như từ ngày đó, tôi luôn tìm cách kết tội Todd. Khi lớn lên, thằng bé luôn luôn gặp rắc rối khi tiếp thu một vấn đề nào đó. Tôi nhớ mình chưa bao giờ cảm thấy tự hào vì là cha của Todd.
Câu chuyện của Kate khiến tôi sợ hãi. Tôi tự hỏi mình sẽ ra sao nếu có một người mẹ luôn cho rằng con mình không bao giờ đủ tốt? Có phải tôi luôn muốn Todd có lỗi để cảm thấy công bằng khi kết tội nó? Đột nhiên, tôi cảm thấy mệt mỏi và cố gắng xua đuổi những ý nghĩ về Todd ra khỏi đầu.
Kate tiếp tục nói:
– Vì đã dành cả buổi tối kết tội Bryan nên tôi cần thằng bé phải làm điều gì đó sai, để tôi thấy công bằng khi buộc tội nó.
Không khí giữa chúng tôi chùng xuống. Cuối cùng, Bud lên tiếng, phá vỡ không khí yên lặng.
– Việc này dẫn đến một vấn đề quan trọng khác, Tom à. Khi tôi ở trong chiếc hộp, tôi cần người khác gây rắc rối cho mình. Tôi cần các vấn đề. – Ông đứng dậy. – Sáng nay, cậu đã hỏi tôi làm thế nào để có thể xây dựng một doanh nghiệp luôn ở trạng thái bên ngoài chiếc hộp. Bây giờ chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về câu hỏi đó của cậu bằng cách áp dụng những điều chúng ta vừa học. Hãy nghĩ theo hướng này: Ai là người muốn được qua mặt? Người ở trong hay là người ở ngoài chiếc hộp?
– Người ở trong chiếc hộp
Tôi trả lời, giọng điềm tĩnh.
– Đúng, bởi vì người ở ngoài chiếc hộp chẳng thu được lợi ích gì khi họ bị qua mặt cả. Vì thế họ không cần nó. Và điều quan trọng hơn là họ sẽ không bao giờ tạo điều kiện để người khác qua mặt mình. Trong khi đó, “vấn đề” chính là điều mà những người đang ở trong hộp chờ đợi bởi họ muốn có được sự công bằng. Họ cần có được bằng chứng chứng tỏ rằng người qua mặt họ thật sự tồi tệ như điều họ đã buộc tội.
– Điều này thật là kỳ lạ.
Câu chuyện của Kate khiến tôi nghĩ đến Todd. Đôi khi Laura và tôi cảm thấy mình bị qua mặt, nhưng rõ ràng, cả hai chúng tôi đều không muốn điều đó xảy ra.
– Đúng thế. – Bud đáp. – Tôi không nói là khi ở trong chiếc hộp, người ta cảm thấy thích thú với vấn đề bị vượt mặt, mà ngược lại, họ ghét nó. Khi ở trong chiếc hộp, điều mà họ ao ước nhất chính là được thoát khỏi nó. Nhưng cậu nên nhớ là khi ở trong đó, những người đó tự lừa dối mình, không nhận ra sự thật về mình cũng như những người xung quanh. Và một trong những điều mà họ không biết đó là chiếc hộp đã làm lu mờ mọi nỗ lực của họ nhằm đạt được điều mà họ thật sự muốn.
Bud đi thẳng tới chiếc bảng.
– Hãy nhớ là, – ông nói, tay chỉ vào sơ đồ, – trong hoàn cảnh đó, bà Kate sẽ nói với anh rằng bà mong Bryan sống có trách nhiệm và ít gây rối hơn. Đó thật sự là điều bà ấy mong muốn. Nhưng bà ấy không biết tại sao những điều bà làm khi đang ở trong chiếc hộp lại có khả năng khiêu khích Bryan và khiến thằng bé càng trở nên không đáng tin tưởng như vậy. Trên thực tế, khi thằng bé làm điều gì đó sai trái, bà ấy sẽ coi đó là bằng chứng xác đáng cho việc kết tội nó. Ngược lại, Bryan lại kết tội Kate vì Kate đã khiêu khích và khiến nó phải làm những việc đó. Và thằng bé coi đó là nguyên nhân khiến nó phải hành động như vậy.
– Đúng như vậy, Tom ạ. Trên thực tế, Bryan và tôi đã tạo cho nhau sự biện minh hoàn hảo và liên đới với nhau một cách chặt chẽ. Và theo thời gian, mức độ đổ lỗi cho nhau của chúng tôi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
– Và chúng ta làm điều đó, – Bud tiếp lời, – không phải bởi chúng ta thích bị xử tệ mà bởi chúng ta đang ở trong trạng thái “nhốt mình trong hộp”. Và chiếc hộp đó tồn tại bằng sự biện minh của chúng ta trong trường hợp ta bị đối xử tệ. Và ở trong trạng thái đó, chúng ta nghiễm nhiên thưởng thức một sự ngọt ngào trớ trêu: Tôi luôn đúng còn kẻ khác luôn sai. Và khi “nhốt mình trong hộp”, chúng ta đã tạo điều kiện cho người khác phát huy thái độ và những cách cư xử mà ta không mong đợi từ họ. Và đáp lại, họ sẽ cũng khuyến khích chúng ta bộc lộ những điều tương tự.
Bud quay lại và thêm một dòng nữa vào đoạn mô tả sự tự phản bội.
“Sự tự phản bội”
1. Một hành động ngược lại điều mình thấy mình nên làm cho người khác gọi là hành động “tự phản bội”.
2. Khi tự phản bội, con người bắt đầu nhìn nhận thế giới qua lăng kính biện minh cho sự tự phản bội của mình.
3. Khi nhìn thế giới qua lăng kính đánh giá cá nhân, nhận định của con người về thực tế sẽ bị bóp méo.
4. Sự tự phản bội là nguyên nhân đẩy con người vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”.
5. Cùng với thời gian, những nhận định về bản thân xuất phát từ trạng thái “nhốt mình trong hộp” sẽ tạo thành tính cách của người đó.
6. Việc “nhốt mình trong hộp” sẽ khiêu khích người khác và khiến họ rơi vào tình trạng “nhốt mình trong hộp” như mình.
7. Khi “nhốt mình trong hộp”, chúng ta khuyến khích các hành vi và thái độ xấu của nhau và thu được lý do để biện minh cho những sai lệch của mình. Nói một cách khác, chúng ta tạo cho nhau cơ hội để luôn “nhốt mình trong hộp”
– Tom này, – Bud nói khi ngồi xuống ghế, – khi tôi rơi vào trạng thái “nhốt mình trong hộp”, tôi sẽ cho ai là người có vấn đề?
– Những người khác.
– Nhưng một khi đã “nhốt mình trong hộp”, thì ai mới là người thật sự có vấn đề?
– Chính là ngài. – Tôi đáp.
– Thế nhưng chiếc hộp của tôi đã khiêu khích người khác làm gì? – Bud tiếp tục hỏi.
– Nó khiêu khích họ xử tệ với ngài.
– Đúng. Hay nói cách khác, chiếc hộp của tôi khiêu khích các vấn đề ở người khác. Và tôi lấy đó làm bằng chứng để tự cho rằng mình không hề có vấn đề gì cả.
– Vâng, đúng vậy. – Tôi tán thành.
– Vậy tôi sẽ làm gì nếu ai đó cố gắng thay đổi các vấn đề của tôi?
– Ngài sẽ cự tuyệt họ.
– Chính xác. Luôn luôn là thế. – Bud hăng hái nói tiếp. – Khi gặp phải một vấn đề nào đó không như ý, tôi sẽ không nghĩ là do mình mà luôn đổ lỗi cho người khác.
Bud dừng lời một lát.
– Vậy câu hỏi ở đây là: Nếu mọi chuyện xảy ra như vậy thì sao?
“Vậy thì sao ư?” – Tôi nhắc lại câu hỏi với mình.
– Tôi không hiểu ý của ông ? Như thế thì sao ạ?
– Ý của tôi là, – Bud đáp – tại sao chúng ta lại quan tâm tới những điều này ở Zagrum? Điều đó có liên quan gì đến công việc nơi đây?