Ồ
có chứ. Giả thuyết “chiếc hộp” liên quan đến mọi thứ nơi đây. – Tôi nói, ngạc nhiên bởi ý kiến mạnh mẽ của mình.
– Nhưng liên quan như thế nào? – Bud hỏi.
– Như thế nào ư? – Tôi lặp lại câu hỏi.
– Đúng, như thế nào? – Bud nói và khẽ mỉm cười.
– Theo tôi biết thì hầu hết mọi người đều “nhốt mình trong hộp” khi ở công sở. Ít nhất thì đấy cũng là tình trạng rất phổ biến ở Tetrix, nơi tôi từng làm việc.
– Vậy thì sao? – Bud hỏi.
– Thì sao ư? – Tôi lặp lại và tự trả lời. – Thì nếu “nhốt mình trong hộp”, chúng ta sẽ mời gọi những người khác rơi vào tình trạng đó như mình. Và kết quả là chúng ta phải đối diện với đủ loại mâu thuẫn nảy sinh trong môi trường làm việc.
– Thế mục đích mà chúng ta hướng tới ở đây là gì? – Bud lại hỏi.
– Ồ, đó chính là làm việc hiệu quả hơn.
– Nhưng như thế thì sao?
– Thì sao ư ? – Tôi thật ngạc nhiên khi nghe Bud hỏi câu hỏi này.
– Đúng, vì sao cậu phải cố gắng làm việc có hiệu quả. Mục đích của hiệu suất là gì?
– Ừ thì… nhằm thực hiện được mục tiêu của công ty.
– À, – Bud nói, như thể cuối cùng ông cũng tìm thấy điều mong đợi. – Nghĩa là để cậu có thể thu được các thành quả.
– Phải, đó là điều tôi muốn nói tới.
– Giờ tôi sẽ hỏi cậu một câu hỏi khác nhé.
– Được thôi. – Tôi nói, cảm thấy sẵn sàng cho một thử thách mới.
– Nếu các nỗ lực của chúng ta nơi công sở là để đạt được những thành quả, thì liệu “chiếc hộp” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nỗ lực ấy?
– Chúng ta không thể đạt được kết quả đó nếu cứ “nhốt mình trong hộp”. – Tôi đáp.
– Sao lại không? – Bud hỏi ngược lại.
Tới đây thì tôi bắt đầu cảm thấy sự việc bỗng trở nên nực cười.
– Ý ngài là sao chứ? – Tôi nói, không che đậy được sự cáu giận của mình.
– Đó là điều tôi muốn hỏi. – Bud đáp, không nao núng. – Vì sao chúng ta không thể đạt được kết quả như chúng ta có thể khi ta “nhốt mình trong hộp”? Tại sao chiếc hộp lại ảnh hưởng đến kết quả của ta như vậy?
– Ồ, đó là…ý tôi là….Thôi nào, chả nhẽ ông không nhận thấy tác động của nó ư? – Cuối cùng tôi thốt lên.
– Tôi không biết, vì thế tôi hỏi cậu.
Tôi hoàn toàn rối trí và không biết làm thế nào để giải thích cho Bud. Trong lúc tôi đang lúng túng thì Bud tiếp tục:
– Rất đơn giản, Tom ạ. Cậu thử nghĩ theo hướng này nhé. Khi “nhốt mình trong hộp”, tôi sẽ tập trung vào ai hay điều gì?
– Tôi đoán là vào bản thân mình. – Tôi đáp.
– Đúng vậy. Thế thì, điều gì ở chiếc hộp khiến tôi không thể đạt được kết quả như mong muốn?
Đáp án đột ngột hiện ra.
– Ngài không thể đạt được kết quả như mong muốn bởi vì ngài chỉ mải tập trung vào bản thân.
– Đúng vậy. Khi “nhốt mình trong hộp”, chúng ta không thể tập trung vào mục tiêu mà mình đã định ra mà chỉ mải chú ý đến bản thân mình. Thậm chí, trong trường hợp ta tập trung vào công việc chăng nữa thì mục tiêu của ta khi đó cũng chỉ nhằm tạo dựng hoặc duy trì danh tiếng của mình. Và nói chung, ta không coi trọng những thành quả của người khác bằng của bản thân. Ta không hạnh phúc khi chứng kiến sự thành công của đồng nghiệp. Vì thế, ta tìm mọi cách để lấn lướt người khác, chỉ để đạt được thành quả cá nhân mình. Ta hô hào vì mục đích chung, nhưng thật ra đó là sự giả dối. Và như tôi đã nói, khi “nhốt mình trong hộp”, ta không hề nhận ra điều đó.
– Và thậm chí còn tệ hơn thế. – Kate thêm vào. – Bởi khi đó, chúng ta đồng thời cũng khiêu khích và lôi kéo những người chung quanh hành xử như mình. Càng cố gắng điều khiển người khác, chúng ta càng tạo nên sự kháng cự. Kết quả là ta lại càng muốn kiểm soát gắt gao hơn. Như vậy, – Kate hăng hái nói tiếp. – khi một cá nhân của tổ chức “nhốt mình trong hộp” và không chú trọng đến kết quả, anh ta sẽ lôi kéo các đồng nghiệp khác cùng rơi vào trạng thái tương tự. Mối liên đới ấy ngày càng lan rộng, tạo nên những nhóm đối nghịch trong tổ chức, dẫn đến tình trạng bè phái, mất đoàn kết nội bộ và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả chung của tổ chức.
– Ồ! Đó chính là những gì đã diễn ra ở Tetrix.
– Đúng, hãy nghĩ về điều này, Tom ạ. Tôi hỏi cậu câu này nhé, cậu đã thấy hạnh phúc nhất khi nào, khi Chuck Staehli thành công hay thất bại ? – Bud nheo mắt nhìn tôi.
Đột nhiên, tôi có cảm giác bất an dù thật lòng mà nói, trong suy nghĩ của tôi, Staehli là một kẻ chuyên gây rắc rối. Ông ta đã tạo ra rất nhiều vấn đề – từ những mâu thuẫn cá nhân cho đến tập thể, hiệu suất làm việc của nhóm sút kém, và nhiều vấn đề khác.
– Tôi... ừm … tôi không biết. – Tôi trả lời yếu ớt.
– Tom ạ, sự thật là, khi mọi người xung quanh tôi bị ốm thì rất có thể là chính tôi cũng đã bị ốm. – Bud dừng lời và nhìn tôi một lát. – Cậu còn nhớ ông Semmelweis chứ ?
– Vị bác sĩ đã phát hiện ra nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao ở nhà hộ sinh ư?
– Đúng. Trong trường hợp đó, các bác sĩ chính là nguyên nhân lan truyền bệnh tật. Và một khi họ đã làm lan truyền căn bệnh, thì những người khác cũng có thể là trung gian mang bệnh, kể cả những bệnh nhân mà họ tiếp xúc. Bệnh sốt hậu sản, với các triệu chứng đa dạng, đã lan truyền rộng rãi mà không có cách nào kiểm soát được nó. Tất cả là do một loài sinh vật rất bé nhỏ mà chưa ai biết tới – đặc biệt là những người đã truyền nó. Điều đang diễn ra trong các tổ chức cũng tương tự như vậy.
Bud đứng lên và đi tới bảng.
– Tôi sẽ chỉ cho anh điều tôi muốn nói.