Theo truyền thống Kỳ-na giáo, vua Candragupta là một tín đồ của họ và cuối đời ông xuất gia, trở thành tu sĩ Kỳ-na giáo. Vua bindusāra thì ngược lại, ít nhất hoàng hậu Dharma của ông là người ủng hộ Chính mạng luận,26 rõ ràng họ có đủ tư cách hơn những Bà-la-môn trong việc bói toán (tham khảo tr. 72 ở trên). Lúc hoàng hậu mang thai, một trong số họ dự đoán rằng bà sẽ sinh hạ một hoàng tử (Aśoka) tài giỏi và giàu có (? văn bản bị mục nát) khiến cho hoàng hậu càng có thêm niềm tin rằng con mình sẽ làm vua. Tuy nhiên nguyện vọng của vua bindusāra ngược lại, ông hy vọng vào một hoàng tử khác (con trai của một hoàng phi) kế thừa vương vị của mình, nhưng các đại thần đã lập Aśoka đăng quang vào năm 268 TTL.27 trước khi sự việc này diễn ra, Aśoka từng làm ‘vương tử’ (gọi là kumāra, tức thái thú) ở các quận huyện thuộc Gandhāra và avanti trong những giai đoạn khác nhau (hệ thống quận huyện do các hoàng tử điều hành là một phần đặc tính chính sách của người Ma-kiệt-đà. Vào thời của hoàng đế Aśoka, có ít nhất bốn quận huyện được sáp nhập vào trung tâm thủ đô Ma-kiệt-đà).
26. Vaṃsatthappakāsinī (Đại sử nghĩa sớ) I tr. 189 trở xuống.
27. Divyāvadāna (Thiên nghiệp thí dụ kinh) tr. 372 trở xuống, Przyluski: Légende tr. 234 trở xuống (ở dưới chúng ta đưa ra những niên đại trước tây lịch chủ yếu là niên đại của vua Aśoka lúc nắm quyền.
Tư liệu Phật giáo28 mô tả rằng Aśoka sau khi lên ngôi hoàng đế đã sùng kính Chính mạng luận, thực tế chúng ta có thể thấy rằng nhà vua đã tiếp tục ủng hộ phái này hầu như suốt triều đại của mình. Một số biên niên sử và truyền thuyết Phật giáo (về sau những sự mô tả về biên niên sử cổ đại có xu hướng thuật lại và tô điểm thêm thành truyền thuyết) cho thấy, ban đầu Aśoka tính tình thô bạo và tàn ác, nhưng kể từ khi được một vị tỷ-kheo giáo hóa, nhà vua nhận thức được sai lầm và đã quy y tam bảo. Từ đó tính tình của nhà vua được chuyển hóa và trở thành một vị hoàng đế mẫu mực. Theo truyền thống thường gọi ông là ‘Aśoka Pháp’29 (Aśoka the Just) để phân biệt với Aśoka Đen (Aśoka the Black). Một số truyền thuyết còn ‘Tô điểm’ nhiều hơn về sự chuyển hóa của vị vua này, dĩ nhiên là với lý do giáo dục. Cơ sở của truyền thống này là sự chuyển đổi chính sách thực tế từ cực đoan bạo lực, phi đạo đức từ học thuyết của Kauṭalya trong tác phẩm Lợi luận (Arthaśāstra) (‘Luận về lợi lộc’ hay ‘Khoa học của sự giàu có’, tức chính trị và kinh tế) sang tiến trình đạo đức xã hội do đức Phật giảng dạy.
28. Hầu hết tập trung ở Eggermont, Biên niên sử và Lamotte kiểm tra lại, HBI tr. 261 trở xuống.
29. ‘Aśoka of the Just’ hoặc ‘Aśoka of Principle’.
Chúng ta ở một vị trí thuận lợi để có thể quay lại vượt qua những biên niên sử ghi chép có tính chất tự truyện về chính sách và chiến lược của chính vua Aśoka. Quyết định thi hành những nguyên tắc Phật giáo trên toàn đế quốc rộng lớn, nhà vua đã đưa những nguyên tắc này thành những sắc lệnh của triều đình, tuyên truyền rộng rãi trong các huyện thị và tỉnh thành. Chính thức ban hành sắc chỉ của vua khắp đế quốc Ma-kiệt-đà đương nhiên không có gì lạ, nhưng đặc biệt thể hiện quyết tâm của nhà vua mong muốn chính sách mới phổ cập tối đa và bảo đảm rằng sự chấp hành có thể tiếp tục ở đời sau. Do đó vua Aśoka cho khắc các chỉ dụ trên những trụ đá và bia đá đặt ở tất cả trung tâm quan trọng trong lãnh thổ của mình. Không nghi ngờ gì, ông đã sử dụng những phương tiện truyền thông tạm thời, nhưng đã giữ lại cho chúng ta tư tưởng của vị vua này một cách bền vững, nhiều văn bản vẫn còn ở chỗ cũ hoặc viện bảo tàng.30 Hiện nay có khoảng 20 chỉ dụ được phục chế trong nhiều hình thức và cho dựng ở nhiều nơi khác nhau và hàng tá văn bia nguyên gốc ở những di chỉ địa phương được xem là duy nhất. Trong ngôn ngữ bi ký của vị vua này, ngoài ba hoặc bốn phương ngữ Prakrit được sử dụng ở nhiều tỉnh thành khác nhau, vua Aśoka còn dùng ngôn ngữ Ả-rập (vì người Ba Tư và Iran có thói quen dùng ngôn ngữ này làm ngôn ngữ chính thức trong đế quốc Ba Tư) và tiếng Hy Lạp (vì người Hy Lạp di dân đến Arachosia…).
30. Bản thích hợp tiện lợi nhất là của bloch: Les inscriptions d’ Aśoka, Paris, 1950, nhưng tất nhiên có bổ sung sau này do phát hiện nhiều văn bia: JA 1958; Lamotte, HBI tr. 789 trở xuống.
Dường như trong những văn bia và chỉ dụ này,31 được ban hành sớm nhất vào khoảng năm 258 TTL, vua Aśoka bảo cho chúng ta biết ông đã là Phật tử tại gia (upāsaka) hơn hai năm rưỡi, do đó có thể đoán được ông quy y Phật giáo vào năm 261 TTL, nên chúng ta kết luận rằng lúc đó ông đã đăng quang năm thứ tám. Trên thực tế, một số truyền thống Phật giáo nói rằng ông đã được một vị tu sĩ Phật giáo giáo hóa và ông đã phát nguyện quy y tam bảo (Phật, Pháp và tăng), hay nói cách khác ông đã trở thành một Phật tử tại gia (tên của vị tu sĩ này trong ghi chép không giống nhau, vì không chỉ một trường phái Phật giáo mà nhiều trường phái muốn tuyên dương vinh dự này). Tuy nhiên, không lâu sau đó (261-0 TTL), vua Aśoka tuyên chiến chinh phạt vương quốc Kaliṅga (nay là bang orissa) ở bờ Đông thuộc phía Nam của Ma-kiệt-đà. Dường như vương quốc này từng là một phần của đế quốc Ma-kiệt-đà nhưng đã giành lại độc lập: vua Aśoka rõ ràng đã và đang củng cố đế quốc của mình ngay buổi đầu lên ngôi.
31. Bloch, tr. 145 trở xuống nhiều văn bia ở brahmagiri, Rūpnāth và nhiều nơi khác, thường được gọi là ‘Minor Rock Edict’ (tiểu pháp lệnh).
Trong một tấm bia ra đời năm 256 TTL32 vua Aśoka mô tả cuộc chiến này, đây là điểm quay về trong chính cuộc đời của nhà vua; văn bia mô tả chiến thắng của kẻ chinh phục có lẽ là độc nhất vô nhị: “Khi Devānāmpriya Priyadarśin (danh hiệu được vua Aśoka sử dụng trong các sắc chỉ) đăng quang được tám năm, nước Kaliṅga bị chúng ta chinh phục. Một trăm năm mươi nghìn người bị bắt đi (có lẽ làm nô lệ…). Một trăm nghìn người bị đánh tơi bời ở đó. Người chết gấp bội lần như thế (do chiến tranh mà dẫn đến chết đói và bệnh dịch). Sau đó, nước Kaliṅga bị chiếm, nhưng Devānāmpriya đã thấm nhuần chính pháp (Dharma, từ này ở đây có lẽ giống với nghĩa mà nó có liên quan đến những hoàng đế ‘công minh’ trong Ba tạng giáo lý, sẽ được thảo luận ở dưới), ngưỡng mộ chính pháp và tuyên dương chính pháp. Devānāmpriya cảm thấy đau buồn ở lần chinh phạt nước Kaliṅga; bởi vì chinh phạt đất nước chưa bị chinh phục thì con người ở đó tang thương, hoặc chết, hoặc bị bắt đi, trong tâm của Devānāmpriya cảm thấy thâm trầm, nặng trĩu. Hơn nữa, Devānāmpriya còn áy náy lớn hơn rằng: Bà-la-môn, Sa-môn và đồ chúng của họ (pāṣaṇḍa, người đi theo các trường phái tôn giáo hay triết thuyết), hoặc các gia chủ, họ đều tin theo lời dạy của những người có trí, cha mẹ và các bậc trưởng bối, đối đãi tốt với bạn bè, người quen biết, đồng nghiệp, thân thích, nô lệ và tôi tớ, đồng thời trung thành chắc chắn (đây là những điều đạo đức quan trọng trong đế chế Aśoka, tham khảo ở dưới) - trong đó có nhiều điều nhân ái đối với người tàn tật hoặc bị thương tật, hoặc sự chia ly của người thân yêu. Cho dù họ được may mắn nhưng họ vẫn khổ đau - nếu khi họ gặp đều không may - bạn bè, người quen, đồng nghiệp hay thân thuộc cũng đau buồn. Thân phận như nhau (prātibhāgya) của mọi người (phù hợp với bản ngữ là ‘con người như nhau’, có lẽ liên quan đến tiêu chuẩn của Phật giáo luôn xem mọi người giống như mình), đó là tâm nguyện đau đáu trong Devānāmpriya. Không có đất nước nào không có đoàn thể, ngoại trừ người Hy Lạp, ở đó không có Bà-la-môn hay Sa-môn; đồng thời không có đất nước nào không có người tin theo một niềm tin nào đó. Thế mà khi chinh phạt Kaliṅga, nhiều người bị thương, chết, hoặc bị bắt, cho dù số đó chỉ một phần trăm hay phần nghìn đi chăng nữa, trong tâm Devānāmpriya hôm nay vẫn vô cùng nặng trĩu”.
32. Bloch tr. 125 trở xuống, ‘Rock Edict 13’.
Như vậy vua Aśoka là một Phật tử có nhiều ảnh hưởng trong buổi đầu điều hành chính sách truyền thống của Ma-kiệt-đà, chỉ có một vài xung đột trong thực tiễn và lý thuyết không thể tránh khỏi của ông mà thôi: Phát động chiến tranh mang lại nhiều tội ác mà Phật giáo đã cảnh báo, đặc biệt là bạo lực và sát hại sự sống; hơn nữa cũng làm tổn thất Phật giáo cũng như những tôn giáo hoặc triết thuyết khác (mà điều này Aśoka nghĩ là không tốt), quấy nhiễu Sa-môn (đặc biệt là các tỷ-kheo Phật giáo) cũng như các tín đồ (cư sĩ đạo đức) ở những đất nước bị chiến tranh tàn phá. Sự tín mộ Phật giáo của ông suy ra: Đó là sự chân thành và thực tiễn hay chỉ là sự tiêu khiển trong những giờ rảnh rỗi (như vua A-xà-thế), hoặc mánh khóe trong chính sách như tín ngưỡng của Kauṭalya - nó hữu hiệu nhưng là nguyên nhân mang lại áp lực và sợ hãi đối với mọi người và vì thế đưa ra ở đầu môi chót lưỡi của nhà vua? Ông ta tin mình chân thành: Làm một vị vua, ông ta đối diện với mọi vấn đề, ông ta tin tưởng Phật giáo có thể đưa ra giải pháp cần thiết để giải quyết; trên mọi thứ là sự thuyết phục rõ ràng và sâu sắc của ông rằng bất hại là nguyên tắc căn bản của hành vi, giá trị đạo đức lớn nhất. Điều này là quy phạm đạo đức căn bản của Phật giáo, ‘tránh xa sát sinh’, đã được nhận ra trong kinh nghiệm cá nhân của ông và liên hệ trực tiếp với ông ‘giống như mọi người’, đây là tiêu chuẩn đạo đức xã hội căn bản của Phật giáo, xem tất cả chúng sinh như chính mình. Dường như ông đã học những pháp này từ các vị thầy trong Phật giáo; càng chắc chắn rằng ông đã tự thân thể nghiệm giá trị hoặc sự thật của chúng trong chính kinh nghiệm của mình và đã nói lại chúng bằng chính lời của ông trong thời đại của ông.
Bây giờ chúng ta hãy đi theo sự nghiệp của vua Aśoka trước hết qua lời nói của chính nhà vua. Chúng ta quay trở lại chỗ mà chúng ta đã bắt đầu từ những văn bia thời kỳ đầu. Trong những văn bản này, nhà vua không nói về chiến tranh như đã nói, nhưng ông nói rằng một năm trước khi ban hành sắc lệnh, năm 259 TTL, tức không lâu sau cuộc chiến này, ông đã cung thỉnh Tăng-già (các tỷ-kheo Phật giáo) và phát nguyện gánh vác trọng trách đối với Phật giáo (bāḍhamprakrānta). Kết quả là, ông bảo rằng thần linh hòa nhập cùng với con người trong lục địa hoa quả này (tức Ấn Độ, xem tr. 244 ở trên), quan niệm này trước đây chưa từng có. Ý nghĩa của lời nói này ta không rõ, bởi vì chúng ta không có thông tin liên quan đến tình huống này. Khả năng liên quan nhất là con người dường như có thể thấy được những điều kỳ diệu của thần linh, biểu hiện sự hiện diện của thần linh, chẳng hạn như hào quang và ánh sáng được cho là điềm báo trước sự xuất hiện của Phạm thiên (tr. 224 ở trên). Có lẽ vua Aśoka đang trông chờ ‘bảo luân’ (tr. 241) xuất hiện trên bầu trời, và có lẽ ông dựa vào hiện tượng thiên văn gì đó để được khích lệ, chẳng hạn như sự xuất hiện của sao chổi, sao mới, hay sao băng, rồi tin tưởng rằng sự chuyển hóa con tim và sự thay đổi chính sách đạo đức của ông cảm ứng với vũ trụ. Niềm tin thần linh xuất hiện ở thế giới loài người được thịnh hành ở Ấn Độ vào giai đoạn này và chúng ta thấy một ví dụ sự hiện thân của thần linh trong Ba tạng giáo lý ít nhất của một trường phái Phật giáo, ở bài thơ của Sunīta (tr. 330) thần Indra và brahmā đến đảnh lễ một vị tỷ-kheo vừa mới chứng ngộ. Ngoài ra còn có hàng loạt chứng cứ như thế có thể tìm thấy trong Ba tạng giáo lý của thượng tọa bộ được thêm vào rõ ràng trong chính thời đại của vương triều Mauryan, chúng ta sẽ khảo sát ở phần sau của chương này. Ở giai đoạn này, trong văn học Phật giáo đương thời cho thấy sự phổ cập Phật giáo đạt đến một thành tựu lớn, đưa thần linh vào ‘biên tập’ trong những câu chuyện kể, như câu chuyện vua Aśoka gặp các tỷ-kheo Phật giáo được mô tả theo hướng phổ thông, đồng thời cũng bao hàm ý nghĩa giáo dục nghiêm túc hơn đối với tín đồ Phật giáo, điều này không thể không xảy ra. Ở đây nên nói thêm rằng không có chứng cứ chứng minh vua Aśoka từng quan tâm đến triết học Phật giáo, chẳng hạn như thuyết duyên khởi và bản chất của vòng luân hồi, vấn đề về ‘linh hồn’ hay sự chứng đắc Niết bàn. Nếu đã vậy thì ông đã không làm cho những sắc lệnh thêm phức tạp cho quần chúng và khi chúng ta nhớ lại thái độ của đức Phật đối với một đệ tử cư sĩ kiệt xuất như trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍada) (tr. 277 trở xuống, ở trên) chúng ta có lẽ dễ dàng đoán định được rằng những vị tỷ-kheo thời vua Aśoka đã tuân thủ tấm gương của đức Phật hoặc chính bản thân vua Aśoka đã thực hành.
Theo một văn bia, tư tưởng mà vua Aśoka sử dụng thực tế giống với giáo lý của đức Phật đã dạy cho hàng Phật tử tại gia. Trước hết, nhà vua nói rằng sự việc này (thực hành theo Phật pháp) không chỉ dành riêng cho người ưu tú - mahātman) mà cả người bình thường (kṣudraka) cũng có thể áp dụng để đạt đến cõi trời (svarga). (Chúng ta có thể hiểu rằng quan niệm hòa nhập thần linh vào thế giới con người ở trên có nghĩa là con người có thể tái sinh ở cõi trời, nhưng ở đây dường như được hiểu với cách ngược lại - thiên thần xuống trần gian). Quay lại với nội dung thực tế ‘Thực hành’ để đạt đến điều này, vua Aśoka giải thích: Vâng lời cha mẹ, bậc trưởng lão (guru, nghĩa này bao gồm cả những bậc thầy); yêu thương các loài hữu tình; nói lời chân thật. Đây chính là những ‘công đức’ (guṇa) của pháp (dharma) cần phải thực hành theo (tức ‘làm theo’). Vua Aśoka còn thêm một điều là phải kính trọng những vị thầy như quyến thuộc, đây là một ‘nguyên tắc cổ xưa’.
Chúng ta lưu ý rằng trong bốn nguyên tắc đạo đức chính mà đức Phật chế định, vua Aśoka tập trung vào nguyên tắc đầu tiên và nguyên tắc cuối: Không bạo lực (hay từ bi) và thành thật. Ông không nói đến trộm cắp và tà dâm. Trong hai nguyên tắc này, ông cho rằng nguyên tắc đầu phải áp dụng trong pháp luật của triều đình (tức không được làm hại người khác). Đối với nguyên tắc cuối, nhìn từ một quan điểm khác, cũng bao gồm việc tôn kính cha mẹ (do đó cũng tôn trọng đời sống gia đình) đồng thời chăm sóc hạnh phúc của người khác và kiểm soát chính mình, cả hai nguyên tắc này đều có nói trong những sắc lệnh. Vua Aśoka kết hợp nguyên tắc đạo đức và quy phạm hành vi xã hội thành một lý luận trong mối quan hệ của con người, đó là hiếu đạo (tôn kính cha mẹ) và tôn sư (ông liên hệ đến những phần khác của giới luật Phật giáo ở một phương diện khác).
Phần còn lại của chỉ dụ liên quan đến phương pháp truyền bá và cách thức tuyên truyền ‘sắc lệnh’ này của triều đình. Chỉ dụ đương nhiên được khắc trên những bia đá và trụ đá. Những người nắm quyền địa phương (rājūkas: tổng đốc hay thái thú) phải chịu trách nhiệm gióng trống tuyên truyền ‘sắc lệnh’ này khắp các thôn làng và thành trấn của mình (cách thông thường để tuyên truyền thánh chỉ của triều đình).
Trong năm lên ngôi hoàng đế, vua Aśoka đã ban hành nhiều chỉ dụ ngắn gọn tương tự văn bản này bằng tiếng Hy Lạp và Ả-rập, đặc biệt là những chỉ dụ về cuộc chinh phục nước Kaliṅga.
Văn bản bằng tiếng Hy Lạp33 viết rằng vua Aśoka đã khuyến hóa người dân bằng sự chính trực (? eu’sébeia, chữ này cần thảo luận) và giúp họ trở nên chính trực (?), nhờ vậy mà mọi thứ thịnh vượng trên toàn thế giới. Ông đã tránh xa sát sinh và từ bỏ săn bắn, đánh bắt cá, can đảm chế ngự mình, vâng lời cha mẹ và các bậc trưởng lão. Làm được như vậy (mọi người) trong tương lai sẽ được hạnh phúc và tốt đẹp hơn (Lamotte theo tucci hiểu đúng điều này dịch thành ‘hạnh phúc hơn ở thế giới này và tương lai’, phù hợp với những chỉ dụ khác được ban hành về sau này, rõ ràng ở trước chúng ta khảo sát những chỉ dụ này qua một bản dịch rất tự do).
33. JA 1958, tr. 2-3.
Văn bản bằng tiếng Ả-rập34 viết rằng vua Aśoka đã khuyến hóa dân chúng bằng sự thành thật (? qśyṭ, có lẽ nên đọc như quāśśīṭā), nhờ vậy mà về sau lỗi lầm của mọi người được giảm bớt và bất hạnh được tiêu trừ; hạnh phúc (śty, tương đương với từ śāti? trong cổ ngữ Avestan) và hòa bình (r’m tương đương với từ rāman trong cổ ngữ Avestan) ngự trị trên thế giới này. Thậm chí trong thức ăn, nhà vua cũng tránh xa việc sát sinh và cấm chỉ săn bắt, đánh cá. Đồng thời nhà vua còn khuyên dạy kiềm chế chính mình và vâng lời cha mẹ và bậc trưởng lão. Bây giờ chúng ta không còn khó khăn để làm người thật thà. Sự thật giá trị đối với con người và sẽ tiếp tục như thế.
34. JA 1958, tr. 20-1.
Ở đây, những văn bản này được dịch một cách tự do từ Schlumberger, Carratelli (phụ lục Lịch sử Phật giáo Ấn Độ của Lamotte), Dupont-Sommer và Levi della Vida, người viết không có thẩm quyền trong ngôn ngữ Hy Lạp và Ả-rập. Rõ ràng những từ được dịch là ‘chính trực’ và ‘chân thành’ tương đương với từ dharma mà chúng ta đã mượn từ ‘pháp’ (principle) để khảo sát nội dung của những văn bản này. ‘Sự thật’ trong nghĩa ‘chính trực’ mang ý nghĩa gần gũi với đạo đức, nhưng từ này trong tiếng Hy Lạp là eu’sébeia, theo từ điển của Liddell và Scotts, có nghĩa là ‘Tôn kính thần linh và cha mẹ’, ‘Trung thành’, ‘hiếu kính’. Nếu chúng ta đặt nó tương đương với từ ‘dharma’ (pháp) thì rõ ràng chúng ta đương nhiên phải hiểu nghĩa cổ của nó, thậm chí ở trong Vệ Đà, và nghĩa gốc ‘vốn có’ là ‘chính trực’ hay ‘công minh’. Nguyên gốc của từ dharma có nhiều nghĩa, như chúng ta đã thấy và phân biệt trong Phật giáo và Bà-la-môn giáo. Có lẽ vua Aśoka ở đây có sự nhập nhằng và không muốn đối kháng với Bà-la-môn nên chọn lấy thuật ngữ hoặc nhiều hoặc ít nghĩa của chúng, chỉ cần hài hòa thích hợp với lý tưởng đạo đức của ông. Dupont-Sommer cho rằng phiên bản tiếng Ả-rập gần nghĩa với bản gốc tiếng Ấn Độ hơn phiên bản tiếng Hy Lạp và từ này cũng được chọn dùng trong thuật ngữ tư tưởng tôn giáo của cộng đồng đạo thờ Lửa (Zoroastrian). Chúng ta có thể giả định nó gần gũi hơn so với phiên bản tiếng Hy Lạp nhưng tránh rút ra kết luận sơ suất về nó đối với nghĩa của thuật ngữ tiếng Ấn Độ. Điểm giá trị là trong văn tự của hai ngôn ngữ Ấn Độ và Hy Lạp về sau này dường như được viết trên đồng xu thì từ dharma tương đương với từ dikē,35 tức ‘chân thật’ hay ‘công minh’.
35. Những ví dụ được Lamotte đưa ra trong HBI tr. 421, 423.
Những sắc chỉ ở Kaliṅga36 còn căn dặn các vị sứ giả cao cấp của vua Aśoka (mahāmātra, từ này thường mang nghĩa là đại thần) hay quan chức đứng đầu một huyện (vyāvahārikas). Họ phải có trách nhiệm đối với hàng nghìn dân chúng và yêu mến (praṇaya) mọi người như ‘những đứa con yêu quý’ (từ prajā: nghĩa đơn giản là con người, những chủ thể, nhưng ở một số nơi vua Aśoka rõ ràng sử dụng nó với nghĩa thông thường là ‘những đứa con’. ‘Trẫm mong muốn họ được lợi ích và hạnh phúc trong thế giới này và tương lai (pāra nghĩa là ‘siêu việt’ thế gian này). Chúng ta phải công minh (madhya); chẳng hạn như một người bị bắt bỏ tù và hành hạ mà không có lý do gì cả, thế thì những người khác đều hãi hùng vì điều đó… Không để một người rơi vào oán hận (īrṣyā, nghĩa thường dùng là ‘ganh tị’), hốt hoảng, tàn nhẫn, áp lực, kinh hãi, mệt mỏi hay chán chường… Một người phải nghĩ rằng đã trả hết món nợ (tức đối với nhà vua) và do vậy mà có hai kết quả: Được sinh lên trời và không còn nợ nần gì nữa. Chỉ dụ này (lipi) phải được chính thức đọc to… và những người đứng đầu các huyện phải thực hành theo (nói ở phiên bản này; trong một phiên bản khác thì nói về ‘các quan chức cao cấp’)… Vì mục đích như vậy, cách 5 năm trẫm sẽ phái một sứ giả hòa bình (đọc là akṣaka? - nhưng ở một phiên bản khác thì nói là ‘quan chức cao cấp’) đi khảo sát một lần… như vậy chúng ta cần biết mục đích của việc này. Tương tự hoàng tử ở thành ujjayinī (avanti) sẽ đi tuần tra 3 năm một lần và cũng như vậy ở takṣaśilā (Gandhāra)…’.
36. Bloch, tr. 136 trở xuống.
Chính sách hài hòa ở những nước bị chinh phục là rõ ràng, nhà vua biểu lộ sự trịnh trọng và lo lắng bằng cách phái sứ giả công minh và ra lệnh đại thần của triều đình đến thanh tra các quận huyện (có lẽ là các hoàng tử), dĩ nhiên đây là một cách xử trí anh minh. Một chỉ dụ khác ở Kaliṅga có nội dung tương tự. Có một chỉ dụ khác ở thủ phủ tosalī, dĩ nhiên đề cập đến ‘hoàng tử’ cũng như các quan chức cao cấp. Một lần nữa nhà vua nói tất cả người dân là con cái của ông và mong muốn tất cả được lợi lạc và hạnh phúc. Ở đây ông có nhắc đến người ngoài lãnh thổ của mình và người ở biên địa, rằng ông có thể bảo đảm họ sẽ được hạnh phúc, không sầu khổ, vì thế không nên vì lý do của ông mà bất an. (Dĩ nhiên những dân tộc chưa bị chinh phục, có lẽ là những bộ tộc ‘Đại hoang dã’ (Mahākāntāra) sống trong núi rừng ngăn cách không sáp vào được Kaliṅga và avanti). Nếu có thể ông sẽ ‘Tha thứ’ (hoặc khoan hồng, kṣam) cho họ và họ có thể hiểu điều này, thực hành theo pháp và được lợi lạc ở thế giới này và tương lai… Ông đã phái các chuyên viên (yuktaka) đến những nơi khác vì mục đích lợi lạc này… (Rõ ràng sẽ không còn mở rộng quân đội của đế quốc, vua Aśoka hy vọng mọi người hiểu điều này và hiểu được nguyên nhân của nó, cũng ngụ ý rằng ông hy vọng có thể tha thứ hành động quấy rối của những người ở biên giới nhưng có mức độ, vượt qua giới hạn thì ông có thể dùng đến vũ lực. Nếu họ là những dân tộc của các bộ lạc chưa được mở mang văn minh ở trong rừng núi có thói quen phục kích hoặc chặn đường thì phải rõ điều này).
Một sắc lệnh sau này,37 vua Aśoka đề cập đến sự kiện khác được ban hành cùng năm (năm đăng quang thứ 16, tức năm 259 TTL): Những vị vua trước đây thường vi hành (yātrā) để thưởng ngoạn, chẳng hạn như săn bắn và những thú vui tương tự. Nhưng Devānāmpriya Priyadarśin sau 10 năm đăng quang thì vi hành là đến nơi thành đạo (giác ngộ, tức hành hương chiêm bái Bodh Gayā). Đây là chuyến đi vì chính pháp (dharma), chuyến đi bái kiến các bậc trưởng lão và ủng hộ tiền bạc, thăm hỏi người dân trong nước và chỉ bày cho họ chính pháp, thảo luận về chính pháp. Nhờ vậy mà có được niềm vui lớn đối với Devānāmpriya Priyadarśin và nhận được ‘sự chia sẻ’ khác (tức ‘sự chia sẻ’ mà ông đã nhận từ người dân).
37. ‘Rock Edict 8’, bloch tr. 111 trở xuống.
Trong những ghi chép về lịch sử Phật giáo có nói đến sự kiện này, dường như38 sử dụng phong cách truyền thuyết để mô tả: Vua Aśoka đã tổ chức một lễ hội lớn, xây dựng nhiều chùa chiền (vihāras) cho các tỷ-kheo. Một sử gia Tây Tạng là tāranātha có nói về chuyến hành hương vua Aśoka đến chiêm bái cây bồ-đề ở nơi thành đạo.
38. Liên quan đến điều này mời xem Eggermont tr. 90 trở xuống.
Vào năm đăng quang thứ 12 (257 TTL), chúng ta thấy một loạt sắc lệnh được ban hành:39 (1) Không được dùng thịt của chúng sinh để cúng tế (tức cấm đem súc vật làm vật cúng tế. Có một vài điều quan trọng khác như tổ chức lễ hội (samāja) là không tốt (tham khảo tr. 261 ở trên). Trong bếp của hoàng gia từng hạn chế giết chúng sinh để làm thức ăn và về sau hoàn toàn nghiêm cấm). (2) Nhà vua đã xây dựng bệnh viện khắp nơi để chữa bệnh cho người và súc vật. Thảo dược được trồng khắp nơi để phục vụ mục đích này và cung cấp cho các bệnh viện. Cây cho củ và quả đã được cung cấp và trồng khắp những vùng mà người dân thiếu thốn. Đào giếng công cộng và trồng cây dọc đường cho người và động vật hưởng mát. Điều này được thực hiện khắp nơi trong đại lục Ấn Độ và biên địa, bao gồm cả Coḍas (Coḷas), Pāṇḍyas, Sātyaputras, Keraḍas (bốn nước ở cực Nam của Ấn Độ, nay là các tiểu bang tamilnādu và Kerala cùng với phía Nam của Karṇāṭaka), xa đến tận tāmraparṇī (tích Lan), nước của vua Hy Lạp là aṃtiyoka (antiochus II theos của Syria) và những nước láng giềng với ông. (3) Khắp nơi trên lãnh thổ, quan của nhà vua (yukta, thuộc triều đình), sứ giả tuần tra (rājūka) và đặc phái viên của các quận huyện (pradeṣṭṛ) sẽ đi tuần tra 5 năm một lần để ‘Truyền bá chính Pháp’ (dharmānuśāsti) cũng như xử lý các sự vụ. (Dường như ở dưới đây tóm lược về ‘sự truyền bá’ này.) Vâng lời cha mẹ; làm việc tốt (sādhu); đối xử tốt với bạn bè, người quen biết, thân gần Bà-la-môn và Sa-môn; cũng như không được sát sinh hại mạng, tiết kiệm tiêu dùng và của cải. (4) Vì mấy trăm năm trước gia tăng nạn giết hại và bạo lực đối với chúng sinh, cho nên thiếu sự thương tưởng (saṃpratipatti - sự hợp lực) đối với người thân, Bà-la-môn và Sa-môn. Bây giờ tiếng trống được gióng lên là âm thanh của chính pháp (không còn tiếng của chiến tranh). Bây giờ có nhiều hình ảnh (rūpa) linh thiêng xuất hiện trong thế giới loài người: Lâu đài trên không (vimāna, cung điện của thần linh), voi chúa, lửa trời và những điều khác. Đây là do ‘hoằng dương chính pháp’ mà có, điều này mấy trăm năm nay một vị vua chưa từng biết: Không sát sinh, không bạo hành đối với tất cả chúng sinh, thương yêu người thân, tôn quý Bà-la-môn và Sa-môn, vâng lời cha mẹ, chú ý lắng nghe các bậc trưởng lão. Pháp này sẽ được áp dụng một cách rộng rãi bằng cách này hay cách khác… những người con, người cháu và chắt của một vị vua sẽ thực hành nhiều hơn nữa, cho đến khi vũ trụ này được luân chuyển… hoằng dương chính pháp là việc làm tốt nhất…
39. Rock Edict 1-4, bloch tr. 90 trở xuống.
Một tổ hợp gồm bốn chỉ dụ dường như rất gần với giáo lý Phật giáo mà chúng ta đã đọc ở Chương 6. Ngày xưa đã từng có một xã hội lý tưởng tồn tại không chút suy hao cho đến khi những vị vua ở đó không duy trì được chính pháp. Đợi đến lúc vũ trụ luân chuyển thì xã hội đó có thể quay trở lại trong tương lai (và tất cả chúng sinh được tái sinh ở cõi Cực quang tịnh thiên). Những pháp chính được áp dụng là không sát sinh hại mạng, không giận dữ (bao gồm việc giúp đỡ người nghèo khổ của những vị vua như trong kinh điển đã dạy), học làm theo những việc tốt mà các vị Sa-môn và Bà-la-môn chỉ dạy, hiểu rõ cách làm thế nào để đạt đến an lạc và hạnh phúc. Điểm phê phán của vua Aśoka về việc tổ chức các lễ hội thì không nghi ngờ, chỉ cần y chiếu theo ánh sáng của kinh điển nói về giới luật cho cư sĩ tại gia thì có thể hiểu: Say mê với lễ hội là có hại, nhưng có một số lễ hội thì tốt, có lẽ vì mục đích hoằng dương chính pháp hoặc những điều tốt đẹp. Biểu diễn kịch tuồng là một đặc điểm nổi trội trong lễ hội công cộng ở Ấn Độ. Không đủ chứng cứ để nói rằng kịch tuồng được rút ra từ nghệ thuật nhảy múa trong biểu diễn các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết của truyền thống Bà-la-môn giáo, thỉnh thoảng ở thế kỷ IV TTL (thực chất sớm hơn bởi vì chúng ta có một chứng cứ40 là biểu diễn kịch tuồng có trong sách vở từ thời của triều đại Nandas). Đi cùng với tôn giáo, kịch về khí phách anh hùng, bi kịch và châm biếm đã tồn tại từ rất sớm. Vua Aśoka có lẽ không có hứng thú đối với những chuyện thần thoại về thần linh Bà-la-môn giáo, hoặc tình tiết anh hùng trong sử thi hay bi kịch. Mặt khác chúng ta đã thấy trong chương này ở giai đoạn Phật giáo đã bắt đầu phát triển, cho dù kịch tuồng chưa chính thức hoàn toàn nhưng ít nhất cũng cho thấy kịch tính rõ ràng trong những lời đối thoại. Phật giáo đã dùng chuyện kể theo hình thức Jātaka (chuyện tiền thân) thay thế sử thi và hấp thu những tình tiết thần thoại, chẳng hạn như mô tả chiến tranh giữa các vị thần và ma quỷ để minh họa những lý tưởng đạo đức Phật giáo (như chúng ta sẽ thấy ở dưới); họ cũng mô tả những vị thần linh viếng thăm đức Phật từ những tình tiết thông thường trong cuộc đời của đức Phật. Do đó, sự ám chỉ liên quan đến vấn đề ‘lễ hội tốt’ có thể được đề cập đến việc biểu diễn trong Phật giáo chỉ ở giai đoạn này.
40. Xem Pāṇini’s Grammar (Văn phạm của Pāṇini) (IV. 3.110). Tham khảo IKL I tr. 18, 20, 123 trở xuống, 133; II 110 trở xuống.
Ở đây vua Aśoka đã nói về sự thị hiện của thần linh thì càng khó giải thích. Khả năng dễ thấy nhất có lẽ một lần người ta thấy điềm báo về sự hiển linh của thần thánh ở Ấn Độ là sự cảm ứng khi nhà vua phụng hành theo Phật pháp (nhưng sự giải thích như vậy trong chỉ dụ thời kỳ đầu, chúng ta chỉ biết phỏng đoán, hầu như là có thể). Chỉ dụ hiện tại thì càng khó hơn bởi vì toàn bộ văn bản có kết cấu không rõ, có thể có nhiều cách khác nhau để đọc. Ở đây chúng ta không có không gian để thảo luận về những vấn đề nguyên văn, chỉ thỏa mãn để nói rằng sự giải thích chọn lựa chính này nhằm vào những vấn đề hiển linh của thần thánh là không thật mà do con người biểu diễn, điều mà vua Aśoka đề cập là những đám rước hay buổi biểu diễn về những hình tượng của các vị thần, hoặc nghệ sỹ đóng vai các vị thần ở những sân khấu lớn lấp lánh đầy sao, cỡi trên những thớt voi xuất hiện (hình ảnh này rất thịnh hành trong thần thoại Bà-la-môn giáo) kết hợp với ánh sáng lửa trời (lửa và ánh sáng được xem là biểu tượng ở cõi trời).
Cùng năm đó (năm đăng quang thứ 12, 257 TTL) có hai văn bia ngắn41 được khai quật ở những hang động và nơi thờ cúng (hoặc đền thờ) của những người theo Chính mạng luận (công việc khai quật những hang động, đền thờ hay miếu thờ nằm ngoài hệ thống bia đá được khắc ở các hang núi mà các đạo sĩ thường tu tập lúc bấy giờ, đặc biệt là nơi ở của các tỷ-kheo Phật giáo; thực tế rất hiếm di chỉ cổ điển như thế còn bảo lưu ở Ấn Độ, các hạng mục kiến trúc hầu như đã mất dạng ngoại trừ một vài trụ cột và nền móng ít ỏi được tìm thấy; lý do phổ biến loại hình kiến trúc hang động này ở Ấn Độ rõ ràng là nhằm làm cho mọi người nhìn thấy muốn bước vào ngay lập tức: mát mẻ và trong sạch vào những ngày nóng nhất). Sự ủng hộ này đối với phái Chính mạng luận (một bia đá khác ra đời vào năm đăng quang thứ 19 của vua Aśoka cũng được phát hiện) tiếp tục ngay cả sau khi vua Aśoka phát nguyện ‘mạnh mẽ’ quy y Phật giáo, điều này xác minh tầm quan trọng trong chính sách hòa giải và ủng hộ của nhà vua đối với tất cả các ‘trường phái’.
41. Bloch tr. 156.
Văn bia42 ở Bhābrā thuộc nước Matsya (phía đông nam Rājasthan, gần như thuộc tiểu bang Jaipur) có khả năng ra đời cùng giai đoạn này. Văn bia này được viết như một bức thư (giống với những bức thư trong Ba tạng giáo lý, ví dụ thư của vua A-xà-thế gửi đức Phật, nhưng phái sứ giả đến thuật lại bằng miệng) vua Aśoka gửi cho các vị tỷ-kheo Phật giáo: “Priyadarśin của xứ Ma-kiệt-đà kính gửi chư tăng, cầu chúc (cầu nguyện quý vị) ít bệnh và an lành (đây là lời trân trọng, như ‘chúc mừng mọi việc như ý’). Thưa quý Đại đức! Quý ngài biết trẫm hết lòng kính trọng và tin tưởng vào Phật, Pháp và tăng (nói cách khác tôi là một Phật tử tại gia). Những gì mà đấng Đạo sư, bậc giác ngộ đã dạy, tất cả lời dạy đó đều cao quý. Thưa quý Đại đức! Dường như đối với trẫm luôn mong muốn diệu pháp (sad-dharma) được lưu truyền dài lâu, nên trẫm phải nói đến những bài thuyết giảng trong giáo pháp: Đức Phật đã tuyên thuyết về Vinayasamukkhasse (Sự cao quý của giới luật), Aliyavasāṇi (thần thông của các bậc thánh), Anāgatabhayāni (Nỗi sợ hãi có thể xảy ra), Munigāthā (bài ca của bậc Vắng lặng), Mōneyasūtte (Lời dạy của bậc Vắng lặng), Upatissapasine (Những vấn đề của tôn giả upatiṣya) và Lāghulovāde liên quan đến lời nói sai sự thật (Lời dạy cho bahula, bắt đầu với những chủ đề nói sai sự thật), - trẫm mong muốn các vị tỷ-kheo và tỷ-kheo-ni, cũng như nam cư sĩ và nữ cư sĩ, thường nghe và thực hành những lời dạy này trong Phật pháp. Trẫm đã viết lại những lời dạy này và mong muốn họ có thể biết được tâm nguyện này của trẫm”.
42. Bloch tr. 154 trở xuống.
Có thể dễ dàng thấy tên gọi của bảy bộ kinh thật sự này đã được các học giả hiện đại nghiên cứu nhiều lần để cố gắng xác định chúng trong Ba tạng giáo lý, nhưng kết luận thường ngược lại với mong muốn mà những học giả cần đạt đến, nghĩa là chúng hoàn toàn được tìm thấy trong Ba tạng giáo lý hoặc không có bản kinh nào cả. Ở đây, ngược lại với cách thông thường của quyển sách này, chúng ta đưa ra những lời thật sự của vua Aśoka trong ngôn ngữ Māgadhī chứ không phải tiếng Phạn. Có thể giả định rằng ông ta đã đang dùng bản gốc bằng ngôn ngữ Māgadhī của Ba tạng giáo lý, mà ngôn ngữ Māgadhī chưa bị pha tạp, nhưng trong văn học này lại không còn gì được bảo lưu (kinh điển nguyên gốc của thượng tọa bộ là một phương ngữ của phía tây Ấn Độ, hầu như là ngôn ngữ của nước Āvantī, kinh điển của Nhất thiết hữu bộ ít nhiều còn giữ tiếng Phạn, kinh điển của thuyết xuất thế bộ (Lokottaravāda) thì chỉ một phần phát triển từ tiếng Phạn, tức Prakrit, thuộc một phương ngữ của phía bắc miền trung Ấn Độ - ngôn ngữ của nước Śaurasenī hoặc phương ngữ của Kośala? - nhưng không phải ngôn ngữ Māgadhī . Những bản kinh trong Tiểu A-hàm (Kṣudraka) bằng tiếng Gāndhārī43 có lẽ thuộc Pháp tạng bộ; hiện tại không có Ba tạng giáo lý nào bằng ngôn ngữ Ấn Độ khác, và những bản dịch tiếng Trung Quốc không cho chúng ta khái niệm chính xác về nguồn gốc hay tên gọi hình thành kinh điển giáo lý của họ). Chúng ta biết rằng cùng một trường phái và cùng kinh điển viết trên một phương ngữ, nhưng tên kinh khác nhau; hơn nữa, nhiều trường phái khác nhau sử dụng nhiều phương ngữ khác nhau, cho nên khó xác định được những kinh văn vua Aśoka đã đề cập là điều không đáng ngạc nhiên. Nhưng có một số phần dường như rõ ràng: Aliyavasāṇi (Thần thông của các bậc thánh) là bốn thánh sử (āryavaṃśas),44 nói về một vị tỷ-kheo cần biết đủ về y áo, thức ăn, chỗ ở, có được niềm vui trong tu tập và xả bỏ. Anāgatabhayas (Nỗi sợ hãi có thể xảy ra)45 có lẽ là năm ‘sợ hãi trong tương lai’ của những vị tỷ-kheo tu tập trong núi rừng, rằng họ có thể bị chết trẻ trong tay của con người hay thú vật, hoặc tai nạn hoặc thức ăn độc..., và khi họ nghĩ về những điều đáng sợ này vì thế họ phải dũng mãnh tinh tấn để đạt được và kinh nghiệm những điều họ chưa từng đạt được trước đây (tức trong thiền định…). Munigāthā (Bài ca của bậc Vắng lặng) có lẽ như trong Tiểu A-hàm46 đã liệt kê ở chương trước, ‘bài ca của bậc ẩn sĩ’, ca ngợi hạnh ẩn sĩ đi một mình để tìm vắng lặng, diệt trừ sự sinh khởi của sự tồn tại sau này; bậc dũng sĩ của trí tuệ, đạo đức và thiền định, tìm thấy hỷ lạc trong thiền định và chính niệm, như sư tử không sợ hãi, thanh tịnh như một bông sen và tiếp tục như thế. Mōneyasūtte (Lời dạy của bậc Vắng lặng) có lẽ là phiên bản của một bài thơ có từ rất sớm thuộc thượng tọa bộ,47 hiện tại được cho vào đoạn mở đầu lời đối thoại trong lời tựa thêm vào sau này (do âm vận khác nhau nên dễ nhận ra), có cùng tên gọi là ‘hạnh ẩn sĩ’ (mauneya), ca tụng sự vắng lặng và xả ly, xem người khác như chính mình, do đó thành tựu được hạnh không bạo lực, giải thoát mọi mong cầu, thiền tập trong rừng núi và tương tự như thế. Lāghulovāde đặc biệt nói về lời nói sai sự thật, chính xác là một kinh trong Trung A-hàm,48 ở đó đức Phật chỉ dạy cho Rāhula (tiếng Māgadhī là Lāghula) không được ‘cố ý nói sai sự thật’ (conscious false speech). Upatissapasine (Những vấn đề của Upatiṣya) tức ‘Câu hỏi của Upatiṣya (Xá-lợi-phất)’ là một vấn đề tưởng tượng mà tôn giả đã đặt ra nhiều lần trong Ba tạng giáo lý. Lamotte cho rằng49 kinh Xá-lợi-phất (Śāriputra Sūtra) là một trong những kinh của Nghĩa phẩm kinh (Arthvargīya) thuộc Tiểu A-hàm,50 ở đó tôn giả Xá-lợi-phất hỏi về đời sống của một vị tỷ-kheo và đức Phật trả lời rằng vị ấy nên đạt được không sợ hãi, tinh tấn, không lấy của không cho, không nói sai sự thật, phải tu tập lòng từ... Cuối cùng là Vinayasamukkhasse (Sự cao quý của giới luật), có lẽ vừa bản thân của giới luật ‘cao quý’ vừa ca ngợi một bản kinh ‘cao quý’ của Luật tạng, thật ra cùng một việc, giống với một bản kinh trong Tăng nhất A-hàm của thượng tọa bộ.51 Có nhiều khả năng khác đối với một số kinh văn đã đề cập, nhưng những giám định này là khả năng cao nhất. Ít nhất không có vấn đề lệch ra ngoài Ba tạng giáo lý như chúng ta hiện biết về sự tuyển chọn của vua Aśoka, mặc dù ông dùng phiên bản mà chúng ta không thể tìm ra.
43. Như trong a II tr. 27 trở xuống.
44. Tham khảo J. C. Wright, Anusaṃdhāna, 18, 2001, tr. 1.
45. Ví dụ như A III, tr. 100 trở xuống.
46. Bản của thượng tọa bộ ở Sn, phần thi kệ, tr. 207 trở xuống.
47. Sn tr. 701 trở xuống.
48. M No. 61, T 26 No. 14.
49. HBI tr. 257.
50. Sn tr. 955 trở xuống.
51. A I tr. 98 trở xuống.
Cho dù trong bức thư nhà vua đề cập đến hàng đệ tử tại gia, nhưng kinh điển mà vua Aśoka chú trọng đều nói về đời sống của các vị tỷ-kheo (ngoại trừ nói dối thường xuyên được nói đến, nhưng cũng là sự khuyến cáo cho các vị tỷ-kheo - Rāhula là con trai của đức Phật). Tuy nhiên, đây cũng là những kinh điển nói về các tiêu chuẩn đạo đức mà vua Aśoka hết lòng hành trì. Trong tất cả văn bản này, vua Aśoka không quan tâm đến triết học Phật giáo, mà chỉ nói về sự ứng dụng các tiêu chuẩn đạo đức và sự tu tập thực hành, không chấp trước và xem tất cả chúng sinh giống như chính mình. Đó là con đường thực tiễn chứ không phải lý thuyết, nhà vua chuyên tâm thực hành, càng mong muốn các tỷ-kheo và tỷ-kheo-ni cùng với hàng cư sĩ tại gia chuyên tâm thực hành. Cộng đồng Tăng-già Phật giáo cần phải hoàn thiện những tiêu chuẩn này một cách viên mãn và giảng giải cho tín đồ thực hành theo cách như vậy.
Có một loạt sắc lệnh gồm mười chỉ dụ được ban hành năm 256 TTL,52 ở đây vua Aśoka cho thấy bản thân ông rất vui và tự hào với những thành tựu này - như chúng ta sẽ thấy vào năm đó có những sự phát triển mới, sắc lệnh cho thấy nhà vua thực thi kế hoạch lớn của mình một cách phấn khởi và ít nhất đạt đến thành tựu vĩ đại mang tầm quốc tế. Nhà vua mở đầu: “Làm việc tốt (kalyāṇa) là khó; bắt đầu cho việc tốt là khó. Bây giờ trẫm đã làm nhiều việc tốt. Về sau, những đứa con trai, cháu trai và hậu duệ của trẫm tiếp tục làm cho đến khi vũ trụ xoay vần vẫn sẽ làm tất cả những việc tốt. Giả như có ai lãng quên một chút điều này, sẽ tạo ra việc xấu ác, vì việc xấu ác là dễ” - Chúng ta có thể nghĩ rằng ở đây nhà vua thật sự đang dặn dò những người kế thừa vương vị, khuyên bảo họ tiếp tục những việc mà nhà vua đã làm - “trước đây, không có việc chọn ‘quan viên cao cấp’ (hay đại thần, mahāmātra) chăm lo pháp (dharma)”. Họ được trẫm chọn ra sau khi đăng quang được 13 năm. Họ phụ trách công việc giao tế giữa các phái, chuyên tâm hoằng dương chính pháp và phát triển chính pháp, vì lợi ích và hạnh phúc của mọi người và mở rộng chính pháp đến với người Hy Lạp, Iran, Gandhārans, Rāṣṭrikas (lãnh thổ thuộc Sindhu?), Pitinikas (hiện nay là gujarāt?) và những người ở phương tây. Họ còn có trách nhiệm với những người làm thuê và những bậc thầy (? đọc như bhaṭa + arya), Bà-la-môn, người giàu cũng như người nghèo, người già, vì lợi ích và hạnh phúc, để dẹp trừ ma chướng làm trở ngại sự tiếp nhận chính pháp. Cũng vì để tiêu trừ ma chướng mà phóng thích những tù nhân, giải thoát cho họ khi họ biết sửa đổi…”.
52. ‘Rock Edict 5-14’, bloch tr. 101 trở xuống.
Như vậy, một quan chức cao cấp được chọn ra, đó là đại sứ giả của ‘Pháp’ trong nghĩa đặc biệt về hệ thống đạo đức của vua Aśoka (phân biệt với luật pháp thông thường). Chức năng của Pháp liên quan đến tất cả các bộ phận của xã hội, nhưng đặc biệt chú trọng đến người nghèo khó và neo đơn. Đặc biệt, chức năng của Pháp còn liên quan đến những vùng ở phía tây từ lâu không hợp tác với đế quốc Ma-kiệt-đà và có lẽ các tỷ-kheo Phật giáo và giáo pháp của họ chưa được truyền bá sang đó (bao gồm người Gandhāra, có lẽ còn có Sindhu, thuộc địa arachosia của người Hy Lạp và người Iran…).
Trong chỉ dụ thứ hai thuộc nhóm sắc lệnh này, vua Aśoka nói rằng trong quá khứ đôi khi việc làm phúc lợi bị chậm trễ, do đó nhà vua hiện tại đã sắp xếp đưa sứ giả đến mọi lúc, mọi nơi, để cấp báo cho nhà vua biết về phúc lợi của người dân. Nếu nhà vua ra lệnh phân phát cứu trợ hoặc có thể thông báo bằng miệng mà các quan chức chậm trễ hoặc tranh luận hoặc ‘Tính toán’ (nidhyāpti) trong cuộc họp (pariṣat), vị sứ giả đó phải báo cho nhà vua ngay lập tức, bất cứ lúc nào và ở đâu. “Trẫm đã ban hành sắc lệnh này vì trẫm luôn muốn bảo đảm phúc lợi cho mọi người mà tăng cường điều tra tìm hiểu, và vì trẫm xem phúc lợi của mọi người là công việc chính của mình, và chỉ có như vậy mới làm được, và vì không có việc làm nào tốt hơn là vì lợi ích của mọi người. Bằng tất cả ‘cố gắng’ (parākrama) trẫm phải trả hết số nợ này đối với hết thảy chúng sinh. Ở thế gian này trẫm làm cho họ được hạnh phúc và tương lai cầu nguyện cho họ được lên cõi trời…”.
Vua Aśoka tiếp tục diễn tả mong muốn rằng tất cả giáo phái có thể sống khắp nơi, vì tất cả họ đều hy vọng tự chế ngự mình và thanh lọc tâm thức. Mỗi người có mỗi nguyện vọng và hoài bão. Họ sẽ làm được tất cả hoặc chỉ một điểm. Đối với người chưa đủ rộng lượng, chưa tự kiểm soát hoặc chưa thanh lọc được tâm hay biết ơn, nhưng niềm tin kiên định của họ thì luôn mạnh mẽ - Phần sau của chỉ dụ này khá khó hiểu, nhưng nghĩa của phần đầu thì ý tứ dường như rõ ràng: tất cả giáo phái phải rộng lượng và khích lệ nhau để phát triển khắp nơi, bởi vì tất cả giáo phái nói chung có hai quan điểm nhưng mục đích chính là để hoàn thiện bản thân. Sự khác biệt của con người rất lớn; phải chăng học thuyết của các giáo phái khác nhau nhưng đều có điểm chung? Đối với giáo phái tín ngưỡng yếu nhất dường như chỉ có niềm tin (bhakti) nhưng vẫn tốt hơn không, nếu niềm tin đó ‘kiên định’. Điểm thú vị nhất ngoài sự rộng lượng (một số chỗ khác vua Aśoka có giải thích đầy đủ) thì vua Aśoka mong muốn truyền bá tất cả giáo phái và khuyến khích công việc ‘truyền giáo’. Chúng ta sẽ thấy nhà vua làm điều này đối với Phật giáo: Chúng ta không có đủ thông tin để biết rằng phải chăng nhà vua cũng đã cố gắng truyền bá Bà-la-môn giáo, Chính mạng luận và Kỳ-na giáo (những giáo phái chính mà nhà vua đã đề cập trong các chỉ dụ của mình).
Tiếp theo trong loạt sắc lệnh này có một chỉ dụ đã được phiên dịch ở trên (tr. 358 trở xuống) về ‘hành trình hoằng pháp’ (journey for principle). Sau đó vua Aśoka nói: “… con người cử hành nhiều nghi lễ cầu nguyện (maṅgala), vì bệnh hoạn, cưới hỏi, sinh con cái, đi ra nước ngoài... Trong những trường hợp này người phụ nữ thường làm nhiều lễ cầu nguyện nhưng chúng đều vô ích và không có giá trị. Nghi thức cầu nguyện như vậy chỉ có được chút kết quả, nhưng cầu nguyện cho chính pháp thì kết quả to lớn. Nó bao gồm việc đối đãi tốt với nô lệ và người làm thuê, tôn kính các bậc trưởng lão, khéo kiềm chế mình (saṃyama) đối với hết thảy chúng sinh, hoan hỷ rộng rãi với Bà-la-môn và Sa-môn và những việc tương tự như thế. Như vậy, cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè hay người thân sẽ bảo rằng đây là điều tốt, đây mới là sự cầu nguyện đáng làm - lợi ích của người đó (artha) được tọai nguyện”. Về sau tiếp tục có hai văn bản được khắc trên bia đá của cùng chỉ dụ này: (1) “Nghe nói rằng sự rộng lượng bố thí là tốt, nhưng không có sự bố thí hay biếu tặng (anugraha) nào bằng bố thí pháp hay biếu tặng pháp. Bất kỳ ai cũng phải biết lắng nghe sự khuyến cáo từ một vị thiện hữu tri thức, người bạn tốt, người thân hay đồng nghiệp trong công việc: Đây là việc cần làm, đây là việc tốt. Làm được việc tốt này người đó có thể đạt đến cõi trời. Còn có gì giá trị hơn cõi trời không?” (Một lần nữa những lời này tương tự với ‘hệ thống giáo lý của đức Phật’ cho hàng đệ tử tại gia, mục tiêu cao hơn không còn chấp trước thậm chí cả thế giới tương lai, đó là Niết bàn hay giải thoát không được đề cập ở đây. Chỉ dụ này dành cho mọi người; những người biết được đạo lý cao hơn không cần lời chỉ bày này của hoàng đế.) Một văn bia khác là (2) “Khi thực hiện hoàn toàn, một người sẽ nói rằng: ta sẽ làm điều này (cầu nguyện của pháp) một lần nữa, vì cầu nguyện cho điều khác thì chẳng ích gì. Nó có thể mang lại lợi ích (cầu nguyện cho điều khác) nhưng có thể không. Cho dù thế nào cũng chỉ ở thế gian này, nhưng cầu nguyện của pháp là không giới hạn thời gian: Nếu ở kiếp này chưa sinh lợi ích, công đức (puṇya) sẽ sinh ở thế giới trong tương lai vô lượng; hoặc nếu ở kiếp này sinh ra lợi ích thì cả hai thiện báo đều được, lợi ích ở thế giới này và công đức vô lượng ở tương lai…”. (Ở đây có một điều khiến chúng ta nhớ lại trong nghi lễ của Bà-la-môn giáo chính thống ‘không thấy’ nó mang lại kết quả đặc biệt là sinh lên cõi trời; tiếp tục ở văn bia thứ hai thật sự được phát hiện ở phía bắc (tây bắc) Ấn Độ, quê hương của Bà-la-môn giáo, vua Aśoka có thể cố ý dùng ở một hình thức xã hội Bà-la-môn giáo thuần túy để biểu đạt tư tưởng của mình).
Chỉ dụ kế tiếp là sắc lệnh thứ sáu trong loạt sắc lệnh này, viết: “Devā nāmpriya Priyadarśin không nghĩ rằng danh vọng và tiếng tăm có ý nghĩa to lớn, ngoại trừ mình mong muốn danh vọng và tiếng tăm rằng hiện tại và tương lai thần dân của mình có thể chuyên tâm lắng nghe chính pháp và làm gì phải phù hợp với chính pháp… bất cứ cố gắng nào Devānāmpriya Priyadarśin làm thì tất cả vì lợi lạc của thế giới tương lai, làm cho thế giới kiếp sau hoàn toàn không gặp tai nạn (aparisrava). Hiện nay ‘Tai nạn’ là do thiếu công đức. Nhưng điều này đối với người nhỏ hay nhân vật lớn đều khó thực hiện trừ khi người đó phát tâm dũng mãnh tinh tấn, xả ly hết thảy; và điều này càng khó làm đối với nhân vật lớn”’. Bởi vì trong quan niệm của Phật giáo, ‘Thế giới kiếp sau’ là đời sống luân hồi kế tiếp, có thể là ở Trái Đất này, cũng có thể ở cõi trời hay địa ngục, mà ‘Thế giới này’ thật sự chỉ là một đời sống này (hiện tại), chúng ta có thể thấy tất cả những cố gắng của vua Aśoka là làm cho ‘Toàn bộ thế giới về sau’, bao gồm chúng sinh đầu thai lại làm người ở trái đất này cũng như ở thế giới khác, lý giải như vậy có lẽ đúng. Một khả năng khác, điều mà nhà vua nói chỉ là hy vọng cá nhân với công đức ở thế giới tương lai của mình, ngoại trừ những ước muốn đối với lợi ích ở đời sống hiện tại và rồi lấy điều này ra làm ví dụ.
Bản chỉ dụ thứ bảy có chút lặp lại với phần mở rộng đoạn đầu của chỉ dụ thứ năm, liên quan đến cả một đoạn mở rộng khác và phần đầu của nó. Văn bản này rất có giá trị để tìm thấy lời nói hơi khác của vua Aśoka như thế nào và ông ta kết nối ý tưởng của mình như thế nào: “…không có rộng lượng bố thí nào bằng bố thí chính pháp, hay ca ngợi chính pháp, hay chia sẻ chính pháp, hay thân cận với chính pháp. Ở mặt này bao gồm cả: đối xử tốt với nô lệ và người làm thuê, vâng lời cha mẹ, rộng lượng với bạn bè, người quen, người thân, Bà-la-môn và Sa-môn, không làm hại đối với hết thảy chúng sinh. Cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng, bạn bè, người quen, người thân kể cả hàng xóm đều bảo rằng: đây là việc tốt, điều này cần phải làm. Một người làm được như vậy sẽ thành tựu ở thế giới này và kiếp sau. Bố thí pháp là công đức vô lượng”.
Chỉ dụ thứ tám giải thích sự rộng lượng đối với những giáo phái khác, tiếp tục phát huy ý tưởng của sắc lệnh thứ ba: Devānāmpriya Priyadarśin tôn trọng tất cả các giáo phái, vì họ là những người xuất gia và tại gia (tức những tín đồ theo các Sa-môn cũng như Bà-la-môn). Nhà vua kính trọng bằng cách rộng rãi cúng dường, tán dương danh dự của họ. Nhưng Devānāmpriya không nghĩ rằng sự rộng lượng bố thí và danh dự không sánh được với việc nâng cao giá trị phẩm chất (phần cốt lõi của một sự việc). Nâng cao giá trị phẩm chất được thực hiện bằng nhiều cách, nhưng gốc rễ của nó là kiểm soát lời nói của mình, vì vậy không có danh dự khi tôn trọng giáo phái của mình mà chê bai giáo phái khác vô cớ (vô lý). Khi có liên quan thì luôn phải ứng xử ôn hòa nhẹ nhàng. Người ở những giáo phái khác cho dù thế nào cũng phải tôn trọng: Làm như thế sẽ nâng cao giá trị giáo phái của mình một cách mạnh mẽ và cũng giúp cho các giáo phái khác. Ngược lại, chúng ta làm hại chính giáo phái của mình và tổn hại những giáo phái khác. Vì bất kỳ ai tôn trọng giáo phái của mình hoặc chê bai giáo phái người khác hoàn toàn (tức đơn giản) bằng cách chỉ tin tưởng vào giáo phái của mình, anh ta nghĩ rằng sẽ làm rạng rỡ tông môn của mình, thật ra hành động như vậy thay vì làm mạnh mẽ lại làm tổn hại giáo phái của mình. Do đó, chỉ có hòa hợp (samavāya) mới là tốt, như vậy người đó có thể nghe thấy pháp và chú ý lắng nghe giáo lý của người khác. Đó là mong muốn của Devānāmpriya, vì thế tất cả các giáo phái đều có thể được nâng cao và tạo thành những truyền thống tốt đẹp (hay kinh điển tốt đẹp: kalyāṇaāgama). Các giáo phái khắp nơi có thể nói: Devānāmpriya không cho rằng sự rộng lượng bố thí và danh dự hơn cả sự nâng cao giá trị của các giáo phái mình. Nhiều người đã được giao nhiệm vụ này: những quan chức cao cấp gìn giữ chính pháp… và những phái đoàn khác. Kết quả của điều này là nâng cao được giáo phái của mình và xiển dương chính pháp.
Chỉ dụ tiếp theo mô tả về lần chinh phục thành Kaliṅga (tr. 350 ở trên). Tuy nhiên chỉ dụ này có một đoạn mở rộng rất quan trọng. Trước tiên vua Aśoka kể lại chính sách của ông ta, đã được nói trong chỉ dụ số hai trong ‘sắc lệnh Kaliṅga’ về sự tha thứ hết mức có thể khi bị người khác làm hại: “bất kỳ ai gây tai hại cho mình, Devānāmpriya nghĩ rằng anh ta nên được tha thứ (khoan dung) nếu có thể. Thậm chí những bộ tộc trong rừng thuộc lãnh thổ của trẫm, Devānāmpriya cũng hòa giải và thương thảo với họ. Trẫm bảo với họ điều cùng căn bản (thái độ của ông ta) hối hận (rõ ràng ở lần chinh phạt thành Kaliṅga), giúp cho họ (cũng) biết xấu hổ mà không giết người. Devānāmpriya hy vọng mãnh liệt không làm tổn thương tất cả chúng sinh, biết kiềm chế, làm việc công minh (samacaryā). Devānāmpriya nghĩ rằng đây mới là chiến thắng oanh liệt nhất: chiến thắng của chính pháp. Trẫm đã làm được điều này ở đây và vượt ra ngoài biên giới sáu trăm do-tuần (xấp xỉ 2.700 dặm, từ biên giới phía tây sang cả liên bang Hy Lạp ở châu Phi và châu Âu được đề cập ở dưới), ở đó là sự cai trị của vua Hy Lạp Antiochus (Syria) và bốn vị vua tulamaya (Ptolemy II của ai-cập), Aṃtikini (Antigonus của Macedonia), Maga (Magas của Cyrene) và Alikasudara (Alexander của Epirus), đến tận phía Nam Coḍa, Pāṇḍya, xa hơn nữa là Tāmraparṇī (Ceylon: tích Lan), cũng như ở đây trong những lãnh thổ cùng với người Hy Lạp và Iran, Nābhakas và Nābhapaṃtis (chưa xác định hoàn toàn, có lẽ người uḍḍiyāna) và láng giềng của họ, bắc Gandhāra - thung lũng sông Suvastu), bhojas và Pitinikas (Nam Rājasthān và gujarāt), Āndhras (hiện nay là Āndhra, nhưng có lẽ rộng hơn nữa về phía tây) và Pāradas (ở đó dường như có nước Pārada phía bắc của uḍḍiyāna, nhưng trong nội dung liên quan đến Āndhra có lẽ đề cập đến những người không rõ ở phía Nam), tất cả những nơi này đều thực hành theo chính pháp của Devānāmpriya. Những nơi mà đại sứ (dūta) của Devānāmpriya chưa đến được, họ cũng nghe nói đến việc làm về chính pháp của Devānāmpriya, về những phái đoàn hoằng dương chính pháp, đang làm hay sẽ làm, tất cả đều phù hợp với chính pháp. Nhờ vậy mà trẫm thắng lợi khắp nơi. Hiện tại những nơi thắng lợi đã nếm được vị của niềm vui (prīti). Niềm vui này có được là nhờ vào thành tựu của chính pháp. Nhưng đây là niềm vui nhỏ mà thôi. Devānāmpriya nghĩ rằng những điều liên quan đến thế giới tương lai mới là thành quả to lớn. Thắng lợi của Pháp đã được viết ra vì mục đích cho con và cháu của trẫm không được nghĩ rằng có thể thỏa mãn với những thắng lợi mới. Chiến thắng của chính họ (đang gìn giữ vương quốc này) duy chỉ bằng tha thứ khoan dung và phạt nhẹ làm cho họ vui, do đó họ nên hiểu rằng chỉ có chiến thắng của chính pháp là chiến thắng ở thế giới này và thế giới tương lai. Hãy làm cho niềm vui của họ là niềm vui của chính pháp, vì lợi lạc của thế giới này cũng như cho thế giới tương lai”.
Chỉ dụ cuối cùng trong loạt sắc lệnh này chỉ là một hậu ký, tóm lược chính pháp với văn phong ngắn gọn, vừa và chi tiết, chứ không thể viết hết tất cả để đặt khắp nơi… Mỗi pháp có ‘vị ngọt’ (mādhuya) của Pháp, nên không ngại lặp lại với mục đích giúp mọi người có thể tu tập theo, đồng thời cũng có sai sót trong khi viết lại (vì vậy mong mọi người có thể đối chiếu với những phiên bản khác).
Khảo sát sắc lệnh quan trọng nhất là ‘chiến thắng của chính pháp’, chúng ta nhận thấy vua Aśoka thể hiện tuyên bố rõ ràng nhất về chính sách triều đình của mình. Nếu y chiếu theo chính sách cũ và điều thông thường của một thế giới rộng lớn, vua Aśoka đương nhiên khởi binh chinh phục Syria và những lãnh thổ rải rác trước đây của đế quốc Ba Tư (Persian Empire) bây giờ dưới quyền cai trị của Hy Lạp. Có sẵn kế sách và vị trí ưu thế đã được vua Candragupta đưa ra ở phía tây, đồng thời giữa những người Hy Lạp đang diễn ra phân liệt, với tình hình này thì không có gì khó khăn. Không nghi ngờ gì, người Hy Lạp đã thấy được điểm này, nhân khi vua Aśoka phái đại sứ đến truyền bá chính pháp, họ tranh thủ duy trì mối quan hệ thân mật. Nhận được sự hưởng ứng thiện chí, vua Aśoka tán dương đóng góp của họ đối với sự hiểu biết về những lời giáo huấn chính pháp và bày tỏ niềm hân hoan với ‘chiến thắng của chính pháp’ của nhà vua. Trên thực tế, người Hy Lạp đang phấn đấu truy cầu huyễn cảnh của một đế quốc vinh quang, nhưng vua Aśoka không cảnh giác điểm này và có lẽ hy vọng họ dần dần học hỏi để làm tốt hơn.
Dù gì đại sứ của nhà vua cũng đã thành công giữa những người Hy Lạp và những sứ giả hoặc phái đoàn truyền giáo khác còn đạt được nhiều thành quả lâu bền hơn ở phía Nam. Thành công đáng giá nhất là ‘chiến thắng của chính pháp’ ở tích Lan (Ceylon). Vua tiṣya của tích Lan đã hoan nghênh người con trai của vua Aśoka, là Mahendra, một tỷ-kheo Phật giáo, sứ giả thấm nhuần giáo lý Phật giáo. Chúng ta biết điều này từ những ghi chép lịch sử của thượng tọa bộ còn lưu giữ ở tích Lan: thật sự trường phái này sau đó đã trở nên bền vững trên quốc đảo này và rạng rỡ từ đó (hiện nay vẫn hưng thịnh), chỉ với một vài gián đoạn rất ngắn. Trường phái này để lại những kinh điển và sớ giải truyền thống được truyền thừa từ chính tỷ-kheo Mahendra. Khi hoàng tử của vua Aśoka được công nhận là vị tổ thành lập nên tăng đoàn tỷ-kheo ở tích Lan, thì công chúa của nhà vua được xem là vị tổ tỷ-kheo-ni sáng lập nên Ni đoàn ở đó. Nhiều gia đình quý tộc ở tích Lan (bao gồm cả hoàng gia) đều phát tâm quy y Tăng-già, do đó người dân ở nước này đã xây dựng Phật giáo rất kiên cố. Để đánh dấu sự truyền nhập Phật giáo đến đây, họ đã chiết một nhánh cây ở nơi thành đạo từ Bodh Gayā đem về trồng ở tích Lan. Vua Tiṣya trở thành một vị vua Phật tử đại diện cho hàng tại gia; có lẽ nhà vua cũng lấy hiệu là Devānāmpriya vào thời đó, điều này được sử sách của tích Lan gọi thành tên của triều đại nhiều đời vua kế thừa từ vua Tiṣya.
Tích Lan là một đất nước hoàn hảo và thành tựu duy nhất tiêu biểu cho sự nghiệp ‘chiến thắng của chính pháp’. Kết quả tích Lan đã trở thành liên minh thân mật với Ma-kiệt-đà, trao tặng lễ vật và hấp thu toàn bộ tư tưởng của ‘người chinh phục’, nhưng về mặt chính trị thì vẫn hoàn toàn độc lập. Chúng ta không biết phải chăng tất cả các vị vua ở Nam Ấn Độ (như Coḍa...) đã quy y Phật giáo hay không, nhưng chắc chắn rằng Phật giáo đã được tiếp nhận ở đây rất mạnh mẽ từ thời vua Aśoka trở về sau.
Sử liệu của thượng tọa bộ53 đã ghi lại sự việc đưa những phái đoàn truyền bá Phật giáo một cách có hệ thống khắp lãnh thổ Ấn Độ cũng như tích Lan thời đó. Họ mô tả công lao của vua Aśoka trong sử sách tượng trưng cho sự ủng hộ của vua Aśoka đối với truyền thống của họ. Trong đó có một số xác định được, nhưng trên quan điểm vua Aśoka ủng hộ ngay cả những giáo phái không thuộc Phật giáo và thái độ dung hòa phổ đồng của mình, thì chúng ta không thể theo những miêu tả này của họ, như việc kể nhà vua đã trở thành người bảo hộ độc quyền của thượng tọa bộ. Tuy nhiên, chúng ta chú ý rằng những phái đoàn này ghi lại những vùng mà thượng tọa bộ đến thì ngược lại Đại chúng bộ (và Độc tử bộ) được biết đã thịnh hành một thời. Mỗi lần điều phái đoàn, cũng như lần đến tích Lan, phái đoàn truyền giáo gồm năm vị tỷ-kheo, đủ điều kiện hình thành một chúng để xử lý mọi công việc của Tăng-già, kể cả việc ‘thọ giới’ cho một vị tỷ-kheo gia nhập Tăng-già. Đây là sự trang bị cho họ làm việc ở ngoài vùng ‘trung tâm’ (Bắc Ấn Độ), còn ở trung tâm chư tăng đông thì ít nhất có đến mười thành viên mới được tổ chức thọ giới.54
53. Tổng kết trong Lamotte HBI 320 trở xuống.
54. Vin I tr. 197, 319.
Những bộ sử này miêu tả các phái đoàn truyền giáo đã được phái đến chín nước: tích Lan, Gandhāra (gồm Kaśmīra, Kashmere), nước của những người di dân Hy Lạp, người himavant (himālaya, nhưng rõ ràng rất bị hạn chế ở vùng thung lũng cao Śatadru, mà nơi đây phải băng qua trung tâm của rặng núi này); aparāntaka (bờ biển phía tây Ấn Độ, nói ở nghĩa hẹp hiện nay là bang Mahārāṣṭra, nói ở nghĩa rộng thì gồm cả gujarāt và Sindhu); Mahiṣā (trung tâm thung lũng Narmadā); Mahārāṣṭra, Vanavāsa (mạn bắc của tiểu bang Karṇāvaka); Suvarṇabhūmi (Nam Miến Điện, chính xác là vương quốc Mōn).
Điều đáng chú ý là tỷ-kheo Mahendra dẫn phái đoàn đến tích Lan được miêu tả xuất phát từ Vidiśā hoặc Caityagiri (nay là Sāñcī) cách thành phố đó khoảng vài dặm, thủ đô của nước Daśārṇa nằm giữa avanti và Vatsa. Đây là trung tâm thịnh hành của thượng tọa bộ lớn mạnh nhất lúc bấy giờ. Có lẽ tỷ-kheo Mahendra đã đi qua Kāñcī ở phía bắc nước Coḍa, mà sau này trở thành một trung tâm hoằng pháp mạnh mẽ của trường phái này. Tuy nhiên sử sách của họ không thấy chép điều này, dường như tôn giả Madhyama và Kāśyapa đã dẫn phái đoàn của họ đến himavant cũng cùng xuất phát từ Caityagiri, vì văn bia ở đây chép rằng những chiếc bình đựng xá-lợi của các vị tổ này được tôn trí trong những ngôi tháp ở đây.
Phái đoàn đến Gandhāra do tỷ-kheo Madhyāntika dẫn đầu, cũng được các trường phái Phật giáo khác biết đến, vị tỷ-kheo này còn giữ những câu chuyện không những đã truyền bá Phật giáo mà còn cả văn minh ở Kaśmīra, lúc bấy giờ ở đó vẫn còn là vùng đất của rồng, rắn. Đặc biệt người ta còn cho rằng vị tỷ-kheo này là người đã bày cho người dân ở đây cách trồng loại cây nghệ rất hữu dụng, trở thành một nguyên liệu quý của thung lũng này. Chúng ta có thể chú ý đến sử gia Kalhaṇa ở Kashmiri chép rằng vua Aśoka đã kiến thiết cố đô Śrīnagarī của Kaśmīra, hiện nay đã bị hoang phế nằm ở ngoại ô Śrīnagara. Kaśmīra có một thời gian dài là thành trì hùng mạnh của Phật giáo.
Người Hy Lạp có khả năng di dân đến những vùng thuộc lãnh thổ của đế quốc này, đặc biệt là Arachosia. Aparāntaka, Mahiṣa, Mahārāṣṭra và Vanavāsa là những dải đất của Ấn Độ không ngừng kéo dài về mạn Đông, Phật giáo được truyền bá đến đó và vượt khỏi Avanti, có lẽ trong suốt thời gian này Phật pháp được truyền bá đến tận tây-Nam. Không có sử liệu ghi chép Phật giáo truyền đến Miến Điện quá sớm, mặc dù không có gì là không thể với tình huống này. Tuy nhiên, một điều rất lạ là sử sách ở đây không thấy đề cập đến phía Đông của Ấn Độ, vì một phái đoàn Phật giáo đến Miến Điện phải xuất phát từ đó (vẫn không thể từ tích Lan!). Sử sách Miến Điện chấp nhận câu chuyện có vẻ hợp lý này trong cổ tích Phật giáo ở nước họ một cách tự nhiên. (xuất phát từ Kāñcī?).
Sang phía Đông, là những phái đoàn đến Vaṃga (Bengal) và Kaliṅga (và sau đó đến Āndhra) dường như do Đại chúng bộ dẫn đầu. Điều lạ kỳ là Coḍa không có chỗ cho Đại chúng bộ nhưng lại luôn gần gũi với Phật giáo tích Lan.
Như vậy chúng ta thấy Phật giáo truyền bá hầu hết lãnh thổ của đế quốc này và toàn bộ phía Nam. Phần mở rộng này có lẽ đã bắt đầu trước triều đại của vua Aśoka, nhưng với chiến lược đưa những phái đoàn truyền giáo vĩ đại này dường như phải được các vị vua đang trị vì trên toàn cõi Ấn Độ hưởng ứng nhiệt thành mới có thể đạt đến thành công. Cho dù trước đây làm như thế nào, nhưng từ những sắc lệnh của vua Aśoka chúng ta mới biết được sự ủng hộ này của nhà vua, đặc biệt sự phổ cập của Phật giáo cho mọi người, là một món quà giúp Tăng-già Phật giáo trở nên hùng hậu. Đức Phật ít nhất đã truyền bá giáo lý của Ngài trên sáu quốc gia và đã trở thành một phong trào vượt qua ranh giới chính trị, ở điểm này thì Phật giáo vốn đã có tính quốc tế. Lúc bấy giờ, phong trào này vẫn còn trong giới hạn của một đế quốc cùng với những liên minh ở phía Nam, nhưng Phật giáo ngày càng trở nên mang tính quốc tế qua sự tiếp nhận của các dân tộc không phải Aryan (người Dravidians, Hy Lạp và có lẽ một số dân tộc khác, nếu trong đó có dân tộc Mōns ở Miến Điện); thêm vào đó là những nước của dân tộc Aryan, bao gồm cả tích Lan xa xôi. Theo niên phổ được Eggermont điều chỉnh,55 phái đoàn truyền giáo đã đến tích Lan vào năm đăng quang 12 của vua Aśoka (tháng 11 năm 257 TTL).
55. Chronology, tr. 99.
Cùng thời gian này, theo văn bia và ghi chép lịch sử của Phật giáo thì vua Aśoka có sử dụng một phương tiện khác để truyền bá Phật giáo: Các thành phố trên cả nước đều cho xây dựng chùa tháp. Một bài văn bia56 ra đời vào năm đăng quang thứ 14 (tức năm 255 TTL) cho thấy nhà vua ngự giá đến Nigalisagar của Nepal mở rộng ngôi bảo tháp của đức Phật Konākamana (Câu- na-hàm), vị Phật này đã ra đời trước đức Phật của chúng ta, vì lúc bấy giờ đã có quan niệm đức Phật của chúng ta là một trong những vị Phật đó (xem Đại thí dụ kinh [Mahāvadāna] có nói về những vị Phật này, tr. 174 ở trên). Năm đăng quang thứ 20 (tức năm 249), nhà vua ngự giá chiêm bái vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbinī), nơi đức Phật của chúng ta đản sinh, tức đức Phật thích Ca Mâu Ni (Śākya-muni) mà vua Aśoka đã viết trong văn bia57 ở đó; trong văn bia này nhà vua tuyên bố giảm thuế cho dân làng ở đây, ‘vì đấng Đạo sư đã đản sinh ở nơi này’. Tuy nhiên, chứng cứ lịch sử khảo cổ ghi chép rằng nhà vua không chỉ cho dựng một trụ đá mà còn mở rộng gấp đôi bảo tháp của đức Phật Konākamana. Nhà vua đã trùng tu hầu hết chùa tháp vốn có và thu lại những xá-lợi của đức Phật ở đó, thế rồi chia những xá-lợi đó thành 84.000 phần và cho xây rất nhiều tháp tôn trí xá-lợi đó khắp vương quốc của mình để cúng dường, như thể hiện lòng thành với Phật pháp. Truyền thống thượng tọa bộ kể rằng, tỷ-kheo upagupta đã đưa vua Aśoka đến hành hương chiêm bái hầu hết thánh địa quan trọng liên quan đến cuộc đời và truyền thuyết của đức Phật. Văn thù sư lợi căn bản nghĩa quỹ kinh (Mañjuśrimūlakalpa)58 chép rằng dựng những trụ đá để đánh dấu các thánh tích Phật giáo. Bằng cách này có thể giúp cho mọi người trực tiếp cảm nhận trên sự vật mang tính phổ cập của Phật giáo. Cũng trong giai đoạn này, có một phong trào đem những câu chuyện trong giáo lý mô tả trên các tác phẩm điêu khắc và hội họa, cùng với những biểu tượng như hoa sen, cây bồ-đề, bánh xe pháp và chùa tháp ở thời đức Phật.
56. Bloch, tr. 158.
57. Bloch, tr. 157.
58. Lamotte đã dịch những đoạn liên quan, HBI tr. 263 trở xuống.
Cũng theo truyền thống này59 tất cả những ngôi tháp do vua Aśoka phát tâm xây dựng cùng một lúc và tất cả đều hoàn thành cùng một lúc (có lẽ tổ chức lễ khánh thành cùng lúc), nghe nói rằng tỷ-kheo Yaśas ở một ngôi chùa tại thủ đô Pāṭaliputra chỉ dùng một bàn tay có thể che được mặt trời (như sự báo hiệu) hôm diễn ra sự kiện này. Eggermont cho rằng sự kiện này liên quan đến hiện tượng nhật thực toàn phần ở Ấn Độ vào ngày 4 tháng 5 năm 249 TTL. Thực tế các vị tỷ-kheo có thể dự đoán hiện tượng thiên thực và đã sắp xếp việc xây dựng những bảo tháp này hoàn thành đúng lúc với nó, sau đó cử hành lễ vào đêm bố-tát (poṣadha) mọi nơi cùng một lúc.
59. Aśokavadāna (A dục vương thí dụ kinh), Lamotte, HBI tr. 262; Eggermont, Chronology, tr. 123. Divy tr. 240.
Năm 243 TTL, một số lớn sắc lệnh mới được ban hành và đều được khắc trên các trụ đá.60 Năm đăng quan thứ 26 của nhà vua, ta có thể đặt câu hỏi phải chăng có sự thay đổi trong thái độ phản ánh trong những sắc lệnh này và có sự phát triển trong tư tưởng phản ánh qua kinh nghiệm của vua Aśoka kể từ khi thực thi truyền bá chính pháp. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, những sắc lệnh này tái khẳng định những ý tưởng trước đây với chút điều chỉnh và có lẽ ở một số chỗ đã thêm sự khẩn thiết hay nóng lòng, thậm chí lo lắng về cơ cấu hành chính của nhà vua.
60. Bloch tr. 161 trở xuống.
“… Thế giới này và thế giới kế tiếp khó ‘như ý’ (sam-prati-pad - hài hòa hay đạt được?) trừ khi thể hiện sự thành kính tột cùng đối với chính pháp, nghiệm chứng tột cùng, chú ý lắng nghe tột cùng, kính sợ giới luật tột cùng, tinh tấn tột cùng (utsāha). Nhưng bằng cách làm theo lời huấn thị của trẫm về việc thực hành chính pháp, thì tâm kính trọng chính pháp đã tăng trưởng và tích lũy theo ngày tháng. Những sứ giả của trẫm ở bậc cao, thấp hay vừa đều tuân thủ và ‘Thể nhập’ chính pháp, đủ năng lực hướng dẫn (thích hợp) những người chưa vững tâm (ca-pala). Đây là một chú ý mới. Những sứ giả ở biên cương cũng như thế. Đây là những phương tiện (vidhi, ‘lời huấn thị’): Nhờ chính pháp mà được duy trì, nhờ chính pháp mà được tốt đẹp, nhờ chính pháp mà được an lạc, nhờ chính pháp mà được bảo vệ”.
“…Chính pháp là cao thượng. Nhưng chính pháp là gì? Đó là giảm bớt xấu ác (lậu hoặc, nếu āsinava đồng nghĩa với ādīnava: vô lậu hoặc), nhiều tốt đẹp (kalayāṇa), từ bi, hỷ xả, chân thật, thanh tịnh. Trẫm cũng đã dùng nhiều phương tiện để ban tặng món quà trí tuệ này. Trẫm đã ban tặng nhiều ân huệ cho loài hai chân và bốn chân, chim muông và loài sống dưới nước, cứu mạng sống của chúng, và trẫm còn làm nhiều việc tốt đẹp khác…”.
“Chúng ta hãy nhìn vào việc tốt (vào hành động của chính chúng ta): trẫm đã làm việc tốt như thế. Chúng ta sẽ không nhìn vào điều xấu ác… - bởi vì việc này rất khó để nhìn thấy. Nhưng điều này có thể nhìn thấy bằng cách như thế này: nếu nó là thô bạo, tàn ác, giận dữ, ngạo mạn (tự cao), ganh tị (đố kỵ), như vậy nó được gọi là ‘đi vào đường ác (hay uế nhiễm)’ - hãy đừng vì lý do đó mà chán nản. Phải kiên quyết nhìn rõ: Đây là vì hạnh phúc của ta ở thế giới này, hơn nữa đây là vì hạnh phúc của ta ở thế giới sau”.
“…Những sứ giả thanh tra có trách nhiệm với hàng trăm hàng nghìn chúng sinh. Trẫm giao quyền cho những vị sứ giả thanh tra này nhận nhiệm vụ và xử phạt, để họ tiếp tục thi hành công vụ đầy trách nhiệm và vô úy, có thể mang lại cho người dân và đất nước lợi lạc và hạnh phúc. Họ sẽ biết điều gì làm nên hạnh phúc và không hạnh phúc, và đối với những sứ giả (yukta) của chính pháp (hoặc có lẽ đơn giản là những người thâm hiểu chính pháp, họ có thể là những quan chức của triều đình hay ở địa phương, hoặc chỉ là những người cảm tình với sự nghiệp của Aśoka) sẽ cùng nhau sốt sắng (vi-) nhắc nhở mọi người và đất nước, làm cho họ có thể có được lợi ích ở thế giới này và thế giới tiếp theo… Có thể hy vọng rằng bình đẳng (samatā) trong thực thi (đặc biệt liên quan đến thủ tục pháp lý) và xử phạt. Hơn nữa, đây là công việc trẫm đã làm: Những tù nhân bị tử hình được khoan hồng ba ngày; người thân của họ sẽ xin ân xá (nidhyai: nguyên nhân), nếu không đủ lý do thì họ sẽ làm việc bố thí để tạo phúc đức cho kiếp sau hoặc ăn chay hối lỗi…”.
Trong số sắc lệnh này có chỉ dụ thứ năm đưa ra một danh sách các loài động vật không được giết (hầu hết là động vật hoang dã không được sử dụng làm thức ăn, vì điều này từng là chủ đề được ban hành trong những sắc lệnh trước đây, khuyến khích tránh giết động vật làm thức ăn) đồng thời thêm vào những điều luật khác để bảo vệ sự xâm hại mạng sống của động vật. Loạt sắc lệnh này ở đoạn kết thúc thường khẳng định lại rằng vì lợi ích và hạnh phúc của toàn thế giới là điều quan tâm của vua Aśoka. Cho dù người ở gần hay xa nhà vua, nhà vua đều quan tâm đến họ như người thân của mình; nhà vua đã từng kính trọng tất cả giáo phái với nhiều cách ủng hộ, nhưng nhà vua nghĩ rằng vấn đề chính là tự mình đi đến với họ.
Ở đây chúng ta chú ý đến chính sách chung về vấn đề không bạo lực (non-violence) không loại trừ ở phạm vi nghiêm khắc và cưỡng chế của pháp luật, thậm chí sử dụng đến hình thức tử hình. Thật khó để nói phải chăng đây là sự phát triển mới trong chính sách của vua Aśoka hay không, nhưng có lẽ phát xuất từ nguyện vọng ôn hòa không giải quyết được mà ra. Chúng ta chính xác thấy rằng vua Aśoka không phải là người không tưởng hay chủ nghĩa phi hiện thực như thỉnh thoảng có người coi là vậy, nhưng nhà vua phân biệt rất cẩn thận giữa lý tưởng rốt ráo của ông tuy rất nôn nóng thực hiện và tình hình thực tế bày trước mắt. Do đó, nếu có người cho rằng ông phải chịu trách nhiệm đối với sự suy tàn của đế quốc Ma-kiệt-đà sau khi băng hà khoảng nửa thế kỷ: rằng vị vua này đã chôn chân sức mạnh quân đội, hoàn toàn giã từ chiến tranh và để biên giới tự do cho người Hy Lạp nhập cư, họ nhanh chóng lợi dụng tình thế này, rồi những kẻ nguy hiểm địa phương chiếm cứ nhiều tỉnh thành. Điều này được gợi ý trong một cuốn sách xuất bản trước đây,61 rằng chính sách của vua Aśoka khác với điều này, ông tiếp nhận Phật giáo và cố gắng áp dụng giáo lý Phật giáo chứ không phải do nguyên nhân khủng hoảng của đế quốc, đúng hơn là sự ảnh hưởng của những vấn đề mà ông ta đối mặt. Thực tế, chính vị vua này biểu hiện sự kinh hãi đối với sự tàn sát trong chiến tranh, mà ở tiêu chuẩn hiện đại xem là chuyện nhỏ, nhưng đồng thời vị vua này cũng không giã từ những gì mà ông gọi là ‘chiến thắng’. Bởi vì tin tưởng rằng chiến tranh là một biện pháp sai lầm, có lẽ nhìn xa hơn thì chiến tranh vốn đối với sự hiểu biết trên toàn thế giới này không phải là chiến thắng cuối cùng và dài lâu (lịch sử của Ba Tư và Macedonia gần đây có thể đã cho thấy điều này). Do đó, vị vua này đã tìm một phương pháp hữu hiệu hơn nhưng vẫn đạt được mục đích tương tự, hoặc ít nhất là mang lại mục đích được điều chỉnh bằng quy luật tự nhiên theo chính pháp chứ không phải do một vị hoàng đế mà có.
61. REBCS tr. 46, cước chú.
Năm tiếp theo (242 TTL) được cho là năm ban hành một loạt sắc lệnh chung khác62 (nhưng thường được kể như chỉ dụ số 7 trong loạt sắc lệnh ở trước), hiện tại được biết đây là loạt sắc lệnh cuối cùng, tuy nhiên cho đến nay đã phát hiện thêm một trụ đá được liệt vào loạt sắc lệnh đầu tiên. Trước hết trong loạt sắc lệnh này, vua Aśoka nói rằng những vị vua trước đây đã mong muốn truyền bá chính pháp nhưng không được như thế. Làm thế nào để có thể giúp chính pháp ‘hưng thịnh’ (abhiudnam), nhà vua đã nghĩ rằng bằng cách tụng đọc chính pháp giúp người khác có thể nghe hiểu và có nhiều cách khác để truyền bá rộng rãi giáo nghĩa của chính pháp. Nhà vua còn cho dựng những trụ đá khắc các bài pháp và phân công những đại thần chuyên môn tuyên truyền chính pháp. Trong sắc lệnh thứ hai, nhà vua nói rằng ông đã trồng nhiều cây bồ-đề dọc đường để che mát cho các loài động vật và con người, đồng thời lập những khu vườn trồng xoài. Ông ta đã cho xây giếng (hay bể chứa nước) cách nhau nửa krośas (khoảng hơn nửa dặm) và những trạm dừng chân (?). Giếng (hay thông thường là bể đựng nước uống) được xây dựng khắp nơi để thuận tiện (tiện lợi) cho động vật và người sử dụng. Nhưng nghĩa tiện lợi ở đây ‘nhẹ nhàng’, vì những vị vua trước đây và bản thân ông ta đã áp dụng nhiều cách làm cho thế giới hạnh phúc trên con đường đi tới hạnh phúc. Ông ta đã làm những điều này vì họ (dân chúng) sẽ thực hành tu tập theo chính pháp (tức có lẽ để cung cấp điều kiện vật chất, ông ta hy vọng sự phụng hành đối với chính pháp qua việc làm cụ thể). Trong sắc lệnh thứ ba, nhà vua nói về những vị đại thần sứ giả của chính pháp, những người được những tín đồ tại gia cũng như xuất gia của tất cả các giáo phái tin tưởng. Ông ta đã ra lệnh họ ủng hộ cộng đồng (Tăng-già Phật giáo), làm lợi ích cho các Bà-la-môn, đạo sĩ phái Chính mạng luận và Kỳ-na giáo, cùng với nhiều giáo phái khác (ở đây chúng ta thấy rằng đối với vua Aśoka, bốn giáo phái này là những giáo phái chính, có lẽ cũng theo thứ tự quan trọng của các giáo phái; thật sự những tôn giáo có tên trong các văn bia này về sau rất thịnh hành). Mỗi giáo phái đều bố trí sứ giả của triều đình. Các vị sứ giả và quan chức khác có nhiệm vụ phân phối những món quà của nhà vua cho mọi người, còn hoàng phi và hoàng tử được khuyến khích bố thí và tu tập thực hành theo chính pháp, như vậy mọi người phải tu tập nâng cao từ bi, rộng lượng, chân thành, thanh tịnh, ôn hòa và thiện lương.
62. Bloch tr. 168 trở xuống.
Tiếp đến vua Aśoka nói rằng ông ta đã thực hiện nhiều việc tốt vì người dân, giúp họ thực hành theo chính pháp (theo gương của vua?), làm đúng theo chính pháp và như vậy càng cố gắng thực hành: Vâng lời cha mẹ, thành tâm lắng nghe những bậc trưởng lão, làm theo việc làm của người lớn tuổi, đồng lòng (nhất trí) với những vị Bà-la-môn, Sa-môn, giúp đỡ người nghèo khổ, người bất hạnh (người sức yếu), chăm sóc nô lệ và người làm thuê. Cuối cùng, chỉ có hai cách để truyền bá chính pháp cho mọi người: Đó là hành trì theo giới luật của chính pháp và khuyến hóa (nidhyāpti) (ý tưởng này giúp cho mọi người tự đánh giá hành vi của họ). Nhưng liên quan đến hai mặt này thì sự hành trì theo giới luật thì khá ‘nhẹ’, khuyến hóa mạnh hơn. Nhà vua đã đưa ra nhiều nguyên tắc của pháp, chẳng hạn như không được sát hại động vật, nhưng khuyến hóa (thuyết phục) thì mạnh hơn những nguyên tắc của cá nhân, không làm hại (avihiṃsā) đối với hết thảy chúng sinh, không giết hại mạng sống của hết thảy chúng sinh. Nhà vua nhấn mạnh rằng ông đã làm như thế, do đó các hoàng tử và cháu chắt về sau phải thực hành theo một cách bền bỉ như sự tồn tại Mặt trời và Mặt trăng… và những kinh văn được khắc lên các trụ đá hay bia đá cho dựng khắp nơi để chính pháp có thể trường tồn.