Chúng ta đã khảo sát qua tất cả văn bản của Thượng tọa bộ ở trên, những văn bản này hầu hết được viết ở Ấn Độ, có thể là Avanti (có một ít chứng cứ cụ thể, hiện tại đây là tình huống rất có khả năng; Avanti và Daśārṇa và có lẽ Thượng tọa bộ nguyên thủy còn có trung tâm hoằng pháp ở Kauśāmbī thuộc nước Vasta, là địa hạt chính của trường phái này ở giai đoạn biên soạn những văn bản này; chúng ta xác nhận hoạt động biên soạn này về sau ở Tích Lan, cho thấy một diện mạo mới của sự phát triển học thuyết). Do Ba tạng giáo lý được truyền xuống Tích Lan sau thế kỷ III TTL (có lẽ từng bộ phận, vì những vị tỷ-kheo định cư ở quốc đảo này đã biết nhiều phần của Ba tạng giáo lý và tiếp tục truyền lại những gì họ đã biết cho đồ chúng của họ), những văn bản mới hơn dần dần được sưu tập vào đó.
Trung tâm hoằng pháp của Thượng tọa bộ ở Tích Lan là Chùa Lớn (Great Vihāra, ngoại ô của thủ đô Anurādhapura, được thành lập năm 256 TTL28 ở triều đại vua Devānāmpriya Tiṣya. Vị vua này cho xây dựng nhiều chùa, tháp quanh thủ đô của mình và Phật giáo đã đi vào ổn định.29 Đáng tiếc Phật giáo ở đây vẫn chưa thể truyền bá tác phẩm này một cách đầy đủ trong lịch sử của Tích Lan. Một triều đại quan trọng kế thừa ở Tích Lan là vua Duṭṭhagāmaṇi (104-80 TTL?), được tôn vinh là anh hùng của nước này vì những chiến công vang dội chống lại quân Tamils (kẻ xâm lược quốc đảo này). Tuy nhiên, đối với Phật giáo, cuộc chiến này là vô nghĩa, bởi vì chúng ta được biết rằng cả hai phía đều là tín đồ Phật giáo. Sau chiến thắng này, vua Duṭṭhagāmaṇi đã phát tâm đại trùng tu những cơ sở của Phật giáo, bao gồm chín tầng tháp bằng đồng ở Chùa Lớn để phục vụ tổ chức lễ bố-tát và một ngôi bảo tháp đồ sộ (tôn trí xá-lợi của đức Phật). Giữa thế kỷ I TTL, Tích Lan đi vào giai đoạn loạn lạc. Một cuộc biến động lật đổ triều đại vua Vaṭṭagāmaṇi, cùng lúc đó quân Tamil tấn công từ phía Nam Ấn Độ, kéo theo những tháng năm loạn lạc và nạn đói hoành hành. Nhiều tỷ-kheo cùng với tín đồ Phật giáo chết vì đói, nếu người dân không tự nuôi sống chính mình thì làm sao họ có thể giúp đỡ Tăng chúng? Chỉ còn cách thoát ly khỏi đất nước hoang phế này. Thế là nhiều vị tỷ-kheo lần lượt đi về phía Ấn Độ và ở đó họ có thể sống chung với những cộng động Tăng-già của những đất nước khá giả hơn.
28. Năm đăng quang thứ 12 của vua Aśoka: Eggermont, Chronology, tr. 51 trở xuống.
29. Mahāvaṃsa (Đại sử) XX, thi kệ, tr. 17 trở xuống.
Mười bốn năm sau, vua Vaṭṭagāmaṇi phục hồi vương vị và đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi (năm 32 TTL?). Đất nước dần ổn định, những vị tỷ-kheo từ nước ngoài trở về và xây dựng lại Phật giáo cùng với những vị tỷ-kheo sống sót nhờ lánh về những vùng núi cao hẻo lánh ở Tích Lan. Nhà vua đã cho xây dựng những ngôi chùa mới, nhưng chỉ xác nhận được chùa Abhayagiri (có từ năm 28 TTL?), ngay lập tức trở thành một trung tâm phân chia bộ phái. Nhà vua đã phát tâm cúng dường chùa này cho một vị tỷ-kheo thân quen mà nhà vua thường ân sủng, thay vì cúng dường cho Tăng-già. Khi sự hòa giải không thành giữa giáo đoàn Chùa Lớn và giáo đoàn mới thành lập dưới sự ủng hộ của nhà vua thì Tăng đoàn chùa Abhayagiri chính thức bị khai trừ khỏi cộng đồng Thượng tọa bộ, sau đó hai chùa trở thành hai bộ phái riêng biệt (tình trạng này diễn ra suốt 12 thế kỷ, cuối cùng họ sáp nhập lại với nhau). Bị tác động bởi lần phân chia cuối cùng này, kết quả Thượng tọa bộ mất đi sự ủng hộ của nhà vua, những vị tỷ-kheo của trường phái này đã thấy được sự tồn tại tạm thời của truyền thống và Ba tạng giáo lý của họ như thế nào. Những kinh điển này vẫn dựa vào sự truyền thừa bằng ghi nhớ và sau giai đoạn đói kém loạn lạc đó đã phát hiện chỉ còn duy nhất một vị tỷ-kheo nhớ được một bản kinh trong Ba tạng giáo lý thuộc Tiểu A-hàm (tức kinh Niddesa). Ngay lập tức, họ đưa học trò đến học hỏi vị tỷ-kheo đó, nhưng những vị học trò này đều bảo đã thuộc lòng bản kinh này. Không nghi ngờ gì, một bản kinh bị thất lạc ở Tích Lan thì lúc này có thể tìm thấy một bộ kinh khác thay thế từ Ấn Độ, nhưng cho dù thế nào cộng đồng Tăng-già ở Tích Lan đều muốn bảo đảm truyền thống của họ. Ở chùa Āloka cách xa sự phân chia ở thủ đô, họ vẫn bắt tay làm việc (khoảng năm 20 TTL) dưới sự hỗ trợ tư liệu của người địa phương, biên tập lại văn học của họ trên lá cọ. Họ đã viết lại Ba tạng giáo lý bằng tiếng Pali và như chúng ta biết, những bộ sớ giải này được viết bằng tiếng Tích Lan lúc đó (chúng ta sẽ bàn thảo nhiều hơn về những bộ sớ giải này ở phần sau). Điều này khiến thỉnh thoảng chúng ta gọi là Đại hội kết tập Ba tạng giáo lý lần thứ tư.
Từ đây kể về sau, Thượng tọa bộ đôi khi được các vị vua ở Tích Lan ân sủng, song có lúc bị thất sủng, nhưng nói chung họ rất hưng thịnh, phát triển về mặt học thuật và trước tác, lúc bấy giờ đi vào một giai đoạn mới. Những người theo Vô úy sơn bộ (Abhayagirivāda) đã đi theo con đường này, cho thấy ít bảo thủ và ít chính thống, tiếp nhận những tư tưởng phát triển (Đại thừa), vì thế đi lệch giáo lý của Thượng tọa bộ.