Cuối đời Tây Tấn, phương Bắc Trung Quốc có rợ Hung Nô, rợ Tiên Ty, rợ Yết, và phương Tây có rợ Chi, rợ Khương, ở các vùng tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Cam Túc hiện nay. Các dân tộc này, dần dần lan tràn tới miền đất cát phì nhiêu của Trung Quốc, thừa dịp nội loạn cuối đời Tây Tấn, họ liền tràn xuống miền Nam. Trong số đó có Lưu Thông con Lưu Uyên vua nước Hán (Tiền Triệu), thuộc dân tộc Hung Nô, liền diệt nhà Tây Tấn, và lập nên quốc gia của dân tộc họ. Sau có Tư Mã Duệ, dòng dõi nhà Tây Tấn, lui về phía Nam, chiếm giữ dải đất trung nguyên vùng Giang Nam, tự xưng vua, đóng đô ở thành Kiến Khang (317) và lập ra nhà Đông Tấn.
Ở vùng Giang Bắc, từ sau nhà Tiền Triệu, các dân tộc Ngũ Hồ nổi lên tranh cướp đất đai lẫn nhau, rồi phân chia thành 16 nước, trong lịch sử gọi là thời đại “16 nước thuộc Ngũ Hồ”. Sau đó, nhà Đông Tấn ở phương Nam bị nhà Tống tiêu diệt (420); 16 nước Ngũ Hồ ở phương Bắc bị nhà Bắc Ngụy thống nhất (439). Khoảng thời gian hơn 100 năm này, trong lịch sử gọi là “Thời đại Đông Tấn”, hoặc cũng gọi là “Thời đại 16 nước Ngũ Hồ”.
Trong thời đại Đông Tấn, Phật giáo được phát triển trên cả hai phương diện hình thức tín ngưỡng và tư tưởng giáo học. Vì thời kỳ này có nhiều bậc Phạm tăng từ Tây phương tới, lại có rất nhiều bậc cao tăng của Trung Quốc xuất hiện. Các nước thuộc Ngũ Hồ ở phương Bắc có các vua chúa đều nhiệt tâm ủng hộ Phật giáo, lại có các cao tăng như Phật Đồ Trừng, Đạo An, Cưu Ma La Thập đều là những bậc Thánh tăng đương thời. Phật giáo nhà Đông Tấn phương Nam, có Ngài Tuệ Viễn và Giác Hiền lấy Lư Sơn và chùa Đạo Tràng làm trung tâm truyền bá Phật giáo. Vì vậy nên Phật giáo ở các nước Ngũ Hồ phương Bắc, cũng như Phật giáo nhà Đông Tấn phương Nam đều phát triển mạnh mẽ.