Ngũ Hồ là năm dân tộc Hung Nô, Tiên Ty, Yết, Chi và Khương. Năm dân tộc này đều thiết lập những quốc gia khác nhau, ngày càng nhiều, gồm tất cả 16 nước. Tức là Nhị Triệu (Tiền Triệu, Hậu Triệu); Tam Tần (Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Tần); Tứ Yến (Tiền Yến, Hậu Yến, Nam Yến, Bắc Yến); Ngũ Lương (Tiền Lương, Hậu Lương, Tây Lương, Nam Lương, Bắc Lương), nước Hạ và nước Thành. Trong 16 nước thì Tiền Lương, Tây Lương và Bắc Yến thuộc dân tộc người Hán. 16 nước này chia cắt đất đai ở vùng Giang Bắc để cai trị trong khoảng thời gian 130 năm. Về niên đại kiến quốc, diệt vong và người dựng nước theo biểu đồ sau:
Trong các nước thuộc biểu đồ trên, chỉ có Hậu Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần và Bắc Lương là Phật giáo được thịnh đạt hơn cả.
1. Phật giáo nhà Hậu Triệu
Hậu Triệu là một nước lớn ở Trung Quốc. Vua nước này là Thạch Lặc và con là Thạch Hổ, lúc đầu tính cách rất hung ác, sau nhờ sự giáo hóa của Ngài Phật Đồ Trừng nên đã biết hối cải tin theo Phật giáo.
Phật Đồ Trừng (Buddhasimha) (232 - 348). Ngài người Tây Vực, truyền bá Phật giáo ở nước Quy Tư, một vĩ nhân của Phật giáo đương thời. Vì mục đích truyền bá đạo Phật ở phương Đông, nên Ngài đã tới thành Lạc Dương từ niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ tư (310) đời vua Hoài Đế Tây Tấn. Tới nhà Hậu Triệu, sau khi Ngài hóa đạo cho Thạch Lặc và Thạch Hổ, nên được hai ông rất tôn kính trọng vọng, Ngài tận lực trong nhiệm vụ truyền bá Phật giáo, tới niên hiệu Kiến Võ năm thứ 14 (348) nhà Hậu Triệu thì tịch, thọ 117 tuổi.
Trong công việc truyền đạo, Ngài không đi theo con đường phiên dịch và trước tác kinh điển, mà suốt đời chỉ lấy đức độ để cảm hóa con người. Tương truyền Ngài tụng trì thần chú rất linh nghiệm. Bộ Cao Tăng Truyện chép: “Mỗi khi Ngài tụng thần chú, có thể sai khiến được quỷ thần, nếu lấy dầu vừng bôi vào lòng bàn tay, Ngài có thể biết được những công việc xảy ra ngoài ngàn dặm”. Vì có phép lạ như vậy, nên Ngài hóa độ những dân tộc man rợ rất dễ dàng. Thạch Lặc thường tôn Ngài là “Đại Hòa thượng”; Thạch Hổ tôn Ngài là bậc “Hòa thượng quốc chi đại bảo”, vị Hòa thượng quý báu nhất trong nước. Ngài có đức độ cao rộng, lại nghiêm trì giới luật nên đồ chúng theo Ngài tu học tới hơn 200 người. Trong số học đồ có Ngài Đạo An, Pháp Hòa, Trúc Pháp Nhã, Pháp Thủ v.v., là những bậc anh tuấn hơn. Trong thời gian đi hoằng hóa, Ngài còn dựng được tất cả 893 ngôi chùa ở các quận, huyện để phổ biến Phật giáo cho dân gian. Theo Cao Tăng Truyện thì hệ thống đệ tử và pháp tôn của Ngài như biểu đồ sau:
2. Phật giáo nhà Tiền Tần
Trong 16 nước phương Bắc, Tiền Tần là nước mạnh nhất. Vua nước này là Phù Kiên, thống lĩnh 10 vạn quân thôn tính nhà Đông Tấn phương Nam. Nhưng sau một trận đại bại ở Phì Thủy, vua trở thành một đại đàn việt của Phật giáo. Phật giáo được hưng thịnh ở nhà Tiền Tần là do công huân của Ngài Đạo An, đệ tử Ngài Phật Đồ Trừng.
Đạo An (312 - 385): Ngài người Thường Sơn (tỉnh Hà Bắc) xuất gia lúc 12 tuổi, bản tính thông minh, nhưng hình tướng rất xấu, nên không được thầy yêu, phải làm công việc đồng áng nặng nhọc trong ba năm trời. Sau khi thụ giới cụ túc, Ngài mới được du phương học đạo. Khi tới chùa Nghiệp Trung, gặp Ngài Phật Đồ Trừng, Ngài xin nhập môn theo học. Trong chúng thấy tướng Ngài xấu xí, đem lòng khinh thị. Ngài Phật Đồ Trừng biết vậy liền nói: “Người này có kiến thức cao vời, các ông không thể sánh kịp”. Sau quả nhiên Ngài là người xuất chúng. Trong khi thầy giảng đạo, Ngài lại đem giảng lại cho đại chúng nghe.
Trong lúc nhà Hậu Triệu có nội loạn, học đồ phải giải tán đi khắp ngả, nên Ngài lánh nạn về phương Nam. Khi đi đến giữa đường, gặp bạn đồng học là Trúc Pháp Thải, Đàm Nhất, Đàm Nhị, cả thảy hơn 40 người đi về thành Kiến Khang nhà Đông Tấn; Pháp Hòa đi về phía nước Thục; còn Ngài và đệ tử là Tuệ Viễn cùng hơn 500 người đi tới Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc) và trụ trì tại chùa Đàn Khê. Tại đây, học đồ bốn phương nghe tiếng kéo đến học tập rất đông. Đương thời có danh sĩ là Tập Tạc Xỉ biết tiếng, cũng tới giao du với Ngài. Khi Tập Tạc Xỉ mới gặp Ngài, có ý tự khoe mình liền nói: “Tứ hải Tập Tạc Xỉ”, nghĩa là Tập Tạc Xỉ, người của bốn biển. Ngài Đạo An cũng có ý tự phụ mà đáp lại rằng: “Di thiên Thích Đạo An”, Thích Đạo An, người của cả gầm trời, đương thời cho đây là câu đối đáp nổi tiếng. (Theo Xuất Tam Tạng Ký tập)
Sau Phù Kiên nghe biết tiếng, muốn đón Ngài về nước làm phụ chính, liền đem 10 vạn quân tiến đánh Tương Dương, đón được Ngài Đạo An và Tập Tạc Xỉ về Tràng An, Phù Kiên khi thấy Ngài Đạo An liền cười mà nói: “Trẫm cất 10 vạn quân đánh Tương Dương, chỉ được một người rưỡi, ân công là một người, Tập Tạc Xỉ là nửa người”. Như vậy đủ biết Ngài là một nhân vật quan trọng đến nhường nào. Từ khi Ngài còn ở Tương Dương 15 năm, cho tới thời gian Ngài ở Tràng An, học đồ của Ngài có hàng ngàn người. Suốt đời Ngài chỉ tận tụy với việc hoằng dương Phật pháp. Ngài thị tịch vào niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ 21 (385) nhà Tiền Tần, thọ 72 tuổi.
Về công việc hoằng dương Phật giáo của Ngài, việc đáng chú ý nhất là công trình Kinh Điển Mục Lục, để chỉnh lý lại những kinh điển đã dịch từ ngày Phật giáo mới truyền vào, cho đến hiện đời Ngài. Bộ này rất có giá trị về phương diện nghiên cứu cho hậu thế. Đáng tiếc, bộ này hiện giờ không còn, nhưng Ngài Tăng Hựu đời Lương, đã căn cứ vào bộ Đạo An Lục”, mà soạn ra bộ Xuất Tam Tạng Ký Tập, nên cũng biết được toàn thể nội dung của bộ đó.
Đương thời, Ngài còn giúp cho công việc phiên dịch kinh điển ở Tràng An, do các vị Phạm Tăng phiên dịch. Đồng thời Ngài còn giảng nghĩa kinh Phóng Quang Bát Nhã, những đoạn nghĩa lý khó hiểu, Ngài đều chú thích, và còn giải thích nhiều kinh điển khác, gồm tất cả là 22 bộ. Ngoài ra, Ngài còn định ra tăng chế, để làm quy luật cho Tăng chúng, căn cứ vào ba việc, một là pháp “Hành hương, Định tọa”, hai là pháp “Sáu thời hành đạo”, ba là pháp “Bố tát, Sám hối”; và Ngài lấy họ “Thích” để làm tên họ cho người xuất gia, nên họ Thích bắt đầu có từ đời Ngài. Vì từ trước tới nay, những người đi xuất gia, đều lấy họ của thầy, hoặc lấy tên nước đã sinh làm tên họ. Thí dụ, họ “Khương” là người nước Khang Cư, “Chi” là người nước Đại Nhục Chi, “An” là người nước An Tức, “Trúc” là người nước Thiên Trúc v.v. Vì tên thầy Ngài là Trúc Phật Đồ Trừng, nên Ngài cũng có tên là Trúc Đạo An. Nhưng sau Ngài cho rằng những người đi xuất gia đều lấy đấng Thích Tôn làm gốc, nên đều gọi là Thích, vì thế Ngài có tên Thích Đạo An.
Đời nhà Tiền Tần cũng có nhiều vị Tăng từ Tây phương tới chuyên việc phiên dịch kinh điển như, Ngài Tăng Già Bạt Trừng (Sanghabhuti) người nước Kế Tân (Kashmir), Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva) cũng người nước Kế Tân; Đàm Ma Nan Đề (Dharmamandi), Đàm Ma Tỳ (Dharmapriya) người Tây Trúc; Đàm Ma Trì (Dharmakh) người Tây Vực, Tăng Già La Xoa (Sanghalakshas), Cưu Ma La Phật Đề (Kumarabuddhi) người Tây Vực; Trúc Phật Niệm người Lương Châu (tỉnh Cam Túc) v.v. Các vị kể trên đều là những nhà học giả của Tiểu thừa A Tỳ Đàm, nên các kinh điển đã dịch đều là kinh điển Tiểu thừa. Ngài Đàm Ma Nan Đề dịch bộ Kinh Tăng Nhất A Hàm và Kinh Trung A Hàm, sau Ngài Tăng Già La Xoa và Tăng Già Đề Bà lại dịch lại. Ngài Tăng Già Đề Bà còn dịch các bộ như Bát Kiền Độ Luận, A Tỳ Đàm Luận, Tam Pháp Độ Luận, Ngài Đàm Ma Trì và Trúc Phật Niệm dịch các bộ Thập Tụng Tỳ Kheo giới bản” và Tỳ Kheo Ni đại giới. Như vậy đời nhà Tiền Tần, các kinh, luật, luận của Tiểu thừa hầu hết đã được dịch ra chữ Hán.
3. Phật giáo nhà Hậu Tần
Phật giáo nhà Hậu Tần thịnh hành hơn Tiền Tần. Đặc biệt các đời vua Hậu Tần là Diêu Trành, Diêu Hưng đều nhiệt thành tín theo Phật giáo mà Phù Kiên không thể sánh kịp. Phù Kiên chỉ là dựa vào Phật giáo để nhằm mục đích trị thế, nhưng các vua đời Hậu Tần không những chỉ tín ngưỡng, mà còn nhiệt tâm nghiên cứu Phật giáo. Người đại biểu hoạt động truyền bá Phật giáo ở đời Hậu Tần là Ngài Cưu Ma La Thập.
Cưu Ma La Thập (Kumarajiva, 344 - 413): Ngài người nước Quy Tư (Kucha), lên bảy tuổi đi xuất gia. Ngài theo mẹ qua nước Kế Tân (Kashmir), và chu du khắp các nước ở Tây Vực để tham học Phật giáo. Bước đầu Ngài theo học về Tiểu thừa, sau theo Đại thừa. Khi mới 11 tuổi, đối luận cùng với các ngoại đạo, Ngài không thua kém một ai, nên đời gọi Ngài là thần đồng. Tới 20 tuổi Ngài trở về Quy Tư, thọ đại giới. Thanh danh của Ngài truyền tới Trung Quốc, vua Phù Kiên nhà Tiền Tần nghe biết, liền sai tướng Lã Quang đem quân tiến đánh Quy Tư vào giữa năm thứ 19 niên hiệu Kiến Nguyên (383), và bảo Lã Quang rằng “Trẫm nghe có Cưu Ma La Thập, hiểu sâu nghĩa pháp tướng, lại khéo biết lẽ âm dương, trẫm muốn học hỏi tông chỉ đó, vậy ngươi phải tới đánh Quy Tư để rước La Thập về” (theo Xuất Tam Tạng Ký Tập). Lã Quang vâng lệnh tiến đánh Quy Tư, và đón được Ngài La Thập, nhưng khi về tới nửa đường, được tin nhà Tiền Tần đã mất, Hậu Tần lên thay thế, Lã Quang liền đưa Ngài về Cô Tàng (tỉnh Cam Túc), và tự lập một nước riêng gọi là Hậu Lương, đóng đô ở Cô Tàng (386).
Ngài La Thập ở Cô Tàng 15 năm, sau Diêu Hưng vua nhà Hậu Tần, sai tướng là Diêu Thạc Đức đem quân đánh Hậu Lương, rước được Ngài La Thập về Tràng An, giữa niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ 3 (401) đời Hậu Tần. Sau khi tới Tràng An thì Ngài Đạo An đã mất trước đó 16 năm, và đương thời Ngài Tuệ Viễn hùng cứ ở Lư Sơn phương Nam. Diêu Hưng sau khi đón được Ngài La Thập về, ông rất trọng đãi Ngài, và tôn Ngài là bậc “Quốc sư”, ban cho Ngài gác Tây Minh và vườn Tiêu Dao để làm nơi phiên dịch kinh điển. Ngài ở Tràng An trong khoảng 12 năm trời, chuyên về công việc phiên dịch, tới niên hiệu Hoằng Thủy thứ 13 (413) thì mất, thọ 70 tuổi.
Sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Ngài La Thập cũng như Ngài Huyền Trang đời Đường, là hai bậc Thánh Tăng dịch kinh bất hủ của lịch sử Phật giáo. Theo Xuất Tam Tạng Ký Tập, Ngài dịch được tất cả 32 bộ, hơn 300 quyển, theo Lịch Đại Tam Bảo Kỷ có 97 bộ, 425 quyển, theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục có 74 bộ, 384 quyển. Kinh điển Ngài đã phiên dịch hầu hết là kinh điển Đại thừa, trong đó có những bộ chính như sau:
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh 27 quyển
Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh 10 quyển
Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh 1 quyển
Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Kinh 2 quyển
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Thần Chú Kinh 1 quyển
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh 7 quyển
Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh 3 quyển
A Di Đà Kinh 1 quyển
Tọa Thiền Tam Muội Kinh 3 quyển
Di Lặc Thành Phật Kinh 1 quyển
Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh 3 quyển
Phạm Võng Kinh 2 quyển
Đại Trang Nghiêm Kinh Luận 15 quyển
Đại Trí Độ Luận 100 quyển
Trung Luận 4 quyển
Thập Nhị Môn Luận 1 quyển
Bách Luận 2 quyển
Thành Thực Luận 20 quyển
Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận 14 quyển
Các bộ luận kể trên là những bộ luận Đại thừa được dịch thuật đầu tiên ở Trung Quốc. Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Di Đà, Kinh Duy Ma, là những bộ có ảnh hưởng lớn với các tông phái hậu thế. Như vậy, những kinh điển Ngài đã dịch thuật, có một địa vị thực vô cùng quan trọng.
Dịch trường của Ngài không những chuyên việc phiên dịch, mà còn là nơi để diễn giảng, thuyết pháp. Vì vậy môn đồ của Ngài thường tập trung đến mấy ngàn người. Thí dụ, trong khi phiên dịch Kinh Đại Phẩm Bát Nhã trong dịch trường có 500 người, kinh Duy Ma Cật có 1200 người, Kinh Pháp Hoa có 2000 người v.v.
Môn đồ của Ngài có tất cả hơn 3000 người, trong số đó có 80 người gọi là “Đạt Nhân”, và 4 người siêu trác hơn cả gọi là “Tứ Thánh”. Tứ Thánh là Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sinh và Đạo Dong. Ngoài ra như Tuệ Quán, Đạo Hằng, Tăng Đạo, Đàm Ảnh v.v., đều là những đại biểu hoạt động của Phật giáo đương thời. Theo Cao Tăng Truyện, pháp hệ truyền thừa của Ngài La Thập như sau:
Đạo Sinh: Ngài người Cự Lộc, tỉnh Trực Lệ, thuở nhỏ đã sẵn tính thông minh, đời gọi là thần đồng. Đạo Sinh theo Ngài Trúc Pháp Thải, đầu Phật xuất gia, sau tới Lư Sơn theo Ngài Tuệ Viễn học đạo 7 năm, sau lại nhập môn đệ Ngài La Thập, rồi lại trở về phương Nam nhà Đông Tấn, ở núi Hổ Kỳ (tỉnh Giang Tô), niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 2 (434) thì mất. Học đồ của Ngài có tới hàng trăm người. Theo Cao Tăng Truyện, Ngài đã chú thích và trước tác các bộ như Phật Tính Đương Hữu Luận, Pháp Thân Vô Sắc Luận, Đốn Ngộ Thành Phật Luận.
Về tư tưởng “Đốn ngộ thành Phật” thì sự tu hành không cần phải nương theo thứ bậc, mà có thể đốn ngộ thành Phật, nhưng vì các nhà học giả phương Nam lúc đương thời đều chủ trương về lối tu tiệm giáo, nên trong chúng ai nấy đều phản đối và tẩn xuất Ngài, nhưng sau Kinh Đại Niết Bàn trong đó có đoạn nói “Xiển đề thành Phật”, vì thế Ngài thoát được tội tẩn xuất khỏi chúng. Ngài là người hoạt động Phật giáo ở phương Nam.
Tăng Triệu: Ngài người Kinh Triệu (tỉnh Thiểm Tây), thông hiểu tư tưởng Lão Trang, nhưng không được mãn nguyện, năm 20 tuổi quyết tâm xuất gia, thờ Ngài La Thập làm thầy. Theo Cao Tăng Truyện, Ngài chú thích và trước tác những bộ Bát Nhã Vô Tri Luận, Bất Chân Không Luận, Vật Bất Thiên Luận, Niết Bàn Vô Danh Luận, Chú Ma Cật v.v. Ngài là người hoạt động Phật giáo ở phương Bắc.
Đạo Dong: Ngài người Cấp Quận (tỉnh Hà Nam), 12 tuổi đi xuất gia, thờ Ngài La Thập làm thầy, học rộng, nhớ lâu và thường giúp đỡ thầy trong công việc phiên dịch kinh điển. Sau Ngài tới Bành Thành (tỉnh Giang Tô), mở trường dạy học, môn đồ có hơn 300 người, tới 70 tuổi thì mất. Ngài có chú sớ các bộ Pháp Hoa, Kim Quang Minh, Thập Địa, Duy Ma. Ngài là người hoạt động Phật giáo ở phương Nam.
Tăng Duệ: Ngài người Ngụy Quận (tỉnh Hà Nam), 18 tuổi đi xuất gia, 22 tuổi đã hiểu thấu nghĩa kinh, luận, thường hay giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, sau nhập môn Ngài La Thập, giúp đỡ đắc lực cho thầy trong công việc phiên dịch. Ngài có đề tựa các bộ Đại Trí Độ Luận, Trung Luận, Đại Phẩm Bát Nhã, Tiểu Bát Nhã, Pháp Hoa, Duy Ma, Tư Ích Kinh, thị tịch hồi 67 tuổi. Ngài cũng là người hoạt động Phật giáo nhà Đông Tấn phương Nam.
Các vị Tăng từ Tây phương tới Tràng An, đương thời có Ngài Phật Đà Da Xá (Buddhayásas) dịch bộ kinh Trường A Hàm và Tứ Phần Luật; Ngài Phất Nhã Đa La (Punyatara) dịch bộ Thập Tụng Luận và Ngài Đàm Ma Da Xá (Dharmayasas) dịch bộ Xá Lợi Phất A Tỳ Đàm Luận.
4. Phật giáo nhà Bắc Lương
Bắc Lương là nước cuối cùng trong 16 nước thuộc Ngũ Hồ. Vua nước này là Mông Tốn cũng rất tin sùng Phật giáo. Vị cao tăng đại biểu ở đời này là Ngài Đàm Vô Sấm.
Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa): Ngài người Trung Thiên Trúc, tới Cô Tàng vào năm đầu niên hiệu Huyền Thủy (412) đời Bắc Lương, Mông Tốn Bắc Lương rất trọng đãi, tới niên hiệu Nghĩa Hòa năm thứ 3 thì tịch. Ngài tới Bắc Lương ở thành Cô Tàng trong khoảng thời gian 20 năm, chuyên về công việc phiên dịch và làm quân sư cho nhà vua. Những kinh điển mà Ngài đã dịch gồm có 19 bộ, 131 quyển, trong đó có những bộ chủ yếu như: Kim Quang Minh Kinh, Bi Hoa Kinh, Phương Đẳng Đại Vấn Kinh, Bồ Tát Giới Bản, Niết Bàn Kinh và Phật Sở Hành Tán.
Trong các kinh điển kể trên, bộ kinh quan trọng nhất là Kinh Niết Bàn. Bộ kinh này có 40 quyển, sau khi được truyền bá tới phương Nam, Ngài Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm, Tạ Linh Vận, lại đem sửa đổi lại thành 36 quyển. Đời sau thường gọi bản dịch của Ngài Đàm Vô Sấm là Bắc bản Niết Bàn Kinh, bản sửa lại gọi là Nam bản Niết Bàn Kinh, hai bộ này hiện còn lưu truyền. Đương thời còn có Ngài Phù Đà Bạt Ma (Buddhavarman) người Tây Vực, tới Lương Châu (tỉnh Cam Túc) dịch ra bộ A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa Luận, và Thư Cừ Kinh Thanh, em họ Mông Tốn sau khi chu du Tây Vực về cũng theo sự nghiệp phiên dịch kinh điển.
Phật giáo Đôn Hoàng: Phật giáo ở phương Bắc, còn có một di tích được chú ý, đó là “Phật giáo Đôn Hoàng” (tỉnh Cam Túc). Đôn Hoàng là kinh đô của nhà Tây Lương. Vì Đôn Hoàng là cửa ải trọng yếu giữa Tây Vực và Trung Quốc, một yếu lộ giao thông quan trọng, vì thế nên Phật giáo ở Đôn Hoàng đã sớm được phát triển, hơn nữa ở nơi này lại có nhiều danh tăng xuất hiện. Thí dụ Ngài Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn được đời gọi là Đôn Hoàng Bồ tát.
Huyện Đôn Hoàng có một động bằng đá nổi tiếng gọi là “Thiên Phật Động” ở núi Minh Sa. Động này bắt đầu khởi công xây dựng từ năm thứ 2 niên hiệu Kiến Nguyên (366) đời Tiền Tần, Lương Thiên Sư, quan Thứ sử Kiến Bình Công và Đông Dương Vương tiếp tục hoàn thành công việc vĩ đại đó. Động này cũng như động Vân Cương ở tỉnh Sơn Tây và động Long Môn ở ngoài thành Lạc Dương là những động nổi tiếng hiện nay của thế giới. Thiên Động Phật ở Đôn Hoàng, hiện có tất cả là 353 hang, trong mỗi hang có chạm trổ nhiều tượng Phật và văn hiến, cũng là những di tích quan trọng của Phật giáo, đều là những sử liệu quý giá cho việc nghiên cứu Phật giáo.
Tóm lại, Phật giáo thuộc 16 nước Ngũ Hồ, như trên đã lược thuật, một mặt thì có các đời vua ủng hộ Phật giáo, một mặt lại có nhiều bậc danh tăng xuất hiện, như các Ngài Phật Đồ Trừng, Đàm Vô Sấm, Thích Đạo An và Cưu Ma La Thập v.v., nên Phật giáo được phát triển rất mau, và quốc gia cũng nhờ đó mà hưng thịnh.