Đời nhà Minh, trong khoảng 30 năm, vì kỹ thuật ấn loát rất phát triển, nên Phật giáo đã có bốn lần khai bản san khắc Đại Tạng Kinh.
Bản Nam Tạng: Lần thứ nhất Đại Tạng Kinh được khai bản ở đời vua Thái Tổ. Bộ này gồm có 636 hòm, 6.331 quyển, vì nơi khắc ván bộ kinh này ở chùa Tưởng Sơn thuộc Nam Kinh, nên gọi là bản Nam Tạng.
Bản Bắc Tạng: Lần thứ hai khai bản ở Bắc Kinh, bắt đầu khởi công từ năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) đời vua Thái Tông, đến năm Chính Thống thứ 5 (1440) thì hoàn thành. Bản này thuộc về quan bản, quyển số cũng giống như bản Nam tạng. Bộ này chỉ đính chính lại chỗ sai của bản Nam Tạng, nên rất có giá trị trong việc tham khảo kê cứu. Bản này thường gọi là bản Bắc Tạng.
Bản Võ Lâm: Lần thứ ba, khai bản ở đất Võ Lâm. Bộ Đại Tạng này khắc theo hình thức phương sách (kinh xếp), rất tiện lợi cho việc đọc tụng, nhưng vì thất lạc đã lâu, hiện nay không còn di tích, nên không biết được tường tận. Bộ này thường gọi là bản Võ Lâm.
Bản Vạn Lịch: Lần thứ tư, bắt đầu khắc từ năm Vạn Lịch thứ 17 (1589) đời vua Thần Tông cuối đời Minh, khoảng hơn 20 năm mới hoàn thành. Bản này phổ thông gọi là “Minh Bản”, hoặc “Vạn Lịch Bản”, vì căn cứ vào nơi khắc ván, nên lại có tên là “Lăng Nghiêm Tự Bản” và “Gia Hưng Bản”. Những nhân vật đứng phát nguyện khắc bộ này là các Ngài Tử Bách Chân Khả và Hám Sơn Đức Thanh. Lúc đầu bộ Đại Tạng này được khởi công khắc ở núi Ngũ Đài, sau dời về chùa Hương Thánh Vạn Thọ Thiền ở Giang Nam, và các địa phương khác, nhưng ván kinh thì tập trung tại chùa Lăng Nghiêm ở Gia Hưng (tỉnh Chiết Giang). Bộ Đại Tạng này cũng khắc theo hình thức phương sách như bản Võ Lâm.
Sử liệu Phật giáo: Niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 45 (1617) có Ngài Như Tỉnh trụ trì chùa Từ Vân núi Thiên Thai soạn bộ Đại Minh Cao Tăng Truyện (8 quyển) để nối tiếp bộ Tống Cao Tăng Truyện của Ngài Tán Ninh, Ngài Huyễn Luân soạn bộ Thích Giám Kê Cổ Lược Lục Tập (3 quyển), để kế tiếp bộ Thích Thị Kê Cổ Lược của Giác Ngạn, ghi chép tất cả sự trạng của Phật giáo đã xảy ra từ đời vua Thế Tổ nhà Nguyên, cho đến năm Thiên Khải thứ 7 đời nhà Minh, một giai đoạn lịch sử dài hơn 360 năm. Hai bộ sách kể trên, đều là những sử liệu rất có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo.