Những kẻ hèn yếu chết cả trăm lần trước khi cái chết thực sự đến với họ. Kẻ dũng cảm chỉ nếm trải cái chết một lần trong đời
- Shakespeare (Julius Caesar) -
Sau khi đặt ra một câu hỏi khá siêu hình rằng: Vạn vật trong vũ trụ này liệu có tồn tại một bản năng chết hay không? Giờ đây chúng ta có thể tiếp tục với một thực tế tâm lí không thể hoài nghi, đấy là nỗi sợ chết trong ý thức con người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể nói về nỗi sợ chết theo nghĩa đen của từ này ở góc độ tri thức, góc độ sự hiểu biết về cái chết – nghĩa là ở tầng mức của ý thức. Và theo nghĩa này, thì một đứa trẻ vào thời điểm hình thành nỗi sợ đầu tiên chắc chắn chưa thể có nỗi sợ chết. Mặt khác, chúng ta biết rằng, đứa trẻ trải nghiệm cảm giác sợ hãi lần đầu tiên vào lúc nó được sinh ra. Đấy không phải là nỗi sợ chết, mà là nỗi sợ khi đối mặt với cuộc sống. Do đó, bằng một cách nào đấy, nỗi sợ dường như bị ràng buộc với quá trình sống thuần túy về mặt sinh học, và sau đấy nó mới tiếp nhận tri thức về cái chết. Phải chăng, nỗi sợ chết thường xuyên gia tăng thành một nỗi sợ rất tâm thần về việc chết hoặc bị chết này chỉ là sự hợp lí hóa một nỗi sợ bản nguyên hơn của con người? Chúng ta sẽ bàn luận chi tiết sau đây.
NỖI SỢ NỘI TÂM: NỖI SỢ BẢN NGUYÊN TRONG CON NGƯỜI
Dù thế nào chăng nữa, tôi chắc chắn nỗi sợ bản nguyên kia không phải là nỗi sợ thiến hoạn như lí thuyết phân tâm đã nói đến. Bởi nỗi sợ thiến hoạn này đã hàm chứa trong nó một mức phát triển ý thức nhất định, do đó chúng ta không thể áp giả định này cho trẻ sơ sinh. Hơn nữa tôi cho rằng, so với tính khiên cưỡng của nỗi sợ thiến hoạn, thì nỗi sợ hãi khi chào đời đã trở thành một chấn thương nằm trong máu huyết và lịch sử của mỗi cá nhân, đấy là điều dường như là không thể phủ nhận. Trong The Trauma of Birth (Chấn thương sinh nở, 1923), tôi quan tâm trước hết đến những nỗi sợ của trẻ sơ sinh, mà đã không nhìn nhận đầy đủ về nỗi sợ chết, bởi nó xuất hiện trong ý thức về sau, cho dù nó có thể xuất hiện sớm một cách đáng kinh ngạc khi người ta ấu thơ. Mặt khác tôi thừa nhận rằng vào thời điểm đó, tôi vẫn chưa vượt ra ngoài biểu tượng về sự khai sinh, tại đây tôi xem xét cái chết theo hướng trị liệu. Chẳng hạn, khi Schilder hoài nghi về sự tồn tại một bản năng chết và đặt ra câu hỏi rằng: “Xung năng chết phải chăng không phải là vỏ bọc cho những nỗ lực luyến ái, mà là mong muốn được tái sinh”65, thì chắc trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những ca rối loạn thần kinh hay tâm thần, không có lập luận nào chống lại bản năng chết. Cũng như tất cả những vỏ bọc luyến ái hay bạo dâm của nó, Freud cho rằng nguyên lí khoái lạc là một trường hợp đặc biệt của bản năng chết. Schopenhauer đã nhìn thấy rất rõ lớp vỏ ngụy trang này khi ông phát biểu trong Metaphysics of Sex Love về tính ưu việt của khoái lạc, bởi cái khoái lạc này mà thiên nhiên đã dụ dỗ con người trở thành “vật phẩm” dâng hiến mình trong hoạt động tính dục.
65 P. Schilder, Psychiatrie auf psychoanalytischer Grundlage, 1925, S. 12.
Theo tôi, người ta phải dùng vỏ bọc luyến ái để ngụy trang cho cái chết không chỉ bởi khuynh hướng tinh thần muốn phủ nhận nỗi kinh hoàng của cái chết trong con người, mà còn bởi bản chất đối cực của chính những quá trình sống. Theo hướng này, chúng ta sẽ hiểu được tại sao phức cảm chết xuất hiện rõ ràng hơn rất nhiều trong tôn giáo, thần thoại và văn hóa dân gian hơn là ở mỗi cá nhân. Một con người thông thường rõ ràng có thể chịu đựng được ý tưởng về cái chết theo lối tư duy “bầy đàn” rằng ai rồi cũng phải chết thôi. Điều đấy mang đến cho con người một sự an ủi, giải tỏa kiểu như trị liệu. Tình cờ là chính tôi đã đưa ra biểu tượng về cái chết, lần đầu trong Myth of the Birth of the Hero (Thần thoại về sự ra đời của người anh hùng, 1909), sau đó rõ ràng hơn trong The Lohengrin Saga66 (1911); đồng thời trong Mythologischen Beiträgen (1912 - 1914, được thu thập đầy đủ vào năm 1919). Cuối cùng, tôi đã có một bước tiến quyết định theo hướng này bằng cuộc khảo sát “kép” trong văn học dân gian (1914), mà sau đó tôi tiếp tục với cuốn sách Psychology and the Sou67 (1930), bàn luận đến cả những chủ đề như đức tin tôn giáo vào sự bất tử, cùng những diễn giải khoa học về nó trong các lí thuyết hiện đại về tinh thần.
66 Otto Rank, Die Lohengrin Sage, Luận văn Tiến sĩ, tiếng Đức, 1911.
67 Bản tiếng Đức: Seelenglaube und Psychologie, 1930.
Về tâm lí học cá nhân, tôi chưa bao giờ bỏ quên vấn đề nỗi sợ kể từ khi tôi đề cập đến nó trong The Trauma of Birth. Dù vậy, để đạt được hiệu quả trị liệu thực tế, tôi sẽ phải xây dựng quan điểm của mình trước hết theo hướng một lí thuyết về kiến tạo ý chí. Tuy nhiên, có một điều đã trở nên rõ ràng đối với tôi, đấy là: Chứng loạn thần kinh ở mỗi cá nhân vốn trái ngược với niềm tin của tập thể về linh hồn và tư tưởng về sự bất diệt. Nghĩa là, thay vì thể hiện một mong ước ít nhiều ngây thơ về cuộc sống vĩnh cửu như trong những tư tưởng tập thể, chúng ta thấy rõ ràng ở người rối loạn thần kinh một khát khao chết – một mong ước chết vĩnh cửu. Từ việc phân tích vai trò của nhà phân tâm trong tình huống trị liệu, cuối cùng tôi đã tìm ra một cách tiếp cận lí cá nhân trực tiếp với vấn đề cái chết. Và nhà trị liệu có thể hiểu chứng rối loạn thần kinh nói chung, bao gồm cả phương pháp trị liệu, từ mặt tiêu cực này của đời sống tâm hồn con người. Theo nghĩa này, chúng ta đang đến gần hơn với vấn đề niềm tin vào linh hồn, và cuối cùng dẫn đến nỗi sợ chết trong tâm lí học: Nỗi sợ chết mang tính tâm thần trái ngược với niềm tin vào sự bất diệt của linh hồn, cụ thể là nỗi sợ chết, do đó nó cần đến một phương pháp trị liệu, một học thuyết mang tính cá nhân về niềm tin, hơn là một niềm tin chung chung.
Freud đã tiếp cận vấn đề trị liệu từ sức mạnh của sự sống (dục năng, hay ham muốn tính dục) và sau cùng đi tới bản năng chết – nói đúng hơn là vấn đề cái chết, vì nó hầu như không liên quan gì đến một “bản năng”68 cả. Như tôi đã chỉ ra trong The Trauma of Birth, chúng ta cần phải hiểu người loạn thần kinh, từ đó đi đến các vấn đề của con người từ khía cạnh nỗi sợ, chứ không phải từ bản năng. Nghĩa là, chúng ta sẽ không nhìn nhận cá nhân như một động vật bản năng để trị liệu, mà phải thấy ở góc độ tâm lí, đấy là một sinh mệnh mang nỗi thống khổ nội tâm. Khi tiếp cận từ khía cạnh bản năng, rõ ràng một loạt các vấn đề sẽ bị nhìn nhận sai lệch, hoặc được đặt định không đúng vai trò của nó. Nếu nhìn từ khía cạnh cái chết, thì chúng ta có thể tiếp cận được.
68 Thậm chí những nhà phân tâm như Bernfeld và Westerman Holstijn cũng thấy cụm từ “bản năng chết” là không phù hợp.
Một lần nữa, chúng ta lại đối mặt với nghịch lí của phân tâm học, của các hệ tư tưởng nói chung, và nghịch lí này biểu hiện rất rõ rệt đến trong những giảng dạy của trường phái Freud hiện nay. Cụ thể là, dù mang bản chất là một khoa học, nhưng định hướng trị liệu (theo nghĩa rộng nhất của từ này) của phân tâm học lại không nhắm vào sự thấu biết, mà mang tính giải tỏa, an ủi và luôn nhấn vào khía cạnh là nó giúp đáp ứng nhu cầu của con người. Nếu Freud chỉ nhấn mạnh phần bản năng nhằm mục tiêu trị liệu thôi thì cũng không thành vấn đề, nhưng về mặt lí thuyết, ông lại coi bản năng như căn nguyên của các chứng rối loạn thần kinh, không chỉ dùng nó cho mục đích chữa lành mà còn dùng để giải thích. Giống như các môn khoa học thực tiễn khác, giả định thực hành của ông là cái gì giúp ích được thì nó cũng phải là đúng. Do đó ngay từ đầu, những thuyết giảng của ông đã trực tiếp hướng tới sự giải tỏa, an ủi với tư cách một hệ tư tưởng trị liệu. Thậm chí ngay cả khi vấp phải vấn đề cái chết không thể né tránh, ông đã cố đưa ra một ý nghĩa mới cho cái chết để làm sao cho nó hài hòa với (lí thuyết) ước nguyện, bởi thế ông nói về “bản năng chết” thay vì “nỗi sợ chết”.
Trong lúc đó, bản thân nỗi sợ đã bị phân tâm học bỏ lại ở một nơi nào đó, nơi mà nó không quá đe dọa, và đối với trị liệu thì có thể trở nên dễ dàng hơn. Với lí thuyết phân tâm, việc bản năng bị dồn nén ở người rối loạn thần kinh có lẽ đã quá rõ ràng. Tương tự với nỗi sợ hãi mà từ đó sự dồn nén nảy sinh: Bởi nhìn nhận đời sống bản năng dưới góc độ tính dục, nên lí thuyết của Freud có lợi thế trị liệu kép. Một mặt biến nỗi sợ nói chung thành một nỗi sợ thuộc về tính dục (nỗi sợ thiến hoạn); mặt khác, dựa trên định đề đó là xem như có thể chữa lành nỗi sợ này bằng cách giải phóng tính dục.
Hệ tư tưởng trị liệu của phân tâm học dựa trên hai giả định:
(i) Giả định thứ nhất, con người thuần túy là bản năng và rằng nỗi sợ đến từ thế giới bên ngoài kia (do vậy mới có cái gọi là nỗi sợ thiến hoạn);
(ii) Giả định thứ hai, là sự chuyển vị nỗi sợ nói chung thành một nỗi sợ riêng lẻ nào đấy – một giải pháp trị liệu mà chúng ta sẽ bàn thêm ở chương tiếp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thuyết về nguồn gốc tính dục và nguồn gốc bên ngoài của nỗi sợ không thể đứng vững, bởi chúng ta đã khám phá ra rằng, giải phóng hay thỏa mãn tính dục không thể làm mất đi nỗi sợ mà thậm chí còn làm nó gia tăng. Bên cạnh đó chúng ta còn quan sát thấy rằng, trẻ nhỏ đã trải nghiệm nỗi sợ ngay từ khi chúng không hề có chút ý niệm nào về những đe dọa từ bên ngoài. Cá nhân đến với thế giới này bằng nỗi sợ hãi, và nỗi sợ bên trong này tồn tại độc lập với những đe dọa từ bên ngoài, bất kể đấy là dục năng hay là điều gì khác. Sở dĩ con người dễ dàng gắn nỗi sợ cho những trải nghiệm bên ngoài này bởi chúng có tác dụng trị liệu nhất thời, chúng khách thể hóa nỗi sợ nội tâm và biến nó từ nỗi sợ bên trong nói chung thành một nỗi sợ cụ thể nào đó bên ngoài. Về căn bản, cái mà con người phải chịu đựng không phải là những xung đột được tạo ra bởi các sức ép từ môi trường. Bởi thật ra người ta có thể trốn tránh nó bằng cách tiếp tục dùng đến những cách thức hợp lí hóa, hoặc tạm thời loại bỏ nó bằng những liều trị liệu phân tâm. Song chúng ta vẫn phải nhận ra là, cái mà thực ra con người phải chịu đựng chính là tình trạng lưỡng phân giữa bên trong mình và bên ngoài mình. Đấy mới là điều khiến con người thống khổ. Và dù thế nào, chúng ta cũng phải đối mặt với nó.
NỖI SỢ CHẾT HAY NỖI SỢ SỐNG: ÁP LỰC NÀO LÊN NỘI TÂM CON NGƯỜI
Nỗi sợ nội tâm mà đứa trẻ trải qua trong quá trình khai sinh (có lẽ thậm chí còn mang theo mãi sau này?) vốn đã bao gồm trong nó cả hai nhân tố: nỗi sợ sống và nỗi sợ chết. Bởi ra đời, một mặt nghĩa là kết thúc cuộc đời (kiếp trước), mặt khác là mang theo nỗi sợ hãi trước cuộc sống mới. Dù là nỗi sợ nào, thì đối với tôi, bản thân nỗi sợ trong trải nghiệm chào đời vẫn mang theo một sự chấn thương, và nó sẽ đeo đẳng số phận sau này của mỗi người. Hơn thế, với tôi, chấn thương sinh nở cũng biểu trưng cho bản chất đau khổ nguyên thủy của con người. Mà theo như phân tâm học, đau khổ này ban đầu do bởi một số tội lỗi của con người hoặc hoàn cảnh, và chúng có thể được sửa chữa lại cho đúng bằng cách trị liệu hoặc phòng ngừa (giáo dục).
Ở đây, một lần nữa lại chúng ta sẽ phải chạm tới ranh giới siêu hình trong cuộc tranh luận về những vấn đề căn bản này của con người, bất kể nó được nhìn nhận theo hướng tôn giáo hay triết học. Tôi không thấy chuyện này có vấn đề gì cả, miễn là chúng ta không cố bảo vệ một quan điểm và gạt bỏ một quan điểm khác. Tôi tin rằng, người ta không bao giờ có thể hiểu con người một cách thuần túy theo kinh nghiệm, như phân tâm học cố gắng làm. Mặt khác, tôi cũng không thỏa mãn với quan niệm siêu hình đơn thuần về con người, chừng nào nó còn nhắm vào tri thức mà không xem xét con người thuần túy như nó là. Cái nỗi sợ chào đời đấy, người ta có thể gọi một cách siêu hình là nỗi sợ chết, nó khác với nỗi sợ chết theo kiểu cảm giác thông thường trong đời sống. Người ta thấy trong nỗi sợ chào đời đấy một phần chủ yếu là cảm giác bất an vô định của mỗi con người, mà rồi sau đó chúng ta có thể gọi là nỗi sợ sống. Thật ra có thể nói đơn giản thế này, rằng trong con người có một nỗi sợ nguyên thủy, lúc này biểu hiện ra là nỗi sợ sống, khi khác thì là nỗi sợ chết.
Theo lỗi diễn giải siêu hình, Achelis gọi nỗi sợ chào đời là sự ngưng tụ đầu tiên có thể thấy được của nỗi sợ chết – đúng hơn là nỗi sợ mất đi tính cá nhân (mất đi bản sắc). Tôi có thể phản bác ý kiến này trên hai cơ sở:
• Thứ nhất, nỗi sợ mất đi cá tính (mất đi sự tồn tại về bản sắc) mới là nỗi sợ căn bản làm nền tảng cho nỗi sợ chết – vốn biểu hiện rất trực tiếp và bề mặt trong đời sống thường ngày;
• Thứ hai, tôi hoàn toàn không hiểu làm thế nào việc chào đời lại bị xem là mất mát hay sự đe dọa mất đi tính cá nhân – trong khi đúng ra, logic phải là ngược lại, rằng nỗi sợ mất mát, mất đi tính cá nhân làm nảy sinh nỗi sợ chào đời? Và điều mà Achelis nói chỉ đúng khi nhà trị liệu nhìn nhận người mẹ và đứa trẻ là một, là nhất thể – như tôi đã đề cập đến trong lí thuyết chấn thương sinh nở, và rồi xem sự chia lìa khỏi người mẹ là một vết thương đối với cái tôi. Nhưng Achelis lại không có ý như thế. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể hiểu nỗi sợ là một phản ứng đối với chấn thương chia lìa, mà từ thực tế tôi hiểu nó là nỗi sợ chào đời.
Tại điểm này, các nhà phân tâm, bao gồm cả Freud, cũng tạo ra mối kết nối giữa nỗi sợ chào đời và nỗi sợ thiến hoạn. Theo nghĩa này, cả hai nỗi sợ đấy đều là phản ứng trước việc mất đi một phần quan trọng của cái tôi. Có điều, bạn phải thấy: Nỗi sợ chào đời là nỗi sợ phổ quát hơn, mang tính vũ trụ hơn. Bởi đấy là khoảnh khắc con người mất đi kết nối với một toàn thể vĩ đại hơn, suy cho cùng, là mất đi kết nối với “tất cả”. Còn nỗi sợ thiến hoạn chỉ tượng trưng cho việc mất đi một phần quan trọng của cái tôi, nó không phải là tất cả cái tôi, không phải là toàn thể sự sống, nó chỉ là một phần thôi.
Với tôi, nỗi sợ chào đời, hay như chúng ta gọi là nỗi sợ sống, thực ra chính là nỗi sợ phải sống như một cá thể biệt lập, chứ không phải ngược lại – là sợ mất đi tính cá nhân (nỗi sợ chết). Điều đó có nghĩa là, nỗi sợ bản nguyên này tương ứng với nỗi sợ phải chia lìa khỏi cái toàn thể, là một nỗi sợ phải cá tính hóa. Do đó, tôi nên gọi nó là nỗi sợ hãi cuộc sống. Mặc dù sau này, nỗi sợ bản nguyên đấy có thể biểu hiện ra thành nỗi sợ chết – nỗi sợ phải mất đi tính cá nhân: Vì tính cá nhân là cái mà con người phải trả cái giá cực đắt đỏ mới có được, bằng cả cuộc đời. Thế nên trong quá trình sống, nó mang nỗi sợ phải một lần nữa hòa vào cái toàn thể, tan biến vào hư vô. Và thế là, giữa hai nỗi sợ đấy, giữa hai thái cực của nỗi sợ: một nỗi sợ sống và một nỗi sợ chết, suốt đời mình cá nhân bị ném qua ném lại quay quắt trong cuộc sống. Chúng ta bởi thế cũng chưa thể truy lần về một cội nguồn duy nhất của nỗi sợ, hoặc vượt qua nó bằng trị liệu.
MỘT SINH MỆNH ĐAU KHỔ: XOAY VẦN GIỮA NỖI SỢ SỐNG VÀ NỖI SỢ CHẾT
Sau khi phân định các khái niệm về nỗi sợ, tôi chuyển sang quan sát lâm sàng và trước hết muốn xác minh một thực tế là: Người rối loạn thần kinh mang theo nỗi sợ kép này lớn hơn mức bình thường rất nhiều. Từ dòng chảy cuộn xiết của hai nguồn sợ hãi này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về sự bùng nổ của chứng loạn thần kinh. Vậy là vấn đề nỗi sợ vốn đã chứa đựng trong nó một xung đột từ ban sơ, chứ không phải bắt nguồn từ sự đối lập giữa bản năng sống và bản năng chết. Chúng ta gần như đã đi đến điểm là, con người với tư cách một sinh mệnh đau khổ cự tuyệt trước một bản năng sống tích cực, họ coi những biểu hiện của bản năng sống tích cực đấy chẳng qua chỉ là không-muốn-chết69. Đối lập với bản năng sống tích cực không phải là bản năng chết, mà chính là nỗi sợ, bất kể đấy là phải chết hay muốn chết. Trong bất kì trường hợp nào, người rối loạn thần kinh đều mang đến một ấn tượng rằng anh ta là một sinh mệnh bản chất tiêu cực, liên tục cố gắng trì hoãn cái chết và tránh né cái chết. Nhưng chính những nỗ lực này chỉ thúc đẩy quá trình hủy diệt trở nên nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, bởi anh ta không thể vượt qua nó một cách sáng tạo. Mặt khác, chứng rối loạn thần kinh hiện diện như là một hành động tự ức chế bản năng sống liên tục, và đối với bất cứ biểu hiện nào của bản năng sống, cá nhân dường như cũng sẽ tự trừng phạt mình, không trước thì sau. Cả bản năng sống và bản năng chết chắc chắn đều có tồn tại, chúng tương ứng với xung đột nỗi sợ sống và nỗi sợ chết. Tuy nhiên, cả hai ấn tượng này lại được cá nhân thâu nhận tương đối muộn.
69 Giáo sư Hayes, nhà sinh học người Chicago, cho rằng sự chết đã bắt đầu ngay từ khi một sinh mệnh chào đời.
Trên tất cả, thật kì lạ là cơ chế tự trừng phạt dường như rất rõ ràng ở bệnh rối loạn thần kinh lại không thu hút được sự chú ý của nhà phân tâm học sớm hơn. Tuy vậy, bởi Freud tiếp cận chứng rối loạn thần kinh từ vấn đề dục năng – chứ không phải từ vấn đề nỗi sợ, nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi trước hết ông nhấn mạnh cảm giác khoái lạc mà bệnh nhân có được từ tình trạng của mình, nó giống như kiểu một “sự bù đắp” cho bệnh tật, và xem nỗi thống khổ như một cảm giác tệ hại không thể tránh khỏi. Do vậy, liệu pháp phân tâm khiến anh từ bỏ niềm khoái lạc có được qua bệnh tật này và mang đến viễn cảnh về một phần thưởng khoái lạc lớn hơn. Thế nên sự thỏa mãn tính dục thông thường, dù công khai thừa nhận hay ngầm ẩn, trở thành mục tiêu của trị liệu phân tâm, đấy là một quan điểm mà nhiều nhà phân tâm vẫn coi là một tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Freud coi khuynh hướng tự trừng phạt của cá nhân chỉ như là sự cản trở đối với mục tiêu thỏa mãn khoái lạc này. Ông cũng coi đấy là lực phản kháng lớn nhất của bệnh nhân trong quá trình phân tâm. Thế nên ông đã gán cho khuynh hướng tự trừng phạt ý nghĩa tệ hại đó. Chúng ta có thể thấy điều này trong lí thuyết về bản năng chết của ông.
Tuy vậy, trước khi bước vào hệ tư tưởng trị liệu, chúng ta nên khắc ghi một loại trải nghiệm nữa mà nhà trị liệu không thể hiểu được chỉ từ việc nghiên cứu chứng rối loạn thần kinh, mà chỉ khi nhà trị liệu tiếp cận vấn đề từ quá trình phát triển nhân cách sáng tạo – như tôi đã nỗ lực thực hiện, đặc biệt trong những năm gần đây. Vì vậy, tôi không chỉ nhận ra ý nghĩa kiến tạo của sự phán kháng trong cuộc phân tâm, mà còn thấy cả mặt sáng tạo của cảm giác tội lỗi. Và cùng lúc, tôi cố gắng tận dụng những biểu hiện tiêu cực này để trị liệu. Cái mà cá nhân biểu hiện ra như là động lực thôi đẩy không phải lúc nào cũng là “bản năng”, và chắc chắn không chỉ duy nhất là “bản năng”, cũng như các phản kháng không phải lúc nào cũng gây cản trở. Một số nhà phân tâm học cho rằng khuynh hướng tự trừng phạt bản thân – đóng vai trò ức chế (kiềm chế), đơn thuần chỉ là sự mua chuộc cái siêu-tôi nhằm thỏa mãn lợi ích của cái-nó (id). Song tôi lại cho rằng khuynh hướng tự trừng phạt bản thân, ngược lại, là một nguyên tắc sống phổ quát, theo đó “không hành động sáng tạo nào có thể xảy ra mà không có sự hủy diệt, và không thể hủy diệt mà không có một loại sáng tạo mới nào đó”70. Do đó khi bệnh nhân rối loạn thần kinh phải tự trừng phạt mình khắc nghiệt hơn so với một người thường rất nhiều, thì đấy không đơn giản là vì anh ta mang đến cho mình sự thỏa mãn khoái lạc này nọ, mà bởi anh ta phải dùng sự tự trừng phạt đấy để “mua chuộc” chính cuộc sống – mà theo sự thấu hiểu rất sâu sắc của Schopenhauer, chúng ta đều phải trả giá cho cuộc sống bằng cái chết.
70 Theo như tối biết, Tiến sĩ Sabina Spielrein lần đầu tiên giải thích những suy nghĩ này theo hướng phân tâm và áp dụng chúng để giải thích cho nỗi sợ cố hữu trong bản năng tính dục. Tham khảo Die Destruktion als Ursache des Werdens, In: Jahr- buch für psychoanalytische und psychopathologische Forschungen, IV, Bd., erste Hälfte. Leipzig/Wien 1912, S. 465-503.
Vậy thì người loạn thần kinh là một kẻ bị nỗi sợ hãi tột cùng kìm giữ, không thể chấp nhận sự trả giá này như một nguyên lí căn bản của cuộc sống, và thế nên anh ta tự “trả giá” theo cách của mình, hòng cứu chuộc bản thân khỏi cảm giác tội lỗi. Anh ta liên tục ước chế việc sống thông qua nỗi sợ sống, nghĩa là, anh từ chối khoản vay là cuộc sống, để khỏi phải trả nợ bằng cái chết. Vốn chỉ là một khía cạnh của bức tranh toàn cảnh, cái khuynh hướng tự trừng phạt bản thân đấy không chủ đích mang đến cho anh ta sự sống, cũng như giúp anh ta thoát khỏi cái chết. Mà anh ta tìm cách đổi lấy tự do bằng cách hủy hoại từng phần bản thân, dần dần từng chút mỗi ngày. Chiểu theo triệu chứng nỗi sợ, cảm giác tội lỗi và ức chế, thì điều này có nghĩa là bệnh nhân rối loạn thần kinh không hề nhận được cảm giác thỏa mãn tích cực nào từ mọi hành động tự trừng phạt bản thân đầy đau đớn và dằn vặt kia. Anh ta chỉ nhận được duy nhất một lợi ích, đấy là: Trốn tránh một sự trừng phạt thậm chí còn đau đớn hơn có tên là nỗi sợ chết71. Theo nghĩa này, việc kéo dài sự trừng phạt cũng đồng nghĩa là kéo dài cuộc sống: Chừng nào anh ta còn tự trừng phạt mình, còn cảm nhận được những nỗi đau đớn thống khổ, nghĩa là chừng đó anh ta còn sống.
71 Quan niệm phổ quát và cổ xưa coi cái chết là một sự trừng phạt mà tôi đã cố giải thích trong Seelenglaube und Psychologie xuất phát từ ham muốn bất tử của con người.
Thái độ rối loạn thần kinh này của cá nhân đối với vấn đề cái chết, suy cho cùng, chỉ có thể hiểu được từ góc độ Tâm lí học Ý chí, rằng: Cái chết có thể như một biểu tượng nguyên gốc của sự cưỡng ép “bắt buộc” từ bên ngoài. Vậy nên con người tìm cách chế ngự cái chết cũng chính là bắt nó phải phục tùng ý chí của anh ta, và dưới sự điều khiển của riêng mình, anh chuyển hóa hình phạt cái chết vốn dành cho cuộc sống nói chung trở thành một sự trừng phạt suốt đời mà anh ta tự mang lấy vào mình. Ý tưởng cổ xưa về sự hi sinh hay sự hiến tế có lẽ cũng mang ý nghĩa này, rằng: Một người có thể thoát sự khỏi trừng phạt kinh khủng nhất bằng cách tự nguyện chấp nhận một hình phạt nhẹ nhàng hơn. Đấy là góc nhìn tổng quát mà từ đó tôi tiếp cận hòng thấu hiểu khuynh hướng tự trừng phạt của con người. Đối với người loạn thần kinh mà nói, góc nhìn này không chỉ giúp thấu hiểu sâu sắc triệu chứng trong từng ca cụ thể, mà còn giúp thấu hiểu toàn diện về chứng loạn thần kinh nói chung. Nó cho thấy đấy là một nỗ lực của cá nhân hòng thoát khỏi nỗi sợ chết – kẻ thù truyền kiếp của nhân loại. Bởi nỗi sợ chết đấy vốn không còn có thể chữa lành bằng những phương pháp mang tính tập thể như thời trước được nữa.
Sẽ rất hấp dẫn nếu dựng lên một lí thuyết về các chứng rối loạn thần kinh trên cơ sở nỗi sợ chết và chỉ ra làm thế nào mà những triệu chứng cụ thể có thể được hiểu như một biểu hiện của nỗi sợ đó. Nhưng chúng ta quan tâm đến người rối loạn thần kinh với tư cách là một mẫu hình, và mẫu hình này trái ngược với mẫu hình nhà trị liệu, thế nên thay vì tiếp cận ở khía cạnh lí thuyết thì chúng ta tiếp cận khía cạnh trị liệu của quan điểm này. Từ quan điểm trị liệu, chúng ta sẽ thấy rằng nỗi sợ hãi quá mức của người rối loạn thần kinh chỉ là một cơ chế phòng vệ cần thiết trước một bản năng nền quá mạnh, cùng với một ý chí mạnh mẽ tương ứng. Ý chí này vốn bị nỗi sợ cản trở, nên không thể hiện ra trọn vẹn trong đời sống. Mặc dù bệnh nhân rối loạn thần kinh bị nỗi sợ chết chiếm lĩnh, anh ta vẫn gần với mẫu người sáng tạo hơn là người bình thường. Có thể nói anh ta như là một người nghệ sĩ cuộc sống thất bại, chứ không phải là một mẫu hình bình thường chưa hoàn thiện hay chưa phát triển.
Theo nghĩa này, chứng rối loạn thần kinh là sự đối mặt của cá nhân với những vấn đề siêu hình về sự tồn tại của con người. Chỉ là, anh ta không đối mặt theo cách kiến tạo như một nghệ sĩ, nhà triết học hay nhà khoa học, mà theo cách hủy hoại. Thế nên chứng rối loạn thần kinh đã dạy cho chúng ta rất nhiều điều về bản chất con người, nó cho thấy cái khía cạnh tàn khốc nhất của sự tự-biết-chính-mình và phơi-bày-chính-mình. Ở khía cạnh trị liệu mà nói thì đấy là điều ít mang giá trị trị liệu hơn cả. Với tư tưởng trị liệu, nhà trị liệu phải bảo vệ bệnh nhân để anh ta không khởi tâm nghi ngờ về khả năng vượt qua nỗi sợ hãi, đồng thời cũng phải bảo vệ anh ta khỏi sự phá hủy những ảo tưởng của chính mình. Bên cạnh đó, nhà trị liệu – cũng giống như người nghệ sĩ, chỉ có thể vượt qua nỗi sợ này một cách sáng tạo. Theo một nghĩa nào đó, nhà trị liệu chính là một mẫu nghệ sĩ mới, mẫu hình này chưa từng tồn tại trước đó vào thời Hi Lạp và cũng chưa từng được cần đến trước kia trong kỉ nguyên của Ki-tô giáo. Mẫu nghệ sĩ này sáng tạo với các “nguyên liệu” là bản thân những sinh mệnh sống, ông ấy cố gắng tạo nên một con người không còn bị lệ thuộc về mặt thể xác và tinh thần vào đấng sinh thành. Không những thế, về mặt tinh thần, anh ta còn giống như một đấng tạo tác. Mức độ tương ứng này sẽ quyết định xem một cá nhân có thể sáng tạo nên bản thân mình đến đâu– như tôi đã bàn trong những phần khác72.
72 Xem chương VI, “Tình yêu và áp lực” trong cuốn sách này, đồng thời xem thêm trong Genetische Psychologie, Tập II.
BẢO VỆ CÁI TÔI TRƯỚC NỖI SỢ CHẾT (1): DỤC NĂNG VÀ LUYẾN ÁI
Để hiểu được những biểu hiện sáng tạo, cũng như những biểu hiện rối loạn thần kinh của sự ức chế sống thường có tính hủy diệt này, trước hết chúng ta phải hướng đến những dạng biểu hiện bình thường của nó. Quan trọng nhất trong đấy làtính dục và luyến ái. Mối quan hệ chặt chẽ của nó với nguyên lí cái chết không chỉ nằm ở mặt sinh học, mà còn là về mặt tâm lí; không chỉ trong việc chào đời mà còn rất rõ ràng còn trong hoạt động tính dục. Ở hai giới, hành động tính dục này chắc chắn có ý nghĩa khác nhau: Một đằng là từ bỏ (một phần cái tôi), đầu hàng, đôi khi là hoàn toàn đánh mất bản thân. Một đằng không chỉ dẫn đến sáng tạo mới (đứa trẻ) mà cùng lúc được cá nhân coi như là đỉnh cao của nguyên tắc sống, nếu phương diện cái tôi hủy hoại tiêu cực không chiếm ưu thế.
Nếu nhìn từ góc độ thỏa mãn khoái lạc cá nhân mà tính dục mang đến, thì ý nghĩa sinh học của hoạt động tính dục là bào mòn sự sống cho đến chết. Tính dục do vậy trở thành “đồng tiền” thịnh hành nhất mà tội lỗi cá nhân dùng để trả cho giống loài. Từ góc nhìn này, chúng ta sẽ hiểu tại sao sự trụy lạc lại có sức hấp dẫn đối với cá nhân đến thế. Đồng thời cũng hiểu tại sao những hoạt động tính dục này lại thiếu mất hoặc bị giảm giá trị sinh học trên “thị trường” và chỉ bị ràng buộc với cảm giác tội lỗi về mặt sinh học mà thôi. Mặt khác, chúng ta đã hiểu được rằng, thường thì cảm giác tội lỗi xuất phát từ các nguồn khác, và nó được trả bằng những “đồng tiền” tính dục, được chứng minh qua nhiều lần trao đi thể xác, hay thậm chí thủ dâm. Về hành động thủ dâm, có thể nói theo kiểu rất nghịch lí rằng: Sở dĩ nó đáng hổ thẹn là bởi thực tế nó vô hại đối với cá nhân, giống như kiểu người ta chưa thực sự “trả tiền” và vì thế vẫn cảm thấy tội lỗi73.
Giữa tính dục và cái chết, bên cạnh mối liên hệ sinh học, còn có những mối liên hệ tâm lí quan trọng hơn về mặt trị liệu. Việc giải thoát nỗi sợ chết thông qua nỗi sợ tính dục là một nỗ lực hòng xoa dịu nỗi đau bằng luyến ái, như chúng ta đã thấy trong sự thô bạo của chứng bạo dâm hiện nay. Cái đặc điểm tính dục điển hình chỉ riêng con người mới có này, chúng ta chỉ có thể hiểu được trên cơ sở Tâm lí học Ý chí. Ý chí cá nhân nắm giữ tính dục như là một phương tiện hòng biến nỗi thống khổ và đau đớn – suy cho cùng, là biểu tượng của cái chết, thành một nguồn khoái cảm mà người ta khao khát. Đấy cũng chính là hệ tư tưởng đã tạo ra bản năng chết từ nỗi sợ chết. Trên nền móng của hệ tư tưởng bạo dâm này, luôn có một sức mạnh ý chí to lớn của nhân cách, có khả năng buộc bản năng tính dục phải phục vụ cho việc tránh né nỗi sợ, bằng cách dùng luyến ái để xoa dịu nỗi đau, và cùng lúc đó, có thể loại bỏ cái tính chất nguy hiểm khỏi nỗi sợ bản nguyên.
73 Mâu thuẫn khó tránh trong bản chất của thủ dâm không nằm ở hệ thống giáo dục sai lầm, mà tương ứng, như phần lớn các mâu thuẫn đều vậy, với một nỗ lực trị liệu của cá nhân nhằm vượt qua sợ hãi, do đó nỗi sợ một phần được chuyển hóa thành tội lỗi.
Một phương tiện khác mà cá nhân sử dụng với cùng mục đích chạy trốn khỏi nỗi sợ tính dục cùng với sự thôi thúc hướng đến nó, chính là tình yêu. Trong mối liên hệ này, chúng ta chỉ có thể đề cập đến một khía cạnh có lẽ là quan trọng nhất trong tất cả các hiện tượng nhân tính, tầm quan trọng mà phân tâm học đã bỏ qua khi đồng nhất hóa tính dục và tình yêu. Có một sự tương phản giữa tình yêu và tính dục, đủ thường xuyên để khiến tình yêu phản kháng trước tình dục, hoặc bỏ đi trước khi tình dục xảy đến. Cũng như trong một số hoàn cảnh nhất định, tình dục có thể chẳng dính dáng gì đến tình yêu cả. Tất nhiên mọi thứ tùy thuộc vào cách người ta định nghĩa và diễn giải tình yêu. Theo nghĩa tình cảm luyến ái, thì mọi lúc mọi nơi nó đều phải tập trung vào một người duy nhất. Và nếu thế thì nó chính là một sự quay lưng lại với bản tính chung chạ lăng nhăng, vốn là điều rất tự nhiên của bản năng tính dục – là một thứ vốn được cấp cho con người nhằm duy trì nòi giống chứ không phải để thỏa mãn cá nhân. Từ góc độ lí thuyết này, đồng thời cũng được khẳng định bởi những quan sát thực tế, nhà trị liệu có thể nhìn nhận tình yêu của con người như là một sự bảo vệ, hoặc cũng có thể nói, như là một phương cách tiết kiệm, để không phung phí bản năng tính dục có thể ăn mòn một con người. Trong tình yêu, một người cảm thấy chính mình trở nên giàu có. Đối với một người phải ức chế, dồn nén tính dục thì tính lăng nhăng, sự chung chạ dường như là một biểu tượng của tự do. Song từ góc nhìn của con người cá nhân, thì đấy là một mối nguy lớn mà anh ta phải tìm cách thoát khỏi dưới con mắt soi xét của những quy ước đạo đức xã hội và hợp thức hóa nó bằng bộ giá trị phẩm hạnh bên trong mình, và thực tế, chính là thông qua con đường của tình yêu. Ấy vậy là, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa: Thay vì trả góp từng phần bằng tình dục, thì nay cá nhân phải thế chấp toàn bộ cái tôi của mình trong tình yêu. Đấy là một vấn đề mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần khác.
BẢO VỆ CÁI TÔI TRƯỚC NỖI SỢ CHẾT (2): GÂY HẤN VÀ TRỪNG PHẠT
Một cách khác để bảo vệ bản ngã trước nỗi sợ chết, và nó cũng phổ quát như tình yêu, đấy là sự gây hấn. Nhà trị liệu không nhất thiết cần đến giả định về một bản năng gây hấn như Freud đã đưa ra để bào chữa cho cái ác nguyên thủy trong con người, bằng cách giải thích nó như một nguồn gốc của bản năng chết. Vốn dĩ cách giải thích như thế chỉ dẫn chúng ta vượt ra ngoài vấn đề này và đi đến những suy đoán kiểu như, liệu sự gây hấn nguyên thủy hướng vào bên trong hay bản năng chết nguyên thủy hướng ra bên ngoài.
Ở điểm này, một quan niệm năng động cho ta thấy một thực tế trực tiếp tức thì mà ta dễ bỏ qua nếu nhìn từ góc độ tâm lí siêu hình: Nỗi sợ chết của cái tôi sẽ vợi đi bằng cách giết chóc, hay bằng sự hi sinh của người/ vật khác. Thông qua cái chết của người/vật khác đấy mà một người giải thoát mình khỏi hình phạt của cái chết hoặc của việc trở thành người bị giết. Nhà trị liệu lập tức nhận ra rằng, giải pháp kiểu “tội phạm” này hoàn toàn trái ngược với chứng loạn thần kinh. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều đang phải phòng vệ trước hình phạt cái chết đã định sẵn là không thể thay đổi, nhưng:
• Đối với người loạn thần kinh, sự phòng vệ này có dạng tự trừng phạt bản thân; còn
• Đối với tội phạm, sự phòng vệ này ở dạng trừng phạt hoặc giết người khác, và sau hành động này, cái tôi sẽ bị xã hội trừng phạt74.
Người loạn thần kinh chỉ là một người không thể xoa dịu nỗi sợ chết của mình bằng cách giết người/vật khác. Nói cách khác, anh ta không có khả năng thực hiện hành vi tự vệ hung hăng, cho dù anh ta đã trải qua những thôi thúc đủ mạnh.
74 Xem thêm về ý nghĩa sâu hơn của hình phạt chết trong Seelenglaube, S. 95.
Khi nói đến “giết” người/vật khác để bảo vệ bản thân, tôi không có ý ám chỉ đến khái niệm pháp lí về “tự vệ” (chính đáng), cũng không phải khái niệm sinh học về sự tự bảo trì. Mà đấy là một tư tưởng thuần túy về mặt tinh thần, dựa trên cảm xúc hết sức nguyên sơ của giống loài, cộng đồng. Quan niệm này vỗn dĩ xem giá trị sự sống của mỗi người là như nhau, bất kể tính cá nhân của người đấy ra sao, theo đó thì một cái chết này có thể thay thế cho một cái chết khác:
• Đối với nhận thức ngây thơ về sự bất tử, cái chết hẳn phải là một sự trừng phạt;
• Về sau, cái chết trở thành một sự trừng phạt do bản thân cá nhân tự chuốc lấy, bởi anh ta đã đem tính dục – hay đúng hơn hoạt động tính dục ra làm sự thỏa mãn cá nhân;
• Cuối cùng, sự tự trừng phạt bắt nguồn từ ý tưởng về tội lỗi này một lần nữa hướng ra bên ngoài, nhưng là để bảo vệ mình chứ không phải gây hấn, sẽ chuộc anh ta khỏi cái chết của chính mình bằng cái chết của người/vật khác (vật hi sinh).
Do vậy, xung năng gây hấn khởi lên từ bên trong và có khuynh hướng chuyển nỗi thống khổ của người này thành nỗi đau đớn của người khác, và rồi người này lại mang lấy nỗi đau và chuyển nó sang cho người khác nữa. Thế nên cảm giác tội lỗi nảy sinh sau đó không phải là một phản ứng đối với sự gây hấn, mà là phản ứng với nỗi sợ chết. Nỗi sợ chết đấy không thể loại bỏ bằng cách phóng chiếu, nó chỉ có thể được chuyển hóa, và do đó, nó trở thành một vấn đề của lương tâm, phẩm hạnh.
Bên cạnh đó, cảm giác tội lỗi còn là biểu hiện của sự đồng nhất hóa, ngụ ý trong sự hi sinh của người/vật khác thay cho cái tôi của mình. Theo nghĩa này, cảm giác tội lỗi và sự tự trừng phạt mình nơi bệnh nhân rối loạn thần kinh còn là biểu hiện của tình yêu dành cho người khác – người sẽ thay anh ta gánh lấy tội lỗi và sự trừng phạt, thay vì đổ lỗi cho anh ta. Bởi dẫu thế nào cái xấu, cái ác đấy phải được xoa dịu, nếu không phải ở nơi người khác thì phải là trong chính mình. Hướng đến người khác hay hướng vào chính mình, đấy là hai kiểu khác nhau, đặc trưng cho hai thái độ khác nhau đối với cuộc sống: hoặc là bạo dâm, hoặc là khổ dâm; đồng thời đấy cũng là đặc trưng cho sự kết nối giữa hai người.
Trong sự phát triển của ý tưởng về tội lỗi, việc giết một người khác đã xuất hiện như một giai đoạn phát triển trong đấy. Nghĩa là bỏ qua sự khác biệt cá nhân, chúng ta ta hi sinh, hiến tế một mạng sống cho cái chết. Hình thức hiến tế nguyên thủy, mà chúng ta gọi là giết hại này đã trải qua cả một quá trình phát triển và cùng với đó là một quá trình tinh lọc. Có nhiều hình thức giết hại khác nhau, cũng như có nhiều kiểu tự hủy hoại bản thân vậy. Chẳng hạn trong các triệu chứng rối loạn thần kinh, Ibsen có nói về cái gọi là “giết chết tâm hồn”75 với nghĩa là lợi dụng, hay bóc lột người khác. Việc “giết chết” ở đây không nhất thiết phải là thực, nó có thể xảy ra dưới dạng biểu tượng như là chấm dứt tình yêu hay ruồng bỏ một người. Nó cũng có thể xảy ra dần dần, từng chút thay vì diễn ra trong một lần, một cái chết từ từ bởi sự dày vò liên tục. Tuy nhiên, đấy là một hành động tự phòng vệ trước nỗi sợ chết của mình, chứ không phải là biểu hiện của một ước nguyện chết nguyên thủy. Mong muốn chết để chống đối những người thân yêu cho thấy một biểu hiện của sự ràng buộc mạnh mẽ, và không thể khác, sự ràng buộc đấy chỉ có thể được hóa giải thông qua cái chết. Do đó, trong việc trị liệu cho nhiều người trầm cảm, mong muốn chết để thoát khỏi những người khác không phải là sự thoái lui về thời ấu thơ, mà là một dấu hiệu của sự trút bỏ gánh nặng bên trong và củng cố cái tôi.
Trong Genetische Psychologie, tôi có đề cập đến việc vượt qua các giai đoạn của cái tôi bằng cách chuyển giao nỗi sợ chết sang người khác, bạn có thể xem thêm. Ở đây, chúng ta cùng đề cập đến những phương thức phòng vệ trước nỗi sợ chết – một tâm lí thông thường và cũng có liên hệ rất gần với chứng rối loạn thần kinh.
75 Điều này gợi nhớ người ta về câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde, “Kẻ hèn nhát giết bằng những nụ hôn, người dũng cảm giết bằng thanh kiếm”.
Đây là trường hợp nằm ở ranh giới, trong đó cá nhân không tự trừng phạt mình giống như bệnh nhân rối loạn thần kinh, cũng không trừng phạt người khác giống như tội phạm, mà trong một giới hạn nhất định, để cho chính mình bị người khác trừng phạt. Hành động trừng phạt từ bên ngoài đóng vai trò như là một phương tiện để cá nhân giải tỏa nội tâm, trút bỏ gánh nặng bên trong, nó giống như là tác nhân “giáo dục” trong hoàn cảnh trị liệu. Khi quyết định chấp nhận trị liệu, bệnh nhân đã có một bước tiến mạnh mẽ về phía trước, vượt ra khỏi chứng loạn thần kinh của mình, bởi anh ta đã biến nhà trị liệu trở thành tác nhân tích cực cho việc tự trừng phạt mình. Đấy là một vai trò mà nhà trị liệu không thể tránh khỏi cho dù ông có cố gắng tự phòng vệ đến đâu. Khi tác nhân trừng phạt này – hay nói cách khác là nhà trị liệu cũng có thể được yêu thích, thì đấy chính là một bước tiến gần hơn đến chữa lành, vì tình yêu được cho là vượt qua nỗi sợ. Chúng ta sẽ tìm hiểu những ý nghĩa trị liệu này sau.
Quay trở lại với những tình huống trừng phạt thông thường – vốn chỉ được kết tinh thành một mô hình trong hoàn cảnh trị liệu. Trong mọi mối quan hệ thân thiết giữa con người với nhau, như cha mẹ và con cái, thầy và trò, ông chủ và cấp dưới, tương tự vậy trong mối quan hệ giữa hai giới nam và nữ, cụ thể là trong hôn nhân, thì một trong hai người sẽ trở thành nhân tố trừng phạt một cách tự phát và không thể tránh khỏi. Và như một quy luật, đây là điều khiến cho mối quan hệ trở nên rất khó thấu hiểu và thường không thể nào chịu đựng nổi. Thậm chí khi còn bé, chúng ta thường xuyên chuyển giao sự tự trừng phạt này ra bên ngoài, coi đó như một liều thuốc xoa dịu nỗi sợ hãi bên trong chúng ta.
Người ta có thể phản đối rằng, khái niệm về sự tự trừng phạt chính mình hòng xoa dịu nỗi sợ chỉ là một lối diễn giải khác về một thực tế mà phân tâm học đã diễn giải theo hướng dục năng, đấy là thừa nhận sự thỏa mãn bản năng. Cũng giống các hiện tượng khác, chúng ta cũng phải thấy ở hiện tượng này hai khía cạnh của nó, và mỗi cá nhân có thể biểu hiện khía cạnh này hoặc khía cạnh kia trong thái độ của mình, nghĩa là anh ta có thể diễn giải cuộc sống theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Tuy nhiên, đối với tôi, bệnh nhân rối loạn thần kinh không phải là mẫu hình nhằm chủ yếu đến việc thỏa mãn khoái lạc, mà là muốn giảm bớt nỗi sợ hãi. Còn người bình thường mà nói sẽ có xu hướng tự trừng phạt mình để thỏa mãn bản năng (ví dụ, con người bình thường làm việc để phần đời về sau anh ta có thể được thỏa mãn và hưởng thụ).
Có một điều có thể rất đúng đấy là: Càng xoa dịu nỗi sợ hãi thì lại càng khiến bản năng phát tác. Nhưng không vì thế mà chúng ta hiểu nhầm rằng, sự trừng phạt chủ yếu phục vụ cho việc giải phóng bản năng, cho sự thừa nhận bản năng, bởi cách hiểu này vốn dựa trên giả định là ngay từ đầu luôn có một lực từ bên ngoài dồn nén bản năng. Bởi bên cạnh việc xoa dịu nỗi sợ thông qua sự trừng phạt, cá nhân còn một động lực khác để phát tác bản năng, và động lực này làm cho một quá trình vốn đã không hề đơn giản càng trở nên phức tạp hơn. Để chuyển giao nhân tố trừng phạt ra bên ngoài (để bản thân mình trở thành người bị trừng phạt), cá nhân phải cảm thấy mình có tội, và do đó xuất hiện tình huống nghịch lí: Phát tác bản năng nhưng mục đích là để trừng phạt. Về mặt phân tâm, điều này chỉ có thể được giải thích từ khía cạnh khoái lạc khổ dâm – bản thân khoái lạc này không hề đại diện cho một hiện tượng nguyên thủy nào cả.
Vòng tròn luẩn quẩn được khép lại với nhận thức rằng, giải phóng bản năng khỏi sự dồn nén gây ra nỗi sợ hãi, bởi rằng cuộc sống và trải nghiệm chỉ làm gia tăng nỗi sợ chết mà thôi. Trong khi, mặt khác, từ bỏ bản năng làm gia tăng cảm giác tội lỗi, không phải vì nó đại diện cho sự hung hãn, gây hấn bị dồn nén để rồi quay sang chống lại cái tôi của chính mình (như Freud đã nói), mà bởi vì từ bỏ bản năng nghĩa là từ bỏ cuộc sống, và do vậy cá nhân cảm thấy tội lỗi. Ở đây, chúng ta sẽ thấy cái nghịch lí: Xoa dịu nỗi sợ này (thông qua trừng phạt và giải phóng bản năng) thì lại dẫn đến nỗi sợ khác, đấy là hàm số kép của nỗi sợ: lúc này là nỗi sợ sống, khi khác là nỗi sợ chết. Từ nỗi sợ sống, có một con đường dẫn thẳng đến ý thức về tội lỗi, hay đúng hơn là dằn vặt lương tâm giữa: một đằng là sự nuối tiếc những khả năng sống đã bị bỏ qua hoặc lãng quên; một đằng là nếu sống trọn vẹn khả năng đó thì cuối cùng sẽ chỉ ám ảnh bởi nỗi sợ chết mà thôi.