MỌI THỨ DƯỜNG NHƯ TO HƠN KHI NHÌN TỪ GƯƠNG CHIẾU HẬU
Tất cả các bài tập trong cuốn sách này đều được thiết kế để giúp bạn hiểu hơn về cách bạn xử lý thông tin. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần trả lời theo suy nghĩ đầu tiên bật ra thay vì cố gắng cân nhắc xem thế nào mới “đúng”. Không có câu trả lời nào là đúng hay sai – câu trả lời chỉ phản ánh cách mà bạn suy nghĩ.
[1]
Nhảy việc
|
Hãy tưởng tượng, bạn rời khỏi công việc hiện tại để đảm nhiệm vị trí mới ở một công ty mới. Công việc mới khá là suôn sẻ! Bạn quý đồng nghiệp, cảm thấy hài lòng với vị trí của mình, và trong vòng một năm bạn đã được thăng chức. |
||
Vậy, quyết định nhảy việc này có phải là một quyết định đúng đắn hay không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
|
Hãy tưởng tượng, bạn rời khỏi công việc hiện tại để đảm nhiệm vị trí mới ở một công ty mới. Công việc mới hóa ra là một thảm họa! Bạn cảm thấy khổ sở và đã bị sa thải chỉ trong năm đầu tiên. |
||
Vậy, quyết định nhảy việc này có phải là một quyết định đúng đắn hay không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
Tôi đoán chắc, trong trường hợp đầu tiên, bạn sẽ cho rằng quyết định nhảy việc là đúng, và trong trường hợp sau là không đúng. Chẳng phải nếu công việc mới tiến triển tốt thì quyết định bỏ công việc cũ là sáng suốt sao? Và nếu công việc mới không được như ý thì đó hẳn là một quyết định tệ hại còn gì?
Nhưng vấn đề là, trong cả hai trường hợp, tôi đều không đưa ra cho bạn bất kỳ thông tin có ý nghĩa nào về quá trình đi đến quyết định . Tôi chỉ cho bạn hai thông tin: (1) mô tả một cách rất ngắn gọn về bối cảnh dẫn đến quyết định và (2) kết quả của quyết định ấy .
Ngay cả khi không có bất kỳ thông tin chi tiết nào về quá trình ra quyết định, chỉ cần tôi cho bạn biết kết quả, bạn sẽ có cảm giác rằng mình thật sự đã biết quyết định đó là tốt hay không tốt.
Và cảm giác này – rằng kết quả của quyết định sẽ phản ánh chất lượng của quá trình ra quyết định – mạnh đến nỗi, ngay cả khi tôi mô tả hai quyết định ấy theo cùng một cách (bạn nghỉ việc và đảm nhận một vị trí mới), thì bạn cũng cảm thấy chất lượng của quá trình đưa ra quyết định có gì đó khác nhau.
Hiện tượng này có trong mọi lĩnh vực.
Bạn mua cổ phiếu. Cổ phiếu tăng giá. Bạn cảm thấy mình đã có một quyết định tuyệt vời. Bạn mua cổ phiếu. Cổ phiếu hạ giá. Bạn cảm thấy mình vừa ra một quyết định tệ hại.
Bạn dành sáu tháng trời cố gắng chốt đơn với một khách hàng mới. Khi họ trở thành khách hàng lớn nhất của bạn, bạn cảm thấy thời gian bỏ ra quá hợp lý và quyết định của mình quá tuyệt vời. Một viễn cảnh khác, bạn dành sáu tháng thuyết phục một khách hàng nhưng mãi vẫn không chốt được đơn, bạn cảm thấy mình đã phí thời gian cho một quyết định tệ hại.
Bạn mua một căn nhà. Sau năm năm, bạn bán đi và lời được đến 50% số tiền đã chi. Một quyết định quá tuyệt vời! Bạn mua một căn nhà. Sau năm năm, bạn bán lỗ. Quyết định tệ hại!
Bạn bắt đầu tập CrossFit và sau hai tháng đã giảm được cân, tăng được cơ. Quyết định tuyệt vời! Nhưng nếu bạn bị trật vai chỉ sau có hai ngày, bạn cảm thấy đây thật là một quyết định tệ hại.
Trong lĩnh vực nào cũng vậy, kết quả là cái đến sau, nhưng người ta luôn nhìn vào nó trước tiên.
Có một cái tên cho hiện tượng này: Suy từ kết quả.
SUY TỪ KẾT QUẢ
Một con đường tắt, khi ta dùng chất lượng của một kết quả để suy ra chất lượng của một quyết định.
Khi một người suy từ kết quả, họ sẽ xác định xem kết quả của một quyết định là tích cực hay tiêu cực, từ đó đánh giá quyết định là đúng đắn hay sai lầm. Các nhà tâm lý học gọi đây là thiên kiến bởi kết quả (outcome bias). Chúng ta thường chọn lối tắt này vì ta không thể xác định liệu quyết định của mình là tốt hay xấu, nhưng ta có thể thấy được hệ quả mà quyết định đó dẫn đến. Suy từ kết quả là một cách tinh giản những đánh giá phức tạp về chất lượng của quyết định.
Nhưng vấn đề ở đây là gì? Đơn giản không phải lúc nào cũng tốt hơn .Chất lượng của quyết định và chất lượng của kết quả, tất nhiên, có phần nào đó liên quan đến nhau. Nhưng hai yếu tố này không phải lúc nào cũng có mối liên hệ. Thật không dễ để chỉ ra mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Xét trong trường hợp bỏ việc cũ và tìm một công việc mới, khó mà nói được rằng kết quả (tệ hay tốt) có phải do chất lượng của quyết định hay không. Đôi khi chúng ta đưa ra một quyết định tốt nhưng diễn biến sau đó lại không tốt.
Bạn có thể vượt đèn đỏ qua giao lộ mà vẫn vô sự. Bạn có thể gặp tai nạn dù đã tuân thủ nghiêm khắc luật giao thông. Điều này có nghĩa, khi chúng ta phán đoán chất lượng của một quyết định dựa trên kết quả, chúng ta sẽ chẳng thu hoạch được gì nhiều. Suy từ kết quả có thể dẫn đến một kết luận rằng: “À, vượt đèn đỏ là một ý hay”. Nhưng chúng ta thừa biết vượt đèn đỏ không phải là một ý hay.
Để đưa ra những quyết định tốt hơn, điều quan trọng là bạn phải rút ra bài học từ quá khứ. Trải nghiệm mang trong nó những bài học để bạn cải thiện các quyết định trong tương lai. Đánh giá quyết định dựa trên kết quả có thể dẫn bạn đến những bài học sai lầm.
[2]
Cái bóng của kết quả
Công bằng mà nói, trong bài tập đầu tiên, tôi đã không cho bạn đủ thông tin để bạn có thể kết luận rằng quyết định đó có tốt hay không tốt. Tâm trí bạn có lẽ đã tự điền vào những thông tin còn thiếu khi không có đủ dữ kiện, cơ chế này cũng tương tự như khi chúng ta nhìn thấy ảo ảnh. Nói như vậy không có nghĩa là những khi không có đủ thông tin, bạn nên đánh giá quyết định dựa trên kết quả. Tốt hơn hết là chúng ta đừng tự suy diễn câu chuyện để hợp lý hóa kết quả mà chúng ta tình cờ biết.
Như vậy, xu hướng suy từ kết quả có biến mất không nếu ta có được đầy đủ thông tin?
Hãy đến với một số ví dụ khác để tìm ra câu trả lời.
|
Bạn mua một chiếc xe điện và rất thích nó. Đó là một chiếc xe tuyệt vời, được sản xuất bởi một thiên tài công nghệ được tung hô là có tầm nhìn xa. Dựa trên những trải nghiệm cùng chiếc xe, bạn mua cổ phiếu của công ty ấy. Sau hai năm, cổ phiếu của công ty tăng vọt, bạn thu về giá trị cao gấp 20 lần khoản đầu tư. Hãy đánh giá chất lượng của quyết định đầu tư theo thang điểm từ 0-5, trong đó 0 là tệ nhất và 5 là tốt nhất: Quyết định tệ hại 0 1 2 3 4 5 Quyết định tuyệt vời Hãy giải thích lý do tại sao bạn đánh giá như vậy: |
|
Bạn mua một chiếc xe điện và rất thích nó. Nó là một chiếc xe tuyệt vời, được sản xuất bởi một thiên tài công nghệ được tung hô là có tầm nhìn xa. Dựa trên những trải nghiệm cùng chiếc xe, bạn mua cổ phiếu của công ty ấy. Sau hai năm, công ty phá sản, khoản đầu tư của bạn mất trắng. Hãy đánh giá chất lượng của quyết định đầu tư theo thang điểm từ 0-5, trong đó 0 là tệ nhất và 5 là tốt nhất: Quyết định tệ hại 0 1 2 3 4 5 Quyết định tuyệt vời Hãy giải thích lý do tại sao bạn đánh giá như vậy: |
Nếu giống với đại đa số, bạn sẽ diễn giải lý do mua cổ phiếu tùy thuộc vào kết quả nhận được là tốt hay xấu.
Với kết quả tốt, nhiều khả năng bạn sẽ nhìn nhận các trải nghiệm dẫn đến quyết định đầu tư bằng cái nhìn tích cực hơn: Bạn đã có trải nghiệm cá nhân với sản phẩm, và điều đó rất quan trọng. Rốt cuộc thì nếu bạn thích chiếc xe, nhiều khả năng những người khác cũng vậy. Thêm nữa, thiên tài công nghệ kia đã có tiếng thành công, đầu tư cho công ty do anh ta điều hành nhiều khả năng sẽ là một sự lựa chọn tốt.
Nhưng nếu rốt cuộc công ty này là “bom xịt”, những trải nghiệm tôi đã mô tả có thể được bạn nhìn nhận bằng một con mắt khác. Lúc này, nhiều khả năng bạn sẽ cho rằng trải nghiệm cá nhân không thay thế được bước thẩm định chuyên sâu khi lựa chọn đầu tư. Bạn sẽ cho rằng ta nên đánh giá tính hình tài chính của công ty đó, ví dụ như: Cổ phiếu công ty này có đang tạo ra lợi nhuận không? Có thể tạo ra lợi nhuận không? Các khoản nợ của họ thế nào? Họ còn vốn cho đến khi đạt được khả năng sinh lợi chứ? Họ có thể đáp ứng nhu cầu và tăng năng suất sản xuất chứ?
Và tất nhiên, xu hướng đánh giá quá trình ra quyết định dựa vào kết quả này không chỉ giới hạn trong các quyết định đầu tư.
Bạn nghỉ việc để tham gia vào một công ty khởi nghiệp triển vọng bởi họ đề nghị chia cho bạn cổ phần. Công ty này sau đó ăn nên làm ra như một Google thứ hai. Quyết định tuyệt vời! Bạn nghỉ việc để tham gia vào một công ty khởi nghiệp triển vọng bởi họ đề nghị chia cho bạn cổ phần. Chỉ một năm sau, công ty phá sản. Bạn thất nghiệp và đã dùng đến cạn kiệt khoản tiết kiệm của mình. Quyết định tệ hại!
Bạn chọn một trường đại học vì muốn chung trường với tình yêu gà bông thời trung học của mình. Bạn tốt nghiệp hạng ưu, kết hôn với tình đầu, và có một công việc như mơ. Quyết định này thật không chê vào đâu được! Bạn chọn một trường đại học vì muốn chung trường với tình yêu gà bông thời trung học của mình. Sáu tháng sau, các bạn chia tay. Bạn quyết định đổi ngành, nhưng chương trình học của ngành mới không làm bạn vừa ý. Hằng ngày, bạn phải đi một đoạn đường rất xa để đến trường. Cuối năm nhất, bạn chuyển trường. Quyết định chọn trường khi xưa thật tệ hại.
Trong tất cả các trường hợp trên, kết quả ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận quyết định ngay cả khi các chi tiết của quá trình ra quyết định là như nhau, bởi kết quả đã chi phối cách ta nhìn nhận các chi tiết ấy.
Suy từ kết quả ảnh hưởng đến phán đoán của chúng ta đến mức đó đấy!
Khi kết quả không tốt, ta sẽ hướng sự chú ý của mình đến những dấu hiệu cho thấy quá trình đưa ra quyết định trước đó là tệ hại. Ta nghĩ mình đang nhìn nhận một cách rất lý trí bởi quá trình tệ hại kia là quá rõ ràng. Ngược lại, khi một quyết định cho ra kết quả tốt, ta ít hà khắc hơn trong việc phân tích chất lượng của quyết định, bởi chúng ta đang bận viết nên một câu chuyện sao cho khớp với cái kết cục tốt đẹp kia.
Kết quả đang phủ một cái bóng lên khả năng nhìn nhận chất lượng quyết định của chúng ta.
Chúng ta muốn mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng kết quả và chất lượng quyết định được hình thành. Chúng ta muốn thế giới vận hành như vậy. Chúng ta ít khi muốn chấp nhận các biến số ngẫu nhiên. Khi cố gắng tin vào mối quan hệ này, chúng ta dần không còn thấy được rằng tương lai có thể có rất nhiều viễn cảnh.
Ngay từ đầu, vai trò của trải nghiệm là làm một người thầy tốt. Nhưng vai trò này đã mất đi khi ta ép chất lượng của kết quả và chất lượng của quyết định vào một công thức đầy khiên cưỡng. Cách làm ấy bóp méo khả năng của ta trong việc sử dụng kinh nghiệm để dự đoán xem quyết định nào là tốt và quyết định nào thì không.
Việc suy từ kết quả khiến quả cầu thủy tinh của chúng ta như chìm vào lớp sương mù.
Bây giờ, khi đã hiểu suy từ kết quả là gì, hãy nghĩ về một thời điểm bạn đã làm điều đó. Hãy mô tả lại tình huống đó dưới đây.
[3]
Chiếc hộp may mắn
Sự may rủi “nhảy” vào giữa quyết định của bạn với kết quả mà bạn nhận được. Đó là yếu tố mà bạn không thể tác động hay khống chế, là thứ quyết định bạn sẽ nhận được kết quả thế nào trong ngắn hạn.
Một quyết định có thể mở ra nhiều tương lai khác nhau – có thể tốt, có thể tệ. Khi bạn đưa ra một quyết định, quyết định ấy sẽ khiến cho một số viễn cảnh có cơ hội trở thành hiện thực, đồng thời khiến cho một số viễn cảnh khác không thể nào xảy ra. Quyết định bạn đưa ra sẽ xác định tập hợp các viễn cảnh và phần trăm khả năng chúng có thể xảy ra; tuy nhiên, nó không xác định cụ thể một kết quả nào thực sự sẽ xảy ra cả.
Sự may rủi “nhảy” vào giữa quyết định của bạn với kết quả mà bạn nhận được. Đó là yếu tố mà bạn không thể tác động hay khống chế, là thứ quyết định bạn sẽ nhận được kết quả thế nào trong ngắn hạn.
Vì thế, để trở thành một người ra quyết định tốt, bạn cần phải dự đoán được tập hợp những viễn cảnh tương lai có khả năng xảy ra. Cuốn sách này được thiết kế để hỗ trợ bạn mài giũa kỹ năng ấy, giúp bạn dần xua tan lớp sương mù bên trong quả cầu pha lê. Song, cũng như những câu dự báo chung chung của các thầy bói, tương lai rốt cuộc sẽ diễn ra như thế nào là điều không ai biết chắc được.
Nói cách khác, có một nhân tố quan trọng can dự vào quá trình này: sự may rủi.
May rủi là thứ chi phối một phần kết quả mà bạn nhận được bên cạnh quyết định mà bạn đưa ra – thứ vốn đã dẫn đến rất nhiều biến số.
Vì một quyết định chỉ xác định được tập hợp các kết quả có thể xảy ra (một số tốt, một số xấu, một số không tốt cũng chẳng xấu), nên kết quả tốt có thể sinh ra từ cả quyết định xấu (lẫn tốt), và kết quả xấu cũng có thể sinh ra từ cả quyết định tốt (lẫn xấu).
Có thể hình dung mối quan hệ giữa chất lượng quyết định và chất lượng kết quả như sau:
• Phần thưởng xứng đáng đến với bạn khi bạn đưa ra một quyết định tốt, và quyết định ấy dẫn đến một kết quả tốt. Ví dụ như khi bạn tuân thủ đúng đèn hiệu giao thông và vượt qua giao lộ an toàn.
• Ăn may là khi bạn đưa ra một quyết định không tốt nhưng lại nhận về kết quả tích cực. Ví dụ: Bạn tranh thủ lúc dừng chờ đèn đỏ để đăng một dòng trạng thái lên mạng. Vì mải mê với dòng trạng thái ấy mà bạn không để ý đèn đã chuyển xanh, và may mắn thay, nhờ đó mà bạn tránh được một vụ va chạm xảy ra ở ngã tư.
• Xui xẻo là khi bạn đưa ra một quyết định tốt nhưng kết quả lại tệ hại. Ví dụ, bạn tuân thủ luật giao thông nên đã di chuyển khi thấy đèn xanh, nhưng khi đến ngã tư thì có một người từ đường bên kia đột ngột vượt đèn đỏ nên đã xảy ra va chạm với bạn. Đó là một kết quả tệ hại, nhưng điều đó không có nghĩa là quyết định tuân thủ luật giao thông của bạn là một quyết định sai lầm.
• Thất bại nghiễm nhiên là khi bạn đưa ra một quyết định sai lầm, vì vậy nên bạn nhận về một kết quả tệ hại, ví dụ như vượt đèn đỏ và gặp tai nạn.
Rõ ràng, chúng ta có thể đưa ra rất nhiều ví dụ cho cả bốn loại này. Thường thì quyết định tốt của bạn sẽ dẫn đến một kết cục tốt; nhưng cũng có lúc bạn gặp xui xẻo. Tương tự, thường thì quyết định tệ hại của bạn sẽ dẫn đến những thứ tệ hại thật; nhưng cũng có khi bạn lại ăn may. Việc suy từ kết quả có thể khiến bạn quên mất vai trò của sự may rủi trong diễn biến của mọi việc. Một khi đã biết kết quả, ta thường chỉ nhìn nhận tình huống đó như Phần thưởng xứng đáng hoặc Thất bại nghiễm nhiên. Trường hợp Xui xẻo và Ăn May ít khi được đưa vào cân nhắc.
Khi bạn rút kinh nghiệm từ quá khứ, những điểm mù đó có thể khiến bạn đưa ra kết luận sai.
Ví dụ, bạn đưa ra một quyết định mà trong đó chỉ có 10% nguy cơ dẫn đến kết quả xấu, tuy nhiên, thật không may, quyết định đó dẫn đến đúng kết quả xấu mà bạn đã dự liệu. Vậy là, bạn cho rằng mình không nên ra quyết định tương tự trong tương lai. Do xu hướng suy từ kết quả, bạn quên mất rằng ngay từ đầu khả năng xảy ra tình huống xấu chỉ là 10%, và bạn đã có đến 90% cơ hội thành công. Tuy đó là một quyết định tốt nhưng trải nghiệm cá nhân đã khiến bạn nghĩ rằng mình không nên đưa ra quyết định tương tự nữa.
Đó là cái giá phải trả của việc suy từ kết quả.
Bây giờ, hãy đưa bạn thoát khỏi cái bóng bao trùm của thói quen suy từ kết quả bằng cách điền hết tất cả các ô trong bảng bằng những câu chuyện trong cuộc sống của bạn.
Đầu tiên, hãy nghĩ về một trải nghiệm khi mà quyết định tốt của bạn đã dẫn đến một kết quả tốt. Hãy mô tả ngắn gọn tình huống đó trong ô Phần thưởng xứng đáng bên dưới.
Sau đó, hãy nghĩ về một trải nghiệm ra quyết định dẫn đến kết quả chẳng đâu vào đâu, nhưng bạn nghĩ bạn đã ra một quyết định không tệ chút nào. Hãy mô tả ngắn gọn tình huống đó trong ô Xui xẻo.
Tiếp đến, hãy nghĩ về một lần bạn đã đưa ra một quyết định khá tệ, nhưng mọi thứ lại suôn sẻ hơn bạn nghĩ. Hãy mô tả ngắn gọn tình huống này trong ô Ăn may.
Cuối cùng, hãy nghĩ đến một lần bạn đã ra một quyết định khá tệ, và nghiễm nhiên là kết quả mà bạn thu về cũng chẳng tốt đẹp chút nào. Hãy mô tả ngắn gọn tình huống này trong ô Thất bại nghiễm nhiên.
[4]
Khi các quyết định không mang lại kết quả tương đương
Bây giờ, hãy đào sâu vào hai tình huống cho thấy chất lượng quyết định không dẫn đến kết quả tương ứng: Xui xẻo và Ăn may.
|
Một tình huống mà bạn cho là mình đã gặp xui xẻo? Mô tả lý do khiến bạn nghĩ rằng quyết định của mình là tốt, dù kết quả thu về không như ý. Những lý do này có thể bao gồm xác suất xảy ra của kết quả không tốt, thông tin dẫn đến quyết định, Liệt kê ít nhất ba lý do khiến bạn nhận được kết quả không tốt dù quyết định của bạn là hợp tình hợp lý. Nói cách khác, có những nhân tố nào nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, Liệt kê ít nhất ba viễn cảnh khác có thể xảy ra khi bạn ra quyết định đó. |
|
Một tình huống mà bạn cho là mình đã ăn may? Viết ra vài lý do khiến bạn nghĩ rằng quyết định của mình là tệ hại dù kết quả thu về khá tốt. Liệt kê ít nhất ba lý do khiến bạn nhận được kết quả tốt dù đã đưa ra một quyết định tệ hại. Nói cách khác, có điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, Liệt kê ít nhất ba viễn cảnh có thể xảy ra khi bạn ra quyết định đó. |
|
Bạn dễ nghĩ ra ví dụ cho trường hợp nào hơn, Xui xẻo hay Ăn may? Xui xẻo Ăn may Bạn nghĩ tại sao trường hợp còn lại lại khó hơn? |
Nếu giống với đa số, bạn sẽ cảm thấy dễ “quy tội” cho sự xui xẻo khi kết quả nhận về không như ý hơn là thừa nhận rằng mình có được thành quả tốt là nhờ ăn may.
Khi điều không may xảy ra, ta cảm thấy được an ủi khi biết rằng đó có thể không phải do lỗi của bản thân mà chỉ là do xui xẻo, để từ đó vẫn cảm thấy ổn với việc ra quyết định của mình bất chấp kết quả không mong muốn. Nó cho lòng tự tôn của ta một lối thoát, cho phép ta nhìn nhận chính mình trong vầng hào quang tích cực bất chấp kết quả không như mong đợi.
Mặt khác, khi mọi việc suôn sẻ, ta sẽ vui hơn khi biết rằng kết quả tốt đẹp đó là nhờ nỗ lực của bản thân cũng như nhờ những quyết định đúng đắn. Nếu thừa nhận vai trò của vận may trong việc tạo ra kết quả tích cực, ta mất đi cảm giác thấy mình thông minh và làm chủ hoàn cảnh. Với những kết quả tốt, sự can thiệp của yếu tố may rủi không cho phép bạn kể câu chuyện đó theo cách mà bạn muốn.
Để trở thành một người ra quyết định tốt hơn, bạn cần thẳng thắn thừa nhận và khám phá cả bốn kết quả có thể xảy ra.
Một thói quen cần được xóa bỏ: Thừa nhận sự Xui xẻo, nhưng không chịu chấp nhận là mình đã Ăn may.
Không dễ để ta sẵn lòng từ bỏ công trạng cũng như cảm giác chính mình đã khiến những điều tốt đẹp xảy ra, nhưng về lâu về dài thì đó là việc mà bạn nên rèn luyện. Sự may rủi là biến số có ảnh hưởng đến kết quả của mọi quyết định, nếu bạn không để tâm, bạn sẽ không nhận ra ảnh hưởng tinh vi của nó đến tương lai của mình sau này. Những ảnh hưởng vi mô đó cũng giống như lãi kép – hiện tại thì vai trò của chúng chưa rõ ràng, nhưng chúng sẽ mang lại lãi suất vô biên cho bạn khi bạn ra những quyết định trong tương lai.
Kinh nghiệm có thể dạy bạn nhiều điều về cách cải thiện quyết định, nhưng với một điều kiện: Bạn phải trung thực và phân tích thật kỹ. Hãy thực hành việc tách biệt chất lượng của kết quả với chất lượng của quyết định một cách tích cực và thường xuyên. Điều này có thể giúp bạn nhận ra quyết định nào đáng được lặp lại và quyết định nào thì không.
[5]
Đừng đợi đến khi đưa ra một quyết định sai lầm
Khi dùng kết quả để suy ra chất lượng quyết định, bạn sẽ bỏ ngoài vòng suy xét hai trường hợp có thể xảy ra là xui xẻo và ăn may. Kết quả là, bạn có thể sẽ tiếp tục thực hiện một quyết định sai lầm vì nghĩ rằng nó đúng đắn, và né tránh lặp lại một quyết định vốn dĩ rất đúng đắn nhưng do trải nghiệm không tốt trước đó, bạn nghĩ rằng nó sai lầm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường bỏ qua những bài học cần rút ra khi quyết định tốt dẫn đến một kết cục tốt đẹp. Ta nghĩ rằng đó là điều nghiễm nhiên sẽ xảy ra.
|
Trở lại với bảng kết quả bốn phần mà bạn đã điền ở trên. Tình huống nào được bạn mô tả là Phần thưởng xứng đáng? Hãy viết ra vài lý do khiến bạn nghĩ rằng quyết định của mình là đúng đắn, Giờ thì hãy dành chút thời gian để nghĩ xem trong quyết định của bạn có điểm nào lẽ ra đã có thể tốt hơn không. |
||
|
Một số câu hỏi gợi ý: |
||
|
Bạn có thể có nhiều thông tin hơn hoặc có được thông tin tốt hơn trước khi quyết định không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Bạn có thể quyết định nhanh chóng hơn không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Bạn có thể dành thêm thời gian cho quyết định không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Có thông tin nào về sau bạn mới biết nhưng thực ra đã có thể biết từ trước và có thể thay đổi quyết định của bạn không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Có tình huống nào thậm chí còn tốt hơn kết quả mà bạn nhận được không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Nếu có, thì giả sử bạn đưa ra một quyết định khác, xác suất những kết quả tốt hơn xảy ra có tăng lên không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Nếu được làm lại, bạn có đưa ra một quyết định khác? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Thậm chí nếu vẫn đưa ra quyết định như cũ, bạn có thể nghĩ ra cách nào để cải thiện quy trình ra quyết định của mình không? |
CÓ ☐ |
KHÔNG ☐ |
|
Hãy suy ngẫm về các câu trả lời “Có” bạn đã đưa ra và viết vào đây. |
||
|
Việc phân tích những trường hợp khi chất lượng quyết định và chất lượng kết quả khớp với nhau Khi đã nhận được Phần thưởng xứng đáng, bạn vẫn có thể rút ra được Quy luật tương tự cũng áp dụng cho tình huống Thất bại nghiễm nhiên. Vì thế, hãy dành ra chút thời gian để thực hiện bài tập này đối với tình huống Thất bại nghiễm nhiên nữa. |
Ngay cả khi bạn đã đưa ra được một quyết định tốt, điều đó cũng không có nghĩa quyết định đó đã là quyết định tốt nhất. Thực tế là hiếm có ai đưa ra được một quyết định hoàn hảo. Để cải thiện quyết định của mình từng ngày, bạn phải sẵn lòng rũ bỏ sự tự mãn – thứ có thể được sinh ra từ một quyết định tốt dẫn đến một kết quả tốt.
Học hỏi từ kinh nghiệm cho phép bạn đưa ra những quyết định tốt hơn về sau. Việc suy từ kết quả sẽ ngăn trở bạn mài giũa khả năng đọc quả cầu pha lê, khiến bạn dự đoán tương lai ngày càng kém đi bởi đã bỏ qua những bài học có thể được học.
Đừng nghĩ rằng bạn không thể rút ra cho mình bài học nào đáng giá khi đang ăn mừng chiến thắng.
[6]
Xem xét lại những quyết định tốt nhất và tệ nhất
Trở lại với những câu trả lời mà bạn đã chọn ở đầu cuốn sách, khi tôi hỏi bạn về quyết định tốt nhất và tệ nhất của mình. Bây giờ, bạn cảm thấy như thế nào về những câu trả lời ấy? Bạn có đổi ý không? Sau khi suy xét (không chịu ảnh hưởng của việc suy từ kết quả), chúng có thực sự là những quyết định tốt nhất và tệ nhất của bạn không? Bạn đã thấy rõ hơn tác động của thói quen suy từ kết quả rồi chứ?
Hãy viết những suy ngẫm ấy ra đây.
Sau khi ngẫm lại, bạn hãy kể thêm về những quyết định mà bạn cho là tốt nhất hoặc tệ nhất.
Việc suy từ kết quả khiến ta mất đi sự đồng cảm dành cho bản thân và người khác.
Khi ai đó gặp phải kết quả tệ hại, ta ngay lập tức đánh giá quyết định của họ là sai lầm. Và từ đó, ta dễ buông lời trách mắng, đổ lỗi. Ta cảm thấy mình không cần thiết phải thương xót ai bởi tất cả những việc này xảy đến với họ là do lỗi của họ.
Không chỉ với người khác, lối tư duy này còn khiến ta hà khắc với chính bản thân mình. Khi ta áp dụng cái công thức lạnh lùng đó vào chính mình, ta trở nên ít khoan dung hơn với bản thân. Ta vùi dập bản thân khi mọi sự không diễn ra theo cách ta muốn.
Khi ai đó mang về kết quả tốt, ta không nên xem nhẹ những sai sót của họ chỉ vì “rốt cuộc thì kết quả vẫn tốt đẹp”. Ai cũng cần phải học những bài học sau một trải nghiệm, dù kết quả của trải nghiệm đó là tích cực hay tiêu cực. Điều ta cần làm là học hỏi để có được những quyết định tốt hơn trong tương lai. Giá trị của chúng ta nên được xác định dựa trên các quyết định có chủ đích mà ta đưa ra, chứ không phải dựa trên kết quả của sự việc – thứ có thể bị khống chế bởi yếu tố may rủi.
[7]
Tóm tắt về lối tư duy Suy từ kết quả
• Suy từ kết quảlà khuynh hướng dùng sự tốt/xấu của kết quả để đánh giá sự tốt/xấu của quyết định.
• Kết quả ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá quá trình ra quyết định trước đó của bạn, khiến bạn coi nhẹ hoặc bóp méo thông tin trong quá trình, khiến bạn nhìn nhận chất lượng quyết định theo chất lượng kết quả.
• Trong một quyết định ngắn hạn, không có nhiều sự liên quan giữa chất lượng quyết định và chất lượng kết quả. Hai yếu tố đó có quan hệ với nhau, nhưng là mối quan hệ cần thời gian dài để thể hiện.
• Sự may rủi là yếu tố can thiệp vào giữa quyết định của bạn với kết quả thực nhận. Việc suy từ kết quả khiến bạn khó nhận thấy vai trò của yếu tố này.
• Nhìn vào một kết quả, bạn không thể kết luận gì về chất lượng quyết định, bởi còn tồn tại sự chi phối của yếu tố may rủi.
• Khi đưa ra một quyết định, bạn gần như không thể bảo đảm nó sẽ dẫn đến một kết quả nhất định. Thay vào đó, mục tiêu của bạn nên là chọn ra phương án sẽ dẫn đến một tập hợp các kết quả được mong đợi nhất.
• Rút kinh nghiệm từ quá khứ có thể giúp bạn cải thiện các quyết định trong tương lai. Tư duy suy từ kết quả gây trở ngại cho quá trình học tập đó, khiến ta lặp lại nhiều quyết định sai lầm (vì trước đó đã ăn may) và từ bỏ nhiều quyết định vốn dĩ rất đúng đắn (vì trước đó đã xui xẻo). Tư duy này cũng khiến ta thờ ơ với việc đánh giá các tình huống chất lượng tốt – kết quả tốt cũng như tình huống chất lượng kém – kết quả kém; những trải nghiệm vốn cũng mang lại nhiều bài học giá trị.
• Thói quen suy từ kết quả khiến chúng ta thiếu sự đồng cảm với người khác và với chính mình.
CHECKLIST
☐ Kết quả đã ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá quyết định của mình (hay cách ai đó đánh giá quyết định của họ) đến mức nào?
☐ Đối với tình huống quyết định tệ dẫn đến kết quả tệ, bạn có chỉ ra được một vài điểm khá sáng suốt mà bạn đã đưa ra trong quá trình ra quyết định không? Bạn xác định điều đó bằng cách nào?
☐ Đối với tình huống quyết định tốt dẫn đến kết quả tốt, bạn có nghĩ ra được quyết định nào tốt hơn không? Quá trình đưa ra quyết định có thể được cải thiện như thế nào?
☐ Bạn nghĩ rằng những yếu tố nào có tác động đến kết quả nhưng ngoài tầm kiểm soát của người ra quyết định?
☐ Đâu là những viễn cảnh có thể đã xảy ra?
Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) là một bộ phim huyền thoại. Với chi phí sản xuất 11 triệu đô-la, Star Wars đã thu về hơn 775 triệu đô-la doanh thu phòng vé. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Tiếp nối sự thành công của phần đầu tiên, 11 phần sau ra đời, thu về hơn 10,3 tỷ đô-la cho đến đầu năm 2020. Theo sau đó là cả một hệ sinh thái khổng lồ sản xuất những mặt hàng có liên quan đến chủ đề phim. Năm 2012, Disney đã trả 4 tỷ đô-la để mua quyền kinh doanh thương hiệu Star Wars, cho phép mọi người được trải nghiệm cảm giác Star Wars ngay tại Disneyland.
Hãng phim United Artists (UA) là nơi đầu tiên có cơ hội có được bộ phim này, nhưng họ đã bỏ qua. Sau khi xem bộ phim khoa học viễn tưởng THX 1138 của George Lucas tại Liên hoan phim Cannes, UA đã ký hợp đồng với hai phim của Lucas. Nhưng hãng đã từ chối khi Lucas đề nghị thực hiện Star Wars. Trước đó, họ cũng bỏ qua đề nghị thực hiện American Graffiti (Đêm nổi loạn) – một bộ phim mà sau này cũng trở thành bom tấn.
Nhiều hãng phim khác cũng từ chối Star Wars, bao gồm cả Universal và Disney. Khi từ chối Star Wars vào năm 1970, Disney đã không biết rằng 35 năm sau, họ phải chi khoản tiền cao gấp 400 lần chỉ để có được quyền kinh doanh thương hiệu.
Dư luận đều cho rằng United Artists, Universal và Disney đã phạm phải sai lầm to lớn. Syfy Wire, một trong rất nhiều các trang web kể những câu chuyện dài kỳ về các loạt phim nổi tiếng, nhận định về United Artists với sự mỉa mai: “Đừng thắc mắc mà hãy nhớ rằng họ quá bận rộn với tập Pink Panther (Báo Hồng) tiếp theo, nên họ chẳng hào hứng chút nào với những bộ phim ‘không an toàn’ hoặc ‘không chắc sẽ hay’”.
Sự chật vật của Star Wars trong giai đoạn đầu là một trong những lý do chính khiến công chúng thốt lên câu nói nổi tiếng mà tác gia và biên kịch quá cố huyền thoại William Goldman nói về Hollywood: “Họ chẳng biết bất cứ điều gì cả!”.
Đó là kết luận mà ai cũng đưa ra được, và hầu như ai cũng làm thế. Tuy nhiên, khi kết luận vội vã như vậy, chúng ta đã quá phiến diện và bỏ qua quá nhiều thông tin. Những gạch đầu dòng dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy vì sao nhận định “Bỏ qua Star Wars là sai lầm to lớn” chính là một nhận định được suy ra từ kết quả.
• Quyết định bỏ qua bộ phim có thể dẫn đến những kết cục khác: Ngay từ đầu, bất kỳ bộ phim nào cũng chỉ từng là một ý tưởng. Star Wars của Lucas, vào thời điểm đó, có thể có rất nhiều viễn cảnh, và chưa chắc viễn cảnh nào cũng tốt đẹp. Ý tưởng của ông rất hay nhưng việc thực hiện có vẻ bất khả thi và quá tốn kém. Không có tên tuổi lớn tham gia. Nếu Lucas chọn diễn viên khác, bộ phim có thể đã thất bại. Khán giả đại chúng có thể không đánh giá cao bộ phim. Một cuộc suy thoái có thể nổ ra giữa lúc bộ phim đang được trình chiếu khiến người ta không ra rạp nữa.
• Những thông tin đã bị bỏ qua hoặc không được biết đến: Ta không biết các xưởng phim đã ra quyết định như thế nào khi Lucas đem Star Wars đến chào mời. Twentieth Century Fox, nơi nhận bộ phim, cũng không cho rằng mình nắm chắc phần thắng. Lucas và các giám đốc của Fox đã trả lời phỏng vấn rằng xưởng phim cũng không hiểu rõ lắm Lucas đang cố gắng làm gì. Họ cảm thấy dự án có vẻ điên rồ, nhưng ông chủ hãng phim đã nói với Lucas rằng: “Tôi không hiểu nó, nhưng tôi thích American Graffiti, nên anh làm gì thì tôi cũng chịu”.
• Những suy luận vô lý chịu ảnh hưởng bởi kết quả về quá trình ra quyết định: Điều chúng ta không thấy là những quyết định không đầu tư tương tự từ những hãng phim này hóa ra lại là những quyết định chí lý.
• Thiếu dữ liệu để kết luận rằng quyết định đó là tốt hay xấu: Phải đến khi bạn xem hết danh sách phim được gửi đến cho một hãng, đánh giá những bộ phim họ mua về và những bộ phim ấy có kết quả ra sao, khi đó bạn mới có đầy đủ thông tin để đưa ra kết luận.
Tóm lại, khi chỉ nhìn vào kết quả, chúng ta khó mà kết luận được chất lượng của quyết định. Kết quả không nên được xem là một dữ liệu đủ lớn, về cả số lượng (tất cả các quyết định mà các giám đốc hãng phim đã đưa ra) lẫn chất lượng (quá trình ra quyết định của các hãng phim khi họ nghe Lucas trình bày).