[1]
Sáu bước để đưa ra quyết định tốt hơn
Ở những phần trước, tôi đã giới thiệu đến bạn một số cách để chúng ta có thể đánh giá các quyết định cũ. Nhưng quá khứ thì không thể thay đổi được. Cái ta có thể làm là ứng dụng những gì ta đã học được từ quá khứ vào tất cả các quyết định mới bằng cách phát triển một quy trình ra quyết định chất lượng và có thể áp dụng cho nhiều tình huống.
Với tư cách của một người ra quyết định, thách thức lớn nhất của bạn là phải hiểu rõ rằng: mọi thứ, về bản chất, vô cùng mơ hồ. Đối với các quyết định cũ, bạn tái hiện lại chúng, cố gắng tránh những cái bẫy do thiên kiến gây ra khiến nhận thức của bạn bị bóp méo. Còn đối với các quyết định mới, bạn chỉ đang nhìn vào tương lai mông lung.
Quy trình sáu bước mà tôi sắp giới thiệu sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng của các quyết định mới, đồng thời giúp bạn đánh giá chất lượng các quyết định đã qua một cách khách quan và chính xác hơn. Khó mà đánh giá xác đáng được một quyết định sau sự việc, dưới cái bóng của một kết quả đã xảy ra rồi. Nhưng nếu bạn thực hành một quy trình ra quyết định tốt và ghi chú cẩn thận, ngày qua ngày, bạn sẽ giỏi hơn rất nhiều trong chuyện này.
Bạn sẽ không còn phải băn khoăn sau khi sự việc diễn ra, ngụp lặn trong những cái bẫy đến từ tư duy suy từ kết quả và thiên kiến nhận thức muộn.
Thay vào đó, bạn có thể đánh giá công việc của mình, một cách thật xác đáng.
Lưu ý, tôi chưa từng nói rằng kết quả không bao giờ cung cấp cho chúng ta các thông tin có giá trị. Kết quả mang tính thông tin rất cao khi nó diễn ra một cách bất ngờ, và bạn không lường trước được nó trong tập hợp các khả năng có thể xảy ra. Không quan trọng kết quả là tuyệt vời hay tệ hại. Quan trọng là liệu ta có thấy trước được nó không. Chất lượng quyết định phụ thuộc vào khả năng lường trước cục diện của bạn.
Khi nhìn lại một trải nghiệm, thật không dễ để đánh giá tính bất ngờ của trải nghiệm đó. Nhưng nếu bạn đã trải qua một quá trình rèn luyện thì bạn không chỉ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn mà còn có thể chỉ ra ngay thời điểm mà bạn đã không lường trước được diễn biến của sự việc – vì bạn đã thực sự ghi chép lại hết những suy nghĩ của mình ở thời điểm ra quyết định.
Đó là con đường đúng đắn để cải thiện và phát triển kỹ năng đưa ra quyết định.
Cùng lập ra một quy trình ra quyết định tuyệt vời nào!
SÁU BƯỚC ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH TỐT HƠN
Bước 1. Chọn một quyết định để bắt đầu, xác định tập hợp các kết quả có thể xảy ra đối với quyết định đó.
Bước 2. Xác định thứ tự ưu tiên của các kết quả theo các tiêu chuẩn của bạn – bạn thích hay không thích mỗi kết quả ở mức độ nào?
Bước 3. Dự đoán khả năng xảy ra của mỗi kết quả.
Bước 4. Đánh giá, so sánh khả năng xảy ra của các kết quả bạn thích và không thích.
Bước 5. Lặp lại các bước từ 1 đến 4 cho các quyết định khác.
Bước 6. So sánh các quyết định với nhau.
[2]
Lời khuyên của chuyên gia:
Đừng trêu chọc con vật to lớn nhất Bắc Mỹ
Ảnh bên dưới là một con bò rừng bison đang đứng chắn ngang một con đường ở Yellowstone. Anh chàng kia vì quá sốt ruột nên đã quyết định liều mạng ra khỏi xe để đuổi con vật to lớn nhất Bắc Mỹ đi khỏi con đường đó.
Giờ thì bạn thấy đó, cả hai đều đang di chuyển! Giao thông ắt hẳn sẽ hoạt động lại bình thường.
Đừng tra cứu, bạn đoán xem con bò rừng bison này nặng bao nhiêu?
Con số bạn đưa ra có cơ sở gì không?
Bao nhiêu tiền tôi cũng cược, bạn không đoán nó nặng dưới 45kg hay trên 4.500kg. Lát nữa ta sẽ quay lại thăm con bò để thấy vì sao tôi lại tự tin như vậy nhé!
[3]
Bạn ưu ái kết quả nào hơn?
Thứ tự ưu tiên rất quan trọng
Xác định được tập hợp các kết quả có thể xảy ra đã là một bước cải thiện lớn. Nó tốt hơn nhiều so với việc cứ để mặc cho một hay một vài kết quả nào đó bóp méo nhận thức của bạn – đó có thể là kết quả thực sự của các quyết định cũ, hoặc các kết quả chưa đến nhưng bạn rất mong đợi hay rất sợ nó sẽ xảy ra. Bạn muốn hiểu thấu các quyết định cũ và cải thiện các quyết định mới, nhưng dừng lại ở việc xác định được tập hợp các kết quả khả dĩ thôi là chưa đủ. Để hiểu rõ hơn về tập hợp các kết quả khả dĩ cho một quyết định nào đó, bạn còn cần phải xác định sự ưu ái mà mình dành cho mỗi kết quả mà bạn đã dự đoán.
Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu bổ sung thông tin cho các cành cây đã dựng. Hãy thể hiện mức độ mong muốn của bạn dành cho từng kết quả có thể xảy ra. Cách đơn giản nhất để làm việc này là liệt kê các kết quả theo thứ tự mức độ ưa thích của bạn từ cao xuống thấp.
Dưới đây là ví dụ cho công việc ở Boston, với kết quả lý tưởng nhất ở trên cùng.
Thứ bỏ đi của người này là báu vật của người khác
Tất nhiên, một kết quả có tốt hay không và tốt đến mức nào sẽ được đánh giá tùy thuộc vào mục đích của bạn và giá trị mà bạn hướng tới.
Có vẻ như ai cũng nhận định rằng, với một kỳ nghỉ kéo dài một tuần ở biển thì mưa liên tục suốt bảy ngày là một kết quả xấu. Điều đó đúng nếu mục đích của bạn là tắm nắng. Nhưng nếu mục đích của bạn là ngồi yên trong khách sạn và đọc cả chồng sách mà mình đã định đọc từ lâu thì sao? Khi đó, dẫu trời có mưa suốt mấy ngày thì với bạn, đó cũng không phải là một kết quả quá kinh khủng.
Hai người có thể có cùng mục tiêu là chăm sóc gia đình. Đối với một người, điều đó có nghĩa là sự bảo đảm về mặt tài chính. Đối với người còn lại, đó có thể là thời gian sum họp bên nhau. Điểm khác biệt về giá trị này đưa đến những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Người thứ nhất muốn công việc lương cao và có nhiều cơ hội thăng tiến, thậm chí bất chấp việc phải hy sinh thời gian bên gia đình. Người thứ hai sẽ chọn công việc lương thấp hơn nếu được làm theo lịch trình linh hoạt, có thể làm việc ở nhà, được tự do vào các buổi tối và cuối tuần.
Cốt lõi ở đây là điều bạn coi trọng khác với điều mà người khác coi trọng. Mục đích và giá trị mà bạn hướng đến sẽ hình thành mức độ ưu tiên khác nhau dành cho các kết quả khác nhau. Điều đó có nghĩa là khi bạn dành nhiều sự ưu ái hơn cho kết quả A, thì người khác có thể sẽ ưu ái kết quả B, kết quả C, tùy vào mục đích và giá trị mà họ muốn đạt được.
Không có ai sai cả. Vì chúng ta khác nhau, nên chúng ta cũng yêu và ghét những điều khác nhau. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là bạn không thể tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Lời khuyên có thể là một công cụ ra quyết định tuyệt vời miễn là bạn đã thể hiện rõ những mục tiêu và giá trị mà mình đang tìm kiếm. Nếu không, đối phương có khả năng sẽ cho rằng bạn cũng ưu ái những kết quả giống họ, từ đó cho bạn những lời khuyên mà không hề giúp bạn đạt được mục đích.
Hãy chọn ra một cái cây quyết định mà bạn đã tạo trong Chương 3 và sắp xếp lại những kết quả có thể xảy ra theo mức độ ưu ái của bạn.
Những mục tiêu và giá trị nào hình thành nên thứ tự ưu tiên này của bạn?
Có kết quả nào trong số này tốt hơn hẳn những kết quả khác không?
Có kết quả nào trong số này tệ hơn hẳn những kết quả khác không?
Đối với hầu hết mọi quyết định bạn đưa ra, sẽ luôn có một số kết quả được bạn mong chờ và một số khác thì không. Bằng cách sắp xếp những kết quả theo thứ tự ưu tiên, bạn có thể nhìn thấy ngay có bao nhiêu kết quả khả dĩ mà mình thích và không thích.
Tất nhiên, ta không kết luận rằng một quyết định là tốt chỉ vì hầu hết các kết quả khả dĩ của nó là tốt, và ngược lại. Bạn còn cần biết mức độ, nghĩa là nếu tốt thì tốt đến đâu và nếu xấu thì xấu đến đâu. Nói cách khác, bạn cần nghĩ về mức độ ưu ái của mình – bạn thích hay không thích từng kết quả ấy đến mức nào.
Khoản thu về cũng quan trọng lắm đấy
Trong một tập hợp các kết quả có thể xảy ra của một quyết định, có những kết quả dẫn đến việc bạn có được một cái gì đó, cũng có những kết quả dẫn đến việc bạn mất đi một cái gì đó. Những khoản được hay mất này gọi là khoản thu về. Khoản thu về là thứ quyết định bạn sẽ ưu ái kết quả nào hơn.
Nếu một kết quả đẩy bạn đến gần mục tiêu thì khoản thu về của bạn là số dương – tức là bạn nhận được những kết quả tích cực. Nếu một kết quả đẩy bạn ra xa mục tiêu thì khoản thu về của bạn là số âm – có nghĩa là bạn sẽ phải chịu những hậu quả tiêu cực. Mức độ của “cú đẩy” đó quyết định bạn thích hay ghét một kết quả đến mức nào. Bạn sẽ ưu ái một kết quả hơn khi biết kết quả đó đưa bạn đến gần mục tiêu và giúp bạn có được những điều bạn muốn, và ngược lại.
Khái niệm khoản thu về sẽ dễ hiểu hơn nhiều khi chất lượng kết quả có thể được đo lường bằng tiền. Chẳng hạn, khi đầu tư vào một thương vụ, kiếm được càng nhiều tiền thì bạn “được” càng nhiều. Tuy nhiên, khoản thu về không chỉ gói gọn trong chuyện tiền bạc, lợi ích mà còn có thể là bất cứ thứ gì mà bạn coi trọng, ví dụ như hạnh phúc (của bạn hay của người khác), thời gian, sự công nhận của xã hội, sự tự hoàn thiện, lòng tự tôn, sự tín nhiệm, sức khỏe,...
Khi một kết quả xảy ra, liệu hạnh phúc của bạn sẽ tăng lên hay giảm xuống? Bạn sẽ có thêm hay mất đi thời gian? Sự công nhận mà xã hội dành cho bạn tăng lên hay giảm xuống? Lòng tự tôn của bạn sẽ được coi trọng hay bị sỉ nhục? Sự việc đó khiến cho ai đó quan trọng với bạn hạnh phúc hơn hay bất hạnh hơn?
Mọi thứ mà bạn coi trọng đều có thể là đơn vị đo lường của khoản thu về.
Nếu trong tập hợp các kết quả khả dĩ có một số khoản thu về tích cực, khi đó, khả năng tích cực của cả quyết định sẽ được nâng lên. Ngược lại, khi có mặt một số khoản thu về tiêu cực, khả năng tiêu cực của cả quyết định đó cũng sẽ gia tăng đáng kể.
Giả dụ bạn đang suy nghĩ có nên đầu tư vào một cổ phiếu hay không. Khả năng tích cực là món tiền mà bạn kiếm được nếu cổ phiếu tăng giá trị. Khả năng tiêu cực là số tiền bạn mất nếu nó giảm giá trị.
KHẢ NĂNG TÍCH CỰC
Xu hướng tích cực của một quyết định, khi kết quả thu về là “có được”.
KHẢ NĂNG TIÊU CỰC
Xu hướng tiêu cực của một quyết định, khi kết quả thu về là “mất đi”.
Bạn đang cân nhắc xem có nên đi dự một bữa tiệc cocktail không. Khả năng tích cực là bạn sẽ có thời gian vui vẻ, thắt chặt thêm tình bạn, kết thêm bạn mới hoặc gặp những người có thể giúp đỡ trong công việc. Chưa biết chừng bạn còn gặp được tình yêu của đời mình.
Khả năng tiêu cực là bữa tiệc có thể buồn tẻ, làm phí mất khoảng thời gian mà lẽ ra bạn có thể làm gì đó vui hơn. Bạn có thể hủy hoại tình bạn sau khi lao vào một cuộc tranh cãi nảy lửa về một chủ đề chính trị nhạy cảm. Bạn có thể bỏ quên thói quen ăn uống lành mạnh của mình vì không cưỡng lại sức hấp dẫn của những miếng pizza và bánh kem.
Bạn muộn giờ và đang nghĩ xem có nên chạy quá tốc độ không. Khả năng tích cực là bạn đến kịp giờ làm. Còn khả năng tiêu cực? Là dù có tăng tốc thì bạn vẫn đi làm trễ, hoặc bạn có thể bị phạt lỗi chạy quá tốc độ (điều khiến bạn thậm chí còn đến công ty muộn hơn). Hoặc tệ hơn, bạn có thể gặp tai nạn mà nếu tuân thủ đúng luật bạn lẽ ra đã không bị.
RỦI RO
Bạn đặt mình vào tình thế có thể phải chịu khả năng tiêu cực
Phần lớn các quyết định đều có cả khả năng tích cực lẫn tiêu cực. Khi phán đoán một quyết định nào đó là tốt hay xấu, thực chất câu hỏi của bạn là liệu những điểm tích cực của quyết định đó có lớn hơn những rủi ro mà quyết định đó mang lại hay không.
Để làm được điều đó, bạn cần có trong tay tập hợp các kết quả có thể có (Bước 1), những thứ được và mất đi kèm theo mỗi kết quả (Bước 2). Nếu không tính toán được mức độ tích cực/tiêu cực của kết quả, ta không thể biết được liệu việc theo đuổi khả năng tích cực có đáng để chấp nhận rủi ro phải chịu những khả năng tiêu cực hay không.
Quyết định của bạn có thể có bốn kết quả khả dĩ đưa bạn đến mục tiêu và chỉ có duy nhất một kết quả có thể khiến bạn thua cuộc. Nhưng chỉ vậy thôi cũng chưa có nghĩa là quyết định này đã đáng để liều một phen.
Bốn kết quả tích cực có thể rất nhiều về số lượng nhưng chất lượng thì không cao. Ví dụ như tiết kiệm được 1 đô-la, có hơi thở thơm mát thêm một tiếng đồng hồ, đến đâu đó sớm hơn được năm phút hoặc mang đôi tất được thêm một ngày nữa, còn kết quả tiêu cực là một hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, đương nhiên, bạn không thể mạo hiểm, vì lý do khiến bạn mạo hiểm là không đáng.
Việc đánh giá chất lượng của một quyết định đòi hỏi ta phải xác định được liệu kết quả tích cực có xứng đáng để đánh liều với kết quả tiêu cực hay không
Đó là lý do vì sao mức độ ảnh hưởng của khoản thu về lại quan trọng.
Đây là nơi ta bắt đầu thấy rõ hơn hạn chế của danh sách ưu-nhược điểm. Cái hay của danh sách ưu- nhược điểm là ít ra nó cũng khiến bạn suy nghĩ về các khả năng tích cực (ưu) và tiêu cực (nhược) – đây chính là khởi đầu của Bước 2. Thiếu sót lớn nhất của danh sách ưu-nhược điểm là không cân nhắc gì về sức nặng và tầm ảnh hưởng của khả năng, chỉ đơn giản là liệt kê chúng thành những gạch đầu dòng, xem chúng ngang hàng nhau.
Danh sách ưu-nhược điểm chưa thực sự phân tích sâu vấn đề. Vì chỉ đơn thuần là một danh sách nên vô hình trung, nó coi khả năng đến công ty sớm hơn một chút cũng ngang bằng với nguy cơ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Không có thông tin rõ ràng về sức nặng, về mức độ quan trọng của ưu điểm và nhược điểm thì bạn không thể so sánh các mặt tích cực và tiêu cực trong danh sách.
Nếu có 10 ưu điểm và 5 nhược điểm thì bạn đã ra quyết định được chưa? Ta chưa thể nói được nếu như chưa có thông tin về sức nặng và tầm ảnh hưởng của các ưu và nhược điểm đó, vì bạn không thể tính được liệu khả năng tích cực có lấn át khả năng tiêu cực hay chưa chỉ bằng cách đếm các gạch đầu dòng.
[4]
Xác suất rất quan trọng
Bạn mua cổ phiếu của một công ty ô tô điện. Giá cổ phiếu tăng gấp bốn lần. Bạn tự khen bản thân mình đã có một quyết định tuyệt vời. Nhưng nếu khả năng cổ phiếu tăng gấp bốn là rất nhỏ trong khi khả năng mất giá lại lớn, liệu lời khen đó có thật sự chính xác?
Bạn mua cổ phiếu của của một công ty ô tô điện. Giá cổ phiếu lao dốc, chạm mức 0. Bạn tự trách mình đã đưa ra một quyết định tệ hại. Nhưng nếu khả năng cổ phiếu hạ xuống mức 0 là rất nhỏ thì sao?
Mỗi lần lên xe là một lần bạn đối mặt với rủi ro lớn: bị tai nạn và chết. Tất nhiên, bạn chấp nhận rủi ro ấy vì xác suất điều ấy xảy ra rất nhỏ và các điều tích cực mà bạn nhận được (tiết kiệm thời gian, hiệu suất cao, tiết kiệm sức lực,...) là hoàn toàn xứng đáng để “đánh đổi”. Tương tự, mặc dù bạn có thể kiếm được cả gia tài nhờ xổ số (đổi lại chỉ mất 1 đô-la), nhưng cơ may trúng số lại nhỏ đến mức không đáng với rủi ro mất đi dù chỉ 1 đô-la đó.
Những khả năng tích cực có thể rất đáng giá trong dài hạn. Khởi nghiệp cần một khoản đầu tư rất lớn và bạn phải chịu rủi ro. Đa số trường hợp bạn sẽ mất tiền vì phần lớn doanh nghiệp mới đều thất bại. Nhưng khả năng tích cực khổng lồ (nếu bạn có mối quan hệ với các doanh nghiệp lớn và nhận được sự hỗ trợ của họ) có thể khiến cho rủi ro này thành ra xứng đáng. Suy cho cùng, đó chính là lý do các quỹ đầu tư mạo hiểm tồn tại.
Để kết luận một quyết định là tốt hay xấu, bạn cần biết không chỉ những khả năng có thể xảy ra, có thể được hoặc mất gì, mà còn cả xác suất xảy ra của từng khả năng. Điều đó có nghĩa là để trở thành một người ra quyết định giỏi hơn, bạn cần phải sẵn sàng ước tính xác suất.
Nếu bạn không biết xác suất xảy ra của từng khả năng là bao nhiêu, việc bạn ngẫu nhiên thành công đôi khi chỉ là do may mắn. Trong trường hợp xác suất thành công của quyết định là rất nhỏ, sẽ rất tai hại nếu bạn tự khen mình vì điều đó.
Tình huống khác, bạn tự trách mình vì một kết quả tồi tệ đã xảy ra. Nhưng trên thực tế, nếu xác suất xảy ra kết quả đó là rất nhỏ, bạn không cần phải tự trách mình nữa.
Hoặc, bạn có thể nghĩ mình xui xẻo mới gặp phải một kết quả tệ hại, nhưng nếu khả năng xảy ra kết quả đó rất cao, thì đó chẳng phải chuyện xui xẻo gì cả. Đó là chuyện có thể dự đoán trước rồi.
Hoặc, bạn có thể ra quyết định bất chấp vì bị hấp dẫn bởi một trong các kết quả dù biết rằng xác suất xảy ra kết quả đó là rất thấp.
Hoặc, bạn bỏ qua một cơ hội vì sợ rủi ro, dù rủi ro chỉ rất nhỏ và các khả năng tích cực dư sức “bù đắp” được.
[5]
Có gì trong đầu của một cung thủ?
Phần lớn mọi người đều cảm thấy không thoải mái khi phải tính toán xác suất điều gì đó xảy ra trong tương lai. Tôi đoán lý do phần nào là vì, đối với đa số các quyết định, bạn không thể biết được chính xác xác suất của một khả năng nào đó chưa xảy ra. Hầu hết xác suất của các quyết định đều không giống với trò tung đồng xu – xác suất chắc chắn sẽ luôn là 50-50.
Đối với đa số các quyết định, bạn không biết hết được mọi điều cần biết để đi đến một câu trả lời hoàn toàn khách quan về xác suất của một việc gì đó sắp xảy ra. Và như thế, bất kỳ câu trả lời nào bạn đưa ra có vẻ đều hoàn toàn chủ quan. Hoặc tệ hơn nữa là bạn đưa ra phán đoán sai. Và vì thế bạn ngại đoán.
Làm sao bạn biết khả năng mình sẽ yêu Boston hoặc công việc mới là bao nhiêu khi chưa bao giờ sống ở thành phố đó hoặc trải nghiệm công việc cụ thể đó?
Làm sao bạn biết khả năng bạn sẽ yêu ngôi trường đó là bao nhiêu khi bạn chưa bao giờ đến học?
Làm sao bạn biết khả năng một cổ phiếu nào đó trong tương lai sẽ tăng là bao nhiêu?
Làm sao bạn biết khả năng sẽ chốt được đơn với một khách mới là bao nhiêu, khi họ là khách hàng mới?
Khi phải trả lời cho tất cả những câu hỏi trên, bạn chắc hẳn đang nghĩ: “Thì tôi cứ đoán thôi”.
Và điều đó đưa chúng ta trở lại với con bò rừng bison.
Trở lại với con bò rừng
Dù bạn đoán con bò nặng bao nhiêu thì cũng gần như chắc chắn là bạn không có câu trả lời đúng, nếu “đúng” ở đây là cân nặng chính xác của con bò kia.
Bạn không biết nhiều điều về con bò ấy lắm. Bạn đang cố đoán chỉ từ một tấm hình. Kể cả bạn có mặt ngay tại đấy thì cũng không thể đo được chiều cao chính xác, hoặc biết tuổi của nó, nó là bò đực hay bò cái. Khó mà có khả năng bạn mang theo bên mình một cái cân gia súc, và nếu có thì chưa chắc bạn biết cách dụ con bò bước lên cân.
Khi phán đoán, khoảng cách giữa tri thức tuyệt đối với hiểu biết thực tế của bạn làm bạn lo lắng.
Bạn biết có một câu trả lời đúng khách quan – cân nặng thực của con bò. Nếu có được thông tin hoàn hảo, nếu bạn là Ngài Biết Tuốt, thì chắc hẳn bạn đã biết con số chính xác. Nhưng bạn không phải là Ngài Biết Tuốt.
Việc đó đè nặng lên vai bạn như thể thay vì đoán thì bạn sẽ phải cõng con bò (Ít ra nếu phải cõng thì bạn cũng không cần phải biết cân nặng của nó nữa, vì bạn biết nó thừa sức đè bạn bẹp dí).
Có một câu trả lời đúng mà bạn không biết – điều này khiến cho việc ước chừng đối với bạn chẳng vui chút nào. Bạn biết câu trả lời của mình sẽ không đúng. Vậy ngược lại với đúng là gì?
Là sai.
Ai lại muốn sai chứ?
Kiểu suy nghĩ rằng chỉ có “đúng” và “sai”, ngoài ra không có gì khác là một trong những rào cản lớn nhất của việc đưa ra quyết định tốt. Vì để ra quyết định tốt, đầu tiên, bạn phải hứng thú với việc đoán cái đã.
“Tôi đoán đại thôi”
Mọi người thường “rào trước” các phán đoán của mình với câu “Tôi chỉ đoán đại thôi nhé”; ngụ ý rằng bất cứ thứ gì bên dưới tri thức tuyệt đối đều khiến câu trả lời của bạn trở thành trò hên xui may rủi. Ta mắc kẹt vào việc không có đủ thông tin, và coi thường những điều mình đã biết.
Mặc dù bạn không biết cân nặng chính xác của con bò rừng đó thật, nhưng không có nghĩa là bạn không biết gì. Là một con người sống trên đời, bạn biết rất nhiều thứ.
• Bạn biết nhiều về trọng lượng của các vật nói chung. Thiết bị bên trong nặng hơn thùng các tông đựng nó. Đá nặng hơn lông. Vật rất to gần như luôn nặng hơn những thứ rất nhỏ. Bò rừng thì chắc chắn là nặng hơn người.
• Bạn chắc hẳn đã có khái niệm về cân nặng trung bình của một con mèo hoặc một con chó. Thậm chí bạn còn có thể biết cả cân nặng trung bình của một con bò.
• Bạn có thể phần nào so sánh được kích thước của con bò so với những chiếc xe hơi quanh đấy, và cả anh chàng đang trêu chọc nó.
• Bạn biết mình nặng bao nhiêu.
• Bạn biết con bò nặng hơn anh chàng kia.
• Bạn đã ít nhiều biết trọng lượng của những chiếc xe kia là bao nhiêu và chắc là xe nặng hơn con bò.
Tất cả tri thức của bạn, dù không hoàn hảo và tuyệt đối, nhưng cũng cho thấy dự đoán của bạn không hẳn là đoán bừa đoán đại. Mặc dù không có được thông tin hoàn hảo, bạn vẫn có nhiều hơn là chẳng có thông tin gì về cân nặng của một con bò.
Thế cho nên tôi mới cá rằng bạn sẽ không đoán con bò ấy nặng dưới 45kg hoặc trên 4.500kg, vì tôi chắc rằng bạn đã biết một số thứ.
Bạn hầu như luôn biết gì đó, mà đã là gì đó thì vẫn tốt hơn là không có gì. Có thể bạn không biết một cách đầy đủ, nhưng khi phải ra quyết định, những gì bạn biết vẫn sẽ được ghi nhận.
Đừng coi thường những thông tin ở vùng chính giữa “đúng” và “sai”.
Đừng coi thường giá trị của việc ít sai hơn một chút hoặc gần đúng hơn một chút.
Gạt đi việc ước đoán khả năng xảy ra bằng câu “Tôi chỉ đoán đại thôi” là bạn đã rũ bỏ trách nhiệm cố gắng tìm hiểu xem mình biết gì hay có thể tìm được gì. “Tôi đoán đại thôi,” thế thì còn nói gì nữa? Bạn thậm chí còn không thèm đưa những hiểu biết của mình vào quyết định.
Tri thức mà bạn có có thể được sử dụng cho bất kỳ ước đoán nào. Dù nhỏ thôi, nhưng chúng vẫn sẽ tạo ra sự khác biệt trong chất lượng quyết định của bạn. Những khác biệt đó, dù chỉ nhỏ nhặt, cũng sẽ được “cộng dồn” qua thời gian. Giống như lãi kép trong kinh doanh, những cải thiện nhỏ trong chất lượng quyết định sẽ đem lại lợi ích lớn về lâu về dài.
Đừng ném những gì bạn biết vào sọt rác chỉ vì “Đoán đại thôi”.
Tận dụng những gì được học
Có một cách để phân biệt những phán đoán dựa trên hiểu biết và bằng chứng với những phán đoán may rủi không dựa trên bất kỳ thông tin nào. Ta gọi các phán đoán có hiểu biết là phán đoán có cơ sở .
Một phán đoán có cơ sở hay không không phải là điều chúng ta cần chú ý. Quan trọng là cơ sở của phán đoán ấy mạnh đến mức nào.
Tất cả các phán đoán đều là phán đoán có cơ sở vì bạn gần như không thể đưa ra dự đoán nào về những điều mình hoàn toàn mù tịt.
Bạn có thể hình dung hiểu biết của mình trên một phổ trải dài liên tục từ “không có thông tin” đến “có thông tin đầy đủ”.
Không có thông tin nghĩa là bạn chẳng biết gì. Có thông tin đầy đủ nghĩa là bạn biết hết. Đối với phần lớn các quyết định, mức độ hiểu biết của bạn đối với vấn đề sẽ nằm đâu đó ở giữa: bạn biết một số thông tin, nhưng không phải là tất cả.
Giống như khi bạn ước lượng cân nặng của con bò rừng ấy.
Hiểu biết dù ít ỏi thì vẫn là hiểu biết. Thậm chí chỉ với một chút hiểu biết về trọng lượng của bò rừng bison, bạn đã có thể thu hẹp được quãng từ 0 đến vô cực xuống thành đâu đó trong khoảng từ 360kg đến 1500kg, thế đã là rất nhiều rồi. Bạn đã thu hẹp được phạm vi. Có thể bạn không biết cân nặng chắc chắn nhưng đã tiến gần hơn tới đáp án.
Nếu đang nghĩ đến chuyện nhận việc ở Boston, bạn không biết chắc mình có thích công việc hay không, mình có thích thành phố hay không. Nhưng bạn đã biết vài điều về công việc và về thành phố ấy. Những gì bạn biết ít nhiều cũng có giá trị chứ. Như những gì bạn biết về con bò vậy.
Một phán đoán có cơ sở sẽ mang lại rất nhiều giá trị. Bạn càng sẵn lòng đoán bao nhiêu thì bạn lại càng suy nghĩ nhiều và áp dụng tất cả hiểu biết của mình. Bên cạnh đó, càng đoán thì bạn sẽ càng bắt đầu suy nghĩ về việc tìm hiểu thêm thông tin để đến gần hơn đến lời giải.
Dù bạn đang ước đoán cân nặng của một con bò hay khả năng thành công của Kingdom Comb, nhiệm vụ của bạn là trả lời được hai câu hỏi:
(1) Mình đã biết điều gì? Có những điều nào sẽ làm cho phán đoán có thêm cơ sở?
(2) Mình có thể tìm hiểu thêm những gì để giúp cho phán đoán có thêm cơ sở?
Tư duy của cung thủ
Thay đổi cách nhìn của bạn về việc phán đoán là một bước quan trọng để trở thành người ra quyết định tốt hơn. Thay vì cảm thấy khó chịu khi phải phán đoán với suy nghĩ “Mình chưa chắc đã đúng (và tất cả những gì không đúng thì đều là sai)”, hãy nghĩ về phán đoán như cách một cung thủ nghĩ về mục tiêu.
Giống như việc ra quyết định, bắn cung không phải là trò được ăn cả ngã về không. Hồng tâm là mục tiêu cao nhất của một cung thủ. Anh ta nhắm vào hồng tâm, nhưng anh ta luôn biết rằng chỉ cần bắn trúng bia là sẽ được tính điểm.
Giá trị của phán đoán không nằm ở chỗ phán đoán ấy là “đúng” hay “sai”. Các phán đoán của bạn cũng giống như mũi tên của cung thủ. Nếu bạn nắm trong tay mọi dữ kiện cần thiết và mọi phán đoán của bạn đều chính xác, điều đó cũng giống như tất cả các mũi tên đều bắn trúng vào hồng tâm. Khi đưa ra một dự đoán có cơ sở, điều này đồng nghĩa với việc bạn đang nhắm vào hồng tâm, cho dù dự đoán này không hoàn toàn chính xác đi chăng nữa thì cũng giống như cung thủ, bạn vẫn ghi được điểm vì gần trúng.
Không sao cả, ta có thể thừa nhận rằng mình không thường bắn trúng hồng tâm. Điều quan trọng ở đây là bạn biết nhắm vào mục tiêu. Khi nhắm vào hồng tâm, nghĩa là khi đưa ra một phán đoán có cơ sở, dù không thực sự bắn trúng hồng tâm, cú bắn ấy vẫn sẽ đưa bạn tới đâu đó rất gần với hồng tâm, vì nó thúc đẩy bạn đánh giá những gì bạn biết và không biết. Phán đoán thúc đẩy bạn học hỏi.
Tư duy của cung thủ là tư duy nhắm vào mục tiêu. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc này, và nhận thức được rằng các phán đoán mà mình đưa ra không phó thác hoàn toàn vào trò may rủi mà đều có cơ sở. Nếu không có tư duy này, bạn sẽ không đi tìm cơ sở cho quyết định của mình mà sẽ tự bịt mắt mình trước mục tiêu.
Kích hoạt trạng thái sẵn sàng phán đoán
Khi tự bịt mắt và tham gia trò bịt mắt bắt dê, bạn thật ra vẫn đang phán đoán xem mục tiêu của mình nằm ở đâu và nhắm vào đó. Chỉ vì bị bịt mắt nên khả năng xác định mục tiêu của bạn không được tốt thôi.
Điều đó cũng đúng với việc ra quyết định. Ngay cả khi bạn vô cùng mơ hồ về tập hợp các khả năng, về thứ tự ưu tiên và xác suất xảy ra của từng viễn cảnh, bạn vẫn đang trong trạng thái ước đoán. Trong mọi quyết định đều ẩn chứa niềm tin rằng, so với các khả năng khác, khả năng này có xác suất xảy ra cao nhất.
Mỗi khi bạn lựa chọn, bạn đang dự đoán xác suất xảy ra của từng kết quả khả dĩ.
Vì vậy, dù bạn có hiểu đúng về phán đoán hay không thì quyết định cũng có nghĩa là đưa ra dự đoán về cách mọi việc có thể xảy ra. Nếu bạn bắn tên, tên sẽ trúng vào thứ gì đó. Bạn có thể chọn trở thành một cung thủ nhắm bắn cẩn thận, hoặc chọn trở thành bản thân ngày bé, đang tham dự bữa tiệc sinh nhật của chính mình, phải bịt mắt lại và bắt những con dê. Hãy tháo băng bịt mắt ra, mở mắt mà ngắm cho thật kỹ.
Việc ý thức được rằng dù sao mình cũng đang ước đoán sẽ gia tăng tối đa khả năng bạn đưa những điều đã biết vào phán đoán – cũng là quyết định của bạn. Đồng thời, điều này cũng khiến bạn tự hỏi lại bản thân xem mình cần phải học thêm những gì để có thêm nhiều hiểu biết, từ đó có thêm cơ sở để đưa ra các phán đoán chính xác hơn.
[6]
Tính xác suất có phức tạp như bạn nghĩ?
Khi thêm yếu tố xác suất vào các kết quả trên cây quyết định, bạn có thể mô tả những xác suất ấy bằng các từ thông dụng thể hiện khả năng xảy ra của một điều gì đó, ví dụ như “khả năng cao” hoặc “hiếm khi xảy ra”. Andrew Mauboussin và Michael Mauboussin đã tạo ra một danh mục khá đầy đủ và bao quát những từ như vậy trong một khảo sát mà họ thực hiện. Bạn có thể tham khảo những từ bên dưới.
Hầu như luôn xảy ra Gần như chắc chắn Luôn luôn xảy ra Chắc chắn Thường xuyên xảy ra Nhiều khả năng Có lẽ sẽ xảy ra Có thể xảy ra |
Thường sẽ xảy ra Không bao giờ Không thường xảy ra Thường xảy ra Có khả năng Rất có thể sẽ xảy ra Hiếm khi xảy ra Thực sự có khả năng |
Rất có khả năng Ăn chắc Khó xảy ra Thông thường Xác suất cao Xác suất thấp Xác suất tương đối |
Hãy dùng danh sách này để bổ sung thêm thông tin về xác suất xảy ra của một khả năng khi vẽ cây quyết định. Hãy nhớ là tất cả phán đoán đều là phán đoán có cơ sở, nên đừng ngại ước chừng thử xem một kết quả nào đó có xác suất xảy ra như thế nào, kể cả khi bạn không biết chắc. Một phán đoán có cơ sở vẫn tốt hơn là không có phán đoán nào.
Dưới đây là một ví dụ về xác suất xảy ra của từng kết quả đối với quyết định nhận việc tại Boston:
Tất nhiên, nếu bạn làm việc này trước khi ra quyết định về việc có chuyển đến Boston hay không thì còn tốt hơn nữa. Việc vạch ra các khả năng và tính toán xác suất đem lại cho bạn cái nhìn rõ hơn về chất lượng của quyết định.
Xác suất xảy ra của từng khả năng cũng là thứ mà danh sách ưu-nhược điểm không có. Do đó, danh sách ưu-nhược điểm khiến bạn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Bước 3 và Bước 4, vì cả hai bước này đều đòi hỏi bạn nghiên cứu kỹ về xác suất.
Sau khi đã bổ sung thứ tự ưu tiên và xác suất xảy ra vào cây quyết định, bạn có thể rà soát các khả năng để so sánh khả năng tích cực và khả năng tiêu cực, từ đó rút ra kết luận liệu khả năng tích cực có xứng đáng để đưa ra một quyết định rủi ro hay không. Nói cách khác, giờ đây bạn có thể thực hiện Bước 4: Đánh giá xác suất của các kết quả bạn thích và không thích để cân nhắc lựa chọn.
Danh sách ưu-nhược điểm không thực sự được thiết kế để trở thành một công cụ so sánh các lựa chọn, nó chỉ đánh giá duy nhất một lựa chọn (ngay cả như vậy, nó vẫn bỏ qua phần thứ tự ưu tiên và xác suất của các khả năng mà lựa chọn đó mang đến). Đương nhiên, danh sách ưu- nhược điểm vẫn tốt hơn so với việc bạn không có gì trong tay, nhưng mức độ hiệu quả lại không cao.
Bạn thực sự quan tâm điều gì:
một viễn cảnh chung hay một khoản thu về hấp dẫn?
Cho đến lúc này, chúng ta mới chỉ nói về kết quả như một viễn cảnh chung chung. Nhưng đối với hầu hết các quyết định, điều mà bạn thực sự quan tâm là một khoản thu về nhất định nào đó chứ không phải là tất cả những gì sẽ xảy ra trong từng kết quả. Khi bạn quan tâm đến chỉ một mục đích, bạn có thể tập trung vào thứ quan trọng với mình bằng cách hướng các phán đoán của mình vào các khoản thu về đó.
Nếu lựa chọn đầu tư, hẳn bạn quan tâm đặc biệt tới khoản tiền thu về. Trong trường hợp này, bạn có thể tập trung phân tích các khả năng tăng gấp bốn, gấp đôi, lãi 50%, lỗ một nửa giá trị hoặc về 0.
Nếu đang cố gắng ăn uống lành mạnh hơn, bạn có thể quyết định xem có nên dừng đi đến phòng nghỉ ở văn phòng để khỏi phải thấy mấy món bánh trái ở đó không. Khi cân nhắc quyết định, bạn tự hỏi: “Nếu đến phòng nghỉ, khả năng mình sẽ không ăn cái bánh nào, ăn một cái, hai cái, hay ăn rất nhiều,... là bao nhiêu?”.
Nếu bạn đang tuyển dụng và đau đầu về vấn đề nhân viên nhảy việc, sự chú ý của bạn nên tập trung vào khả năng ứng viên sẽ ở lại với công ty trong sáu tháng, một năm, hoặc hai năm, từ đó bạn sẽ đánh giá được khía cạnh quan trọng nhất đối với mình trong quyết định.
Dưới đây là ví dụ về cây quyết định tập trung vào việc giữ chân nhân viên:
Khi chọn lọc chỉ những kết quả mà bạn quan tâm và tập trung vào một hướng diễn biến cụ thể, bạn sẽ đơn giản hóa được tập hợp các kết quả. Điều này giúp các phương án trở nên sáng tỏ hơn khi được so sánh đồng đẳng với nhau.
Giờ thì bạn có thể lặp lại quy trình từ Bước 1 đến Bước 4 cho các ứng viên khác (Bước 5) và so sánh từng ứng viên với nhau (Bước 6) để tính toán xem lựa chọn nào có nhiều khả năng khắc phục vấn đề chi phí tuyển dụng hơn. Bạn có thể xem xét cả hai lựa chọn để xem lựa chọn nào có khả năng đưa bạn tới kết quả mong muốn cao hơn.
Trong trường hợp dưới đây, ứng viên A rõ ràng là sự lựa chọn sáng suốt hơn.
Trong lần kiểm tra sức khỏe mới nhất, bác sĩ lưu ý rằng lượng đường huyết của bạn đã khá cao so với mức bình thường (thấy chưa, mớ bánh trái trong phòng nghỉ!). Bác sĩ khuyên bạn điều chỉnh chế độ ăn uống và bắt đầu tập luyện thường xuyên.
Bạn đồng ý với khuyến cáo ăn uống này, thậm chí còn tình nguyện ăn nhiều rau tươi không qua chiên xào. Bạn còn cân nhắc đăng ký đi tập gym ở phòng tập A.
Khi cân nhắc xem có nên đăng ký ở phòng tập A không, khoản thu về mà bạn quan tâm nhiều nhất là liệu bạn thực sự sẽ đi tập thường xuyên đến mức nào. Vì đang cố luyện tập nhiều hơn theo yêu cầu của bác sĩ nên mức độ thường xuyên là khía cạnh bạn quan tâm nhiều nhất trong quá trình đánh giá quyết định.
Dưới đây là một tập hợp các kết quả khả dĩ:
■ Lần cuối cùng bạn đến phòng gym là lúc bạn cầm theo giấy tờ tùy thân, đi loanh quanh một hồi, định đăng ký rồi lại thôi. Tóm lại, cả tuần bạn chẳng đến phòng tập lần nào.
■ Ban đầu bạn đi tập thường xuyên, nhưng giảm dần, cuối cùng mỗi tuần chỉ còn đi một lần, mỗi lần đến phòng tập là bạn ngồi một chỗ và uống sinh tố trên chiếc xe tập cũ nhất.
■ Bạn đến phòng tập ba lần một tuần và cuối cùng đã thành quen.
■ Bạn đâm ra nghiện vận động, thuê cả huấn luyện viên cá nhân và đi tập năm lần một tuần.
Hãy chọn ra những từ mô tả chính xác nhất xác suất xảy ra của mỗi kết quả nếu quyết định đến phòng tập A. Bản thân bạn hiện tại có thể là người tập tành đều đặn hoặc là người “dị ứng” với gym, nên đối với bài tập này, hãy trả lời theo cách mà bạn cho rằng một người bình thường đang cân nhắc việc đến phòng tập.
Bạn dùng đến những cơ sở và tri thức nào cho dự đoán của mình?
[7]
Nếu không hỏi, bạn sẽ không có câu trả lời
Một trong những lợi ích lớn nhất của tư duy nhắm vào mục tiêu là nó thôi thúc bạn tự đặt ra hai câu hỏi mà ta đã bàn đến về giá trị của việc phán đoán:
1. Mình đã biết điều gì? Có những điều nào sẽ giúp cho phán đoán có thêm cơ sở? (Và mình có thể áp dụng những hiểu biết này như thế nào?).
2. Mình có thể tìm hiểu thêm những gì để giúp cho phán đoán có thêm cơ sở?
Việc nhắm vào mục tiêu sẽ khiến bạn khao khát trả lời được các câu hỏi này, chuyển mọi dữ liệu từ chiếc hộp “điều bạn không biết” sang “điều bạn đã biết”.
Niềm tin là nền tảng của mọi quyết định. Niềm tin hình thành nên các lựa chọn mà bạn nghĩ là có thể thành công và diễn biến có thể xảy ra từ quyết định của mình. Niềm tin tác động đến việc bạn đánh giá khả năng xảy ra của mỗi kết quả như thế nào. Từ niềm tin của mình, bạn sẽ xác định được khoản thu về của từng kết quả, thậm chí nhận thấy được cả mục tiêu và giá trị mà bạn coi trọng.
Vũ khí mạnh mẽ nhất để cải thiện các quyết định của bạn là biến “điều bạn không biết” thành “điều bạn đã biết”.
Và rắc rối nằm ở đây: Tỷ lệ giữa chiếc hộp chưa biết và chiếc hộp đã biết thật ra trông như thế này:
Điều bạn biết chỉ như một hạt bụi nằm trên đầu mũi kim. Điều bạn không biết thì bao la như cả vũ trụ. Thật đáng sợ khi nói ra rằng điều ta biết chỉ như hạt bụi. Nhưng đó cũng là một cái hay, nhất là nếu bạn muốn cải thiện dần các phán đoán của mình: Mỗi lần học thêm được gì đó và biến một chút “điều bạn không biết” thành “điều bạn biết”, nền móng của bạn sẽ càng thêm vững.
Có hai vấn đề chính khi nói tới điều ta biết. Một, ta không biết nhiều điều lắm. Học thêm cái mới giúp nền móng của ta vững vàng, mạnh mẽ hơn.
Hai, những điều ta biết đôi khi chỉ là một mặt của vấn đề, thậm chí ta còn hiểu sai về vấn đề . Có thể so sánh những thiếu sót trong hiểu biết này như những vết nứt ở nền móng. Cách duy nhất để gia cố lại nền móng là tìm ra các sai sót trong niềm tin của mình. Và nơi duy nhất ta tìm được thông tin đó là trong vũ trụ của những điều mình chưa biết.
Đó là một phần lý do tại sao việc tự hỏi về các khả năng, khoản thu về và xác suất tương lai lại quan trọng cho việc ra quyết định. Việc này buộc ta phải đánh giá điều mình biết và tìm kiếm điều chưa biết.
Đôi khi, hạt bụi nhỏ xíu kia là đã quá đủ để bạn tiến gần được đến hồng tâm. Bạn không cần phải biết quá nhiều như đã tưởng để có thể đưa ra đáp án, ví dụ như khi đoán cân nặng của con bò rừng. Đó là lý do mà khi ra quyết định, bạn cần rà soát lại những gì mình đã biết, kể cả khi bạn nghĩ mình cần phải dùng đến kính hiển vi mới có thể soi ra được những điều ấy. Một chút hiểu biết thôi cũng đem lại được nhiều tác động. Và bạn càng biết nhiều thì càng tốt cho bạn.
Tại sao điều này lại quan trọng
Sự không chắc chắn xen vào quá trình quyết định của chúng ta theo hai cách: thông tin không đầy đủ và sự may rủi. Thông tin không đầy đủ xen vào trước khi ta đưa ra quyết định. Còn sự may rủi thì xen vào sau khi ta quyết định nhưng trước khi có kết quả.
May rủi, theo định nghĩa, là điều bạn không khống chế được. Câu “Bạn tạo ra vận may cho mình” chỉ là mơ ước viển vông hoặc là một cách hiểu sai về may rủi. Nếu bạn có hai phương án, một có 5% khả năng thành công và một có tận 95% khả năng thành công, bạn sẽ có thể kiểm soát được quyết định của bản thân mình. Bạn biết khi bạn quyết định chọn phương án tốt hơn, khả năng thành công của bạn cũng sẽ nhiều hơn.
Nhưng sau khi lựa chọn, kể cả khi đã chọn phương án có 95% khả năng thành công, bạn cũng không kiểm soát được kết quả của quyết định đó, vào lần đó, diễn tiến của mọi thứ,... Về lý thuyết, bạn phải chịu 5% khả năng rủi ro, và bạn cũng không thể kiểm soát được khi nào 5% đó sẽ xảy ra.
Trọng tâm của cuốn sách này là về việc làm thế nào để bạn đưa ra được chọn lựa tốt hơn. Nhưng lựa chọn tốt hơn đó của bạn không thể bảo đảm một kết quả tuyệt đối, vì trên đời này còn sự may rủi.
Trái lại, bạn ít nhiều kiểm soát được sự không chắc chắn về mặt thông tin không đầy đủ. Niềm tin của bạn cung cấp thông tin cho các quyết định của bạn, và bạn có khả năng cải thiện chất lượng của những niềm tin này. Khó mà có được thông tin đầy đủ nhưng bạn hoàn toàn có thể tiến gần hơn đến mức ấy.
Xác suất không thể đem lại cho bạn một kết quả chắc chắn, nhưng nó tăng khả năng thành công của bạn lên bằng cách cho bạn cơ sở để nhắm vào mục tiêu một cách có chủ đích. Bên cạnh đó, những từ mà tôi đã cung cấp cho bạn là những từ mà thường ngày bạn vẫn dùng, vì thế việc sử dụng sẽ không quá khó với bạn. Chúng sẽ đem đến cho bạn một bước chuyển tiếp dễ dàng sang lối tư duy theo xác suất.
Ở mức tối thiểu, những công cụ này giúp bạn loại trừ tổn hại do tư duy suy từ kết quả và thiên kiến nhận thức muộn gây ra, cho bạn cái nhìn khách quan hơn về những quyết định mình đã có trong quá khứ. Khi đưa ra các quyết định mới, bạn sẽ có được một ý tưởng bao quát về các kết quả có thể có của mọi lựa chọn đang cân nhắc, mức độ ưu tiên mà bạn dành cho các kết quả ấy cùng khả năng xảy ra của chúng. Điều đó sẽ thôi thúc bạn suy nghĩ một cách có chủ ý, rõ ràng và hiệu quả về những gì có thể xảy ra trong tương lai để từ đó, chất lượng tổng thể của quyết định sẽ tăng lên.
[2]
Tóm tắt về sự ưu tiên, khoản thu về và xác suất
• Để có căn cứ ra quyết định, bạn cần tích hợp các yếu tố thứ tự ưu tiên, khoản thu về và xác suất vào cây quyết định của mình.
• Thứ tự ưu tiên mang tính cá nhân, tùy thuộc vào những mục tiêu và giá trị mà bạn hướng tới.
• Khoản thu về là cách mà một kết quả tác động vào tiến trình của bạn, khiến cho tiến trình ấy có xu hướng tiến gần hơn đến mục tiêu hoặc rời xa khỏi mục tiêu.
• Một số khả năng sẽ mang lại cho bạn những điều bạn muốn, khi đó, khả năng ấy gọi là khả năng tích cực của một quyết định.
• Cũng có một số khả năng sẽ mang về cho bạn khoản thu về mà bạn không muốn, khi đó, khả năng ấy gọi là khả năng tiêu cực của một quyết định.
• Rủi ro là tình thế bạn có thể phải đối mặt với khả năng tiêu cực.
• Khoản thu về có thể được đo lường bằng mọi thứ bạn coi trọng (tiền bạc, thời gian, hạnh phúc, sức khỏe, hạnh phúc hoặc sức khỏe hoặc tài sản cho người khác, uy tín xã hội,...).
• Khi đánh giá một quyết định là tốt hay xấu, bạn so sánh khả năng tích cực và khả năng tiêu cực. Bạn đặt câu hỏi: Liệu khả năng tích cực có xứng đáng để đánh liều và chấp nhận rủi ro của khả năng tiêu cực hay không?
• Xác suất cho thấy điều gì đó có khả năng xảy ra nhiều đến mức nào.
• Kết hợp xác suất với thứ tự ưu tiên và khoản thu về sẽ giúp bạn giải quyết tốt hơn nghịch lý của trải nghiệm, cho phép bạn thoát khỏi cái bóng của kết quả cụ thể nào đó đã nhận được.
• Kết hợp xác suất với thứ tự ưu tiên và khoản thu về giúp bạn đánh giá và so sánh các phương án rõ ràng hơn.
• Danh sách ưu-nhược điểm không giúp bạn phân tích sâu một quyết định.
• Hầu hết mọi người ngại phán đoán khả năng điều gì đó xảy ra trong tương lai. (“Đó chỉ là suy đoán của tôi thôi”, “Tôi không biết nhiều”, “Tôi đoán đại thôi”).
• Dù thông tin của bạn thường không đầy đủ, bạn vẫn biết gì đó về hầu hết các thứ, đủ để đưa ra một phán đoán có cơ sở.
• Sẵn sàng suy đoán là việc thiết yếu để cải thiện quyết định. Nếu không tự phán đoán, bạn sẽ ít khi tự hỏi “Mình biết gì?” và “Mình không biết gì?”.
• Bạn có thể bắt đầu gọi tên xác suất bằng các từ ngữ thông dụng. Việc này buộc bạn nghĩ về mức độ xảy ra của các kết quả, cho bạn cái nhìn tổng quan về xác suất xảy ra của tất cả các khả năng và mang đến cho bạn ấn tượng ban đầu về các kết quả tốt nhất và tệ nhất.
CHECKLIST
Khi đánh giá một quyết định cũ hoặc chuẩn bị đưa ra một quyết định mới, hãy đi theo 6 bước dưới đây:
☐ Bước 1 – Xác định tập hợp các kết quả khả dĩ hợp lý.Các kết quả này có thể là một viễn cảnh chung chung hoặc tập trung vào khía cạnh cụ thể nào đó mà bạn đặc biệt quan tâm.
☐ Bước 2 – Xác định sự ưu ái của bạn dành cho từng kết quả – bạn thích hoặc không thích từng kết quả đến mức nào?Sự ưu ái được quyết định bởi những khoản thu về mà kết quả mang lại. Những điều bạn có được thể hiện khả năng tích cực và những cái bạn mất đi thể hiện khả năng tiêu cực. Ghi cả thông tin này vào cây quyết định của bạn.
☐ Bước 3 – Ước lượng xác suất xảy ra của các kết quả. Để bắt đầu, hãy dùng từ ngữ để mô tả xác suất xảy ra của mỗi kết quả. Đừng ngại suy đoán.
☐ Bước 4 – Đánh giá xác suất xảy ra của các kết quả bạn thích và không thích để cân nhắc lựa chọn.
☐ Bước 5 – Lặp lại Bước 1-4 để cân nhắc các lựa chọn khác.
☐ Bước 6 – So sánh các lựa chọn với nhau.
Năm 1906, nhà khoa học người Anh Francis Galton đã thực hiện một cuộc thí nghiệm ước lượng cân nặng của một con bò. Có 800 người đã tham gia ước lượng cân nặng của chú bò này. Galton đã hi vọng có thể chứng minh rằng một phán đoán tập thể sẽ kém hơn nhiều so với việc hỏi một chuyên gia.
Nhưng kết quả khiến ông rất bất ngờ. Mặc dù so với hầu hết các phán đoán cá nhân thì một chuyên gia có thể đoán gần đúng hơn, nhưng trọng lượng trung bình từ tất cả các phán đoán thu thập được chỉ chênh đúng một pound so với trọng lượng thực tế của con bò!
Vào năm 2015, chương trình Planet Money Podcast của đài NPR đã thực hiện phiên bản trực tuyến của thí nghiệm này. Họ đăng tấm hình một phóng viên của mình (người này nặng khoảng 75kg) đứng cạnh một con bò cái tên Penelope rồi yêu cầu khán giả đoán cân nặng của con bò. Hơn 17 nghìn người đã gửi phản hồi. Họ đã không đoán được sát như trong thử nghiệm của Galton, nhưng cân nặng trung bình từ các phán đoán (584kg) cũng khá gần với cân nặng thật của Penelope (615kg).