Thiên hạ không có hai chân lý; Thánh nhân không có hai chủ tâm, bởi lẽ chân lý có trước trời đất và tồn tại xuyên suốt xưa nay. Thánh nhân dùng bản chất của chân lý để tu sửa mình, dùng chuẩn mực và tác dụng của chân lý để giáo hóa thiên hạ và quốc gia, việc đó thật là vĩ đại.
Do vậy, Thánh nhân hoặc sinh ở Trung Quốc, hoặc sinh ở Ấn Độ, hoặc sinh ở các xứ thuộc phía Đông hay phía Tây, tuy nơi sinh có khác nhưng sự đạt được chân lý của các Thánh nhân thì đều thích hợp và đồng nhất, chưa từng sai khác. Như Đức Phật thì sinh ở Ấn Độ, Ngài đạt được chân lý và tu dưỡng bản thân, lấy sự giác ngộ và giải thoát cho mình và người làm vui, vì Ngài đã chứng đắc nguyên lý “Chân không diệu hữu”, tròn sáng rộng lớn, không thể nghĩ bàn. Chính Đức Khổng Tử cũng nói: “Đức Phật là vị Thánh nhân ở Ấn Độ”. Và Đức Khổng Tử cũng là Thánh nhân, làm thầy của muôn đời, đâu phải là nói sai, mà Ngài còn tôn kính Đức Phật như vậy, huống chi những người học Đức Khổng Tử lại không tin lời nói của Ngài mà sinh ra chê bai Đức Phật thì cũng giống như chê bai Đức Khổng Tử, đâu có khác gì! Những người đó đều không phải là chúng ta.
Cư sĩ Vô Tận (tức là ông Trương Thương Anh, làm Thừa tướng của triều đình nhà Tống, Trung Quốc) hiểu sâu suối nguồn đạo Phật, thấy rõ Phật giáo và Nho giáo không phải là hai. Ông buồn vì cái học của thế tục còn mờ tối, chẳng hiểu được chân tính của mình, trong khi sinh hoạt hằng ngày lại điên đảo nghĩ lầm, không biết đường vào, rồi mang lòng ghen tức sâu cay, khua môi múa lưỡi, trổ tài bài Phật, tự ví mình như Ngài Mạnh Tử có công lao chống lại Dương Chu, Mặc Địch, để cho đời sau khen ngợi mình và tự cho mình là đồ đệ xứng đáng của Thánh Khổng! Thực ra, họ là kẻ học mù điếc, tự dối lòng mình, mà đã dối lòng mình tức là dối cả lẽ trời, thế thì Luận Hộ Pháp này đâu có thể im lặng được.
Xét về sự tranh luận của luận thư này thì thẳng thắn, thật là nghiêm minh, dẫn chứng xác thực, trình bày đầy đủ rõ ràng, sáng như mặt trời, đúng như thời tiết bốn mùa. Nếu trong lòng tác giả không vượt thoát và không quán triệt được chân lý nhiệm màu của đạo Phật thì làm sao có thể đạt được như thế! Bởi vậy, luận thư này có khả năng giải thích được những hoài nghi và chấm dứt được những bài bác của thiên hạ, thực là chuẩn mực cho những người học đời sau.
Ngài Mạnh Tử nói: “Người nào hiểu suốt được tâm mình thì biết được tính mình, biết được tính mình thì biết được trời”; so với lời Phật dạy thì “chỉ thẳng tâm người, thấy được tính mình thì thành Phật” đâu có khác gì. Đức Phật lấy Giới, Định, Tuệ làm chủ yếu cho đạo Phật còn đạo Nho chúng ta thì nói: ngăn ngừa giận dữ và dứt bỏ tham dục tức là Giới; bình tĩnh không chao đảo tức là Định; thông suốt những sự cố trong thiên hạ tức là Tuệ. Ba điểm đó của Phật giáo và Nho giáo đều giống nhau. Còn như các kinh sách thì chỉ ghi chép những lời dạy sơ lược của người xưa. Nếu người ta chỉ đọc những lời dạy sơ lược ấy mà không hiểu được ý nghĩa chủ yếu của Thánh nhân thì chẳng khác gì người đứng quay mặt vào tường.
Ngay như ở trường Hạnh Đàn có ba ngàn học trò, mà người hiểu được đạo lý của Đức Khổng Tử thì chỉ có một người là Nhan Tử mà thôi, còn một số lớn thì chưa hiểu gì! Ở hội Linh Sơn gồm có trăm vạn thính chúng mà người ngộ được đạo màu thì cũng chỉ có một người là Ca Diếp mà thôi, huống chi hướng về Đức Phật đã cách đây mấy ngàn năm, chúng ta chỉ nghe thấy đạo phong của Ngài, đọc qua kinh sách của Ngài, lại muốn đạt tới lãnh vực của Ngài thì cũng rất khó! Cho nên những tà thuyết, ngụy biện phát sinh thì Luận Hộ Pháp này không thể nào diệt trừ hết được.
Niên hiệu Càn Đạo, ngày 15 tháng 6 năm Tân Mão
Cư sĩ Vô Ngại, Nam Giản, Trịnh Hưng Đức soạn