Trụ trì chùa Khai Nguyên ở Tô Châu là Thiền sư Đoan Văn, hiệu Hoán Ông đã không ngại đường xa ngàn dặm, đến thỉnh cầu rằng: “Tông phái chúng tôi có Luận Hộ Pháp, gồm một vạn hai ngàn ba trăm bốn lăm câu, do Quán văn điện Đại học sĩ đời Tống là Thừa tướng Trương Thương Anh làm ra, chủ ý hoằng dương tông phái và hộ trì giáo pháp thật là cao đẹp”. Trước đây, vị Tăng ở đất Mân tên là Tuệ Khâm đã khắc các bản in, quan Hàn lâm thị giảng học sĩ là Ngu Tập đã viết lời tựa. Sau khi chiến tranh, bản in để lâu không còn. Thiền sư Đoan Văn cho rằng luận thư này cần phải truyền bá, rồi lại cho khắc in. Nay công việc đã xong nên xin tôi đề tựa ở đầu sách.
Tựa rằng: Chân tính diệu minh hiện hữu khắp không gian, không bị gò bó ở một nơi. Ban sơ không có hình tướng, thấm đượm mà trầm tĩnh, mênh mông mà trong sáng, xuất phát thì không biết đâu là chung kết, hội nhập thì không biết đâu là tận cùng, không chia ranh giới với sự vật, tròn đầy màu nhiệm mà xuyên suốt. Ngay khi đó thì không có tên gọi chư Phật và chúng sinh, cũng không có tướng trạng khác nhau giữa mình và người, hàm chứa tất cả và dung thông tất cả, ngoài ra không còn có một pháp nào mà có thể nói được.
Nhưng vì chân tâm đã tán loạn, Phật tính đã xa lìa nên cứ loanh quanh đuổi theo vật dục, chính do nghiệp thức trần duyên. Đúng như người mê, thân hình sa vào vực thẳm, sương khói mịt mờ, hổ rắn dọc ngang, đua nhau chạy vào, hãm hại người đó nên phải xõa tóc chạy cuồng, chẳng biết đâu là định hướng!
Bởi vậy, ở Ấn Độ, Đức Phật là bậc Đại thánh nhân, vì lòng từ bi thương xót, Ngài phải giảng dạy 3 Thừa (tức là: Thanh văn đạo, Duyên giác đạo và Bồ tát đạo) và 12 phần giáo lý, đó là lý do thành lập ra đạo pháp.
Chúng sinh nào nghe được đạo pháp này, mà tuân theo và thực hành thì cũng như được thấy ánh sáng mặt trời, gặp được bạn hiền, bỏ được các việc xấu ác, tiến lên đường giác ngộ, hết mọi lo sợ, đạt được an vui và nguyện vọng cao đẹp lại được tăng thêm.
Kẻ không có đức tin sâu đậm thì lại chạy theo chê bai và châm chọc, cũng như cầm thanh gươm nhọn tự đâm vào mình, còn đạo pháp đâu có tổn hại gì! Vì lòng người tráo trở thật là quá đáng, người trí thức thì lo ngại và hiểu được lòng từ bi của Đức Phật, do vậy mà Luận Hộ Pháp này phải được viết ra.
Than ôi! Tam Hoàng cai trị thiên hạ, đã khéo vận dụng thời cơ; ngũ Đế dùng đức Nhân và đức Tín để thay đổi và ba vị Vương (đời Hạ, đời Thương, đời Chu) lại dùng Trí và Dũng. Bởi lẽ phong hóa phải đổi thay tùy theo thế hệ và người cai trị cũng phải theo thời gian mà biến đổi.
Nhưng từ đời Thành Chu trở xuống, ngu tối gian tà, đua nhau nổi dậy, dù xiềng xích cũng không thể ngăn cấm, dù hình phạt cũng không thể thị uy. Nhờ có Đức Phật ở Ấn Độ, Ngài trình bày học thuyết Nhân quả và Luân hồi, khiến cho những kẻ bạo động, cương cường nghe thấy phải nghẹn cổ, toát mồ hôi, khúm núm run sợ, cho dù con sâu, con kiến cũng không dám giày xéo, thế thì việc này có thể bổ sung cho sự thiếu sót của nền cai trị, giống như câu nói “ngầm giúp pháp độ nhà vua” của Ngài Liễu Tông Nguyên vậy.
Đây mới chỉ nói phần sơ lược của Phật giáo; còn về mặt cao thượng thì Phật đã quán chiếu nội tâm bừng sáng, bao dung tất cả, chẳng phải một, chẳng phải khác, có thể thoát khỏi những thấp hèn vẩn đục mà đạt tới cao minh, vượt qua ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) mà lên ngôi Diệu Giác (tức là thành Phật), thực sự không có sai ngoa. Vậy tại sao lại chê bai Đức Phật? Tại sao lại đả kích Đức Phật? Người đời, ai mà xem được luận thư này, cũng phải sợ hãi mà suy nghĩ, cảnh giác mà tỉnh ngộ.
Tuy vậy, tôi có một điều muốn nói với các hàng đệ tử của nhà Phật rằng: “Nền và cột nhà mà vững chắc thì gió mưa không thể lay động, bảo vê tự thân đầy đủ thì tật bệnh không thể xâm lấn. Thế nhưng, các vị Tăng Ni phải chăng đã phản lại nguồn gốc của mình? Tôi thấy rất quái gở là người học lời Phật dạy mà lại làm theo ngoại đạo, đó cũng là tự mình phá hoại đạo pháp; giới luật không giữ, lại chạy theo ngoài đời, đó cũng là tự mình phá hoại đạo pháp; vô minh lại thêm nhiều, giận dữ chẳng dứt bỏ, đó cũng là tự mình phá hoại đạo pháp”. Truyện kể rằng: “Tự phá nhà mình, rồi người khác mới phá theo sau”, vậy còn ai sai lầm hơn nữa!
Nay, nhân có lời thỉnh cầu của Thiền sư Đoan Văn, tôi mới có mấy lời tha thiết gửi tới các vị Tăng Ni và Phật tử. Còn các vị có hiểu cho tôi hay buộc tội cho tôi, tôi đều không dám từ chối.
Thiền sư Đoan Văn là người ở đất Dự Chương, biết quý trọng đạo pháp như giữ gìn con ngươi của đôi mắt mình, thân hình lại mặc áo vải, tu hành khổ hạnh, gặp dòng sông khó qua thì Ngài bắc cầu, đi đường gồ ghề thì Ngài lát gạch, thấy đống xương khô thì Ngài che đậy lại. Từ trên đường Thiên Ninh, Ngài rời về trụ trì chùa này. Mới đầu, Ngài lập giới đàn trao truyền giới pháp, giúp cho người dân không còn vi phạm hiến pháp của nước nhà. Ngài tùy theo cơ duyên mà giáo hóa, nhằm dìu dắt nhân dân hướng thiện và gắng sức phụng sự Phật pháp, không thể nào nói hết được! Nay Ngài cho khắc in lại luận thư này để truyền bá, thực là không hổ thẹn đối với một vị Sa môn có tâm đạo như Ngài.
Ngày 9 tháng 9 mùa thu, niên hiệu Hồng Vũ năm thứ 7
Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ, Trung Thuận Đại Phu Tri Chế Cáo, Đồng Tu Quốc Sử, kiêm Thái Tử Tán Thiện Đại Phu, Kim Hoa Tống Liêm
Kính soạn