Các vị giáo chủ thành lập tôn giáo tuy có khác nhau nhưng đối với sự giáo hóa con người nhằm bỏ ác hướng thiện thì mục đích chỉ có một. Cho nên nói: Thành lập các tôn giáo thì không giống nhau nhưng mục đích thì đều hướng về lương thiện. Còn như siêu việt thế gian, hiểu rõ sinh tử thì chỉ có Phật học mà thôi.
Ông Cư sĩ Vô Tận (tức là quan Thừa tướng Trương Thương Anh, đời nhà Tống) đã đắc pháp với Thiền sư Đâu Suất Duyệt. Cư sĩ không truyền bá yếu chỉ cao siêu, mà chỉ dùng biện tài vô ngại của mình để diễn thuyết. Song, ông vẫn còn lo ngại vì cách Phật đã xa, tà kiến thì nhiều, không có tôn chỉ hướng thượng, lại thêm những lời gièm pha chê bai, đó là lý do mà Cư sĩ đã viết ra Luận Hộ Pháp này.
Ở đất Mân có chùa Kiến Ninh, núi Cao Ngưỡng, Thiền sư Cổ Mai, đệ tử là Tuệ Khâm khi đi du học nhận được luận thư này, bèn cùng vị trụ trì Trí Liễu và các bậc thượng sĩ quyết định thuê thợ khắc bản in, nhằm truyền bá rộng rãi, đáng khen là đã khéo vận dụng tâm đạo của mình. Một khi xuất bản luận thư này, mọi người được xem, giống như người nghèo được của báu, tối tăm được đèn sáng, thực sự là một thành trì vững chắc để bảo vệ chính pháp của Phật, là một thanh gươm sắc bén để hạ đốn rừng cây tà kiến. Vậy những người đời sau, nếu không hiểu rõ được thâm tâm của ông Vô Tận và không thông suốt được việc làm của ông Vô Tận, mà lại lấy việc đả kích sai lầm Đức Phật cho là cao thượng và muốn được thời thế ca ngợi mình thì những bọn đó chính là những kẻ học mù điếc, sao không biết tự thẹn với lòng mình! Và đã là những hạng người như thế thì cũng không thể giúp ích gì cho đạo Phật, mà tự mình lại không biết hổ thẹn hay sao?
Tôi thường ngồi im lặng, nội tâm và ngoại cảnh dung thông, viết ra liên tục mà chẳng chấp cái Có; tự nhiên tiêu tan mà chẳng chấp cái Không. Nói nhiều thì thiên hạ không thể chuyển tải hết; nói ít thì thiên hạ lại không thể khám phá. Tuy là người trí thức nhưng vẫn còn có chỗ chưa hiểu hết. Rồi sau mới biết, hoặc dùng lời khen hay dùng lời chê cũng chỉ là cái vỏ, cái bề ngoài của đạo lý; đến như chỗ chân lý xác thực (thực tế lý địa), trong sáng nhiệm màu, hàm chứa thấm nhuần thì chẳng còn một pháp nào mà có thể nói, thế thì cần chi phải bài bác, cần chi phải biện hộ?
Thiền sư Tuệ Khâm vui mừng thỉnh cầu tôi viết mấy lời bạt đề ở sau sách. Nhà sư hiểu rõ kinh điển, thông suốt Thiền tông, học xong trở về, lên đàn thuyết pháp, khắc in kinh điển, tu sửa chùa am, thanh tâm khổ hạnh, chẳng tham tư lợi cho riêng mình, đều đủ khả năng hoằng dương nếp đạo Cổ Mai.
Kính ghi
Ngày 15 tháng 2, niên hiệu Chí Chính năm thứ 5
Khuê Chương Các Thị Thư Học Sĩ, Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ, Thông Phụng Đại Phu Tri Chế Cáo, kiêm Tu Quốc Sử, tên là Ngu Tập, viết tại đình Vi Tiếu