Không ai hoàn hảo, ba người đồng hành tất có người có thể làm thầy mình. Mỗi người chúng ta đều có sở trường và ưu điểm, đồng thời cũng có khuyết điểm và điểm mình chưa biết. Điểm đặc biệt của bản thân đáng để cho người khác học hỏi và lấy làm gương, chính là vốn để chúng ta dựa vào đó mà đứng vững trong xã hội. Nhưng tuyệt đối không được khoe khoang trước mặt người khác, vì trên đời còn lòng tham và sự đố kỵ, cho nên quá phô trương bản thân sẽ rước họa vào thân. Việc Bồ Đề Tổ Sư đuổi Tôn Ngộ Không ra khỏi sư môn đã dạy cho chúng ta biết đạo lý này.
Một ngày nọ, đúng ngày hạ chí, mọi người cùng ngồi trò chuyện dưới gốc cây tùng. Mọi người nói: “Ngộ Không, ngươi tu luyện từ kiếp nào? Hôm trước sư phụ kề tai nói nhỏ, truyền dạy cho ngươi phép biến hóa tránh được tai họa, ngươi đã học được chưa?” Ngộ Không cười bảo: “Không giấu các sư huynh, nhờ sư phụ truyền dạy, với lại nhờ đệ ngày đêm luyện tập, nên mấy cái phép đó đệ làm dễ ợt.” Mọi người nói: “Vậy bữa nay có dịp, ngươi biểu diễn xem, bọn ta chờ xem đây.” Ngộ Không nghe nói thế, tinh thần phấn chấn hẳn lên, khoe khoang tài nghệ nói: “Mời các vị sư huynh ra đề, muốn đệ biến thành cái gì?” Mọi người bảo: “Biến thành cây tùng xem nào”. Ngộ Không khoe tài, niệm thần chú, lắc người một cái biến thành cây tùng.
Mọi người nhìn thấy, vỗ tay cười tán thưởng: “Giỏi lắm, giỏi lắm! ” Không ngờ, tiếng cười nói ồn áo kinh động đến Tổ Sư. Sư Tổ cầm phất trần bước ra hỏi: “Kẻ nào huyên náo ở đây?” Mọi người nghe tiếng liền vội vàng chỉnh sửa tư thế, chỉnh trang y phục, bước lên phía trước. Ngộ Không cũng hóa phép trở lại như cũ. Tổ Sư nổi giận răn: “Các ngươi kẻ một câu hai câu, ồn ào như thế, sao đáng làm một người tu hành. Người tu hành mở miệng thần khí toát ra, mở miệng không lời thừa, tại sao lại cười đùa nơi đây?” Mọi người đáp: “Không dám giấu sư phụ, ban nãy Tôn Ngộ Không biểu diễn phép biến hóa. Bảo Ngộ Không biến thành cây tùng, đệ ấy biến được ngay. Chúng đệ tử reo hò khen hay, quá phấn khích làm kinh động sư phụ, mong sư phụ thứ tội.” Tổ Sư bảo: “Các con đi ra đi.” Người gọi: “Ngộ Không đến đây! Ta hỏi ngươi đang làm trò gì thế, biến thành cây tùng gì chứ? Mới học được chút ít tài nghệ mà dám khoe khoang trước mặt người khác hay sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, không cầu xin họ sao? Người khác thấy ngươi có, tất nhiên cũng xin ngươi. Ngươi nếu sợ tai họa phiền phức thì ắt phải truyền cho hắn. Mà nếu không truyền cho hắn, thì coi như người lại rước thêm họa vào thân.” Ngộ Không khấu đầu thưa: “Chỉ mong sư phụ tha tội!” Tổ Sư nói: “Ta không trách ngươi, nhưng ngươi đi đi.” Từ đó, Ngộ Không bị đuổi ra khỏi sư môn, về sau không được xưng thầy trò.
Những lời nói này tuy không mang sắc thái thần tiên, cũng không hẳn sắc thái nhà Phật. Nói thẳng ra, nó cho thấy quan hệ con người phức tạp trên đời và cách phòng thân. Nơi Ngộ Không tu hành học đạo, trên thực tế là nơi lớp học trước khi xông pha giang hồ. Trước khi Tôn Ngộ Không bước chân vào giang hồ, tại một nơi thế tục như vậy, học được những kinh nghiệm ban sơ của cuộc sống, học được thần thông xuất thần nhập hóa từ vị sư phụ không tiên không phật, đây là khởi điểm trong tính cách của Ngộ Không, đồng thời cũng là cơ sở kinh nghiệm sống của Ngộ Không sau này. Có thể nói, tác giả đã gửi gắm nội hàm văn hóa phong phú qua nhân vật Bồ Đề Tổ Sư.
Sau đó, Ngộ Không lưu luyến chia tay sư phụ. Ngộ Không có tất cả hai vị sư phụ: một là Đường Tăng – người sau này Ngộ Không nhiều năm theo hầu.. Còn người thầy đầu tiên chính là Bồ Đề Tổ Sư. Bồ Đề Tổ Sư không những đặt tên cho Ngộ Không, truyền dạy bản lĩnh mà còn dạy đạo lý cho Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không cưỡi mây đạp gió, bay lộn trên mây vài cái đã về đến Hoa Quả Sơn. Sau khi dẹp yên Hỗn Thế Ma Vương, chăm lo đâu đó cho Hầu tử, Hầu tôn xong thì bắt đầu “đại náo Long cung”, “đại náo Địa phủ.” Đắc tội với Long Vương và Diêm Vương. Nhưng Ngộ Không thu được rất nhiều, không chỉ có được binh khí vừa ý, còn gạch được tên mình trong “Sổ sinh tử”. Vật dụng có tính tượng trưng nhất trên người Tôn Ngộ Không chính là cây gậy Như Ý .
Cây gậy Như Ý là một cây thiết trụ, to hơn cái đấu, dài hơn hai trượng. Ngộ Không dùng hai tay hết sức nhổ nó lên và bảo: “Hơi thô, hơi nặng, nếu ngắn và nhỏ lại sẽ tiện dùng hơn.” Nói xong, cây gậy Như Ý ngắn lại vài tấc, nhỏ lại một nấc. Ngộ Không lại hớn hở nói: “Nhỏ hơn nữa càng tốt.” Gậy lại nhỏ đi vài phân. Ngộ Không mừng lắm, cầm lên ngắm nghía thì thấy hai đầu được bọc vàng, chính giữa là một thanh thép đen, trên có nạm một dòng chữ: “Thiết bảng Như Ý nặng một vạn ba ngàn năm trăm cân”. Thầm nghĩ: “cây bảo bối này đúng như ý ta!” . Vừa đi, Ngộ Không vừa lẩm bẩm niệm chú, vừa miết miết cây thiết bảng: “Ngươi ngắn hơn chút nữa, nhỏ hơn nữa càng tuyệt!”. Cây gậy Như Ý chỉ còn nhỏ gọn như cây tăm.
“Muốn làm một việc cho tốt thì trước hết phải có vũ khí tốt”. Anh hùng thường luôn có binh khí ưng ý của mình. Binh khí được dùng cũng nổi tiếng theo chủ của nó, trở thành “biểu tượng” riêng của người anh hùng. Ví dụ: nhắc đến cây rìu, mọi người nghĩ ngay đến Lý Khuê; nhắc đến Thanh long minh nguyệt đao, mọi người liền nghĩ đến Quan Công. Còn có tên người và binh khí gọi chung một lượt “Tiểu Lý phi đao”. Anh hùng không thể không có binh khí. Anh hùng yêu binh khí như yêu chính bản thân mình. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ hiểu Ngộ Không sau khi học xong phép biến hóa trở về buồn bã như thế nào khi không có binh khí ưng ý. Chúng ta cũng có thể hiểu được nỗi hớn hở vui mừng của Ngộ Không khi nhìn thấy cây gậy Như Ý. Điều thú vị là cây gậy nặng hơn một vạn ba ngàn năm trăm cân lại răm rắp tuân lệnh Ngộ Không, có thể dài ngắn vô hạn. Khi “xung trận” rất hợp ý Ngộ Không. Khi “xong trận” lại biến thành cây kim đặt sau tai Ngộ Không, mà chẳng hề vướng víu, phiền toái. Sự biến hóa của gậy Như Ý hết sức phù hợp với đặc trưng biến hóa không ngừng của Ngộ Không. Ngộ Không thường xuyên biến thành con ruồi nhỏ bay đi dò thám tình hình kẻ địch, binh khí quá lớn sẽ phiền phức đủ đường. Ngựa hay phải có yên tốt, cây gậy Như Ý có thể biến to thu nhỏ rất hợp với cá tính và tay chân nhanh nhẹn của Ngộ Không. Còn cây đinh ba của Trư Bát Giới vừa nhìn đã biết giành cho người cục mịch, nặng nề thô kệch.
Cây gậy Như Ý vốn là của Nguyên Thủy Thiên Tôn dùng để đo biển và trời, bị Tôn Ngộ Không “cướp” được từ chỗ Đông Hải Long Vương. Ngộ Không đại náo được Thiên Cung khiến cho trời long đất lở là nhờ có cây Thiết Bảng, sau này hộ tống Đường Tăng đi thỉnh kinh cũng thế. Có thể nói, Tôn Ngộ Không nhờ cây gậy Như Ý này mà tung hành ngang dọc khắp mọi nơi.
Bạn thử hỏi chúng ta sống nhờ đâu? Mỗi người chúng ta ai cũng có “Vũ khí bí mật” để phát huy sở trường của mình. Vậy thực chất vũ khí của bạn là gì?
Vũ khí tốt nhất để bạn có thể tồn tại được trên đời này chính là sở trường của bạn. Những người thành đạt phải có tài cán hay sở trường gì thì mới nổi trội hơn người khác chứ? Khi bạn phân tích kỹ những “đặc tính” của họ, bạn sẽ phát hiện ra rằng, thì ra bản thân bạn cũng có rất nhiều tố chất của một người thành công. Chỉ có điều chúng còn tiềm ẩn, chưa được khai phá mà thôi. Những tinh hoa trong con người bạn giống như ngọc vùi trong đá vậy. Vậy hãy thử tìm xem sở trường của mình là gì? Phát hiện được sở trường của mình rồi thì bạn phải phát huy nó để những tinh hoa của bạn có thể tỏa sáng, tạo dựng một mảnh trời riêng!