Thời nay, khi có người hỏi ai là tác giả Tây Du Ký, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy câu hỏi này quá đơn giản, và sẽ trả lời ngay là Ngô Thừa Ân. Nhưng, trong khoảng thời gian từ khi Tây Du Ký ra đời đến phong trào Ngũ Tứ, những nhà nghiên cứu như Hồ Thích, Lỗ Tấn đã kiểm chứng và khẳng định rằng trong vòng hơn ba trăm năm trước khi Ngô Thừa Ân là tác giả của Tây Du Ký, ông chưa bao giờ được hưởng “quyền tác giả” bộ sách này. Vì trên bản khắc mộc đầu tiên nhất – Kim Lăng Thế Đức Đường chỉ chú “Hoa Dương Động Thiên Chủ nhân hiệu, Kim Lăng Thế Đức Đường Tử Hành”. Trên bản khắc còn có lời tựa, ghi cuốn sách này “Bất tri kỳ hà nhân sở vi”, tức “Không biết người nào đã viết nên cuốn sách này”. Vậy Hoa Dương Động Thiên Chủ nhân là ai? Đến nay vẫn chưa có sử sách nào ghi chép lại. Cũng có người đoán định rằng, Tây Du Ký do đạo sĩ Khưu Xứ (Xử) Cơ – Trường Xuân Chân Nhân thời Nguyên sáng tác. Vậy rốt cuộc Tây Du Ký do ai viết? Ngô Thừa Ân có xứng đáng là người được hưởng quyền tác giả bộ sách không? Ông ấy đã viết bộ sách này như thế nào? Năm 2007, khi tham gia đóng phim Ngô Thừa Ân và Tây Du Ký, vì một mình tôi đảm nhận hai vai Ngô Thừa Ân và Tôn Ngộ Không nên tôi càng thêm hiểu rõ về Ngô Thừa Ân – tiểu thuyết gia tuyệt vời này. Trong phần đầu của cuốn sách này, trước hết tôi sẽ cùng quý vị tìm hiểu về Ngô Thừa Ân…
CÂU ĐỐ VỀ QUYỀN TÁC GIẢ
Bản thảo chép tay của bộ tiểu thuyết Tây Du Ký không ghi tên tác giả, quý vị chắc hẳn sẽ lấy làm lạ. Tại sao tác giả lại không ghi tên trên bộ sách mà mình đã dồn biết bao công sức và tâm huyết để viết nên? Ở đây có rất nhiều nguyên nhân. Mặc dù thời đó, mọi người bắt đầu đọc nhiều loại tiểu thuyết nhưng người viết nói chung vẫn chưa có địa vị xã hội. Thậm chí tiểu thuyết còn bị coi là kiểu tác phẩm lỗi thời và không nho nhã. Trong cái nhìn truyền thống, một văn nhân muốn thể hiện được địa vị trong xã hội, cần phải có công danh và văn thơ riêng. Trong khi đó những văn nhân viết các tiểu thuyết dạng này lại khó tránh khỏi bị nhạo báng, bị coi thường. Điều này khác hẳn với xã hội hiện tại của chúng ta với nhiều tiểu thuyết gia được tôn trọng và ngưỡng mộ. Do đó sau khi Tây Du Ký được viết hoàn tất, tác giả không muốn đề tên thật có thể nhằm tránh sự mỉa mai và nhạo báng của xã hội thời đó. Ngoài ra, ngôn ngữ được tác giả sử dụng trong bộ tiểu thuyết này rất thoải mái, cũng phản ánh rất nhiều hiện tượng xã hội bấy giờ, thể hiện sự nhạo báng đối với triều đại thống trị lúc đó. Trong bóng đen hủ bại cuối đời nhà Minh, tay sai của những kẻ thống trị có mặt ở khắp mọi nơi, ngang ngược vô cùng, việc tác giả không đề danh tính cũng có thể vì muốn giữ an toàn cho mình. Cũng chính vì việc tác giả không tiết lộ danh tính nên để lại cho hậu thế một “sự phiền toái”. Chính điều này đã tạo ra một câu đố về bản quyền tác giả bộ tiểu thuyết Tây Du Ký trong lịch sử văn hiện cận đại.
Hãy cùng xem xét nhiều ý kiến trái chiều về việc Ngô Thừa Ân rốt cuộc có phải là tác giả của bộ Tây Du Ký hay không. Có người cho rằng tác giả bộ sách là Lý Xuân Phương – chủ nhân của Hoa Dương Động Thiên, cũng là một người bạn của Ngô Thừa Ân. Lý Xuân Phương vừa là đại quan, vừa là một đại học sĩ. Hoa Dương Động Thiên nằm ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), Lý Xuân Phương từng theo học ở đó, vì vậy gọi ông ta là chủ nhân của Hoa Dương Động Thiên cũng có cơ sở nhất định. Nhưng trên sách chỉ đề “chủ nhân của Hoa Dương Động Thiên hiệu (đính)”. Hiệu và Viết, Biên (tập) là hoàn toàn khác nhau, hiệu không phải là viết, hiệu cũng không phải là biên. Nói tác giả là Lý Xuân Phương thì thật khó tin nếu không có chứng cứ. Tuy nhiên cũng có người còn phát hiện ra một bài thơ trong hồi thứ chín mươi lăm của Tây Du Ký, và nói rằng bài thơ này chính là chứng cứ:
Tân phân thụy ái mãn Thiên Hương
Nhất tọa hoang sơn điều bị tường
Hồng lưu thiên tái thanh hà hải
Điện nhiêu trường xuân trại ngu thang
Thảo mộc chiếm ân thiêm tú sắc
Dã hoa đắc nhuận hữu dư phương
Cổ lai trưởng giả lưu di tích
Kim hỉ minh quân giáng bảo đường.
Đây là một bài thơ miêu tả phong cảnh, nhưng được cho rằng có vết tích lưu lại của Lý Xuân Phương, đợi người đời sau phát hiện. Bởi câu thứ tư có một chữ “xuân”, câu thứ năm cũng là ý nghĩa của chữ “xuân”, câu thứ sáu có chữ “phương”, câu thứ bảy “trưởng giả lưu di tích”, có nghĩa là “Lý Xuân Phương ta để lại vết tích”.
Tuy nhiên chứng cứ như trên cũng được đánh giá là chưa đủ độ tin cậy. Tuyệt đối không thể coi “hiệu đính” là “trước tác” được, vì về cả ngữ nghĩa cũng đã hoàn toàn khác nhau. “Hiệu” có nghĩa là đối chiếu lại chữ nghĩa. Văn nhân thời xưa dùng từ cầu kỳ chuẩn xác, không thể nào có chuyện văn chương của mình sáng tác lại chỉ đề có mỗi chữ “hiệu”.
Có ý kiến cho rằng bộ tiểu thuyết do tác giả khuyết danh viết. Trong Vĩnh Lạc Đại Điển có Lời bình Tây Du Ký rất cụ thể, tỉ mỉ, chứng tỏ Tây Du Ký có trước cả Ngô Thừa Ân. Vĩnh Lạc Đại Điển ghi chép tất cả những gì liên quan đến văn học thời đó, hiện còn lưu giữ lại cũng không đầy đủ lắm, và không biết còn có một Tây Du Ký khác với Tây Du Ký hiện tại không. Tuy nhiên tôi thấy giả thuyết này cũng không thuyết phục lắm, chẳng qua đây chỉ là một sự suy diễn, phỏng đoán không có căn cứ mà thôi. Nếu trước đây từng có Lời bình Tây Du Ký, mấy chục năm sau hà cớ gì Ngô Thừa Ân lại không thể viết Tây Du Ký? Có phải Ngô Thừa Ân viết hay không, nên căn cứ vào bộ sách hiện có để phán đoán, chứ không thể căn cứ vào một đoạn ghi chép nhỏ.
Có người còn cho rằng, Tây Du Ký là do Khưu Xứ Cơ viết. Bản thân Khưu Xứ Cơ không hề viết Tây Du Ký, nhưng đệ tử của ông ta đã viết bộ Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký, cuốn sách ghi chép lại toàn bộ những gì đã nghe đã thấy của người đệ tử đó khi đến Tây Vực. Vậy thì Tây Du Ký chẳng phải đã trở thành một tác phẩm du ký, chuyên nói về địa lý hay sao? Nếu nhìn từ góc độ sách vở, không khảo sát nội dung của nó, thì coi đây là một tác phẩm du ký cũng được, hoặc nhìn nhận nó là một bộ tiểu thuyết cũng chẳng sao, tất cả điều này đều có khả năng xảy ra. Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải đọc kỹ nội dung cuốn sách và liệu có khả năng hiểu nhầm hay không? Trong Tây Du Ký có rất nhiều chỗ nói về nội dung của Đạo giáo. Trong khi nhiều người lại cho rằng Ngô Thừa Ân không hiểu biết mấy về Đạo giáo, nên tác phẩm này không thể do ông viết được. Đây lại là một cách nhìn nhận khác của giới học thuật. Rốt cuộc những nội dung có liên quan đến Đạo giáo của Ngô Thừa Ân khi viết trong một trăm hồi của Tây Du Ký là do ông viết, hay là do người đời sau thêm vào, thì chúng ta cần phải đào sâu hơn vấn đề này. Ngoài ra, hiện giờ chúng ta cũng chưa có chứng cứ chứng minh Ngô Thừa Ân không hề hiểu một chút nào hoặc không hứng thú chút nào về Đạo giáo cả, do đó cách nhìn này khó được thừa nhận.
Trước tiên chúng ta cần đưa ra một số điều kiện cơ bản, tác giả của Tây Du Ký cần phải phù hợp với những điều kiện cơ bản này, sau đó chúng ta hãy luận bàn đến việc Ngô Thừa Ân có phải là tác giả hay không. Thứ nhất, trường thiên tiểu thuyết xuất hiện sau thời Minh sơ, không thể xuất hiện trong thời kỳ nhà Nguyên được. Hiện nay hai tác phẩm kinh điển sớm nhất là Tam Quốc Chí, Thủy Hử truyện cũng đều xuất hiện vào thời kỳ Nguyên mạt Minh sơ, tác giả là người Nguyên mạt Minh sơ, được in thành sách cũng là vào những năm đầu đời nhà Minh. Nhìn từ góc độ lịch sử phát triển trường thiên tiểu thuyết cổ đại của Trung Quốc, nó không thể xuất hiện trước đời nhà Minh. Tây Du Ký là tác phẩm theo loại hình có hồi mục, hơn nữa hồi mục lại được sắp xếp rất cầu kỳ. Điều này cũng không thể có ngay được trong những năm đầu đời nhà Minh mới thành lập, mà là sau khi tiểu thuyết đã xuất hiện, mới có thể xuất hiện hồi mục, mỗi một hồi đều có hồi mục. Điều này chỉ xuất hiện sau thời Minh sơ, do đó tác giả của Tây Du Ký phải là người sau thời kỳ này. Thứ hai, căn cứ vào số lượng lớn phương ngữ để phán đoán, thì ngôn ngữ mà tác giả dùng là ngôn ngữ phổ thông của vùng Hạ Giang, chính là vùng Nam Kinh, Dương Châu, Tô Bắc thường dùng. Thứ ba, nhìn từ phong cách hành văn cơ bản của Tây Du Ký, kiến thức của tác giả tương đối uyên thâm, không có ngành nghề nào là không thông thuộc cả, từ cầm kỳ thi họa, công thương y nông, đều nắm rất rành. Trong sách có rất nhiều yêu quái hình thù quái dị và những tình tiết khúc chiết ly kỳ, nếu học vấn của tác giả không uyên thâm thì chắc chắn sẽ không bao giờ tưởng tượng ra được.
Có thể thấy ba điểm trên không hề mâu thuẫn với Ngô Thừa Ân một chút nào, hoàn toàn phù hợp, nhưng rốt cuộc tác giả có phải là ông hay không, chúng ta vẫn cần những chứng cứ trực tiếp hơn. Thứ nhất, trong Hoài An Phủ Chí quyển 19 năm Khởi Thiên cuối thời Minh, có một cuốn sách tên là Hoài Hiền Thư Mục, là cuốn mục lục ghi lại tên những tác phẩm do những tiền bối của vùng đất Hoài An viết, bên dưới tên của Ngô Thừa Ân có ghi ba chữ Tây Du Ký, đây là chứng cứ trực tiếp nhất. Chứng cứ này được Lỗ Tấn phát hiện đầu tiên. Trước thời điểm này tất cả mọi người đều cho rằng tác giả của Tây Du Ký không phải là Ngô Thừa Ân. Người thứ hai phát hiện điều này chính là Hồ Thích. Điều vừa đề cập ở trên cũng đã được Hồ Thích và Lỗ Tấn kiểm chứng. Thứ hai, trong Hoài An Phủ Chí quyển 12 thời Khang Hy có một cuốn Văn Nghệ Chí, những ghi chép trong đó cũng giống hệt như trong Hoài An Phủ Chí của năm Thiên Khải thời Minh mạt. Thứ ba, nhìn từ góc độ phương ngữ sử dụng trong sách để dẫn chứng thì nó chính là thổ ngữ của vùng Hoài An, xin giới thiệu ở đây hai ví dụ.
Trong hồi thứ 26 của Tây Du Ký, có một câu: “Nhĩ khước yếu hảo sinh phục thị ngã sư phó… y đường nang liễu, dữ ta tương tẩy tương tẩy. (Ngươi chịu khó chăm sóc sư phụ của ta… quần áo mà bẩn thì hãy mang đi giặt cho sạch). Trong từ điển đã giải thích từ nang có nghĩa là bẩn, dơ. Nhưng người ở vùng Hoài An lại cho rằng chữ nang này có nghĩa là mềm, chẳng hạn: “Trước điều biển đản thái nang, đản bất khởi.” (Cái đòn gánh này mềm quá, không gánh được). Thời xưa người Hoài An khi mặc áo thì phải thượng tương. Khi thượng tương, áo sẽ bị cứng, mặc sau một thời gian dài, áo sẽ mềm ra, cần phải hồ lại quần áo, tương tẩy ở đây có nghĩa là thượng tương, khi mặc lên mới đẹp, đây chính là thổ ngữ của Hoài An. Điều này chứng tỏ rằng tác giả phải là người Hoài An. Những từ như tương tẩy, nang được dùng khá phổ biến ở Hoài An. Các nhà nghiên cứu phương ngữ thậm chí còn cho rằng sau khi đi cách Hoài An về phía Bắc khoảng ba mươi dặm sẽ không còn thấy những từ như vậy được dùng nữa, như vậy chỉ trong vòng bán kính ba mươi dặm mới sử dụng những từ này, càng chứng thực thêm tác giả chính là người của vùng Hoài An.
Ví dụ thứ hai, là chữ hải. Trong phương ngữ Hoài An có giải thích khá đặc thù, trong hồi thứ 72 có một câu, “Nhất cá cá hạn lưu phấn nhị thấu y đường, hưng lại tình sơ phương khiếu hải” (Từng người một mồ hôi son phấn lấm lem quần áo ướt nhẹp, vui vẻ ríu rít gọi nhau nghỉ ngơi). Chữ hải này trong thổ ngữ của Hoài An có nghĩa là nghỉ ngơi, kết thúc. Đây là một từ rất điển hình, được dùng phổ biến trong phương ngữ Hoài An cũng xuất hiện trong Tây Du Ký, điều này cũng chứng minh tác giả là người Hoài An.
CUỘC ĐỜI CỦA NGÔ THỪA ÂN
Khi tôi còn nhỏ, cũng thường nghe phụ thân tôi kể những chuyện có liên quan đến Ngô Thừa Ân. Ngô Thừa Ân có tự là Nhữ Trung, hiệu là Xạ Dương Sơn Nhân. Xạ Dương khi đó là tên của một địa danh. Ông là người của huyện Sơn Dương phủ Hoài An, cũng chính là thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô ngày nay. Niên đại mà ông sống là năm Hồng Trị, Gia Tĩnh và đầu năm Vạn Lịch của đời nhà Minh, năm sinh và năm mất không có tài liệu chính sách để có thể xác nhận. Có người nói ông sinh năm 1500, mất năm 1580, ngoài ra còn có một cách nói khác là ông sinh năm 1506, mất năm 1582. Tổ tiên của ông sống ở vùng Liên Thủy, tỉnh Giang Tô, tằng tổ phụ là Ngô Danh từng nhậm chức Giáo đạo (đốc học) ở Huyện Dư Diêu tỉnh Chiết Giang. Tổ phụ Ngô Trinh từng nhậm chức Giáo dụ huyện Nhân Hòa tỉnh Chiết Giang, quan chức rất bé. Phụ thân Ngô Nhuệ, vì gia cảnh bần hàn, nên mưu sinh bằng nghề buôn bán tơ lụa. Tuy bản thân là thương nhân, nhưng lại rất ham mê đọc sách. Ngô Thừa Ân trong Tiên Quân Phủ Mộ Chí Danh được kể là, vì nhà nghèo, cha ông quá mấy tuổi mới đi học; sau khi đi học, vì không thể đóng tiền và tặng lễ cho thầy đúng hẹn, nên đành “đứng ngoài học lóm”. Cha ông rất chăm chỉ, bất kể mưa phùn giá rét hay trời nắng chang chang, đều ở nhà đọc sách không chơi bời lêu lổng, hơn nữa những sách mà ông đọc rất phong phú, “từ lục kinh trư tủ bách gia, không có gì là không đọc”. Gia cảnh như vậy chắc chắn đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cuộc sống của Ngô Thừa Ân.
Ngô Thừa Ân từ nhỏ đã rất thông minh, ham học hỏi, bác lãm quần thư, thời trẻ nhận được sự tán dương của đốc học, lại rất thích tìm hiểu những tin tức lạ lẫm, đọc rất nhiều những chuyện dã sử, chịu ảnh hưởng tích cực của văn học dân gian, rất thích đọc những câu chuyện truyền kỳ của đời nhà Đường, hấp thu rất nhiều tinh hoa ở trong đó. Trong Ngu Đỉnh Ký, ông có bộc bạch thế này: “Từ nhỏ đã rất thích nghe ngóng những thông tin ly kỳ. Khi đi học thì hay trốn ra ngoài sưu tầm những truyện truyền miệng hay dã sử, sợ cha biết được sẽ vứt hết đi, nên thường trốn vào chỗ không có người để đọc. Sau thời gian dài, thu thập được rất nhiều điều bổ ích lạ kỳ. Khi trưởng thành rồi muốn thể hiện cho mọi người, nhưng vẫn phải giấu kín trong lòng”. Vì vậy, ông có rất nhiều tri thức đối với truyền thuyết và thần thoại dân gian để có thể thành công khi vận dụng đề tài thần thoại khi sáng tác. Thụy Long Ca, Nhị Lang Sưu Sơn Đồ Ca của ông cũng đã thể hiện rõ việc mượn truyền thuyết, thần thoại để viết và lý tưởng diệt tà đuổi ác của ông.
Khi bước vào tuổi thanh niên, Ngô Thừa Ân thích tự do, không bó buộc. Địa vị xã hội thấp, gia cảnh thì bần cùng khốn khổ đã khiến cho người tài tử thích tự do không bó buộc này bị hương thân lão ấu lạnh nhạt châm chọc, và được coi là người chỉ biết sống cho ngày hôm nay. Khi Ngô Thừa Ân hai mươi mấy tuổi thì kết hôn với cô nương họ Diệp cùng quê, tình cảm sau khi cưới vô cùng gắn bó. Tuy Ngô Thừa Ân là người thích tự do, nhưng phẩm hạnh của ông đoan chính, luôn chung thủy với thê tử của mình. Năm Gia Tĩnh thứ mười, Ngô Thừa Ân đã được thành tích xuất sắc trong cuộc thi Khoa khảo và Tuế khảo của Phủ học, giành được tư cách Khoa cư, cùng bạn bè đi Nam Kinh tham gia thi Hương002E Tuy nhiên tài hoa của ông cũng không thể giúp ông đỗ đạt giống như bạn bè của mình. Vị tài tử xuất chúng là niềm vinh dự của làng cuối cùng cũng xôi hỏng bỏng không trên con đường công danh. Mùa xuân năm thứ hai, phụ thân của ông qua đời vẫn phải ôm theo tiếc nuối. Chấp nhận bài học thất bại đầu đời, Ngô Thừa Ân đã bỏ công sức trong ba năm, chuyên tâm ôn luyện văn chương, quyết chí lập thân. Mùa thu năm Gia Tĩnh thứ mười ba, trong bảng vàng vẫn chưa thấy tên ông. Ngô Thừa Ân xấu hổ uất hận, đến mùa đông năm đó thì bệnh nặng. Hai lần thi Hương đều trượt, cộng thêm cái chết của phụ thân đã khiến ông chịu một sự đả kích rất lớn. Theo cách nhìn nhận của ông, không thi được cử nhân, xấu hổ với phụ thân, có lỗi với tiên nhân. Nhưng ông cho rằng mình thi không đỗ không phải là do bản thân bất tài, chẳng qua là số mệnh không gặp thời mà thôi. Với ông: “Công danh phú quý tự hữu mệnh, tất tu đắc chi vô nại si?” (Công danh phú quý vốn là có số, bắt buộc phải giành lấy nó thì chẳng phải là kẻ si dại sao?) Cuộc sống khốn đốn đã mang đến cho Ngô Thừa Ân áp lực kinh tế do không thi đỗ. Sau khi phụ thân qua đời, ông phải chăm sóc cho cả gia đình, nhưng bản thân ông thì chẳng hề có năng lực đó, hơn nữa cũng chẳng có cách nào để nuôi sống mấy miệng ăn trong nhà. Nguồn thu chủ yếu của cả nhà ngoài sáu đấu gạo hàng tháng lĩnh ở Học phủ ra, bao nhiêu chi tiêu còn lại đều trông chờ vào tài sản do phụ thân để lại. Nếm trải đến bội thực những cay đắng của xã hội, ông bắt đầu tỉnh ngộ, suy nghĩ triệt để mọi vấn đề, đồng thời dùng thơ văn của mình để đấu tranh cho sự bất công của xã hội bấy giờ. Cả đời khốn cùng, Ngô Thừa Ân đã cố gắng phấn đấu hoàn thành tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng trong và ngoài nước, cuối cùng ông đã bước vào thế giới cực lạc mang theo những vui sướng đau khổ vào năm Vạn lịch thứ mười. Cho dù cả đời của ông không thể đỗ đạt, nhưng ông và tác phẩm Tây Du Ký của ông đã giành được địa vị cao quý và huy hoàng trong lịch sử văn học Trung Quốc, mãi mãi là tác phẩm gối đầu của mọi lứa tuổi.
Ngô Thừa Ân cả đời kết thân với Thẩm Khôn, Chu Nhật Phiên, Lý Xuân Phương, ba người này thi cử đều đỗ đạt cao nên thăng quan tiến chức rất nhanh. Lý Xuân Phương làm đến Thủ phụ, ông cũng là người khích lệ và giúp đỡ lớn nhất cho Ngô Thừa Ân trên con đường công danh sự nghiệp. Ngô Thừa Ân còn qua lại với Thư pháp gia tiền bối kiêm thi sĩ Văn Chính Minh và Vương Bàng, hai người này ngông cuồng tự ngạo, nhưng họ kết giao với nhau được bởi vì phong cách và tinh thần không thức thời đã kết nối họ.
QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NGÔ THỪA ÂN
Ảnh hưởng lớn nhất của Ngô Thừa Ân trong lịch sử văn học Trung Quốc chính là trường thiên tiểu thuyết Tây Du Ký. Đây là một tiểu thuyết thần thoại kiệt xuất mang hơi hướng của chủ nghĩa lãng mạn. Cốt truyện trải qua một quá trình biến đổi khá dài. Ngô Thừa Ân đã gia công, chỉnh lý, cải tạo và sáng tác lại dựa trên cơ sở sáng tác của mấy đời tác giả và truyền thuyết dân gian đã được lưu truyền trước đó mấy trăm năm. Đồng thời ông cũng thổi vào trong đó nhận thức và cảm nhận của mình đối với cuộc sống hiện thực, tạo ra một tác phẩm tiểu thuyết thần thoại lung linh nhiều màu sắc mang hơi hướng của chủ nghĩa hiện thực được quảng đại quần chúng yêu thích.
Tuy Tây Du Ký vẫn sử dụng đề tài truyền thống, nhưng lại là sản phẩm của thời đại. Giai đoạn mà Ngô Thừa Ân sinh sống, tầng lớp thống trị hoang dâm hủ bại, mâu thuẫn xã hội ngày càng dâng cao, tình hình chính trị vô cùng đen tối, mầm mống của chủ nghĩa tư bản bắt đầu xuất hiện. Tầng lớp thị dân càng ngày càng nhiều, tư tưởng thị dân từng bước trỗi dậy. Ngô Thừa Ân đối với thực trạng xã hội vô cùng phẫn nộ bất bình, bày tỏ sự cảm thán xót thương.
Trong Nhị Lang Sưu Sơn Đồ Ca, ông đã bày tỏ rõ sự phẫn hận bùng nổ của mình đối với yêu ma quỷ quái tàn hại nhân dân, nhưng ông lại nhiệt tình ca tụng đối với việc Nhị Lang Thần truy bắt yêu ma, kêu gọi sự xuất hiện của những nhân vật anh hùng chuyên trảm tà diệt ma. Do đó có thể thấy, Ngô Thừa Ân muốn mượn những câu chuyện thần thoại để phê phán hiện thực. Điều này chính là nền tảng tư tưởng để Ngô Thừa Ân sáng tác Tây Du Ký. Và Tây Du Ký chính là thực tiễn thành công nhất trong tư tưởng sáng tác của ông.
Câu chuyện đi Tây Thiên lấy kinh của Đường Tăng là chủ đề chính xuyên suốt trong Tây Du Ký, được viết dựa trên một câu chuyện có thật. Năm thứ 3 Đường Thái Tông Trinh Quán (Công nguyên năm 629), thanh niên hòa thượng Huyền Trang một thân một mình đi Tây Thiên thỉnh kinh, trải qua vô vàn gian nan hiểm trở, đến năm Trinh Quán thứ 19 (Công nguyên năm 645), như vậy sau tổng cộng mười bảy năm, rốt cuộc cũng thỉnh được 657 bộ kinh Phật quay về Trung thổ, đồng thời thiết lập dịch trường ở thành Trường An tiến hành việc phiên dịch. Hành trình và những gì nghe được thấy được của Đường Tăng có rất nhiều màu sắc kỳ dị khác thường. Huyền Trang phụng chiếu kể miệng lại những gì nghe thấy nhìn thấy trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh, giới thiệu cảnh sắc con người của các nước Tây Vực, đệ tử của ông chép lại và đóng thành bộ Đại Đường Tây Vực Ký. Sau đó, đệ tử của ông là Tuệ Lập, Ngạn Tông tập hợp lại và biên soạn thành cuốn Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện, ghi chép lại những sự tích đi Tây Thiên thỉnh kinh của Huyền Trang. Tác giả cuốn sách này vì muốn tuyên truyền Phật giáo và ca tụng sự tích vĩ đại cũng như công đức của sư phụ mình, nên đã đưa vào trong đó một số truyền thuyết mang sắc thái thần thoại. Sau này, câu chuyện đi lấy kinh được lưu truyền rộng rãi trong xã hội, càng lưu truyền thì càng biến đổi thần kỳ, càng lúc càng rời xa câu chuyện thực tế được ghi chép trong lịch sử. Theo những ghi chép được người nhà Đường trong Độc Dị Chí, Đại Đường Tân Truyện thì câu chuyện lấy kinh đã mang nặng sắc thái thần dị. Theo ghi chép trong Vu Dịch Chí của Âu Dương Tu, trong Tàng kinh viện Thọ Ninh Tự ở Dương Châu có một tấm bích họa Huyền Trang đi thỉnh kinh, đó là câu chuyện lấy kinh rất phổ biến và lưu truyền rộng rãi trong thời Ngũ Đại. Đến đời Tống, sau khi nghệ thuật thuyết thoại phát triển, người thuyết thoại đã dùng Tây Du Ký làm đề tài và tiến hành sáng tạo thêm. Hình thức của thuyết thoại có hát có nói, nó gần giống như hình thức tục giảng trong Giáng Xướng Kinh Văn của thời Ngũ Đại, nội dung mang đậm màu sắc tôn giáo. Tiếp đến phải nhắc đến Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại của thời kỳ Nam Tống, đó là giai đoạn phát triển quan trọng của câu chuyện lấy kinh, trong sách đã xuất hiện thêm Tôn Hành Giả và Thâm Sa Thần, hai người này chính là tiền thân của Tôn Ngộ Không và Sa Tăng trong Tây Du Ký, nhưng vẫn chưa có sự xuất hiện của Trư Bát Giới. Trong sách cũng miêu tả một số yêu ma gây trắc trở trên đường đi lấy kinh và những kỳ ngộ khác, tuy có một số miêu tả hoang đường phi thực tế, không đúng với lẽ thường tình, nhưng sơ bộ cũng đã tạo ra bộ khung cho câu chuyện của Tây Du Ký sau này.
Đến thời nhà Nguyên, lại xuất hiện Lời bình Tây Du Ký càng thêm hoàn chỉnh sinh động. Năm Vĩnh Lạc đời nhà Minh, trong Vĩnh Lạc Đại Điển cũng có nhắc đến câu chuyện Mộng trảm kinh hà long, tức là được trích từ Lời bình Tây Du Ký của nhà Nguyên, nội dung so với phần đầu của câu chuyện Lão Long Vương sơ ý phạm thiên điều mà Ngô Thừa Ân viết trong Tây Du Ký, về cơ bản thì hoàn toàn giống nhau. Như vậy có thể thấy Lời bình Tây Du Ký xuất hiện muộn nhất cũng vào thời Minh sơ. Nếu nói về sách được phát hành sớm hơn Vĩnh Lạc Đại Điển thì phải nhắc đến sách giáo khoa Hán ngữ Triều Tiên Phác Sự Thông Sự Ngạn Giải, trong đó cũng có trích dẫn một số đoạn của câu chuyện Sa Trì Quốc Đấu Thánh nằm trong Lời bình Tây Du Ký, nội dung so với miêu tả trong cuốn Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết vô cùng giống nhau. Trong sách còn có chú thích, kể lại tình tiết chủ yếu của Lời bình Tây Du Ký. Đặc biệt thân thế của Tôn Ngộ Không, những việc kinh qua và câu chuyện Đại náo Thiên cung thì gần như giống Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết. Thâm Sa Thần trong Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại đã diễn biến thành Sa Hòa thượng, đồng thời còn xuất hiện thêm Hắc Trư Tinh Trư Bát Giới. Do đó có thể thấy, Lời bình Tây Du Ký đã bao gồm những tình tiết quan trọng của câu chuyện lấy kinh và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình sáng tạo ra Tây Du Ký. Sáng tác dân gian đã đem đến một cơ sở vô cùng vững chắc cho Ngô Thừa Ân khi viết Tây Du Ký.
Từ đời nhà Tống đến đời nhà Minh, câu chuyện lấy kinh cũng đã lần lượt được đưa lên sân khấu thông qua nghệ thuật truyền thống hí kịch. Thời kỳ Tống Nguyên, Nam hí có vở Trần Quang Nhụy Giang Lưu Hòa Thượng, Kim viện thì có vở Đường Tam Tạng; tạp kịch nhà Nguyên có vở Đường Tam Tạng Tây thiên thủ kinh của Ngô Xương Linh. Nguyên mạt Minh sơ có vở tạp kịch Nhị Lang Thần tỏa Tề Thiên Đại Thánh của Vô Danh Thị và tạp kịch của Tây Du Ký do Dương Nột sáng tác, một số tình tiết trong kịch so với Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân sáng tác khá giống nhau, cũng miêu tả Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh, có thu nhận ba đồ đệ là Tôn Hành Giả, Sa Tăng, Trư Bát Giới, đồng thời còn miêu tả cả tình cảnh của Nữ Nhi Quốc và Hỏa Diệm Sơn. Nhưng hình tượng của Tôn Ngộ Không lại không có gì xuất sắc, hơn nữa còn chưa rũ bỏ hết yêu khí trên người. Những vở kịch này đã trực tiếp chứng minh rằng trước khi Ngô Thừa Ân sáng tác Tây Du Ký thì câu chuyện đi lấy kinh đã được lưu truyền rộng rãi trong xã hội bằng rất nhiều hình thức khác nhau.
Hình tượng Tôn Ngộ Không cũng đã trải qua một quá trình biến hóa dài dằng dặc. Tự cổ, dòng Hoài Thủy ở quê nhà của Ngô Thừa Ân từng là mối họa lớn đối với người dân, đã sớm xuất hiện rất nhiều truyền thuyết thần thoại liên quan đến việc việc trị thủy. Vô Chi Kỳ là một thủy thần bị thu phục trong lúc trị thủy. Người này vốn là một hầu tinh thần thông quảng đại, sau này bị trấn áp dưới chân núi Quy Sơn ở vùng Hoài Âm. Rất có thể Ngô Thừa Ân đã căn cứ vào hình tượng của Vô Chi Kỳ để diễn hóa thành Tôn Ngộ Không.
Ngô Thừa Ân đã lấy cơ sở của hí khúc, lời bình và truyền thuyết của những đời trước, kết hợp truyền thuyết với câu chuyện lấy kinh lại, đồng thời kết hợp nội dung của cuộc sống hiện thực để sáng tác ra tác phẩm tiểu thuyết thần thoại Tây Du Ký kiệt xuất. So sánh Tây Du Ký và câu chuyện lấy kinh trước đây, dù về mặt nội dung tư tưởng hay về hình thức thể hiện nghệ thuật đều đã phát triển vượt bậc. Tây Du Ký đã cải biên câu chuyện lấy kinh vốn có mang đậm màu sắc tôn giáo, khái quát hình ảnh câu chuyện mang đặc trưng của thời đại và có chủ đề xã hội khá sâu sắc; đồng thời còn miêu tả Tôn Ngộ Không là một nhân vật trung tâm, hơn nữa còn phê phán địa vị “lãnh đạo” của Đường Tăng trong rất nhiều phương diện. Xây dựng nên một Tôn Ngộ Không – nhân vật thần thoại có tính cách mới và có tình người hơn, đây cũng là nhân vật anh hùng trong tư tưởng của mọi người ở cuộc sống hiện thực. Các nhân vật khác trong cách miêu tả của ông cũng vô cùng sống động và chân thực. Ngoài ra, tình tiết câu chuyện trong Tây Du Ký cũng được miêu tả sinh động hoạt bát, kèm nhiều hóm hỉnh thú vị mang phong cách dân gian, nghệ thuật kết cấu tương đối hoàn chỉnh.
Như vậy, Tây Du Ký chính là kết tinh nghệ thuật bởi công sức lao động của Ngô Thừa Ân và đã trở tác tác phẩm tiêu biểu nhất trong số những tác phẩm tiểu thuyết thần thoại.
PHÂN TÍCH CHƯƠNG HỒI CỦA Tây Du Ký
Nội dung của toàn bộ tác phẩm Tây Du Ký được cấu thành từ ba phần. Phần thứ nhất, bao gồm hồi thứ nhất đến hồi thứ bảy, miêu tả xuất thân của Tôn Ngộ Không và câu chuyện đại náo thiên cung. Phần thứ hai, bao gồm hồi thứ tám đến hồi thứ mười hai, miêu tả thân thế của Đường Tăng, Ngụy Chinh trảm long và câu chuyện Đường Thái Tông nhập mộ, giao phó nguyên do lấy kinh. Phần thứ ba, bao gồm từ hồi thứ mười ba đến hồi thứ một trăm, miêu tả Tôn Ngộ Không quy y Phật môn cùng với Trư Bát Giới, Sa Hòa thượng bảo vệ Đường Tăng đến Tây Thiên lấy kinh, cả chặng đường đấu tranh với yêu quái và sự nguy hiểm của môi trường tự nhiên, trải qua chín chín tám mươi mốt nạn, cuối cùng cũng đã lấy được chân kinh, bản thân cũng thành chính quả.
Phần thứ nhất viết về câu chuyện đại náo thiên cung, đã xây dựng một cách sinh động nhân vật Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại khinh thường hoàng quyền, tỏ rõ sự ca tụng nhiệt tình đối với tinh thần đấu tranh và tư tưởng phản đối phong kiến cùng với sự khinh thường chế độ phân chia giai cấp, ý thức phản kháng quyền lực của tác giả. Phần thứ hai có tác dụng liên kết và quá độ về mặt kết cấu. Phần thứ ba là câu chuyện lấy kinh, được tổng hợp từ bốn mươi mốt câu chuyện nhỏ vừa độc lập lại vừa liên quan với nhau, tập trung nhấn mạnh đến phẩm chất tốt đẹp, tinh thần đấu tranh, sự lạc quan tích cực, dũng cảm tiến về phía trước, không sợ hiểm nguy và việc trảm yêu trừ ma của Tôn Ngộ Không. Câu chuyện đại náo Thiên cung và câu chuyện lấy kinh, về mặt đề tài nội dung, chủ đề tư tưởng rõ ràng vẫn tồn tại sự khác biệt và mâu thuẫn. Nhưng do tính nhất quán trong tính cách trước sau của nhân vật chính, nên đã không hề ảnh hưởng đến sự thống nhất về mặt nội dung tư tưởng của bộ tiểu thuyết này.
Tây Du Ký đã thông qua hình thức thần thoại, thể hiện được nội dung mang tính xã hội phong phú, phản ánh một cách khúc chiết mâu thuẫn hiện thực xã hội, bày tỏ được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Hình ảnh Tôn Ngộ Không cũng đã phản ánh được khát vọng phản kháng mãnh liệt của quảng đại quần chúng đối với sự chuyên chế áp bức, chiến thắng tà ác và chinh phục sức mạnh tự nhiên. Tinh thần của Tôn Ngộ Không luôn luôn được thể hiện một cách tích cực lạc quan, dũng cảm, không sợ khó khăn, dám đấu tranh, là nghệ thuật khái quát cuộc sống đấu tranh trường kỳ của nhân dân Trung Quốc. Đó chính là sản vật của sự kết hợp giữ hiện thực và lý tưởng. Trảm yêu trừ ma chính là nội dung đặc sắc nhất trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, mục đích của việc lấy kinh nhờ nghệ thuật miêu tả của tác giả đã trở thành thứ yếu, thậm chí nó chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi.
Quá trình tranh đấu với yêu ma đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh quật cường và nghệ thuật đấu tranh cao siêu của Tôn Ngộ Không, ví dụ như Ngộ Không rất giỏi trong việc nhìn thấu nguyên hình của yêu quái; Ngộ Không thường hoàn thành tốt nhiệm vụ trừ ác, chưa bao giờ biết mềm lòng; đấu tranh chú trọng đến việc tìm hiểu tình hình của địch nhân, tri kỳ tri bỉ, khắc địch chế thắng, căn cứ vào đối tượng đấu tranh khác nhau thì sẽ có những chiến thuật và sách lược khác nhau.
Tây Du Ký miêu tả chín nhân gian của chín thể chế như Tế Trại Quốc, Chu Tử Quốc, Diệt Pháp Quốc, sử dụng phần lớn quan chế của đời nhà Minh, quốc vương hầu hết là hôn quân, hoang dâm hèn nhát, sủng tín đạo sĩ, những điều này có ý nghĩa phê phán hiện thực nhất định.
Nhân vật trong Tây Du Ký được miêu tả tương đối tập trung, không giống với Tam Quốc Diễn Nghĩa và Thủy Hử thường miêu tả sự đặc sắc của tập thể. Nhân vật tương đối đột phá ngoài nhân vật chính Tôn Ngộ Không ra còn có Trư Bát Giới và Đường Tăng. Trư Bát Giới là một hình tượng nhân vật có khuyết điểm nhưng lại khiến mọi người yêu thích. Bát Giới ngu ngơ chất phác, có thể chịu được cực khổ, đối với địch nhân chưa bao giờ chịu khuất phục, là một trợ thủ không thể thiếu trong việc trảm yêu trừ ma của Tôn Ngộ Không. Nhưng Bát Giới lại ham ăn háo sắc, lười nhác; thiếu sự kiên định trong việc đi lấy kinh, vừa gặp khó khăn liền đòi chia tài sản giải tán; thường đố kỵ người khác, rất hay kích động thị phi. Sự tài lanh của Bát Giới còn có một chút thực thà. Dưới ngòi bút tuyệt vời của tác giả, Bát Giới đã trở thành nhân vật hóm hỉnh gây cười, biểu hiện sự phê bình đầy thiện chí của các nhà sản xuất trong cuộc sống hiện thực.
“TẦM DU” QUÊ HƯƠNG CỦA TÔN NGỘ KHÔNG
Đây là một đoạn nhỏ trong câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi về Ngô Thừa Ân…
Sau khi cha qua đời một khoảng thời gian chính là lúc xảy ra một bước ngoặt lớn quan trọng trong toàn bộ hành trình cuộc đời của Ngô Thừa Ân.
Khi đó, chính trị đen tối, xã hội hỗn loạn, kinh tế thì điêu tàn, sự thống khổ của dân chúng, đã khiến cho Ngô Thừa Ân cảm thấy căm phẫn thế tục đối với sự không may trên con đường công danh của mình, nó phát triển thành sự bất mãn quyết liệt đối với hiện thực cuộc sống và nỗi lo lắng cho nước cho dân của ông. Ông cho rằng xã hội đen tối, dân không sống nổi, chủ yếu do những kẻ được gọi là hoàng thân quốc thích, tà ác đạo sĩ, bọn tham quan ô lại gây ra. Sự ngu muội của hoàng đế càng giúp cho các thế lực tà ác có cơ hội hoành hành. Trong lòng ông chất chứa sự ai oán phẫn nộ và mong muốn diệt trừ tà ác nhưng cuộc sống hiện thực không thể thực hiện được nên chỉ có thể gửi gắm và tìm kiếm hy vọng trong thế giới thần thoại.
Nhân vật chính của Tây Du Ký là Tôn Ngộ Không, tục xưng là Tôn hầu tử.
Hầu tử đương nhiên phải ở trên núi, nhưng Hoài An lại không có núi, nên “quê hương” của Tôn Ngộ Không phải là thế nào? Ngô Thừa Ân trong lòng cũng chẳng rõ nữa. Nghe nói cách Hoài An về phía Bắc khoảng hai trăm dặm có một ngọn núi lớn tên là Vân Đài, thường hay có người đến đó thắp hương lễ Phật. Thế là, Ngô Thừa Ân liền quyết định đi thực tế một chuyến.
Ngô Thừa Ân sau khi xuất phát, mới nghe nói Vân Đài Sơn nằm ở ngoài biển, là hòn đảo không tiếp giáp với đất liền. Ông liền nhờ một lão ngư dân già giúp đỡ, ngồi trên thuyền một ngày một đêm mới đến được Vân Đài Sơn, trú tạm trong một ngôi miếu lớn. Vân Đài Sơn, phía trước có Tiền Vân Đài, giữa có Trung Vân Đài, ở sau có Hậu Vân Đài, tổng cộng gồm 136 ngọn núi lớn nhỏ, kéo dài hơn 200 dặm. Nhưng ông không muốn từ bỏ vì lý do này, thế là ông vẫn tiếp tục tìm kiếm khắp nơi.
Một hôm chạng vạng, Ngô Thừa Ân tìm đến được một nơi cong như hình cây cung dưới chân một ngọn núi, ông phát hiện cỏ cây ở đây rậm rạp, cây cối xanh tốt, thương tùng thúy bách, hòa quyện với nhau, có một cây tùng mục thẳng đứng dựa vào vách núi, giống như một chiếc ô lớn che trời đất, vô cùng tráng lệ. Ngô Thừa Ân tìm được một người tiều phu để hỏi thăm, được biết chỗ này gọi là Tương Vi Phong. Ngô Thừa Ân nhờ tiều phu làm người dẫn đường, mang theo đèn lồng, đi xuyên qua rừng đào, tiến vào trong một sơn động thần bí, ông đã bị vô vàn hình thù kỳ quái, đa dạng của các sơn động lớn nhỏ trước mắt làm cho ngây ngất, tròn, vuông, hẹp, giữa các động còn thông với nhau nữa. Tiều phu đưa Ngô Thừa Ân đến một sơn động lớn giống như một căn nhà, chỉ thấy trong đó có rất nhiều hòn đá lớn vừa sáng lại vừa tròn. Tiều phu nói, trước đây rất lâu, một con hầu tử già, dắt theo một bầy hầu tử nhỏ đến nơi này tìm hái trái cây. Con khỉ già nhìn thấy một con thác đổ thẳng từ trên đỉnh núi xuống, liền gọi bầy hầu tử nhỏ vào trong đó xem xét, đám hầu tử nhỏ nhìn qua ngó lại một hồi, chẳng con nào dám bước vào, con khỉ già liền tự mình xông vào, vừa mở mắt ra nhìn, thì ra là một sơn động lớn, phía trên là núi, phía dưới là nước, cửa động được che bởi một tấm rèm nước trong suốt, quả thực là một nơi tốt để ẩn thân. Sau đó, lão hầu tử liền dẫn tất cả đám hầu tử nhỏ dọn đến nơi này trú ngụ, tự mình làm Hầu Vương.
Đoạn miêu tả sinh động của tiều phu đã khơi dậy hứng thú cho Ngô Thừa Ân. Ông vừa ngắm cảnh vừa nghĩ ngợi, vừa nghĩ vừa ghi nhớ. Sau này, khi bắt tay vào viết, Ngô Thừa Ân đã coi Tương Vi Phong này chính là “quê nhà” của Tôn Ngộ Không, còn ngọn núi lớn mọc đầy trái cây, Ngô Thừa Ân đặt tên nó là Hoa Quả Sơn, nơi có sơn động phía sau thác nước, Ngô Thừa Ân đặt tên cho nó là Thủy Liêm Động.
Thi nhân triều Tấn là Đào Uyên Minh kể lại, có một ngư phu một lần lỡ bước vào Đào hoa nguyên dài bất tận quên mất đường về, tình cảnh của Ngô Thừa Ân và vị ngư phu này lúc này cũng giống như vậy. Trong lúc Ngô Thừa Ân đang tìm đường để đi ra khỏi động, sắc trời cũng đã le lói ánh hừng đông. Ngô Thừa Ân quyết định men theo con đường nhỏ giữa rừng, đi một mạch lên đến đỉnh núi. Ông đứng yên lặng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa ngắm sóng biển cuộn dâng, núi non trùng điệp, như họa như thơ. Chính vào lúc đó, một quầng lửa đỏ rực từ mặt biển phía đông dần dần nhô lên, toàn bộ những đỉnh núi của Vân Đài Sơn được chiếu rọi vô cùng huy hoàng tráng lệ. Đối diện với non sông hùng vĩ, Ngô Thừa Ân càng thêm thống hận gian tà “loạn chính” của “Ngộ Quốc” và đám hoạn quan, ông than thở với trời vì bản thân không thể báo quốc và giải trừ đi nỗi thống khổ của lê dân.
NGÔ THỪA ÂN CỐ CƯ VÀ Tây Du Ký
Để hiểu thêm quá trình hoàn thành tác phẩm Tây Du Ký, trước tiên chúng ta hãy tham quan qua cố cư của Ngô Thừa Ân, đây cũng chính là nơi Ngô Thừa Ân đã viết Tây Du Ký.
Cố cư của Ngô Thừa Ân tọa lạc phía nam hẻm Đả Đồng, phía tây bắc thành Hoài An. Đến cố cư của Ngô Thừa Ân ngắm cảnh, chúng ta có thể đi vào bằng hai con đường đông và tây. Tây lộ là con đường dẫn từ phía đông đến men theo con đê Lý Vận, theo văn học gia đời Hán là Mai Cao, thì người ta có thể đến cố cư của ông bằng cách đi từ đường Thành Hà xuyên qua đường Hẻm Trúc. Ngoài ra còn một con đường khác là Đông lộ, từ phía bắc của đường lớn Bắc Môn, đi qua đường Hẻm Trúc về phía tây. Ngay tại lối vào của đường Hẻm Trúc có một bài phường đề “Cố cư của Ngô Thừa Ân”. Bài phường là một chiếc cổng có bốn trụ ba cửa, có hai tâm đối liễn ở hai bên, trong đó có nói Ngô Thừa Ân là người của vùng đất địa linh nhân kiệt và là cái nôi của nền văn hóa phong phú ở Hoài An – Hà Hạ. Đối liễn viết:
Cựu trạch lãm thắng tích: Tiêu Hồ, Trường Hoài, Hàn Câu Thủy;
Cố Cư Tiếp Phương Lân: Mai Đình, Lương Từ, Điếu Ngư Đài.
Câu đối trên nói về vị trí địa lý cố cư của Ngô Thừa Ân: cố cư nằm bên Tiêu Hồ mỹ lệ, dòng Hoài An cổ xưa, là dòng sông nằm trong Đại Vận Hà; câu đối dưới nói về nhân văn, danh thắng của danh nhân vùng Hà Hạ: Đình kỷ niệm Mai Cao, Từ đường của Lương Hồng Ngọc, Điếu Ngư Đài của Hàn Tín, là nơi rất gần với cố cư. Một đôi liễn khác viết:
Đông thổ Tây Thiên, Hàng yêu phục ma, Vạn phương truyền tụng Tôn Đại Thánh;
Sở phong Hoài Thủy, thuật dị chí quái, Thiên tải thui sùng Ngô Thừa Ân.
Đôi liễn này có ý nghĩa kể lại một cách súc tích những sự kiện có liên quan đến Tây Du Ký và Ngô Thừa Ân.
Căn nhà gốc trong cố cư của Ngô Thừa Ân đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Năm 1982, nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của Ngô Thừa Ân và chào mừng lễ khai mạc Hội thảo nghiên cứu toàn quốc lần thứ nhất về tác phẩm Tây Du Ký, chính quyền nhân dân thành phố Hoài An đã cho phục dựng lại cố cư Ngô Thừa Ân trên nền đất cũ của nhà họ Ngô. Một phần phía trước của cố cư là khu sinh hoạt, chiếm tổng diện tích 9.875,55m2, tường bao từ đông qua tây 30m, từ nam qua bắc 100m, bên trong có hai gian Xạ Nhật Thư Phòng của Ngô Thừa Ân, ba gian là nơi ở của cá nhân Ngô Thừa Ân, ba gian phòng khách, ba gian khác là nơi phụ mẫu của Ngô Thừa Ân ở, cũng chính là nơi đã hạ sinh ông, ba gian sương phòng, hành lang có mái dài 34m, theo tính toán diện tích xây dựng khoảng 392,77m2 (nhà xây theo kiểu tứ hợp viện).
Đại môn của cố cư Ngô Thừa Ân có một tấm hoành phi, bên trên có ghi “Cố cư Ngô Thừa Ân” do nguyên chủ tịch Hội Thư pháp Trung Quốc là Thư Đồng đề tặng. Bước vào trong sân là phòng khách chính của Ngô gia, cũng là nơi cử hành hỷ khánh hôn tang, và đón tiếp khách khứa cùng với họ hàng tới thăm. Trong phòng khách có đặt một bức tượng bán thân của Ngô Thừa Ân, phía trên có treo một tấm hoành phi do Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc Triệu Phác Sơ viết “Xạ Dương Di”, hai bên bức tượng là một đôi liễn do nữ thư pháp gia nổi tiếng của Trung Quốc Tiêu Nhàn viết tặng: “Phục quái dĩ lực, thủ kinh duy thành”. Trong tủ kính bày rất nhiều bản Tây Du Ký. Hai bên cửa chính treo một đôi đối liễn màu vàng cam chữ xanh:
Sưu bách đại khuyết văn, thải thiên thu vận, nghệ uyển cửu thôi bắc đẩu;
Cô giải thác thần ma, cảm trực trữ hùng ức, kỳ thiên diễn xuất Tây Du.
Đối liễn này đã khái quát thành tựu cả đời của Ngô Thừa Ân và giá trị lịch sử của tác phẩm nổi tiếng Tây Du Ký.
Phía sau phòng khách Xạ Dương Di, đi theo hành lang dài sẽ đến thượng phòng, tức là nơi phụ mẫu của Ngô Thừa Ân ở. Phía đông của căn phòng này là cửa lớn của hậu hoa viên.
Nơi ở của phụ mẫu Ngô Thừa Ân cũng chính là nơi Ngô Thừa Ân ra đời. Phụ thân của Ngô Thừa Ân là Ngô Duệ (Nhuệ) (1461 – 1532) tự là Đình Khí, hiệu là Cúc Ông, là người trung hậu, thích kể chuyện lịch sử, thích du sơn ngoạn thủy và tham quan danh lam thắng cảnh ở vùng Hoài An, khi Ngô Thừa Ân còn nhỏ thường được phụ thân kể cho những câu chuyện thần ma của nhân gian. Ngô Duệ lấy Từ thị, sinh được một con gái, tên là Ngô Thừa Gia, gả cho Thẩm Sơn là người trong tộc của Hộ bộ Thượng thư Thẩm Dực cũng có gốc ở Hoài An. Khi bước sang tuổi trung niên có lấy thêm Trương thị, sinh được con trai đặt tên là Ngô Thừa Ân. Chái nhà ở phía đông là nơi ở của Ngô Duệ và Từ thị, chái nhà phía tây là nơi ở của Ngô Duệ với Trương thị.
Thư phòng của Ngô Thừa Ân là “Xạ Dương Di”. Khi còn nhỏ, Ngô Thừa Ân thích nghe câu chuyện về Hoài Hà Thủy thần và Tăng già Đại thánh. Sau này ông còn sưu tầm tìm đọc rất nhiều tiểu thuyết truyền kỳ và những câu chuyện về thần ma, bàng khúc trí và thêm một số tài liệu khác như Kỷ trữ mãn hùng trung. Sau tuổi trung niên, ông bắt đầu sử dụng ngòi bút điêu luyện biến hóa của mình, đem Đường Tăng trong câu chuyện Tây Du kết hợp một cách khéo léo sự tích truyền kỳ của người đời Đường, Phật đạo kinh điển, câu chuyện dân gian, những nơi nổi tiếng của Hoài An, nhất là chính tại thư phòng Xạ Dương Di để sáng tác và hoàn thành một trăm hồi của cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký.
Phía trước hòn giả sơn ở Hậu hoa viên có một cái hồ lớn do nhân công đào, trong hồ có rất nhiều bông súng và cá vàng, cứ đến mùa hè, cá vàng bơi lội tung tăng trong đám cỏ nước, thật là một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt.
Phía trái hòn giả sơn có một tòa kiến trúc gọi là “phảng” trông giống với một chiếc thuyền, đây là một thủ pháp gọi là “Hạn địa tủy tác” trong kiến trúc học. Chiếc thuyền này đỗ sát bờ, phảng phất như đang tĩnh lặng chờ đợi thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh trở về.
Phía nam của giả sơn, bắt đầu từ phía tây của nơi đặt con thuyền Phảng Châu, có một con kênh dẫn nước vòng qua hòn giả sơn chảy về hướng đông. Trên đó có một cây cầu uốn lượn. Trên bờ bắc của cây cầu, nằm giữa hòn giả sơn và Túy Mặc Hiên là tảng đá Thái Hồ, có hình thẳng đứng như cán bút, vô cùng độc đáo, trên đó có ghi hai chữ “Thần Châm”, đây chính là cảm hứng về cây Kim Cô Bảng mà Ngô Thừa Ân đã tạo ra cho Tôn Ngộ Không khi viết Tây Du Ký. Vậy nên Kim Cô Bảng của Tôn Ngộ Không chính là cây định hải thần châm mà Đông Hải Long vương đã đưa cho để sử dụng.
PHÁT HIỆN MỘ ĐỊA CỦA NGÔ THỪA ÂN
Trong cố cư của Ngô Thừa Ân có một tấm gỗ lấy từ quan tài của Ngô Thừa Ân, trên đó có khắc bốn chữ “Kinh phủ Kỷ thiện”. Chính vì phát hiện ra tấm gỗ quan tài này mà chúng ta mới tìm được lăng mộ của Ngô Thừa Ân và phát hiện ra di cốt và di vật của Ngô Thừa Ân, từ đó mới xác định được rất nhiều kết luận.
Tháng 9 năm 1987, mộ của Ngô Thừa Ân và cố cư của ông đã cùng lúc được chính quyền nhân dân thành phố Hoài An đưa vào danh sách Di tích lịch sử văn hóa. Từ khi mở cửa đón khách tham quan cho đến nay, ngôi mộ này đã được rất nhiều sinh viên, nhân sĩ trong và ngoài nước đến ghé thăm, thắp nhang, và quét dọn.
Vườn mộ của Ngô Thừa Ân có hình vuông, bao bọc bốn phía là một con kênh nhỏ nhằm ngăn cách với bên ngoài, tổng diện tích là 2.000m2. Đường kính của ngôi mộ là 5m, cao 15m, phía trước mộ có dựng một tâm bia đá cao 15m, trên khắc 9 chữ “Kinh phủ Kỷ thiện Ngô Thừa Ân chi Mộ”. Cách ngôi mộ về phía nam 10m có một nhà bia ba cửa bốn trụ có mái cong vút. Trụ cao 8m, tấm hoành phi có năm chữ viết theo lối hành khải “Ngô Thừa Ân chi Mộ”. Phía tây ngôi mộ có một mái đình hóng gió, bốn mái cong vút, có thể làm chỗ nghỉ chân cho khách tham quan. Phía bắc ngôi đình là một con đường, cuối con đường này chính là cửa chính dẫn đến Mộ Viên.
Mộ của Ngô Thừa Ân được phát hiện như thế nào?
Ở vùng đất Hoài An có rất nhiều mộ cổ. Ở đây có những kẻ vô công rỗi nghề đi đào trộm mộ, ăn cắp tài vật cũng như vàng bạc được bồi táng cùng người chết trong quan tài hoặc trong mộ để bán lấy tiền tiêu xài. Một ngày tháng Một năm 1975, một thầy giáo tiểu học của thôn Mã Điện trên đường đi làm đã phát hiện một ngôi mộ cổ vừa mới bị đào lên, hai bên có hai tấm bia đá hình vuông. Do hiếu kỳ, ông ta mới bước đến để xem xét hai tấm bia đá, phát hiện trên một tấm bia đá có hàng chữ mờ mờ viết bằng thể triện ghi “Minh Ngô Cúc Ông chi Mộ”, có thể thấy chủ mộ họ Ngô. Tấm bia đá còn lại là một bài tế văn dùng thể chính khải, trong đó có một dòng chữ: “Cô tiểu tử Thành Ân”. Ánh mắt ông ta vụt sáng, mộ chủ họ Ngô, mà con của người này tên là Thành Ân, liệu có phải con của mộ chủ chính là Ngô Thừa Ân, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tây Du Ký? Thế là, ông ta vội chạy về trường để báo cáo sự việc này, nhà trường coi đây là một tin tức quan trọng, lập tức báo cáo lên phòng văn hóa xã. Sau khi điều tra, hai tấm bia đá này chính là Mộ Chí Danh do chính tay Ngô Thừa Ân viết cho cha của ông. Mọi người mừng rỡ, vội vàng thông báo tin này lên cho Bảo tàng Nam Kinh.
Năm 1981, chính quyền nhân dân huyện Hoài An đã cử người đến khảo sát điều tra mộ địa của Ngô Thừa Ân, bắt đầu từ tấm bia bị trộm “Ngô Cúc Ông Mộ”, không lâu sau người ta tìm được những người lúc trước trộm tấm bia này. Bọn họ kể lại, lúc đó ngoài tấm bia đá này, họ còn trộm một cỗ quan tài, phía trên quan tài có chữ “Ngô”, thuộc ngôi mộ bên cạnh.
Nhân viên điều tra căn cứ vào manh mối có được là một mảnh gỗ đóng quan tài bị trộm ở một ngôi trường trung học. Khi đó, cỗ quan tài đã bị một thợ mộc xẻ ra và đóng thành cửa sổ ở trường trung học này. Chữ viết trên quan tài đương nhiên đã bị bào đi hết, các thầy cô chỉ nhớ trên đó có một chữ “Ngô” mà thôi. Khi mọi người đang thất vọng thì ông thợ mộc họ Ngô này mới lên tiếng. Ông ta kể khi xẻ tấm nắp quan tài thì phát hiện trên đó có ghi mười chữ “Kinh phủ Kỷ thiện Xạ Dương Ngô Công Linh Cữu”. Lúc đó tại hiện trường có người còn nói đùa rằng: “Này, bác Ngô, cũng có khả năng chủ nhân của cỗ quan này là tổ tiên của bác đấy”, khiến ông thợ mộc họ Ngô giật mình, vội vàng lôi nửa mảnh nắp quan tài ra, phía trên có khắc bốn chữ “Kinh phủ Kỷ thiện”. “Kỷ thiện” là quan thuộc của Minh Vương Phủ, quan bát phẩm, đây cũng là chức quan khá đặc thù chỉ có vào đời nhà Minh. Căn cứ vào khảo chứng, ngôi mộ này là mộ thuộc đời nhà Minh, hơn nữa người Hoài An vào đời nhà Minh chỉ có mỗi Ngô Thừa Ân sau khi từ quan mới được phong làm “Kinh phủ Kỷ thiện”. Chủ ngôi mộ lại họ Ngô, từng lấy danh xưng là “Xạ Dương Sơn Nhân”, người Hoài An vào đời nhà Minh phù hợp với những điều kiện trên chỉ một mình Ngô Thừa Ân mà thôi. Vậy thì chủ nhân của ngôi mộ này nếu không phải Ngô Thừa Ân thì còn có thể là ai đây?
Sau này, nhân viên điều tra được một kẻ trộm mộ chỉ đường, lại tìm tới ngôi mộ trước đây đã trộm thì tìm được ba bộ hài cốt một nam và hai nữ. Rất rõ ràng, đây là hài cốt của Ngô Thừa Ân và hai vị phu nhân của mình. Nhân viên điều tra lập tức dọn dẹp huyệt mộ, đồng thời trưng dụng toàn bộ khu đất ba mẫu được bao quanh bởi con kênh dẫn nước mà ở đó lấy Ngô mộ làm trung tâm, quy hoạch thành vườn mộ của Ngô Thừa Ân, để mọi người có thể đến thăm viếng. Còn mảnh nắp quan tài có chữ “Kinh phủ Kỷ thiện” được để trang trọng trong cố cư Ngô Thừa Ân. Nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những học giả chuyên nghiên cứu về thời gian sáng tác Tây Du Ký.
Dù đã trải qua nhiều năm tháng nhưng tác phẩm Tây Du Ký vẫn được bao thế hệ đón nhận và thưởng thức nhiệt tình. Nếu như bạn có thể một lần đến với cố cư Ngô Thừa Ân, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa trong Tây Du Ký.
NGHỆ THUẬT QUÁN CỦA MỸ HẦU VƯƠNG THẾ GIA
Phía đông cố cư của Ngô Thừa Ân chính là Nghệ Thuật quán “Mỹ Hầu Vương thế gia”.
Năm 2004, để kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Ngô Thừa Ân – một danh nhân văn hóa thế giới, tiểu thuyết gia nổi tiếng của đời nhà Minh và cũng là tác giả của một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Quốc, nhằm biểu dương thành tựu nghệ thuật kiệt xuất đối với việc truyền bá văn hóa Tây Du được cả thế giới biết đến của Chương thị Hầu hý, đồng thời nhằm tiến thêm một bước trong việc chấn hưng tinh thần Hầu Vương, chính quyền nhân dân khu Sở Châu (thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã cho xây dựng một tòa kiến trúc nghệ thuật vô cùng đẹp và thần kỳ đầu tiên của Trung Quốc có tên là “Hầu Vương Thế gia” ở phía đông của cố cư Ngô Thừa Ân.
Mấy đời gia tộc nhà chúng tôi có sở trường biểu diễn Hầu hý nên được mọi người tôn xưng là Hầu Vương Thế gia. Hầu Vương gia tộc có nhiệm vụ truyền bá văn hóa Tây Du, quảng đại tinh thần Mỹ Hầu Vương, có tình cảm vô cùng nồng hậu đối với Ngô Thừa Ân. Tôi cho rằng không có Ngô Thừa Ân thì cũng chẳng có Hầu vương Thế gia, vì vậy trải qua nhiều đời chúng tôi đã thu thập được rất nhiều đồ nghệ thuật, tất cả những thứ này đều được quyên tặng cho cố cư Ngô Thừa Ân, từ sau khi Nghệ Thuật quán Hầu vương Thế gia được hoàn thành, những đồ dùng này đều được làm vật kỷ niệm Ngô Thừa Ân.
Nghệ Thuật quán này được khởi công vào ngày 01 tháng Sáu năm 2004 và được khánh thành vào ngày 27 tháng Chín cùng năm đó. Tổng diện tích 2.789,5m2, được vận dụng hoàn toàn phương pháp xây dựng hoa viên theo kiểu truyền thống của Trung Quốc, kết hợp địa hình hiện có với môi trường xung quanh, được sử dụng tích cực bố cục mặt phẳng kiểu “hoàn bão” theo phong cách kiến trúc Thanh Minh (nhà Thanh và nhà Minh), tạo ra môi trường vừa tự nhiên và ưu nhã làm thỏa mãn mọi nhu cầu của khách trong và ngoài nước mỗi lần đến vãn cảnh, du lãm, nghỉ ngơi.
Tấm biển đề “Mỹ Hầu Vương Thế gia Nghệ Thuật quán” là do nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc đương đại Khởi Công tiên sinh tự tay đề tặng, tám chữ này thanh tú nhưng rất có sức mạnh. Bên trong Nghệ Thuật quán được chia làm: Thế gia sảnh, Nghệ thuật sảnh, Diễn ảnh sảnh, Hầu hý sảnh, nội dung đã phản ảnh đầy đủ “Hầu vương Thế gia” đối với việc truyền bá và phát triển văn hóa Hầu Vương của Trung Quốc mà gia tộc chúng tôi đã gìn giữ và phát triển trải qua mấy đời trong mấy trăm năm qua, đã cống hiến một hành trình nghệ thuật huy hoàng và vô cùng đặc biệt. Vật dụng quý giá và đồ dùng cho hý kịch tổng cộng có hơn 400 món. Trong đó có những bức hình chụp chung và bút tích của một số vĩ nhân thời nay như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình, được coi là giá trị nhất. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Trung Quốc đã tặng lại một số bức hình chụp cảnh phim và cảnh sinh hoạt cùng với đạo cụ, phục trang và đồ hóa trang đã từng sử dụng trong khi quay bộ phim Tây Du Ký; lịch sử Hầu hý nam bắc của Trung Quốc và rất nhiều lời giới thiệu cuộc sống của các nhà nghệ thuật Hầu hý; rất nhiều đồ nghệ thuật của Tây Du được bày biện khá bắt mắt; ngoài ra còn khá nhiều tự họa và đề từ của các nghệ thuật gia nổi tiếng như Triệu Phác Sơ, Khuất Võ, Lưu Hải Lật, Quan Sơn Nguyệt, Lục Nghiễm Thiếu, Sa Mạnh Hải, Thư Đồng, Vạn Lại Minh, Du Chấn Phi, Tào Ngu, Diêu Tuyết Ngân, Hầu Bảo Lâm; trưng bày tiểu thuyết Tây Du Ký của các nước qua các thời kỳ, sách nghiên cứu, album hình ảnh, đại hình thạch điêu “Tam Vương Thạch” là di vật đạo quán của nhà Nguyên, các nguyên mẫu khuôn mặt, gậy kim cô của lịch đại hầu vương của “Hầu vương Thế gia”; trong đó còn có một đàn rượu Hoa Điêu cực lớn cao hai mét và một chiếc ấm tử sa cực lớn. Nơi này chính là một nơi trưng bày nghệ thuật vừa mang tính nghệ thuật tổng hợp, vừa đầy tính giải trí thú vị, vui vẻ.
Bước vào Nghệ Thuật quán, tôi tin chắc rằng các bạn sẽ thực sự hiểu rõ “tinh thần Hầu Vương” được xuất hiện ở khắp mọi nơi, và hiểu biết thêm về hình tượng của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký.