Trong lần đầu tham dự hội thảo quốc tế về Đạo đức kinh, tôi đã viết một bài diễn thuyết có tên Thí dụ điển hình về Tôn Ngộ Không trong Nho Thích Đạo Tam giáo hợp nhất, được không ít học giả tham dự tán thưởng và nhất trí. Thực chất Tây Du Ký đã phản ánh nội dung tư tưởng của Tam giáo hợp nhất, thể hiện được tính kiệt xuất của nguyên lý cơ bản của Tam giáo Nho Thích Đạo.
Qua những câu chuyện được miêu tả trong Tây Du Ký, chúng ta cũng đã có chung nhận thức về bản lĩnh, phạm vi quyền hạn của Phật gia và Đạo gia. Trong nhiều tác phẩm, chúng ta có thể nhận ra sự sùng kính Phật gia với những hình tượng Như Lai, Quan Âm xuất hiện liên tục, tiến hành ghi chép một lượng lớn đối với việc tu hành “khổ nhân tâm trí” và không biết mệt mỏi trong việc theo đuổi thuật trường sinh của Đạo gia; đồng thời sự hậu thuẫn văn hóa Nho gia đối với tiểu thuyết càng được thể hiện rõ ràng hơn.
Ý nghĩa chính của tác phẩm tuy không phải là “Khuyến học”, “Đàm thiền” và “Giảng đạo”, nhưng lại chứa đựng rất nhiều nội dung của “Khuyến học”, “Đàm thiền” và “Giảng đạo”, cần được nghiền ngẫm tỉ mỉ.
THÍ DỤ ĐIỂN HÌNH VỀ TÔN NGỘ KHÔNG TRONG NHO THÍCH ĐẠO GIÁO TAM HỢP NHẤT
Không ít học giả cho rằng Tây Du Ký đã thể hiện thái độ “khẳng định”, “tôn sùng” đối với Phật giáo, như Đàm thiền thuyết của thời kỳ Thanh Minh (nhà Minh và nhà Thanh) và Sùng Phật thuyết của học giả hiện đại. Nhưng cũng có rất nhiều học giả không đồng ý với ý kiến này, cho rằng Tây Du Ký đã thể hiện thái độ phủ định đối với Phật giáo, thậm chí còn thể hiện sự phê phán trong đó. Hai luồng ý kiến này đều có lý riêng, nhưng mỗi loại cũng thể hiện rõ sự hạn chế qua việc tổng hợp, kết hợp với phân tích cụ thể từng nội dung tác phẩm, hoặc sử dụng phương pháp khá đơn giản để tìm ra một phương án chính xác. Trong tiểu thuyết, nhân vật trong phía Phật giáo, ví dụ như Phật tổ Như Lai, Quan Âm Bồ Tát, phần lớn được miêu tả thành hình tượng nhân vật chính diện: miêu tả bàn tay của Phật tổ Như Lai vô cùng lớn, khiến cho Tôn Ngộ Không dù tinh thông thuật cân đẩu vân chỉ cần một cái nhún người đã bay xa mười vạn tám ngàn dặm cũng không thể thoát khỏi, cuối cùng cũng phải thua Như Lai Phật tổ rồi bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn. Hoặc trên đường đi Tây Thiên lấy kinh, mỗi lần nơi nào có đại nạn nan giải, thường thì Quan Âm Bồ Tát, Như Lai Phật tổ đến giúp đỡ, khiến cho sư đồ Đường Tăng tuyệt xứ phùng sinh. Kiểu sắp xếp và miêu tả như vậy, có thể nói không phải biểu hiện khẳng định Phật giáo hay sao? Nhưng khi để cho Tôn Ngộ Không trù ẻo Quan Âm Bồ Tát là “một đời không chồng”, hay Phật tổ Như Lai lại biện giải cho hành vi xấu của A Nan, Ca Diếp khi đòi Đường Tăng phải biết cách “quan hệ đối đãi”, hoặc để cho yêu quái xuất hiện nhiều có một chút “liên đới” với Thân Phật tổ sư, Kim trì trưởng lão của Quan âm viện tham lam chiếc áo cà sa của Đường Tăng, dám thiêu chết mấy thầy trò Đường Tăng. Kiểu miêu tả này, tự nhiên cũng khó nói là biểu hiện “tôn sùng” đối với Phật giáo. Đương nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, biểu hiện cụ thể của hai luồng ý kiến này trong tác phẩm cũng không phải hoàn toàn giống nhau, trong đó có sự phân biệt chủ thứ, chia ra làm nhiều phân cảnh. Tiểu thuyết lấy sự khẳng định đối với Phật giáo làm chủ đạo, tôn sùng tương đối nhiều, chê bai tuy cũng có, nhưng không nhiều lắm. Thẳng thắn không kiêng kỵ đối với tiểu thuyết mà nói cũng chính là biểu hiện của thái độ và khuynh hướng đối với Phật giáo, đương nhiên nó cũng có quan hệ trực tiếp đối với thái độ và khuynh hướng Phật giáo của tác giả trong cuộc sống, không thể không có hoặc không đưa vào bất cứ khuynh hướng tư tưởng nào, nếu nói theo cách nói hiện đại thì, đó chẳng qua chỉ là sự bộc lộ tự nhiên của một loại “tiềm ý thức”, hơn nữa không phải là cố ý theo đuổi vấn đề.
Tây Du Ký đã phản ánh tư tưởng “Nhân chính, Vương đạo” của Nho gia. Trong tiểu thuyết, Đường Tăng là một danh tăng của Phật môn, không những mọi lúc mọi nơi đều “Từ bi vi hoài”, còn thường xuyên nói đến “Nhân nghĩa vi bổ”. Tôn Ngộ Không tuy “tính khỉ” chưa dứt, có lúc khó tránh khỏi hành vi nghịch ngợm, nhưng đối với Đại nghiệp đi Tây Thiên lấy kinh lại luôn đại trí đại dũng, tâm thành chí kiên, là một “Hầu vương có nhân có nghĩa”. Thái Bạch Kim Tinh nhiều lần lấy “Nhân nghĩa vi bản”, tấu thỉnh Ngọc Hoàng đại đế “chiêu an” Tôn Ngộ Không, không thể không coi là một “Nhân giả”. Trong Lôi Âm Tự những lời Như Lai Phật tổ nói về Nam Thiệm bộ Châu, trách cứ nhiều người “Đa tham đa sát”, “Bất nghĩa bất nhân”, tuy nói là thay Phật môn giảng kinh thuyết pháp, kỳ thực chẳng phải đang tuyên giảng nhân chính vương đạo của Nho gia đó sao? Trong tiểu thuyết, khi nói Đại Đường thì là “cả bầu trời mây lành phủ kín, trăm đạo tường quang” vượt qua cả “Thuấn Ngu, so sánh được với cả Nghiêu Thang”. “Nhân phong khinh đạm đãng, hóa nhật lệ phi thường… thánh minh thiên tử chính, trung nghĩa đại thần lương” chính là một nước “nhân nghĩa”, một mảnh đất “Vương đạo” lạc thổ. “Nhân chính, vương đạo” chính chủ trương chính trị đối với việc an bang trị quốc của Nho gia.
Bộ tiểu thuyết này cũng đã thể hiện được Danh giáo cương thường “Trung Hiếu Tiết Lễ” của Nho gia. Ví dụ, trong tiểu thuyết viết Đường Tăng phụng chỉ đi Tây Thiên lấy kinh, trước khi khởi hành đã bày tỏ “nguyện thân khuyển mã”, “nỗ lực quên mình” đối với Thái Tông Hoàng đế; đối với chúng tăng, ông cũng thề rằng “tinh trung báo quốc”. Sau này, khi Đường Tăng bị Nam Sơn Đại vương ở Ẩn Vụ Sơn bắt trói, không lúc nào là quên ơn vua, ông nói với Tiêu Tử khi đang nhớ nhà: “Đáng thương, Đáng thương! Sơn nhân thường hay nhớ người thân, không giáo bần tăng thì niệm kinh! Nhớ ơn vua và nhớ người thân, về cơ bản đều như nhau, anh nhớ người thân, tôi nhớ ơn vua.” Lại lấy ví dụ tiếp, Thanh mao sưu tử tinh biến thành Quốc vương nước Ô Kê, tuy đã cai trị nước Ô Kê “Mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an”, nhưng nó đã phá hoại tôn nghiêm của quân vương, tôn ti trật tự. Tôn Ngộ Không chiếu lý đuổi hắn đi, mời vị vua chân chính ra tục vị. Thêm nữa, trong hồi 31, Tôn Ngộ Không nói với công chúa nước Bảo Tượng về hiếu đạo: “Cô là người bất hiếu. Lẽ đời ‘cha có công nuôi tôi, mẹ có công sinh tôi. Thương xót cha mẹ, sinh tôi vất vả!’ Cố hiếu giả, bách hành chi nguyên, vạn thiện chi bản, tại sao cô lại gửi mình cho yêu tinh, lại còn không mong nhớ cha mẹ, phạm phải tội bất hiếu, thế nào?”. Tôn Ngộ Không còn nói với Đường Tăng: “Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha. Ta là đồ đệ của thầy, cũng giống như là con trai của thầy.” Đường Tăng, Ngộ Không không bao giờ bị nữ sắc làm cho xao động, càng thể hiện rõ quan niệm luân lý nam nữ thụ thụ bất thân của Nho gia.
Trong Tây Du Ký, tác giả cũng thường miêu tả cách tu hành và cách khám phá thuật trường sinh của Đạo gia. Tôn Ngộ Không từng sống cuộc sống khoái lạc và vô ưu ở Hoa Quả Sơn, đột nhiên tỉnh ngộ ra một vấn đề, rằng con người không thể thoát khỏi cái chết, thế là ở hồi 2 trong “Ngộ triệt Bồ đề chân diệu lý, đoạn ma quỷ nguyên hợp bản thần”, hắn vượt qua biển, đi mất mấy chục năm, cuối cùng cũng tìm đến được Tu Bồ Đề Tổ sư, cầu mong hiểu được trường sinh chi đạo. Tu Bồ Đề Tổ sư thuyết thiền giảng đạo, Tôn Ngộ Không theo Tổ sư triệt ngộ được chân lý thực sự của chư Phật. Nhưng Bồ đề tổ sư cho Ngộ Không biết, tuy thể xác của hắn là thần tiên, có thể sống được 500 năm, nhưng sau này sẽ gặp phải kiếp nạn cực lớn, sẽ cướp đi sinh mạng của hắn. Cho nên, nếu muốn trường sinh bất lão, cần phải tránh khỏi “Tam tai lợi hại”: “Đoạt thiên địa chi tạo hóa, xâm nhập nguyệt chi huyền cơ. Sau khi thành đan, quỷ thần khó tha. Tuy trụ nhan ích thọ, nhưng đến 500 năm sau này, thiên giáng lôi tai đánh ngươi, cần phải kiên định và để tâm trong sáng, cảm ứng để tránh tai kiếp. Tránh được thì thọ ngang trời đất, tránh không được thì sẽ tuyệt mạng. Tiếp đến 500 năm sau nữa, thiên giáng hỏa tai thiêu đốt ngươi. Ngọn lửa này không phải thiên hỏa, cũng không phải phàm hỏa, mà gọi âm hỏa. Nó bắt đầu thiêu đốt từ huyệt Dũng tuyền, thiêu thẳng đến nê hằng cung, ngũ tạng thành tro, tứ chi mục nát, biến ngàn năm khổ hạnh thành một màn hư vô. Năm trăm năm cuối cùng, thiên giáng phong tai thổi ngươi. Cơn gió này không phải là gió Đông Tây Nam Bắc, không phải huân kim sóc phong, cũng không phải hoa liễu tùng trúc phong, mà gọi là Quát phong (gió quạ). Từ tín môn trung (thóp đầu) thổi vào lục phủ, qua đan điền, xuyên cửu khiếu, cốt nhục tiêu tan, phải tự bản thân mình phá giải. Cho nên tất cả phải né tránh”. Đây là tri thức của nạn kiếp trong quá trình theo đuổi thuật trường sinh sẽ gặp phải, vì vậy, Bồ Đề tổ sư đã dạy cho Tôn Ngộ Không 72 phép biến hóa, dựa vào bản lĩnh này để tránh khỏi “Tam tai”, nhận được sự trường sinh.
Qua những miêu tả này trong Tây Du Ký, chúng ta có thể có những kiến thức cơ bản về Đạo. Đạo gia thông qua tu luyện, không những có thể đắc đạo thành tiên, dành được 500 năm trường sinh, ngoài ra, Đạo gia còn rèn luyện được bản lĩnh tránh được rất nhiều thiên tai cực lớn, có thể khiến người ta vĩnh viễn không chết. Đạo gia không những theo đuổi trường sinh bất lão, hơn nữa còn được sống một cuộc sống tiêu diêu tự tại của thần tiên. Ngồi loan cưỡi hạc, đi lại tự do, thiên địa vạn vật, thế gian vạn vật ta đều có thể tùy nghi sử dụng. Cuộc sống như vậy sao không khiến cho người khác phải mong muốn có được cơ chứ. Chẳng trách trong lịch sử có rất nhiều quân vương quyền quý theo đuổi giấc mơ tiên đạo, nuôi dưỡng đạo nhân tu tiên luyện đơn. Bởi vì bọn họ không những bảo vệ vinh hoa phú quý của bản thân, mà còn muốn trường sinh bất lão.
Thực chất Tây Du Ký đã phản ánh nội dung tư tưởng của Tam giáo hợp nhất vô cùng rõ ràng. Đầu tiên, nó đã phản ánh được ý nghĩa cơ bản của Nho Thích Đạo Tam giáo. Tôn chỉ của tác phẩm này tuy không phải là “Khuyến học”, “Đàm thiền” và “Giảng đạo”, nhưng đích xác nó đã viết một lượng lớn nội dung của “Khuyến học”, “Đàm thiền” và “Giảng đạo”.
Nghệ thuật miêu tả trong Tây Du Ký đã phản ánh một cách rõ ràng tình hình dung hợp của Tam giáo. Ví dụ, khi miêu tả về “An Thiên đại hội”, nhân vật thần tiên của Nho giáo và Đạo giáo cùng tập trung ở một chỗ, chúc mừng Như Lai Phật tổ thắng lợi, thu phục được “Hầu yêu”. Đặc biệt là chư thần của Đạo giáo mỗi người đều mang theo minh châu dị bảo, thọ quả kỳ hoa hiến tặng để cảm ơn Phật tổ. Đây chính là biểu hiện đầy đủ nhất của Thích Đạo hợp nhất. Trong bộ tiểu thuyết, Thích, Đạo lưỡng giáo là giáo phái cực lớn, thủy chung tương hỗ hô ứng, cùng hội cùng thuyền, chưa từng có biểu hiện minh tranh ám đấu.
Trong cách xây dựng hình tượng nhân vật, sự khác biệt của Tam giáo không phải lúc nào cũng rõ ràng, vẫn thường có đạo sĩ khẩu xuất thiền ngữ, Phật tử nói chuyện như Nho sinh. Giống như sư phụ của Tôn Ngộ Không là Tu Bồ Đề Tổ sư, ông vốn là đại đệ tử của Phật môn, nhưng những gì ông truyền thụ cho Ngộ Không lại không hề giống với Phật pháp, “một lúc thì nói Đạo, một lúc thì giảng về Thiền, phối hợp Tam giáo rất tự nhiên”. Dạy cho Ngộ Không đạo của thuật trường sinh lại là một đống giáo lý của Kim Đơn đại Đạo. Trên thực tế, ông giống như một Tiên gia Đạo trưởng hơn. Tu Bồ Đề Tổ sư chính là một nhân hợp nhất giữa Phật và Đạo. Lại nói, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng, bọn họ từng nhập Đạo tu luyện, vị trí là ở trên Thiên cung, có thể nói là người của Đạo giáo. Sau này bị Phật pháp thu phục, quy y Phật môn, trở thành Phật đồ. Ngôn ngữ của ba người này cũng rất phức tạp, lúc thì Thiền, lúc thì Đạo, Thần và Phật bất phân. Đường Tăng thì như thế nào? Ông ta vốn là nhị đệ tử của Phật tổ Như Lai, trước khi khởi hành đi Tây Thiên đã đứng trước Đường triều Hoàng đế và chúng sinh nói lời tạm biệt. Trong đó, khẩu khí của nhà Phật còn mùi vị mang đậm chất Nho giáo, ví dụ như “nguyện thân khuyển mã, thay bệ hạ cầu được chân kinh, cầu cho ngã Vương giang sơn vĩnh cố”, “thọ ân sủng của vua, không thể không tận trung báo quốc” hoặc những câu tương tự như vậy, hoàn toàn là tư tưởng và ngôn ngữ của Nho gia. Có người còn gọi là “Nho sĩ đội nón tăng”, là hoàn toàn có lý. Trong những câu nói của Phật tổ Như Lai, cũng có những câu thấm đẫm thuật ngữ và quan niệm của Nho gia, giống như hồi thứ 98 có viết: Khi mấy thầy trò Đường Tăng đến Lôi Âm Tự tấn kiến Như Lai Phật tổ, Như Lai nói:
“Ðông thổ của ngươi là đất Nam Thiệm bộ châu, bởi trời cao đất dày nên người đông vật thịnh, đa tham đa sát, đa dâm đa cuồng, bức hiếp dối lừa đủ cả, không tôn trọng Phật giáo, không chịu hướng thiện duyên. Bất kính tam quang, bất trọng ngũ cốc, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân, dối lòng gạt người, bán buôn tráo trở, sát sinh quá nặng, tạo nghiệp vô biên, tội ác đầy rẫy, sẽ gặp tai họa địa ngục, do vậy mãi chìm vào cõi u minh, phải chịu vô số giày vò đày đọa, biến thành súc vật, có nhiều người sẽ mang lông mọc sừng, dùng thân để trả nợ, vĩnh nhập A Tỳ địa ngục, không được siêu sinh. Tuy có Khổng thị là thánh nhân đã dạy về Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí, đế vương cha truyền con nối, có hình phạt giảo trảm, nhưng nhiều kẻ ngu muội không hiểu rõ, phóng túng chẳng thèm nể nang! Nay ta có kinh Tam Tạng, có thể siêu thoát khổ não, giải thích tai khiên (tội lỗi).”
Phật môn làm gì có Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí, sao lại nói về trung quân hiếu thân ở đây? Thích Nho hỗn độn, dung hợp thành một, rõ ràng rất dễ nhận ra! Ngoài ra, từ các tên tiêu đề hồi mục của bộ sách cũng thấy rõ một lượng lớn Nho Thích Đạo hỗn tạp không rõ ràng, dung hợp thành một.
TÔN NGỘ KHÔNG CHUI RA TỪ ĐÁ
Ân sư đầu tiên của Tôn Ngộ Không là Đạo gia, sau này lại bái Đường Tăng làm thầy, nhưng Tôn Ngộ Không cũng không dung hòa được Đạo gia, có sự khác biệt lập trường đối với Phật giáo. Nguyên nhân chính là do tính cách của Tôn Ngộ Không – là thực hiện chính nghĩa trong cuộc sống thực tế, là lập trường của Nho gia, đó chính là sự khác biệt giữa hai phái Phật – Đạo. Lập trường này đã được thể hiện xuyên suốt từ lúc Tôn Ngộ Không “đại náo thiên cung” cho đến việc trảm yêu trừ ma khi đi “Tây Thiên lấy kinh”, thậm chí sau này dù đã thành Phật, cũng lại là “Đấu chiến thắng Phật”. Ưu điểm của Ngộ Không là chính trực, không sợ cường quyền, không run sợ trước thế lực tà ác để kiên định thực hiện chính nghĩa. Khuyết điểm là “tự đại” và “vô pháp vô thiên”. Tất cả những điều này đều là những vấn đề vừa cũ vừa mới được sản sinh ra từ xã hội của Nho gia, là sự phản ánh vấn đề của xã hội và tinh thần của những điều còn tồn tại trong thời gian dài chưa tìm được cách giải quyết trong xã hội Ngụ giao. Nếu như xã hội không thể thực hiện chính nghĩa, vậy thì, bản thân Ngộ Không chính là sức mạnh của việc thực hiện chính nghĩa; nếu như xã hội lấy danh nghĩa “Thượng thiên” để chi phối thế giới, nhưng nếu đã tồn tại quan niệm “Thượng thiên” thì bản thân nó đã không còn là chính nghĩa nữa, vậy thì Ngộ Không sẽ “đại náo thiên cung”. Một nguyên nhân khác cũng giống vậy, hắn cũng dám khiêu chiến với cả Phật tổ. Nếu như làm phép so sánh, Thủy Hử truyện, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Hồng Lâu Mộng thì còn xa mới có thể bằng, thậm chí còn rất miên man xa vời. Khổng Tử vì muốn giải quyết vấn đề “Oán Thiên Vưu Nhân” , đã nhấn mạnh yêu cầu lập trường cơ bản của nhân nghĩa chi Đạo, nhưng bất luận là từ góc độ xã hội đương thời, hay là từ vấn đề tinh thần đều hoàn toàn không thể giải quyết được vấn đề. Điểm này thể hiện rõ tại sao xã hội Trung Quốc sau thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều lại dần dần chấp nhận Phật giáo Đạo gia, tại sao có thể Đạo giáo hóa cùng với Nho giáo; tại sao lại bắt đầu tại một hoàn cảnh vô cùng phức tạp thực hiện việc “Nho hóa Phật Đạo”, từ đó hình thành nên một tư tưởng vô cùng quan trọng của Tam Giáo hợp lưu trong thời Minh – Thanh. Nhưng dù vậy, vấn đề tinh thần của người Trung Quốc vẫn chưa thể thực sự được giải quyết. Đây cũng là điều chúng ta cần đối diện với lịch sử, Tây Du Ký chính là biểu hiện của nghệ thuật văn hóa và sản phẩm của bối cảnh văn hóa lịch sử thời kỳ này.
Đặc biệt đáng để nhắc đến là ẩn dụ xuất thân của “Thạch Hầu” Tôn Ngộ Không, phản ánh tinh thần của con người đang cần có giá trị cá thể độc lập để đối diện với xã hội và thế giới, đối diện với vấn đề tư tưởng và xã hội, nhất là mâu thuẫn của luân lý huyết thống trong xã hội Nho giáo. Quy tắc và chính nghĩa trong quan hệ cá thể của mối quan hệ trong xã hội là vấn đề lịch sử không ngừng được sản sinh trong xã hội truyền thống của Trung Quốc. Từ đời nhà Minh, mối quan hệ của phát triển công thương nghiệp xã hội chính là sự tôn trọng và thừa nhận giá trị cá thể, cùng với yêu cầu của chính nghĩa. Nếu xã hội ngày càng thịnh, con người là thành phần cá thể để tiến hành giao tiếp qua lại lẫn nhau, thì mối quan hệ xã hội truyền thống luôn nhấn mạnh về quan hệ luân lý huyết thống sẽ được xử lý như thế nào? Vấn đề này nếu dùng cách thức khoa trương nghệ thuật để thể hiện sẽ có sự khác biệt đối với hình tượng xuất thân “Thạch Hầu” là do “Thai sinh”. Nho giáo về mặt tinh thần vốn có thể coi tất cả mọi người là “con dân của Thượng thiên”, từ đó tương hỗ thể hiện quan hệ hợp tác và sự hữu thiện bác ái “Tứ hải chi nội giai Huynh đệ”. Vậy là, quan hệ cá thể và luân lý huyết thống, cùng với vấn đề chính nghĩa của mối quan hệ chính trị xã hội vẫn còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn. Cá thể cần có hình thái ý thức mới và chế độ chính nghĩa của nhân nghĩa thực sự, nhưng các nhà tư tưởng lại không hề thực hiện tinh thần chân chính và trùng kiến xã hội.
Bao nhiêu năm nay, việc nghiên cứu Tây Du Ký luôn bị xếp vào hàng cuối trong “Tứ đại danh tác”. Vấn đề này cần thay đổi. Giá trị của nó đáng lẽ phải được xếp trước Hồng Lâu Mộng, nếu không cũng phải xếp vào vị trí thứ hai. Có thể nói, tác giả của Tây Du Ký đã thể hiện tài hoa trác việt và nghị lực để đem toàn cảnh vấn đề tinh thần và mâu thuẫn tôn giáo của thời cổ đại, đặc biệt là thời đại Minh – Thanh Trung Quốc, phơi bày ra một cách rõ ràng, cũng là sự thể hiện đối với vấn đề tư tưởng hiện đại của Trung Quốc. Bạn có thể bỏ qua sự miên man và tình cảm ai oán của Hồng Lâu Mộng, cũng có thể bỏ qua bối cảnh xã hội của Thủy hử truyện và Tam Quốc diễn nghĩa, nhưng bạn không thể bỏ qua vấn đề tính cách cơ bản và tinh thần của người Trung Quốc thông qua tác phẩm Tây Du Ký. Đây chính là giá trị và ý nghĩa thực tại mà Tây Du Ký đem đến cho chúng ta. Tôi muốn cho mọi người biết, đấu tranh vì chính nghĩa là truyền thống thực sự của dân tộc Trung Hoa, Tây Du Ký là một tác phẩm vĩ đại về tính cách và tinh thần mà chúng ta không thể bỏ qua được.
LINH QUANG CỦA PHẬT
Khi đọc toàn bộ tiểu thuyết, chúng ta không thể không kinh ngạc về mê lực của Phật, trên đường lớn, trăm họ cùng đốt nhang để đón Phật, Đông thổ Đại Đường đâu đâu cũng là Phật hiệu, thành tâm hướng Phật. Bốn thầy trò Đường Tăng khổ sở vất vả 17 năm, đi qua vạn dặm, chống đỡ với trăm ngàn hiểm nguy, bái Phật lấy kinh. Ròng rã mấy tháng trời, trải qua bao nhiêu bi hoan ly hợp, cuối cùng cũng đã đến được bến Phật để nhận được sự giải ngộ cuối cùng.
Trong tiểu thuyết, nhiều chỗ miêu tả sự trang nghiêm của Phật, đã khiến chúng ta cảm nhận được Phật pháp vô biên, càng giúp chúng ta thấy được Linh quang của Phật. Pháp lực của Phật khiến chúng ta cảm thấy vừa kính vừa sợ, vì vậy chỉ cần Phật xuất hiện, bất luận là loại yêu ma quỷ quái nào cũng sẽ bị khắc chế hoặc bị tiêu diệt.
Trên đường đi lấy kinh, Đại bàng điêu là cay độc nhất, cũng là con yêu quái khó đối phó nhất, ngay cả Ngộ Không cũng rất khó thắng được. Các lộ thiên binh thiên tướng cũng chẳng thể làm gì được, Ngộ Không đành phải đến Linh Sơn tìm kiếm sự giúp đỡ của Như Lai. Như Lai nghe sơ qua thì chỉ cười tủm tỉm, nói ra lai lịch của con yêu quái này. Khi Như Lai đích thân đến hàng yêu, cũng chỉ phất nhẹ cánh tay, kim quang chớp động, liền hàng phục luôn Đại bàng điêu.
Nếu đi lấy kinh mà không phải đổ máu, chiến thắng được yêu ma, thì cũng là hiếm có trên đời. Việc này đã đủ để thể hiện khí khái và bản lĩnh của Như Lai Phật tổ. Nhớ lại, Ngộ Không sau khi học thành tài, ỷ vào bản lĩnh cao cường, đại náo thiên cung, khiến cho cả Thiên cung một phen đảo lộn, ngai vua của Ngọc Đế bắt đầu bị lung lay. Khi mời Như Lai đến để thu phục Ngộ Không, Như Lai cũng chỉ cần đưa một bàn tay ra, và đánh cược với Ngộ Không, còn khoan dung cho hắn tè một bãi lên tay mình, sau đó chỉ tay một cái biến thành Ngũ Hành Sơn, đè Tề Thiên Đại Thành dưới đó đúng 500 năm. Năm ngón tay hóa thành năm ngọn núi, phép lực cao thâm như vậy khó ai có thể sánh kịp.
Linh quang của Phật còn thể hiện ở điểm ngài có thể nhìn thấu được quá khứ, hiện tại và tương lai, tựa như tất cả mọi thứ đều có thể bị Linh quang của ngài chiếu rọi, trở nên rõ ràng. Mỹ Hầu Vương thật giả náo loạn từ Thiên cung cho đến Địa phủ, từ Địa phủ lại đến Linh sơn, chẳng ai có thể phân biệt được. Còn Như Lai ngồi trên đài sen, vừa cười vừa nói ra lai lịch của Lục Nhĩ Hầu rất đúng. Khi Ngộ Không giả quay người định chạy trốn, Như Lai “liền quăng Kim Bát Vu lên chụp lại, như đang bắt một con ong, rơi xuống”. Ngộ Không thấy được chân tướng của Lục Nhĩ Hầu định vung côn lên đánh chết nó, Như Lai thấy vậy không nhẫn tâm, liền niệm: “Thiện tai! Thiện tai!”.
Văn giáo Phật giáo là một bộ phận của văn hóa truyền thống Trung Quốc, từ những năm đầu của nhà Đông Hán khi Phật giáo được du nhập vào, trải qua gần 2.000 năm, nó đã thấm đến mọi lĩnh vực của xã hội Trung Quốc, sinh ra những ảnh hưởng vô cùng rộng, ví dụ, ngôn ngữ là nhân tố văn phổ biến nhất, trực tiếp nhất. Kỳ thực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta có rất nhiều từ có nguồn gốc từ Phật giáo. Những từ vựng như thế giới, như thực, thực tế, bình đẳng, hiện hành, sát na, tuyệt đối đều là những từ vựng có nguồn gốc Phật giáo. Hiện tại khi nói đến Phật giáo, có thể sẽ có người nói Phật giáo chẳng phải là đốt nhang cúi lạy, cầu thần bái Phật sao? Người ta nghĩ về Phật giáo rất đơn giản, nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ của Phật giáo, hay chỉ là một số hiểu biết đối với Phật giáo mà thôi.
Rốt cuộc Phật giáo là gì? Nói theo nghĩa rộng, đó là một loại tôn giáo, bao gồm kinh điển, giáo pháp, nghi thức, chế độ, thói quen, tổ chức giáo đoàn; còn nói theo nghĩa hẹp, đó là những lời răn dạy của Phật. Dùng thuật ngữ của Phật giáo thì gọi là Phật pháp. Nội dung cơ bản của Phật pháp có thể dùng “Tứ Thánh Đế” (đế: nghĩa lý) để khái quát: Khổ Đế, chỉ kinh nghiệm từng trải của thế giới hiện thực; Nhân Đế, chỉ nguyên nhân của sự đau khổ; Diệt Đế, chỉ sự tiêu diệt đau khổ; Đạo Đế, chỉ phương pháp diệt khổ. Đạo lý mà kinh Phật nói thì vô cùng nhiều, kỳ thực đều là sự triển khai thảo luận xoay quanh Tứ Thánh Đế. Tứ Thánh Đế dùng nguyên lý Duyên Khởi Luận làm căn cứ. Giáo nghĩa của Phật giáo vốn có đều bắt nguồn từ Duyên. “Duyên Khởi” ý chỉ mọi việc, hoặc mọi sự việc được sinh ra đều là do điều kiện quyết định và quan hệ cùng tồn tại đặc biệt tạo ra, rời khỏi quan hệ và điều kiện, thì sẽ không thể sinh ra bất cứ lai lịch và hiện tượng nào cả. Bởi, Duyên, nếu giải thích chung, có nghĩa là quan hệ và điều kiện. Tôi từng đặt tên cho cho truyện ký của mình là “Hầu Duyên”, cũng là do sự gợi ý đến từ Duyên Khởi Luận.
Triết học của Phật giáo vốn ẩn chứa trí tuệ uyên thâm, sự quan sát đối với vũ trụ và con người, sự phản tỉnh đối với cá nhân, sự phân tích đối với khái niệm, có sự kiến giải sâu sắc vô cùng độc đáo. Về mặt thế giới, Phật giáo phủ nhận việc có vị thần chí cao vô thượng, cho rằng sự vật là sự tuần hoàn không có khởi đầu cũng không có kết thúc, phạm vi vô cùng rộng. Do đó, trong giới học thuật phương Tây, có người cho rằng Phật giáo là tôn giáo “Vô Thần Luận” duy nhất. Cách nhìn nhận này, dường như không dễ lý giải. Đạo lý này rất đơn giản, Phật giáo lấy “Vạn pháp giai không” làm giáo nghĩa, thần cũng là không. Thần nếu đã là không thì không thể nào có việc sáng tạo thế giới. Tuy nhiên, Phật giáo lại cho rằng “Nghiệp quả bất không”, “nghiệp” là ý thức và hành vi hoạt động của con người, hành vi hoạt động đương nhiên sẽ tạo ra một kết quả nhất định, hai điều này trên thực tế đều tồn tại, không thể nói là chẳng có gì. Về mặt nhân sinh quan, Phật giáo nhấn mạnh chủ thể là “Tự giác”, đồng thời coi sự giải thoát của bản thân và cứu rỗi nhân loại có liên quan với nhau. Phật học và triết học cổ điển của Trung Quốc ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy triết học đưa ra mệnh đề mới và phương pháp mới. Nó đã sử dụng phương thức sống và phương pháp tư tưởng đặc hữu để mang đến cho mọi người những gợi ý mới, đem tinh thần cuộc sống của con người đến với thế giới mới. Phật giáo hướng dẫn cho tín đồ của mình xa thị phi, tránh tai họa, nhưng thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên đã không ngừng gặp phải thị phi, thậm chí còn đi tìm thị phi. Ví dụ, ở nước Bảo Tượng, bọn họ vì muốn giúp cứu Bách Hoa Xú Công chúa, có thể tạm ngừng đi về phía Tây, đóng vai anh hùng xông đến Hắc Tùng Lâm Yêu Ma động để cứu người. Cho dù bản thân Đường Tăng là người đa tai đa nạn, bọn họ vẫn cứ tiếp tục trừ nạn giúp người, như việc cứu Quốc vương nước Ô Kê, trừ Sư ma, đấu với Xà yêu ở Đà La Trang, hay cứu đồng nam đồng nữ ở Trần gia Thông thiên hà, cứu hết số tiểu nhi ở nước Tỳ Khưu, hay ở Phụng Tiên quận cầu mưa, tất cả những điều này xuất phát từ mục đích muốn cứu người. Trư Bát Giới nói Tôn Ngộ Không: “Anh gặp yêu quái thì giống như gặp ông ngoại của mình”. Thực tế đây là một câu ẩn dụ dành cho Tôn Ngộ Không vì hay lo chuyện bao đồng. Cả chặng đường hàng yêu phục ma không biết đã cứu được bao nhiêu tính mạng, làm được bao nhiêu việc tốt đẹp. Nếu gỡ bỏ màu sắc thần bí của cái gọi là “yêu quái”, bọn chúng có thể là những kẻ chiếm núi xưng vương hoặc chiếm sông xưng bá, quấy rối xã hội, tàn hại sinh linh, mà quan phủ không đủ sức để chế ngự những thế lực tàn ác này. Tôn Ngộ Không diệt trừ yêu quái chính là tiêu diệt mầm mống của tội ác. Chúng tích cực xâm nhập cuộc sống, tham dự vào chính trị hiện thực. Tuy nói quá trình đi Tây Thiên lấy kinh của thầy trò Đường Tăng là quá trình tu luyện, nhưng ý nghĩa thực sự là họ đã vượt qua mục đích tôn giáo mang ý nghĩa khá hẹp “Thành Phật tác tổ”. Ở đây, sự thăng hoa chính là sự quan tâm đối với quảng đại nhân loại, nhằm mục đích theo đuổi cảnh giới cao nhất của Đạo đức linh hồn chí thiện. Khi Đường Tăng muốn Tôn Ngộ Không cứu “người” thì hay nói: “Một người sống sờ sờ ra đó không cứu, uổng cả tâm bái Phật lấy kinh cái gì? Cứu một mạng người, hơn xây bảy tòa tháp. Mau đi cứu ông ấy xuống đây, còn hơn cả đi lấy kinh bái Phật”. Giữa cứu tính mạng con người và đi lấy kinh, Đường Tăng chọn việc cứu tính mạng con người hơn, có thể thấy rõ họ không phải là những người lòng dạ hẹp hòi chỉ suy nghĩ đến lợi ích của bản thân, cho dù có gấp thì cũng không gấp bằng việc cứu người, giúp người khi khốn khó, cứu người trong lúc nước lửa chính là chủ nghĩa tinh thần lợi người. Tinh thần này cũng không phải tinh thần tuẫn táng tôn giáo theo cách thức của các ngu tăng là “Xả thân tụ hổ” , mà là lấy đại trí đại dũng phổ cứu chúng sinh. Vai trò “cứu nhân độ thế” của Tôn Ngộ Không khi ở nước Xa Trì cứu giúp chúng hòa thượng chính là ví đụ điển hình cho việc này.
ĐẠO ẢNH TƯƠNG TÙY
Bốn thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên lấy Phật kinh luôn có Đạo ảnh theo sát. Thái Thượng Lão Quân, Thái Bạch Kim Tinh là nhân vật đại diện cho Đạo giáo, do Tôn Ngộ Không đã từng cứu sống Quốc vương nước Ô Kê, nên đã đến gặp Thái Thượng Lão Quân xin kim đan cứu người, Thái Thượng Lão Quân đã đồng ý. Thái Bạch Kim Tinh đã thể hiện được vai trò một vị thần bảo hộ quá trình đến Tây Thiên của đoàn người đi lấy kinh. Ông đã xuất hiện kịp thời vào rất nhiều thời điểm quan trọng, như giải cứu Đường Tăng ở Song Xoa lĩnh, Hoàng Phụng lĩnh chỉ thị cho Di Sơn Linh Cát Bồ Tát, Sư Đà Lĩnh truyền báo quân tình, và còn thông báo lai lịch của Tê Ngưu (tê giác), có thể nói là dốc lòng giúp đỡ. Nếu việc đi Tây Thiên lấy kinh mà không có sự giúp đỡ lớn lao từ Đạo giới thì cũng khó vượt qua được khó khăn.
Kỳ thực đoàn người bốn người một ngựa đi lấy kinh là căn cứ theo văn hóa truyền thống điển hình của Đạo giáo là thuật âm dương ngũ hành. Trong tiểu thuyết nguyên tác, có một chương tên là Kim tính cang năng khắc mộc, tâm viên hàng mộc long quy. “Kim” đại diện cho Tôn Ngộ Không, “Mộc” đại diện cho Trư Bát Giới, “Thủy” đại diện cho Đường Tăng, “Hỏa” đại diện cho Bạch Long Mã, “Thổ” đại diện cho Sa Hòa thượng. Như vậy, đoàn người lấy kinh là sự tổ hợp của ngũ hành, mang theo khí tức nồng đậm của Đạo giáo, bước vào đại điện của Phật.
Văn hóa Đạo gia, tôn Triết học gia Lão Tử thời Tần làm người sáng lập, có địa vị cực cao trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Tư tưởng của Đạo gia ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với sự hình thành truyền thống mỹ đức của dân tộc Trung Hoa, ví như tư tưởng “hư hoài nhược cốc” , chỉ sự khoan dung khiêm tốn của Lão tử, và những tư tưởng khác như điềm đạm chất phác, vui vẻ giúp người, phản đối tư tưởng tranh danh đoạt lợi, lấy nhu khắc cương, lấy yếu thắng mạnh. Chính sự phát dương văn hóa Đạo giáo này đã hình thành nên một nền văn hóa mở của dân tộc Trung Hoa.
Trung Quốc là một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc khác đối với sự phát triển của văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng là một sự cống hiến nhất định. Do đó, không ít học giả cho rằng văn hóa truyền thống của Trung Quốc là kiểu đa nguyên hỗ bổ, là sự tổng hợp, chứ không phải là văn hóa đơn nhất. Trong sự tổng hợp của đa nguyên hỗ bổ, Nho, Thích, Đạo đóng vai trò chính yếu, là ba trụ cột quan trọng. “Đạo” ở đây là bao gồm Đạo gia và Đạo giáo.
Đối với lai lịch của Lão Tử thì có rất nhiều giả thiết khác nhau, có người nói ông họ Lão, có người nói ông họ Lý. Trong thời kỳ mà ông sống thì cũng rất nhiều cách nói khác nhau. Sử Ký của Tư Mã Thiên có nói: “Lão tử, họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, là quan thủ thư nhà Chu, huyện Khổ (苦縣) nước Sở (楚), hiện nay là Lộc Ấp (鹿邑) thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Khổng Tử từng đến vấn lễ”. Hựu xưng: “Lão Tử tu Đạo đức, có tài, sống ẩn cư. Sống vào thời nhà Chu, Lão Tử nhận thấy rằng chính sự của đất nước đang tan rã và quyết định ra đi. Đến ải Hàm Cốc, quan giữ ải là Doãn Hỷ nói: ‘Nếu ngài quyết đi ẩn cư, xin vì tôi để lại một bộ sách!’ Thế là Lão Tử liền viết ra bộ sách có 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh, nói về ý nghĩa của Đạo đức với hơn năm nghìn chữ rồi bỏ đi, không biết đi đâu.” Căn cứ vào sự miêu tả này, có thể thấy Tư Mã Thiên đã đoán định thời đại mà Lão Tử sống còn sớm hơn cả thời đại của Khổng Tử, là tác giả của bộ kinh năm nghìn chữ là Đạo Đức Kinh, là người sáng lập ra học phái Đạo gia. Đồng thời, Trang Tử, người kế tục nổi tiếng nhất của Lão Tử về sau. Nội dung tư tưởng và cuốn sách của “Lão tử” được hoàn thành vào thời gian nào có rất nhiều cách nói. Nhưng bất luận thế nào, tư tưởng của Đạo gia đã có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến các phương diện cuộc sống xã hội của Trung Quốc. Về điểm này thì mọi người đều có cùng một sự nhận thức chung.
Nhiều trước tác kinh điển của Đạo gia đều thấu triệt được quy luật phát triển của xã hội và tự nhiên. Như: Quan điểm trong tác phẩm kinh điển Đạo Đức Kinh của Đạo gia bác đại tinh thâm, lý luận thì bao la vạn tượng, vượt qua không gian và thời gian để áp dụng cho vạn vật. Trang Tử là bộ tác phẩm triết học kinh điển có thành tựu cao về văn học đã miêu tả nhân sinh quan, thế giới quan vô cùng sâu sắc, thậm chí có thể chữa trị tinh thần cho người thời nay. Từ sớm, trong Trang Tử đã có sẵn quan niệm “tự do bình đẳng”, đây là một bước tiến về tư tưởng. Tôn tử binh pháp là một bộ binh pháp dựa trên lý luận triết học của Đạo gia, được coi là bí kíp cao cấp nhất trong số tất cả các binh pháp, các lý luận về quân sự vẫn được vận dụng trong thời nay, hơn nữa tính chính xác của bộ sách này còn được chứng minh là không có kẽ hở, được nhiều nhà quân sự của các nước tham khảo. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm quốc túy như Wushu, Trung Y có quan hệ vô cùng mật thiết với lý luận của Đạo gia.
Theo đuổi “Trường sinh bất tử” là tôn chỉ của Đạo giáo, thu hút Ngộ Không nhập môn tu đạo. Tôn Ngộ Không chứng kiến cái chết của khỉ già, cảm nhận sâu sắc sinh mạng vô thường, mới không sợ gian nan vất vả, “phiêu diêu quá hải, đăng giới du phương” . Tôn Ngộ Không trải qua mấy chục năm trời, mới đến được đến Nam Thiệm Bộ Châu, bái Tu Bồ Đề Tổ sư làm thầy để tu Đạo. Trư Bát Giới nhớ lại bản thân khi tu đạo nói: “Trong lúc nhàn rỗi tôi đã gặp được chân tiên, ngài ngồi xuống nói chuyện với tôi. Ngài khuyên tôi hồi tâm, đừng nhiễm bụi phàm, tạo nhiều tội nghiệp. Đến khi gặp đại nạn phải chết, kiếp nạn vô biên tránh né không kịp. Khi nghe xong, tôi muốn được tu hành, muốn có được yếu quyết xảo diệu.” Ý đồ muốn tu hành của Trư Bát Giới và Tôn Ngộ Không khi đó là muốn được “Trường sinh bất tử”. Cái gọi là “Chân tiên” chính là dùng sinh mệnh ngắn ngủi, để vượt qua cái chết tiến hành khuyên bảo tu đạo tương đối rõ ràng. Sa Hòa thượng tự thuật như sau: “Từ nhỏ thần khí vốn đã mạnh, đã từng phiêu du qua càn khôn vạn dặm. Vì muốn được học đạo nên đã đi khắp chân trời, muốn tầm sư nên đã đến vùng đất rộng lớn… đến khắp nơi ngắm cảnh thì cũng cả trăm chuyến. Do đó mới gặp được chân nhân, điểm hóa Đại Đạo kim quang lượng.” Sa Hòa thượng là thọ “Chân nhân” chỉ điểm, mới dẫn nhập tu hành “Đại Đạo”. Ba huynh đệ Tôn Ngộ Không có cùng sự trải nghiệm, đều là vì muốn theo đuổi giấc mộng trường sinh của Đạo giáo mới tu luyện nhập Đạo.
Tuy việc tu luyện của Đạo giáo khiến cho người tu hành thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhưng không thể đạt đến trạng thái lý tưởng là “Tận tính chí mệnh”. Những cơ sở tu luyện này chỉ là giúp bọn họ tu luyện thành chính quả. Tôn Ngộ Không tuy đã học được bảy mươi hai phép biến hóa ở chỗ của Tu Bồ Đề Tổ sư, cân đẩu vân có thể bay được mười vạn tám nghìn dặm chỉ bằng một cú lộn mèo, thậm chí có thể lên trời xuống bể, vượt qua sinh tử luân hồi, nhưng lại chưa thể đạt được “Tâm túc” , “Ý ninh” , mà chỉ đạt được khi phạm lỗi, bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, rơi vào thảm cảnh “khát thì uống nước đồng, đói thì ăn xích sắt”; Trư Bát Giới tuy cũng có thể đạt đến “Tam hoa tụ đỉnh đắc quy căn, ngũ khí chiêu nguyên thông thấu triệt. Công viên hành mãn khước phi thăng, Thiên tiên đối đối lai nghênh tiếp… sắc phong Nguyên soái quản thiên hà, Tổng đốc thủy binh xưng tiễn tiết” nhưng lại không thể thoát khỏi tình dục, say bí tỉ trong tiệc bàn đào của Tây Vương mẫu, xông vào Quảng hàn cung chọc ghẹo Hằng Nga, bị “đánh cho 2.000 trùy, đày xuống phàm trần”, làm một con quái vật mình người đầu heo; Sa Hòa thượng tuy đã thực hiện được “Minh đường thận thủy nhập hoa trì, trùng lâu can hỏa đầu tâm tạng. Tam thiên công mãn báo thiên nhan, chí tâm triều lễ minh hoa hướng. Ngọc hoàng đại đế tiện gia thăng, thân khẩu phong vi Quyển liêm tướng. Nam thiên môn lí ngã vi tôn, linh tiêu điện tiền ngộ xưng thượng” nhưng lại không thể giúp cho hắn chuyên tâm, dẫn đến việc “Lỡ tay đánh vỡ chiếc đèn lưu ly”. Kết quả bị Ngọc Đế “đánh đủ tám trăm trùy, đuổi xuống dưới hạ giới”, lại còn dạy rằng cứ bảy ngày một lần, cho phi kiếm đến đâm vào ngực và xương sườn của hắn mấy trăm cái. Tuy bọn họ đều có tên trong danh sách thần tiên, nhưng lại chưa thể đạt được “Minh Tâm Kiến Tính”, phạm phải tội lỗi, bị trừng phạt. Cho dù họ có bước vào vòng luân hồi đầu thai kiếp khác hoặc gặp phải những án phạt tàn khốc, nhưng pháp lực của họ cũng không vì thế mà yếu đi. Vì họ đã từng tu tiên luyện đạo, có pháp lực kinh người, do đó họ mới có đủ tư cách làm hộ pháp đệ tử phò trợ cho sứ giả đi Tây Thiên lấy kinh, cũng chỉ có bọn họ chịu đựng được trăm ngàn cực khổ kiếp nạn trên con đường đi Tây Thiên, đến được Tây Thiên, tu thành chính quả. Do đó, ở hồi cuối cùng, khi “Ngũ thánh thành chân”, Như Lai Phật tổ không những tán dương công đức của năm thầy trò Tôn Ngộ Không, đồng thời còn chỉ rõ xuất thân của họ từng là thần tiên của Đạo giáo.
CẢM NHẬN VỀ HỘI THẢO ĐẠO ĐỨC KINH QUỐC TẾ
Từ ngày 22 đến 27 tháng Tư năm 2007, tôi vinh dự được mời tham gia hội thảo Đạo Đức Kinh quốc tế lần thứ nhất, khai mạc tại Tây An và bế mạc tại lãnh thổ Hồng Kông. Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, quốc gia tôi đứng ra tổ chức một hội thảo quốc tế với quy mô lớn và hoành tráng đến như vậy. Nhiều đại diện đến từ 17 quốc gia và lãnh thổ Hồng Kông, Macau, Đài Loan cùng với hơn 500 vị khách mời cũng đã nhiệt tình tham dự cuộc hội thảo lần này.
Ngày 22 tháng Tư, sau khi nghi lễ nhập thành được long trọng tổ chức tại Nam môn trong thành cổ Tây An, hội thảo Đạo Đức Kinh quốc tế chính thức khai mạc. Trên thành lâu của Nam môn, đơn vị tổ chức của Thiểm Tây đã cho chúng tôi được thưởng thức một tiết mục văn nghệ cực kỳ hoành tráng đầy ắp tính nghệ thuật theo phong cách văn hóa của Đạo gia có tên là “Đại Đạo Vô Cực”. Ngày 23, hội thảo tiến hành báo cáo trước đại hội và báo cáo theo tổ. Sáng ngày 24, chúng tôi đại diện cho hội thảo tham gia khánh điển Phục tu lạc thành ở Cổ Lâu Quan và pháp hội cầu đảo cho hòa bình thế giới, còn tham gia hội thảo mở do đại diện của các giới tổ chức. Ngày 25, hội thảo chuyển đến lãnh thổ Hồng Kông. Ngày 26, tại Hồng Kông, tiếp tục tiến hành nghe báo cáo và thảo luận. Triển lãm về các phiên bản Đạo Đức Kinh (văn vật) được chính thức khai mạc vào ngày kế tiếp, tối đó, chúng tôi được thưởng thức buổi hòa nhạc Đạo giáo do bên phía Hong Kong tổ chức. Chiều ngày 27, lễ bế mạc được diễn ra tại cung thể thao Elizabeth.
Trong lễ bế mạc diễn ra tại lãnh thổ Hong Kong, Hoàng Tín Dương phó Đạo trưởng ngồi phía bên trái tôi, phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Đổng Kiến Hoa ngồi phía sau tôi, Hội trưởng hiệp hội giao lưu văn hóa tôn giáo Trung Hoa Diệp Tiểu Văn, minh tinh màn bạc nổi tiếng, bà Hồ Tuệ Trung, cũng tham dự hội thảo. Trong lúc nghỉ giải lao tôi cũng có tiếp chuyện với ngài Đổng Kiến Hoa, khi nhắc đến diễn xuất của tôi trong Tây Du Ký, ngài đã khen tôi diễn rất hay. Chúng tôi còn chụp hình lưu niệm.
Tôi có tám phút báo cáo trong lễ bế mạc tại buổi Hội thảo ở Hồng Kông, nội dung báo cáo được đúc rút ra từ tập luận văn của tôi. Trong buổi báo cáo, có cả sự tham dự của Nhậm Pháp Dung Đạo trưởng, Thang Vĩ Kỳ chủ tịch Hội liên hiệp Đạo giáo Hồng Kông cùng với các cấp lãnh đạo bao gồm các vị Đạo trưởng, khách quý tham dự.
Tôi chủ yếu đưa ra ba kiến nghị: Giới thiệu như thế nào về nội dung và quan niệm của Đạo Đức Kinh đang có ảnh hưởng rất lớn ở trong và ngoài nước vào nền giáo dục quốc dân, hy vọng có thể đưa tác phẩm vào các bài khóa về môn Ngữ văn của các cháu, để các cháu có thể hiểu được; hy vọng có thể nhanh chóng sử dụng hình thức phim truyền hình để truyền tải những câu chuyện về các nhân vật cấp Đại sư của Đạo gia như Lão tử, Vương Trùng Dương, Khưu Xứ Cơ đến cho các cháu; nhanh chóng thành lập Đoàn nghệ thuật Đạo giáo Trung Quốc, đem nội gia quyền, Đạo gia quyền, Hầu côn, Ưng quyền, Hổ quyền, Bát Quái, Thái Cực quyền và âm nhạc đặc sắc vui tai của Đạo giáo cùng tinh thần Ngụ Giáo Vu Lạc đi biểu diễn vòng quanh thế giới, đem tư tưởng, quan niệm của Đạo gia thông qua hình thức nghệ thuật để giới thiệu sẽ thu hút được nhiều khán giả cũng như độc giả mến mộ và tìm hiểu đối với văn hóa của Đạo gia.
Trong lúc báo cáo, đối với quan niệm rất quan trọng của Đạo gia là “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật, vạn vật quy nhất”, tôi cũng đã đưa ra một ví dụ: động tác của Tôn Ngộ Không được xuất phát từ động tác kinh điển và nguyên thủy nhất và có thể diễn sinh biến hóa ra vô vàn những động tác có đặc điểm nổi bật của nghệ thuật hầu hí, bao gồm cả nghệ thuật biểu diễn. Lão Tử có câu danh ngôn thế này: “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” hay dẫn chứng từ bài hát chính của phim Tây Du Ký là: Dám hỏi đường ở nơi nào, đường chính là ở dưới chân. Lão Tử cho rằng con người khi sinh ra không phân biệt người tốt hay người xấu, khi chúng ta sáng tạo ra vai diễn để diễn xuất cũng cần phải căn cứ vào “con người” để khắc họa và sáng tạo, người xấu không phải hoàn toàn xấu, người tốt cũng không phải hoàn toàn tốt. Hạt nhân trong Đạo Đức Kinh nói đến một chữ “Đức”. Trong biểu diễn nghệ thuật, chúng ta chuộng “Đức” đứng trước, nghệ đứng sau, giả thiết nếu một diễn viên ngay đến cả đạo đức cơ bản nhất cũng không có, rất khó để tưởng tượng người này có thể sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật và tác phẩm kinh điển được. Lần này tôi cố tình đem theo một cuốn sách, là bản khắc gỗ của tác phẩm Tây Du Ký được làm từ thời kỳ giữa đời nhà Thanh, Nhậm Pháp Dung Đạo trưởng đã đề tên cho bản khắc này là Tây Du Chân Thuyên , còn đề thêm một dòng chữ “Đây là một bảo thư kinh điển dành cho Đạo gia tu luyện”.
GỐC CỦA NHO HỌC
Đạo đức lý luận của đội ngũ đi lấy kinh chính là tư tưởng Nhân nghĩa căn bản nhất của Nho gia. Trong Tây Du Ký những tình tiết như ca tụng tuyên dương trung hiếu, kỳ thực không phải ít. Như giang lưu nhi phục thù báo đáp, cả nhà đoàn tụ, Trần gia trang bách tính cảm ơn xây chùa thờ... Tôn Ngộ Không khi gọi Thiên Lôi ở Xa Trì quốc từng cao giọng hô: “Hãy nhìn kỹ tên tham quan coi thường phép nước cho ta, nếu là phường bất hiếu cứ đánh chết vài đứa để thị chúng!” Đây không phải giáo nghĩa của Phật Đạo, mà chính là sự bộc lộ cảm xúc chân thật của tư tưởng Trung – Hiếu – Nhân – Nghĩa của Nho gia. Hơn nữa trong đó còn miêu tả chín chế độ quốc gia của nhân gian, phần lớn là “văn cũng không hiền, võ cũng không lương, Quốc quân cũng không phải có Đạo”. Điều này chính là quan niệm chính thống nhân nghĩa của Phụ tử, Quân thần được khẳng định từ mặt trái của của những câu chuyện, biểu thị mong muốn Quốc thái dân an, Trị nước giống như thời kỳ Nghiêu Thuấn. Khi bốn thầy trò Đường Tăng thỉnh được Phật kinh, về đến Đông thổ, mang theo Linh quang của Phật quay về Đại Đường thì Đại Đường chính là quân hiền thần lương, kinh Phật kính Đạo, quốc thái dân an, “Quả đúng là một quốc gia giàu mạnh về Lễ Nghĩa. Đấy chính là kết quả tốt nhất của Tam giáo hợp nhất, cũng là lý tưởng cao nhất của tác giả”.
Nho gia tư tưởng, là lấy “Nhân” làm hạt nhân và “Nhân vi quý” làm hệ thống tư tưởng, học thuyết của Nho gia gọi tắt là Nho học, là văn hóa truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc. Nho gia học phái đã có ảnh hưởng về cả bề sâu lẫn bề rộng đối với Trung Quốc, Đông Á và các quốc gia trên toàn thế giới.
Nho gia tư tưởng không chỉ là sản phẩm của phong kiến, mà còn là một loại tinh thần tư tưởng, ứng biến với mỗi triều đại khác nhau, trong phát triển đã biểu hiện một sức sống mãnh liệt.
Văn hóa Nho gia là tài sản quý giá của dân tộc Trung Hoa, là ưu thế về văn hóa. Đối với khởi nguồn của văn hóa Nho gia ở Trung Quốc, nó cũng đã hấp thu nhiều bài học lịch sử, đã không thể “Vọng tự phỉ bác” phủ định toàn bộ học thuật của Khổng Mạnh, lại không thể đắm chìm trong lịch sử, bị trói buộc trên giấy. Nhưng điều quan trọng nhất chính là trong vô số tư tưởng không tốt đang dâng trào và sự đả kích của những tư tưởng mới, Trung Quốc cần phải gìn giữ tính độc lập và chủ thể của văn hóa.
Sự hình thành của học phái Nho gia là một quá trình gian nan lâu dài. Khổng Tử trong những năm cuối đời đã tổng kết tiến trình tư tưởng của mình thế này: “Ngô thập ngũ nhi hữu chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất không hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ.” (Tạm dịch: Mười lăm tuổi ta đã lập chí học hành, ba mươi tuổi lập chí vững, bốn mươi tuổi kiên định không rối loạn, năm mươi tuổi đã hiểu mệnh trời, sáu mươi tuổi luôn nghe thuận lẽ trời, bảy mươi tuổi muốn làm điều mà lòng mình muốn, nhưng không được vượt qua khỏi khuôn khổ). Có thể thấy, Khổng Tử khi còn trẻ thì đã có chí hướng to lớn, nhưng trắc trở cả đời của ngài ai cũng biết. Do vậy, sự xuất hiện của học phái Nho gia phải là việc diễn ra vào những năm cuối đời của Khổng Tử.
Tổ tiên Khổng Tử là quý tộc của Ân Thương, là di dân của nhà Ân chuyển đến đất Tống từ thời Châu sơ. Sau này trải qua mấy trăm năm, khi Khổng Tử được hạ sinh, gia tộc của ngài cũng đã giảm đi nhiều, nhưng do có nhân tố di truyền, nên Khổng Tử vẫn còn gìn giữ được khí tức Nho giả. Hơn nữa, khi Khổng Tử còn nhỏ đã mất cha, gia cảnh nghèo khó, vì thế, ông đã phải vào đời từ rất sớm. Hơn nữa, ông có cơ hội kế thừa nghề nghiệp thấp hèn cha truyền con nối của tầng lớp Nho giả trong số di dân Ân Thương, giúp người tổ chức nghi lễ ma chay.
Cuộc sống gian khổ vất vả đã khiến cho Khổng Tử trưởng thành từ rất sớm, năm 15 tuổi ngài lập chí khổ học, muốn dùng sự phấn đấu của bản thân để thay đổi địa vị. Trước năm ba mươi tuổi ngài đã có được điển chương cổ đại rất phong phú cùng với tri thức về phương diện lễ nghi, do vậy ngài mới nói mình là “tam thập nhi lập”. Nhưng nghề nghiệp của ngài vẫn thấp hèn như cũ.
Đến những năm cuối đời, Khổng Tử quay về nước Lỗ. Ngoài việc thi thoảng phát biểu một số bình luận về hiện thực, còn lại ngài chỉ phát ngôn, chứ không hành động. Ngài tập trung vào việc bồi dưỡng đệ tử và chỉnh lý các điển tịch văn hóa cổ đại. Trong quá trình này, bao gồm cả việc đi chu du các nước nhận đồ đệ và giảng dạy, cuối cùng, ngài đã giúp cho học phái của Khổng Tử ngày càng lớn mạnh, “Đệ tử hơn ba ngàn người, những người tinh thông lục nghệ có bảy mươi hai người”, Khổng Tử cuối cùng cũng sáng lập ra học phái Nho gia. Nhân: yêu người. Là hạt nhân lý luận trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử. Đó là tiêu chuẩn và lý tưởng cao nhất đối với chính trị xã hội, luân lý đạo đức do Khổng Tử đề xướng, cũng tỏ rõ quan điểm triết học của ngài, có ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc học tại quan phủ, Khổng Tử là người đầu tiên mở trường tư thục, không quan tâm đến thân phận học trò nghèo hèn, nhanh nhẹn hay chậm chạp, tất cả đều nhận được sự dạy bảo. Nhân, thể hiện trong chính trị đó là nhấn mạnh “Đức trị”, tinh thần cơ bản của Đức trị là yêu thương vô bờ và bố thí tế chúng, Khổng Tử đã đưa Nhân vào trong Lễ.
Lễ trị được coi là “Đức trị”, ngài không phủ định “Lễ trị”, “Đức trị” chắc chắn là sự kế thừa và cải tạo đối với “Lễ trị”. Yêu người là nội dung cơ bản và thực chất của Nhân, hơn nữa kiểu yêu người này là bản thân mình và người khác, từ thân cận mở rộng đến tất cả mọi người.
Nghĩa: vốn là chỉ “Nghi”, nghĩa là hành vi thích hợp với “Lễ”. Khổng Tử lấy “Nghĩa” làm sự đánh giá nhận xét tư tưởng của mọi người, hành vi của nguyên tắc đạo đức.
Lễ: là phạm trù lý luận và chính trị của Khổng Tử và Nho gia. Trong quá trình dài phát triển của lịch sử, “Lễ” được coi là chuẩn mực sống và quy phạm đạo đức của xã hội phong kiến Trung Quốc, có tác dụng quan trọng đối với việc bồi dưỡng tố chất tinh thần của dân tộc Trung Hoa, nhưng cùng với sự cải cách và phát triển của xã hội, đặc biệt là thời điểm cuối của xã hội phong kiến, nó càng lúc càng trở thành sự trói buộc hành vi và tư tưởng của mọi người, ảnh hưởng đến phát triển và tiến bộ của xã hội.
Trí: giống với “Tri”, là phạm trù cơ bản của Luân lý học và Nhận thức học Khổng Tử. Có nghĩa là biết, hiểu, kiến giải, tri thức, thông minh, trí tuệ. Nội dung chủ yếu đề cập đến tính chất của sự hiểu biết, nguồn gốc của trí (sự hiểu biết), nội dung của trí, hiệu quả của trí. Đối với tính chất của trí, Khổng Tử cho rằng, trí (sự hiểu biết) là một phạm trù đạo đức, là một tri thức quy phạm hành vi của một loại người.
Tín: Chỉ đối nhân xử thế thành thực không gian dối, thái độ của lời nói và hành động giống nhau. Là một trong “Ngũ thường” của Nho gia. Khổng Tử coi “Tín” là sự thể hiện quan trọng nhất của “Nhân”, là phẩm đức cần có của một hiền giả, phàm là ngôn luận hay hành vi đều là thật sự không ý dối lừa, mới nhận được sự tín nhiệm của ngài, những người đương quyền nếu giữ chữ tín, bách tính cũng sẽ đối xử thật lòng không dám phạm thượng.
Thứ: bản thân vốn không muốn, đừng đưa cho người khác, bao gồm vị tha, khoan dung cho người.
Trung: “Phu nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Tạm dịch: Người nhân đức, bản thân muốn thành công thì đầu tiên phải giúp người khác cũng thành công như mình, muốn người khác hiểu bản thân thì trước tiên mình phải hiểu người khác). Khổng Tử cho rằng “trung” thường được thể hiện bởi sự trung thành thực thà trong mối quan hệ giữa người với người.
Hiếu: Khổng Tử cho rằng Hiếu Đễ (thuận) là cơ sở của Nhân, Hiếu không phải chỉ là việc con cái phải phụng dưỡng đầy đủ vật chất cho cha mẹ, mà còn phải biết tôn trọng cha mẹ cùng với các vị trưởng bối, ngài cho rằng nếu thiếu đi tấm lòng hiếu kính, việc phụng dưỡng đầy đủ cho cha mẹ cũng chẳng khác gì với việc nuôi chó nuôi gà trong nhà, đó được coi là đại nghịch bất hiếu. Khổng Tử còn cho rằng cha mẹ có thể có sai sót, con cái nên dùng những từ ngữ dễ nghe để khuyên can, ra sức yêu cầu thay đổi, nhưng vẫn phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ. Những điều này chính là những biểu hiện của sự văn minh đạo đức thời kỳ cổ đại ở Trung Quốc. Hơn nữa, khi Khổng Tử luận Hiếu, có giảng “cha mẹ vẫn còn, không được đi xa”, “Cha mẹ qua đời thọ tang ba năm, mới tròn chữ Hiếu”, biểu hiện tính hạn chế của thời đại. “Hiếu” được những nhà Nho sau này quy định thành nghi lễ rất phức tạp. Trong Lễ Ký quy định sau khi cha mẹ mất “không được ăn uống, trong ba ngày không được đốt lửa thắp đèn”, “khóc than liên tục” thậm chí “khỏe mạnh cũng phải tỏ ra mệt mỏi” hay tự gây tổn thương về tinh thần hoặc thể xác. Thời Tống – Minh xem Hiếu Đạo là một trong số những phạm trù quan trọng nhất của đạo đức luận, nhà lý học Chu Hy còn đề xướng tuyệt đối hóa phụ quyền. Quan niệm về Hiếu, trong diễn biến của quá trình lịch sử thay đổi không ngừng, ngoài việc loại bỏ tuyên dương những hạt sạn của chủ nghĩa phong kiến, cũng có một số nhân tố hợp lý, đề xướng con trai con gái đối với cha mẹ phải “Tôn”, “Kính”, “Dưỡng lão”, đã kết hợp Hiếu thân và trung với đại nghĩa dân tộc lại với nhau, chủ trương sau khi chết, tiết kiệm trong việc ma chay chôn cất.
Đễ: chỉ tình cảm kính yêu đối với huynh trưởng. Khổng Tử vô cùng coi trọng phẩm đức của Đễ, có một số đệ tử của ông đã căn cứ vào tư tưởng của ngài, đem Đễ và Hiếu ghép chung với nhau, coi nó là “gốc rễ của Nhân”.