Dân địa phương bảo rằng Nam Florida có bốn mùa. Những mùa khó miêu tả, họ thừa nhận, nhưng là bốn mùa rõ rệt. Đừng có tin họ. Chỉ có hai mùa thôi - một mùa khô, ấm và một mùa nóng, ẩm. Giống như sự biến đổi chỉ sau một đêm sang tiết oi ả miền nhiệt đới, một hôm, tôi thức dậy và nhận ra con chó con của chúng tôi không còn là một con chó con nữa. Nhanh như mùa đông chuyển sang mùa hè, Marley biến thành một gã thanh niên mới lớn, cao lênh khênh. Năm tháng tuổi, toàn thân nó đầy những nếp nhăn trên khắp bộ lông vàng ngoại cỡ. Những cái chân to bự không còn ngộ nghĩnh, thiếu cân đối như trước nữa. Hàm răng sữa sắc nhọn thay bằng những cái nanh chắc khỏe, có thể nghiền nát một cái đĩa ném Frisbee, hay một cái giày da mới toanh, chỉ bằng vài cái nhao trệu trạo. Tiếng sủa trầm hơn, thành tiếng gầm đáng sợ. Khi đứng bằng chân sau như nó thường làm, chập chững đi lại vòng quanh giống gấu xiếc Nga đang nhảy, nó có thể đặt nguyên cả hai chân trước lên vai tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi.
Nhớ hồi đầu bác sĩ thú y nhìn thấy nó, ông ấy đã nói thầm "Rồi anh chị sẽ có một cậu bé to lớn đấy."
Và giờ chúng tôi đã có. Nó lớn hơn, trở thành một gã bảnh bao. Tôi buộc phải nhắc Quý Cô Jenny đa nghi rằng cái tên trịnh trọng tôi đặt cho nó cũng không quá sai lệch với thực tế. Marley Oai vệ của Grogan xứ Churchill. Bên cạnh chuyện nhà tôi ở phố Churchill thì có thể thấy rõ cái oai vệ của nó. Dù sao thì nó cũng thôi không đuổi theo cái đuôi của mình nữa. Thi thoảng, sau khi tiêu sạch nguồn năng lượng mạnh mẽ, nó nằm dài trên tấm thảm Ba Tư trong phòng khách, hứng ánh mặt trời chiếu xiên qua rèm cửa để sưởi ấm. Đầu nó ngóc dậy, mũi ướt lấp lánh, hai chân khoanh trước ngực, làm chúng tôi liên tưởng tới một con nhân sư Ai Cập.
Chúng tôi không phải những người duy nhất nhận ra sự biến đổi này. Từ sự lảng tránh của người lạ, cách họ lùi lại khi nó nhảy về phía họ, chúng tôi có thể chắc chắn họ không còn xem nó là một con chó con vô hại nữa. Với họ, nó đã trở thành một sinh vật thật đáng sợ.
Cửa trước nhà tôi có một ô cửa sổ chữ nhật nhỏ, ngang tầm mắt, rộng mười phân và dài hai mươi phân. Marley rất khoái tiếp khách. Cứ khi nào có tiếng chuông cửa, nó chạy hùng hục quanh nhà, phanh két lại khi gần phòng ngoài, chuệch choạc nghiêng hẳn về một bên trên sàn gỗ, hất tung tấm thảm khi nó trượt dài, không dừng lại tới khi đánh uỵch một cái rõ to vào cửa. Sau đó nó đứng phắt dậy bằng hai chân sau, sủa ăng ẳng, cái đầu to bự lấp kín ô cửa sổ nhỏ, nhìn chằm chằm thẳng vào mặt người đứng bên ngoài. Với Marley, vốn tự coi mình là một Welcome Wagon(7), đây thực là một màn dạo đầu thú vị. Với những người bán hàng tại nhà, nhân viên bưu điện, hay bất cứ ai không biết nó, thì nó không khác gì con quái vật Cujo nhảy ra từ tiểu thuyết kinh dị của Stephen King, còn thứ duy nhất chắn giữa họ và con quái vật tàn nhẫn là cánh cửa gỗ nhà tôi. Nhiều người lạ, sau khi ấn chuông cửa và thấy gương mặt của Marley săm soi nhìn họ, đã phải lùi ra tận đường dẫn vào nhà, đứng đó chờ chúng tôi trả lời.
Chuyện này, chúng tôi thấy không hẳn là một chuyện xấu.
Khu nhà tôi được các nhà quy hoạch đô thị đánh giá là một khu hay thay đổi. Được xây dựng từ thập niên 40, 50, ban đầu là nơi sinh sống của dân tránh rét và nghỉ hưu, nó bắt đầu phức tạp hơn khi những người chủ gốc qua đời, thay vào đó là đủ kiểu người pha tạp tới thuê nhà, hay các gia đình thuộc tầng lớp lao động. Thời gian chúng tôi mới chuyển đến, khu này lại đang trong quá trình chuyển giao, được cách tân hóa với những gã đồng tính, nghệ sĩ, phong cách trẻ trung hay Art Deco hiện đại.
Khu chúng tôi giống như vùng đệm giữa Quốc lộ Nam Dixie và những khu biệt thự của tầng lớp thượng lưu dọc bờ biển. Quốc lộ Dixie vốn là quốc lộ số Một của Mỹ, chạy dọc bờ biển đông Florida, là đường đi chính tới Miami trước khi tới các tiểu bang. Đó là một con đường tràn ngập ánh nắng, có năm làn xe, hai làn ngược hướng lại chung một làn rẽ trái. Trải dài ven nó là sự kết hợp khó coi, hơi tồi tàn của những cửa hàng, nhà ga, sạp hoa quả, cửa hàng ký gửi và các nhà trọ gia đình nghèo nàn có từ hồi rất xưa.
Ở ngã tư giao lộ Nam Dixie và Churchill, có một cửa hàng rượu, một chợ mở hai tư trên hai tư, một hiệu đồ nhập khẩu với những chấn song sắt nặng nề trên cửa sổ, và một tiệm giặt là ngoài trời. Đó là nơi mọi người la cà rượu chè cả đêm, để lại các túi nâu chứa đầy vỏ chai. Nhà tôi nằm khoảng giữa khu đó, cách tám nhà tính từ trung tâm.
Khu chúng tôi cơ bản thì an toàn, nhưng không phải là không có chuyện bất ổn. Dụng cụ để ngoài sân biến mất. Trong một đợt rét hiếm hoi, có kẻ còn trộm sạch đống củi tôi chất bên cạnh nhà. Một ngày Chủ nhật, chúng tôi ăn sáng ở quán ưa thích, ngồi cái bàn vẫn hay ngồi, ngay kế bên trong cửa sổ trước. Jenny chỉ một lỗ đạn trên kính, ngay trên đầu chúng tôi, giải thích, giọng khô khốc:
- Lần trước mình đến đây chắc chắn không có cái này.
Một buổi sáng, khi chui ra khỏi khu nhà, đánh xe đi làm, tôi phát hiện một người đàn ông nằm dưới rãnh. Tay và mặt ông ta đầy máu. Tôi dừng xe lại, chạy tới chỗ ông ta, đoán ông ta bị ô tô đâm. Nhưng vừa ngồi xổm xuống cạnh ông ta, một mùi hôi thối nồng nặc của rượu với nước tiểu xộc ngay vào mũi tôi. Khi ông ta bắt đầu lắp bắp, rõ ràng là ông ta đang xỉn. Tôi gọi cấp cứu, chờ ở đó. Nhưng đội cấp cứu tới, ông ta nhất định không chịu chữa trị. Trong lúc tôi và các nhân viên y tế ngao ngán nhìn theo, ông ta lảo đảo đi về phía quán rượu.
Rồi có đêm, một gã với dáng vẻ mang chút tuyệt vọng gõ cửa nhà tôi, bảo đang đi thăm nhà bạn ở khu kế bên thì xe hết xăng. Rồi thì tôi có thể cho hắn vay năm đô-la không. Hắn hứa sẽ trả tôi ngay vào buổi sáng. Chắc anh sẽ trả chứ, anh bạn, tôi nghĩ thầm trong bụng. Khi tôi đề nghị gọi cảnh sát giúp, hắn lẩm bẩm một hai câu lý do không rõ ràng, rồi chuồn mất dạng.
Đáng ngại nhất là những gì chúng tôi nghe được về ngôi nhà nhỏ đối diện bên kia góc phố. Một vụ giết người xảy ra chỉ vài tháng trước khi chúng tôi chuyển đến. Không phải chỉ là một vụ giết người tầm thường, mà là một vụ khủng khiếp, liên quan tới một góa phụ tàn tật và một cái cưa xích. Vụ đó từng tràn ngập khắp các mặt báo. Trước khi chuyển đến, chúng tôi cũng quen thuộc từng chi tiết của vụ đó rồi - mọi thứ, trừ địa điểm. Và bây giờ tại đây, chúng tôi đang ở ngay bên kia phố nơi hiện trường tội ác.
Nạn nhân là một giáo viên về hưu, tên Ruth Ann Nedermier. Bà sống một mình và là một trong những người định cư đầu tiên ở khu. Sau phẫu thuật thay hông, bà thuê một điều dưỡng viên trực ngày chăm sóc cho mình. Đó thực là một quyết định tai họa. Người y tá, sau này như cảnh sát xác định, đã trộm thẻ thanh toán của bà Nedermier và làm giả chữ ký.
Bà cụ tuy yếu, nhưng tinh thần rất minh mẫn. Bà tra hỏi nữ y tá về số thẻ bị mất cũng như số tiền thanh toán khó hiểu trong tài khoản ngân hàng của bà. Nữ y tá hoảng sợ, dùng dùi cui đánh bà cụ tội nghiệp tới chết. Xong xuôi ả gọi cho bạn trai. Gã đến với một chiếc cưa xích, giúp ả ta cắt lìa cái xác trong bồn tắm. Cả hai cùng nhét các bộ phận cơ thể vào một cái hòm lớn, xả sạch máu bà cụ xuống cống, rồi lái xe bỏ đi.
Vài ngày sau, sự vắng mặt của bà Nedermier trở thành một bí ẩn. Những người hàng xóm của chúng tôi sau này kể lại như vậy. Bí ẩn được làm sáng tỏ khi một người đàn ông gọi cho cảnh sát, báo cáo về thứ mùi kinh khủng bốc ra từ ga-ra nhà ông ta. Các nhân viên cảnh sát phát hiện ra chiếc hòm cùng thứ rùng rợn bên trong. Khi họ hỏi chủ nhà làm sao nó lại ở đó, ông ta thành thật khai báo: con gái ông ta đã hỏi xem có thể cất nó ở đó cho an toàn không.
Dù vụ sát hại ghê rợn bà Nedermier là sự kiện được nói tới nhiều nhất trong lịch sử khu nhà chúng tôi, nhưng chẳng ai nhắc dù chỉ một từ về nó khi chúng tôi chuẩn bị mua nhà. Nhân viên môi giới nhà đất, chủ cũ, cảnh sát, nhân viên địa chính, không ai nói gì hết. Tuần đầu tiên của chúng tôi ở nhà, những người hàng xóm sang thăm mang theo bánh quy, thịt hầm làm quà và báo tin đó cho chúng tôi. Ban đêm, chúng tôi nằm trên giường, thật khó có thể không nghĩ rằng chỉ cách chưa đầy ba chục mét tính từ cửa sổ phòng ngủ nhà tôi, một góa phụ không có khả năng tự vệ đã bị cưa thành từng mảnh. Đó là chuyện nội bộ, chúng tôi trấn an, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với chúng tôi. Đến lúc này, chúng tôi vẫn không thể đi dạo qua, hay thậm chí là nhìn ra ngoài cửa sổ trước, mà không nghĩ về những chuyện đã xảy ra bên đó.
Không biết làm sao, việc có Marley ở bên, nhìn những người lạ dè chứng với nó, mang lại cho chúng tôi cảm giác yên bình chưa từng có. Nó là một con chó đáng yêu, to lớn, có hẳn một chiến thuật phòng thủ chống kẻ xâm nhập là liếm chúng tới chết thì thôi. Nhưng những kẻ rình mò và chờ cơ hội ngoài kia không cần biết điều đó. Với chúng, nó to bự, nó khỏe, và nó là một con chó điên dở rất khó lường. Đây chính điều chúng tôi cực kỳ thích ở nó.
Việc có bầu rất hợp với Jenny. Cô ấy bắt đầu dậy lúc bình minh để tập thể dục, dắt Marley đi bộ. Cô ấy sửa soạn những bữa ăn lành, tốt cho sức khỏe, đầy rau tươi và hoa quả. Cô ấy bỏ hẳn cafein, sô-đa ăn kiêng, dĩ nhiên, tất cả thức uống cồn. Thậm chí cô ấy còn không cho tôi khuấy thìa súp nấu rượu xơ-ri vào nồi.
Chúng tôi thề giữ bí mật chuyện Jenny có bầu, tới khi chúng tôi tự tin thai nhi có thể sống sót và không còn nguy cơ bị sẩy. Nhưng trên mặt trận này, cả hai chúng tôi đều dở lắm. Chúng tôi phấn khích đến nỗi đã để lộ tin vui với một người bạn tâm tình, rồi lại đến một người khác. Lần nào cũng bắt họ thề im lặng. Thế là bí mật của chúng tôi chẳng còn là bí mật nữa. Đầu tiên chúng tôi nói với bố mẹ, tới anh chị em, tới bạn thân nhất, tới đồng nghiệp, rồi tới hàng xóm. Bụng Jenny, ở tuần thứ mười, bắt đầu tròn trịa hơn một chút. Dường như mọi chuyện đang dần trở thành sự thật. Tại sao lại không chia sẻ niềm hạnh phúc của chúng tôi với cả thế giới cơ chứ? Tới ngày Jenny khám và siêu âm, chúng tôi có thể viết lên bảng tin thông báo cũng được: John và Jenny đang có em bé nhé.
Tôi nghỉ làm vào buổi sáng để cùng Jenny đến gặp bác sĩ theo lịch hẹn. Như đã được dặn, tôi mang theo một cuốn băng video trắng để có thể ghi lại những hình ảnh đầu tiên của con chúng tôi. Buổi hẹn để khám từng phần. Chúng tôi được chỉ định gặp một y tá hộ sinh. Bà ta sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi, đo bụng Jenny, nghe tim thai, và dĩ nhiên, cho chúng tôi xem hình hài tí hon của đứa bé bên trong cô ấy.
Chúng tôi đến lúc 9 giờ sáng, trong lòng tràn ngập thấp thỏm lo âu. Nữ hộ sinh, một phụ nữ trung tuổi hiền lành nói giọng Anh, dẫn chúng tôi vào một phòng khám nhỏ và ngay lập tức hỏi:
- Anh chị có muốn nghe tim thai không?
- Chúng tôi có thể sao? - Cả hai cùng hỏi.
Chúng tôi chăm chú lắng nghe khi bà ấy bật một micro nối với loa bên trên bụng Jenny. Chúng tôi ngồi im, nụ cười như đóng băng trên mặt, căng thẳng lắng nghe tiếng tim thai. Nhưng chỉ có thứ âm thanh câm lặng qua loa.
Bà y tá nói điều này không có gì bất thường.
- Còn phụ thuộc vào đứa bé đang nằm như thế nào. Đôi khi không thể nghe thấy gì. Có thể vẫn còn quá sớm.
Bà ta đề nghị chuyển sang siêu âm.
- Hãy xem con anh chị nào! - Giọng bà ta phấn khởi.
- Cái nhìn đầu tiên của chúng ta về nhóc Grogie. - Jenny tươi cười nhìn tôi.
Bà y tá dẫn chúng tôi vào phòng siêu âm, đặt Jenny nằm ngửa trên một cái bàn với màn hình bên cạnh.
- Tôi có mang theo một cuốn băng đây. - Tôi nói, đưa nó vẫy vẫy trước mặt bà ta.
- Cứ giữ nó đi. - Bà y tá vừa nói vừa kéo áo Jenny lên và bắt đầu rà một dụng cụ có kích cỡ, hình dáng giống trái bóng khúc côn cầu lên bụng cô ấy. Chúng tôi chăm chú nhìn màn hình máy tính. Có một mảng xám không rõ nét lắm.
- Hừm... cái này hình như không thu được gì. - Giọng bà ta hoàn toàn thản nhiên - Chúng ta sẽ thử siêu âm âm đạo. Cách đó thu được chi tiết hơn.
Nói xong bà ta ra khỏi phòng, lát sau quay lại với một y tá khác. Người này cao ráo, tóc bạch kim, sơn chữ cái lồng nhau trên móng tay. Tên cô ta là Essie. Cô ta bảo Jenny cởi quần lót ra, đưa một que thăm bọc cao su vào âm đạo cô ấy. Bà y tá nói đúng: giải pháp này tốt hơn hẳn siêu âm kiểu kia. Cô ta phóng to thứ trông như cái túi nhỏ xíu ở khoảng giữa biển màu xám. Với vài cái click chuột, cô ta phóng to nó lên, rồi lại phóng to tiếp. Phóng to nữa. Nhưng bất chấp phóng chi tiết rất rõ, cái túi vẫn chỉ như cái bít tất không rõ hình dạng, trống trơn. Cánh tay, cẳng chân nhỏ bé sách nói về mang thai miêu tả, nhẽ ra phải định hình lúc mười tuần tuổi đâu mất rồi? Cái đầu nhỏ xíu đâu rồi? Trái tim đang đập đâu rồi? Jenny, cổ rướn sang một bên cố gắng nhìn màn hình, vẫn đầy thận trọng hỏi y tá, cười gượng gạo:
- Có gì ở đó không vậy?
Tôi ngước nhìn, bắt gặp khuôn mặt Essie và tôi biết câu trả lời là điều chúng tôi không hề muốn nghe. Bất giác tôi nhận ra tại sao cô ấy không nói gì khi click xem hình phóng đại. Cô ấy trả lời Jenny bằng giọng rất bình tĩnh:
- Không phải thứ anh chị mong chờ được thấy ở tuần thứ mười.
Tôi đặt tay lên đầu gối Jenny. Cả hai chúng tôi cứ nhìn chằm chằm vào đốm màu trên màn hình, như thể chúng tôi có thể làm nó sống dậy.
- Jenny, tôi nghĩ chúng ta có vấn đề ở đây. - Essie nói - Để tôi gọi bác sĩ Sherman.
Chúng tôi chờ đợi trong im lặng. Tôi hiểu vì sao mọi người lại mô tả một đàn châu chấu bao trùm trước khi họ ngất xỉu. Tôi cảm nhận máu đang xộc lên khắp đầu tôi, nghe vo vo trong tai. Nếu mình không ngồi xuống, tôi thầm nghĩ, mình sẽ quỵ mất. Điều đó sẽ gây bối rối như nào đây? Người vợ mạnh mẽ của tôi đang chịu đựng cái tin ác nghiệt, trong khi chồng cô ấy lại nằm bất tỉnh trên sàn, y tá thì ra sức dùng muối ngửi cho anh ta tỉnh lại. Tôi ngồi nửa vời trên mép ghế phòng khám, một tay nắm tay Jenny, tay kia vuốt ve cổ cô ấy. Nước mắt ứ lên trong mắt cô ấy, nhưng cô ấy không khóc.
Bác sĩ Sherman, một người đàn ông cao lớn, trông đĩnh đạc, có thái độ khô khan nhưng lịch sự, xác nhận thai nhi đã chết.
- Chúng ta lẽ ra có thể nghe được tim thai, không nghi ngờ gì nữa.
Ông ta nhẹ nhàng bảo chúng tôi những điều chúng tôi đã đọc hết trong sách, rằng một phần sáu trường hợp mang thai có kết cục là bị sảy. Đây là cách chọn lọc tự nhiên để loại bỏ những trường hợp thai yếu, chậm phát triển hay dị dạng. Dường như nhớ ra những lo ngại của Jenny về thuốc diệt bọ chét, ông ta bảo chẳng có nghĩa lý gì hết, dù chúng tôi có làm hay không làm chuyện đó. Ông ta đặt tay lên má Jenny, ngả người lại gần như muốn hôn cô ấy.
- Tôi rất tiếc. Một vài tháng sau anh chị có thể thử lại.
Cả hai chúng tôi chỉ còn biết im lặng ngồi đó. Cuộn băng video trắng trên ghế bên cạnh bỗng nhiên như một thứ cực kỳ khó chịu, một kỷ vật rõ ràng cho sự lạc quan ngây thơ, mù quáng của chúng tôi. Tôi muốn quẳng nó đi. Tôi muốn giấu nó đi. Tôi quay ra hỏi bác sĩ.
- Chúng tôi đi đâu bây giờ?
- Chúng ta phải đi lấy nhau thai. - Ông ta trả lời. "Những năm về trước, chị sẽ không biết được mình bị sẩy thai hay chưa và chị phải đợi cho đến khi chị bắt đầu xuất huyết."
Ông ta cho chúng tôi lựa chọn chờ tới qua tuần và quay lại vào thứ Hai để làm thủ tục, cũng như nạo hút thai, hút thai nhi và nhau thai ra từ dạ con. Nhưng Jenny muốn quên nó đi. Tôi cũng thế.
- Càng sớm càng tốt. - Cô ấy nói.
- Được rồi. - Bác sĩ đáp.
Ông ta đưa cô ấy dụng cụ mở cửa mình rồi bỏ đi. Ngoài hành lang, chúng tôi nghe tiếng ông ta vào phòng khác, nhiệt liệt chào mừng một phụ nữ sắp sinh, cười đùa vui vẻ.
Một mình trong phòng, Jenny và tôi ôm chặt lấy nhau, cứ giữ như vậy cho tới khi có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Đó là một phụ nữ có tuổi chúng tôi chưa gặp bao giờ. Bà mang theo một thếp giấy. Bà nói với Jenny, giọng an ủi:
- Ta rất tiếc, con gái. Ta rất tiếc.
Sau đó bà chỉ cho cô ấy chỗ nào để ký chấp nhận những rủi ro khi nạo hút thai.
Khi bác sĩ Sherman quay lại, ông ta vào việc chính của mình. Ông ta tiêm cho Jenny mũi đầu tiên là Valium, sau đó tới Demerol, thủ tục rất nhanh chóng nếu không đau đớn gì. Ông ta xong xuôi trước khi thuốc được bơm hết. Tiêm xong, cô ấy nằm gần như bất tỉnh do thuốc an thần phát huy đầy đủ tác dụng.
- Hãy chắc chắn cô ấy không ngừng thở nhé - bác sĩ nói, rồi ra khỏi phòng.
Tôi không thể tin được. Không phải công việc của ông ta là chắc chắn cô ấy không ngừng thở đó sao? Bản thỏa thuận cô ấy ký đâu có nói "Bệnh nhân có thể ngừng thở bất cứ lúc nào do thuốc an thần quá liều." Tôi làm như được chỉ định, nói chuyện thật to với cô ấy, vỗ nhẹ má cô ấy, nói những câu đại loại như, "Này, Jenny! Tên anh là gì?" Cô ấy chẳng còn biết trời đất đâu nữa.
Vài phút sau, Essie ngó đầu vào xem chúng tôi. Cô ta nhìn lướt qua khuôn mặt tái mét của Jenny rồi trở ra, chỉ một lát sau quay lại với chiếc khăn mặt ướt và muối ngửi. Cô ta để muối ngửi ngay dưới mũi Jenny một lúc rõ lâu, trước khi Jenny bắt đầu động đậy, chỉ được một thời gian ngắn. Tôi tiếp tục nói to với cô ấy, bảo cô ấy thở sâu để tay tôi có thể cảm nhận thấy. Da cô ấy xám ngoét. Tôi bắt mạch cô ấy: sáu mươi nhịp một phút. Tôi căng thẳng chấm khăn ướt khắp trán, má và cổ cô ấy. Cuối cùng, cô ấy tỉnh lại, dù vẫn cực kỳ choáng váng.
- Em làm anh lo quá. - Tôi nói.
Cô ấy chỉ đờ đẫn nhìn tôi như thể cố gắng hiểu tại sao tôi lại lo lắng thế. Rồi cô ấy lại ngất lịm đi.
Nửa giờ sau, y tá giúp cô ấy mặc đồ, còn tôi dìu cô ấy ra khỏi văn phòng với những chỉ thị như sau: hai tuần tới, không tắm bồn, không bơi, không tắm vòi sen, không băng vệ sinh và không quan hệ chăn gối.
Trong ô tô, Jenny vẫn im lặng, tựa vào cửa bên, đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ. Mắt cô ấy hoe đỏ, nhưng cô ấy sẽ không khóc. Tôi lục tìm những câu an ủi, nhưng không thành công. Thực ra, biết nói gì đây? Chúng tôi vừa mất con. Phải, tôi có thể bảo cô ấy chúng tôi có thể thử lại. Tôi có thể bảo cô ấy rằng nhiều cặp vợ chồng cũng trải qua chuyện khủng khiếp tương tự. Nhưng cô ấy không muốn nghe điều đó. Và tôi cũng không muốn nói như thế. Rồi đây, chúng tôi sẽ có thể thấy triển vọng hơn. Nhưng không phải là hôm nay.
Tôi đánh xe dạo một vòng về nhà, dọc theo đường Flagle Drive, con đường ôm bãi biển West Palm Beach từ đầu phía Bắc thành phố, nơi văn phòng bác sĩ tọa lạc, tới đầu phía Nam, nơi chúng tôi sống. Mặt nước lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Những cây cọ nhẹ nhàng đung đưa dưới bầu trời trong xanh. Một ngày tuyệt đẹp để vui chơi, nhưng không phải dành cho chúng tôi. Chúng tôi lái xe về nhà trong im lặng.
Về tới nhà, tôi dìu Jenny vào phòng, đặt cô ấy nằm xuống giường, rồi đi vào ga-ra, nơi Marley như mọi khi, đang háo hức đợi chúng tôi. Vừa nhìn thấy tôi, nó ngoạm lấy khúc xương giả to bự, tự hào diễu quanh phòng, toàn thân lúc lắc, đuôi đập mạnh vào máy giặt như dùi đập vào trống cái. Nó khẩn cầu tôi tóm thứ đó từ miệng nó.
- Không phải hôm nay, anh bạn. - Tôi nói, thả nó ra sân.
Nó tè rõ lâu vào cây sơn trà, sau đó quay vào trong, uống một lèo hết cả bát nước, làm vãi tung tóe khắp sàn. Xong xuôi nó lử đử đi vào hành lang tìm Jenny. Tôi mất vài giây để khóa cửa sau, dọn dẹp vũng nước nó làm đổ, rồi cũng theo nó vào phòng khách.
Khi rẽ vào, tôi hơi khựng lại. Tôi dám cá cả một tuần lương rằng điều tôi đang mục sở thị không thể nào xảy ra được. Con chó ương bướng khó bảo của chúng tôi đang đứng đó, vai kẹp giữa hai đầu gối Jenny, cái đầu to bè nhẹ nhàng áp vào lòng cô ấy. Đuôi nó cúp lại giữa hai chân, lần đầu tiên thấy nó không ve vẩy khi tiếp xúc với một trong hai chúng tôi. Mắt nó nhìn cô ấy, khẽ rên rỉ. Cô ấy vuốt ve đầu nó rồi sau đó, bất ngờ, vùi mặt vào lông cổ dày rậm của nó, khóc nức nở. Tiếng khóc nức nở khó nhọc, không kiềm chế nổi, quặn lên từ trong ruột.
Họ cứ như vậy một lúc lâu, Marley vẫn đứng im như tượng, Jenny ghì chặt nó như con búp bê khổng lồ. Tôi nép vào bên tường, cảm giác mình giống một kẻ tọc mạch xen vào giữa giây phút riêng tư, không còn biết phải làm gì với chính mình nữa. Thế rồi, không ngẩng mặt lên, Jenny vươn một tay về phía tôi. Tôi ngồi lên giường, vòng tay ôm lấy cô ấy. Ba chúng tôi ở đó, ghì chặt lấy nhau cùng sẻ chia nỗi niềm đau khổ.