Hôm sau là thứ Bảy, tôi tỉnh dậy lúc bình minh, thấy Jenny đang nằm bên cạnh, quay lưng về phía tôi, vẫn thút thít khóc. Marley cũng đã dậy, cằm nó tựa lên đệm, lại đang an ủi cô chủ. Tôi đi pha cà phê, vắt cam tươi, ra cửa lấy báo rồi nướng bánh mỳ. Một lát sau, Jenny khoác áo choàng đi ra. Mắt cô ấy đã khô, khẽ nở một nụ cười dũng cảm với tôi, như muốn nói lúc này cô ấy vẫn ổn.
Sau bữa sáng, chúng tôi quyết định dắt Marley đi dạo ra biển. Một con đê chắn sóng bê tông lớn, với những ụ đá xếp dọc theo bờ biển trong khu chúng tôi, ngăn không cho nước vào đất liền. Nhưng nếu đi bộ chừng năm sáu khu nhà nữa về phía nam sẽ thấy đê chắn sóng uốn sâu vào đất liền, lộ ra một bãi cát trắng nhỏ, rải đầy gỗ trôi dạt ngoài khơi về - một chỗ tuyệt vời cho một con chó chạy nhảy. Khi chúng tôi tới bãi biển nhỏ, tôi vẫy vẫy que củi trước mặt Marley, tháo xích cho nó. Nó nhìn chằm chằm vào que củi y như gã chết đói nhìn ổ bánh mỳ, ánh mắt không rời khỏi chiến lợi phẩm.
- Bắt lấy nó! - Tôi hét lên, hết sức bình sinh ném thật mạnh cái que về phía biển.
Bằng một cú nhảy ngoạn mục, nó phi thân qua tường bê tông, phóng nước đại về phía bãi biển, nhảy ùm xuống nước, hất bọt nước tung tóe chung quanh. Đây chính là nhiệm vụ chó tha mồi Labrador sinh ra để làm. Nó tồn tại trong gien của chúng, là công việc của chúng.
Không ai dám chắc chó Labrador có nguồn gốc từ đâu, nhưng có một điều khá chính xác: không phải ở Labrador. Giống chó lông ngắn, cơ bắp này lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1600, ở Newfoundland, cách vài trăm dặm về phía nam Labrador. Ở đó, những người ghi chép từ xưa đã ghi lại rằng ngư dân địa phương đem theo chó ra biển trên thuyền đánh cá, dùng chúng để kéo lưới hay bắt cá thoát khỏi lưỡi câu. Bộ lông trơn, dày giúp chúng chịu được làn nước lạnh giá. Thêm vào đó, kỹ năng bơi lội, sức lực dồi dào, khả năng ngậm cá trong miệng mà không làm hỏng thịt khiến chúng trở thành những con chó lý tưởng làm việc trong điều kiện Bắc Đại Tây Dương khắc nghiệt.
Những con chó đến Newfoundland như thế nào cũng không ai biết. Chúng vốn không có gốc ở hòn đảo ấy. Và cũng không có bằng chứng nào cho thấy dân Eskimo đầu tiên định cư trong vùng đã mang theo giống chó này. Giả thuyết có lý nhất là tổ tiên xa xưa của chó tha mồi đuợc ngư dân từ châu Âu, Anh Quốc mang tới Newfoundland. Những người này đã nhảy tàu, định cư ở bờ biển, gây dựng cộng đồng ở đây. Từ đó, giống sau này được gọi là chó tha mồi Labrador có thể đã tiến hóa qua nhiều lần lai giống không có chủ định. Có vẻ tổ tiên của nó đã lai với giống chó Newfoundland to lớn và lông bờm xờm hơn.
Dù thế nào đi nữa thì những con chó tha mồi cũng mau chóng được thợ săn trên đảo giao nhiệm vụ đi bắt chim thịt và chim nước. Năm 1662, một người quê ở St.John’s, Newfoundland, tên là W.E.Cormack đã thực hiện một cuộc hành trình đi bộ quanh hòn đảo. Ông thấy rất nhiều con chó cực giỏi bơi lội trong vùng, giống chó như ông miêu tả là "huấn luyện dễ dàng thành chó tha mồi để bẫy chim và... nhiều việc hữu ích khác." Tầng lớp trung lưu Anh Quốc cuối cùng cũng chú ý tới. Vậy là vào đầu thế kỷ mười chín, họ nhập khẩu những con chó này vào Anh để cung cấp cho dân ưa thích thể thao săn bắn chim trĩ, gà gô hay gà gô trắng.
Câu lạc bộ chó tha mồi Labrador thành lập năm 1931, là tập hợp của một nhóm những người cùng sở thích trong nước, dành tâm sức để gìn giữ toàn vẹn nòi giống. Họ cho biết, cái tên chó tha mồi Labrador được đặt hoàn toàn không chủ đích. Đó là vào những năm 1830, ngài bá tước thứ ba của xứ Malmesbury viết thư cho công tước thứ sáu xứ Buccleuch kể về giống chó săn cừ khôi của mình. "Chúng tôi luôn gọi những con chó của tôi là chó Labrador." Ông ta viết như vậy. Từ thời điểm đó, cái tên nghiễm nhiên được ấn định. Vị bá tước tử tế ghi lại rằng, ông đã rất nỗ lực để giữ "giống thuần chủng nhất." Nhưng nhiều người khác thì không cẩn thận lắm về chuyện di truyền. Họ vô tư phối giống Labrador với các giống chó tha mồi khác, hy vọng những đặc điểm tuyệt vời của chúng sẽ được truyền lại. Gien Labrador không hề bị khuất phục. Giống chó tha mồi Labrador vẫn giữ nguyên những nét khác biệt. Chúng được Câu lạc bộ Nuôi Chó Anh công nhận là giống hoàn toàn thuần chủng vào ngày 7 tháng Bảy năm 1903.
B.W.Ziessow, một người nuôi chó lâu năm đầy nhiệt huyết, đã viết cho Câu lạc bộ chó tha mồi Labrador: "Những nhà thể thao Mỹ đã nhận giống từ Anh, sau đó phát triển và huấn luyện chúng đáp ứng nhu cầu săn bắn của đất nước này. Ngày nay, cũng như trong quá khứ, Labrador vẫn nhiệt tình nhào xuống dòng nước giá lạnh ở Minnesota để bắt một con chim bị bắn hạ. Nó sẽ săn chim bồ câu cả ngày dưới cái nắng thiêu đốt của miền Tây Nam - dù phần thưởng duy nhất với nó chỉ là một cái vỗ nhẹ vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ."
Đây là tài sản thừa kế rất đáng tự hào của Marley. Xem ra nó cũng thừa hưởng được ít nhất một nửa bản năng rồi. Nó là bậc thầy truy sát con mồi. Tuy nhiên, hình như nó không thực sự hiểu khái niệm mang con mồi lại cho chủ lắm. Quan điểm của nó dường như là, Nếu anh muốn cái que trở lại, ANH phải nhảy xuống nước lấy nó.
Nó tung tăng quay trở lại với chiến lợi phẩm kẹp chặt trong miệng.
- Mang lại đây nào! - Tôi la lên, vỗ vỗ hai tay. - Nào, cậu bé, mang lại đây cho tao!
Nó nhảy cỡn lên, rùng mình giũ sạch nước, hất cả cát lên khắp người tôi. Sau đó, tôi ngạc nhiên thấy nó nhả que củi xuống chân tôi. Chà chà, tôi thầm nghĩ. Phục vụ được đấy chứ? Tôi quay lại nhìn Jenny, lúc này đang ngồi trên ghế băng, dưới gốc cây thông Úc. Tôi giơ ngón cái ra hiệu về phía cô ấy. Nhưng khi tôi vừa mới cúi xuống nhặt cái que lên, Marley đã sẵn sàng. Nó nhao tới, tợp lấy que củi, chạy một mạch ra bãi biển theo hình zic-zac điên loạn. Nó quặt ngược trở lại, gần như đâm sầm vào tôi, làm trò chế nhạo để tôi đuổi theo. Tôi lao tới, chộp nó mấy lần, nhưng rõ ràng là nó có cả tốc độ lẫn kỹ thuật. Tôi hét lên:
- Mày phải là một con chó tha mồi Labrador! Chứ không phải một kẻ lẩn trốn Labrador!
Tuy nhiên, tôi có một thứ mà con chó của tôi không có. Đó là một bộ não tiến hóa, chí ít cũng vượt xa sức mạnh cơ bắp của tôi. Tôi lượm một que củi, huơ lên nhặng xị gây chú ý. Tôi giơ nó cao trên đầu mình, tung nó từ tay này qua tay kia. Tôi lắc trái lắc phải. Y như rằng, quyết tâm của Marley bắt đầu lung lay. Tự nhiên, cái que trong miệng, vừa ban nãy nó còn tưởng là chiến lợi phẩm quý giá nhất trần đời, giờ chẳng còn gì đặc biệt. Cái que của tôi cuốn hút nó như thể một người đàn bà quyến rũ. Nó rón rén lại gần, lại gần hơn nữa, tới khi chỉ còn cách tôi vài centimet.
- Ôi, mỗi ngày đều có thêm một gã ngốc, đúng không Marley? - Tôi khúc khích cười, đung đưa cái que trước mũi nó, thấy mắt nó đảo qua đảo lại để giữ cái que trong tầm ngắm.
Tôi có thể tưởng tượng những bánh răng nhỏ xíu đang bắt đầu rục rịch chuyển động trong đầu nó, khi nó tính toán làm sao có thể chộp được cái que mới, mà không phải buông cái cũ ra. Môi trên nó run run khi nó lên chiến thuật xử lý tình huống này. Tôi để tay kia của mình chắc chắn gần đầu cái que trong miệng nó. Tôi giật một cái, nó liền giật lại, gầm gừ. Tôi ấn cái que thứ hai vào lỗ mũi nó.
- Mày biết mày muốn nó mà. - Tôi thì thào.
Cám dỗ không thể cưỡng nổi. Tôi cảm giác nó đang nới lỏng hàm răng ra. Rồi nó bắt đầu di chuyển. Nó há miệng ra để gắng tợp thật nhanh cái que thứ hai mà không làm rơi cái đầu tiên. Trong tích tắc, tôi giật phắt cả hai que lên quá đầu mình. Nó nhảy vọt lên không trung, sủa ầm ĩ rồi bổ nhào xuống, lộn một vòng. Hiển nhiên là nó vô cùng rối trí, không hiểu sao bày binh bố trận như vậy rồi lại có thể thất bại thảm hại.
- Đây là lý do tại sao tao là ông chủ, còn mày là con vật. - Tôi hả hê nói với nó. Thế là nó giũ hết cả nước lẫn cát vào mặt tôi.
Tôi liệng một cái que ra biển, nó liền đuổi theo, sủa ầm ĩ điên cuồng. Nó đã gặp phải một đối thủ mới, khôn ngoan hơn. Lần này nó thận trọng, không tiếp cận tôi nữa. Nó đứng cách xa chừng mười thước, ngậm chặt cái que trong miệng, mắt chằm chằm nhìn vào đối tượng mới. Cái thứ ấy vừa mới đây còn là thứ mong muốn cũ của nó, cái que đầu tiên, giờ đang nằm cao phía trên đầu tôi. Tôi có thể thấy các bánh răng đang hoạt động trở lại. Nó đang suy tính, lần này ta sẽ chỉ đứng đây chờ, tới khi ông ta ném nó đi. Sau đấy ông ta sẽ không có cái que nào, còn mình thì có cả hai.
- Mày nghĩ tao là thằng ngốc hả, chó con? - Tôi nói to.
Nói xong, tôi kéo tay ra sau, làm bộ trĩu người xuống để vận hết sức lực, ném cái que đi. Thấy thế Marley lao ùm xuống nước cùng với cái que vẫn ngậm chặt trong hàm. Có điều, tôi đâu có buông cái que của mình ra. Bạn nghĩ Marley có nhận ra chuyện đó không? Nó bơi nửa chừng ra biển, trước khi kịp hiểu ra cái que vẫn còn nguyên trong tay tôi.
- Anh ác quá đi! - Từ chỗ ghế băng, Jenny la lên, và tôi nhìn thấy cô ấy đang cười ngặt nghẽo.
Cuối cùng Marley cũng mò vào được tới bờ. Nó nằm phịch xuống bãi cát, mệt lử, nhưng vẫn kiên quyết không buông cái que ra. Tôi chìa cho nó xem que của tôi, nhắc nó cái này tốt hơn cái của nó nhiều lắm, rồi ra lệnh:
- Nhả ra!
Tôi kéo tay lại sau làm bộ ném, gã ngốc lại quay ngoắt lại, nhìn về phía biển.
- Nhả ra nào! - Tôi lặp lại.
Mất vài lần thử, cuối cùng nó cũng làm theo. Ngay khi cái que của nó chạm xuống cát, tôi liền ném que của tôi vào không khí cho nó bắt. Cứ thế, chúng tôi làm đi làm lại. Mỗi lần nó lại hiểu khái niệm rõ ràng hơn một chút. Dần dần bài học cũng ngấm vào cái sọ ngốc nghếch của nó. Nếu nó trả cái que cho tôi, tôi sẽ ném cho nó cái mới.
- Giống như trao đổi quà ấy. - Tôi bảo nó - Mày nhận để trao, rồi lại được nhận.
Nó nhảy chồm lên, thúc cả cái mõm đầy cát vào tôi. Hành động chắc để nói bài học đã được tiếp thu.
Jenny và tôi đi bộ về nhà. Lần duy nhất thấy Marley mệt lử, không kéo căng dây xích. Tôi cười rạng rỡ, đầy tự hào với việc chúng tôi vừa làm được. Thời gian trước, Jenny và tôi có dạy nó các kỹ năng và lối cư xử căn bản, nhưng rất chậm tiến bộ. Như kiểu chúng tôi đang sống chung với một con ngựa đực hoang dã - trong khi cố gắng dạy nó nhâm nhi trà bằng tách sứ. Có lúc tôi cảm tưởng mình như Anne Sullivan với Marley Helen Keller(8). Tôi nhớ tới Saint Shaun, và tôi chỉ là một thằng nhóc mười tuổi, đã có thể nhanh chóng dạy nó tất cả những điều cần thiết để trở thành một con chó tuyệt vời. Tôi tự hỏi lần này mình đã làm sai chỗ nào nhỉ?
Nhưng giờ thì bài tập thú vị nho nhỏ của chúng tôi làm lóe lên một tia hy vọng. Tôi quay sang Jenny:
- Em biết không. Anh nghĩ là nó bắt đầu biết tiếp thu rồi.
Cô ấy nhìn xuống nó, đang lừ đừ bước bên cạnh chúng tôi. Người nó ướt sũng, lông bám đầy cát, nước dãi dầm dề quanh mép, cái que khó nhọc giành được vẫn ngậm chặt trong miệng.
- Em cũng không chắc lắm. - Cô ấy đáp.
Sáng sớm hôm sau, tôi tỉnh giấc trước bình minh vì tiếng thút thít của Jenny bên cạnh.
- Thôi nào - Tôi nhẹ nhàng, quàng tay ôm lấy cô ấy. Cô ấy nép mặt vào ngực tôi. Tôi có thể cảm thấy nước mắt cô ấy đang thấm qua làn áo phông.
- Em ổn. - Jenny thủ thỉ - Thật đấy. Em chỉ... anh biết mà.
Tôi biết chứ. Tôi đang gắng là một chiến binh dũng cảm. Nhưng tôi cũng cảm nhận được nó, cảm giác buồn bã vì mất mát và thất bại. Thật kỳ cục. Chỉ chưa đầy 48 giờ trước, chúng tôi còn đang hồi hộp về đứa con. Thế mà giờ đây, như chưa từng có chuyện Jenny mang bầu. Như thể toàn bộ câu chuyện này chỉ là một giấc mơ làm chúng tôi phiền muộn lo lắng.
Cuối ngày, tôi dẫn Marley đi mua vài thứ tạp phẩm và vài thứ Jenny cần ở hiệu thuốc. Trên đường về, tôi dừng xe trước một hàng hoa, mua một bó hoa xuân khổng lồ, được cắm trong một cái bình, hy vọng chúng sẽ làm cô ấy vui lên. Tôi cột chúng vào dây bảo hiểm ghế sau cạnh Marley cho khỏi đổ. Khi đi qua một hiệu thú nuôi, tôi nghĩ Marley cũng xứng đáng được khích lệ. Nó đã làm tốt hơn tôi nhiều khi an ủi vợ tôi. Tôi dặn:
- Bé ngoan! Tao sẽ quay lại ngay.
Nói xong tôi chạy ù vào cửa hàng, mua một món đồ chơi bự tướng để nhai cho nó.
Một lát sau, chúng tôi về tới nhà. Jenny đón chúng tôi ở cửa. Marley nhảy ra khỏi xe mừng rỡ chào cô ấy.
- Bọn anh có một bất ngờ nho nhỏ cho em đây. - Tôi hồ hởi.
Nhưng khi vào ghế sau lấy hoa, sự kinh ngạc lại dành cho tôi. Bó hoa biến thành một đống hỗn độn cúc trắng, cúc vàng, ly, cẩm chướng đỏ. Thực ra thì lúc này không thấy cẩm chướng đâu cả. Tôi nhìn gần hơn, phát hiện những cọng hoa bị cắt ngọn, mới vài phút trước vẫn còn nguyên bông. Không cành nào trong bó còn nguyên vẹn. Tôi lừ mắt nhìn Marley, còn nó thì đang nhảy nhót vòng quanh như hát diễn thử cho chương trình Soul Train.
- Ra đây! - tôi gào lên.
Khi tóm được nó, tôi banh hàm nó ra, thấy ngay bằng chứng không thể chối cãi cho tội lỗi tày trời của nó. Sâu trong vòm họng nó vẫn còn giắt một bông qua cẩm chướng đỏ ở một bên hàm, trông như mớ thuốc lá nhai. Những bông khác có lẽ đã bị nuốt chửng rồi. Tôi chỉ muốn giết chết nó.
Tôi ngước nhìn Jenny. Nước mắt đang lăn trên gò má cô ấy. Nhưng lúc này, là nước mắt của nụ cười. Cô ấy không thể bị chọc cười hơn thế, như thể tôi vừa vác đàn guitar đến hát dưới cửa sổ phòng cô ấy vậy. Tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc cũng bật cười theo.
- Con chó đó. - Tôi càu nhàu.
- Dù sao em cũng không bực mình chuyện mấy bông cẩm chướng đâu. - Cô ấy vui vẻ.
Marley rất phấn khích khi thấy mọi người hạnh phúc và tươi cười trở lại. Thế là nó bật dậy bằng hai chân sau, nhảy luôn một điệu break dance cho chúng tôi xem.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy khi ánh mặt trời sáng chói chang xuyên qua tán lá cây hồ tiêu Brazil, rải những hạt nắng khắp giường. Tôi liếc nhìn đồng hồ: tám giờ kém. Tôi thấy vợ mình đang ngủ say, rất thanh thản, ngực phập phồng từng nhịp thở chậm rãi. Tôi hôn tóc, quàng một tay qua eo cô ấy, rồi cũng nhắm mắt lại.