Mùa xuân năm đó tôi đã quyết định thử sức với việc chăn nuôi. Lúc này chúng tôi đã có khoảng hai mẫu Anh đất ở vùng quê. Diện tích đó chỉ vừa đủ để nuôi một hoặc hai con gia súc. Ngoài ra, tôi hiện là chủ bút của Làm Vườn Hữu Cơ, một tạp chí lâu nay vẫn ủng hộ việc hợp nhất vật nuôi - và phân chúng - với một khu vườn tươi tốt, phát triển cân bằng.
- Một con bò sẽ rất thú vị đấy. - Jenny gợi ý.
- Một con bò? - Tôi ngạc nhiên - Em điên à? Chúng ta còn không có nổi một cái chuồng. Làm sao ta có thể nuôi một con bò chứ? Em định nhốt nó ở đâu, trong gara gần ô tô hả?
- Thế cừu thì sao? - Cô ấy tiếp tục - Cừu rất dễ thương.
Tôi liếc nhìn cô ấy, ánh mắt tỏ-ra-hiểu-biết theo kiểu em-lại-không-thực-tế-rồi.
- Hay một con dê? Dê rất đáng yêu.
Cuối cùng chúng tôi dừng lại ở gia cầm. Bất cứ người làm vườn nào đã thề không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, những chú gà con sẽ rất có ý nghĩa. Chúng không đắt mà lại tương đối dễ nuôi. Chúng chỉ cần một cái chuồng nhỏ và một vài chén ngũ cốc vào mỗi sáng là vui rồi. Không chỉ cung cấp trứng tươi, mà nếu thả chúng chơi rong, chúng còn dành cả ngày chăm chỉ làm sạch đất đai, bắt sâu bọ và ấu trùng, ăn ngấu nghiến những con ve, cào xới đất như những cái máy phay đất nhỏ hiệu quả, và làm đất thêm màu mỡ với hàm lượng nitơ cao có trong phân khi chúng đi qua. Mỗi khi trời nhá nhem tối, chúng lại tự quay về chuồng. Có gì là không thích chứ? Một con gà là một người bạn tốt nhất của một người làm vườn hữu cơ. Những con gà thật quá ý nghĩa. Bên cạnh đó, như Jenny chỉ ra, chúng đã vượt qua được kì kiểm tra về độ dễ thương, xinh xắn.
Chúng tôi chọn nuôi gà. Ở trường, Jenny thân với một bà mẹ đang sống trong một trang trại. Cô ấy rất vui lòng cho chúng tôi vài con gà con vào lần trứng nở tới đây. Tôi nói với Digger về kế hoạch của chúng tôi. Anh ta đồng ý rằng nuôi vài con gà mái cũng tốt. Digger có một cái chuồng gà lớn. Anh ta nuôi một đàn gà để lấy cả thịt và trứng.
- Chú ý một điều này thôi. - Anh ta nói, khoanh cánh tay cơ bắp của mình ngang ngực - Anh làm gì cũng được, nhưng đừng để bọn trẻ đặt tên cho chúng. Một khi đã đặt tên cho chúng, chúng sẽ không còn là gia cầm nữa, chúng là thú nuôi.
- Đúng rồi. - Tôi đồng tình.
Là chăn nuôi gà. Tôi biết, không có chỗ cho lòng đa cảm. Những con gà mái có thể sống mười lăm năm hoặc hơn nhưng chúng chỉ đẻ trứng được trong hai năm đầu. Khi chúng thôi nằm ổ, đó là lúc cho chúng vào xoong hầm thịt. Đó chỉ là một phần của việc quản lý đàn gà.
Digger nhìn tôi nghiêm khắc, như thể đoán trước ý tưởng chống đối của tôi, anh ta nói thêm:
- Một khi anh đặt tên cho chúng, tất cả sẽ chấm dứt.
- Tất nhiên. - Tôi gật đầu - Không có cái tên nào hết.
Tối hôm sau đi làm về, tôi vừa đánh xe vào nhà, ba đứa trẻ đã chạy ùa ra đón, mỗi đứa ẵm một con gà con mới sinh. Jenny theo sau chúng với con thứ tư trên tay. Bạn cô ấy, Donna, đã mang những con gà con đến vào chiều hôm đó. Chúng vừa đủ một ngày tuổi, đang ló đầu ra nhìn tôi. Những cái đầu hếch lên như thể muốn hỏi "Mẹ có phải mẹ của con không?"
Patrick là người đầu tiên báo tin:
- Con đặt tên cho con của con là Feathers! - Nó tuyên bố.
- Của con là Tweety. - Conor hồ hởi.
- Còn của con là Wuffy - Colleen xen vào.
Tôi ngơ ngác nhìn Jenny.
- Fluffy - Jenny giải thích - Con bé đặt tên con gà là Fluffy.
- Jenny. - Tôi phản đối - Digger đã nói gì với chúng ta? Đây là gia cầm, không phải thú nuôi.
- Ôi, thực tế một chút nào, anh nông dân John. - Cô ấy nhẹ nhàng - Anh cũng như em đều biết rõ anh sẽ không bao giờ làm đau chúng mà. Nhìn xem chúng đáng yêu chưa kìa.
- Jenny. - Tôi ngán ngẩm, giọng nói đầy vẻ thất vọng.
- Nhân tiện. - Cô ấy đưa con gà thứ tư trên tay ra - Anh hãy gặp Shirley này.
Feathers, Tweety, Fluffy, và Shirley được nuôi trong một cái hộp trên chạn bếp, có một bóng đèn treo lủng lẳng trên đầu chúng để sưởi ấm. Chúng ăn, rồi thải, rồi chúng lại ăn - và lớn nhanh như thổi. Vài tuần sau khi chúng tôi mang đám gia cầm về nhà, có thứ làm tôi bật dậy trước cả bình minh. Tôi ngồi trên giường và lắng nghe. Từ dưới nhà vọng lên một tiếng kêu run run, yếu ớt. Nó rên rỉ và khàn khàn, giống như bị ho gà hơn là một lời tuyên bố thống trị. Nó lại vang lên: Cúc-c-cúc-c-cuu! Vài giây trôi qua và sau đó vọng lên tiếng đáp lại cũng yếu ớt, nhưng dứt khoát: Rúc-ru-rúc-ru-ruu!
Tôi lay Jenny dậy. Khi cô ấy mở mắt ra, tôi hỏi:
- Lúc Donna mang mấy con gà con đến, em có nhắc cô ấy kiểm tra chắc chắn chúng là gà mái đúng không?
- Ý anh là anh có thể thế hả? - Cô ấy hỏi, xong lại quay lưng ra ngủ tiếp.
Cái đó gọi là xác định giới tính. Những nông dân hiểu việc họ đang làm có thể kiểm tra một con gà mới đẻ và khẳng định, chính xác khoảng 80%, rằng nó là gà trống hay gà mái. Ở cửa hàng nông phẩm, xác định giới tính của gà con phải mất thêm tiền. Nếu bạn chọn bừa những con không được xác định giới tính sẽ rẻ hơn. Với cách mua bừa này, bạn cũng sẽ có cơ hội, những con trống thì đem giết từ khi còn non để lấy thịt còn những con mái thì giữ lại để đẻ trứng. Chơi trò may rủi này, đương nhiên, đòi hỏi bạn phải có dụng cụ để mổ, moi ruột và vặt lông bất kì con trống nào dư thừa trót mua phải. Vì bất cứ ai từng nuôi gà đều biết, hai con gà trống trong một đàn thì một con là thừa.
Hóa ra Donna đã không kiểm tra giới tính bốn con gà nhà tôi, và ba trong số bốn "gà mái đẻ trứng" của chúng tôi lại là trống. Chúng tôi đang có trên trong bếp một phiên bản tương đương của trung tâm Boys Town U.S.A.(32)nhưng là đối với gia cầm. Vấn đề của những con trống là chúng không bao giờ chấp nhận đứng thứ hai dưới bất kì con trống nào khác. Nếu bạn có số gà trống và mái bằng nhau, chắc bạn nghĩ chúng sẽ cặp với nhau thành từng đôi nhỏ hạnh phúc theo kiểu Ozzie và Harriet(33). Nhưng bạn nhầm to. Những con trống sẽ đánh nhau đến cùng, làm cho con khác phải đổ máu, để quyết định con nào là con thống trị. Kẻ chiến thắng có tất cả.
Khi chúng lớn lên, trở thành ba con gà trống choai bắt đầu làm dáng, đục khoét và, đau khổ nhất là chúng vẫn còn ở trong bếp trong khi tôi cố gắng cấp tốc làm cho chúng cái chuồng ở sân sau. Chúng gáy ầm ĩ thể hiện ham muốn hừng hực đang bốc ra ngoài. Shirley, con gà đáng thương của chúng tôi, một con mái bị đòi hỏi quá nhiều, ngày càng bị chú ý, thậm chí còn nhiều hơn cả những gì đám đàn bà dâm đãng mong muốn.
Tôi nghĩ tiếng gáy liên tục của đám gà trống sẽ làm Marley phát điên. Hồi nó còn nhỏ, một tiếng chim hót bé tí tẹo ngoài sân cũng khiến nó sủa điên cuồng, chạy từ cửa sổ này đến cửa sổ khác, nhảy chồm chồm lên. Ba con gà trống chỉ cách cái bát đựng thức ăn của nó vài bước, vậy mà lại chẳng có tác động nào đến nó. Nó không có vẻ gì biết chúng đang ở đó. Mỗi ngày tiếng gáy lại to hơn và khỏe hơn, cất lên từ gian bếp rồi vang ra khắp nhà vào lúc năm giờ sáng. Ò ó o o o! Marley vẫn ngủ ngon lành trong tiếng ồn ào huyên náo đó. Lần đâu tiên tôi chợt nghĩ không phải nó lờ tiếng gáy đi, mà có thể là nó không nghe thấy gì. Một buổi chiều, tôi bước lại gần đằng sau khi nó đang ngủ gật dưới bếp, gọi:
- Marley?
Không có phản ứng. Tôi nói to hơn:
- Marley!
Vẫn không phản ứng. Tôi vỗ hai tay, hét lên:
- MARLEY!
Nó ngỏng đầu lên ngơ ngác nhìn quanh, đôi tai dựng lên, cố gắng đoán xem ra-đa của nó vừa phát hiện ra cái gì. Tôi làm lại một lần nữa, vỗ tay thật mạnh và hét tên nó thật to. Lần này nó quay đầu lại vừa đủ để thoáng thấy tôi đứng ngay sau nó. Ồ là anh đấy à! Nó bật dậy, vẫy đuôi, hạnh phúc - và rõ ràng là bất ngờ - khi thấy tôi. Nó đâm sầm vào chân tôi để chào đón, bối rối nhìn tôi như muốn hỏi, Sao anh lại nghĩ ra cái trò lẻn đến sau lưng tôi thế? Con chó của tôi hình như sắp bị điếc rồi.
Tất cả đều có ý nghĩa. Vài tháng gần đây Marley dường như hoàn toàn bơ tôi theo cái cách trước đây nó chưa bao giờ làm. Tôi gọi và nó chẳng buồn liếc về phía tôi. Buổi tối, tôi thường dắt nó ra ngoài trước khi quay vào nhà. Khi ấy nó thường đánh hơi lối đi quanh sân, không hề chú ý đến những tiếng huýt sáo và tiếng gọi của tôi để kêu nó về. Nó đang ngủ dưới chân tôi ở phòng gia đình thì có người bấm chuông cửa - và nó cũng không buồn mở mắt ra.
Đôi tai của Marley đã gây cho nó nhiều vấn đề kể từ khi nó còn trẻ. Giống như bao con chó tha mồi Labrador, nó mắc bệnh nhiễm trùng tai. Chúng tôi đã chi nhiều tiền vào thuốc kháng sinh, thuốc mỡ, chất tẩy rửa, các loại thuốc nhỏ, và những lần mời bác sĩ thú y. Nó thậm chí đã trải qua phẫu thuật cắt ngắn ống tai để cải thiện tình hình. Tôi đã không để ý, cho đến khi chúng tôi mang về nhà những con gà trống không-thể-làm-ngơ, rằng các vấn đề trong ngần ấy năm đã gây nên những tổn hại ra sao. Con chó của chúng tôi đang dần dần rơi vào một thế giới câm lặng, chỉ có những tiếng thì thầm xa xăm.
Nó chẳng có vẻ gì bận tâm. Việc nghỉ hưu hoàn toàn phù hợp với Marley. Những vấn đề về thính giác dường như không ảnh hưởng gì đến phong cách sống thong dong thôn dã của nó. Nếu có, thì tật điếc còn tình cờ bào chữa giúp Marley, như một lý do đã được bác sĩ xác nhận, về sự không vâng lời của nó. Xét cho cùng, làm sao nó có thể để ý đến một mệnh lệnh trong khi nó không nghe thấy gì? Mặc dù tôi vẫn nhấn mạnh là con chó này rất ngu. Nhưng tôi thề rằng nó biết làm thế nào để biến cái tật điếc thành có lợi cho mình. Thả nhẹ nhàng một miếng thịt nướng vào bát ăn của nó, nó sẽ lon ton từ phòng bên chạy sang. Nó vẫn có khả năng phát hiện ra tiếng rơi thịch đầy mãn nguyện của miếng thịt vào kim loại. Nhưng thử hét lên gọi nó đến trong khi nó đang muốn đi chỗ khác xem, nó sẽ giả vờ vô tình lảng tránh bạn, thậm chí không thèm ngoái lại liếc nhìn với vẻ có lỗi như ngày trước nó thường làm.
- Anh nghĩ con chó đang lừa chúng ta. - Tôi nói với Jenny.
Cô ấy cũng đồng ý là bệnh ở tai nó dường như cũng có chọn lọc. Nhưng lần nào chúng tôi kiểm tra, lén đứng sau, vỗ tay, hét gọi tên nó, nó vẫn không hề phản ứng lại. Và lần nào chúng tôi thả đồ ăn vào bát, nó cũng lon ton chạy đến. Nó tỏ ra bị điếc với tất cả các âm thanh, trừ một thứ thân thương nhất với trái tim hay, chính xác hơn, với dạ dày nó: tiếng gọi của bữa ăn.
Suốt cả cuộc đời, Marley sống trong cơn đói vô độ. Chúng tôi không chỉ cho nó bốn muôi lớn thức ăn mỗi ngày - lượng đủ để nuôi sống cả một gia đình chó Chihuahua trong một tuần - mà còn hào phóng bổ sung khẩu phần ăn mỗi bữa cho nó với thức ăn thừa, ngược lại với lời khuyên hữu ích của tất cả hướng dẫn nuôi chó chúng tôi từng đọc. Thức ăn thừa, chúng tôi biết, chỉ lập trình cho những con chó trở nên thích thức ăn của người hơn là của chó (đưa ra lựa chọn giữa một cái bánh hăm-bơ-gơ ăn dở và và thức ăn nghiền khô, ai có thể trách chúng đây?). Thức ăn thừa còn là cách làm chó béo phì. Cụ thể, những con chó Lab, vốn có xu hướng mập mạp, đặc biệt là khi chúng vào độ tuổi trung tuần và già hơn. Một vài con Lab, nhất là chó nòi Anh, càng lớn càng béo phì, trông như bong bóng được thổi phồng bằng cái ống bơm khí và có thể kéo đi dọc đại lộ Fifth Avenue trong buổi diễu hành ngày Lễ Tạ Ơn của Macy.
Không phải con chó của chúng tôi. Marley có rất nhiều vấn đề, nhưng béo phì không nằm trong số đó. Cho dù nó có chén bao nhiêu calo đi nữa, nó vẫn luôn đốt cháy nhiều hơn. Toàn bộ cơ thể quá đỗi sung sức đó tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Nó giống như một nhà máy điện công suất lớn ngay lập tức chuyển đổi từng gam chất đốt có sẵn sang dạng năng lượng thuần khiết, nguyên chất. Marley có thể lực đáng kinh ngạc, một loại chó khiến khách qua đường phải dừng lại, thích thú ngắm nhìn. So với giống chó tha mồi Labrador, nó thuộc dạng khổng lồ, lớn hơn đáng kể so với một con đực trung bình cùng nòi, vốn chỉ dao động trong khoảng hai mươi đến ba mươi lăm cân. Kể cả khi đã có tuổi, cơ thể nó vẫn là một khối cơ bắp chắc nịch - bốn mươi tư cân chỉ toàn các bắp thịt cuồn cuộn, không có lấy một lạng mỡ nào. Lồng ngực của nó nở nang, ngang cỡ một cái bom bia nhỏ, nhưng những dẻ xương sườn nằm ngay bên dưới lớp lông, không có một lớp đệm dự phòng nào. Chúng tôi không lo lắng về béo phì, hoàn toàn ngược lại. Hồi còn ở Florida, nhiều lần chúng tôi có gặp bác sĩ Jay. Jenny và tôi cùng bày tỏ những điều lo lắng giống nhau: chúng tôi đang cho nó ăn nhiều, nhưng nó vẫn gầy hơn hẳn so với hầu hết những con Lab. Trông nó lúc nào cũng như chết đói, ngay cả khi vừa mới chén ngấu nghiến một thùng thức ăn nghiền khô đủ để cho một con ngựa kéo no nê. Phải chăng chúng tôi đang dần dần làm nó chết đói? Bác sĩ Jay luôn luôn phản ứng cùng một kiểu. Ông ấy sẽ vuốt hai bên sườn bóng mượt của Marley, để nó tự do với cuộc hành trình lẩn trốn đầy hạnh phúc quanh phòng khám chật hẹp, rồi nói với chúng tôi rằng chừng nào những thuộc tính sinh lý của nó còn hoạt động tốt thì Marley vẫn gần như hoàn hảo.
- Cứ tiếp tục những gì mà anh chị vẫn làm. - Bác sĩ Jay nói.
Sau đó, khi Marley chồm lên hoặc ngoạm một quả bóng bông khỏi quầy thu tiền, bác sĩ Jay nói thêm:
- Dĩ nhiên tôi không cần phải nói với anh chị rằng Marley đã đốt rất nhiều năng lượng thần kinh.
Mỗi tối sau khi chúng tôi dùng bữa xong, đến lúc đưa đồ ăn cho Marley, tôi thường đổ đầy thức ăn cho chó vào bát nó, sau đó thoải mái gạt thức ăn ngon còn thừa hoặc những mẩu vụn có thể gom được. Với ba đứa trẻ bên bàn ăn, thức ăn bỏ dở là những thứ chúng tôi có thừa. Vỏ bánh mì khô, thịt thừa, nước mỡ thịt quay, da gà, nước sốt thịt, gạo, cà rốt, mận nghiền nhuyễn, xăng-đuých, mì ống để-ba-ngày - dồn cả vào bát. Con thú cưng của chúng tôi có thể cư xử giống một thằng hề ngớ ngẩn, nhưng nó ăn thì như một hoàng tử xứ Wales. Những thức ăn duy nhất mà chúng tôi không cho nó ăn là những thứ chúng tôi biết không có lợi cho sức khỏe của chó, chẳng hạn các sản phẩm từ sữa, kẹo, khoai tây, và sô cô la. Tôi rất ghét những người mua thức ăn của người cho vật nuôi của họ, nhưng việc thêm vào khẩu phần ăn của Marley những mẩu đầu thừa đuôi thẹo đáng lẽ nên vứt đi lại khiến tôi có cảm giác mình đang tiết kiệm - không phung phí thì không túng thiếu - và nhân đạo. Tôi đang giúp Marley luôn-biết-thưởng-thức được giải thoát khỏi sự đơn điệu vô cùng của địa ngục thức-ăn-cho-chó.
Khi Marley không làm nhiệm vụ của chiếc máy nghiền rác thải sinh hoạt cho gia đình tôi, nó chuyển sang làm nhiệm vụ của một đội xử lý đồ bị đánh đổ khẩn cấp. Không có đống hỗn độn nào là quá sức đối với chó nhà tôi. Một trong ba đứa bé làm đổ cái bát đầy ắp mì ống và thịt viên xuống sàn. Chúng tôi chỉ việc huýt sáo, đứng đằng sau xem chiếc máy hút bụi già nua hút từng sợi mì cuối cùng và sau đó liếm sàn đến bóng loáng thì thôi. Những hạt đậu, cần tây bị rơi, những sợi mì ống lớn vương vãi, nước sốt táo bị tràn, thứ gì cũng thế. Một khi rơi xuống sàn, nó đã là lịch sử. Bạn bè chúng tôi rất ngạc nhiên, nó thậm chí còn ăn ngấu nghiến cả món rau sa-lat.
Thức ăn cũng không nhất thiết phải chấm đất trước khi chui tuột vào dạ dày Marley. Nó là một tên trộm khôn khéo, không biết ăn năn, chuyên rình lúc bọn trẻ không nghi ngờ, sau khi đã chắc chắn cả tôi lẫn Jenny không để ý. Những buổi tiệc sinh nhật đều là vận đỏ với nó. Nó lách qua đám đông mấy đứa trẻ năm tuổi, trơ trẽn ngoạm lấy xúc xích khỏi tay bọn nhỏ. Trong suốt bữa tiệc, chúng tôi ước lượng sau cùng nó sẽ thu hoạch được hai phần ba cái bánh sinh nhật, giật từng miếng, từng miếng bánh trong đĩa đặt trên đùi bọn trẻ.
Tôi không quan trọng nó ăn ngấu nghiến bao nhiêu thức ăn, dù được phép hay không. Nó luôn muốn nhiều hơn thế. Khi nó bị điếc, chúng tôi hoàn toàn chẳng bất ngờ rằng thứ âm thanh duy nhất nó vẫn nghe thấy được là tiếng bịch êm ái, ngọt ngào của thức ăn rơi.
Một hôm tôi từ chỗ làm về nhà, thấy nhà cửa vắng vẻ. Jenny và bọn trẻ đã đi đâu đó. Tôi gọi Marley nhưng không thấy có phản hồi. Tôi đi lên cầu thang, chỗ nó thường nằm ngủ gật khi bị bỏ lại một mình, nhưng chẳng thấy nó đâu hết. Thay quần áo xong, tôi trở xuống nhà, phát hiện ra nó ở trong bếp làm một việc tồi tệ. Nó quay lưng lại phía tôi, đứng trên hai chân sau, hai chân trước và ngực nó dựa trên bàn bếp. Nó đang nuốt lấy nuốt để phần còn lại của cái xăng-đuých pho mát nướng. Phản ứng đầu tiên của tôi thường là quát nó ầm ĩ. Thay vào đó tôi quyết định để xem mình có thể tới gần nó đến mức nào trước khi nó phát hiện ra tôi. Tôi nhón chân đến đằng sau nó cho đến khi tôi đủ gần để chạm vào nó. Trong lúc nhai những mẩu bánh mì khô, nó vẫn luôn liếc về phía cửa dẫn ra ga-ra, biết đó là nơi Jenny và bọn trẻ đi vào lúc quay lại. Ngay khi cánh cửa mở ra, nó đã ở trên sàn, dưới gầm bàn, giả vờ ngủ. Rõ ràng nó không nghĩ đến việc Bố cũng đang về nhà, và có thể lẻn vào bằng cửa trước.
- Ôi, Marley à? - Tôi hỏi, giọng vừa phải - Mày nghĩ mày đang làm gì thế?
Nó vẫn tiếp tục nuốt chửng cái bánh xăng-đuých, không hề biết đến sự có mặt của tôi. Đuôi nó đung đưa chậm chạp, một dấu hiệu cho thấy nó nghĩ nó chỉ có một mình và đã thoát tội trộm đồ ăn. Rõ ràng nó rất hài lòng với chính nó.
Tôi hắng giọng thật to, nhưng nó vẫn không nghe thấy. Tôi huýt sáo. Không phản ứng. Nó vội vàng nuốt một cái bánh xăng-đuých, đẩy đĩa thức ăn ra để khỏi cản đường, vươn người về phía trước chạm đến những mẩu bánh mì khô còn vương lại trên cái đĩa thứ hai.
- Mày đúng là một con chó hư. - Tôi nói trong khi nó vẫn nhai nhồm nhoàm.
Tôi vỗ vỗ tay hai lần. Nó dừng nhai, đừng im bất động, nhìn chằm chằm vào cái cửa sau. Cái gì thế nhỉ? Mình vừa nghe thấy cánh cửa ô tô đóng sầm lại thì phải? Một lát sau, nó tự thuyết phục rằng chẳng có tiếng gì cả và quay trở lại tiếp tục ăn vụng.
Đó là khi tôi vươn tay ra gõ nhẹ một cái vào đầu nó. Hình như tôi đã châm ngòi một bọc thuốc nổ. Con chó già giật bắn mình. Nó lao như tên bắn ra khỏi cái bàn và, ngay khi nhìn thấy tôi, nó nằm bẹp ra sàn, lật ngửa phơi cái bụng ra như muốn đầu hàng.
- Hư đốn! - Tôi mắng nó - Mày thật là hư đốn.
Nhưng tôi không định trách mắng nó. Nó già rồi; nó bị điếc; nó cũng không thể sửa được. Tôi cũng không có ý định thay đổi nó. Ú òa sau lưng nó là một thú vui tuyệt vời. Tôi đã cười ầm lên khi nó giật mình. Bây giờ khi nó nằm dưới chân tôi cầu xin sự tha thứ, tôi chợt thấy hơi buồn. Tôi thầm nghĩ mình vẫn hy vọng nó giả vờ suốt thời gian qua.
Tôi đã làm xong cái chuồng gà, một cái khung hình chữ A bằng gỗ dán, theo kiểu tấm ván cầu bắc qua hào, có thể kéo lên vào ban tối để ngăn không cho bọn dã thú xâm nhập. Donna tốt bụng đã lấy lại hai trong ba con gà trống của chúng tôi, đổi lấy gà mái từ đàn gà của cô ấy. Giờ chúng tôi có ba con mái và một con trống đầy hóc môn kích thích. Những lúc thức, nó chỉ làm một trong ba việc: theo đuổi bạn tình, đạp mái hoặc là cất tiếng gáy đầy hợm hĩnh về những chiến tích đạp mái nó vừa ghi được. Jenny quan sát và thấy những con trống chính là hình ảnh của cánh đàn ông nếu để mặc cho họ tự xoay xở, nếu không có những tục lệ xã hội quản lý bản năng gốc của họ. Tôi không thể không đồng ý. Tôi phải thú nhận là tôi phần nào ngưỡng mộ cái gã khốn may mắn ấy.
Chúng tôi thả đàn gà ra ngoài đi rong trên sân mỗi sáng. Marley tỏ vẻ hào hiệp, chạy theo chúng, tấn công trực diện cách vài bước, sủa mấy cái trước khi hết kiên nhẫn và bỏ cuộc. Như thể một vài mật mã sinh học tiềm ẩn sâu thẳm bên trong nó đang gửi một tin nhắn khẩn: "Mày là một con chó tha mồi, chúng là gia cầm. Mày không nghĩ săn đuổi chúng là một ý hay à?" Nó chẳng để tâm vào chuyện đó. Không bao lâu sau, mấy con gà hiểu ngay ra cái con vật màu vàng đang ì ạch lết đi kia chẳng có chút nguy hiểm nào cả, chẳng là gì ngoài một chút phiền hà vớ vẩn. Thế là Marley học được cách chia sẻ cái sân với những kẻ xâm lược có lông vũ mới này. Một hôm tôi tìm kiếm ở bụi cỏ dại trong vườn thì thấy Marley và bốn con gà đang xếp hàng đi về phía tôi như trong một đội hình. Lũ gà cục ta cục tác còn Marley đánh hơi khịt khịt khi chúng đi. Giống như những người bạn già ra ngoài đi dạo ngày Chủ nhật.
- Mày là loại chó săn có lòng tự trọng không vậy? - Tôi quở.
Marley nhấc chân lên, tè vào một cây cà chua trước khi vội vàng quay lại nhập hội với đám bạn mới của nó.