Một người có để học được vài điều từ một con chó già. Khi những tháng ngày trôi qua và nó ngày một yếu đi, Marley đã dạy chúng tôi chủ yếu về tính hữu hạn không khoan nhượng của cuộc sống. Jenny và tôi cũng không hẳn ở tuổi trung niên. Bọn trẻ nhà tôi vẫn còn nhỏ, sức khỏe của chúng tôi ổn, và những năm nghỉ hưu của chúng tôi vẫn còn ở rất xa. Cũng dễ dàng để phủ nhận một sự thật không thể chối cãi là tuổi già đang đến gần, giả vờ rằng nó bỏ qua chúng tôi. Nhưng Marley đã không cho chúng tôi cái quyền phủ nhận xa xỉ đó. Khi chúng tôi chứng kiến nó mất dần sức sống, điếc và già yếu, chúng tôi không thể làm ngơ rằng cái chết đang đến với nó - hay cũng đang đến gần chúng tôi. Tuổi tác lặng lẽ đến gần tất cả chúng ta, nhưng với một con chó, điều đó diễn ra vừa nhanh đến chóng mặt, lại vừa rất bình thản. Mười hai năm qua, Marley từ một chú chó con đáng yêu trở thành một thanh niên mới lớn, một anh chàng vạm vỡ và rồi trở thành một ông già đứng không vững. Khi chúng ta già đi một tuổi, nó đã thêm bảy tuổi. Nếu xét nó theo tuổi của con người, nó đã đang ở dốc bên kia cuộc đời với tuổi chín mươi.
Hàm răng trắng lấp lánh của nó trước kia dần dần trở thành những cục màu nâu. Ba trong bốn cái răng nanh hàm trước của nó đã rụng, rụng từng cái một trong những đợt tấn công kinh hoàng khi nó cố gắng cắn xé để tìm đường thoát thân. Hơi thở của nó, luôn có một ít mùi tanh, thoang thoảng mùi rác phơi nắng. Sự thực là nó cũng có sở thích với chút cao lương mỹ vị gọi là phân gà. Trước sự kinh ngạc tột cùng của chúng tôi, nó ăn ngấu nghiến chỗ phân gà như thể đó là trứng cá muối vậy.
Hệ tiêu hóa của nó cũng không còn được như trước. Nó xì hơi như nhà máy khí metan. Có những hôm tôi thề rằng nếu quẹt một que diêm, cả ngôi nhà sẽ nổ tung. Marley có khả năng làm sạch trơn căn phòng bằng cái việc xì hơi âm thầm, khủng khiếp của nó. Chuyện đó dường như tỉ lệ thuận trực tiếp với số lượng khách đến ăn tối cùng gia đình tôi.
- Marley! Đừng làm thế nữa! - Bọn trẻ cùng thét lên, và dẫn đầu cuộc tháo chạy.
Có khi nó tự xua đuổi chính mình. Nó nằm ngủ ngon lành cho đến khi cái mùi đó bay đến mũi nó. Đôi mắt nó bất thình lình mở ra, trán nó nhăn lại như muốn hỏi, "Ôi Chúa ơi! Ai vừa làm chuyện đó thế?" Rồi nó đứng dậy, thờ ơ đi sang phòng bên cạnh.
Khi không xì hơi thì nó ra ngoài đi đại tiện. Hoặc chí ít là nghĩ về chuyện đó. Tính kén chọn của nó về địa điểm đi vệ sinh dường như một nỗi ám ảnh đầy ép buộc. Mỗi lần tôi cho nó ra ngoài, càng ngày nó càng mất nhiều thời gian để chọn một địa điểm hoàn hảo. Nó quanh đi quẩn lại; đi vòng quanh, ngửi ngửi hít hít, dừng lại, bới bới, rồi lại đi vòng tròn, tiếp tục di chuyển, trong khi mặt nó trông nhe nhởn một cách tức cười. Khi nó xem xét thật kỹ mặt đất để tìm một chỗ ngồi xổm, tôi đứng bên ngoài, lúc trong mưa, lúc dưới tuyết, lúc trong màn đêm, thường đi chân đất, thỉnh thoảng chỉ mặc mỗi cái quần cộc ống rộng. Theo kinh nghiệm, tôi chẳng dám để nó ngoài tầm kiểm soát, sợ nó quyết định đi lang thang lên đồi để thăm những con chó ở đường bên cạnh.
Lén trốn đi trở thành một trò vui của nó. Nếu có cơ hội và nó nghĩ là nó có thể bỏ trốn với cơ hội đấy, nó sẽ chạy trốn. Thực ra cũng không hẳn là chạy trốn. Nó sẽ hít ngửi và lẻn từ bụi rậm này đến bụi rậm khác cho đến khi nó khuất tầm nhìn. Một tối muộn, tôi để nó ra ngoài cửa trước cho nó đi dạo lần cuối trước khi đi ngủ. Cơn mưa buốt lạnh đang làm tuyết trên mặt đất tan ra. Tôi quay lại để lấy cái áo mưa ở phòng để đồ phía trước. Chưa đến một phút sau, khi tôi bước ra hè, nó đã mất hút đi đằng nào. Tôi đi xuống sân, huýt sáo và vỗ tay, biết rằng nó không thể nghe thấy tôi, cho dù chắc chắn là tất cả hàng xóm đều nghe thấy. Tôi lang thang hai mươi phút dưới mưa qua sân các nhà hàng xóm, mặc bộ đồ khá thời trang với bốt, áo mưa, và quần cộc. Tôi cầu trời không có ánh đèn nào chiếu vào mình. Càng lùng sục, tôi càng điên tiết. Nó la cà ở cái chỗ quái nào vào lúc này cơ chứ? Nhưng từng giây từng phút trôi qua, cơn giận của tôi chuyển thành lo lắng. Tôi nghĩ tới cảnh những ông già đi lang thang ra khỏi trại điều dưỡng và ba ngày sau được tìm thấy chết cóng trong tuyết, như những câu chuyện bạn vẫn hay đọc trên báo. Tôi quay trở về nhà, lên cầu thang, đánh thức Jenny dậy.
- Marley biến mất rồi. - Tôi nói - Anh không tìm thấy nó ở đâu cả. Nó ở ngoài kìa, dưới mưa lạnh buốt.
Ngay lập tức cô ấy xuống giường, mặc quần bò, chui vào cái áo len dài tay, xỏ ủng. Chúng tôi cùng nhau mở rộng phạm vi tìm kiếm. Tôi có thể nghe thấy cô ấy đi lên phía đồi, huýt sáo vào gọi nó khi tôi lao vào rừng trong màn đêm, hy vọng tìm thấy nó nằm bất tỉnh bên bờ sông.
Cuối cùng chúng tôi lại gặp nhau.
- Có gì không? - Tôi hỏi.
- Chẳng có gì cả. - Jenny đáp.
Chúng tôi bị ngấm nước mưa, và đôi chân trần của tôi buốt lạnh.
- Đi nào. - Tôi nói - Chúng ta về nhà sưởi ấm và anh sẽ quay lại ngoài này bằng ô tô.
Chúng tôi đi xuống đồi và đi lên con đường dẫn về nhà. Lúc đó tôi nhìn thấy nó, đang đứng ở dưới mái che mưa, vui mừng khôn xiết khi thấy chúng tôi quay lại. Lẽ ra tôi có thể giết nó. Nhưng không, tôi mang nó vào trong, lau người cho nó, mùi đặc trưng không lẫn vào đâu được của con chó đang ướt nhẹp tràn ngập khắp gian bếp. Mệt lử sau cuộc dạo chơi nửa đêm, Marley thiếp đi và nằm bất động cho đến gần trưa hôm sau.
***
Thị lực của Marley bắt đầu kém đi. Những con thỏ bây giờ có thể chạy vụt qua trước mặt nó khoảng chục bước chân mà nó không hề hay biết. Nó bị rụng rất nhiều lông, bắt buộc Jenny phải dọn chúng mỗi ngày - vậy mà cô ấy vẫn không làm xuể. Lông nó luồn vào mọi ngõ ngách trong nhà, mọi tầng tủ quần áo, và cả thức ăn trong nhiều bữa ăn của chúng tôi. Nó vẫn luôn rụng lông, nhưng nếu trước kia là trận mưa thì bây giờ là cơn bão lông rụng. Nó thường lắc mình rồi một đám lông rụng sẽ bay xung quanh nó, cuốn đi khắp nơi. Một đêm khi đang xem ti vi, tôi đung đưa chân mình trên tràng kỷ, và vô tình lấy bàn chân trần vuốt ve hông nó. Khi chương trình quảng cáo xen vào, tôi ngó xuống, thấy một nhúm lông hình cầu cỡ quả bưởi gần nơi tôi cọ chân. Quả bóng lông của nó lăn trên sàn gỗ như những bó cỏ khô lăn trên một cánh đồng lộng gió.
Hầu hết tất cả những lo lắng rắc rối nằm ở hông nó, bộ phận như đã bỏ rơi nó. Bệnh viêm khớp len lỏi vào các khớp xương, làm chúng yếu đi và khiến nó đau nhức. Cùng là một con chó trước kia tôi có thể cưỡi trên lưng như cưỡi ngựa, con chó có thể nhấc cả cái bàn ăn trên vai và tung nó khắp phòng, giờ đây hầu như không thể tự nhấc mình lên. Nó rên rỉ đau đớn khi nằm xuống và lại rên rỉ khi đứng lên một cách khó khăn. Tôi không nhận ra hông nó yếu như thế nào cho đến một hôm, khi tôi vỗ vỗ nhẹ vào mông nó, cả hai chân sau nó quỵ xuống sàn như thể nó vừa nhận cú huých mạnh. Nó ngã xuống. Trông thật đau đớn.
Trèo lên những bậc thang để lên tầng hai trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với nó. Nhưng nó không có ý định sẽ ngủ một mình dưới sàn nhà chính, ngay cả khi chúng tôi đặt cho nó một cái giường ngủ riêng dưới chân cầu thang. Marley yêu con người, thích được ở dưới chân họ, thích dựa cằm của nó trên đệm và thở hổn hển vào mặt chúng tôi khi chúng tôi ngủ, thích thò đầu qua cái rèm che vòi hoa sen để uống nước khi chúng tôi tắm, và đến bây giờ nó vẫn không có ý định dừng lại. Mỗi tối khi Jenny và tôi đi ngủ, nó thường nóng lòng đứng dưới chân cầu thang, rên rỉ, đi đi lại lại, ngập ngừng thăm dò bước đầu tiên bằng chân trước, tập trung dũng khí để bước lên bậc cầu thang. Vậy mà không lâu trước đó việc này thật dễ dàng biết bao. Từ đỉnh cầu thang, tôi vẫy tay ra hiệu:
- Lại đây nào cậu bé. Mày có thể làm được mà.
Vài phút sau, nó biến vào trong góc để bắt đầu chạy đà, rồi lao lên. Hầu hết trọng lượng của nó dồn vào đôi vai trước. Đôi khi nó làm được, đôi khi nó thất bại giữa chừng và tụt xuống dưới, rồi lại cố làm lại. Một trong những lần cố gắng đáng thương nhất của nó là khi nó bị trượt chân ngã, bụng đập liên hồi vào các bậc thang. Nó quá to để tôi có thể bế, nhưng tôi thường đi theo nó lên cầu thang, nâng phần thân sau của nó lên từng bước, từng bước một giống như nó nhảy lò cò tiến lên bằng hai chân trước.
Vì bây giờ những bậc thang quá khó khăn đối với nó, tôi nghĩ Marley sẽ cố gắng hạn chế số lần nó phải đi lên đi xuống. Theo lẽ thường thì việc này sẽ giúp nó rất nhiều. Không cần biết khó khăn thế nào khi lên cầu thang, nếu tôi trở xuống tầng dưới, giả sử đi lấy một quyển sách hoặc là tắt đèn, nó sẽ theo ngay sau gót tôi, bò xuống một cách khó nhọc đằng sau. Rồi vài giây sau nó lại phải lặp lại hành trình leo trèo đau khổ. Cả Jenny và tôi đều phải lén đi sau lưng nó mỗi khi nó lên trên tầng vào buổi tối, để nó không chạy xuống theo chúng tôi. Chuyện chúng tôi lẻn xuống tầng dưới không cho nó biết bây giờ cũng đơn giản vì khả năng nghe của nó đã hạn chế. Nó cũng ngủ lâu hơn và nặng nề hơn bao giờ hết. Nhưng dường như nó luôn biết khi nào chúng tôi trốn đi khỏi. Tôi thường đọc sách ở trên giường và nó ngủ dưới sàn cạnh tôi, tiếng ngáy khó nhọc. Rón rén, tôi gạt chăn ra, trượt khỏi giường và nhón chân đi qua nó ra khỏi phòng, nhìn lại phía sau để chắc chắn rằng tôi không đánh thức nó. Tôi vừa xuống nhà mới được vài phút thì nghe thấy những bước nặng nề của nó ở trên cầu thang, đang đi tìm tôi. Nó có thể điếc và mù dở, nhưng cái ra-đa của nó rõ ràng vẫn hoạt động rất tốt.
Điều này diễn ra không chỉ buổi đêm mà còn suốt cả ngày. Đang đọc báo ở bàn trong bếp, Marley nằm cuộn tròn dưới chân, tôi đứng dậy đi trong phòng để rót thêm cà phê từ cái bình pha. Mặc dù tôi vẫn ở trong tầm nhìn và sẽ trở lại ngay lập tức, nó vẫn lết chân đi một cách khó nhọc đến chỗ tôi. Ngay khi nó thoải mái nằm xuống dưới chân tôi, cạnh cái bình pha cà phê, tôi lại quay trở về bàn. Nó lại tiếp tục lết từng bước và tới nằm ở đó. Mấy phút sau, tôi vào phòng gia đình để bật loa lên thì một lần nữa nó lại cố gắng di chuyển, đi theo tôi vào, đi vòng quanh rồi đổ xuống, rên rỉ bên cạnh tôi ngay khi tôi chuẩn bị đi ra. Nó không chỉ đi theo tôi, mà còn theo cả Jenny và bọn trẻ.
***
Khi tuổi tác đổ xuống, Marley đã có những ngày tốt và những ngày xấu. Nó cũng có những giây phút tốt đẹp và những giây phút tệ hại, đôi khi đan xen lẫn nhau và thật khó tin trên cùng một con chó.
Một buổi tối mùa xuân năm 2002, tôi dắt Marley ra ngoài cho đi dạo quanh sân. Đêm rất mát, độ ẩm trên 40, lộng gió. Được tiếp sinh lực bằng không khí khô và lạnh, tôi bắt đầu chạy. Marley bắt đầu thấy ngứa chân ngứa tay, chạy thật nhanh bên tôi như những ngày xưa. Tôi thậm chí còn nói rất to với nó:
- Nhìn này Marley, mày vẫn còn trai trẻ đấy.
Chúng tôi cùng nhau chạy về cửa trước, lưỡi của nó thè ra, thở hồng hộc vui vẻ, đôi mắt lanh lợi. Ở bậc cửa, Marley liều lĩnh cố gắng nhảy lên hai bậc - nhưng hông nó sụp xuống như thể bị đẩy ngã. Nó nhận ra mình đang bị mắc kẹt, hai chân trước gập lại, bụng tì vào những bậc thang còn phần mông vẫn ở dưới hè. Nó ngồi đó, hướng mắt về phía tôi như thể nó không hiểu cái gì đã khiến nó biểu diễn đầy lúng túng như vậy. Tôi huýt sáo, vỗ tay vào đùi mình. Nó can đảm đập hai chân trước, cố gắng đứng dậy, nhưng vô ích. Nó không thể nâng hông của nó lên khỏi mặt đất.
- Lại đây nào, Marley! - Tôi gọi, nhưng nó vẫn nằm bất động.
Cuối cùng tôi xốc hai vai trước và đặt nó sang một bên để nó có thể đứng trên nền đất bằng bốn chân. Sau vài cố gắng nho nhỏ thất bại, nó đã có thể đứng dậy. Nó lùi lại, nhìn những bậc thang với vẻ lo lắng trong vài giây, rồi phi vào nhà. Kể từ hôm ấy, sự tự tin của một nhà vô địch trèo cầu thang đã biến mất. Nó không bao giờ cố gắng nhảy hai bậc nhỏ đó mà không dừng lại băn khoăn.
Không nghi ngờ gì nữa, lão hóa là quá trình khốn kiếp. Giờ nó đã là một con chó vụng về trong cả chuyện đó.
Marley làm tôi nhớ đến sự ngắn ngủi của cuộc đời, về những niềm vui thoáng qua và những cơ hội bị bỏ lỡ. Nó gợi cho tôi nhớ đến rằng mỗi người trong số chúng ta chỉ có thể sống một lần và không thể lặp lại. Một ngày bạn có thể bơi nửa đường ra biển và tin tưởng rằng hôm nay bạn sẽ bắt kịp những con mòng biển; ngày hôm sau bạn đã chỉ có thể cúi xuống để uống nước trong bát của mình. Giống như Patrick Henry(34) hay bất cứ ai, tôi chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi cứ miên man với cùng một câu hỏi: Tôi làm được cái gì ở cuốn tạp chí làm vườn nhỉ? Không phải công việc mới của tôi không có phần thưởng của nó. Tôi tự hào vì những gì tôi đã làm cho cuốn tạp chí. Nhưng tôi nhớ tờ báo kinh khủng. Tôi nhớ những người đọc chúng và những người viết chúng. Tôi nhớ những lúc được là một phần của mỗi câu chuyện lớn trong ngày, và cái cảm giác tôi là một phần nhỏ tạo nên sự khác biệt. Tôi nhớ cảm giác hưng phấn trào dâng khi phải viết để kịp thời hạn, cùng với sự thỏa mãn khi thức dậy vào sáng hôm sau, phát hiện ra hòm thư đầy email phản hồi bài viết của mình. Hầu hết, tôi nhớ việc kể những câu chuyện. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại dễ dàng ra khỏi một chiếc xe độc mã phù hợp với tôi đến hoàn hảo để lội ngược dòng nước đến nhận công việc quản lý tạp chí với ngân sách hạn hẹp, áp lực quảng cáo không ngừng, đau đầu về chuyện nhân viên, và vô số những việc chả lợi lộc gì nơi hậu trường.
Khi một đồng nghiệp cũ của tôi đề cập việc tình cờ biết tờ Người Điều Tra Philadelphia đang tìm kiếm một phụ trách chuyên mục chính, tôi đã nắm ngay lấy không chút do dự. Vị trí phụ trách chuyên mục là một công việc cực kì khó kiếm, kể cả tại những tờ báo nhỏ hơn, và khi một vị trí được mở ra thì hầu hết đã được lấp đầy bởi những người trong nội bộ, một món bở dành cho những nhân viên kì cựu vốn đã tự chứng minh mình là phóng viên. Tờ Người Điều Tra được đánh giá rất cao, tờ báo giành tới mười bảy giải Pulitzer trong nhiều năm và là một trong những tờ báo hay nhất nước. Tôi là một người hâm mộ, và bây giờ các nhà biên tập của Người Điều Tra đang yêu cầu gặp tôi. Tôi thậm chí không phải chuyển nhà để nhận việc. Văn phòng mà tôi làm việc chỉ mất 45 phút xuống Pennylnavia Turnpike, một quãng đường chấp nhận được. Tôi không tin lắm vào phép màu, nhưng tất cả dường như quá tuyệt để trở thành sự thật, giống như một sự can thiệp thần thánh.
Tháng Mười một năm 2002, tôi đổi mấy bộ quần áo làm vườn của mình để nhận một cái huy hiệu nhà báo Người Điều Tra Philadenphia. Đó có lẽ là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Tôi đã trở về nơi tôi thuộc về, trong một phòng tin tức với vai trò một phụ trách chuyên mục lần nữa.
Tôi nhận việc mới được vài tháng thì trận bão tuyết lớn đầu tiên trong năm 2003 ập đến. Những bông tuyết bắt đầu rơi vào tối Chủ nhật. Tối hôm sau tuyết ngừng rơi. Một lớp tuyết bao phủ nền đất dày tới hơn nửa mét. Bọn trẻ được nghỉ học ba ngày trong khi khu chúng tôi chậm chạp dọn tuyết, còn tôi ngồi gọt giũa các bài báo của mình ở nhà. Với cái máy thổi tuyết mượn của hàng xóm, tôi dọn sạch đường xe vào và mở một khe núi hẹp tới cửa trước. Biết Marley chẳng bao giờ trèo được lên những bức tường dựng đứng để thoát ra sân, nữa là vượt qua được lớp tuyết phủ trên đường ra. Tôi dọn cho nó một cái "phòng bô"- như bọn trẻ gọi - một khoảng nhỏ bên cạnh lối đi nơi nó có làm công tác của nó. Tôi gọi nó ra ngoài để dùng thử những tiện nghi mới. Nó chỉ đứng trên chỗ đất được đã được cào tuyết đi, hít ngửi tuyết với vẻ nghi ngờ. Nó có những khái niệm rất riêng về thứ gì tạo nên một địa điểm phù hợp để trả lời tiếng gọi của tự nhiên, và chỗ này rõ ràng không vừa ý nó. Nó đang định nhấc chân lên tè, nhưng nó ngừng lại. Đi vệ sinh ở ngay đây? Làm việc ngay trước cái cửa sổ kính? Anh không đùa đấy chứ. Nó quay lại, gắng hết sức trèo lên những bậc thang trơn tuột ngoài hiên, đi vào trong.
Tối hôm đó sau bữa ăn tôi lại dắt nó ra ngoài. Lần này Marley không đủ kiên nhẫn để đợi thêm. Nó phải đi. Nó cứ bồn chồn đi đi lại lại quanh lối đi bộ đã dọn sạch, đi vào cái phòng bô rồi lại ra ngoài đường, hít ngửi tuyết, cào cào xuống mặt đất đông cứng. Không, đơn giản không thể được. Trước khi tôi có thể ngăn lại, không biết làm thế nào nó đã leo lên được qua bức tường tuyết thẳng đứng mà cái máy thổi tuyết mới dựng và bắt đầu tìm đường băng qua sân tới chỗ những cây thông trắng xóa cách đó độ mười lăm mét. Tôi không thể tin được, con chó già yếu bị viêm khớp của tôi đã vượt qua một cuộc leo núi. Cứ vài bước hông sau của nó lại sụp xuống làm nó ngập xuống tuyết, nơi nó nằm lại nghỉ vài giây trước khi ráng sức đứng dậy và tiếp tục. Chầm chậm, đau đớn, nó tìm đường vượt qua lớp tuyết dày, sử dụng đôi vai trước vẫn còn khỏe để kéo người nó về phía trước. Tôi đứng trên lối đi, tự hỏi phải làm thế nào để cứu nó nếu nó bị mắc kẹt và không thể đi xa hơn. Nhưng nó vẫn lê những bước nhọc nhằn và cuối cùng cũng tới sát cây thông. Đột nhiên tôi nhận ra nó đã và đang làm gì. Con chó đã có một kế hoạch. Ở dưới những tán thông dày đặc, tuyết chỉ sâu có vài phân. Cái cây giống như một cái ô. Một khi đứng bên dưới nó, Marley sẽ tự do đi lại và thoải mái ngồi xổm để trút nỗi buồn. Tôi phải thừa nhận nó là một tài năng lớn. Nó đi xung quanh, hít ngửi rồi cào cào theo thói quen, cố gắng tìm một cái hố thích hợp dành cho công việc vệ sinh hằng ngày của nó. Sau đó, thật kinh ngạc, nó bỏ cái chỗ núp ấm cúng và bất thình lình quay lại con đường tuyết dày để tới cây thông kế tiếp. Điểm đầu tiên trông thật hoàn hảo với tôi, nhưng rõ ràng là không xứng với giá trị của nó.
Khó khăn lắm nó mới đến được gốc cây thứ hai, nhưng lại một lần nữa, sau khi xoay quanh một lúc, nó phát hiện khu vực dưới tán cây đó không thích hợp. Thế là nó khởi hành sang cây thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm, mỗi lần như vậy lại cách xa lối vào nhà hơn. Tôi cố gắng gọi nó lại, cho dù tôi biết là nó không thể nghe thấy.
- Marley, mày hăng hái quá rồi đấy, đồ ngốc! - Tôi hét lên.
Nó thẳng tiến chỉ với một mục đích vô cùng quả quyết. Con chó đang lùng sục. Cuối cùng, nó đến được cái cây cuối cùng trong khu đất của chúng tôi, một cây vân sam lớn với tán cây vươn ra gần chỗ bọn trẻ hay đón xe buýt tới trường. Ở đó nó phát hiện ra một phần đất đóng băng nó đang tìm kiếm, hầu như không bị phủ tuyết. Nó quay vòng vài lần, mệt mỏi ngồi xổm xuống trên cái hông già nua bị viêm khớp. Cuối cùng nó cũng tìm được nơi mà nó có thể được nhẹ người. Ơ-rê-ka!
Với nhiệm vụ hoàn thành, nó khởi hành cho một chuyến hành trình khá xa về nhà. Trong lúc nó vật lộn với tuyết, tôi vẫy tay, vỗ tay khích lệ nó:
- Tiếp tục đi đi cậu bé! Mày có thể làm được mà!
Nhưng tôi có thể nhìn thấy nó đang mệt mỏi, và nó vẫn còn một quãng đường dài phải đi.
- Đừng dừng lại lúc này! - tôi la lên.
Hơn chục mét tính từ lối vào nhà, đó là quãng đường nó đã vượt qua. Nó đã xong việc. Nó dừng lại, nằm gục xuống tuyết, mệt lử. Nhìn Marley chính xác không phải là kiệt sức, nhưng trông nó cũng chẳng dễ chịu chút nào. Nó nhìn tôi, ánh mắt lo lắng. Bây giờ chúng ta làm gì hả ông chủ? Tôi không có ý tưởng gì cả. Tôi có thể len lỏi qua tuyết với nó, nhưng rồi sau đó thì sao? Nó quá nặng để tôi có thể nâng lên và mang về. Tôi đứng đó mất vài phút, gọi và nịnh nọt nó, nhưng Marley không nhúc nhích.
- Đợi đó. - Tôi nói. - Để tao đi ủng rồi tao sẽ đến chỗ mày nhé.
Tia hy vọng đầu tiên lóe lên trong mắt nó rằng tôi có thể vật lộn nhấc nó lên cái xe trượt tuyết và kéo về nhà. Ngay khi nhìn thấy tôi đến gần với cái xe trượt tuyết, kế hoạch của tôi trở nên đáng bàn. Nó bật dậy, nạp lại năng lượng. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ ra là nó vẫn nhớ chuyến dạo chơi đáng hổ thẹn của chúng tôi vào rừng, bên bờ sông, và đang hy vọng được chơi tiếp. Nó lảo đảo tiến về phía tôi như một con khủng long trong một cái hố nhựa đường. Tôi len lỏi qua tuyết, bước những bước nặng nề xuống chỗ nó, khi tôi đi, nó cũng đi từng buớc chậm chạp về phía trước. Cuối cùng chúng tôi cùng nhau trèo qua bờ tuyết trên đường dẫn vào nhà. Nó rũ tuyết, đuôi đập mạnh vào hai đầu gối tôi, nhảy cẫng lên với tất cả vẻ nghịch ngợm và tự mãn, vẻ hiên ngang của một kẻ vừa trở về từ chuyến phiêu lưu xuyên qua vùng hoang vu chưa được biết đến. Nghĩ lại, tôi đã từng nghi ngờ, không tin nó có thể làm được việc đó.
Sáng hôm sau, tôi xúc một lối đi nhỏ hẹp dẫn đến cây vân sam ở đằng xa, nằm trong góc khu đất nhà tôi. Marley chấp nhận chỗ đó làm phòng vệ sinh cá nhân trong suốt mùa đông. Cơn khủng hoảng đã được ngăn chặn, nhưng lại có một câu hỏi lớn hơn. Nó còn có thể tiếp tục như thế bao lâu nữa? Rồi tới thời điểm nào nỗi đau đớn và nhục nhã vì bất lực của tuổi già sẽ mang đi cả sự mãn nguyện giản đơn nó cảm nhận trong những ngày lười biếng ngủ vùi.