Khi trường học nghỉ hè, Jenny xếp bọn trẻ ngồi vào trong xe và đi thẳng đến Boston một tuần để thăm chị gái cô ấy. Tôi ở lại làm việc. Điều đó có nghĩa là để Marley ở nhà mà không có ai làm bầu bạn hay dắt nó ra ngoài. Trong số những điều bất lợi nho nhỏ mà tuổi già đem đến, chuyện dường như làm nó phiền nhất là không thể tự điều khiển được vấn đề vệ sinh của mình nữa. Bất chấp những thói cư xử tồi tệ trong ngần ấy năm, thói quen vệ sinh của nó vẫn luôn đúng mực. Đó là ưu điểm duy nhất của Marley chúng tôi có thể đem khoe. Từ khi mới chỉ được vài tháng tuổi, nó chưa bao giờ, chưa từng, làm bậy trong nhà, thậm chí khi bị bỏ lại một mình từ mười đến mười hai tiếng. Chúng tôi đùa rằng bàng quang của nó bằng thép và ruột nó bằng đá.
Chuyện đó đã thay đổi vài tháng gần đây. Nó không thể chịu đựng được trong vài giờ giữa những lần đi. Khi sự thôi thúc kêu gọi, nó phải đi, và nếu chúng tôi không ở nhà để cho nó ra ngoài, nó không có sự lựa chọn nào là phải đi ngay trong nhà. Nó bắt buộc phải làm vậy. Chúng tôi thường nhận ra ngay khi bước vào nhà lúc nó vừa gặp tai nạn. Thay vì chào đón chúng tôi ở cửa trong bộ dạng hồ hởi, nó đứng ở tận trong phòng, đầu gần như cúi xuống sàn, đuôi cụp giữa hai chân, bộc lộ vẻ xấu hổ. Chúng tôi không bao giờ phạt nó vì chuyện này. Làm sao chúng tôi có thể chứ? Nó gần mười ba tuổi rồi, cái tuổi già nhất của một con Lab. Chúng tôi biết nó không thể chịu được, và dường như nó cũng biết điều đó. Tôi chắc chắn nếu nó có thể nói, nó sẽ tự thú nhận nỗi xấu hổ của nó và quả quyết với chúng tôi rằng nó đã cố gắng, thực sự cố gắng, để kìm nén nó lại.
Jenny mua một cái máy là hơi cho tấm thảm. Chúng tôi bắt đầu sắp xếp thời gian biểu để chắc chắn mình không cùng lúc ra khỏi nhà quá vài giờ. Jenny thường vội vàng từ trường về nhà, xung phong dắt Marley ra ngoài. Tôi thường bỏ những buổi tiệc tối giữa lúc dùng món chính và món tráng miệng để đưa nó đi dạo. Đương nhiên, Marley luôn câu giờ thêm chừng nào có thể, đánh hơi và đi vòng quanh sân. Bạn bè chúng tôi đùa ầm lên rằng ai mới thực sự là chủ trong nhà của Grogan.
Trong trường hợp Jenny và bọn trẻ ra ngoài, tôi biết mình sẽ có những ngày dài. Đây là cơ hội không về nhà sau giờ làm việc, lang thang quanh vùng, khám phá những thị trấn cùng những khu lân cận mà tôi đang viết về chúng. Với quãng đường dài, tôi có thể đi ra khỏi nhà mười đến mười hai giờ mỗi ngày. Nhưng không đời nào Marley có thể ở một mình lâu như thế, thậm chí một nửa cái lâu ấy. Chúng tôi quyết định cho nó vào cái cũi chó mà chúng tôi thường dùng vào mỗi mùa hè khi cả nhà đi nghỉ. Cái cũi được gửi đến một phòng khám thú y lớn có chăm sóc chuyên nghiệp hoặc nếu không cũng có dịch vụ cá nhân nhất. Mỗi lần chúng tôi đến đó, hình như chúng tôi lại gặp các bác sĩ khác nhau, chẳng biết tí gì về Marley ngoại trừ những số liệu ghi trên biểu đồ theo dõi của nó. Chúng tôi thậm chí còn chẳng bao giờ biết tên của họ. Không giống như bác sĩ Jay yêu dấu của chúng tôi ở Florida, người hiểu rõ Marley hơn cả chúng tôi, người đã trở thành người bạn chân thành của gia đình tôi những lúc chúng tôi đi vắng. Ở đây toàn là những con người xa lạ - những người xa lạ giỏi giang nhưng dù sao thì cũng là xa lạ. Marley dường như chẳng quan tâm lắm.
- Waddy vào lều cho chó đi! - Colleen thét lên. Marley ngẩng đầu lên như thể ý kiến đó có lý lắm.
Chúng tôi nói đùa về những hành động mà nhân viên trông cũi sẽ phải làm cho nó: đào hố từ 9 giờ đến 10 giờ; xé gối từ 10 giờ 15 đến 11 giờ; lùng sục bãi rác từ 11 giờ 5 đến chiều; và vân vân. Một tối Chủ nhật, tôi thả nó xuống xe, để số điện thoại di động ở quầy. Marley có vẻ không bao giờ hoàn toàn thoải mái mỗi khi nó bị gửi trọ, thậm chí là ở chỗ quen thuộc như văn phòng của bác sĩ Jay. Tôi luôn lo lắng một chút về điều đó. Sau mỗi lần đi khám, nó quay trở về với bộ dạng hốc hác, mũi thường xuyên bị trầy xước chảy máu vì gặm cái lưới sắt của chuồng. Khi về tới nhà nó thường nằm sụp xuống một góc và ngủ mê mệt hàng tiếng liền, như thể nó đã dành toàn bộ thời gian đó để đi đi lại lại trong lồng vì chứng mất ngủ.
Sáng thứ Ba đó, tôi gần đến Hội Trường Độc Lập ở trung tâm Philadelphia thì máy di động của tôi đổ chuông.
- Anh có thể giữ máy gặp bác sĩ A-B-gì-đó một chút không? - Người phụ nữ trông cũi hỏi.
Đó lại là một bác sĩ thú y khác tôi chưa từng nghe tên trước đây. Một vài giây sau bác sĩ thú y nhấc máy:
- Chúng ta có một tình trạng khẩn cấp với Marley. - Bà ấy thông báo.
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực:
- Tình trạng khẩn cấp á?
Bác sĩ cho biết dạ dày của Marley đã phù lên với đồ ăn, nước, và không khí rồi sau đó, căng ra, sưng to, tự xoắn lại làm thức ăn mắc kẹt trong đó. Không có chỗ cho khí và những thứ khác thoát ra ngoài. Dạ dày của nó phình ra đau đớn, đe dọa đến tính mạng, theo y học gọi là chứng xoắn co thắt dạ dày. Hầu hết bệnh này luôn đòi hỏi phải phẫu thuật để chữa trị, bà ấy nói, và nếu không điều trị thì sẽ dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài giờ.
Bà ấy nói đã đưa một cái ống thông xuống cổ họng nó và làm thoát khá nhiều khí tích tụ trong dạ dày. Dạ dày nó sẽ đỡ sưng tấy. Cho ống vào dạ dày nó với thao tác bằng tay, bác sĩ đã làm nó hết xoắn, hay chính xác theo lời của bà ấy, là "gỡ xoắn nó". Bây giờ nó đã đỡ đau và nghỉ ngơi thoải mái.
- Thế là tốt rồi, phải không ạ? - Tôi thận trọng hỏi.
- Nhưng chỉ tạm thời thôi. - Bác sĩ đáp - Chúng tôi đã kịp thời giúp nó vượt qua tình trạng nguy kịch. Nhưng một khi dạ dày của chúng bị xoắn như thế, thì hầu hết chúng sẽ còn xoắn nữa.
- Hầu hết là như nào cơ ạ? - Tôi hỏi tiếp.
- Tôi phải nói là nó chỉ có một phần trăm cơ hội không xoắn lại nữa. - Bà ấy trả lời.
Một phần trăm? Vì Chúa, tôi nghĩ thầm, thậm chí phần trăm cơ hội cho nó vào trường Harvard còn nhiều hơn.
- Một phần trăm? Vậy thôi sao?
- Tôi rất tiếc. Rất trầm trọng.
Nếu dạ dày của nó lại xoắn nữa - bà ấy nói với tôi đương nhiên đó là chuyện thực tế - chúng tôi sẽ có hai lựa chọn. Thứ nhất là phẫu thuật cho nó. Bà ấy nói sẽ mổ nó, gắn dạ dày với một thành tường khoang bằng cách khâu lại để ngăn cho nó không bị xoắn nữa.
- Chi phí cho ca phẫu thuật khoảng hai ngàn đô-la. - Bà ấy cho. Tôi nuốt nước miếng. - Và tôi phải nói với anh, phẫu thuật là động dao kéo. Sẽ rất khó khăn cho một con chó ở tuổi Marley.
Nếu giả sử nó có vượt qua được cuộc phẫu thuật thì quá trình hồi phục cũng sẽ rất lâu và khó khăn. Đôi khi những con chó già hơn giống như nó không sống sót qua được những tổn thương do phẫu thuật, bác sĩ giải thích.
- Nếu nó bốn hay năm tuổi, đương nhiên tôi sẽ nói là hãy phẫu thuật đi. Nhưng ở tuổi của nó, anh phải tự hỏi xem anh thực sự muốn nó trải qua chuyện ấy hay không.
- Sẽ là không nếu ta có thể tránh được. Thế còn lựa chọn thứ hai?
- Lựa chọn thứ hai. - Bà ta hơi ngập ngừng - Hãy cho nó an nghỉ.
- Ôi. - Tôi thốt lên.
Tôi nghĩ lại. Năm phút trước tôi còn đang lái xe tới Chuông Tự Do, ngỡ Marley đang thư giãn rất vui vẻ ở trong cái lồng di động của nó. Bây giờ tôi đang được hỏi để quyết định về việc nên để nó sống hay chết. Tôi chưa bao giờ nghe đến tình trạng bà ấy mô tả. Chỉ sau đó tôi mới biết được rằng chứng sưng phồng khá phổ biến trong vài giống chó, đặc biệt những loài, như Marley chẳng hạn, có lồng ngực tròn và sâu. Những con chó nuốt sạch đồ ăn của chúng chỉ với vài cái táp nhanh gọn - lại giống Marley - dường như luôn nguy kịch hơn. Một vài chủ chó nghi ngờ rằng sự căng thẳng vì phải ở trong cũi có thể làm nó bị sưng. Nhưng sau đó tôi gặp một chuyên gia về thuốc thú y đã trích dẫn câu nói trong nghiên cứu của ông ta, chỉ ra rằng không có mối liên quan nào giữa sự căng thẳng do bị nhốt với chứng sưng tấy. Bác sĩ thú y trên điện thoại đã thừa nhận sự kích động của Marley xung quanh những con chó khác ở trong cũi có thể dẫn đến cơn bệnh. Nó nuốt chửng hết thức ăn của nó như mọi khi, thở hổn hển, chảy nước dãi, rồi nổi điên bởi những con chó xung quanh. Bà ấy nghĩ nó có thể đã nuốt quá nhiều không khí và nước bọt, khiến cho dạ dày nó bắt đầu dãn ra theo trục dài, làm nó bị tổn thương dẫn đến xoắn dạ dày.
- Chúng ta không thể chỉ chờ và xem nó sẽ thế nào sao? - Tôi hỏi - Có thể nó sẽ không bị xoắn nữa.
- Đó là những gì chúng ta đang làm đấy. Chờ đợi và quan sát. - Bà ấy nhắc lại một phần trăm thành công, thêm vào - Nếu dạ dày nó bị xoắn lần nữa, tôi cần anh đưa ra một quyết định nhanh chóng. Chúng ta không thể để nó đau đớn.
- Tôi cần phải nói chuyện với vợ tôi. Tôi sẽ gọi lại cho bà sau.
Khi Jenny trả lời điện thoại di động, cô ấy đang ở chỗ đám đông trên thuyền du lịch với bọn trẻ giữa cảng Boston. Tôi có thể nghe thấy tiếng động cơ thuyền bình bịch và giọng vang vang của hướng dẫn viên qua loa phóng thanh ở đằng sau. Chúng tôi nói chuyện đứt quãng, khó khăn bởi sóng điện thoại thật tệ hại. Cả hai đều không nghe rõ người kia nói gì. Tôi hét lên để cố gắng nói với cô ấy khó khăn mà chúng tôi đang vấp phải. Cô ấy chỉ nhận được những âm thanh ngắt quãng. Marley... khẩn cấp... dạ dày... phẫu thuật... cho nó chết.
Một khoảng lặng im bặt ở đầu dây bên kia.
- Alô. Em vẫn ở đó đấy chứ?
- Em đây. - Jenny nói, sau đó lại im lặng.
Chúng tôi đều biết ngày này cuối cùng rồi cũng đến. Chúng tôi chỉ không nghĩ là vào hôm nay. Không phải lúc cô ấy và bọn trẻ rời thành phố, nơi họ không thể nói lời vĩnh biệt. Không phải với tôi khi ở trung tâm Philadelphia cách chín mươi phút đi đường vì công việc. Kết thúc cuộc nói chuyện, qua những tiếng hét, những lời thốt ra và những phút ngập ngừng đầy ý nghĩa, chúng tôi quyết định không đưa ra một quyết định nào cả. Bác sĩ thú y đã đúng. Marley đang yếu đi về mọi mặt. Thật độc ác nếu bắt nó phải trải qua một cuộc phẫu thuật đau đớn để ngăn chặn một điều không thể tránh được. Chúng tôi cũng không thể làm ngơ trước chi phí tốn kém của ca phẫu thuật. Dường như thật bẩn thỉu, gần như trái đạo đức, khi chi một khoản tiền như thế cho một con chó già vào lúc cuối đời nó, trong lúc có rất nhiều con chó không ai cần đến bị giết mỗi ngày vì thiếu một mái nhà, và hơn nữa, nhiều đứa trẻ còn không được thuốc thang chu đáo vì nguồn tài chính eo hẹp. Nếu như đây là thời điểm của Marley, thì đây đúng là thời điểm của nó. Chúng tôi có thể nhìn nó ra đi một cách đường hoàng và không đau đớn. Chúng tôi biết rằng điều đó là đúng, nhưng không ai trong chúng tôi muốn mất nó.
Tôi gọi lại cho bác sĩ thú y, bảo bà ấy về quyết định của chúng tôi.
- Răng nó đang mòn dần, nó là một cục đá điếc. Hông nó mỗi ngày lại tệ hơn. Nó gần như không thể leo lên thềm nhà nữa. - Tôi nói với bà ấy như thể bà ấy cần được thuyết phục. - Nó còn gặp vấn đề khi ngồi xuống đại tiện.
Bác sĩ thú y, người mà bây giờ tôi mới biết tên là Hopkinson, an ủi tôi:
- Tôi nghĩ là đã đến lúc rồi.
- Tôi cũng đoán thế. - Tôi trả lời, nhưng tôi không muốn bà ấy giết nó mà không gọi cho tôi trước. Nếu có thể, tôi muốn ở đó với nó. Tôi nhắc lại - Và, tôi vẫn kiên trì chờ đợi một phần trăm phép màu.
- Chúng ta nói chuyện này sau một giờ nữa nhé. - Bà ấy nói.
Một giờ sau, bác sĩ Hopkinson thông báo tình trạng lạc quan hơn một chút. Marley vẫn còn khỏe, đang nghỉ ngơi với một ống truyền tĩnh mạch nhỏ giọt ở chân trước của nó. Bà ấy tăng may mắn của nó lên năm phần trăm.
- Tôi không muốn làm cho hy vọng của anh tăng lên. Nó là một con chó rất ốm yếu.
Sáng hôm sau bác sĩ tiếp tục báo tin tốt hơn:
- Nó đã có một đêm ngon giấc.
Khi tôi gọi lại vào buổi trưa, bà ấy vừa tháo ống truyền từ chân của nó ra, bắt đầu cho nó ăn cơm nhão với thịt.
- Nó như chết đói ấy. - Bà ấy kể.
Lần gọi tiếp theo, nó đã có thể đứng trên đôi chân của mình.
- Tin tốt đây. Một kỹ thuật viên của chúng tôi dắt nó ra ngoài và nó đã đi vệ sinh được.
Tôi hoan hô trên điện thoại như thể nó vừa giành phần thắng trong cuộc thi chó Best in Show. Sau đó bà ấy nói thêm:
- Chắc hẳn nó cảm thấy khỏe hơn. Nó vừa mới hôn tôi một cái đây này.
Đúng rồi, đó mới là Marley của chúng tôi.
- Hôm qua tôi không nghĩ có thể như này. - Bác sĩ nói. - Nhưng tôi nghĩ ngày mai anh có thể mang nó về được rồi.
Tối hôm sau, sau khi xong việc, tôi đi đón nó. Trông nó thật kinh khủng - ốm yếu và gầy giơ xương, đôi mắt trắng đục như sữa, toét gỉ, như thể nó vừa cận kề cái chết và quay lại. Tôi nghĩ nó đã trải qua chuyện đó. Chắc trông tôi cũng hơi mệt mỏi sau khi trả tám trăm đô-la viện phí. Khi tôi cảm ơn bác sĩ vì đã làm rất tốt, bà ấy đáp lại:
- Tất cả nhân viên đều yêu quý Marley. Mọi người đã tích cực cổ vũ nó.
Tôi dắt nó ra xe, con chó kỳ diệu đặt-cược-một-ăn-chín-mươi-chín của tôi, và nói:
- Để tao đưa mày về nhà, đúng chỗ của mày nhé.
Nó chỉ đứng đó nhìn vào cái ghế sau, ánh mắt rầu rĩ, biết rằng cái chỗ đó không thể với tới được giống như Đỉnh Olympus. Thậm chí nó cũng không cố gắng thử nhảy vào. Tôi nhờ một người trông cũi giúp tôi nhấc nó vào xe cẩn thận, rồi lái xe đưa nó về nhà với một hộp đựng thuốc và các hướng dẫn cặn kẽ. Marley không bao giờ nuốt chửng một mạch những suất ăn đầy ự hoặc là húp soàm soạp một lượng nước không giới hạn nữa. Những ngày chơi trò tàu ngầm với cái mũi trong bát đựng nước đã chấm dứt. Từ giờ trở đi, nó được cho ăn bốn bữa mỗi ngày và chỉ có một lượng nước giới hạn - mỗi lần chừng khoảng nửa cốc để trong bát của nó. Theo cách này, bác sĩ hy vọng dạ dày của nó sẽ được yên ổn, không bị sưng và xoắn. Nó cũng sẽ không bao giờ bị nhốt vào trong cái chuồng lớn xung quanh là những tiếng sủa, những con chó cứ đi đi lại lại nữa. Tôi đã bị thuyết phục, và dường như bác sĩ Hopkinson cũng vậy, rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến lần hút chết này của nó
Tối hôm đó, sau khi đưa nó về nhà, tôi trải một cái túi ngủ bên cạnh nó ở trên sàn trong phòng gia đình. Nó không đủ khả năng để trèo lên cầu thang vào phòng ngủ. Tôi không nỡ lòng nào để nó lại một mình không người giúp đỡ. Tôi biết nó sẽ bứt rứt khó chịu cả đêm nếu không được ở bên tôi.
- Chúng ta có một vị khách qua đêm đây, Marley! - Tôi tuyên bố, và nằm xuống cạnh nó.
Tôi vuốt ve nó từ đầu tới đuôi cho đến khi một đám lông khổng lồ lăn ra khỏi lưng nó. Tôi lau gỉ ở khóe mắt nó, gãi tai nó cho đến khi nó rên rỉ tỏ ý hài lòng. Jenny và bọn trẻ sẽ trở về nhà vào buổi sáng. Cô ấy sẽ nuông chiều nó bằng những bữa ăn nhỏ thường xuyên với bánh hăm-bơ-gơ và cơm. Marley phải mất mười ba năm, nhưng cuối cùng cũng có được đồ ăn chất lượng dành cho người, không phải là đồ ăn thừa mà là bữa ăn được nấu trên bếp chỉ dành riêng cho nó. Lũ trẻ quàng tay ôm lấy nó, không hay biết rằng chúng sắp sửa không bao giờ được nhìn thấy nó nữa.
Ngày mai ngôi nhà sẽ lại huyên náo ầm ĩ và đầy sức sống. Trong tối nay, chỉ có hai trong số thành viên gia đình, Marley và tôi. Nằm cạnh nó, hơi thở nặng mùi của nó phả vào mặt tôi, tôi không thể không nghĩ về đêm đầu tiên chúng tôi ở cùng nhau sau ngần ấy năm, khi tôi mang nó về nhà từ trại giống. Một con chó nhỏ đang khóc thút thít đòi mẹ. Tôi nhớ tôi đã kéo cái hộp của nó vào trong phòng ngủ như thế nào và cái cách mà chúng tôi ngủ cùng nhau, cánh tay của tôi đung đưa một bên giường dỗ dành nó. Mười ba năm sau, chúng tôi ở đây và vẫn không rời nhau. Tôi nghĩ về thời thơ bé và thời thanh niên của nó, về những cái trường kỷ bị xé vụn, đống đệm bị nhai, về những chuyến đi dạo tự do thoải mái dọc theo Intracoastal và những điệu nhảy thân thiết với tiếng kèn om sòm. Tôi nghĩ về những vật bị nuốt, thẻ thanh toán bị ăn trộm, những khoảnh khắc ngọt ngào của mối thân tình giữa người và chó. Tôi nghĩ về việc nó đã là một người bạn tốt và trung thành đến thế nào trong suốt ngần ấy năm. Thật là cả một cuộc hành trình dài.
- Mày thật sự làm tao sợ đấy, anh bạn già. - Tôi thì thầm khi nó nằm dài bên cạnh tôi, dụi cái mũi của nó dưới cánh tay tôi để khuyến khích tôi tiếp tục vỗ về nó - Thật tốt khi có mày ở nhà.
Chúng tôi cùng buồn ngủ, nằm cạnh nhau trên sàn, mông nó đặt hờ trên túi ngủ của tôi, cánh tay tôi vòng ngang qua lưng nó. Nó đánh thức tôi một lần vào giữa đêm. Vai nó chùn lại, những cái chân co quắp, một tiếng sủa khe khẽ từ sâu trong cổ nó, giống tiếng ho hơn. Nó đang mơ. Đang mơ, tôi tưởng tượng, rằng nó lại trẻ và khỏe. Và nó đang chạy như thể không có ngày mai.