Vài tuần sau, Marley đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vẻ tinh quái lại sáng lên trong mắt nó, mũi nó ướt lạnh, và nó lại có da có thịt một chút. Với tất cả những gì đã trải qua, nó dường như không còn yếu như trước. Nó hài lòng ngủ gà ngủ gật cả ngày, ưa thích một chỗ trước cái cửa kính ở phòng gia đình, nơi ánh mặt trời chiếu vào sưởi ấm lông nó. Với khẩu phần ăn mới cắt giảm, nó ăn ngấu nghiến, xin chúng tôi thêm thức ăn, rồi ăn trộm một cách trơ trẽn hơn bao giờ hết. Một tối tôi bắt gặp một mình nó trong bếp, đứng trên hai chân sau, hai chân trước đặt trên quầy bếp, đang ăn trộm bánh cốm ngọt từ một cái đĩa gỗ đựng thức ăn. Làm thế nào mà nó có thể trèo lên đó với cái hông yếu ớt của nó chứ, tôi sẽ không bao giờ hiểu được. Sự ốm yếu thật đáng nguyền rủa. Khi ý chí kêu gọi, cơ thể của Marley đáp lại. Tôi muốn ôm nó, và tôi thấy rất hạnh phúc với sự thể hiện sức mạnh bất ngờ của nó.
Nỗi sợ hãi của mùa hè đó đáng lẽ đã lôi tôi và Jenny ra khỏi sự phủ nhận tuổi già của Marley nhưng chúng tôi nhanh chóng trở lại với giả thiết dễ chịu rằng cơn bệnh là một lần may mắn, và cuộc hành trình không ngừng nghỉ của nó về nơi xế chiều lại đang tiếp tục. Chúng tôi muốn tin rằng nó có thể sống như vậy mãi mãi. Bất chấp tất cả tình trạng yếu ớt, Marley vẫn là một con chó vô lo, vô tư ngày nào. Sau mỗi bữa sáng, nó chạy nước kiệu vào phòng gia đình để dùng cái trường kỉ như một cái khăn ăn khổng lồ, đi dọc theo chiều dài của cái ghế, chà mũi và mồm vào tấm vải trong lúc nó đi qua rồi hất tung những tấm nệm lên. Sau đó nó quay ngược trở lại để chùi mặt bên kia. Ở ngay đó, nó thường lăn ra áp lưng xuống sàn, ngọ nguậy hết bên này đến bên kia để tự cọ lưng. Nó thích ngồi và liếm tấm thảm với sự thèm khát, như thể tấm thảm được nhúng vào thứ nước sốt thịt ngon lành nhất mà nó từng được nếm. Việc thường ngày của nó bao gồm sủa người đưa thư om sòm, thăm mấy con gà, nhìn chằm chằm vào khay thức ăn của đám gà, lượn vài vòng quanh mấy vòi nước bồn tắm để kiểm tra xem có cái nào nhỏ nước không để nó còn liếm. Vài lần một ngày nó lại gẩy tung cái nắp thùng đựng rác của nhà bếp để tìm bới đồ ăn. Có hôm, nó chuyển sang trạng thái lẩn trốn của chó tha mồi Labrador, đập phá quanh nhà, đuôi nó đập ầm ầm vào tường và đồ đạc. Có hôm tôi không ngừng săm soi cái hàm đang mở và moi ra từ vòm họng nó tất cả những thứ tạp nham từ cuộc sống hàng ngày - vỏ khoai tây, giấy gói bánh nướng xốp, khăn giấy bỏ đi, chỉ tơ nha khoa. Kể cả khi già rồi, có vài điều vẫn không hề thay đổi.
Ngày mười một tháng Chín năm 2003, tôi lái xe đến một thị trấn mỏ Shanksville nhỏ xíu ở Pennsylvania, nơi chiếc máy bay United Flight số 93 rơi xuống một cánh đồng trống trong buổi sáng đáng thổ thẹn hai năm về trước, giữa một cuộc nổi dậy của hành khách. Bọn không tặc định hướng về thủ đô Washington, để cho máy bay đâm vào Nhà Trắng hoặc trụ sở Quốc Hội Hoa Kì. Những hành khách chiếm được buồng lái rõ ràng đã cứu được vô số sinh linh trên mặt đất. Để đánh dấu ngày kỷ niệm lần thứ hai của các cuộc tấn công khủng bố, các biên tập viên muốn tôi trực tiếp đến thăm địa điểm này để khai thác hình ảnh về sự hy sinh, cũng như tác động lâu dài của nó tới tinh thần Mỹ.
Tôi dành cả ngày ở khoảnh đất chỗ máy bay rơi, nấn ná lại cái đài tưởng niệm ở đây. Tôi nói chuyện với dòng du khách tới để thể hiện sự tôn kính của họ, phỏng vấn dân địa phương, những người vẫn nhớ về vụ nổ, ngồi với một người phụ nữ đã mất con gái trong một tai nạn xe hơi, tới bãi máy bay rơi này để tìm kiếm sự an ủi trong nỗi tiếc thương cộng đồng. Tôi xem xét rất nhiều vật lưu niệm, những ghi chú phủ kín nền khu đỗ xe lát sỏi. Tôi vẫn chưa có cảm xúc cho bài báo. Những gì tôi có thể nói về bi kịch thảm khốc này không phải đã được nói hết rồi sao? Tôi đi ăn tối trong thị trấn và chăm chú đọc lại những ghi chép của mình. Viết một bài báo mới cũng giống như xây một tòa tháp từ những viên gạch. Từng mẩu thông tin quý giá, mỗi câu trích dẫn và những giây phút được ghi lại, đều là những viên gạch. Bạn bắt đầu bằng việc xây một cái nền móng rộng, đủ vững chắc để đỡ cho những lập luận của bạn, rồi sau đó dần dần xây lên đỉnh tháp. Trong sổ của tôi có đầy những viên gạch đặc, nhưng tôi không có vữa để gắn chúng lại. Tôi không biết phải làm gì với chúng.
Ăn xong cái bánh mì kẹp thịt và cốc trà lạnh, tôi quay lại khách sạn để cố gắng viết bài. Đi được nửa đường, trong một cơn bốc đồng, tôi quay ngoắt 180 độ, lái xe ngược trở lại chỗ máy bay rơi, cách vài dặm ngoài thị trấn. Tôi đến nơi vừa lúc mặt trời đang lặn xuống sau sườn đồi. Một vài du khách cuối cùng đang ra về. Tôi ngồi ở đó một mình rất lâu, khi hoàng hôn trở thành chạng vạng rồi chuyển thành tối hẳn. Một cơn gió lạnh buốt thổi từ trên đồi xuống. Tôi co ro cuộn cái áo gió quanh người. Tít trên cao, một lá cờ Mỹ khổng lồ nhẹ bay trong gió, sắc màu của nó lấp lánh trong những tia sáng âm ỉ cuối ngày. Chỉ sau đó cảm xúc của nơi thiêng liêng này mới bao trùm lấy tôi. Tôi bắt đầu thấy thấm thía độ nghiêm trọng của điều đã xảy ra trên bầu trời, bên trên cánh đồng hiu quạnh này. Tôi nhìn địa điểm nơi máy bay đâm xuống đất rồi sau đó lại nhìn lên lá cờ, và tôi thấy khóe mắt cay cay. Lần đầu tiên trong đời, tôi dành thời gian để đếm những sọc ngang. Bảy đỏ và sáu trắng. Tôi đếm những ngôi sao, năm mươi trong số chúng nằm trên nền màu xanh da trời. Bây giờ nó có ý nghĩa với chúng ta hơn - lá cờ Mỹ này. Đối với thế hệ trẻ, nó lại đứng đó một lần nữa vì sự dũng cảm và hy sinh quên mình. Tôi biết mình cần phải viết gì.
Tôi đút hai tay vào túi, đi ra rìa bãi sỏi, nơi tôi nhìn chằm chằm vào khoảng tối đang dần bao trùm. Đứng ngoài đó trong bóng đêm, tôi cảm nhận thấy nhiều điều khác nhau. Một trong số chúng là niềm kiêu hãnh về những người bạn Mỹ của tôi, những người rất bình thường đã vùng dậy, biết rằng đó là phút cuối đời của họ. Một điều nữa là sự kém cỏi, bởi tôi vẫn còn sống và không bị ảnh hưởng bởi những điều khủng khiếp ngày hôm đó, tự do tiếp tục cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của mình trong vai trò một người chồng, một người cha và một ký giả. Trong bóng tối cô đơn, hầu như tôi có thể nếm trải được sự hữu hạn của cuộc sống và tất nhiên cả sự quý báu của nó. Chúng ta coi đó là điều đương nhiên, nhưng nó thật mỏng manh, bấp bênh và không chắc chắn. Nó có thể ngừng lại ngay lập tức mà không cần thông báo. Tôi đã được nhắc nhở về một điều đáng lẽ phải là hiển nhiên, nhưng hầu như lại không phải như vậy, đó là từng ngày, từng giờ, từng phút đều đáng để yêu thương.
Tôi còn cảm thấy vài điều khác nữa, như sự kinh ngạc về sức chứa vô hạn của trái tim con người. Trong cùng một lúc nó vừa đủ lớn để hấp thu một tấm thảm kịch bi thương, lại vẫn tìm được chỗ cho những khoảnh khắc ngắn ngủi của nỗi đau cá nhân và đó là một phần của bất kì cuộc đời nào. Trong trường hợp của tôi, một trong những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy là con chó ốm yếu. Với một chút xấu hổ, tôi nhận ra rằng cho dù ở giữa nỗi đau to lớn của con người với chuyến bay số hiệu 93, tôi vẫn có thể cảm nhận được nỗi đau đớn mất mát rõ ràng tôi biết sắp xảy đến với tôi.
Marley vừa sống sót sau cơn bạo bệnh. Điều đó đã quá rõ ràng. Một cơn bệnh khác có thể đến bất cứ hôm nào, và khi nó đến, tôi không thể chống lại điều chắc chắn xảy ra. Bất cứ biện pháp trị liệu nào tại giai đoạn này trong đời nó đều là độc ác. Những gì tôi và Jenny đang làm hiện nay là vì lợi ích của chúng tôi nhiều hơn là cho nó. Chúng tôi yêu con chó già điên khùng đó, yêu nó bất chấp mọi thứ - hoặc có thể bởi vì mọi thứ. Nhưng giờ đây, tôi có thể thấy thời điểm chúng tôi phải để cho nó ra đi đã đến rất gần. Tôi quay lại xe và trở về phòng khách sạn.
Sáng hôm sau, bài báo của tôi đã xong. Tôi gọi về nhà từ khách sạn. Jenny nói:
- Em chỉ muốn anh biết rằng Marley rất nhớ anh.
- Marley á? - Tôi hỏi. - Thế còn em và các con thì thế nào?
- Đương nhiên là bọn em đều nhớ anh rồi, cưng ạ. - Cô ấy dịu dàng - Nhưng ý em là Marley rất, rất nhớ anh. Nó làm cho bọn em loạn cả đầu.
Jenny kể rằng, tối hôm trước, không tìm thấy tôi, Marley đi đi lại lại và đánh hơi cả ngôi nhà hết lần này đến lần khác, lục lọi mò mẫm khắp các phòng, ngó đằng sau các cánh cửa và trong những phòng để đồ. Nó vật lộn để lên cầu thang. Khi không tìm thấy tôi ở đó, nó lại đi xuống rồi lại bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình một lần nữa.
- Nó thực sự thấy khó ở. - Cô ấy nói.
Marley thậm chí bất chấp độ dốc của lối đi xuống tầng hầm, nơi nó đã rất hạnh phúc ở bên tôi hàng giờ liền trong cái xưởng nhỏ, cho đến tận khi cái cầu thang gỗ trơn trượt đã thành quá sức với nó. Nó ngủ gà gật dưới chân tôi khi tôi đang làm việc, mùn cưa vương vãi và bao trùm lông nó giống như một trận mưa tuyết. Một khi đã xuống đấy, nó không thể quay lên trên cầu thang được nữa. Nó cứ đứng đó kêu ăng ẳng cho đến khi Jenny và bọn trẻ đến giải cứu, xốc nách, đỡ hông và đẩy nó lên từng bước, từng bước một.
Đến giờ đi ngủ, thay vì ngủ bên cạnh giường chúng tôi như nó hay làm, Marley cắm trại trên đỉnh đầu cầu thang. Ở đó nó có thể vừa trông chừng tất cả các phòng ngủ lẫn cửa trước thẳng dưới chân cầu thang trong trường hợp (1) tôi ra khỏi chỗ ẩn nấp; (2) tôi về nhà lúc nửa đêm, hoặc trong trường hợp tôi trốn đi mà không nói gì với nó. Nó vẫn ở đó vào sáng hôm sau, khi Jenny xuống bếp để làm bữa sáng. Vài giờ trôi qua cô ấy mới chợt nhận ra là Marley vẫn chưa thấy ló mặt. Chuyện quá đỗi khác thường. Hầu như nó luôn là thành viên đầu tiên bước xuống cầu thang mỗi sáng, dẫn đầu chúng tôi và đập đuôi bịch bịch vào cửa trước để đi ra ngoài. Cô ấy phát hiện ra nó đang ngủ ngon dưới sàn, sát mé giường phía tôi nằm. Sau đó thì cô ấy hiểu vì sao. Khi thức dậy, cô ấy vô tình đẩy mấy cái gối của mình - cô ấy ngủ cùng ba cái gối - qua giường phía bên tôi, ở dưới lớp chăn, tạo thành một đống lớn ngay chỗ tôi thường nằm. Với thị lực của Ngài Magoo(35), Marley có thể được tha thứ vì tưởng nhầm đống phập phồng là ông chủ.
- Nó hoàn toàn nghĩ anh đang nằm đó. - Cô ấy nói. - Em chắc chắn nó đã làm thế. Nó tin là anh đang ngủ trên giường!
Chúng tôi cùng cười ồ lên trong điện thoại. Jenny nói tiếp:
- Anh phải thưởng nhiều điểm cho nó vì lòng trung thành đấy.
Tôi đã làm như thế. Sự tận tụy hết lòng là điểm dễ thấy ở con chó của chúng tôi.
Tôi quay về từ Shanksville được một tuần thì cơn bạo bệnh chúng tôi lường trước có thể tới bất cứ lúc nào đã đến. Tôi đang ở trong phòng ngủ chuẩn bị quần áo đi làm thì nghe thấy tiếng loảng xoảng kinh hoàng theo sau tiếng thét của Conor:
- Cứu! Marley ngã cầu thang rồi!
Tôi vội chạy đến, thấy nó đang nằm thành đống ở chân cầu thang, gượng đứng dậy. Jenny và tôi vội vã lao tới chỗ nó, vòng tay chúng tôi qua người, nhẹ nhàng ôm chặt chân, ấn vào sườn, xoa bóp xương sống nó. Hình như không có gì bị gẫy cả. Marley rên rỉ đứng lên bằng bốn chân, giũ giũ rồi bước đi, không có vẻ gì khập khiễng. Conor đã chứng kiến tai nạn. Thằng bé kể rằng Marley bắt đầu đi xuống cầu thang nhưng, chỉ sau hai bước, nhận ra rằng mọi người vẫn ở trên gác, nó lại cố gắng quay ngược trở lại. Khi nó làm thế, hai hông nó khuỵu xuống, thế là nó rơi tự do suốt cả chiều dài cầu thang.
- Ôi, nó may mắn thật! - Tôi thở phào - Một cú ngã như thế có thể giết nó rồi.
- Em không thể tin được là nó không bị đau. - Jenny nói - Nó như một con mèo chín mạng vậy.
Nhưng nó có bị thương. Trong vòng vài phút nó đã cố lên gân cốt. Tối hôm đó, lúc tôi vừa từ chỗ làm về nhà, Marley hoàn toàn mất hết sức lực, không di chuyển được nữa. Dường như nó đau khắp người, như thể vừa bị bọn du côn nện một trận nhừ tử. Nhưng điều thực sự làm cho nó phải liệt giường chính là chân trước bên trái của nó. Chân nó không chịu được một sức nặng nào nữa. Tôi có thể bóp cái chân đó mà nó không kêu lấy một tiếng. Tôi ngờ rằng nó bị bong gân. Nhìn thấy tôi, nó cố gắng lết chân đến để chào mừng, nhưng vô ích. Chân trái phía trước của nó giờ vô dụng, và với hai chân yếu ớt đằng sau, nó chẳng có một chút sức lực để làm bất cứ việc gì. Marley giờ chỉ có một cái chân khỏe, một điều thật tồi tệ đối với bất kỳ một con vật bốn chân nào. Cuối cùng nó cũng làm được điều đó, cố gắng nhảy lò cò bằng ba chân đến chỗ tôi, nhưng hai chân sau của nó khuỵu xuống. Nó ngã ra sàn. Jenny mang cho nó một viên thuốc giảm đau và một cái túi đá chườm chân trước của nó. Marley, cho dù đang bị cưỡng ép, vẫn vui đùa, cố gắng ăn những viên đá.
Gần 10 giờ 30 tối hôm ấy, nó không khá hơn. Nó chưa ra ngoài đi tiểu được từ lúc một giờ chiều. Nó đã chứa nước tiểu gần mười tiếng. Tôi không hình dung được làm thế nào để đưa nó ra ngoài rồi đưa vào để nó có thể đi tiểu được. Dang chân nó ra và đan tay mình dưới ngực nó, tôi nâng nó lên để nó đứng bằng bốn chân. Chúng tôi cùng ì ạch đi ra phía cửa trước. Tôi giữ chặt nó trong khi nó nhảy lò cò về phía trước. Nhưng ra đến ngoài hiên thì nó dừng lại. Mưa đang trút xuống, và những bậc thang trước hiên nhà, nữ thần báo ứng của nó, hiện ra trơn trượt, ướt át ngay trước mặt. Trông nó có vẻ mất bình tĩnh.
- Đi nào. - Tôi nói - Chỉ đi tiểu nhanh thôi, rồi chúng ta sẽ quay vào trong ngay.
Nó không định làm thế. Tôi ước gì tôi có thể thuyết phục nó chỉ đi ra đến ngay ngoài hiên rồi giải quyết ở đó, nhưng không thể nào dạy con chó già này cái mánh mới đó. Nó nhảy lò cò quay vào trong, ủ rũ nhìn tôi tỏ vẻ xin lỗi vì nó biết cái gì đang đến.
- Chúng ta sẽ thử lại sau. - Tôi nói.
Như thể nghe thấy ám hiệu cho mình, nó ngồi xổm trên ba chân còn lại, trút sạch nước trong cái bàng quang đầy ứ của nó ra sàn nhà. Một vũng nước nhỏ lan ra quanh nó. Đó là lần đầu tiên kể từ khi là một chú chó con nhỏ xíu, Marley đi tiểu trong nhà.
Sáng hôm sau Marley đã khá hơn, dù vẫn đi tập tễnh gần như một người tàn phế. Chúng tôi đưa nó ra ngoài, ở đó nó đi tiểu và đi ngoài mà không có vấn đề gì. Đếm đến ba, Jenny và tôi cùng nâng nó lên những bậc thềm để mang nó vào bên trong.
- Anh có cảm giác. - Tôi nói với cô ấy - Rằng Marley sẽ không bao giờ nhìn thấy lầu trên của ngôi nhà này lần nữa.
Hiển nhiên đó là lần cuối cùng nó trèo lên gác. Kể từ bây giờ trở đi, nó sẽ phải làm quen với việc sống và ngủ dưới tầng trệt.
Hôm đó tôi đang làm việc ở nhà, trong phòng ngủ trên gác, viết một bài báo bằng máy tính xách tay, thì nghe thấy tiếng động mạnh ở cầu thang. Tôi ngừng đánh máy và lắng nghe. Âm thanh ngay lập tức thấy quen thuộc. Thứ âm thanh ầm ĩ, nặng nề như thể vó ngựa đang phi nước đại lên ván cầu. Tôi nhìn ra chỗ cửa vào phòng ngủ và nín thở. Vài giây sau, Marley thình lình thò cái đầu của nó gần góc tường và thong dong bước vào phòng. Đôi mắt nó sáng lên khi nó phát hiện ra tôi. Thì ra ông chủ ở đây! Nó đâm sầm vào lòng tôi để xin tôi gãi tai nó, điều mà tôi nghĩ nó chắc chắn sẽ nhận được.
- Marley, mày đã làm được! - Tôi kêu lên - Con chó săn già này! Tao không thể tin là mày lên đây được!
Tôi ngồi xuống sàn nhà và tóm lấy cổ nó. Nó ngoái đầu lại, gặm cổ tay áo tôi. Đó là một dấu hiệu tốt, tính cách của một con chó con nghịch ngợm vẫn còn ở trong nó. Ngày nào nó vẫn ngồi yên để tôi vỗ về mà không cố gắng chiến đấu lại chính là lúc tôi biết nó đã chịu đựng đủ. Đêm hôm trước nó dường như đến ngưỡng cửa tử thần, và tôi lại gượng mình chờ điều tồi tệ nhất. Hôm nay nó đang thở hồng hộc, cào cào và ra sức liếm láp tay tôi. Ngay khi tôi nghĩ hành trình dài và may mắn của nó đã kết thúc thì nó lại quay trở lại.
Tôi nâng đầu nó lên để nó nhìn vào mắt tôi.
- Mày sẽ nói với tao khi nào là đến lúc, phải không? - Tôi nói, giống một lời tuyên bố hơn là một câu hỏi. Tôi không muốn phải tự mình quyết định.
- Mày sẽ nói cho tao biết chứ?