Suốt ba ngày sau đó, tôi tự do thả mình cùng với Marley. Tôi nằm trên sàn trong khi nó nhảy nhót xung quanh. Tôi vật nhau với nó. Tôi lấy một cái khăn tay cũ, chơi kéo co với nó. Không ngờ nó khỏe đến thế. Nó theo tôi đi khắp nơi, thấy thứ gì vừa với hàm là y như rằng gặm bằng được. Chỉ mất một ngày để nó phát hiện ra thứ thú vị nhất trong ngôi nhà mới: giấy vệ sinh. Nó lẻn vào phòng tắm, năm giây sau, phi ngược trở ra với lõi cuộn giấy ngậm trong mồm, theo sau là một dải ruy băng giấy bung ra khi nó chạy hộc tốc vòng quanh nhà. Nhà tôi y như được trang trí chuẩn bị cho lễ Haloween vậy.
Cứ độ nửa giờ, tôi lại dắt nó ra sân sau để đi vệ sinh. Khi nó bậy trong nhà, tôi quát. Khi nó tiểu bên ngoài, tôi cọ má vào nó, khen ngợi với giọng ngọt ngào nhất. Còn khi nó ị ngoài sân, tôi tiếp tục tuyên dương như thể nó vừa giao nộp vé số độc đắc Florida.
Từ Disney World về, Jenny cũng mê mẩn Marley y như tôi. Nhìn cảnh đó thật đáng kinh ngạc. Mỗi ngày tôi lại thấy ở người vợ trẻ của mình thêm những nét dịu dàng, nhẹ nhàng, khéo tay chăm sóc mà tôi chưa từng biết là có tồn tại. Cô ấy ôm ấp, vuốt ve nó. Cô ấy vui đùa với nó, cực kỳ quan tâm tới nó. Jenny bới từng sợi lông của nó để tìm bắt bọ chét và ve. Hết đêm nay qua đêm khác, cứ vài giờ cô ấy lại thức dậy để dắt nó ra ngoài đi vệ sinh. Hơn tất cả mọi thứ, chuyện đó đã dạy nó đi vệ sinh đúng chỗ chỉ sau vài tuần ngắn ngủi.
Chủ yếu cô ấy là người cho nó ăn.
Theo hướng dẫn ghi trên túi thức ăn cho chó con, chúng tôi cho Marley ăn ba bát lớn mỗi ngày. Nó ngấu nghiến chén sạch chỉ trong vài giây. Cái gì đi vào thì cũng phải đi ra, dĩ nhiên là thế. Ngay sau đó, sân sau nhà tôi không khác gì một bãi mìn. Chúng tôi chẳng dám mạo hiểm bước ra ngoài đó mà không căng mắt nhìn. Marley ngon miệng bao nhiêu thì phân nó thải ra nhiều hơn bấy nhiêu, từng đống khổng lồ, trông không khác gì thứ vừa mới đi vào từ đầu kia. Không hiểu nó có tiêu hóa mấy thứ đó không nữa?
Chắc là có. Marley lớn nhanh như thổi. Giống mấy cây leo nhiệt đới ngoài kia, chỉ mất vài giờ có thể bao phủ nguyên một ngôi nhà. Marley phát triển theo cấp số mũ về mọi mặt. Mỗi ngày, trông nó lại dài hơn một xíu, to ngang hơn một xíu, cao hơn một xíu, nặng hơn một xíu. Hồi mới về nó nặng chín cân rưỡi. Sau vài tuần nó đã được gần hai mươi ba cân. Còn nhớ hôm đón nó về, cái đầu nhỏ nhắn dễ thương của nó tôi có thể dễ dàng nắm bằng một tay, giờ đã phát triển nhanh chóng thành thứ hình thù na ná cái đe thợ rèn. Chân nó bự hơn, hai bên sườn cuồn cuộn những múi cơ, còn ngực thì nở nang như xe ủi đất. Đúng như sách nói, mẩu đuôi con con của nó đang trở nên to và khỏe như đuôi rái cá.
Cái đuôi mới thật ghê gớm làm sao. Mọi vật dụng trong nhà, cứ đặt tầm ngang đầu gối hoặc thấp hơn đều bị đánh bay bởi thứ vũ khí quẫy loạn xạ của Marley. Nó dọn sạch bàn cà phê, rải tạp chí khắp nhà, hất khung ảnh khỏi giá, liệng bay cốc bia, ly rượu. Thậm chí nó còn đập vỡ luôn cả một tấm kính trên cửa ra vào kiểu Pháp. Dần dà, mọi đồ đạc chưa bị đập vỡ đều được di trú tới những chỗ cao hơn tầm quét của cái vồ ấy. Bạn bè tôi cùng con cái đến chơi sẽ phải ngạc nhiên, "Nhà anh chị đúng là để chống trẻ em đấy!"
Thực ra thì cũng không hẳn là Marley vẫy đuôi. Nó ngúng nguẩy toàn thân thì đúng hơn. Bắt đầu từ hai vai trước, rồi kéo ra tới sau. Nó cứ như phiên bản hình chó của một cái lò xo Slinky. Chúng tôi thề là chẳng có tí xương nào bên trong nó cả, chỉ có mỗi một cái lớn, đó là cơ bắp đàn hồi. Jenny bắt đầu gọi nó là Ngài Ngúng Nguẩy.
Nó ngúng nguẩy nhiều nhất mỗi khi ngậm thứ gì đó trong miệng. Phản ứng của nó với mọi tình huống đều y hệt nhau: tợp lấy chiếc giày, gối hay mẩu bút chì gần nhất - đúng ra là bất cứ vật gì có thể - rồi bỏ chạy thục mạng. Như thể có tiếng thì thầm vang lên trong đầu thúc giục nó: "Tiến lên! Ngoạm lấy nó! Phủ đầy nước dãi lên nó! Chạy đi!"
Món nào nho nhỏ đủ để ngậm trong mồm làm nó cực kỳ phấn khích. Hình như nó nghĩ nó đang bỏ trốn cùng với thứ đó. Nhưng Marley không bao giờ được như tay chơi bài pô-cơ. Khi ngậm thứ gì đó, nó không che giấu nổi sự vui sướng. Nó luôn làm om sòm, nhưng sau đó có lúc lại tỏ vẻ rất tập trung cảnh giác, như thể có gã láu cá vô hình nào đó vừa chơi khăm nó. Người nó run lên, đầu ngúc ngoắc bên này bên kia, toàn bộ phần thân sau nhún nhún theo một điệu nhảy. Chúng tôi gọi đó là điệu Mambo Marley.
- Được rồi, xem mày có gì nào? - Tôi nói.
Khi tôi lại gần, nó giở quẻ bày trò lẩn trốn, chạy vòng quanh phòng, hông ngúng nguẩy, đầu gật gù như con ngựa non đang hí, bộc lộ vẻ phấn khích không dằn lòng nổi với chiến lợi phẩm bị cấm. Cuối cùng tôi cũng dồn được nó vào góc phòng, bạnh hàm nó ra, và chưa bao giờ phải ra về tay trắng. Lần nào cũng có thứ gì đó nó lôi ra từ đống rác, sàn nhà, hoặc khi nó cao hơn thì ở bàn trong phòng ăn. Giấy hộp Kleenex, hóa đơn tạp hóa, đồ mở nút rượu, kẹp giấy, quân cờ, nút chai - không khác gì một bãi rác. Có hôm tôi banh hàm nó ra, soi vào để tìm cái thẻ thanh toán đang dính vào vòm họng nó.
Vài tuần đầu, chúng tôi thường hồi tưởng về cuộc sống trước kia ra sao, khi chưa có gã khách trọ mới này. Sau đó thì mọi việc đều đi vào khuôn khổ. Khởi đầu ngày mới, thay vì nhâm nhi một tách cà phê, tôi dẫn nó đi bộ ra bờ biển rồi quay lại. Sau bữa sáng, trước khi đi tắm, tôi tuần tra sân sau với một cái xẻng, chôn mấy bãi mìn của nó trong cát ở phía sau khu đất. Jenny đi làm trước chín giờ, còn tôi hiếm khi ra khỏi nhà trước mười giờ. Khi đi làm, việc đầu tiên là xích Marley ở ngoài boong-ke bê tông với một bát nước sạch, một đống đồ chơi, kèm theo chỉ thị vui vẻ: "Ngoan nhé, Marley." Mười hai rưỡi, Jenny về nhà nghỉ trưa. Tầm đó cô ấy sẽ cho Marley ăn bữa trưa, chơi ném bóng với nó ở sân sau tới khi nó mệt lử. Mấy tuần đầu, cô ấy cũng hay đi bộ về nhà vào giữa chiều để thả nó ra. Rồi sau đó, hầu như cứ sau bữa tối là chúng tôi lại cùng nhau tản bộ với nó ra bờ biển, dọc khu Intracoastal, khi những du thuyền từ Palm Beach neo lại nghỉ ngơi trong ánh chiều tà.
Tản bộ chắc chắn là một từ sai. Marley đi dạo mà không khác gì bỏ trốn. Nó lao đi, kéo căng sợi xích bằng tất cả sức lực, trong khi cổ bị bóp nghẹt. Nó giật mạnh ra đằng sau; kéo giật chúng tôi về phía trước. Chúng tôi kéo; nó giật, ho khạc y như một gã nghiện thuốc lá vì vòng dây siết chặt cổ. Nó xoay trái xoay phải, lao vào mọi thùng thư, bụi cây, khụt khịt, thở hồng hộc, và tè không ngừng, lắm khi tè lên chính người nó hơn là trúng mục tiêu đã định. Nó chạy vòng quanh, quấn xích quanh mắt chân chúng tôi trước khi lao về phía trước, làm chúng tôi suýt ngã. Khi thấy ai đó dắt chó tới gần, Marley sung sướng phi vào họ, đứng phắt dậy bằng hai chân sau khi bị căng dây xích, làm bộ khao khát được kết bạn. "Chắc nó phải yêu đời lắm đấy." Có người nhận xét vậy, và có lẽ câu đó đã nói lên tất cả.
Nó vẫn còn nhỏ nên chúng tôi có thể giành phần thắng trong cuộc chiến dây xích này. Nhưng mỗi tuần, cân bằng sức lực lại thay đổi. Nó đang lớn hơn, to và khỏe hơn. Hiển nhiên là một ngày không xa, nó sẽ khỏe hơn cả hai chúng tôi. Chúng tôi biết mình sẽ phải kiềm chế, dạy dỗ cho nó biết nghe lời, nếu không có ngày nó kéo chúng tôi vào gầm xe ô tô qua đường mất. Bạn bè tôi, đều là những tay nuôi chó kỳ cựu, bảo chúng tôi không nên vội vàng dạy nó phục tùng. "Còn sớm quá," có người khuyên. "Hãy thoải mái với tuổi mới lớn của nó chừng nào còn có thể. Rồi cũng sớm qua thôi. Khi ấy anh chị có thể nghiêm túc huấn luyện nó."
Chúng tôi đã làm thế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi để mặc nó thích làm gì thì làm. Chúng tôi đặt ra những phép tắc và kiên trì thực hiện chúng. Giường và đồ đạc trong nhà, cấm không được bén mảng tới. Uống nước trong bồn cầu, ngửi đũng quần, nhai chân ghế là những tội có thể bị phạt, dù thực tế đáng bị ăn chửi. "Không" trở thành từ chúng tôi ưa dùng. Chúng tôi làm việc với nó bằng mấy lệnh cơ bản - lại đây, ở yên đó, ngồi xuống, nằm xuống - nhưng thành công chỉ có hạn. Marley còn nhỏ và rất hiếu động. Nó dễ bị kích động. Tác động nào cũng sẽ làm nó rơi vào trạng thái bị kích thích như trái bóng bật tường. Chúng tôi không nhận ra chuyện đó mãi cho tới những năm về sau. Ngay từ rất sớm nó đã bộc lộ những dấu hiệu của một trạng thái, sau này được dùng để mô tả hành vi của hàng nghìn đứa trẻ đi học luôn có tâm trạng bồn chồn lo lắng và khó kiểm soát. Con chó con nhà tôi là điển hình cho chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Tuy nhiên, bất chấp những trò quậy con trẻ của nó, Marley vẫn đóng một vai trò quan trọng trong ngôi nhà cũng như mối quan hệ của chúng tôi. Qua việc nó không thể tự lực được đã cho thấy Jenny làm mẹ tốt như thế nào. Cô ấy chăm bẵm nó vài tuần, và chưa giết chết nó. Thậm chí ngược lại, nó còn lớn nhanh như thổi. Chúng tôi đùa rằng có khi phải bắt đầu cắt bớt khẩu phần ăn để kìm hãm sự phát triển và giảm bớt nguồn năng lượng bên trong nó.
Sự biến đổi của Jenny, từ một sát thủ giết cây vô tình trở thành một bà mẹ chăm chó tiếp tục làm tôi kinh ngạc. Tôi nghĩ có khi bản thân cô ấy cũng thấy ngạc nhiên về mình một chút. Cô ấy thực có năng khiếu đấy. Có hôm Marley nôn ọe dữ dội, tôi còn chưa kịp định thần thì Jenny đã có mặt. Cô ấy nhào xuống, banh hàm nó bằng một tay, tay kia thọc sâu vào bên trong họng, lôi ra cái nhùi bằng bóng kính to bự, nhơ nhớp nước dãi. Chuyện thường ngày thôi ấy mà. Marley ho hắt ra một cái, đập đuôi vào tường, rồi ngước nhìn cô ấy với vẻ mặt như muốn nói. Chúng ta làm lại nhé?
Khi đã thoái mái hơn với thành viên mới trong nhà, chúng tôi cũng vô tư nói chuyện mở rộng gia đình mình theo cách khác. Thời gian có Marley ở nhà, chúng tôi thôi không dùng các biện pháp tránh thai nữa. Ý tôi là không hẳn chúng tôi muốn có thai vì cả hai vốn muốn sống tự do chừng nào còn có thể. Đúng hơn là, chúng tôi quay lại vấn đề đó, chỉ đơn thuần dừng việc cố gắng không có thai. Lập luận rối tung rối mù lên cả. Chúng tôi biết chứ. Nhưng không biết làm sao chuyện đó lại khiến cả hai cảm thấy tốt hơn. Không áp lực. Không gì hết. Chúng tôi không cố gắng để có con. Chúng tôi chỉ đang để điều gì xảy ra sẽ xảy ra. Thuận theo lẽ tự nhiên. Điều gì đến, sẽ đến, vậy thôi.
Nhưng thực tế chúng tôi bắt đầu lo sợ. Chúng tôi có vài cặp bạn đã nỗ lực hàng tháng trời, thậm chí hàng năm, để thụ thai nhưng bất thành. Dần dần họ công khai thừa nhận sự tuyệt vọng của mình. Trong những bữa tiệc tối, câu chuyện của họ ám ảnh quanh những lần đi khám bác sĩ, số lượng tinh trùng, rồi thì chu kỳ kinh nguyệt. Những câu chuyện làm những người khác cùng bàn thêm ái ngại. Ý tôi là, bạn sẽ phải nói gì đây? "Tôi nghĩ lượng tinh trùng của anh cũng ổn!" Câu đó nghe đau lòng lắm. Chúng tôi cũng sợ chết đi được, sợ mình cuối cùng cũng nhập bọn với họ mất.
Jenny từng phải trải qua vài lần chiến đấu với bệnh lạc nội mạc tử cung trước khi chúng tôi lấy nhau. Cô ấy cũng từng phẫu thuật nội soi để cắt bỏ mô sẹo thừa ở ống dẫn trứng. Những chuyện đó báo điềm chẳng lành cho khả năng sinh nở của cô ấy. Đáng lo hơn nữa là một bí mật nho nhỏ ngày xưa của chúng tôi. Trong những ngày đầu quan hệ say đắm, khi cơn thèm muốn bóp nghẹt bất cứ thứ gì tuân theo lẽ thường, chúng tôi vứt hết mấy cái cảnh báo vào góc phòng cùng với đống quần áo, làm tình tự do, liều lĩnh, không thèm sử dụng phương pháp tránh thai nào. Sau này ngẫm lại, chúng tôi nên quỳ xuống cảm ơn vì không ngờ tránh được chuyện mang thai ngoài ý muốn. Thế nhưng, giờ thì điều chúng tôi có thể nghĩ lại là, Chúng tôi có gì không ổn đây? Không cặp bình thường nào lại có thể ngủ với nhau, không có biện pháp bảo vệ như thế, mà lại tránh khỏi chuyện đó cả. Cả hai giờ đều tin rằng, việc thụ thai chẳng phải một chuyện dễ dàng.
Thế là khi bạn bè kể về những kế hoạch của họ để thụ thai, chúng tôi vẫn im lặng. Jenny giấu đơn thuốc ngừa thai của mình trong hộp thuốc rồi quên nó đi. Nếu cô ấy gắng sức tới cùng để có thai, thật tuyệt vời. Nhưng nếu không, tốt thôi, dù sao thì lúc này chúng tôi cũng đâu có thực sự cố gắng, phải không nào?
***
Mùa đông ở West Palm Beach là khoảng thời gian thú vị nhất năm, với những đêm khô lạnh, còn ngày nắng ấm và khô ráo. Sau mùa hè mỏi mệt dài lê thê, lúc nào cũng phải dùng điều hòa hoặc chạy từ bóng cây này sang cây khác để trốn ánh mặt trời gay gắt, mùa đông là thời gian chúng tôi tận hưởng vẻ dễ chịu xứ cận nhiệt đới. Chúng tôi dùng bữa ngoài hiên sau nhà, ép cam tươi từ cây ở sân sau vào mỗi sáng, chăm sóc vườn thảo mộc nhỏ xíu cùng mấy cây cà chua dọc theo mặt bên nhà, ngắt những cánh hoa dâm bụt thả vào bát nước nhỏ trên bàn phòng ăn. Ban đêm, chúng tôi ngủ dưới cửa sổ mở, thoang thoảng trong không khí là hương hoa dành dành.
Một ngày đẹp trời cuối tháng Ba, Jenny mời một cô bạn cùng làm về nhà, mang theo con giống Basset Hound(6), tên là Buddy, cho hai con chó chơi chung với nhau một ngày. Buddy là con chó có khuôn mặt buồn nhất tôi từng thấy. Chúng tôi để hai con chó tự do trong vườn, mặc chúng nhảy nhót vui đùa. Buddy Già không hiểu cái gì làm cho tên nhóc màu vàng hiếu động này cứ chạy nhảy luôn chân, không ngừng nghỉ vòng quanh nó. Nhưng nó vui vẻ đón nhận việc đó. Hai con chó nô đùa với nhau hơn một giờ đồng hồ, trước khi cả hai nằm bẹp dưới bóng mát cây xoài, mệt lử.
Mấy hôm sau, Marley bắt đầu gãi sồn sột. Nó cào khắp người, chúng tôi e có thể nó bị con gì đó chích. Jenny quỳ xuống, làm công việc kiểm tra thường ngày, lùa ngón tay vào lớp lông, tách lông nó ra, tới khi nhìn thấy lớp da bên dưới. Chỉ vài giây, cô ấy hét toáng lên:
- Quỷ thật! Anh xem này!
Tôi ngó qua vai cô ấy, dòm vào chỗ lông vừa bới ra, thấy ngay một chấm đen nhỏ xíu. Chúng tôi vật nó nằm xoài ra sàn, tỉ mỉ kiểm tra từng centimet lông nó. Marley run rẩy trước sự quan tâm của hai người cùng lúc, tim đập thình thịch hạnh phúc, đuôi đập liên hồi xuống sàn. Chỗ nào chúng tôi mó tới cũng thấy chúng. Bọ chét! Hàng đàn bọ chét. Chúng ở kẽ ngón chân, dưới vòng cổ, chui cả vào tai nó. Đến nỗi giả sử chúng chậm rì rì dễ tóm được, mặc dù không phải thế, thì cũng có quá nhiều để bắt ra.
Chúng tôi có nghe về nạn bọ chét và ve kinh điển ở Florida này. Với thời tiết không lạnh, thậm chí còn chẳng có sương giá, lũ bọ tha hồ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm. Ở đây, đến các biệt thự của dân triệu phú dọc bờ biển Palm Beach cũng đầy gián. Jenny kinh hãi; khắp người con chó con của cô ấy đang nhung nhúc lũ bọ ký sinh. Dĩ nhiên, chúng tôi đổ lỗi ngay cho Buddy mà chẳng cần bằng chứng nào. Jenny tưởng tượng lũ bọ không chỉ đang quấy phá Marley, mà còn toàn bộ ngôi nhà của chúng tôi nữa. Không nói không rằng, cô ấy chộp lấy chìa khóa xe, phi ra ngoài.
Nửa giờ sau, Jenny quay lại với một túi đầy ắp hóa chất, đủ tạo hẳn một vùng ô nhiễm. Cơ man nào là nước tắm diệt bọ chét, thuốc bột diệt bọ, bình xịt bọ chét, thuốc bọt diệt bọ, thuốc nước diệt bọ. Còn có cả một bình thuốc trừ sâu cho cỏ, thứ mà gã bán hàng bảo cô ấy phải xịt nếu muốn có cơ hội bắt những tên khốn tí hon này phải quy hàng. Rồi cả một chiếc lược thiết kế đặc biệt để khử trứng bọ nữa chứ
Tôi thọc tay vào túi, rút hóa đơn ra, kinh ngạc:
- Chúa ơi, em yêu. Chúng ta có thể phải thuê máy bay riêng để phun đống thuốc này đấy.
Vợ tôi không quan tâm. Cô ấy hiện hình lại là một sát thủ - lúc này để bảo vệ những người cô ấy yêu thương - và rõ ràng cô ấy có ý định nghiêm túc. Cô ấy điên cuồng lao vào thực thi nhiệm vụ. Cô ấy lau chùi cọ rửa Marley trong chậu giặt, dùng xà bông đặc biệt. Sau đó cô ấy trộn lẫn nước tắm chứa hóa chất tương tự, tôi xin chú thích là, như thuốc trừ sâu cho cỏ, dội ào ào lên người nó tới khi toàn bộ người nó ướt sũng. Marley sấy khô trong ga-ra, bốc mùi như một nhà máy hóa chất Dow Chemical thu nhỏ. Jenny cáu tiết hút bụi - sàn nhà, tường, thảm, màn cửa, bàn ghế. Rồi cô ấy xịt tùm lum. Khi vợ dội rửa trong nhà với thuốc diệt bọ, tôi cũng hì hục dội rửa bên ngoài. Xong xuôi, tôi hỏi:
- Em nghĩ ta đã diệt hết đám bọ đó chưa?
- Em nghĩ là rồi. - Cô ấy đáp.
Cuộc tổng tấn công toàn diện của chúng tôi nhắm tới lũ bọ chét ở số 345 phố Churchill là một thành công vang dội. Chúng tôi kiểm tra Marley hàng ngày, săm soi kẽ ngón chân, dưới tai, dưới đuôi, dọc theo bụng nó, bất cứ chỗ nào có thể thấy. Chúng tôi không tìm được bóng dáng con bọ chét nào nữa. Chúng tôi kiểm tra thảm, đi văng, màn cửa, bãi cỏ - không có gì hết. Chúng tôi đã tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù.