Đối với những nhân viên thông minh, mưu trí, đối phó với lãnh đạo gian xảo là việc vừa mạo hiểm vừa kích thích. Giống như người huấn luyện rắn hổ mang ở Ấn Độ có thể điều khiển con rắn độc nhảy múa theo tiếng sáo. Cấp trên gian xảo không đáng sợ, điều đáng sợ là bạn không phải là đối thủ của đối phương.
1
ĐỀ CAO CẢNH GIÁC TRƯỚC CẤP TRÊN GIAN XẢO
Trước cấp trên gian xảo, cho dù là vào lúc nào và ở đâu, nhân viên không được buông lỏng cảnh giác
Làn sóng kinh tế thị trường đã tạo ra cả anh hùng và gian hùng. Trong đội ngũ lãnh đạo cũng đồng thời có cả anh hùng và gian hùng. Một số lãnh đạo lòng dạ xấu xa, thiếu đạo đức và giàu lên nhanh chóng nhờ các thủ đoạn không chân chính. Cho dù doanh nghiệp của họ hoạt động hợp pháp, phương thức kinh doanh của họ không nhìn ra điểm phi pháp, nhưng họ luôn gian lận trong cách thức quản lí để bóc lột nhân viên.
Những lãnh đạo gian hùng này rất khó dùng pháp luật để kiềm chế, cũng không dễ dùng đạo nghĩa để răn đe. Khi làm nhân viên của những người này, muốn không bị họ thao túng, ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật để phòng thân, bạn còn cần thấu hiểu nghệ thuật hợp tác với họ.
Tín điều mà nhóm lãnh đạo gian hùng này theo đuổi là “cá lớn nuốt cá bé” hoặc “được nước lấn tới”. Vậy nên luôn có một số nhân viên cả tin, thiếu bản lĩnh bị ông chủ vô lương tâm lợi dụng, gây khó dễ. Trước đây, ở một công ty nước ngoài từng xảy ra vụ án tham ô mà thủ phạm chính là giám đốc. Nhưng khi cơ quan điều tra thu thập chứng cứ và tiến hành khởi tố, một nhân viên trung thành đã mềm lòng chấp nhận đứng ra nhận tội thay ông chủ. Để nhân viên chịu trách nhiệm thay mình, các lãnh đạo gian hùng hoặc là dụ dỗ, mua chuộc, hoặc là đe dọa, uy hiếp, có mềm có cứng, rất bài bản.
Vậy nên, trước lãnh đạo gian xảo, cho dù là vào lúc nào và ở đâu, nhân viên không được buông lỏng cảnh giác. Hãy cẩn thận kẻo bị ông chủ đổ vấy trách nhiệm khi công việc xảy ra vấn đề.
Khi kí hợp đồng lao động với nhân viên, các lãnh đạo gian hùng thường cài cắm những nội dung bất lợi cho nhân viên trên những phương diện quan trọng với người lao động như: chế độ lương thưởng, nội dung công việc, điều kiện làm việc... Họ sẽ cố tình đánh tráo khái niệm, đề cập vòng vo, hoặc lách luật... khiến cho nhân viên hiểu sai nội dung thỏa thuận. Để tránh bị ông chủ vô lương tâm lợi dụng hay phát sinh kết cục không mong muốn về sau này, trước khi kí hợp đồng lao động, nhân viên cần tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực này, ví dụ như luật sư, công đoàn, những người đi trước... về các nội dung có trong hợp đồng.
Nội bộ công ty của các lãnh đạo gian hùng thường bao phủ bởi một bầu không khí không tiêu cực. Ông chủ lợi dụng nhân viên, nhân viên “trả đũa” lại ông chủ, đôi bên cùng chơi chiêu với nhau, thật giả lẫn lộn. Tóm lại, khi bạn gặp phải kiểu lãnh đạo gian hùng này, hãy chú ý để không bị cuốn vào vòng tranh chấp, trước hết nên học cách làm người đứng giữa. Bạn phải hành động cẩn thận, đặc biệt chú ý lời nói của bản thân. Không chỉ phát ngôn thận trọng lúc bình thường mà khi hội họp cũng không nên nói nhiều. Bạn phải biết rằng con đường làm việc chung cùng lãnh đạo gian hùng kị nhất là bộc trực. Nói cách khác, khi bạn mới gia nhập một công ty, đừng vội vàng kết giao với nhân viên khác. Một là để đề phòng tai mắt của lãnh đạo, hai là tránh bị lôi kéo vào bè phái nội bộ, hoặc bị các bên lợi dụng trong cuộc chiến của họ.
Nếu bạn gặp phải một lãnh đạo gian xảo, cách tốt nhất là từ chức, rời khỏi doanh nghiệp đó, kiếm một công việc khác. Nếu vì hoàn cảnh, bạn bất đắc dĩ phải làm việc tại đó, vậy thì bạn phải luôn đề cao cảnh giác. Khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, bạn phải dám đứng lên dùng luật pháp và dư luận xã hội để đòi lại công bằng cho bản thân. Cũng tuyệt đối đừng tin tưởng rằng lãnh đạo gian hùng sẽ thừa nhận sai lầm trước bạn. Là nhân viên, trước kiểu ông chủ như vậy, nếu bạn không biết nhìn nhận vấn đề theo cách này, vậy thì nhiều khả năng bạn không thể thoát khỏi cái bẫy được giăng sẵn của họ, hoặc sẽ bị họ chèn ép, bóc lột đến tận cùng.
Hãy nhớ kĩ lời dặn của nhà văn Romain Rolland: “Thật là thiếu khôn ngoan khi giao bản thân cho người khác.”
Đương nhiên, đối với một số nhân viên có năng lực, có mưu trí, “so chiêu” cùng lãnh đạo gian hùng là một việc vừa mạo hiểm vừa kích thích. Giống như người huấn luyện rắn hổ mang ở Ấn Độ có thể điều khiển con rắn nhảy múa theo tiếng sáo. Chúng ta cần phải nhìn nhận chính xác về quan niệm: Trừng phạt kẻ ác không phải là tội lỗi mà là mưu lược.
Lãnh đạo gian xảo không đáng sợ, điều đáng sợ là bạn không phải là đối thủ của đối phương. Từ góc độ này, ông chủ gian hùng cũng không thể nào luôn luôn chèn ép nhân viên. Chỉ cần bạn đề cao cảnh giác, biết cách sống chung với kiểu lãnh đạo này, bạn sẽ được an toàn tại chốn văn phòng.
2
ĐỐI PHÓ VỚI CÁC KIỂU CẤP TRÊN
Mỗi lãnh đạo lại có tính cách, cách hành xử khác nhau. Nhân viên thông minh sẽ nhanh chóng nhìn ra cấp trên của mình là kiểu người nào để có cách ứng xử phù hợp
Tại chốn công sở, bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều lãnh đạo. Dưới đây là những kiểu cấp trên mà bạn có thể gặp:
Cấp trên nóng tính
Có người trời sinh tính khí dữ dằn, tâm tình rất dễ mất khống chế. Những cấp trên kiểu này thường xuyên nổi giận vì những việc nhỏ nhặt, thậm chí công khai hạ bệ cấp dưới, khiến nhiều người không đồng tình.
Trước hết, hãy xem xét nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này. Hãy nghiên cứu thói quen làm việc của cấp trên để tìm hiểu xem bản tính nóng nảy của anh ta có mô thức nhất định hay không? Liệu có vấn đề gì giữa cấp trên và bạn hay không? Hay là cấp trên của bạn đang phải thực hiện một nhiệm vụ khó nên mới căng thẳng như vậy?
Trả lời được những câu hỏi này, bạn mới có thể đưa ra phản ứng phù hợp để ngăn chặn sự việc tái diễn lần nữa.
Lại xem xét tiếp, ở bộ phận của bạn có đồng nghiệp nào giỏi ứng đối với cấp trên không? Hãy học hỏi từ họ mấy tuyệt chiêu hữu ích nhé!
Khi cấp trên nổi giận, bạn đừng cố thoái thác trách nhiệm hoặc thanh minh cho bản thân. Chỉ cần bình tĩnh nói với sếp: “Tôi sẽ chú ý việc này!” hoặc “Tôi sẽ kiểm tra lại ngay!” sau đó nhanh chóng rời đi. Mục tiêu bỗng nhiên đi mất, cấp trên sẽ không còn đối tượng để trút giận.
Cấp trên thiếu quyết đoán
Chắc hẳn bạn đã từng trải nghiệm cảm giác bối rối “không biết lối nào mà lần” vì cấp trên thường xuyên thay đổi quyết định hay phát ngôn.
Hãy tìm hiểu xem động cơ nào dẫn đến thái độ, hành vi này của cấp trên. Có một số người ba phải vì thiếu chính kiến, thiếu quyết đoán. Cấp trên vừa có tính cách như vậy lại vừa có địa vị công tác cao hơn bạn, vì vậy tự cho mình quyền thay đổi quyết định, và sẽ không vì thế mà xin lỗi bạn.
Trong trường hợp này, tốt nhất bạn cứ làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Tuy nhiên bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lí, chưa đến thời hạn cuối cùng thì không nhất thiết phải chấp hành đến cùng. Ví dụ, nếu được yêu cầu lên kế hoạch công tác, vậy trước tiên bạn chỉ nên làm đề cương, tùy theo quyết định của cấp trên mà thêm bớt nội dung cụ thể sau. Đó chính là cách làm sáng suốt.
Giả sử bạn phát hiện cấp trên có thái độ “sáng nắng chiều mưa” không phải do tính cách mà là cố ý làm vậy để khiến bạn nản chí hoặc thị uy với bạn. Đối với kiểu cấp trên này, bạn phải đối phó như thế nào? Vào những lúc thích hợp, bạn hãy bày tỏ chính kiến của mình một cách khéo léo. Ví dụ, bạn lập một bản kế hoạch công việc theo chỉ thị của cấp trên. Khi nộp bản kế hoạch này, bạn hãy nói rằng: “Tất cả đều được thực hiện theo chỉ thị của sếp, sếp còn muốn thay đổi gì không ạ?”
Cấp trên tập quyền
Cấp trên theo chủ nghĩa tập quyền có thói xấu thích soi mói, bắt bẻ và can thiệp vào việc cá nhân của cấp dưới. Ví dụ, cấp trên không muốn bạn giao du cùng đồng nghiệp thuộc bộ phận khác, không muốn bạn sau khi tan làm còn đi học thêm ngoại ngữ, không muốn bạn cùng đồng nghiệp tụ tập lúc rảnh rỗi...
Nếu bạn thân cô thế cô trước vị cấp trên kiểu này, thì cách thông minh nhất là cùng sát cánh bên các đồng nghiệp khác, lẳng lặng phản kháng.
Đồng nghiệp thuộc bộ phận khác hẹn bạn đi ăn, bạn hoàn toàn có thể đồng ý, bởi vì về công về tư, các bạn vẫn nên giao lưu cùng nhau. Hoặc sau khi tan làm, đồng nghiệp rủ nhau đi vui chơi giải trí cũng là ý hay. Hoặc đồng nghiệp tặng quà cho nhau cũng là chuyện nên làm. Những chuyện này nếu bị cấp trên tập quyền hỏi đến, bạn cứ thẳng thắn trả lời: “Chúng tôi ăn cơm cùng nhau cũng chỉ là hoạt động xã giao bình thường mà thôi.”
Nâng cao thực lực bản thân là một “vũ khí lợi hại” để mở rộng sự nghiệp của bạn. Vậy nên cấp trên không có quyền phản đối việc bạn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi học, nâng cao nghiệp vụ. Hãy kiên trì với nguyên tắc của mình, cho dù cấp trên xử ép, bạn cũng không nên sợ hãi mà chùn bước. Tuy nhiên, mục đích bạn phản kháng cấp trên tập quyền chỉ là để lấy lại quyền tự do và chủ động thuộc về bạn, chứ không phải là đối đầu với họ trong công việc. Bạn cũng đừng chỉ trích thói tập quyền của cấp trên trước mặt người khác, tránh bị gây khó dễ về sau.
Cấp trên thích cướp công
Bạn cố gắng làm việc, thể hiện hết thực lực trong công việc chỉ vì một mục đích, đó là hi vọng sớm nhận được sự coi trọng của cấp trên. Nhưng điều khiến bạn vô cùng không hài lòng chính là bạn lại gặp phải một cấp trên lười làm việc nhưng lại thích tranh công với cấp dưới, khiến bạn không thể tâm phục khẩu phục.
Từ chức, nhảy việc chỉ là cách phản ứng tiêu cực, và làm lại từ đầu thì cũng tương đương với việc lại nỗ lực một lần nữa, rất lãng phí công sức. Hơn nữa, cứ gặp khó khăn là chùn bước hoặc bỏ cuộc sẽ khiến bạn không thể tiến tới thành công. Vậy nên bạn hãy đứng lên và đối mặt với thử thách.
Nhìn chung, kiểu cấp trên lười làm này khi nhận được nhiệm vụ trọng đại sẽ không suy nghĩ nhiều mà giao ngay cho bạn thực hiện. Khi nhiệm vụ hoàn thành tốt đẹp, họ mới tiếp nhận, sau đó phủi sạch công lao của bạn. Họ sẽ báo cáo lên trên rằng thành quả này là của riêng họ để nhận lấy sự tín nhiệm và khen ngợi của lãnh đạo cấp cao.
Hãy nhớ rằng đối phương là cấp trên của bạn, anh ta có quyền phân công công việc cho bạn. Vì vậy, dù bị cấp trên cướp công, bạn cũng không nên công khai đối chất cùng anh ta. Làm vậy chỉ đẩy bạn vào thế bất lợi hơn mà thôi. Giải pháp lí tưởng là khi bạn tiếp nhận công việc cấp trên giao phó, với mỗi bước thực hiện, bạn đều mời đến ít nhất một người chứng kiến. Đương nhiên không nên công khai đi tìm người làm chứng mà nên để việc này xảy ra một cách tự nhiên, như thể trùng hợp mà người ta trông thấy bạn làm việc. Ví dụ, bạn có thể thực hiện một số công việc khi có sự xuất hiện của thư kí tổng giám đốc, mục đích là để có người biết rõ đầu đuôi sự việc. Cho dù cuối cùng thành quả công việc vẫn bị cấp trên cướp mất thì trong công ty vẫn có người biết được sự tình, một truyền mười, mười truyền trăm, như vậy là bạn đạt được mục đích.
Cấp trên không nghĩ cho cấp dưới
Nếu bạn có một cấp trên thích nịnh trên nạt dưới, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, không nghĩ cho cấp dưới, lại hay đa nghi, hẳn bạn sẽ vô cùng bực bội.
Hãy nhớ, bạn đừng nên tìm đến đồng nghiệp ở bộ phận khác để tố khổ, vạch trần cái xấu của cấp trên. Người xưa có câu: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại.” Hơn nữa, bạn có than thở với những đồng nghiệp kia thì họ cũng không thể giúp gì cho bạn. Chưa kể, bạn kể lể với người khác “chuyện xấu trong nhà” thì có khác nào cho họ một chủ đề hay ho để bàn tán, càng khiến chuyện bé xé ra to. Đối với bạn, đây chính là chuyện tuyệt đối không có lợi, chỉ có hại.
Đặc biệt là khi trò chuyện với đối tác, bạn càng không nên để lộ ý oán trách cấp trên, tránh tặng không bí mật làm ăn cho đối thủ cạnh tranh. Ngay cả khi đối tác chủ động tố khổ trước, bạn cũng phải lờ đi, coi như không hay biết.
Vậy thì bạn nên giải quyết vấn đề này như thế nào? Trước tiên, bạn hãy phân tích tính cách và phản ứng dự kiến của cấp trên trước khi nêu ý kiến với đối phương.
Đối với những cấp trên có tư tưởng bảo thủ, cái tôi quá cao, chúng ta nên uyển chuyển bày tỏ thái độ. Nếu cấp trên có tính tình tương đối phóng khoáng, không để bụng, vậy thì bạn có thể hẹn gặp anh ta và bộc bạch nỗi lòng của mình. Như vậy cả hai sẽ nhanh chóng tìm ra cách giải quyết để đôi bên cùng có lợi.
3
KHÉO LÉO ỨNG ĐỐI VỚI CẤP TRÊN
Cấp trên mãi mãi là cấp trên. Hãy chú ý những điều cấm kị khi giao lưu với đối phương
Có những lãnh đạo thường xuyên quan tâm sát sao đến công việc của cấp dưới, rất thích mượn cớ hỏi đông hỏi tây để nghe ngóng tình hình. Có thể cấp trên thực sự muốn nắm được tiến độ công việc để ra quyết định chính xác, hoặc đối phương muốn thăm dò xem bạn có để xảy ra sai sót gì không. Trong trường hợp này, cách xử lí an toàn nhất là: Khéo léo ứng đối với cấp trên.
Những sai lầm nhân viên thường mắc phải khi giao lưu với cấp trên là: Thường xuyên cố gắng đón bắt suy nghĩ của sếp để khiến họ hài lòng mà vô tình gây bất lợi cho bản thân.
Khi cấp trên hỏi thăm tình hình công việc gần đây của bạn với thái độ thân tình, bạn lại cho rằng trong trường hợp này cấp trên sẽ đánh giá cao sự trung thực, cho nên đã thật thà trả lời: “Dạo gần đây khối lượng công việc của chúng em tăng lên nhiều quá, mà yêu cầu của sếp lại cao, cho nên chúng em vất vả vô cùng!” Những lời này vào tai cấp trên sẽ được hiểu thành bạn đang có ý kiến với tác phong quản lí của đối phương, khiến anh ta hình thành tâm lí đề phòng với bạn. Kết quả là lượng công việc của bạn chỉ tăng chứ không giảm và thái độ của cấp trên đối với bạn cũng thay đổi hẳn, bạn không còn được sếp quan tâm tận tình như trước nữa. Do đó, bạn phải nhớ kĩ rằng, cấp trên mãi mãi là cấp trên. Bạn luôn phải chú ý những điều cấm kị khi giao lưu với họ được nói đến sau đây:
• Dự đoán nguyện vọng của cấp trên. Rất hiếm khi bạn đoán trúng được tâm ý của sếp. Cho dù bạn có đoán trúng, sếp sẽ không khẳng định hay phủ định suy đoán của bạn;
• Nói to hoặc nói nhanh. Hãy yên tâm là cấp trên có đủ thời gian dành cho bạn, và không gian trong văn phòng cũng không quá ồn ào đến mức sếp không thể nghe rõ lời bạn nói;
• Hỏi đồng nghiệp xem họ cho rằng cấp trên sẽ muốn bạn làm những việc gì. Điều gì khiến bạn nghĩ rằng đồng nghiệp có thể cho bạn câu trả lời chính xác? Họ có thể hiểu lòng cấp trên hơn bạn hay sao? Thậm chí, một số đồng nghiệp xấu tính có thể lợi dụng cơ hội này để làm hại bạn;
• Quấy rầy, làm phiền, chọc giận cấp trên. Thời gian của sếp rất quý giá, đừng làm phiền sếp nếu không có việc gì thực sự gấp gáp. Bạn cũng tuyệt đối không được chọc giận cấp trên, làm như vậy tuyệt đối không có lợi cho bạn;
• Khi bạn không có giải pháp tốt để giải quyết vấn đề, đừng đến gặp cấp trên để trình bày. Việc này chỉ chứng tỏ bạn chưa đủ năng lực làm việc, và tổn thất bạn nhận về sẽ rất lớn;
• Công khai hạ bệ hay nổi giận với cấp trên. Đây là cách xử sự vừa lỗ mãng vừa thiếu khôn ngoan;
• Tin tưởng rằng theo thời gian, kì vọng của cấp trên đối với bạn sẽ nhạt nhòa dần đi. Thực tế là ngược lại, khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc, yêu cầu của sếp đối với bạn sẽ ngày càng cao;
• Tự ý thay cấp trên đưa ra quyết định. Khi có hành động vượt quyền như vậy, nhiều khả năng cấp trên sẽ muốn loại trừ bạn ra khỏi đội nhóm của mình;
• Không có chủ ý, hưởng ứng mọi điều cấp trên nói. Kiểu nhân viên “gió chiều nào che chiều ấy” sẽ không được cấp trên tin tưởng và trọng dụng.
Bên cạnh những giờ phút làm việc căng thẳng, bạn hẳn sẽ có lúc nói chuyện phiếm về phim ảnh, thời sự hoặc đi ăn cùng sếp khi giải lao hay sau giờ làm. Những cuộc giao lưu này có thể sẽ khiến bạn lầm tưởng rằng mình và sếp có thể hòa hợp như bạn bè tâm giao. Thế nhưng tôi vẫn cần nhắc rằng bạn đừng quên đối phương là cấp trên của bạn, là người có quyền sa thải bạn bất cứ lúc nào. Nếu lúc chào hỏi buổi sáng, cấp trên hỏi bạn rằng: “Cuối tuần qua cậu có đi chơi đâu không?”, thì bạn cũng không nên hào hứng kể với đối phương câu chuyện vui chơi xả hơi của mình. Hãy cho sếp thấy hình ảnh chuyên nghiệp của bản thân, dù đi chơi vẫn giữ sức để làm việc.
4
MẠNH DẠN ĐÒI HỎI LỢI ÍCH TỪ CẤP TRÊN
Hãy mạnh dạn yêu cầu cấp trên trao cho bạn phần lợi ích bạn xứng đáng nhận được
Đứng trước quyền lợi của bản thân, bạn không cần nhẫn nhịn, cũng không cần quá khiêm tốn. Hãy mạnh dạn yêu cầu cấp trên trao cho bạn phần lợi ích bạn xứng đáng nhận được. “Mất lòng trước được lòng sau”, khi bạn tiếp nhận nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, việc bàn về quyền lợi của hai bên sẽ dễ dàng được chấp nhận. Tuy nhiên việc yêu cầu lợi ích phải có mức độ phù hợp, không tranh giành vụ vặt, không tính toán tổn hại nhỏ, cũng không tham lam quá mức.
Đối với câu hỏi chúng ta làm việc là vì điều gì, có lẽ sẽ có rất nhiều đáp án, ví dụ như đóng góp cho xã hội, phục vụ cộng đồng… Những lí do này thường được nhiều người nói ra khi trả lời phỏng vấn báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng chúng ta làm việc vì lợi ích, để kiếm tiền, hưởng phúc lợi, có chức vụ cao, có danh tiếng... Đây là những lí do quang minh chính đại, hợp tình hợp lí, vì vậy bạn không cần e ngại khi nhắc đến chúng.
Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề phải học cách giành lấy lợi ích trong quá trình làm việc cùng cấp trên, là vì có rất nhiều nhân viên do không dám mưu cầu quyền lợi, cho nên thường xuyên bị lợi dụng. Không biết cách đòi hỏi lợi ích thuộc về mình từ cấp trên thường có hai biểu hiện:
• Một là không dám đòi hỏi, thậm chí ngay cả những lợi ích đương nhiên mình phải có cũng không có dũng khí đề cập với cấp trên, lo sợ rằng mình làm vậy sẽ tạo thành ấn tượng xấu với sếp;
• Hai là đòi hỏi quá nhiều lợi ích, bất kể to nhỏ đều muốn tranh phần, kết quả là cả ngày chạy theo nịnh bợ cấp trên, không ngừng xin xỏ lợi lộc, rất dễ làm sếp nổi giận.
Hai cách hành xử này đều không khéo léo. Việc yêu cầu lợi ích từ cấp trên cần phải có kĩ năng, kĩ xảo nhất định. Người xưa thường nói: “Con có khóc mẹ mới cho bú.” Kinh nghiệm ấy có thể áp dụng trong trường hợp này.
Có hai đồng nghiệp làm việc chăm chỉ và nỗ lực như nhau. Khi đó công ty có chính sách phân nhà cho nhân viên. Một người đã kết hôn 5 năm mà vẫn chưa mua được nhà, ba thành viên gia đình vẫn phải chen chúc một căn phòng chật hẹp nhưng “không biết kể khổ”, không nhiệt tình chứng minh bản thân xứng đáng được hưởng quyền lợi. Một người lại năm lần bảy lượt tìm gặp cấp trên để than thở, khiến sếp có ấn tượng sâu đậm về hoàn cảnh của mình, kết quả là được ưu tiên xem xét. Cuối cùng, căn nhà được phân cho nhân viên thứ hai.
Có một số người cho rằng, cấp dưới tìm đến cấp trên yêu cầu được hưởng lợi ích thì chắc chắn sẽ phát sinh xung đột với cấp trên, khiến đối phương phản cảm, ảnh hưởng tới quan hệ của đôi bên, cho nên không bao giờ dám lên tiếng đòi hỏi. Kết quả là làm việc chăm chỉ mà không được hưởng thành quả. Một khi bạn đã hoàn thành tốt phận sự của mình, thì việc yêu cầu nhận được đãi ngộ xứng đáng là chuyện hợp tình hợp lí. Cố gắng càng nhiều, thành tích càng cao thì tiêu chuẩn đãi ngộ phải càng tốt hơn.
Nếu bạn có thể tạo lập thành tích cho cấp trên thấy, thì khi bạn yêu cầu lợi ích chính đáng, cấp trên cũng sẽ vui vẻ đồng ý. Nếu kết quả công việc của bạn không tốt, thì bất kể bạn có cố “dửng dưng” với lợi ích trước mắt, cấp trên cũng không đánh giá cao bạn. Trên thực tế, xét từ góc độ quản lí, những lãnh đạo giỏi chính là những người giỏi sử dụng lợi ích như một quân bài để thu phục và kích thích cấp dưới cống hiến. Nói cách khác, cấp dưới đòi hỏi lợi ích và cấp trên cung cấp lợi ích là một biện pháp tích cực, hiệu quả để xử lí quan hệ trên-dưới trong công việc.
Yêu cầu lợi ích với cấp trên cũng là một môn nghệ thuật cần đầu tư học hỏi. Mời bạn tham khảo những gợi ý dưới đây:
Trước khi tiếp nhận nhiệm vụ quan trọng phải có được cam kết lợi ích từ cấp trên
Thực tế cho thấy, khi giao nhiệm vụ trọng đại, lãnh đạo thường sử dụng cam kết lợi ích để khích lệ tinh thần nhân viên. Đối với cấp dưới, đây vừa là động lực vừa là áp lực. Đối với cấp trên, đây cũng là một phương tiện đảm bảo, bởi cấp trên tin tưởng rằng “thưởng hậu ắt có công to”. Nếu khi cấp trên giao phó công việc quan trọng cho bạn mà quên cam kết lợi ích, hoặc tỏ ra không muốn hứa hẹn tưởng thưởng gì, vậy thì bạn phải chủ động nói ra yêu cầu của mình. Đây không phải là hành động mặc cả lợi ích, cho nên cấp trên sẽ dễ dàng tiếp nhận.
Vương Tiễn là chiến thần dưới thời Tần Thủy Hoàng, là đại tướng đã tiêu diệt ba vua nhà Tấn, đuổi vua nước Yên, nhiều lần phá tan quân đội nước Sở. Nhưng Tần Thủy Hoàng lại nghi ngờ Vương Tiễn, sợ ông công cao át chủ. Cho nên khi quyết chiến cùng quân Sở, Tần Thủy Hoàng có ý trọng dụng tướng quân Lý Tín. Biết tin, Vương Tiễn bèn giả bệnh, xin cáo lão hồi hương. Khi Lý Tín giao chiến với quân Tần và thua cuộc, Tần Thủy Hoàng không có cách nào khác, đành phải mời Vương Tiễn xuất quân. Việc Tần Thủy Hoàng tự thân đưa đến 60 vạn binh cho Vương Tiễn thống lĩnh, một mặt biểu thị vua Tần tin tưởng tài cầm quân của ông, đồng thời cũng cho thấy Tần Thủy Hoàng nghi ngại khi Vương Tiễn nắm đại quân trong tay. Vì thế trước khi xuất quân, Vương Tiễn bèn xin Tần Thủy Hoàng cam kết ban thưởng cho ông đất đai, điền trạch. Vua Tần hỏi lại: “Tướng quân sắp xuất trận rồi, sao còn lo lắng về những chuyện này?” Vương Tiễn trả lời: “Thần thân là tướng quân của Bệ hạ, cho dù có công cũng không được phong hầu. Cho nên nhân lúc Bệ hạ còn tin tưởng và trọng dụng, thần phải cầu xin lợi lộc cho con cháu sau này được thơm lây.” Tần Thủy Hoàng thấy Vương Tiễn thật thà như vậy, trong lòng đã yên tâm. Vương Tiễn đưa quân đến biên quan, còn năm lần phái người về kinh đô hỏi chuyện ruộng đất. Có người cảm thấy làm thế thật không phải phép, bèn hỏi: “Tướng quân nhất định đòi hỏi như vậy là có phần quá phận.” Vương Tiễn thâm thúy nói: “Không đâu, vua Tần thâm ý mà đa nghi. Hiện tại quân binh nước Tần đều giao vào tay ta, nếu ta không tỏ ra muốn mưu cầu đất đai cho con cháu, chẳng phải Tần vương càng nghi ngờ ta hay sao?”
Có thể khẳng định Vương Tiễn là một đại tướng trí dũng song toàn, biết ứng đối khéo léo linh hoạt, biết nhìn xa trông rộng. Trước khi tiếp nhận công việc, bạn hãy thẳng thắn yêu cầu cấp trên đáp ứng lợi ích tương xứng cho bản thân. Như vậy, một mặt biểu thị bạn tràn đầy tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mặt khác cũng biểu thị bạn ý thức được về quyền lợi của mình. Vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bạn sẽ nỗ lực hết mình, cấp trên sẽ tin tưởng và yên tâm về bạn.
Yêu cầu lợi ích một cách hợp lí
Một số người khi đòi hỏi lợi ích từ cấp trên thường không biết đủ, luôn quá tham lam, khiến cấp trên phản cảm. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, muốn yêu cầu lợi ích cần làm được mấy điểm dưới đây:
• Không đòi lợi nhỏ. Hãy thể hiện phong độ phóng khoáng của người hiểu biết, hình thành ấn tượng trong lòng cấp trên rằng bạn là người biết nặng biết nhẹ, biết kiên trì nhẫn nại;
• Trao đổi ngang giá. Nói cách khác, lợi ích bạn nhận được sẽ tỉ lệ thuận với thành quả bạn tạo ra cho công ty. Đừng đòi hỏi nhiều hơn và cũng đừng nhận ít hơn con số này nếu không có lí do thuyết phục;
• “Phóng đại” khó khăn và cho phép cấp trên mặc cả lợi ích. “Nói thách giá trên trời, bán giá thấp dưới đất” cũng là cách hay để đối phó với những cấp trên thích “bớt công”. Rất có thể khi bạn giảm bớt khó khăn của mình, cấp trên sẽ nghĩ bạn chỉ tạo được thành tích nhỏ, vì vậy trả lại cho bạn lợi ích nhỏ. Cho nên bạn phải học cách “phóng đại” khó khăn để yêu cầu lợi ích lớn hơn, không để cho cấp trên nghĩ rằng anh ta đã thỏa mãn mọi yêu cầu của bạn.
Ví dụ khi đề xuất công ty phân nhà ở cho mình, dựa theo điều kiện của bản thân, bạn có thể yêu cầu một căn hộ có một phòng khách và hai phòng ngủ. Có một số người rất thật thà, dù điều kiện của họ xứng đáng được phân căn hộ đó, nhưng lại không biết trình bày, không biết kể khổ. Kết quả là cấp trên lại ưu tiên phân căn hộ ấy cho những người khéo léo hơn, còn chỉ phân cho người này căn hộ nhỏ có một phòng khách và một phòng ngủ.
Do đó “phóng đại” khó khăn và yêu cầu cũng là một loại sách lược xử thế cần phải học, quan trọng là bạn hãy nắm bắt thời cơ để ứng dụng nó.
5
TRÁNH BỊ CẤP TRÊN LÔI KÉO LÀM VIỆC XẤU
Trên thực tế bạn chỉ có hai lựa chọn: hoặc là đứng về cùng phe với cấp trên bất chính, hoặc là phản đối đến cùng
Có thể bạn sẽ phát hiện ra cấp trên của mình đang làm một số việc không chính đáng, trong khi đó bản thân lại luôn đề cao chính trực, không tha thứ cho những chuyện khuất tất. Đối với tình huống này, có thể nói rằng bạn đang lâm vào cảnh mười phần nguy hiểm, chín phần khó xử và tám phần bất lực. Từ góc độ của bạn, việc làm thiếu đạo đức này đương nhiên nên bị xã hội và công ty nghiêm cấm. Nếu một trong những cấp dưới của bạn có hành vi như vậy, bạn nhất định sẽ xử phạt người đó. Nhưng trong trường hợp này, người có hành vi trên lại là lãnh đạo mà bạn vô cùng tin tưởng và ngưỡng mộ. Hơn nữa người này còn có quyền uy đối với con đường sự nghiệp của bạn. Thật khó tìm được giải pháp hợp lí!
Lúc này, bạn chỉ có hai lựa chọn: hoặc là đứng về cùng phe với người cấp trên bất chính đó, hoặc là phản đối đến cùng. Tuyệt đối không có phương án thứ ba dung hòa hai lựa chọn trên. Bởi vì sau khi biết về bí mật đen tối của cấp trên thì giữa bạn và sếp không còn là mối quan hệ đơn giản như trước đó nữa. Lúc này, đối với cấp trên, trên thực tế bạn đã trở thành một quả bom hẹn giờ. Một khi quả bom phát nổ, nó sẽ khiến anh ta thịt nát xương tan. Cấp trên bất chính sẽ tuyệt đối không bao giờ nguyện ý để chuyện này xảy ra. Anh ta sợ rằng một vết thương nhỏ mà quả bom gây ra cũng sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng và tiền đồ của mình.
Trong tình huống này, bạn đã lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù trong lòng bạn rõ ràng bài xích việc làm sai trái của cấp trên, nhưng làm thế nào để bạn có thể bảo vệ sự trong sạch và lợi ích của bản thân? Dưới đây là một số gợi ý của chúng tôi để bạn tham khảo:
Cho mọi người thấy bạn là người chí công vô tư
Đây là một liều vắc-xin bảo vệ bạn khỏi việc bị cấp trên xấu xa hoặc những người khác lôi kéo làm việc xấu. Bạn có thể từ chối nhận đút lót, nhận hối lộ, nói rõ với cấp trên và đồng nghiệp bạn là người công tư phân minh. Chỉ khi bạn khiến người khác hiểu lầm về lập trường của mình, hoặc cho rằng bạn đang ủng hộ họ, thì họ mới chủ động mời bạn gia nhập đội ngũ, trở thành những người cùng hội cùng thuyền. Còn khi đã biết rõ bản chất của bạn, họ sẽ không lôi kéo người không cùng chí hướng, và trong nhiều trường hợp họ còn phải hạn chế hành vi của mình. Vậy nên cho những người khác biết bạn là người chí công vô tư, cho dù đối với công ty hay đối với cá nhân bạn thì cũng đều là một lựa chọn khôn ngoan, sáng suốt.
Có cấp dưới đứng về phía bạn
Nếu là quản lí cấp trung, bạn là người đứng giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên cấp dưới. Tuy thường xuyên phải chịu sức ép từ hai phía, nhưng nếu bạn có thể điều tiết tốt mối quan hệ ba bên này, thì cho dù sau đó bạn phát sinh mâu thuẫn với một bên thì bên còn lại vẫn sẽ hậu thuẫn cho bạn. Trong công việc, hãy bồi dưỡng để cấp dưới có tấm lòng chính nghĩa như bạn. Một mặt việc này sẽ giúp quan hệ của bạn và cấp dưới càng ngày càng thân thiết, mặt khác cũng giúp cho bạn không phải đơn thương độc mã chống lại những hành vi phi đạo đức.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài
Hãy tìm trong nhóm đồng nghiệp hoặc tầng lớp quản lí cấp cao, những người cũng có tấm lòng chính nghĩa, có tác phong đường hoàng như bạn. Những người này sẽ là “lực lượng chi viện” và “quân sư” của bạn, thậm chí còn là những đồng đội sẵn sàng lăn xả cùng bạn chống lại cái ác, cái xấu. Tạo dựng mối quan hệ với họ sẽ giúp bạn tự bảo vệ bản thân mình tốt hơn.
Làm tốt các bước bảo vệ
Có thể lúc này tình huống bạn gặp phải chưa quá tệ, nhưng như vậy cũng chưa thể đảm bảo cho tương lai yên bình. Nếu bạn không chuẩn bị trước thì khi ngày đó đến, người chịu thiệt chỉ có bạn mà thôi. Cái gọi là “không có bụng hại người nhưng phải có tâm phòng người”, làm tốt các bước bảo vệ hoặc thủ sẵn “con át chủ bài” phòng hậu họa đều là những việc có lợi đối với bạn. Hãy thường xuyên quan sát tình hình; hoàn thành công việc một cách chỉn chu, cẩn trọng; kết thân với những người có thể lên tiếng bênh vực hay trợ giúp bạn. Tất cả những việc này đều có mục đích cuối cùng là giúp bạn chiến thắng trong cuộc đấu tranh, hoặc tối thiểu cũng là bảo vệ bản thân an toàn.
Đây chỉ là một số biện pháp bảo vệ mà chúng tôi đề cử nhằm giúp các bạn phòng tránh những rắc rối không mời mà đến. Chúng cũng là những biện pháp giúp bạn “phản đòn” thành công. Tóm lại, “nói không” với cấp trên là chuyện rất khó, bạn nhất định phải làm tốt các bước chuẩn bị. Khi lớp rào bảo vệ đã kiên cố, bạn mới có thể công khai đối đầu. Nếu lô cốt còn chưa dựng xong đã thu hút máy bay quân địch, vậy thì bạn chắc chắn sẽ nhận thất bại.
6
ĐỪNG TRỞ THÀNH CON LỪA KIỆT SỨC
Chỉ cần có lí lẽ thuyết phục, thì khi cấp trên giao phó quá nhiều công việc, bạn có thể thành công từ chối không nhận nhiệm vụ
Khi cấp trên giao cho bạn lượng công việc quá lớn, điều đó cho thấy cấp trên vô cùng tin tưởng năng lực làm việc của bạn. Tuy nhiên, đây cũng không hoàn toàn là chuyện tốt, vì năng lực của một người tương đối hữu hạn, không thể làm việc miệt mài như một cái máy, nếu không sẽ sức cùng lực kiệt.
Nếu cấp trên giao phó quá nhiều công việc mà bạn lại không phản hồi lại, phân thì gì làm nấy, vậy thì họ sẽ không biết bạn đang bị quá tải, sẽ càng giao thêm việc cho bạn. Sau đó, nếu bạn không thể hoàn thành hết công việc, cấp trên sẽ thất vọng về bạn. Bởi vì không hoàn thành nhiệm vụ đã nhận đồng nghĩa với việc bạn không tuân thủ cam kết với cấp trên.
Đối với tình huống này, nếu im lặng chịu đựng thì bạn sẽ ngày càng vất vả, mệt nhọc, nhưng nếu bạn nổi giận không nhận việc lại cũng phải là cách hay. Lúc này, bạn nên làm thế nào để bảo vệ bản thân?
Ám thị với cấp trên rằng anh ta đang giao cho bạn quá nhiều việc
Bạn có thể đến gặp cấp trên để xin ý về công việc quan trọng nhất để bạn ưu tiên xem xét. Hãy đề nghị cấp trên liệt kê và nói rõ trọng điểm của nhiệm vụ anh ta yêu cầu bạn thực hiện, như vậy sẽ giúp bạn có thể sắp xếp một cách thỏa đáng.
Giả sử cấp trên vẫn không hiểu được ám thị của bạn, vậy thì bạn càng phải biểu lộ nhiều hơn và cụ thể hơn. Ví dụ, khi cấp trên giao cho bạn một nhiệm vụ, sau đó ngay lập tức cử bạn đi làm một việc khác, bạn hãy hỏi lại xem bây giờ việc nào cần ưu tiên hơn và bắt tay vào thực hiện việc đó trước. Giả sử bạn không thể hoàn thành kịp công việc còn lại, thì ít nhất bạn cũng biết đó là nhiệm vụ thứ yếu, và cấp trên cũng biết bạn đã hỏi ý kiến trước khi thực hiện. Cuối cùng cấp trên sẽ nhận ra tình hình thực tế, cũng hiểu rằng nguyên nhân khiến tốc độ và hiệu suất làm việc của bạn không cao là do anh ta đã phân công không hợp lí, chứ không phải do năng lực của bạn. Khi ấy cấp trên sẽ có những giải pháp thích hợp để kịp thời giảm tải công việc cho bạn.
Từ chối nhận nhiệm vụ
Đầu tiên, bạn hãy đánh giá những việc mà cấp trên giao cho bạn. Đây có phải các công việc quan trọng hay không, chúng có ảnh hưởng đến lợi ích của công ty hay không, hoặc là nếu không thực hiện những việc ấy ngay bây giờ thì có gây ra hậu quả nghiêm trọng không... Sau khi làm rõ những điểm này, bạn có thể thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:
• Hãy căn cứ vào thông tin bạn nắm được để chuẩn bị lí do từ chối nhiệm vụ một cách hợp lí, khéo léo. Nếu đây là công việc có mức độ ưu tiên cao, hoặc là việc cấp trên nhất định phải giao cho bạn, vậy thì bạn phải hành động cẩn thận. Trước hết hãy hỏi ý kiến của cấp trên một cách ôn hòa, ví dụ như: “Đối với vấn đề này, sếp có cân nhắc đến giải pháp thay thế không ạ?”
Nếu có thể tìm được một điểm sơ hở của nhiệm vụ, thì bạn cũng phải đề ra được tối thiểu ba cách khắc phục để hoàn thành công việc này. Nếu bạn có thể tóm tắt những hiệu quả mà giải pháp thay thế mang lại thì kết quả sẽ càng tốt. Nếu không làm được việc này, vậy thì có khả năng bạn sẽ mắc kẹt với nó. Và việc chủ động từ chối nhiệm vụ có khả năng sẽ gây bất lợi cho sự nghiệp của bạn.
• Nếu đối với cấp trên, đây là công việc có mức độ ưu tiên rất thấp, vậy thì bạn có thể thẳng thắn trình bày với sếp những lo lắng của mình về phần việc này (đương nhiên những lo lắng ấy không phải là chuyện bạn không thích công việc này). Lí giải cho cấp trên hiểu rõ vì sao bạn không phải là nhân sự thích hợp cho nhiệm vụ này và đề xuất một, hai phương án thay thế, sau đó xin chỉ thị cuối cùng của cấp trên.
Đề xuất tìm người hỗ trợ
Bạn hãy phân tích kĩ khối lượng công việc, trình tự công việc của mình, xem xem có những việc nào có thể giao cho cộng tác viên hoặc nhân viên thời vụ thực hiện hay không. Đây là cách duy nhất giúp giảm bớt công việc cho bạn.
Hãy kiểm tra tư liệu của những ứng viên thích hợp với công việc và có thể làm thời vụ, sau đó chuẩn bị một bản kế hoạch trù bị cho việc này để trình bày với cấp trên. Bạn không cần đề cập đến chuyện mình đang bị quá tải với khối lượng công việc hiện nay hoặc không có thời gian dành cho việc cá nhân. Hãy chỉ kiến nghị với cấp trên việc tuyển thêm nhân viên thời vụ để công việc chung được tiến hành thuận lợi hơn.
Không ít cấp trên có thói lạm quyền, công tư không phân minh. Nếu gặp phải những người này, bạn sẽ phải thay họ giải quyết những việc cá nhân, khiến bản thân vô cùng mệt mỏi. Vì thế bạn cần học hỏi một số kĩ xảo để từ chối những kiểu nhiệm vụ này mà không làm ảnh hưởng đến tiền đồ của mình.
Bạn hãy nhớ phải từ chối ngay từ lần đầu tiên cấp trên đề cập việc này. Ví dụ sếp bảo bạn đi học thay con gái anh ta, bạn hẳn nhiên không muốn làm việc này, vậy thì hãy trả lời: “Tôi xin lỗi, việc này tôi không giúp được ạ!” Nếu sau giờ làm anh ta tới nhờ bạn giúp việc riêng thì càng dễ từ chối hơn. Bạn có thể nói rằng: “Tối nay nhà chúng tôi có giỗ, tôi không thể vắng mặt.” Lần sau, anh ta lại nhờ bạn việc khác, bạn vẫn có thể mượn cớ mà từ chối. Bạn không nhận lời hết lần này đến lần khác, anh ta cũng phải biết khó mà lui, không đến làm phiền bạn nữa.
Nếu chuyện này phát sinh trong giờ làm việc, bạn càng có nhiều lí do hợp lí để từ chối. Bạn có thể nói: “Tôi còn có ba bản báo cáo cần nộp cho sếp tổng vào hôm nay, tôi vẫn đang cố hoàn thiện!”
Chỉ cần bạn có lí lẽ thuyết phục, thì khi cấp trên giao phó quá nhiều công việc, bạn có thể thành công từ chối không nhận nhiệm vụ. Như vậy công việc của bạn sẽ không bị quá tải, bạn cũng sẽ không phải gánh vác những nhiệm vụ ngoài trách nhiệm của mình. Cho dù không từ chối thành công thì sau này nếu công việc có xảy ra sai sót, cấp trên cũng không thể nào đổ hết trách nhiệm cho bạn.
7
CHỚ NGỐC NGHẾCH LÀM CON DÊ TẾ THẦN4
Bạn phải đấu tranh đến cùng với kiểu cấp trên này, phải tìm cách ngăn chặn họ chọn mình làm kẻ chịu tội thay
4 Con dê tế thần: Còn gọi là con dê gánh tội hay oan dương. Theo sách Lê Vi, trong lễ tế của người Do Thái cổ, một con dê sẽ bị đuổi vào sa mạc để dâng hiến cho Azazel – vị thiên thần sa ngã, với mong muốn nó sẽ gánh hết mọi tội lỗi của con người.
Có một số cấp trên có thói xấu đùn đẩy trách nhiệm, cho cấp dưới. Đối với kiểu người này, điều tối quan trọng mà anh ta quan tâm chính là bảo vệ địa vị của mình. Để đạt được mục đích ấy, anh ta sẽ để một vài nhân viên ngây thơ, thiếu bản lĩnh chịu tội thay mình, cho nên bạn chính là “gà con” bị “diều hâu” nhắm đến.
Những cấp trên thích vu oan giá họa cho nhân viên thường chưa làm rõ tình huống đã chỉ trích bạn. Mục đích anh ta làm vậy là để đánh phủ đầu bạn và chuyển dời sự chú ý của những người khác. Khi ấy, bạn chính là người vô can bị bắt chịu trách nhiệm. Mà đối tượng thực sự phải đứng ra chịu trách nhiệm trong chuyện này nhiều khả năng chính là cấp trên của bạn. Anh ta đương nhiên là không dễ dàng cho bạn cơ hội thanh minh mà đã trực tiếp tuyên án.
Khi kiểu cấp trên thích vu oan giá họa cho người khác phạm sai lầm, chắc chắn họ sẽ không đứng ra nhận lỗi. Ngược lại, họ sẽ tìm một số cấp dưới yếu thế để đổ vấy trách nhiệm. Và chính vì bạn thật thà, nghe lời, không dám đứng lên chống lại bất công, cho nên bạn mới bị họ chọn làm vật hi sinh.
Bạn phải đấu tranh đến cùng với kiểu cấp trên này, phải tìm cách ngăn chặn họ chọn mình làm kẻ chịu tội thay. Khi bị đổ tội, bạn phải dám đứng lên bảo vệ bản thân, đồng thời để cấp trên thấy rằng việc bạn là đồng minh của họ càng có lợi cho họ hơn là biến bạn thành kẻ chịu tội thay. Bạn hãy học tốt mấy kĩ năng dưới đây:
Giữ bình tĩnh
Hãy hít thở sâu, lấy lại bình tĩnh để nhìn nhận toàn bộ sự việc một cách khác quan. Sau đó hãy vạch ra các phương án để giải quyết việc này với cấp trên của bạn một cách triệt để, không để bản thân phải tiếp tục chịu thiệt.
Xử lí địch ý một cách tích cực
Hãy dùng sự thật để thanh minh cho bản thân một cách lịch sự, cho cấp trên muốn đổ tội đó thấy rằng bạn không dễ bị bắt nạt như anh ta nghĩ.
Tranh luận với thái độ tôn trọng
Để tránh xung đột với cấp trên, bạn có thể nhờ lãnh đạo cấp cao hơn giải quyết sự việc rắc rối này. Tại bộ phận của mình, bạn vẫn phải phối hợp với sếp trong công việc, tôn trọng vai trò lãnh đạo của anh ta, và phải nhớ việc nào ra việc nấy, không để chuyện cá nhân ảnh hưởng tới công việc chung.
Giữ thể diện cho cấp trên
Sau khi bình tĩnh và khôi phục lí trí, bạn có thể cùng cấp trên thảo luận mục tiêu công việc và đưa ra ý kiến của mình. Khi thấy anh ta có kiến giải hay, bạn hãy thực tâm khen ngợi, từ đó nâng cao sĩ diện cho anh ta.
Có những nhân viên lại trở thành kẻ gánh tội thay vì quá tốt bụng. Người khác gặp nạn, bạn đưa tay ra giúp đỡ là việc tốt. Nhưng hãy nhớ rằng không phải việc gì bạn cũng có thể giơ lưng ra gánh đỡ, bất kể đối phương là ai.
Khi một công ty xảy ra sự cố nghiêm trọng, quản lí sẽ phải truy cứu trách nhiệm. Người quản lí này cầu cứu cấp dưới: “Xin mọi người hãy nói là hôm đó tôi có việc phải vắng mặt, cho nên việc này do mọi người tự ý thực hiện. Chỉ cần tôi thoát khỏi tình cảnh này, tôi sẽ có cách bảo vệ mọi người.”
Có mấy người đã đồng ý, nhưng trong tập thể vẫn có những cấp dưới có cách nghĩ khác. Có người cho rằng bản thân họ không sai, họ chẳng phải chịu tội thay ai cả. Có người lại nghĩ, đây là trách nhiệm chung của cả bộ phận, cũng không thể bắt một mình quản lí chịu tội. Quản lí ngã ngựa rồi, nhân viên cũng khó lòng được yên, chi bằng trước cứ bảo vệ quản lí, có gì tính sau. Còn có người cho rằng, mọi người phải bảo vệ quản lí, đây là giải pháp duy nhất.
Hành động gánh tội thay cấp trên này thực sự vô cùng nguy hiểm.
Các mệnh lệnh và chỉ thị có liên quan đến công việc đều do cấp trên đưa ra, cấp dưới có nhiệm vụ chấp hành. Theo lí mà nói, khi công việc xảy ra vấn đề, người chịu trách nhiệm phải là cấp trên.
Hi vọng giúp cấp trên thoái thác trách nhiệm xong sẽ được đối phương giải cứu thật là một suy nghĩ thiếu sáng suốt. Các thành viên trong bộ phận cùng nhau chịu trách nhiệm cũng giống như việc nhiều người cùng nhau khiêng tảng đá to, một người buông tay, gánh nặng trên vai những người khác chỉ có càng nặng chứ không thể giảm nhẹ.
Sự cố có lớn có nhỏ, trách nhiệm cũng có nặng có nhẹ. Có những cấp dưới quen thói gánh tội thay cấp trên, chẳng may gặp phải sự cố lớn, bị nghiêm phạt nặng nề thì hối hận cũng đã muộn.
Để loại trừ mầm mống tai họa phải gánh tội thay người khác, một khi tiếp nhận công việc, cấp dưới phải phân rõ giới hạn trách nhiệm của mình.
Không gánh tội thay người khác sẽ có lợi cho tương lai của bạn. Mọi vinh quang đều do tự mình quang minh chính đại giành lấy chứ không phải là dùng cách gánh tội thay để đánh đổi. Những lợi ích mà cấp trên có thể cho bạn đều chẳng đáng kể so với những tổn thất mà bạn phải gánh chịu khi chịu tội thay anh ta.
Vậy nên, nếu có người tìm đến bạn nhờ chịu trách nhiệm thay đối phương, thì bạn phải làm rõ tính chất của loại trách nhiệm này, không thể tùy tiện đồng ý để tránh hối hận về sau.
Đương nhiên, tình huống này chỉ là thiểu số. Trong cuộc sống, những việc mà người khác nhờ bạn giúp đỡ thường không phải vấn đề quá nghiêm trọng, phần nhiều là những chuyện lông gà vỏ tỏi. Nhưng bất kể đó là sự việc lớn hay nhỏ, bạn đều phải suy xét cẩn thận. Bạn phải học được cách tự bảo vệ bản thân, không để lợi ích và danh tiếng của mình bị tổn hại.
Giả sử những người xung quanh thường đến xin ý kiến của bạn về vấn đề nào đó. Họ thể hiện là đang lắng nghe và làm theo góp ý của bạn, nhưng trên thực tế lại chẳng có ý thức trách nhiệm về công việc của mình. Đối với những người này, bạn phải cực kì đề cao cảnh giác, cố gắng không trả lời bất cứ vấn đề nào họ nhờ vả, đặc biệt là những vấn đề họ chủ động tìm đến bạn. Hãy cẩn thận, đây có thể là cái bẫy họ giăng sẵn và đợi bạn sa vào.
Nếu xung quanh bạn có kiểu người thường xuyên đổ trách nhiệm cho người khác, vậy thì bạn phải thật cứng rắn. Đối với những “chiêu” nhờ vả chân thành, hạ mình năn nỉ, thậm chí là ra lệnh gánh tội thay, bạn phải bình tĩnh, tránh dao động mà thuận theo. Hãy tìm lí do hợp lí để từ chối, tránh khỏi những rắc rối có thể xảy đến.
8
ĐỀ PHÒNG CẤP TRÊN QUẤY RỐI TÌNH DỤC
Để tránh bị cấp trên quấy rối tình dục, nhân viên công sở cần phải có sách lược và biện pháp ngăn ngừa thích đáng nhằm bảo vệ bản thân
“Quấy rối tình dục” là cụm từ chỉ những hành vi quấy nhiễu, xâm phạm người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục bất chính của bản thân. Quấy rối tình dục gây tổn thương nặng nề đến tâm lí và thể xác của nạn nhân, là hành vi đáng lên án.
Theo các chuyên gia, trên thực tế quấy rối tình dục có hai biểu hiện thường thấy: Một là quấy rối tình dục qua lời nói, dùng câu từ thô bạo để khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hai là quấy rối tình dục qua hành động nhằm tiếp xúc với thân thể người khác, ví dụ như cố ý động chạm đến bộ phận nhạy cảm hoặc cưỡng ôm, cưỡng hôn đối phương; tự phô bày bộ phận sinh dục của mình trước mặt đối phương; cưỡng ép đối phương xem phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy...
Nghiên cứu của các chuyên gia tâm lí học đã chỉ rõ quấy rối tình dục nơi công sở là hành vi xâm phạm quyền lợi và nhân phẩm người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí và sự nghiệp của nạn nhân.
Để tránh bị cấp trên quấy rối tình dục, nhân viên công sở nhất định phải có sách lược và biện pháp ngăn ngừa thích đáng nhằm bảo vệ bản thân. Bạn có thể tham khảo các phương pháp sau:
• Thứ nhất, ở nơi làm việc hoặc trước mặt cấp trên, hãy mặc trang phục kín đáo, lịch sự. Việc thể hiện cá tính không sai, nhưng hãy tránh tạo cho đối phương cơ hội quấy rối bạn;
• Thứ hai, nếu bị cấp trên quấy rối tình dục, hãy bình tĩnh và tìm cách đổi hướng sự chú ý của đối phương. Đừng manh động chống trả, như vậy sẽ càng khiêu khích, khiến đối phương bất chấp tất cả mà làm liều đến cùng;
• Thứ ba, bạn có thể áp dụng chiến lược giả vờ khen ngợi nhân cách, đạo đức, phẩm chất của cấp trên, để khơi dậy lương tri và thể diện của đối phương. Hoặc bạn có thể mượn cách này để đẩy cấp trên vào tình thế khó xử, khiến đối phương chủ động chấm dứt ý định quấy rối, từ đó đạt được mục đích bảo vệ bản thân.
Nếu bạn cho rằng những biện pháp trên khó lòng ngăn chặn việc cấp trên quấy rối tình dục, vậy thì bạn hãy kiên quyết biểu thị rõ ràng hành động phản đối đến cùng loại hành vi này của mình. Nếu bạn chần chừ, phản đối không dứt khoát, rất có thể đối phương sẽ hiểu lầm thành bạn đang ỡm ờ, nửa ngăn cản nửa khuyến khích. Như vậy đối phương sẽ cho rằng bạn đã “bật đèn xanh” và càng hành động lỗ mãng hơn nữa.
Bạn có thể nói thẳng với cấp trên: “Nếu như anh tiếp tục có hành vi như vậy, tôi sẽ không thể tôn trọng anh!” Hoặc trực tiếp hơn nữa, bạn có thể nói: “Tôi rất ghét hành vi quấy rối này, xin anh giữ tự trọng!”
Nếu tất cả các biện pháp kể trên vẫn không khiến kẻ quấy rối chùn bước, vậy thì bạn có thể nói hoặc hét lên thật to để thu hút sự chú ý của các đồng nghiệp khác, dọa cho cấp trên sợ. Sau đó, bạn phải nhanh chóng tìm cớ lập tức rời đi, tránh xa khỏi đối phương.
Đương nhiên, một khi hành vi quấy rối tình dục của cấp trên xâm hại đến bạn, bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, khiến kẻ biến thái phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
9
ỨNG PHÓ TRƯỚC NGUY CƠ BỊ SA THẢI
Cuộc sống có trăm nghề nghìn việc, chỉ cần bạn chăm chỉ, cố gắng, chắc chắn sẽ có thành tựu
Nhân viên công sở cần chú ý những dấu hiệu cho thấy cấp trên không còn tín nhiệm bạn nữa. Hãy tham khảo những điểm sau:
Không để bạn tham gia những cuộc họp định kì
Trước nay bạn luôn tham gia một số cuộc họp định kì, đột nhiên cấp trên lại nói rằng bạn không cần có mặt nữa mà không nói rõ lí do. Đây là một ám hiệu vô cùng rõ ràng, rằng cấp trên muốn bạn chủ động rút lui khỏi vị trí công tác.
Đặc biệt, nếu có một số cuộc họp ngoài giờ làm việc để bàn về những vấn đề mang tầm chiến lược của công ty nhưng cấp trên lại bảo bạn không cần tham dự, thì khá chắc chắn rằng bạn sắp bị cho thôi việc. Có lúc, cấp trên vẫn để bạn dự họp, nhưng lại không cho phép bạn phát biểu ý kiến, hoặc khi bạn muốn lên tiếng thì đối phương lại cố ý giành quyền phát biểu về mình. Những hành vi này đều dẫn đến kết cục giống nhau.
Thảo luận với nhân viên khác về nghiệp vụ hoặc công việc của bạn
Giả sử bạn là giám đốc sản xuất của công ty, phụ trách tuyển dụng nhân sự cho bộ phận của mình. Thế nhưng cấp trên lại đến tìm giám đốc bộ phận khác cùng với cấp dưới của bạn để bàn về việc này. Nguyên nhân cấp trên không để bạn phụ trách công việc này nữa đa phần là vì sếp đã loại bỏ bạn khỏi bộ máy của công ty. Vì bạn sắp bị miễn nhiệm cho nên không cần tìm bạn bàn bạc công việc mà chuyển sang trao đổi với cấp dưới của bạn hoặc người kế nhiệm.
Họp với nhân viên dưới quyền bạn mà không để bạn cùng tham dự
Ban đầu, khi cấp trên họp với nhân viên của bạn sẽ thông báo trước, bảo bạn không cần tham gia. Sau vài lần, cấp trên sẽ tạo thành thói quen không giải thích cho bạn biết mục đích của những cuộc họp không có mặt bạn.
Nguyên nhân cấp trên làm như vậy không nằm ngoài ba lí do sau: Thứ nhất, trực tiếp thay thế bạn quản lí nhân sự thuộc bộ phận của bạn. Thứ hai, mượn cớ chỉ đạo nhân viên dưới quyền bạn để làm giảm tầm ảnh hưởng của bạn. Thứ ba, mượn cớ họp hành nhằm tìm ra bí mật của bạn để làm bằng chứng loại trừ bạn khỏi công ty.
Sắp xếp cho bạn đi công tác hoặc nghỉ dưỡng
Đương nhiên, cấp trên muốn bạn đi công tác hoặc nghỉ dưỡng ở nước ngoài đều là có ý tốt. Tuy nhiên, những việc này phải được lên kế hoạch từ trước chứ không thể xảy đến bất ngờ. Nếu cấp trên bỗng nhiên thông báo với bạn việc này thì thật không hợp lí, cũng chẳng hợp tình. Rất có thể cấp trên cử bạn đi công tác hoặc nghỉ dưỡng ở nước ngoài là vì muốn tận dụng thời gian bạn vắng mặt để chỉnh lí công việc mà bạn phụ trách theo ý của đối phương, dần loại bỏ quyền hạn của bạn.
Yêu cầu bạn ghi chép chi tiết về công việc của mình
Giả sử cấp trên bỗng nhiên trở nên vô cùng nhiệt tình, muốn bạn tạo ra một hệ thống để lưu lại tiến độ công việc, thậm chí còn hỏi rằng nếu bạn vắng mặt thì công việc của bộ phận bạn quản lí sẽ được xử lí như thế nào.
Thực chất lúc này cấp trên đã suy nghĩ đến việc miễn nhiệm bạn và chuẩn bị cho giai đoạn sau đó. Tất nhiên họ sẽ không trực tiếp thể hiện suy tính của mình mà sẽ ngụy trang nó bằng cách công khai kêu gọi các nhân viên khác cống hiến, nỗ lực vì công ty. Đến khi tình hình đã tạm ổn, nhân viên đã thành thục nghiệp vụ, cấp trên mới hạ lệnh cách chức bạn. Lúc này bạn cũng chỉ có thể chấp hành.
Thường xuyên tuyển cấp phó cho bạn
Cấp trên thường xuyên tuyển cấp phó cho bạn, có lúc còn tuyển đến hai, ba người. Đương nhiên, đối phương sẽ giải thích rằng đó là vì công việc của bạn quá nhiều, sợ bạn mệt mỏi cho nên cử vài người đến hỗ trợ, san sẻ.
Ban đầu có thể bạn thực sự tin vào điều cấp trên nói, rằng sở dĩ sếp làm vậy là vì quan tâm đến bạn, không muốn bạn vất vả đến kiệt sức. Những nhân viên công sở đáng thương, cần phải cận thận nhé! Bạn phải biết rằng, cho dù bạn làm việc một mình vất vả đến mấy thì cũng không thể khiến cấp trên cử nhiều người đến giúp bạn. Rất có thể sếp làm vậy là vì muốn tìm người thay thế bạn, dần ép bạn rời đi. Bạn phải thật tỉnh táo, nhìn thấu hành động của sếp để có cách xử lí khôn ngoan, kịp thời.
Bỏ qua việc khen thưởng bạn
Công ty nào cũng có chế độ khen thưởng. Nhân viên trong công ty đều biết khi nào mình được khen thưởng hoặc bị xử phạt. Giả sử bạn phát hiện bản thân đủ điều kiện được thưởng nhưng lại không thấy cấp trên đề cập đến việc này. Lúc này bạn đừng vội tranh cãi với cấp trên, có lẽ sếp đã không còn muốn trọng dụng bạn nên cố tình phớt lờ việc này.
Phạm lỗi nhỏ xử phạt to
Trước đây, có đồng nghiệp mắc lỗi nhỏ trong công việc, cấp trên chỉ nhắc nhở người này rút kinh nghiệm, tránh phạm phải lần sau. Hôm nay, đến lượt bạn mắc phải lỗi này, cấp trên lại xem xét vô cùng nghiêm túc, coi nó như lỗi tày đình. Lúc này nhân viên công sở phải hết sức cẩn thận. Cấp trên có vẻ đang muốn cách chức bạn.
Vậy trước nguy cơ bị sa thải, nhân viên công sở nên có hành động gì? Chúng ta thường dùng cụm từ lóng “đánh bài chuồn” để chỉ việc khi cảm thấy tình hình không ổn phải lập tức chủ động rời đi. Điều này vẫn đúng khi áp dụng trong môi trường công sở. Nếu bạn nhận thấy lãnh đạo thường xuyên không hài lòng với bạn, mà công việc hiện tại cũng không phải là vị trí lí tưởng của bạn, vậy thì hãy chủ động xin nghỉ việc. Nói cách khác, bạn hãy nhảy việc.
Có những công việc yêu cầu chịu áp lực rất lớn, khiến tinh thần bạn luôn mệt mỏi, căng thẳng, bất an. Nếu không thể cải thiện tình trạng này và cũng không muốn bị quá tải, bạn có thể cân nhắc chuyển sang làm công việc khác. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn nên suy nghĩ đến việc từ chức:
• Ngoài xử lí công việc cấp trên giao phó, bạn còn phải hỗ trợ đồng nghiệp và bộ phận giải quyết các nhiệm vụ khác. Công việc gì bạn cũng phải góp mặt, nhiều khi cùng một lúc bạn phải xử lí nhiều vấn đề khác nhau;
• Bạn luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, không có sức lực chăm lo cho việc cá nhân. Hầu như ngày nào bạn cũng thấy đau đầu, đau dạ dày, tim đập nhanh và các triệu chứng khó chịu khác;
• Bạn phải dành nhiều thời gian quan tâm đến vấn đề nhân sự. Đồng nghiệp xung quanh đều chia bè kéo cánh, lợi dụng, chơi xấu nhau;
• Bạn không có cách nào đẩy nhanh tiến độ công việc, vì cấp trên thường xuyên giao thêm cho bạn những nhiệm vụ khác. Đồng thời việc đồng nghiệp có thái độ bất hợp tác khiến bạn khó có thể hoàn thành công việc chung.
Nhảy việc không phải là quyết định đáng xấu hổ. Người xưa có câu: “Chim khôn chọn cành mà đậu, bầy tôi chọn chủ mà thờ.” Bỏ chỗ tối tìm chỗ sáng là quyền lợi chính đáng của bạn.
Trên đời không có đường cùng, chỉ có chúng ta tự dừng bước mà thôi. Đừng đợi đến khi cấp trên ép bạn từ chức, thậm chí là cách chức, bạn mới nghĩ đến một con đường khác. Cuộc sống có trăm nghề nghìn việc, chỉ cần bạn chăm chỉ, cố gắng, chắc chắn sẽ có thành tựu. Vì tiền đồ của bản thân, mỗi nhân viên công sở đều nên chuẩn bị sẵn nhiều hướng đi cho sự nghiệp của mình.