Người xưa có câu: “Người không lo xa, tất có họa gần”, vì vậy các bậc trí giả đều biết mưu sâu nghĩ xa, phòng trừ hậu họa. Tâm lí chủ quan thường dẫn đến những hệ lụy khôn lường, cho nên bạn hãy sớm học cách nhìn xa trông rộng. Nếu tai họa treo lơ lửng trên đầu còn không nhận ra thì sẽ không lĩnh nổi hậu quả.
1
NHẬN RA MẦM HỌA TỪ SỚM
Không biết dự liệu tương lai, chúng ta sẽ không kịp thời loại trừ mầm họa đã manh nha đâm chồi, từ đó dễ mắc phải sai lầm nghiêm trọng
Có lúc, cho dù sự việc chưa xảy ra nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng báo trước về nó. Nếu không dự liệu trước sự tình phát sinh từ những dấu hiệu ban đầu này, vậy thì bạn cũng giống như con chim sẻ hồn nhiên xây tổ ngay trên đống củi đã châm lửa, vô cùng nguy hiểm. Những người khôn ngoan không hành xử như vậy. Họ chỉ cần thấy một chút dấu hiệu là đã có thể lường trước sự việc và sớm có biện pháp ứng phó phù hợp. Câu chuyện dưới đây là ví dụ.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Vũ Vương phái tướng Cam Mậu đi đánh thành Nghi Dương của nước Hàn. Cam Mậu lo lắng khi mình cầm quân tất có kẻ ở triều sàm tấu hãm hại, bèn tâu rằng:
“Trước đây, khi Tăng Sâm ở đất Phi, nước Lỗ, có một kẻ cũng tên là Tăng Sâm phạm tội giết người. Có người chạy đến bảo với mẹ Tăng Sâm rằng: ‘Tăng Sâm giết người.’ Mẹ Tăng Sâm vừa dệt vải vừa đáp: ‘Con tôi không giết người.’ Không lâu sau, lại có một người khác gọi mẹ Tăng Sâm và bảo: ‘Tăng Sâm giết người rồi.’ Mẹ Tăng Sâm vẫn điềm nhiên dệt vải như cũ. Không lâu sau lại có người thứ ba chạy đến bảo: ‘Tăng Sâm giết người rồi.’ Mẹ Tăng Sâm lập tức ném thoi chạy ra ngoài.
Nhìn vào việc Tăng Sâm nổi tiếng là người hiền và mẹ Tăng Sâm tin tưởng con như vậy, mà khi có ba người liên tiếp phao tin đồn nhảm, mẹ Tăng Sâm đã nghi ngờ, sợ hãi. Huống hồ thần đi đánh nước Hàn, hồ nhỡ có tiểu nhân đến sàm tấu gièm pha, vậy thì thần làm sao còn chốn dung thân. Xin chủ công minh xét.”
Đây chính là “mưu sâu nghĩ xa” hay “ủ mưu dự kế”. Đây là nguyên tắc tối cao để xử lí mối quan hệ giữa sự việc hiện tại và tương lai sau này. Trong lịch sử, các đại thần thông tuệ, tài trí hơn người đều giỏi suy tính sâu xa.
Thời đầu nhà Hán, Hán Cao Tổ Lưu Bang phái Phàn Khoái lấy danh nghĩa Tướng quốc đem quân đi bình định cuộc mưu phản của Yến vương Lư Quán. Sau khi phát binh, có kẻ gièm pha Phàn Khoái nhân lúc Lưu Bang sinh bệnh thông đồng với Lư Quán, đợi khi Lưu Bang chết sẽ cho giết cả nhà Thích phu nhân (phi tần được Hán Cao Tổ sủng ái nhất). Lưu Bang nổi giận, phái Trần Bình cưỡi ngựa đi truyền mệnh lệnh: Để Chu Bột thay Phàn Khoái chỉ huy đội quân, đồng thời cho xử chém Phàn Khoái và bêu đầu trong quân.
Sau khi Trần Bình tiếp nhận mệnh lệnh của Lưu Bang, tới quân doanh bèn nói chuyện riêng với Chu Bột: “Phàn Khoái là công thần, lại là em rể của Lã Hậu. Hoàng thượng nhất thời hồ đồ, muốn lấy đầu ông ta. Nhưng Hoàng thượng bệnh nặng, tương lai thế nào còn chưa biết được. Cho nên đừng vội chém đầu Phàn Khoái, chỉ cần đưa ông ta về kinh, để Hoàng thượng tự mình hạ lệnh chém đầu ông ta.” Chu Bột cũng đồng ý làm như vậy.
Về sau trên đường áp giải Phàn Khoái về kinh, Trần Bình nghe tin Lưu Bang qua đời liền vội vàng cấp báo tới Lã Hậu về việc của Phàn Khoái. Lã Hậu liền lệnh cho Trần Bình thả Phàn Khoái. Vì Trần Bình không nghe theo ý chỉ của Lưu Bang giết Phàn Khoái nên Lã Hậu rất tin tưởng anh ta, để cho anh ta làm thầy dạy học cho thái tử. Về sau em gái Lã Hậu là vợ Phàn Khoái muốn giết Trần Bình để trả thù, nhưng Lã Hậu không phê chuẩn.
Thời gian chuyển động liên tục. Không biết dự liệu tương lai, chúng ta sẽ không kịp thời loại trừ mầm họa đã manh nha đâm chồi, từ đó dễ mắc phải sai lầm nghiêm trọng.
2
DẸP HỌA KHÔNG BẰNG PHÒNG HỌA
Hãy nỗ lực hết sức để có được kết quả tốt đẹp, đồng thời cần chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho tình huống phát sinh ngoài ý muốn để kịp thời ứng phó
Trong Binh pháp Tôn Tử có viết: “Nếu bạn muốn chiến thắng, đừng bao giờ quên đi khả năng thất bại. Nói cách khác, trong lúc yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy cấp để phòng bị. Giả sử vạn nhất thất bại, phải làm trước các bước dự phòng.” Do đó, chằng nhà trước bão tuyệt đối không phải chuyện lo bò trắng răng mà là để chắc thắng, cho nên phải thận trọng phòng họa từ sớm.
Người có hiểu biết sẽ không bao giờ thỏa mãn với hiện tại, bởi vì ánh mắt họ bao giờ cũng nhìn xa trông rộng, ngồi trong yên ổn tính kế phòng lúc gian nan.
Khi được lợi cần đề phòng mưu kế
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Trí Dao muốn chiếm nước Vệ, bèn gửi tặng vua nước Vệ 400 con ngựa và một miếng ngọc bích quý. Vua Vệ vốn tham lam, nhận được lễ hậu thì rất thích chí, quần thần đều lên tiếng chúc mừng lễ quý, chỉ duy có đại phu Nam Văn Tử mặt mũi lại lộ rõ ưu tư. Vua Vệ bèn hỏi ông: “Nước lớn cùng nước ta giao hảo, cớ sao ngươi lại không vui?” Nam Văn Tử nói: “Không có công lao mà nhận thưởng hậu, không bỏ công sức mà có quà cáp, việc này không thể không xem xét kĩ. Tặng 400 con ngựa tốt và một miếng ngọc bích quý, đây là lễ tiết giữa các nước nhỏ. Khi nước lớn làm thế, đại vương vẫn nên cẩn thận thì hơn.” Vua Vệ nghe lời khuyên, cho tăng cường quân đội canh giữ biên cương. Về sau quả nhiên Trí Dao dẫn binh đi đánh nước Vệ. Quân của Trí Dao tới biên giới, thấy quân nước Vệ đã sớm có chuẩn bị, cho nên rút binh về. Trí Dao còn nói: “Nước Vệ vẫn có người hiền, có thể nhìn thấu mưu kế của ta.”
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Không góp công không nhận thưởng.” Trí Dao vô duyên vô cớ lại tặng lễ hậu cho vua Vệ, trong chuyện này nhất định là có mưu đồ. Nam Văn Tử đoán rằng Trí Dao cố ý tỏ ra muốn giao hảo cùng nước Vệ, để nước Vệ nới lỏng cảnh giác, sau đó sẽ đem quân tấn công.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người đa mưu quỷ kế giống như Trí Dao, rất giỏi trăm phương nghìn kế lừa gạt đối thủ, lựa lúc đối thủ sơ hở phòng bị để chớp thời cơ hành động. Nam Văn Tử ngay từ đầu đã cảnh giác với hành động của Trí Dao, cho nên tỉnh táo nhận ra rằng không ai cho không ai cái gì. Chuyện bất bình thường thế này không thể không xem xét nguyên do để sớm có cách đề phòng. Cách làm của Nam Văn Tử có thể ứng dụng vào nhiều tình huống trong đời sống hiện nay.
Lúc yên ổn dùng ân nghĩa thu phục nhân tâm
Đây là lối ứng xử được các bậc hiền triết Trung Quốc khuyến khích. Vậy, ý nghĩa thực sự của nó là gì?
Mạnh Thường Quân cử môn khách của mình là Phùng Huyên thay mình đến đất Tiết (đất được phong của nhà Mạnh Thường Quân) thu nợ. Trước khi đi, Phùng Huyên hỏi ông: “Thu tiền xong thì mua gì về?” Mạnh Thường Quân trả lời: “Ông xem trong nhà còn thiếu gì thì mua về là được.” Phùng Huyên đến đất Tiết, cho gọi hết những người còn nợ Mạnh Thường Quân đến. Sau khi mọi người có mặt đông đủ, Phùng Huyên lại giả truyền lệnh của Mạnh Thường Quân, xóa hết nợ cho mọi người. Người dân đất Tiết đều hô to: “Mạnh Thường Quân vạn tuế!” Sau đó Phùng Huyên quay về nước Tề, Mạnh Thường Quân trong lòng thắc mắc sao Phùng Huyên trở về nhanh như vậy, bèn hỏi: “Thu xong nợ rồi à?”
Phùng Huyên trả lời: “Đã thu xong hết rồi!” Mạnh Thường Quân lại hỏi: “Mua được gì về thế?” Phùng Huyên trả lời: “Ngài bảo tôi thấy trong nhà thiếu gì thì mua về. Nhưng tôi thấy nhà ngài trong chất đầy của quý, ngoài nuôi chó ngựa hàng đàn, mĩ nữ cũng vô số. Tôi chỉ thấy thiếu một thứ, đó là ân nghĩa, cho nên tôi đã tự quyết định thay ngài mua ân nghĩa về rồi.”
Mạnh Thường Quân cảm thấy khó hiểu: “Mua ân nghĩa là mua thứ gì?” Phùng Huyên trả lời: “Trước mắt, ngài chỉ có vùng đất được phong nho nhỏ là đất Tiết này, nhưng lại không chăm lo cho bách tính ở đấy mà chỉ biết thu lợi từ dân chúng. Cho nên tôi mới thay ngài truyền lệnh xóa hết nợ nần cho con dân đất Tiết, bách tính đều cảm tạ ân đức của ngài. Đây chính là ‘mua ân nghĩa’ mà tôi nói.” Mạnh Thường Quân hiểu ra, trong lòng cảm thấy không vui lắm.
Một năm sau, nước Tần cho người li gián. Tề Vương nghi ngờ Mạnh Thường Quân thanh thế quá lớn, uy hiếp địa vị của mình, quyết định cách chức Tể tướng và đuổi về đất Tiết. Mạnh Thường Quân về đến nơi, bách tính già trẻ dắt nhau chạy đến đón chào ông. Đến lúc này Mạnh Thường Quân mới hiểu được thâm ý “mua ân nghĩa” của Phùng Huyên khi xưa.
Mạnh Thường Quân thật may mắn vì đã có Phùng Huyên sớm trợ giúp. Tuy nhiên ở xã hội hiện đại, sự đời lại càng nhiều biến hóa. Vậy nên bạn đừng sớm đắc ý, chắc mẩm bản thân bình yên vô sự. Luôn phải ghi nhớ gây dựng ân tình để được giúp đỡ khi gặp khó khăn.
Lúc dư giả không nên quá chủ quan
Thời vua Tống Chân Tông có Trần Tấn Công Trần Thứ giữ chức Tam ti sử, chịu trách nhiệm các việc thu chi. Tống Chân Tông lệnh cho Trần Thứ thống kê số lượng lương thực, tiền của trong các kho trong ngoài cung rồi báo lên. Trần Thứ vội vàng tuân mệnh nhưng lại không nộp báo cáo thống kê. Cứ lần lữa mãi, đến nỗi Tống Chân Tông phải hỏi tới mấy lần, cuối cùng Trần Thứ vẫn không báo cáo. Tống Chân Tông lại lệnh cho Tể tướng trong triều đi chất vấn Trần Thứ. Trần Thứ trả lời: “Bệ hạ còn trẻ như vậy, lại biết ngân khố dồi dào, chỉ sợ rằng sẽ sớm sinh lòng hoang phí.” Trần Thứ chỉ bẩm báo chuyện nên lo, không báo chuyện đáng mừng với Hoàng đế, quả thực là một người biết nhìn xa trông rộng.
Tóm lại, khi xử lí mọi việc, chúng ta không thể bỏ qua việc dự tính đến thất bại, tổn thất, và các phương án phòng trừ hữu hiệu nhất. Hãy nỗ lực hết sức để có được kết quả tốt đẹp, đồng thời phải có sự chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho tình huống phát sinh ngoài ý muốn để kịp thời ứng phó. Gặp chuyện vui không quên phòng chuyện buồn mới có thể lấy bất biến ứng vạn biến, giữ vững thế trận bất bại cho bản thân.
3
ĐỪNG LẤY TRỨNG CHỌI ĐÁ
Hãy luôn thức tỉnh bản thân, cho dù mình đúng cũng nên chú ý thái độ, cách thức trao đổi và hoàn cảnh, không chống đối cấp trên, khiến cấp trên cả giận mất khôn, hình thành ác ý với mình
Trong công việc, chúng ta phải thường xuyên giao lưu cùng cấp trên, mà cấp trên luôn vô cùng để ý đến tôn nghiêm của bản thân. Thị uy, ra lệnh, buộc nhân viên làm theo ý mình sẽ cho cấp trên cảm giác có được quyền lực. Nhưng tôn nghiêm lại là vấn đề khá nhạy cảm. Mạo phạm tôn nghiêm của một người cũng giống như khinh miệt người đó. Các nhà lãnh đạo thường mặc nhiên cho rằng cấp dưới đương nhiên phải tôn trọng họ. Điều này phải tuyệt đối được tuân thủ, không ai được phép phạm vào.
Khi xảy ra va chạm với cấp dưới, cấp trên khó có thể làm hòa trước vì cho rằng như vậy thật mất thể diện. Nếu mệnh lệnh của cấp trên thực sự bất hợp lí và bạn chọn cách đôi co trực tiếp, thì không nghi ngờ gì nữa, bạn đã làm tổn hại đến tôn nghiêm của cấp trên. Đặc biệt là trong một số trường hợp, cấp trên sẽ vô cùng coi trọng quyền uy của người lãnh đạo. Cấp trên sẽ biểu thị rằng anh ta có thể xem xét những ý kiến của bạn, nhưng tuyệt đối không bao giờ cho phép bạn khiêu chiến với quyền uy của mình.
Khi xảy ra va chạm với cấp trên, cấp dưới sẽ đôi lúc sử dụng ngôn từ chưa phù hợp. Những từ ngữ này giống như những con dao sắc nhọn đâm thẳng vào tim cấp trên, khiến anh ta đau đớn phản đòn, nổi trận lôi đình, coi cấp dưới là kẻ thù. Trong tình huống này, là một cấp dưới muốn tranh biện với cấp trên, cho dù bạn nghĩ cho đối phương nên mới bất đắc dĩ nói ra những lời này, nhưng nếu từ ngữ của bạn không đúng mực thì có thể khiến cấp trên cho rằng bạn đang vô cùng bất mãn với anh ta. Cấp trên sẽ thầm nghĩ: “Tên này che giấu quá giỏi, lừa mình bấy lâu nay. Hóa ra hắn ta luôn có ý kiến với việc điều hành của mình, luôn một lòng hai dạ, đến hôm nay cháy nhà mới ra mặt chuột!” Kiểu kết luận “suy bụng ta ra bụng người” này sẽ khiến hận thù bùng lên dữ dội, thiêu đốt hết bình tĩnh của cấp trên.
Cấp dưới công khai chống đối sẽ khiến cấp trên nhanh chóng mất đi lí trí. Một khi bị cấp dưới chống lại, tôn nghiêm bị tổn hại, cấp trên sẽ cảm thấy quyền uy của mình bị thách thức. Vào lúc cảm thấy thể diện bị uy hiếp, cấp trên sẽ thổi phồng sự việc lên thành vô cùng nghiêm trọng, nhất thời chẳng còn quan tâm gì đến đúng sai phải trái, chỉ còn biết đến tức giận và trút giận. Trong tình huống này, cấp trên sẽ trở nên vô cùng kích động. Khi đã mất đi khả năng bình tĩnh phán đoán, cấp dưới chống đối sẽ trở thành kẻ thù số một của cấp trên và sẽ phải lãnh hậu quả. Cho dù lúc đó cấp trên hết sức kiềm chế, thì sau đó vẫn sẽ giận tím người, sẽ tìm cơ hội dạy dỗ cấp dưới đó một trận.
Dưới đây là một câu chuyện bi kịch về việc chống đối cấp trên đã xảy ra trong lịch sử mà tất cả cấp dưới chúng ta nên đọc để rút kinh nghiệm:
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đốt cháy gò Bác Vọng khiến quân Tào đại bại. Đại tướng của quân Tào là Hạ Hầu Đôn tâu với Tào Tháo rằng: “Lưu Bị ngông cuồng như thế, thật là mối họa ngấm ngầm. Chi bằng lúc này ra tay trước, giết quách hắn đi cho xong.” Tào Tháo cũng tin rằng Lưu Bị và Tôn Quyền chính là những kẻ ngăn ông thống nhất thiên hạ, cho nên quyết định phát binh tiễu trừ, san bằng Giang Nam.
Lúc đó, trong triều có một vị đại phu tên là Khổng Dung. Khổng Dung coi Lưu Bị là “tôn thất nhà Hán”, Tôn Quyền là “hổ ở đất Rồng”, còn Tào Tháo là “phường thất phu lừa thầy phản bạn”. Vị đại phu này can ngăn Tào Tháo diệt trừ Lưu Bị và Tôn Quyền, khiến Tào Tháo tức giận. Bị từ chối, Khổng Dung ngửa mặt lên trời than rằng: “Kẻ bất nhân bất nghĩa nhất tìm cách giết hại người có nhân có nghĩa nhất, làm sao có thể không thất bại cho được?” Câu này bị kẻ gian nghe được và báo lên Tào Tháo, Tào Tháo nổi giận, ra lệnh giết chết cả nhà Khổng Dung.
Tương truyền, thời đó đã sớm có người nói với Khổng Dung rằng: “Ông quá cương trực rồi, đây chẳng khác nào ông tự trồng mầm họa cho mình.”
Khổng Dung học rộng tài cao nhưng lại không biết cách nắm bắt ý đồ và quyết tâm của lãnh đạo, nói năng không kiêng dè, đặc biệt lại nói Tào Tháo là “kẻ bất nhân bất nghĩa nhất”. Như vậy sao có thể không khiến Tào Tháo thẹn quá hóa giận, nhanh chóng giết chết Khổng Dung.
Vậy nên đối với cấp trên, cấp dưới đừng cao hứng mà ăn nói bạt mạng, cá mè một lứa. Hãy luôn thức tỉnh bản thân, cho dù mình đúng cũng nên chú ý thái độ, cách thức trao đổi và hoàn cảnh, không chống đối cấp trên, khiến cấp trên cả giận mất khôn, hình thành ác ý với mình. Đem trứng chọi đá sẽ không thể có kết quả tốt đẹp.
4
BỘC LỘ BẢN THÂN TRƯỚC NGƯỜI KHÁC
Người có thể thoát khỏi gông cùm trói buộc, mở rộng cánh cửa tâm hồn, không giấu giếm bản thân trước người khác, làm tất cả mọi việc một cách đường đường chính chính thực sự là bậc đại trí đại dũng
Vì muốn được an toàn mà ngụy trang bản thân thật kĩ đôi khi cũng không phải là cách hay. Ngược lại, có những lúc, thể hiện bản thân để người khác hiểu rõ về bạn lại có hiệu quả hơn. Hãy cùng xem xét câu chuyện dưới đây.
Khai quốc công thần thời Tây Hán là Trần Bình có lần bị quân địch truy đuổi gắt gao, phải vội vàng bỏ trốn. Lúc lên đò, người lái đò thấy trên người Trần Bình có đeo bảo kiếm, biết ngay ông là quan binh, cho nên nhòm ngó túi tiền của ông. Trần Bình đề phòng người lái đò vì nảy lòng tham tiền mà giết oan mình bèn cố ý cởi áo ở trần, cho người lái đò thấy trên người mình ngoài thanh kiếm ra thì không có tiền của gì khác.
Trần Bình bày nhiều mưu hay giúp Lưu Bang thắng thế, công lao rất lớn, loại mẹo vặt cho người khác “thấy khó mà lui” này chỉ là chuyện nhỏ đối với ông.
Lại có câu chuyện khác như sau:
Nhà Đường thời Trung Hưng có danh thần Quách Tử Nghi. Ông là đại thần có công đầu trong việc dẹp loạn An Sử9 nên được phong là Phần Dương quận vương, nhưng vương phủ của ông ngày ngày đều mở rộng cửa lớn, người ra người vào tùy ý, không bị xét hỏi. Một lần, một tướng quân dưới trướng Quách Tử Nghi chuẩn bị vào kinh nhậm chức, trước khi đi mới đến chào từ biệt, vừa lúc gặp vợ con Quách Tử Nghi đang rửa mặt chải đầu, dùng khăn mặt cùng loại với người hầu. Sau khi tướng quân đó rời đi, mấy người con trai của Quách Tử Nghi cảm thấy mất hết mặt mũi, kéo đến khuyên ông lần sau hãy phân biệt trong, ngoài phủ, không thể để người ngoài ra vào tự nhiên như vậy được. Quách Tử Nghi vẫn không nghe, con cái của ông thấy vậy bèn khóc ầm lên, khuyên cha phải tự trọng.
9 Loạn An Sử: Cuộc biến loạn xảy ra vào thời vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do hai viên tướng nhà Đường là An Lộc Sơn và Sử Tử Minh cầm đầu.
Không ngờ, Quách Tử Nghi lại tủm tỉm cười và giải thích cho các con dụng ý của việc này: “Triều đình ban cho ta nhiều bổng lộc như vậy mà trước kia không có yêu cầu gì, khi ta thoái lui cũng không rút lại. Nếu ta một lòng xây tường cao, đóng cửa kín, không còn qua lại với người của triều đình, vậy vạn nhất có người có oán thù vào triều vu cáo ta ăn ở hai lòng, lại bị thêm những người ghen ăn tức ở khác thêm mắm dặm muối hùa vào để chuyện không thành có, vậy thì chín họ nhà chúng ta chỉ có nước thịt nát xương tan. Đến lúc đó chúng ta có hối hận em cũng đã quá muộn rồi. Nay ta mở cửa phủ cả ngày, cho dù có người có lòng hại ta, cũng chẳng bới móc được chỗ sai nào.”
Mấy người con nghe xong đều vô cùng bội phục, quỳ rạp trên đất lạy cha.
Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều đại thần tài cao, nhưng có thể có được kết cục trọn vẹn, một đời vinh hiển như Quách Tử Nghi quả thật không được mấy người. Quách Tử Nghi làm quan qua bốn đời vua Đường, giữ những chức vụ trọng yếu trong quân đội, được Sử quan đời Đường là Bùi Kịp bình rằng: “Quyền khuynh thiên hạ mà triều đình không nghi ngại/Công lao cái thế mà vua không đề phòng”. Danh tiếng này không thể có được nếu không nhờ kế sách “mặt dày tâm đen” của Quách Tử Nghi. Còn nếu chỉ coi đó là do Quách Tử Nghi thận trọng, vậy há chẳng phải quá coi thường bản lĩnh của ông hay sao?
Mỗi người sống trên đời, phần lớn trường hợp đều diễn các vai khác nhau. Người có thể thoát khỏi gông cùm trói buộc, mở rộng cánh cửa tâm hồn, không giấu giếm bản thân trước mặt người khác, làm tất cả mọi việc một cách đường đường chính chính thì thực sự là bậc đại trí đại dũng. Vậy nên, bạn có thể chọn bộc lộ bản thân với người khác, điều đó sẽ khiến họ không nghi kị gì bạn nữa.
5
THÀNH THỰC CHẲNG BẰNG KHÔN KHÉO
Khi bị người yêu hỏi khó, nếu bạn khéo léo một chút sẽ vừa không chọc giận đối phương, vừa không khiến đôi bên khó xử. Những lời khôn khéo này nếu được dùng đúng lúc sẽ tốt hơn những lời thật thà
Hai người yêu nhau, cho dù gắn bó đã lâu cũng vẫn còn rất nhiều điều khác biệt, và chỉ cần một chút bất cẩn là có thể phá hỏng tình cảm của đôi bên. Giữa những người yêu nhau thường có rất nhiều câu hỏi khó đáp lời. Đối với những câu hỏi khó này, nếu cứ thật thà trả lời, chắc chắn sẽ khiến đối phương mất hứng, thậm chí khiến tình cảm tan vỡ. Nhưng cũng không thể trốn tránh không trả lời, vì đây đều là những câu hỏi buộc bạn phải giải đáp cho đối phương. Vậy nên, làm thế để nào trả lời những câu hỏi khó này là vấn đề khiến không ít người đau đầu. Xin hãy bình tâm, tôi sẽ giúp các bạn phân loại những câu hỏi khó trong tình yêu và gợi ý các câu trả lời thông minh, để khi gặp phải những vấn đề này bạn có thể nhanh chóng vượt qua.
“Với người khác, anh/em cũng thân thiết như thế này sao?”
Đây thật sự là một câu hỏi khiến người khác phải điên đầu. Lúc này, bạn chỉ có thể nói: “Ồ, không, em/anh yêu, làm gì có ai so sánh được với mối quan hệ của chúng ta.” Có lẽ đây chỉ là một lời trấn an, một câu nịnh, nhưng bất cứ lời đáp thành thực nào trong trường hợp này cũng đều có hại. Nó không chỉ phá hoại mối quan hệ của hai bạn mà còn làm bạn đánh mất hình tượng trong mắt người yêu.
“Anh/em thực sự quý mến người nhà em/anh chứ?”
Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Khi bạn yêu một ai đó, bạn đương nhiên sẽ chỉ muốn kết hôn với cô/anh ấy. Nhưng những người đã lập gia đình nhiều năm sẽ nói với bạn rằng, có lúc bạn thực sự không khác gì đã “kết hôn” với cả người nhà của chồng/ vợ mình. Cho nên nếu người yêu hỏi bạn câu hỏi này, bạn có thể đáp lời như sau: “Ừ, người nhà em rất thú vị.” Câu trả lời này không hoàn toàn là dối lòng, bởi vì ai chẳng có điểm thú vị riêng. Điều này chẳng phải còn tốt hơn vạn lần so với câu: “Ừm, anh/em không ưa nổi mấy người đó” hay sao? Hoặc bạn có thể nói thêm: “Anh/em cảm thấy bố em/anh rất phong độ. Chỉ là em/anh có thể nói với bố, chuyện đi nghỉ tuần trăng mật hãy để bọn mình tự quyết định được không?”
“Em có béo không?”
Nếu như bắt buộc phải trả lời câu hỏi này, bạn phải tính kĩ từng lời thốt ra. Người yêu bạn có thực sự muốn biết ý kiến của bạn hay không? Trong đại đa số trường hợp, đáp án đều là không. Điều người yêu bạn muốn biết đó là dù cho thân hình cô ấy như thế nào, bạn vẫn yêu thương cô ấy. Cho nên tốt nhất bạn nên nói thế này: “Anh thấy người em vẫn đẹp mà. À, anh chợt nhớ ra, sao em không mặc cái váy xanh đó, nó rất hợp với em!” Nói như vậy, cho dù có chút “dối trá” nhưng kì thực vẫn có phần sự thật, lại làm vui lòng người yêu bạn.
“Điện thoại của ai thế?”
Hãy coi chừng câu hỏi này. Nếu người yêu bạn là người hay ghen, lại còn biết rõ người yêu cũ của bạn, vậy thì cho dù bạn và người yêu cũ gọi điện nói chuyện bình thường, không có gì bí mật, người yêu bạn nghe đến cũng có thể nổi cơn ghen ngút trời. Cho nên bạn có thể mỉm cười và nói với người yêu rằng đó là điện thoại của một người bạn gọi tới. Lại có một số người, rất thích kích thích lòng ghen tuông của người yêu, cho dù đó chỉ là điện thoại của một người bạn bình thường, lại hay nói dối đó là điện thoại của người yêu cũ gọi đến để lôi kéo tái hợp. Làm vậy chỉ khiến mối quan hệ của hai người rạn nứt, hành vi thiếu lí trí này rất nguy hiểm, tốt nhất không nên thử.
“Anh/em có nhớ em/anh không?
Nếu người yêu bạn mới đi công tác về và câu đầu tiên hỏi bạn là câu này, bạn định trả lời như thế nào? Có thể mấy ngày qua bạn vô cùng bận rộn, không có thời gian để nhớ người yêu. Nhưng lúc này, tốt nhất bạn vẫn nên trả lời rằng: “Ồ, còn phải hỏi sao, anh/em nhớ em/anh sắp chết rồi!”
“Trước kia anh yêu nhiều cô lắm rồi à?”
Khi mới yêu nhau, các bạn gái rất thích hỏi bạn trai mình câu hỏi này. Phụ nữ luôn muốn biết tường tận về người mình yêu. Nếu lúc trước bạn từng là một người đào hoa, đa tình hoặc là người từng có cuộc sống xa hoa, hưởng lạc, cho dù hiện tại đã thay đổi thì cũng không thể không đánh mà khai hết ra. Lúc này, bạn nên trả lời: “Hiện giờ anh chỉ có mình em thôi. Anh đâu có để ý đến ai khác ngoài em.”
“Sao anh nhìn người ta chằm chằm thế, anh thích cô ta rồi à?”
Hai người yêu nhau hoặc đã kết hôn không có nghĩa là đôi bên đều không còn bị hấp dẫn bởi người khác nữa. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc bạn không còn yêu đối phương. Chỉ có điều, khi phát hiện bạn tán thưởng người khác giới khác, người yêu bạn sẽ không tránh khỏi có chút ghen tuông. Cho nên khi người yêu hỏi bạn câu này, tốt nhất bạn nên trả lời rằng: “Sao cơ? Anh nhìn ai cơ? Anh có nhìn ai đâu. Là anh đang bận nghĩ đến chuyện khác cho nên nhất thời ngây người ra thôi.”
Từ những cách trả lời các câu hỏi khó của người yêu nói trên, chúng ta có thể thấy: Trong đời sống thực, đặc biệt là khi bị người yêu hỏi khó, nếu ta khéo léo một chút sẽ vừa không chọc giận người yêu, vừa không khiến đôi bên khó xử. Những lời khôn khéo này nếu được dùng đúng lúc sẽ tốt hơn những lời thật thà nhiều, bạn có thể thử áp dụng xem sao.
Ngoài ra, khi giao lưu với người khác, chúng ta cũng nên cân nhắc để có được câu trả lời khôn khéo nhất. Tốt nhất là “hỏi xoáy đáp xoay” chứ đừng thật thà, thiếu tính toán khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng một cách không cần thiết.
6
TRÁNH BỊ TRỤC LỢI TỪ SAI PHẠM CỦA BẢN THÂN
Tránh để người khác trục lợi từ sai phạm của bản thân là “tâm kế” ắt phải chuẩn bị nếu muốn sống sót ngoài xã hội
Giữa người với người luôn có sự cạnh tranh. Nếu không muốn bị đối thủ nắm được sơ hở, bạn tuyệt đối cần tránh gây ra sai phạm. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Tháng 9 năm 1996, Đổng Dương được bầu làm Bí thư thành ủy thị trấn Hà Khẩu, thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau nhậm chức, Đổng Dương lập tức đốt lên “ba ngọn lửa của tân quan”:
• Một là tập trung xây dựng chính quyền giản dị, tiết kiệm. Khách đến làm việc sẽ ăn tại nhà ăn thành ủy với suất ăn bình dân. Cán bộ đi thực tế ở địa phương phải tự lo chi phí ăn uống, không được bắt đoàn thể địa phương thiết đãi;
• Hai là chấn chỉnh tác phong của cán bộ nhà nước, diệt trừ tệ nạn bài bạc. Ngay trong cuộc họp ra mắt đầu tiên, Đổng Dương đã công khai tuyên bố chiến dịch làm trong sạch bộ máy chính quyền, chấn chỉnh tác phong cán bộ. Mùa lũ lụt này các cán bộ đi thị sát dưới vùng nông thôn tuyệt đối không được tổ chức đánh bài bạc, ai vi phạm sẽ bị cách chức;
• Ba là tinh giản cán bộ. Các cán bộ trong biên chế sẽ được sát hạch và chỉ những người đủ khả năng đảm nhiệm công việc mới được giữ lại, đồng thời cắt giảm cán bộ thời vụ. Cử ba ủy viên Đảng có uy tín trong ban chấp hành bảy người đi giám sát công việc thủy lợi.
“Ba ngọn lửa” của Đổng Dương vừa được “thắp” lên đã bị một số cán bộ kì cựu phản đối. Tháng 3 năm 1997, 18 cán bộ đứng đầu, trong đó có 6 lãnh đạo thị trấn cùng nhau kí vào đơn kiến nghị gửi lên Ban Bí thư tỉnh phản ánh các “sai phạm” của Đổng Dương, đề xuất điều chuyển ông khỏi Hà Khẩu. Đến tháng 8 năm 1997, Đổng Dương bị điều đến làm trưởng phòng Công nghệ của huyện Hà Khẩu.
Nhiều cán bộ trong huyện Hà Khẩu cho rằng: “Đổng Dương là một người có nhiệt huyết, có cá tính, cũng có khả năng đảm nhiệm tốt cương vị của mình. Nhưng ông lại coi thường một số cán bộ cũ, không thông hiểu nhân tình thế thái. Có lần Phó Thị trưởng Thành phố và Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp xuống Hà Khẩu công tác, đến giờ ăn, nhà ăn của Hà Khẩu cũng không chuẩn bị sẵn các suất cơm. Đổng Dương là quan thanh liêm nhưng lại không thức thời, cho nên không phù hợp với vị trí công tác này.”
Phó Bí thư Thành ủy Trần Thanh Tín nói: “Lí do Ban Bí thư điều chuyển Đổng Dương là vì có 18 cán bộ gửi đơn kiến nghị. Tôi cũng biết nhân dân ở đó rất ủng hộ Đổng Dương, nhưng cách làm của anh ấy gây bức xúc cho các cán bộ khác, cuối cùng lại ảnh hưởng tới công việc chung ở Hà Khẩu.”
Sở dĩ Đổng Dương bị điều chuyển công tác là bởi ông đã để người khác nắm được sơ hở của mình. Ông đã không cư xử với cấp trên như những cấp dưới khác, không vui vẻ tiếp đón, không thiết đãi phù hợp khiến cho lãnh đạo không vui. Đương nhiên nhiều lãnh đạo chỉ cho rằng Đổng Dương làm việc cứng nhắc, không biết ứng biến.
Chúng ta không bàn đến việc ai đúng ai sai ở đây, tuy nhiên từ câu chuyện trên có thể thấy cách làm của Đổng Dương là thiếu suy xét sâu xa. Tránh để người khác trục lợi từ sai phạm của bản thân là một loại “tâm kế” ắt phải chuẩn bị nếu muốn sống sót ngoài xã hội.
7
BIẾT DỪNG LẠI ĐÚNG LÚC
Người “biết dừng” mới có thể làm nên việc lớn
Vạn vật trên đời đều là “tri túc thường lạc” (biết đủ sẽ an vui), lòng tham nhất định sẽ khiến bạn gặp tai họa. Hồi thứ nhất của cuốn Hồng Lâu Mộng có ghi lại: “Có kẻ chê chức quan quá nhỏ, một lòng muốn leo lên cao, cho nên đã làm việc phạm pháp, cuối cùng bị tống vào ngục.” Thi nhân đời Đường là Lý Quần Ngọc viết trong bài Thả cá rằng: “Phải biết rằng dưới miếng mồi thơm chính là lưỡi câu.”
Trên đời này không thiếu gì những người hám tiền hám danh đang móc đời mình trên lưỡi câu. Từ mấy nghìn năm trước, ông tổ của Đạo gia là Lão Tử đã sớm nhìn rõ chuyện này và viết trong Đạo đức kinh rằng: “Danh tiếng với sinh mệnh so ra thì cái nào quý giá hơn? Sinh mệnh với của cải so ra cái nào đáng coi trọng hơn? Có được với mất đi so ra cái nào đau khổ hơn? Quá mức ham danh tiếng ắt phải trả giá rất nhiều. Quá mức tham lam ắt càng mất đi nhiều hơn. Cho nên mới nói, biết thế nào là đủ thì không phải chịu nhục. Biết dừng đúng lúc thì không gặp hiểm nguy. Có thế mới được bình an mãi mãi.” Vì thế có thể thấy “biết đủ luôn vui”, “biết đủ sẽ yên”.
Lão Tử nói: “Biết dừng thì không nguy.” Cụ thể hơn, đó là biết quá sức liền dừng, biết quá thời liền ngừng. Dừng lại ở thời điểm thích hợp thì bạn sẽ không gặp nguy hiểm.
Tào Tháo thời Tam Quốc sở dĩ có thể dẹp được quần hùng, thống trị phương Bắc chính là nhờ có tài năng chính trị, quân sự. Ông là người làm việc “biết điểm dừng”, thấy gió giương buồm, kịp thời tránh hiểm. Cho nên trong lịch sử Trung Quốc, các Sử quan gọi Tào Tháo là: “Trị thế năng thần, loạn thế gian hùng” (Dịch nghĩa: Bề tôi giỏi đời trị, kẻ gian hùng thời loạn).
Có một lần, Tào Tháo dẫn quân đi đánh vùng Hán Trung đang bị Lưu Bị chiếm đóng. Sau khi giành chiến thắng trong lần giao tranh đầu tiên, Tào Tháo đang ngồi trong trướng suy tính bước đi tiếp theo thì có đại tướng Tư Mã Ý xin cầu kiến. Tư Mã Ý nói: “Phải lập tức đẩy mạnh tiến công, thừa thắng xông lên, đem đại quân tiến vào đất Thục, tiêu diệt Lưu Bị. Nếu còn chần chừ sẽ để mất thời cơ.”
Nhưng Tào Tháo lại nói: “Không cần mạo hiểm đánh vào đất Thục. Quân Thục đường cùng sẽ liều chết chống trả.”
Biết khó mà lui cũng là một loại sách lược quân sự.
Mấy năm sau, quân Lưu Bị khí thế ào ào tấn công vào Hán Trung, Tào Tháo tự mình dẫn quân đánh địch. Lưu Bị dùng chiến thuật Dĩ dật đãi lao (Lấy sức nhàn chống sức mỏi) và Phủ để trừu tân (Rút củi đáy nồi) cắt đứt đường vận lương của quân Tào. Bậc thầy chiến thuật chiến tranh như Tào Tháo lúc này vô cùng lo lắng. Tào Tháo biết quân mình sức mỏi, lương thực lại không đủ, đánh khó mà thắng nên có ý lui binh. Đêm đó, lính gác đến hỏi khẩu lệnh của trận chiến, Tào Tháo đang ăn canh gà liền buột mồm nói: “Kê lặc” (gân gà). Chư tướng không hiểu câu này có ý gì, duy nhất chỉ có quan chủ bạ hành quân là Dương Tu hiểu được tâm tư của Tào Tháo, liền sai quân sĩ sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị rút quân. Có người hỏi Dương Tu vì sao lại biết đây là khẩu lệnh thu quân. Dương Tu nói: “Gân gà ăn thì vô vị mà bỏ thì thấy tiếc. Nay Hán Trung này cũng như gân gà, đánh thì không thắng, ở thì chẳng lợi, chi bằng rút quân. Vài hôm nữa Ngụy Vương sẽ rút quân thôi.” Hôm sau, quả nhiên Tào Tháo cho lui binh để bảo vệ nguyên khí của đại quân.
Khi làm việc, Tào Tháo luôn biết dừng lại đúng lúc, cho nên có thể giữ vững được lợi thế chính trị và quân sự của mình, cuối cùng đặt nền móng cho chính quyền Tào Ngụy. Nhưng sau này, con cháu Tào Tháo không “biết dừng” như cha ông, cho nên mới bị họ Tư Mã chiếm quyền. Do đó có thể thấy người “biết dừng” đúng lúc mới có thể làm nên việc lớn.
8
XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG “KHÔNG DỄ GÂY SỰ”
Kiểu hình tượng “tôi là người không dễ chọc vào” mà bạn tạo dựng nên, trong một số trường hợp, sẽ nhắc nhở những người khác rằng đừng gây khó dễ với bạn
Ngạn ngữ có câu: “Mềm sợ cứng, cứng sợ bất cần đời.” Ngoài đời, có một số kẻ ngông nghênh, ngang ngược sở dĩ có thể được thời đắc ý là bởi vì trong xã hội còn có quá nhiều người thật thà, cam chịu để cho chúng ức hiếp. Mỗi khi muốn tác oai tác quái để phô trương thanh thế, chúng luôn chọn những người lương thiện, yếu đuối để uy hiếp bởi nhắm vào những người này tương đối an toàn, không sợ phiền phức về sau.
Đâu đâu xung quanh chúng ta cũng có thể thấy những người luôn nhẫn nhịn chịu đựng bị người khác bắt nạt như vậy. Vẻ ngoài yếu đuối, sợ sệt của họ luôn khơi dậy mong muốn bắt nạt của một số kẻ khác.
Vì vậy, muốn sống tốt ngoài xã hội, ai cũng cần có chút gai góc. Cho dù không cần đến mức như con nhím cả người đầy gai nhọn, hễ động vào là gai dựng đứng lên, nhưng ít nhất cũng phải để cho những kẻ hung hãn thấy rằng bạn không phải người có thể dễ dàng bắt nạt. Đối với những kẻ ngang ngược, cố ý gây sự, bạn chỉ cần tỏ ra “trong tay ta vẫn còn quân bài quyết định, ai đến liền chơi đến cùng”.
Xây dựng hình tượng là người “không dễ gây sự” cũng là một kĩ năng xử thế quan trọng để bảo vệ bản thân không bị kẻ xấu chọn làm mục tiêu bắt nạt. Kiểu hình tượng “tôi là người không dễ chọc vào” mà bạn tạo dựng nên, trong một số trường hợp, sẽ nhắc nhở những người khác rằng đừng gây khó dễ với bạn.
Nhưng thế nào là hình tượng người “không dễ gây sự”? Dưới đây xin giới thiệu tới bạn đọc những kiểu quen thuộc:
Hình tượng gai góc
Để xây dựng hình tượng gai góc, dễ nhất là thể hiện thái độ thẳng thắn, tức là dám nói ra và làm ra những hành vi chống trả những kẻ ức hiếp. Tâm lí của những người chuyên đi bắt nạt là chỉ dám gây sự với những đối tượng hiền lành, nhút nhát, cam chịu. Một khi bạn phản kháng, đối phương sẽ bất ngờ, lo sợ và rút lui vì không biết bạn sẽ có hành động gì tiếp theo. Như vậy, bạn sẽ được an toàn.
Hình tượng phái thực lực
Để tạo dựng hình tượng của phái thực lực thì ngày thường bạn cũng luôn phải thể hiện năng lực của mình. Hãy cho người khác thấy bản lĩnh làm việc chuyên nghiệp, thái độ khiêm tốn và cầu tiến, mạng lưới quan hệ tốt đẹp của bạn... Những điều này sẽ khiến những người xung quanh có ấn tượng rằng bạn rất có bản lĩnh. Một người có bản lĩnh đương nhiên chẳng ai dại mà chọc vào.
Nói tóm lại, xây dựng hình tượng là một người “không dễ gây sự” là việc bạn cần lưu ý khi bước chân ra xã hội. Mang loại hình tượng này cũng giống như đã gieo một hạt mầm của cây đại thụ, nhờ đó bạn có thể ngồi dưới bóng cây hóng mát, không còn phải lo sợ bị người khác vô cớ gây khó dễ, bắt nạt.
9
ĐIỀM NHIÊN ỨNG PHÓ VỚI VIỆC BỊ “LẬT TẨY”
Bạn nên dùng những câu nói, biểu cảm, động tác hài hước để chữa ngượng, biến đùa thành thật, biến thật thành đùa
Bạn đang hứng chí bừng bừng, “chém gió phần phật” với mấy chiến hữu về chuyện bạn đã câu được hai con cá “siêu to khổng lồ” này từ ao thế nào. Bỗng nhiên vợ bạn ngồi bên cạnh lại chêm vào một câu: “Đừng nghe anh nhà em ‘chém gió’. Cả đời cần thủ của anh ấy có câu được con cá nào đâu, đây là cá em mua ở ao đấy!”
Bạn đang khoe khoang với bạn gái mới quen: “Anh đang làm một chương trình. Đây cũng là chương trình đầu tiên anh chỉ đạo, nó rất thú vị, kiểu gì lúc chiếu cũng thu hút được nhiều khán giả.” Cậu bạn thân ngồi cạnh bạn lại nói một câu “phá sóng”: “Hừ, nói khoác cũng không sợ rách mồm! Em gái, đừng tin nó nói điêu, nó mà đạo diễn cái gì, mới chỉ là giám sát kịch bản thôi.”
Bạn đang vật lộn sửa giúp nhà hàng xóm cái tivi bị hỏng, vừa sửa vừa khoe khoang: “Đây có lẽ là do ăng ten hoặc bóng hình bị lỗi...” Bạn còn chưa nói xong thì chú ruột của bạn đi tới và nói: “Ôi dào, anh nhờ nhầm người rồi. Hôm trước nhà tôi vẫn còn xem được hai kênh, đưa cho nó sửa xong thì cả hai kênh đều không xem được.”
Đôi khi, vì muốn chọc quê bạn nên người thân, bạn bè sẽ “lật tẩy” vài chuyện khoác lác của bạn, làm bạn xấu hổ. Bạn muốn phủ nhận thì lại cảm thấy như thế là không đàng hoàng, muốn sửa lời lại thấy ngại vì như vậy là tự phản biện mình.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình huống khó xử này? Lúc này có lẽ bạn nên dùng những câu nói, biểu cảm, động tác hài hước để chữa ngượng, biến đùa thành thật, biến thật thành đùa.
Hoặc bạn có thể nương theo lời của người thân, bạn bè, nửa đùa nửa thật thừa nhận, kiểu như:
“À thì, lúc đó hết mồi câu, tớ ném mấy trăm xuống ao, rồi có hai con cá này nhảy vào giỏ tớ.”
“Muốn làm đạo diễn thì đầu tiên đều phải làm giám sát kịch bản còn gì. Không tin cậu đi mà hỏi ông Kurosawa Akira10.”
10 Kurosawa Akira (1910-1998): Nhà làm phim người Nhật Bản, được mệnh danh là một trong những nhà làm phim quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh.
“Mỗi cái hỏng một kiểu, cháu không sửa được tivi nhà chú không có là nghĩa không sửa được tivi nhà bác ấy.”
Muốn “chữa cháy” tình huống, bạn cần chủ động lên tiếng chứ đừng giữ im lặng, như vậy là ngầm thừa nhận bản thân đã bị “lật tẩy”. Nhưng có một điểm bạn phải nhớ kĩ: Những người “bóc mẽ” bạn thường có quan hệ vô cùng thân thiết với bạn, ví dụ như vợ/chồng, bạn thân, người thân... Cho nên bạn không thể tức giận chống trả, mà nên dùng lời nói, hành vi hài hước để biến nó thành một trò đùa.
Khi ứng phó với những tình huống bị “lật tẩy”, cần chú ý những điểm dưới đây:
Đừng nghi ngờ người “lật tẩy” có động cơ xấu
Nếu trong tình huống này chúng ta lại quá nhạy cảm, nghi thần nghi quỷ, lúc nào cũng đi tìm ý ngoài lời ẩn sau mỗi câu mỗi chữ của người khác, vậy thì chẳng khác nào chúng ta đang tự làm rối mình. Bởi vì trong nhiều trường hợp, đối phương chỉ buột miệng nói ra, hoặc nổi hứng trêu chọc, không cố ý làm tổn thương bạn. Người không biết không có tội, cho nên chúng ta đừng nghĩ xấu cho họ.
Không ăn miếng trả miếng
Có người hễ bị người khác nói “nặng lời” liền quyết định ăn miếng trả miếng, lời qua tiếng lại với nhau, như vậy dễ dàng phá hỏng một mối quan hệ vốn đang tốt đẹp. Nhiều khi người ta chỉ bóc mẽ bạn cho vui chứ không phải có ý gì xấu. Cho nên chúng ta cũng không cần phải làm căng với trò chọc phá của đối phương để đến nỗi phải mất đi một người bạn hoặc tạo cho người khác ấn tượng rằng bản thân là người lòng dạ hẹp hòi.
Thản nhiên đối mặt với lời “lật tẩy”
Khi bị người khác “bóc mẽ”, nếu bạn đánh trống lảng hoặc im lặng không nói gì thì bầu không khí sẽ càng trở nên xấu hổ, bạn cũng càng ngại ngùng. Cách dễ nhất để giữ vững phong độ đó là thản nhiên đối mặt, nhanh chóng “chữa cháy” cho tình huống này, khéo léo lái sang một chủ đề khác. Hoặc bạn hãy hút điếu thuốc, uống hớp trà để chuyển hướng sự chú ý của người khác. Đó mới là thượng sách.
10
KHÉO LÉO THOÁT KHỎI HÀNH VI QUẤY RỐI
Người phụ nữ thông minh nên nhắc nhở kẻ quấy rối về hậu quả của việc làm hồ đồ này, dọa anh ta một chút để anh ta tỉnh táo lại
Quấy rối tình dục là hành vi khiến nhiều phụ nữ sợ hãi đến ám ảnh. Trong xã hội hiện đại, việc phụ nữ trẻ đẹp phải tiếp xúc với đàn ông trong công việc và cuộc sống ngày càng nhiều hơn đã khiến một số tên đàn ông không đàng hoàng nảy sinh tâm tư đen tối. Vậy làm thế nào để phụ nữ thoát khỏi biểu hiện quấy rối của đối phương mà không phá hỏng quan hệ đôi bên?
“Nâng tầm” cho kẻ quấy rối
Trước khi bàn chuyện công việc, hãy khen đối phương là người có đạo đức, cho anh ta một hình tượng đạo mạo đẹp đẽ, từ đó khiến đối phương khó dám ra tay làm bừa.
Một cô gái trẻ đẹp được giao làm kế hoạch truyền thông sản phẩm cho một công ty nọ. Một lần, sau khi bàn xong công việc, giám đốc công ty kia nổi hứng mời cô ấy đi ăn: “Tối nay anh mời em ăn tối nhé!” Vì công việc, cô gái miễn cưỡng đồng ý.
Hai người vừa dùng bữa vừa trò chuyện. Cô gái kính vị giám đốc một chén rượu, thao thao bất tuyệt về bản kế hoạch truyền thông lần này, cũng không ngừng tán dương giám đốc, khen anh ta là người đức độ, là một doanh nhân đức cao vọng trọng được người người ca ngợi.
Vị giám đốc kia đương nhiên rất đắc ý nhưng vẫn giả vờ khiêm tốn: “Em quá khen rồi!” Cuối cùng, khi chia tay, giám đốc nói với cô gái: “Em là một người phụ nữ đáng trân trọng. Anh sẽ luôn ghi nhớ hình tượng tuyệt vời của em!”
Khéo léo tỏ thái độ
Khi bị quấy rối tình dục, bạn hãy nhớ kĩ rằng tuyệt chiêu khéo léo tỏ thái độ chính là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ.
Khi cấp trên có hành vi động chạm thân thể với bạn, bạn có thể coi như anh ta không để ý nên va phải bạn và đùa rằng: “Sếp bị mất đà ạ? Anh có chuyện gì cần bàn thì ta vào luôn việc chính nhé, chồng em sắp đến đón em rồi.”
Nếu bị cấp trên gọi vào phòng làm việc riêng và có cử chỉ không đứng đắn, bạn có thể nhẹ nhàng nhưng cứng rắn nói với đối phương rằng: “Sếp là người đã có gia đình, sếp hãy nghĩ đến vợ và con. Quan hệ giữa chúng ta là cấp trên-cấp dưới, và đây không phải là hành vi nên có của cấp trên với cấp dưới. Từ nay về sau, mong sếp sẽ không làm như vậy nữa. Tôi sẽ coi như chuyện hôm nay chưa hề xảy ra.”
Đây cũng là cách nhắc nhở khôn khéo để đối phương nhận ra cái sai của mình nhưng vẫn chừa đường lui cho anh ta, giúp anh ta giữ được thể diện.
Cảnh cáo kẻ quấy rối
Nếu chẳng may bị quấy rối, hãy nhắc nhở đối phương về hậu quả của việc làm hồ đồ này, dọa anh ta một chút để anh ta tỉnh táo lại.
Có một cô gái xinh đẹp lấy chồng là thủy thủ, quanh năm bôn ba trên biển, để cô ấy ở nhà một mình. Để đỡ trống trải, cô gái đăng kí học đại học tại chức vào buổi tối. Ngay buổi học đầu tiên, cô ấy nhận ra trong lớp có một người bạn thời cấp ba của chồng cô cũng theo học, vì vậy cô cũng tự nhiên cảm thấy thân quen hơn.
Mỗi tối, từ trường học về nhà, cô gái đều phải đi qua khu nhà anh kia sống. Khi anh ta mời cô vào nhà ngồi chơi nói chuyện, cô đều hồn nhiên đồng ý. Cứ như vậy, cô gái cảm thấy cuộc sống vui hơn rất nhiều. Nào ngờ người bạn kia âm thầm có mưu đồ đen tối với cô.
Một tối thứ Bảy, người bạn kia mời cô gái qua nhà uống cà phê. Nói chuyện một hồi, anh ta lại mời cô xem phim. Khi trên tivi chiếu đến những cảnh tình cảm thì anh ta chầm chậm đặt tay lên vai cô gái.
Lúc này, cô gái mới biết hóa ra người này có ý đồ bất chính với mình. Cô gái lập tức đứng lên, cầm điều khiển tắt tivi đi, nghiêm giọng nói với anh ta: “Người ta thường nói ‘con thầy, vợ bạn, gái cơ quan’ không được trêu vào. Anh là bạn thân với chồng tôi, bình thường chồng tôi đối tốt với anh như vậy, nếu tôi kể cho anh ấy nghe hôm nay anh có ý đồ xấu với tôi, không biết chồng tôi sẽ nghĩ về anh thế nào?”
Người kia thấy cô gái cảnh cáo như vậy, vội vàng xin lỗi, sau đó mở cửa để cô gái ra về.
Tìm cách hoãn binh
Những kẻ thực hiện hành vi quấy rối phụ nữ thường chọn những hoàn cảnh chỉ có hai người ở riêng với nhau. Khi có thêm người khác, kẻ quấy rối sẽ không dám làm càn. Cho nên, khi phát hiện ra đối phương định giở trò với mình thì phụ nữ phải khéo léo kéo dài thời gian, đợi “cứu binh” đến.
Một cô gái Trung Quốc trẻ đẹp, tài năng trúng tuyển vào vị trí thư kí cho giám đốc người nước ngoài của công ty liên doanh. Vị giám đốc này, chỉ chừng ngoài ba mươi, có thân hình cao ráo, khuôn mặt đẹp trai, lại lăn lộn trên thương trường lâu như vậy nên có rất nhiều chiêu trò để dụ dỗ các cô gái trẻ, nhẹ dạ.
Anh ta vừa mắt cô thư kí xinh đẹp, không ngừng tán tỉnh cô, nhiều lần đến tận nhà tìm gặp cô. Có một lần anh ta tìm đến đúng lúc cô gái đang gội đầu, thấy nhà cô không còn ai khác, anh ta khấp khởi mừng thầm. Cô gái sớm đề cao cảnh giác, thấy tình huống không ổn, trong lòng cô liền nảy ra một kế: Trước tiên cùng anh ta trò chuyện mấy câu nghiêm túc, kéo dài thời gian để báo bố mẹ về gấp.
Vậy nên cô gái lấy một cuốn tạp chí kinh tế bằng tiếng Anh, nghiêm túc hỏi anh ta một số thuật ngữ cô không hiểu. Vì muốn lấy lòng cô gái, anh ta nghiêm túc giải thích cho cô, thậm chí còn cố nghĩ ra một vài ví dụ để minh họa cho cô và khoe khoang hiểu biết của bản thân. Hai người bị cuốn vào các câu chuyện trên tạp chí kinh tế, thoáng cái đã hơn một giờ trôi qua.
Đúng lúc anh ta lại nổi lên ý muốn ôm cô gái thì cửa nhà mở ra, bố mẹ cô gái đã về. Anh ta chỉ còn biết nhún vai bất lực vì đã bỏ qua cơ hội. Cô gái nhờ cơ trí, biết nghĩ cách kéo dài thời gian đợi “cứu binh”, cuối cùng đã tự mình vượt qua được tình huống nguy hiểm.