Hãy ngừng việc ỷ lại vào người khác và tự làm chủ cuộc sống của mình. Việc người khác làm được, bản thân bạn cũng nhất định làm được. Cũng đừng bắt chước hay chạy theo người khác. Hãy theo đuổi mục tiêu của bạn, tự dạo dựng cuộc đời mà bạn mong muốn. Hãy nhớ kĩ: Sống là chính mình.
1
ĐỪNG SỐNG NHƯ CÂY TẦM GỬI
Trên đời này ai cũng có năng lực, việc người khác có thể làm được, thì bạn cũng làm được
Có nhiều người khi gặp khó khăn, việc đầu tiên họ nghĩ đến là cầu cứu người khác. Người ta nói thế nào thì họ nói theo thế vậy, người ta làm thế nào thì họ làm theo đúng thế. Những người này không có suy nghĩ riêng, không tự tin vào bản thân, không quyết đoán, không dám tự mình đưa ra quyết định. Việc trong nhà thì dựa dẫm vào bố mẹ, vợ chồng. Việc ngoài xã hội thì dựa dẫm vào đồng nghiệp, cấp trên. Trong công việc, họ không dám sáng tạo, không dám thể hiện bản thân, sợ phải tự thân vận động. Đây chính là thói phụ thuộc, ỷ lại, là biểu hiện của những người chưa muốn trưởng thành.
Tâm lí dựa dẫm, ỷ lại xuất phát từ bản tính lười biếng. Có những người từ nhỏ đã được cha mẹ bao bọc quá kĩ, không được rèn giữa tính tự lập trong hành động và tự chủ trong suy nghĩ, từ đó trực tiếp hình thành nên tâm lí ỷ lại và tính lười biếng. Họ cho rằng bản thân sẽ luôn được cha mẹ nâng đỡ, không cần nỗ lực, phấn đấu cũng đủ sống nhàn nhã cả đời. Điều này càng làm tăng thêm tâm lí phụ thuộc, là nguyên nhân khiến họ không dám tách ra độc lập, không dám phát triển cá tính.
Cha mẹ để cho con cái dựa dẫm quá nhiều cũng là biểu hiện của lòng thương con mù quáng. Đó không phải là cha mẹ yêu con mà đang hại con. Sự nuông chiều của phụ huynh đã khiến nhiều người không thể trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Còn tổn thất nào trong cuộc sống lớn hơn tổn thất này?
Dựa dẫm, ỷ lại vào người khác có khác nào đang sống hoài sống phí cuộc đời mình. Chẳng những không có sáng tạo và đóng góp gì cho xã hội, thậm chí còn không thể lo cho bản thân, chứ đừng nói đến chuyện chăm sóc cho cha mẹ, bạn đời, con cái. Vậy thì sự tồn tại của một người đâu còn ý nghĩa gì?
Không dám độc lập làm bất cứ điều gì thì cũng không thể nắm bắt, cải tạo vận mệnh bản thân mà chỉ có thể để mặc người khác thao túng. Vì bạn không có dũng khí thay đổi bản thân, không có lòng tin rằng mình có đủ khả năng làm chủ cuộc đời chính mình.
Một người quen dựa dẫm, ỷ lại là một người cô độc và đáng thương. Bốn phía không có đường đi, không được tin tưởng, không được chào đón, không được tôn trọng, đó là hệ quả tất yếu của thói phụ thuộc. Nhà tâm lí học người Mỹ Abraham Maslow cho rằng một trong những đặc điểm chứng tỏ một người hoàn toàn khỏe mạnh đó là: có tính độc lập và hoàn toàn tự chủ.
Nếu suốt đời bạn đều dựa dẫm, ỷ lại vào người khác thì đúng là đã sống uổng phí cả một đời. Như vậy thật đáng tiếc, cũng thật đáng thương. Cho dù có kiếm được chút của cải vật chất thì cũng không đủ khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn. Ăn theo nói leo thì mãi mãi chỉ có thể chạy ở phía sau người khác. Dùng năng lực và tài cán của bản thân để giành được thành công mới là đáng quý và bền vững nhất.
Kì thực, thoát khỏi việc dựa dẫm vào người khác, vứt bỏ “đôi nạng”, rèn luyện bản thân để độc lập phát triển cũng không phải việc quá khó khăn. Trên đời này ai cũng có năng lực, việc người khác có thể làm được, thì bạn cũng làm được. Đừng biến bản thân thành cây tầm gửi, phải nương nhờ các loài cây khác.
2
ĐI CON ĐƯỜNG CỦA CHÍNH MÌNH
Trong cuộc sống, chiến lược rõ ràng và hiệu quả nhất để có được niềm vui và thành công trong mọi lĩnh vực là “đi con đường của chính mình”
Gặp việc do dự không dám quyết, vừa làm xong một việc đã cảm thấy hối tiếc, đây là tật xấu của không ít người trong chúng ta. Không có chủ kiến, không phân biệt được nặng, nhẹ, gấp gáp, chỉ biết hùa theo người khác, những người xử thế như vậy sẽ nhanh chóng phải hối hận. Nhà thơ đời Minh là Lưu Bá Ôn đã từng nói một câu như sau: “Trước khi làm việc gì cũng suy nghĩ chu toàn thì khi làm rồi mới không hối hận. Nếu chỉ nghe theo lời người khác mà làm, như vậy đã mất đi chủ kiến của mình, thì việc càng rối rắm, khó thành.”
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Hai cha con cùng nhau dắt ngựa ra chợ. Người đi đường trông thấy bèn bảo: “Ngốc thế, có ngựa mà không cưỡi, còn tự đi bộ.” Người con nghe vậy bèn để người cha cưỡi ngựa, còn mình thì dắt ngựa đi.
Lúc này người đi đường nhìn thấy lại nói: “Đứa trẻ thật đáng thương, còn bé thế mà đã phải dắt ngựa cho cha cưỡi.” Thế là hai cha con đổi lại, cha dắt ngựa, con cưỡi ngựa. Lúc này người đi đường lại nói: “Thật là đồ bất hiếu, con thì nhong nhong cưỡi ngựa, cha thì đi bộ dắt ngựa.” Hai cha con suy nghĩ một lúc rồi cùng nhau cưỡi con ngựa, nghĩ rằng lần này không ai có thể nói gì được nữa. Không ngờ người đi đường lại quay ra chê trách: “Thật quá đáng! Hai người cưỡi lên một con ngựa như vậy thì sức nào chịu nổi!” Hai cha con nghe cũng có lí, bèn cùng nhau xuống ngựa và dắt ngựa đi giống như lúc ban đầu.
Hãy suy ngẫm lại về câu chuyện trên. Từ lần đầu nghe người qua đường nói: “Ngốc thế, có ngựa mà không cưỡi, còn tự đi bộ”, cha con này phải làm như thế nào? Họ cũng chỉ có hai lựa chọn: Một là hành động giống như trong câu chuyện, hết lần này đến lần nọ thay đổi theo ý kiến của người khác. Cả đường đi họ sợ bị người ta trách móc nên luôn làm theo chủ ý của người khác, cuối cùng vẫn không tránh được kết cục bị chê trách. Hai là nhận thức triệt để tình huống, chỉ tập trung vào việc đi đường, cho dù trên đường đi khó tránh khỏi sẽ bị người ta phê bình, chỉ trích, nhưng không vì thế mà đánh mất chủ kiến của mình.
Nguyên nhân khiến nhiều người gặp thất bại trong cuộc sống chính là vì quá chú ý đến đánh giá của người khác. Thực tế đã chứng minh, nếu bạn quá bận tâm đến việc bản thân mình làm vậy người khác sẽ nghĩ thế nào, nếu bạn chỉ chăm chăm muốn làm hài lòng người khác, nếu bạn quá nhạy cảm với việc người khác không tán thành cách làm của mình, vậy thì bạn sẽ đánh mất sự tự tin, sáng suốt và không còn kiên định theo đuổi mục tiêu ban đầu của mình.
Trong cuộc sống, bạn luôn chú ý hành động cẩn trọng, mong muốn để lại ấn tượng tốt với những người xung quanh, cho nên luôn khắc chế và kìm nén sức sáng tạo của bản thân, cuối cùng lại khiến chính mình để lại ấn tượng xấu. Kì thực, cách để gây ấn tượng tốt với người khác chính là: Từ đầu tới cuối không chú ý tới việc muốn người khác nghĩ tốt về mình, không chạy theo kì vọng của người khác một cách mù quáng, cũng không phỏng đoán xem người khác sẽ đánh giá về mình như thế nào.
Tiến sĩ Wiegand – một nhà giáo dục nổi tiếng, từ nhỏ đã biết tự nhận thức về bản thân. Lúc đó cậu bé Wiegand bị mắc chứng khó đọc, thường không thể học thuộc bài văn ngay trên lớp. Vì thế Wiegand thường trốn tránh người khác, khi nói chuyện, cậu thường cúi đầu không dám nhìn vào đối phương. Wiegand không ngừng tự tranh đấu, cậu muốn khắc phục tình trạng này.
Một ngày nọ, trong đầu Wiegand nảy ra một suy nghĩ. Cậu bé phát hiện ra vấn đề của mình chính là quá chú ý đến đánh giá của người khác về lời nói, việc làm của mình, cho nên mới bị trói buộc, không thể suy nghĩ rõ ràng, cũng không nói ra được điều muốn nói. Khi Wiegand ở một mình, cậu không có cảm giác căng thẳng như vậy. Cậu vô cùng bình tĩnh, thoải mái, tự nhiên, có thể nảy ra rất nhiều suy nghĩ thú vị, cũng có rất nhiều chuyện thú vị để nói, và cũng có thể cảm nhận rất rõ sự tồn tại của bản thân. Từ đó, Wiegand không còn đau khổ về thiếu sót của mình nữa mà tập trung bồi dưỡng thế mạnh của bản thân.
Sau khi thay đổi cách nhìn nhận, Wiegand dần tự tin khi giao tiếp với người khác. Khi trưởng thành, Wiegand dùng sự tự tin đó để giúp ích cho sự nghiệp của mình – ông trở thành nhà cố vấn, đào tạo về diễn thuyết trước đám đông.
Vì vậy, trong cuộc sống, chiến lược rõ ràng và hiệu quả nhất để có được niềm vui và thành công trong mọi lĩnh vực là “đi con đường của chính mình”.
3
CẦU NGƯỜI CHẲNG BẰNG CẦU MÌNH
Chỉ cần bạn có thể rèn luyện để bản thân thêm mạnh mẽ, thì năng lực của bạn chắc chắn sẽ được trọng dụng
Đối với mỗi cá nhân, nhờ người khác giúp đỡ có thể sẽ dễ dàng và nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bản thân đã đề ra. Nhưng nếu một người không có tính độc lập, tự chủ, thì cho dù có gặp được cơ hội tốt cũng không thể có được thành công. Vì vậy cầu người chẳng bằng cầu mình, đây chính là quy luật bất biến trong cuộc sống.
Karl Marx từng nói: “Chỉ khi một người có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, mới có thể cho rằng bản thân độc lập. Chỉ khi một người có thể dựa vào bản thân mà tồn tại, mới được coi là tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Mà những người luôn dựa vào sự ban ơn của người khác đã tự biến mình thành kẻ tồn tại phụ thuộc.”
Lỗ Tấn từng cho rằng ngay cả trẻ em cũng nên được trao cho quyền được độc lập, để trẻ biết tự làm mọi thứ và trở thành một người độc lập.
Khi một người cảm thấy tuyệt vọng thì họ phải làm gì? Người xưa đã truyền dạy cho chúng ta một đạo lí: Người thành công là người biết tự cố gắng mà không cam tâm từ bỏ. Trong cuộc sống, có nhiều người thường cho rằng bản thân sinh ra không đúng thời. Họ than thở: “Tôi tài giỏi như vậy, vì sao không được trọng dụng? Là thời vận hay là vận mệnh khiến tôi chịu khổ như vậy?” Những lời này không có tác dụng thay đổi hiện thực. Đối với những người đang cảm thấy tuyệt vọng, tự tin mới là chìa khóa thành công.
Có một câu chuyện như sau:
Có một chàng trai tên là Sini đến New York năm 16 tuổi, vừa học diễn xuất được một năm rưỡi đã tham gia kì thi tuyển diễn viên của Negro Ensemble Company. Do yếu về đài từ nên Sini đã bị giám khảo nói rằng: “Lui ra đi, đừng lãng phí thời gian của tôi.”
Khi trở về, Sini mua một chiếc máy thu âm, thu lại tiết mục quảng cáo trên đài phát thanh, sau đó tập bắt chước giọng của các diễn viên. Sau đó anh lại lần nữa tìm đến Negro Ensemble Company để thi tuyển và trở thành diễn viên nổi tiếng thế giới. Đây chính là thái độ của những người mạnh mẽ khi đối mặt với thất bại hay trắc trở.
Có một sinh viên tốt nghiệp Đại học California đang tìm việc. Anh ta gần như lao vào một toà soạn báo và hỏi người quản lí: “Chỗ các ông có cần một biên tập viên giỏi không?”
Người kia đáp: “Chỗ chúng tôi không cần đâu!”
“Vậy một phóng viên giỏi thì sao?”
“Cũng không cần!”
“Thế thì nhân viên sắp bản in?”
“Không cần, chỗ chúng tôi hiện tại chẳng thiếu nhân sự ở bộ phận nào cả.”
“Vậy thì các ông nhất định sẽ cần thứ này.”
Nói rồi anh sinh viên mới ra trường lấy từ trong cặp sách ra một tấm biển hiệu in ấn tinh xảo, trên đó ghi dòng chữ “Đã tuyển xong!”. Người quản lí trông thấy tấm biển liền bật cười, lập tức gọi điện thoại cho giám đốc tòa soạn và kể lại toàn bộ câu chuyện. Sau đó người quản lí cười và nói: “Nếu cậu đồng ý, ngày mai có thể đến phòng Quảng cáo và Phát hành để nhận việc.” Về sau chàng trai trẻ đã trở thành quản lí xuất sắc của tòa soạn này.
Thực tế cho thấy, chỉ cần có thể mạnh dạn theo đuổi lựa chọn của bản thân, năng lực của bạn chắc chắn sẽ được trọng dụng.
4
TỰ Ý THỨC ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN
Đánh giá của người khác không tạo nên con người bạn, chính suy nghĩ và hành động của bạn mới tạo nên giá trị cho bạn
Bạn có phải là người rất để ý đến suy nghĩ của người khác? Hãy kiểm tra xem bạn có những biểu hiện dưới đây hay không:
• Bạn làm theo hầu hết những yêu cầu của người khác dù có lúc trong lòng không vừa ý;
• Bạn có công việc và kế hoạch của riêng mình, nhưng rất khó từ chối lời mời hoặc nhờ vả của bạn bè hay đồng nghiệp vì sợ họ sẽ giận mình;
• Bạn luôn xem sắc mặt của người khác, đặc biệt là những người có địa vị, chức tước cao hơn bạn, để có lời nói và hành động phù hợp;
• Bạn thích chia sẻ những tin tức “lá cải” đang “hot” chỉ để được mọi người chú ý đến;
• Bạn gây ấn tượng với người khác bằng cách bịa đặt vài câu chuyện để hùa theo và lấy lòng đối phương;
• Bạn không dám làm một việc gì đó nếu không được những người xung quanh ủng hộ;
• Bạn cảm thấy e ngại trước nhân viên bán hàng đang nhiệt tình chào mời, cho nên mới bất đắc dĩ mua một món đồ mà bạn không thật sự thích thú. Hoặc bạn không dám trả lại món đồ không ưng ý mà mình đã mua vì lo rằng nhân viên bán hàng sẽ tỏ thái độ.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy mong muốn được người khác yêu thích, chào đón, đánh giá cao là một hiện tượng phổ biến, có thể bắt gặp ở bất kì ai, ở bất kì đâu, vào bất cứ lúc nào.
Trong thần thoại Hi Lạp, Hermes là con trai của thần Zeus, là vị thần cai quản việc buôn bán. Vì muốn tìm hiểu xem địa vị của bản thân trong lòng dân chúng cao đến đâu, Hermes quyết định cải trang xuống trần gian đi vi hành. Hôm đó, Hermes cải trang thành một người khách đi mua tượng. Ông chỉ vào bức tượng thần Zeus và hỏi: “Bức này giá bao nhiêu?” Nhà điêu khắc chỉ vào bức tượng thần Zeus sau đó chỉ sang tượng của Hermes và nói: “Nếu anh mua bức đó sẽ được tặng thêm bức này.” Hermes đến đây với mong muốn nghe nhà điêu khắc khen ngợi mình, nào ngờ kết quả lại khiến ông mất hứng, chỉ đành lặng lẽ rời đi.
Từ khi sinh ra cho tới khi rời bỏ cuộc đời, con người thường căn cứ vào sự công nhận của người khác để định giá niềm vui, hạnh phúc và giá trị của bản thân. Nếu người khác nói bạn tốt, bạn liền cảm thấy bản thân mình tốt; người khác nói bạn không ổn, bạn liền cảm thấy bản thân không ổn.
Ảnh hưởng của những quy tắc xử sự truyền thống khiến con người quen nói và làm những việc dễ dàng nhận được sự khen ngợi của người khác. Khi còn nhỏ thì làm những điều mà cha mẹ và thầy cô cho là tốt, khi trưởng thành lại cố gắng làm những việc mà lãnh đạo đánh giá cao. Nếu có ý kiến hay việc làm nào của bản thân không nhận được sự đồng tình hay khen ngợi của người khác thì sẽ cảm thấy rất thất vọng, sẽ bận tâm suy nghĩ đến nó mãi không thôi. Như vậy, vô hình trung bạn đã vứt bỏ quyền tự do, độc lập của bản thân, để người khác kiểm soát và chi phối suy nghĩ và hành động của bạn.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng đánh giá của người khác có tác dụng thúc đẩy nhất định với bản thân. Khi được khen ngợi, chúng ta sẽ cảm thấy thật vinh dự, thật vui vẻ, cảm thấy bản thân có giá trị. Vì vậy chúng ta đều hi vọng được người khác tán dương, cổ vũ. Sự hưởng thụ tinh thần này có lợi cho việc khai phá tiềm năng, nâng cao tố chất, có ích cho việc khẳng định bản thân và tạo lập sự tự tin ở mỗi người.
Tuy nhiên, nếu việc tìm kiếm sự khen ngợi không dừng lại ở mong muốn mà đã trở thành một loại nhu cầu không thể thiếu, giống như thần Hermes tìm kiếm vòng hào quang hư ảo của chính mình, thì sẽ dễ biến thành tâm lí muốn lấy lòng người khác. Nó sẽ khiến bạn phải dò lòng đoán ý đối phương để nói ra những lời hoặc làm ra những hành động khiến đối phương vừa ý. Rất hiển nhiên, điều này tương đương với việc vứt bỏ bản thân, đem cảm nhận, tiêu chuẩn về lời nói, hành động của bản thân giao cho người khác quyết định, nắm giữ. Như vậy, bạn đang trông đợi sự khen ngợi của người khác dành cho mình, bạn đã không còn là chính mình nữa rồi.
Một khi tâm lí tìm kiếm sự khen ngợi trở thành một loại nhu cầu thì người đó rất khó có thể giữ được sự tự chủ. Nếu bạn cảm thấy thất vọng khi không nhận được lời khen và thường xuyên thể hiện ra ngoài cảm xúc tiêu cực ấy, vậy thì sẽ không còn ai đối xử chân thành với bạn nữa. Đồng thời, bạn cũng không thể nói ra suy nghĩ và cảm giác thật của chính mình. Bởi vì bạn sẽ bỏ qua bản thân để chiều theo quan điểm và sở thích của người khác, dựa vào cách nhìn và đánh giá của người khác để tạo lập hình tượng và giá trị cho mình. Điều này thật hoang đường, giống hệt như việc xây nhà trên nền cát lún, nó sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể khiến tất cả mọi người hài lòng về mình. Dự trù trước những ý kiến bất đồng, nhận thức rõ bản thân cũng có khuyết điểm và sai lầm cho nên không kì vọng tất cả mọi người đều khen ngợi, như vậy chúng ta sẽ không tự chuốc lấy muộn phiền, không chạy theo ý muốn của người khác.
Đừng để tâm đến cảm nhận của người khác. Sống tốt cuộc đời bạn là đủ rồi, đừng cố nghe ngóng xem người khác nghĩ gì về mình. Nếu bạn sống mà không quá lo lắng đến cảm nhận của người khác, cuộc đời bạn sẽ nở hoa.
Cứ toàn tâm toàn ý làm theo suy nghĩ của bản thân, đó là niềm vui của việc là chính mình. Cũng đừng áp đặt bản thân phải làm nên chuyện lớn, đừng ép bản thân phải biểu diễn một bản hòa tấu hoành tráng, vẽ một bức tranh để đời, đừng bắt bản thân phải trở thành những vĩ nhân như Picasso, Van Gogh, Shakespeare hay Milton... Không có gì hết, không có chuyện lớn, không có chuyện nhỏ, chỉ có chuyện mà bạn đang nỗ lực, cố gắng làm hết mình.
Tào Tuyết Cần viết tác phẩm Hồng Lâu Mộng là vì muốn biểu đạt những cảm nhận về cuộc sống của bản thân. Einstein vì thỏa mãn trí tò mò của mình mà tìm ra Thuyết tương đối. Vĩ nhân đều là những người không tuân theo ý chí của người khác, không lãng phí tâm huyết vào việc chạy theo sự khen ngợi của người khác một cách mù quáng. Nếu không độc lập tự chủ, nếu không bỏ qua việc bị người khác cười nhạo, nếu không tự đánh giá chính mình thì thế giới sẽ không có Tào Tuyết Cần, Lỗ Tấn, Einstein, Beethoven...
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói rằng: “Nếu tôi đọc tất cả những lời chỉ trích bản thân mình và đáp trả từng lời một, vậy thì chẳng bằng tôi từ chức luôn cho rồi. Tôi cố gắng làm mọi việc với kiến thức và khả năng tốt nhất của mình, và tôi sẽ luôn làm việc theo cách đó. Nếu thực tế chứng minh tôi đúng, thì ý kiến phản đối tôi sẽ tự theo đó mà sụp đổ. Nếu tôi sai, thì ngay cả có mười thiên sứ nói tôi đúng cũng chẳng có nghĩa lí gì.”
Câu nói này thực tế và sâu sắc biết bao! Đánh giá của người khác không tạo nên con người bạn, chính suy nghĩ và hành động của bạn mới tạo nên giá trị cho bạn.
5
BẠN LÀ MỘT CÁ NHÂN ĐỘC LẬP
Trên đời này, mỗi người đều là một cá thể độc lập
Chúng ta không mong muốn cuộc đời mình gập ghềnh, trắc trở. Nhưng cuộc đời vốn định sẵn là sẽ luôn tồn tại muôn vàn sóng gió, chỉ là mức độ sóng gió trong cuộc sống của mỗi người sẽ khác nhau mà thôi. Kì thực, cảm giác áp lực thường là do nhận thức của chúng ta tạo ra. Vào lúc bạn cho rằng đã đến đường cùng lối tận, đau khổ không còn gì bằng, nếu có thể nghĩ khác đi một chút, có lẽ bạn có thể nhìn thấy “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ/Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (tạm dịch: Núi cùng nước tận ngờ hết lối/Bóng liễu hoa tươi một thôn làng). Câu này muốn nói rằng: Mắt nhìn thấy tình huống không còn đường tiến nữa, thì đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hi vọng.
Có một câu chuyện như sau: Một người phụ nữ nọ có thân hình mập mạp, cho nên “béo” đã thành “tâm bệnh” của cô, khiến cô cảm thấy cuộc đời của mình thật bi đát. Cô không dám tụ tập bạn bè, chỉ cần có thể viện cớ, cô luôn tránh né các buổi hội họp. Cô luôn cho rằng mình là một người rất đáng ghét và không được mọi người chào đón. Tuổi càng lớn, cô càng suy nghĩ tiêu cực, càng tự ti, càng mặc cảm, càng cảm thấy cuộc sống của bản thân chẳng có ý nghĩa gì. Đã mấy lần cô có ý định tự tử.
Nhưng rồi một sự việc tình cờ đã làm thay đổi cuộc đời cô. Ngày hôm ấy, cô đến thăm bà ngoại. Khi kể lại chuyện dạy dỗ con cái, bà ngoại nói với cô: “Bất kể có xảy ra chuyện gì, bà trước sau đều tin rằng con cái mình luôn có thể là chính mình.” Câu nói này của bà ngoại đã thức tỉnh cô gái. Vào giây phút ấy, cô hiểu ra sở dĩ mình cảm thấy đau khổ như vậy là vì cô đã ép mình sống một cuộc sống không phù hợp với bản thân.
Chỉ sau một đêm, cô gái đã thay đổi một cách ngoạn mục. Cô bắt đầu trở thành chính mình. Cô nghiên cứu tính cách, tìm kiếm ưu điểm của bản thân, chọn cho mình một phong cách ăn mặc và trang điểm phù hợp. Cô còn tìm cách kết thân với bạn bè và dốc sức học tập thật tốt. Hiện tại cô đã tốt nghiệp đại học, xây dựng gia đình với người cô yêu, sống rất vui vẻ và hạnh phúc. Cô luôn khuyên nhủ những người xung quanh: Bất kể trong tình huống nào, đều phải là chính mình.
Trên đời này, mỗi người đều là một cá thể độc lập. Bạn chỉ có thể hát theo cách của mình, vẽ theo cách của mình. Con người bạn được tạo nên nhờ gen di truyền, hoàn cảnh và kinh nghiệm sống của bạn.
Khi hiểu được chính mình, bạn có thể phát huy sở trường, hạn chế sở đoản của bản thân. Bạn sẽ không dại dột đem sở đoản của mình đi so đo với sở trường của người khác, cũng sẽ không vì những chuyện vốn dĩ không thể kiểm soát được mà tức giận. Bạn sẽ thoải mái tiếp nhận bản thân, chấp nhận con người thật của chính mình.
Trong quá trình trưởng thành, bất kể chọn ai làm người dìu dắt, nâng đỡ tinh thần, chúng ta phải chuẩn bị tâm lí rằng sẽ có một ngày ta thoát li khỏi sự dựa dẫm vào họ và học cách trở nên độc lập. Bạn sẽ phát hiện ra, bất kể bạn ngưỡng mộ những người giúp đỡ mình bao nhiêu, nếu bạn luôn phụ thuộc vào họ, thì bạn sẽ không có cách nào đạt được lí tưởng của riêng mình.
Virginia Woolf – tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ – từng nói: “Bạn không thể lại quay về nhà”, có nghĩa là bạn phải trưởng thành và trở thành một người độc lập, không thể luôn dựa dẫm vào cha mẹ như một đứa trẻ nữa. Chỉ khi trở thành chính mình, bạn mới có thể hoàn toàn chắc chắn về sự tồn tại độc lập của bản thân, chứng minh được bạn đã trưởng thành hơn và có khả năng đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống.
6
ĐỪNG ĐẦU HÀNG TRƯỚC UY QUYỀN
Hãy tin tưởng vào bản thân, đừng lùi bước trước quyền uy
Trong văn hóa truyền thống của nhiều nước phương Đông, phục tùng quyền uy gần như là điều bắt buộc. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây để hiểu thêm về điều này.
Có một giáo sư nổi tiếng giảng dạy tại một trường cao đẳng nọ. Ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình, có tầm ảnh hưởng cả trong và ngoài nước. Lần nọ, một nghiên cứu sinh do giáo sư này hướng dẫn đã tìm ra một khái niệm mới trong lĩnh vực mà giáo sư là chuyên gia, và quá trình nghiên cứu cũng thu được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, khái niệm mới này của nghiên cứu sinh lại hoàn toàn trái ngược với suy đoán ban đầu của giáo sư, các kết luận mà anh rút ra cũng khác biệt hoàn toàn với kết luận của vị giáo sư.
Khi giáo sư biết được việc này, lòng tự tin của ông bị chạm tới. Giáo sư tức giận đến mất bình tĩnh, cho rằng người học trò mình khổ công bồi dưỡng đã “phản bội” mình. Giáo sư quyết định “phản đòn”, cho dù bản thân ông cũng hiểu rõ, ý kiến của nghiên cứu sinh kia không phải là hoàn toàn vô căn cứ và lí thuyết mà ông đưa ra cũng không phải là không còn sơ hở. Nhưng lòng tự tôn đã khiến vị giáo sư quyết tâm rằng trong bất kể trường hợp nào cũng phải bảo vệ lí thuyết của mình, giữ gìn thể diện của bản thân. Sau đó, giáo sư lập tức bắt tay vào hành động. Nghiên cứu sinh kia vô cùng bối rối, không biết vì sao giáo sư hướng dẫn bỗng nhiên thay đổi thái độ với mình. Anh muốn tìm cơ hội để nói chuyện riêng với giáo sư. Nhưng mỗi lần anh cố gắng giải thích với giáo sư là một lần phản ứng của ông lại càng gay gắt hơn. Lúc này, vị nghiên cứu sinh cũng bắt đầu láng máng nhận ra giáo sư cho rằng mình đang coi thường quyền uy của ông. Đây là sự hiểu lầm xuất phát từ việc giáo sư đã quá tin tưởng vào lí thuyết của mình.
Khoa học có tính khách quan. Tính chính xác của lập luận và phương pháp khoa học không mất đi vì tình cảm yêu ghét cá nhân. Cho nên, kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh kia cuối cùng cũng được cả thế giới công nhận và đứng vững trước thực nghiệm kiểm chứng. Nhưng bản thân anh đã phải mất quá nhiều sức lực và thời gian để vượt qua quyền uy của giáo sư hướng dẫn.
Hơn hai trăm năm trước, cũng có một vị học giả ở phương Tây dám khiêu chiến với quyền uy nhưng đã nhận được sự khích lệ và giúp sức.
Alexander von Humboldt là một nhà khoa học người Phổ đức cao vọng trọng nhưng lại rất mực bao dung, rộng lượng.
Khi sự nghiệp của ông đang lên như diều gặp gió thì có một nhà khoa học người Pháp mới bước chân vào giới nghiên cứu là Joseph Louis Gay-Lussac đã công khai khiêu chiến với ông.
Gay-Lussac về sau đã trở thành một nhà hóa học nổi tiếng thế giới với đóng góp nổi bật là hai định luật liên quan đến các chất khí. Khi đó ông đang nghiên cứu định luật giãn nở nhiệt của chất khí. Thông qua thực nghiệm, ông phát hiện nghiên cứu trước đó của Humboldt có sai sót. Vì vậy Lussac đã viết một bài luận chỉ trích mạnh mẽ các lỗi sai của Humboldt và phát biểu định luật mới của mình (định luật này về sau được đặt theo tên của ông là Định luật Gay-Lussac).
Bài luận của Gay-Lussac chính là một đòn công kích thẳng vào một nhà khoa học nổi tiếng, khiến Humboldt vô cùng tức giận. Sau khi cho tiến thực hành thực nghiệm và nhận thấy Gay-Lussac đã đúng, sự bực dọc bên trong Humboldt đã lập tức biến mất. Ông chủ động tới gặp Gay-Lussac và thẳng thắn thừa nhận: “Bài luận của anh viết rất đúng.” Sau đó Humboldt còn nói thêm mục đích chuyến đi lần này của ông là muốn mời Gay-Lussac tham gia nghiên cứu cùng mình.
Humboldt vô cùng hào hứng giới thiệu với Gay-Lussac về kết quả khảo sát trong vòng bốn năm tại Mỹ của bản thân, và mời Gay-Lussac tham gia kế hoạch khảo sát sắp tới tại Đức và Ý. Humboldt không những đề nghị Gay-Lussac cùng mình sắp xếp lại kết quả khảo sát ở Mỹ mà còn lên kế hoạch thành lập phòng thí nghiệm di động trong chuyến sảo sát mới cùng với ông.
Sự chân thành và rộng lượng của một bậc tiền bối nổi danh đã khiến Gay-Lussac mới bước chân vào giới khoa học vô cùng cảm động. Ông vui vẻ nhận lời mời này. Về sau, Gay-Lussac và Humboldt đã hợp tác thuận lợi và hiệu quả.
Trên đây là hai ví dụ về phục tùng uy quyền ở phương Đông và phương Tây. Hai thái độ khác nhau giữa người phương Đông và người phương Tây đối với quyền uy cũng cho chúng ta nhiều suy ngẫm khác nhau.
7
TRÁNH MẤT PHƯƠNG HƯỚNG VÌ NHỮNG CHUYỆN NHỎ NHẶT
Chọn lựa kĩ càng những việc bản thân nên làm, tập trung giải quyết chúng, không bị phân tâm cho những việc lặt vặt, thì một ngày của bạn mới có hiệu quả
Chúng ta thường nghe nhiều người than thở: “Dạo này tôi bận đến tối tăm mặt mũi.” Có phải bạn cũng đang ở trong tình trạng như vậy? Cuộc sống hiện đại khiến mỗi người có rất nhiều điều phải bận tâm. Mỗi ngày chúng ta đều bị những việc lặt vặt quấn chân nhưng lại không nhận ra bản thân đang bận rộn vì những điều gì.
Có rất nhiều người sáng dậy không kịp ăn sáng đã phải vội vội vàng vàng đi học, đi làm. Tới ngã tư, không kịp đợi đèn xanh, thấy thưa xe là họ sẽ vội vã vượt đèn đỏ và băng qua đường ngay.
Cả ngày bận rộn, tối đến về nhà lại vội vã ăn cơm, vệ sinh cá nhân rồi chỉ kịp lướt qua tivi một lát là đến giờ đi ngủ.
Khi gặp người quen trên đường, dừng lại hỏi thăm nhau:
“Khỏe không? Gần đây thế nào?”
“Ôi dào, vẫn thế thôi, bận chết đi được!”
Dường như đây là câu trả lời chung của rất nhiều người, cứ như thể chuyện mình bận rộn là điều đáng để khoe khoang vậy.
Ngay cả khi cuộc sống vô cùng bận rộn, bạn cũng đừng để bản thân bị bó buộc bởi công việc và những chuyện vặt vãnh. Hãy chủ động nắm bắt và sắp xếp cuộc sống, nếu việc gì cũng nước đến chân mới nhảy thì không thể nào có kết quả tốt được.
Tích truyện Phật giáo có tên Đường trắng giữa hai bờ sông kể về một câu chuyện như sau:
Có lần, một vị du khách đi tới nơi có con sông bị ngăn làm đôi. Nửa phía Nam của con sông không chứa nước mà ngập trong lửa, lửa đang bùng lên dữ dội. Nửa phía Bắc là dòng nước sâu không thấy đáy. Ở giữa có một con đường màu trắng rộng chừng một gang tay chạy thẳng đến bờ Tây của con sông.
Vị du khách rất đỗi do dự, không biết làm thế nào để băng qua sông. Đúng lúc ấy, ở sau lưng anh (phía bờ Đông), bọn cướp hung dữ và đàn dã thú khát máu bỗng đuổi đến, tưởng như sắp lao vào vồ lấy anh đến nơi. Vị du khách nghĩ thầm: “Nếu mình lùi về sau thì chắc chắn sẽ chết, nếu chạy về trước hoặc đứng nguyên ở đây thì cũng vẫn phải chết. Mình rốt cuộc phải làm gì bây giờ?”
Lúc này, ở phía bờ Đông vọng đến tiếng nói: “Cứ chạy theo con đường màu trắng đó, anh sẽ thoát chết. Nếu anh còn chần chừ sẽ không kịp nữa!” Sau đó, lại có tiếng nói từ bờ phía Tây vọng tới: “Nếu anh là người đàng hoàng, mau chạy qua đây! Ta sẽ ban phước lành cho anh. Đừng sợ lao qua lửa!”
Khi người khách chạy theo con đường trắng, sau lưng anh vọng lại nghe tiếng thú dữ và kẻ cướp hét to: “Này, mau quay lại! Con đường đó rất nguy hiểm!”
Nhưng người khách không bận tâm, vẫn chạy theo con đường trắng về phía Tây và được cứu thoát.
Trong câu chuyện này, bờ Đông là ẩn dụ cho thế giới nhiều buồn phiền, bờ Tây là ẩn dụ của thế giới cực lạc, kẻ cướp và thú dữ là ẩn dụ cho những thứ làm chúng ta mất tập trung, xao nhãng. Dòng nước tượng trưng cho lòng tham, con đường trắng tượng trưng cho lòng tin của chúng ta. Chỉ có tin tưởng và kiên định theo đuổi mục tiêu đã chọn, chúng ta mới có thể sống một cuộc đời như ý.
“Việc cần làm thì phải lập tức làm ngay, vì thời gian vĩnh viễn không thể nào quay lại được.” Cho dù ngày nào cũng bận rộn, bạn cũng không thể bỏ qua nguyên tắc này. Phải chọn lựa kĩ càng những việc bản thân nên làm, tập trung giải quyết chúng, không bị phân tâm cho các việc lặt vặt, thì một ngày của bạn mới hiệu quả.