Khiêm tốn là thái độ xử thế mà những người muốn cuộc đời suôn sẻ phải có. Chỉ có khiêm tốn bạn mới không ngừng tiến lên, mới có thể được người khác coi trọng, mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Khiêm tốn cũng là một món “đầu tư giá hời” đối với các mối quan hệ, giúp bạn có được những lợi ích không ngờ.
1
NGƯỜI THÔNG THÁI LUÔN BIẾT MÌNH BIẾT TA
Lòng tự hào chân chính đến từ sự thấu hiểu bản thân. Đó là cảm giác hạnh phúc do thành công và khiêm tốn kết hợp mà thành
Trước kia có một con kiến nọ là đại lực sĩ. Nó có sức khỏe vô địch, có thể khiêng một hạt lúa mì đi xa một cách dễ dàng. Nếu bàn về lòng can đảm, trước nay chưa có con kiến nào bì được với nó. Nó có thể giống như con hổ, một ngoạm đã cắn chết con mối. Nó còn thường xuyên một mình chiến đấu với con nhện to lớn hơn nó gấp nhiều lần. Nó trở nên nổi tiếng trong đàn kiến, và những con kiến khác thường xuyên nhắc đến nó như một biểu tượng về người hùng của đàn.
Ngày lại ngày, con kiến đại lực sĩ sống trong những lời khen ngợi. Nó bắt đầu nghĩ tới việc đi vào thành phố, tìm cơ hội thi thố để đạt thêm danh hiệu đại lực sĩ của thành phố cho thỏa nguyện. Thế là một ngày nọ, nó leo lên chiếc xe chở cỏ lớn nhất, ngồi bên cạnh người đánh xe, ngạo nghễ đi vào thành phố như một vị vua.
Thế nhưng bầu nhiệt huyết của con kiến đại lực sĩ sớm bị dội cho một gáo nước lạnh. Nó nghĩ rằng mình sẽ được mọi người vây đến chào đón, nhưng không, ai cũng bận việc riêng, chẳng ai để ý đến nó cả. Con kiến tìm thấy một chiếc lá, nó vặt chiếc lá xuống đất, đứng trên đó biểu diễn nhào lộn, nhưng vẫn không ai để tâm đến nó. Con kiến tức giận nói: “Tôi cảm thấy người trong thành phố đều thật hồ đồ và mù quáng. Tôi biểu diễn bao nhiêu tuyệt kĩ như vậy, sao không có ai sùng bái tôi? Nếu bạn đến chỗ chúng tôi, bạn sẽ thấy ngay tôi nổi tiếng đến mức nào trong đàn kiến.”
Con kiến đại lực sĩ đã không biết mình biết ta, tự cho rằng bản thân nổi danh khắp thiên hạ. Chỉ đến khi bước vào thế giới rộng lớn hơn, nó mới nhận ra hóa ra danh tiếng của mình chỉ dừng lại trong phạm vi một đàn kiến mà thôi.
Lòng tự hào, một khi đi kèm với tự kiêu và tách rời khỏi khiêm tốn sẽ biến thành một phẩm chất tiêu cực. Khi ấy, sự tự hào sẽ chuyển thành ngạo mạn và vô tri. Đó là sự vô tri đối với sự rộng lớn của cuộc sống.
Con người có thể tìm thấy lí tưởng và mục tiêu của mình thông qua tư duy và trí tưởng tượng tích cực. Còn kiêu căng, tự đại sẽ triệt tiêu tích cực, gia tăng tiêu cực, gây tổn hại cho chính bản thân mình và cho cả những người khác.
Bi kịch của kiêu căng, tự đại là ngăn cản con người có thái độ cầu tiến và chính trực. Bạn có thể vừa tự kiêu vừa tôn trọng chính mình hay không? Câu trả lời là chắc chắn là không. Bạn có thể vừa tự kiêu vừa thấu hiểu người khác không? Câu trả lời cũng là không.
Lòng tự hào chân chính đến từ sự thấu hiểu bản thân. Đó là cảm giác hạnh phúc do thành công và khiêm tốn kết hợp lại mà thành.
2
Khiêm tốn thu mình, tránh công cao chấn chủ
Chỉ có khiêm tốn bạn mới không ngừng tiến lên, mới có thể được coi trọng, mới đạt được mục tiêu đề ra
Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu.” Ý của câu này là: Những nhà buôn giàu có luôn che giấu kĩ của cải họ có, người quân tử có đạo đức cao nhưng lại có dung mạo của phường ngu ngơ.
Trung Quốc có một câu cổ ngữ là: “Tên bắn chim đầu đàn” và có một quy tắc ứng xử từ thời xưa là: “Khiêm nhường thu lợi, tự mãn gây hại.” Có thể thấy “chim đầu đàn” và người “chịu thiệt hại” ở đây đều là những người thích ra mặt, thích thể hiện. Trong cuộc sống, nếu không có thái độ khiêm tốn, bạn sẽ chỉ khiến những người xung quanh đố kị và xa lánh mình. Người xưa có câu: “Cây cao vượt rừng, tất bị gió quật gẫy”, “Cây thẳng chặt trước, giếng ngọt cạn trước”, “Núi mọc cao vút tất bị gò đống đố kị” chính là như vậy. Nếu bạn cứ khoe khoang bản lĩnh của mình thì sẽ đến lúc bị “chặt trước”, bị “cạn trước”.
Đặc biệt là trong tập thể, đối với nhiều người thông minh, tài giỏi, tác nhân gây hại lớn nhất đối với công việc của họ không đến từ bên ngoài mà từ chính bản thân họ. Khi đã xây dựng được sự nghiệp vững chắc, có nhiều người sẽ cậy công sinh kiêu, dẫn tới tự hại chính mình. Cho nên muốn “sống sót” tại môi trường công sở thì phải hiểu được cái hại của việc cậy công.
Người xưa đã nhận ra đạo lí này từ sớm, rằng trong bất kì việc gì, một người cũng nên suy xét bổn phận của bản thân, tuyệt đối không để công cao chấn chủ. Nếu không sẽ dễ dàng khiến người khác ghi thù, nghiêm trọng hơn thậm chí còn có thể bị loại trừ khỏi tập thể. Nếu sẵn sàng “làm nền” cho cấp trên thì bạn sẽ không phải lo lắng về sự nghiệp của bản thân. Còn ngược lại, nếu bạn biến cấp trên thành người “làm nền” cho mình, kết quả sẽ lợi bất cập hại.
Vào thời Hán ở Trung Quốc có nhân vật Dương Tu cũng chính vì tự mãn mà bị hại, vì ưu tú mà bị diệt.
Dương Tu là thuộc hạ của Tào Tháo, được người đời ca ngợi là tài hoa hết mực, tư duy nhanh nhạy. Khi Tào Tháo giữ chức Thừa tướng của nhà Hán đã cho xây một khu vườn cảnh trong phủ của mình. Vườn xây xong Tào Tháo mới đến xem, nhưng không nhận xét gì mà chỉ viết một từ “Hoạt” lên trên cửa rồi ra về. Thợ thuyền không ai hiểu được ý tứ của Tào Tháo, chỉ có Dương Tu lên tiếng: “‘Hoạt’ nằm trong chữ ‘môn’ thì thành ra chữ ‘khoát (nghĩa là rộng). Đây có nghĩa là Thừa tướng chê cổng vườn làm rộng quá.” Đám thợ nghe ông giải thích mới hiểu được ẩn ý của Tào Tháo, bèn sửa cho cổng vườn nhỏ lại. Lần sau Tào Tháo đến thăm thì vô cùng vừa ý. Về sau có người nói với Tào Tháo việc Dương Tu mách nước cho đám thợ xây vườn. Tào Tháo tuy ngoài miệng không nói gì nhưng trong lòng bắt đầu đố kị với tài học của Dương Tu.
Một lần khác, quân đóng ở vùng biên ải phía Bắc gửi tặng cho Tào Tháo một hộp bánh bơ. Tào Tháo mới viết lên trên nắp hộp mấy chữ “Nhất hợp tô” (tức một hộp bánh bơ). Dương Tu trông thấy bèn đem bánh chia cho mỗi người một chiếc ăn thử. Tào Tháo biết chuyện mới hỏi ông vì sao làm như vậy. Dương Tu trả lời rằng: “Thừa tướng đã viết ba chữ ‘Nhất hợp tô’, chiết tự ra là ‘Nhất nhân nhất khẩu tô’ (Mỗi người một miếng bánh bơ), cho nên tôi mới làm theo lệnh.” Việc này khiến Tào Tháo càng thêm ghen ghét Dương Tu hơn.
Về sau, khi Lưu Bị tấn công Hán Trung, Tào Tháo đã thân chinh thống lĩnh 40 vạn đại quân đi nghênh chiến. Hai phe giao chiến nhiều ngày bên sông Hán Thủy nhưng bất phân thắng bại, quân Tào lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một hôm, đầu bếp trong quân doanh nấu món canh gà dâng lên Tào Tháo. Tào Tháo vừa ăn vừa suy nghĩ việc quân, nhìn thấy dưới đáy bát canh có miếng sườn gà, lòng càng nghĩ ngợi. Đúng lúc đó Hạ Hầu Đôn tới trướng xin khẩu lệnh ban đêm cho quân doanh, Tào Tháo buột miệng nói ra: “Kê lặc” (nghĩa là gân gà). Hạ Hầu Đôn thấy khẩu lệnh này lạ quá bèn hỏi Dương Tu. Nghe chuyện, Dương Tu bèn bảo Hạ Hầu Đôn chuẩn bị gói ghém đồ đạc, nội trong ba ngày nữa Tào Tháo sẽ hạ lệnh rút quân. Ông giải thích rằng khẩu lệnh “Kê lặc” nói lên tâm trạng của Tào Tháo, vừa muốn rút quân, vừa muốn tiến, giống như miếng gân gà, ăn thì không có thịt nhưng bỏ đi thì thấy tiếc. Hạ Hầu Đôn suy nghĩ cẩn thận, cảm thấy lời của Dương Tu là đúng, vì vậy lệnh cho quân sĩ thu dọn hành trang. Tào Tháo biết chuyện, càng bất mãn với Dương Tu, bèn lấy cớ “làm loạn lòng quân” để giết ông.
Hàn Tín là vị tướng có tài, nhưng chỉ vì công cao chấn chủ mà cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm. Vào cuối triều nhà Tần, Hàn Tín cùng Hạng Lương, Hạng Vũ khởi nghĩa. Hàn Tín nhiều lần hiến kế cho Hạng Vũ nhưng không được trọng dụng, vì vậy đã đầu quân cho Lưu Bang và được Tiêu Hà phong làm Đại tướng. Trong thời kì Hán-Sở tranh hùng, Hàn Tín dẫn quân đánh chiếm Quan Trung. Về sau, Lưu Bang và Hạng Vũ giành giật Huỳnh Dương và Thành Cao thì Hàn Tín được bổ làm Tả thừa tướng, dẫn quân đi phá Ngụy, Đại, bình định Triệu, Tề, rồi được phong làm Tề Vương. Sau nữa, Hàn Tín đến Cai Hạ hội binh cùng Lưu Bang tiêu diệt Hạng Vũ. Lưu Bang lập ra nhà Hán, ông đổi thành Sở Vương. Về sau, có người vu cáo Hàn Tín mưu phản nên ông bị giáng xuống làm Hoài Âm Hầu. Khi Trần Hy tạo phản, có người lại vu cáo Hàn Tín đồng lõa với Trần Hy, muốn khởi binh đánh đến Trường An. Cuối cùng Hàn Tín bị Lã Hậu hạ sát tại cung Vị Ương.
Từ cái chết của Hàn Tín có thể thấy: Công thần nếu lấn lướt chủ đều khó giữ mạng.
Vậy phải làm gì để tự bảo vệ mình khỏi thảm cảnh công cao chấn chủ? Hãy ghi nhớ những điều dưới đây:
Tránh tranh giành công lao
Khi một bộ phận đạt được thành tích nào đó, có nhiều người sẽ vội vàng kể công, muốn tranh giành công lao với cấp trên. Đây là hành vi vô cùng thiếu sáng suốt. Hãy nhớ rằng, vai trò của cấp dưới là hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó để mang lại lợi ích cho công ty. Lớn tiếng tranh công trạng sẽ khiến người khác cho rằng bạn ham lợi cá nhân, không biết nghĩ cho tập thể. Mặt khác, hành vi này cũng khiến bạn rơi vào “tầm ngắm” của cấp trên, không có lợi cho sự nghiệp sau này của bạn.
Không vượt quyền
Nhìn lại lịch sử Trung Quốc, những viên quan tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, biết giữ vững bổn phận của thần tử là những người luôn được toàn mạng.
Dù được trọng dụng đến đâu, dù có địa vị cao đến mấy, hãy nhớ rằng ở trên bạn vẫn có một vị lãnh đạo. Hãy thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi trọng trách, quyền hành của mình và phải thông qua cấp trên trước khi đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào có ảnh hưởng đến tập thể, tổ chức. Đừng thay mặt hay qua mặt lãnh đạo nếu không được cho phép. Điều này sẽ khiến lãnh đạo nghĩ rằng bạn không tôn trọng hoặc đang chống lại anh ta, như vậy là bạn đã tự mang đá đập vào chân mình.
Trao trả quyền hành
Vào thời cổ đại, thần tử công cao nếu có thể chủ động trao trả binh quyền thì sẽ khiến chủ tử giảm bớt cảm giác bị uy hiếp, nhờ đó tránh cho bản thân gặp rắc rối. Tương tự như vậy, nhân viên sau khi được lãnh đạo trao quyền và hoàn thành nhiệm vụ thì nên trả lại quyền hành cho người đứng đầu và trở lại vị trí của mình. Đây là cách hữu hiệu để bảo vệ bản thân, phòng trừ những ghen ghét, đố kị không đáng có.
Tăng cường xin ý kiến
Khi một người là cấp trên của bạn, anh ta ắt phải có điểm hơn bạn. Vì vậy, trong công việc, bạn hãy chủ động xin ý kiến của cấp trên. Hãy nghiêm túc lắng nghe nhận xét, góp ý của lãnh đạo. Như vậy vừa giúp bạn giảm bớt sai sót khi thực hiện nhiệm vụ, vừa thể hiện sự khiêm tốn, cầu tiến để cấp trên có ấn tượng tốt về bạn.
Phòng bị và rút lui sớm
Người xưa có câu: “Sống một ngày thận trọng một ngày, không bao giờ dám thôi thận trọng.” Khi bản thân ở địa vị cao thì mỗi ngày qua đi lại phải cẩn mật thêm một chút. Giống như khi leo núi, cho dù chúng ta vô cùng chú ý, cũng khó chắc chắn không xảy ra sơ sẩy. Địa vị càng cao, quyền lực càng lớn, người ghen ghét, nghi kị càng nhiều. Vì vậy chúng ta không thể không phòng bị, không thể không sớm tính toán rút lui.
Cho dù bạn có tài đến đâu nhưng nếu không biết khiêm tốn thu mình, bạn sẽ tự gây khó cho bản thân. Hãy giống như Gia Cát Lượng tài cao đức trọng nhưng khiêm nhường, như vậy mới có thể vinh hiển hết đời. Khiêm tốn chính là phẩm chất mà những người muốn làm việc lớn phải có.
3
KHIÊM TỐN HỌC HỎI TỪ BẤT CỨ AI
Hãy học hỏi cái hay, cái tốt của người khác để cải thiện cái dở, cái xấu của bản thân, đồng thời cũng nên tôn trọng người kém và giỏi hơn mình
Con người nếu không có tri thức thì tâm hồn sẽ trống rỗng. Bồi bổ kiến thức cho chính mình là việc làm cần thiết và quan trọng. Khi có hiểu biết, chúng ta sẽ thấy mình bình tâm, biết được đâu là thế mạnh của mình, đâu là mục tiêu mình cần theo đuổi và tập trung cho đích đến cuối cùng đó.
Bàn về việc học hỏi, người Trung Quốc thường nhắc đến lời dạy của Khổng Tử: “Ba người đồng hành, ắt có người là thầy ta.” Câu này muốn nói rằng: Bất cứ ai cũng có thể làm thầy của ta. Cho dù một người có vô vàn khuyết điểm, thì ta vẫn cần nhìn vào ưu điểm của người ấy, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình. Ngay cả vĩ nhân cũng có sở đoản, ngay cả người bình thường nhất cũng có sở trường. Hãy học hỏi cái hay, cái tốt của người khác để cải thiện cái dở, cái xấu của bản thân, đồng thời cũng nên tôn trọng cả người kém và giỏi hơn mình.
Khi đọc thơ bạch thoại của Quách Mạt Nhược đăng trên Nhân dân nhật báo và Văn học nhân dân, một độc giả tên là Trần Minh Viễn đã gửi thư cho tác giả này, dùng những lời lẽ gay gắt để phê bình: “Sau khi đọc những bài thơ dài dòng như tản văn này, mọi người chỉ nhớ được duy nhất ba chữ, đó là tên của tác giả. Biên tập viên có lẽ vì quá nể sợ danh tiếng của ngài cho nên không dám sửa chữa nhiều mà đăng hết toàn văn. Phần lớn độc giả đều tin tưởng vào tên tuổi nhà thơ Quách Mạt Nhược, vì vậy đã cảm thấy rất thất vọng khi đọc những bài thơ này.”
Quách Mạt Nhược trả lời thư của Trần Minh Viễn như sau: “Tôi rất thích cậu. Tôi muốn nói với cậu rằng, lá thư của cậu không khiến tôi phiền lòng chút nào, mà ngược lại, nó khiến tôi thấy rất vui.” Quách Mạt Nhược đánh giá cao việc Trần Minh Viễn dám nói ra suy nghĩ thực sự của mình.
Quách Mạt Nhược hẹn gặp Trần Minh Viễn. Khi hai người gặp mặt, nhà thơ nổi tiếng vừa cười vừa hỏi anh chàng độc giả: “Nếu cậu là biên tập viên phụ trách mảng thơ ca của báo, cậu sẽ làm thế nào với những bài thơ của tôi?”
Trần Minh Viễn suy nghĩ kĩ càng rồi trả lời: “Đối với thơ của ngài, tôi đã chuẩn bị ba phương án biên tập. Đầu tiên, với những bài thơ giống như bài Lạc đà, Kim tự tháp tội lỗi và một số bài thơ hợp thức khác, tôi sẽ lập tức cho xuất bản. Thứ hai, với những bài thơ có giá trị truyền tải nhưng vẫn còn có điểm cần xem xét lại, tôi sẽ đề xuất ý kiến để ngài sửa thêm. Thứ ba, với những bài ‘văn xuôi có vần điệu’ thì sửa thể loại của chúng thành tản văn hoặc tạp văn, nếu không thì chỉ có thể loại bỏ. Chỉ có làm như vậy thì độc giả mới thực sự yêu thích thơ của ngài.”
Quách Mạt Nhược nhìn chàng trai trẻ mới tốt nghiệp đại học, cười ha ha thành tiếng và nói: “Tốt lắm! Gặp được biên tập viên như cậu thì công việc của tôi sẽ đơn giản hơn biết bao! Quả thật là cầu còn không được!”
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc. Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất.” Câu này có nghĩa là: Kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng. Kẻ khôn nghĩ ngàn việc, ắt có một việc sai. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tri thức mới xuất hiện càng lúc càng nhiều, càng lúc càng nhanh. Vì vậy cho dù là ai, có tài giỏi đến đâu cũng không thể vạn sự đều tinh thông, đồng thời cũng không ai có thể chắc chắn kiến thức của mình đã đủ để dùng hết một đời. Chúng ta cần phải nhớ kĩ lời nhắc nhở: “Ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta” và luôn khiêm tốn học hỏi, không ngừng tìm tòi, khắc phục thiếu sót của bản thân.
4
HỌC HỎI TỪ NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC
Đứng trên vai người khổng lồ sẽ mang lại cho người trẻ rất nhiều lợi ích. Hãy tận dụng cơ hội để học hỏi từ những người đi trước, bạn sẽ rút ngắn được con đường tiến tới thành công
Trong cuộc sống, những người đi trước chính là “mỏ vàng” về kinh nghiệm, trải nghiệm, tri thức… Ngoài ra, họ còn có tiềm lực kinh tế, sự ảnh hưởng, mối quan hệ... là những “của cải” mà người trẻ luôn khát khao. Trong rất nhiều lĩnh vực, ưu thế thuộc về những người có kinh nghiệm bởi họ vượt trội hơn so với lớp trẻ về nhiều khía cạnh.
Người trẻ nên kết giao với các bậc trưởng bối, tiền bối và xin lời khuyên từ họ. Như vậy, chúng ta sẽ có thể học thêm kinh nghiệm sống, nhận được sự hỗ trợ từ họ và nhờ đó tạo dựng được thành tích ở phương diện mà mình hướng đến. Đây không phải là việc mà ai cũng có thể nghĩ đến. Bất kì người trẻ nào nếu làm được điều này sẽ tiến lên rất nhanh trong cuộc sống.
Vào thời Hán-Sở tranh hùng, Trương Lương nhờ được Hoàng Thạch Công truyền cho cuốn sách Thái Công binh pháp mới có thể trở thành “thánh mưu”, giúp chủ công là Lưu Bang giành lấy thiên hạ. Nếu Lưu Bang không có quần thần là Trương Lương thì khó có thể lập nên vương triều nhà Hán. Rất nhiều cao thủ võ lâm cũng nhờ thừa hưởng bí quyết chân truyền của môn phái mới có được thân thủ bất phàm. Vì vậy người xưa mới nói thầy giỏi tất dạy được trò hay.
Trong cuộc sống, vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức, nên khi đối diện với khó khăn, rất nhiều người đã đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, làm ra những chuyện sai lầm. Đặc biệt là với những người trẻ tuổi, một chút thử thách, trở ngại cũng có thể khiến họ nản lòng, muốn buông xuôi. Vào lúc mất hết tinh thần như vậy, người trẻ rất mong có được sự giúp đỡ của những người đi trước. Lớp trưởng bối, tiền bối có thể dùng chính kinh nghiệm sống của họ làm ví dụ trực quan, chân thực để giúp người trẻ tỉnh ngộ, vực dậy nhuệ khí. Chỉ cần được chỉ dẫn, người trẻ sẽ tìm được con đường của cuộc đời mình.
Khoa học kĩ thuật trong thế kỉ mới đã có thể tái tạo tế bào và nhân bản vô tính ở cừu. Nếu kinh nghiệm, trí tuệ của con người cũng có thể nhân bản được như vậy thì tốt biết bao. Sao chép não và trái tim của một người thông minh, hiểu chuyện sang não và tim của bạn, bạn sẽ trở thành một cá nhân vô cùng xuất sắc. Điều này nghe có vẻ giống tình tiết trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, rất khó thực hiện trong đời thực. Nhưng nếu ngẫm kĩ thì việc học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ những người đi trước cũng chính là một cách tạo ra “bản sao trí tuệ”.
Nhưng chúng ta luôn phải nhớ rằng lớp người đi trước cũng có sở trường, sở đoản của mình. Những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của họ trong một hoàn cảnh, một thời điểm nhất định có thể là kho báu hiếm có khó tìm. Nhưng ở một thời điểm, một hoàn cảnh khác, nó có thể trở thành gánh nặng trói buộc, cản bước bạn. Tùy theo sự biến đổi của xã hội thì tri thức, giá trị quan cũng sẽ thay đổi theo. Khi đó, kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của lớp người đi trước có thể không còn phù hợp, tồn tại điểm hạn chế, thậm chí là không thể áp dụng được nữa. Vì vậy khi học hỏi từ các bậc trưởng bối, tiền bối, người trẻ vẫn cần sáng suốt chọn lọc, biết học cái hay và loại bỏ cái dở. Đồng thời, khi được trao truyền tri thức, kinh nghiệm, người trẻ cũng không được mất đi thái độ cầu tiến. Một khi đánh mất sự cầu tiến này, người trẻ sẽ không muốn tiếp tục học hỏi và tiến bộ. Học hỏi trải nghiệm, kiến thức từ người đi trước để suy nghĩ thêm trưởng thành, hành động thêm chững chạc, chứ không phải để sớm được an nhàn.
Khi xin lời khuyên từ các bậc trưởng bối, tiền bối, người trẻ cần có thái độ chân thành, như vậy mới được chỉ bảo tận tình. Ngoài ra, giữa những người đi trước và người trẻ luôn tồn tại khoảng cách thế hệ. Vì vậy khi đôi bên kết giao, người trẻ cần tôn trọng suy nghĩ và quan niệm của người đi trước. Người trẻ có thể không đồng ý với một quan điểm nào đó của trưởng bối, nhưng hãy tranh luận một cách lịch sự và khéo léo. Đừng tự cao cho mình là đúng còn họ đã lạc hậu, đây là hành động rất thiếu sáng suốt. Hãy nhớ rằng bản thân đang muốn học hỏi ở họ và trân trọng cơ hội đang có.
Đứng trên vai người khổng lồ sẽ mang lại cho người trẻ rất nhiều lợi ích. Hãy tận dụng cơ hội để học hỏi từ những người đi trước, bạn sẽ rút ngắn được con đường tiến tới thành công.
5
TỰ TIN QUÁ HÓA HỒ ĐỒ
Người thực sự hiểu biết sẽ không tỏ thái độ không gì không biết, mà sau khi nghiền ngẫm đến tinh thông, thấu tỏ sự việc mới khiêm tốn đưa ra nhận định
Khi một nhóm người đang “tám” chuyện trên trời dưới đất, luôn có người thích mạnh miệng khẳng định: “Tôi biết hết!”
Người xưa có câu: “Thùng rỗng kêu to.” Những người tự tin thái quá như vậy kì thực lại là những người có hiểu biết hạn hẹp nhất.
Có những điều càng nghiên cứu sâu lại càng thấy hiểu biết của bản thân hạn hẹp, cho nên những học giả khiêm tốn sẽ không dễ dàng vỗ ngực xưng là mình biết tuốt. Nếu việc gì cũng khoe ra thì chỉ chứng tỏ bản thân nghiên cứu chưa đủ sâu.
Có câu chuyện như sau: Khi Đức Thích Ca Mâu Ni cư ngụ ở nước Xá Vệ có gặp một kẻ ngốc. Anh ta đứng bên bờ ao, trông xuống làn nước thấy bóng mình dưới đó, bèn hét toáng lên: “Cứu tôi với!”
Mọi người xung quanh rầm rầm chạy đến hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì. Anh ta đáp: “Tôi chết đuối dưới ao rồi!”
Mọi người không hiểu ra sao mới hỏi lại: “Nói linh tinh, anh làm sao mà chết đuối dưới ao được. Chẳng phải anh đang sống sờ sờ ra đây sao?”
Anh chàng ngốc liền đi đến bên ao, trỏ xuống nước và hỏi: “Kia không phải là tôi chết đuối dưới ao à?”
Mọi người nghe vậy đều cười ầm cả lên: “Cậu ngốc thế! Đó đâu phải cậu, chỉ là cái bóng của cậu thôi. Cậu chẳng phải cũng nhìn thấy bóng của chúng tôi dưới đó hay sao?”
Không ngờ anh chàng kia càng hoảng hốt: “Mọi người cũng đều chết đuối dưới ao rồi, vậy lấy ai đến cứu chúng ta?”
Câu chuyện này muốn nói với chúng ta rằng, nếu bạn quá cố chấp, khăng khăng tin vào suy nghĩ, hiểu biết của bản thân thì không những không thể nhìn rõ chân tướng của mọi việc mà có thể sẽ sống mê muội cả đời.
Chúng ta cần có thái độ khiêm tốn, nhận định tình huống một cách khách quan, tránh kiêu căng, mê muội mà dẫn đến nhìn nhận sai lầm. Khi Einstein nghiên cứu về vấn đề nào đó, trước khi hiểu rõ về nó, ông sẽ không vội vã nhận định bất cứ điều gì.
Một người thực sự hiểu biết sẽ không tỏ thái độ không gì không biết, mà sau khi nghiền ngẫm đến tinh thông, thấu tỏ sự việc mới khiêm tốn đưa ra nhận định của mình.
6
LẮNG NGHE GÓP Ý, KHUYÊN CAN
Dù là người bình thường hay vĩ nhân, là nhân viên hay lãnh đạo, đều phải luyện thói quen biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác
Bất cứ ai cũng có thể nói sai, làm sai, đây là chuyện thường tình. Đáng tiếc là, có rất nhiều người trong chúng ta bởi sợ mất thể diện nên không dám thừa nhận sai lầm của bản thân. Khi người khác chỉ ra chỗ sai, họ sẽ tìm cách lấp liếm, quanh co để che giấu bằng được, kết quả là sai lầm nối tiếp sai lầm.
Một người bất kể địa vị cao hay thấp, có nhược điểm dám nhận rõ nhược điểm, có thói hư tật xấu dám nêu rõ thói hư tật xấu, đồng thời biết sửa chữa chúng, người khác sẽ đánh giá bạn là người cầu tiến. Người dám phơi bày những điều chưa hoàn hảo ở bản thân chính là người thành thật, đáng tin. Họ không những không bị mất thể diện mà ngược lại, chính nhờ hành động này nên uy tín của họ càng cao, ảnh hưởng càng mạnh.
Trên đời này không ai là không bao giờ phạm sai lầm. Con người luôn học hỏi từ sai lầm của mình. Quá trình này nối tiếp nhau và không ngừng lặp lại. “Mỗi lần vấp là một lần bớt dại”, chúng ta học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ thiếu sót để ngày càng tiến bộ, ngày càng hoàn thiện bản thân, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Ngược lại, người phạm sai lầm nhưng mê muội cố chấp, ương ngạnh bảo thủ, kiên quyết không nghe lời khuyên của người khác thì không thể trưởng thành.
Trong cuộc đời, mỗi người phải tiếp xúc với rất nhiều điều mới lạ. Vì vậy chúng ta không thể việc gì cũng biết và cũng làm tốt. Khi đó, cần có người đứng ra chỉ rõ sai lầm hoặc đề xuất cho chúng ta một số giải pháp.
Vào thời phong kiến ở Trung Quốc, bất kể là triều đại nào, các minh quân đều cần có mưu sĩ và đại thần phò tá để quản lí đất nước. Trong thời kì đầu dựng nước, các vị vua không thể khăng khăng ý mình mà bỏ qua lời can gián hay kiến nghị của quần thần, nếu không vương triều vừa dựng lên sẽ nhanh chóng sụp đổ. Tứ đại quân tử thời Xuân Thu Chiến Quốc gồm: Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân, Xuân Thân Quân, Mạnh Thường Quân đều tận tâm hiến mưu kế cho chủ quân của mình, có đóng góp to lớn trong việc giúp chủ quân trị nước an bang. Có thể nói, nếu Lưu Bị không mời được Gia Cát Lượng tới làm quân sư, giúp mình bày mưu tính kế, thì đừng nói đến chuyện cùng Tào Tháo và Ngô Quyền chia ba thiên hạ, chỉ sợ là ngay cả giương cờ khởi nghĩa cũng khó làm được.
Có một câu chuyện như sau: Đầu thời Xuân Thu Chiến Quốc, con trai của Tề Hoàn Công là Tề Uy Vương kế vị cha. Vị quân vương này có tính cách giống với Sở Trang Vương thời mới chấp chính, không quá quan tâm đến chuyện quốc gia đại sự.
Sở Trang Vương được ví với loài chim thần kì “ba năm không bay, vừa bay là thẳng tới tầng cao; ba năm không hót, vừa hót đã khiến người nghe kinh ngạc”. Nhưng Tề Uy Vương lại liên tục chín năm “không bay, chẳng hót”. Trong chín năm đó, nước Hàn, nước Triệu, nước Ngụy thường xuyên xâm phạm nước Tề, nhưng Tề Uy Vương cũng chẳng bận tâm. Khi nước Tề thua trận, Tề Uy Vương vẫn ham mê hưởng thụ, không cho phép đại thần can gián.
Một ngày kia, một vị nhạc sư cầu kiến Tề Uy Vương. Vị nhạc sư này tự giới thiệu mình là người nước Tề, tên là Trâu Kỵ, hay tin Tề Uy Vương thích nghe nhạc liền mạo muội đến bái kiến. Tề Uy Vương nghe nói liền đồng ý cho nhạc sư vào bái kiến. Trâu Kỵ thi lễ với Tề Uy Vương, sau đó ngồi vào vị trí, chỉnh dây đàn, giống như đang chuẩn bị gảy một khúc nhạc, nhưng cuối cùng hai bàn tay cứ đặt im bất động trên đàn.
Tề Uy Vương thấy lạ mới hỏi: “Ngươi đã sớm chỉnh xong dây đàn, vì sao còn chần chừ chưa chịu chơi?”
Trâu Kỵ đáp: “Thần không chỉ biết chơi đàn mà còn biết một bộ đạo lí đánh đàn nữa.”
Tề Uy Vương không nghĩ ra trong việc chơi đàn còn có đạo lí gì, cho nên mới mời Trâu Kỵ giảng giải tiếp.
Trâu Kỵ thao thao bất tuyệt nói về đạo lí chơi đàn, Tề Uy Vương nghe cái hiểu cái không. Một lúc sau, khi đã mất hết kiên nhẫn, Tề Uy Vương ngắt lời Trâu Kỵ: “Nhà ngươi đã nói cả nửa buổi rồi, vì sao còn chưa đàn lên hầu ta nghe?”
Lúc này Trâu Kỵ mới hỏi ngược lại: “Đại vương, ngài nhìn thần giữ dây đàn trong tay mãi không chịu gảy cho nên không vui phải không? Người dân thấy đại vương nắm ‘dây đàn nước Tề’ nhưng chín năm không động đầu ngón tay cũng cảm thấy không vui như vậy.”
Tề Uy Vương đứng bật dậy, nói: “Hóa ra ngươi đem đàn đến để can gián ta, ta hiểu rõ rồi.”
Tề Uy Vương lệnh cho người đem cất cây đàn đi, sau đó ngồi cùng Trâu Kỵ bàn chuyện quốc gia đại sự. Trâu Kỵ khuyên Tề Uy Vương nên chiêu mộ hiền tài, trọng dụng người có năng lực, thúc đẩy sản xuất, tiết kiệm tài vật, huấn luyện binh mã, mưu nghiệp bá chủ. Tề Uy Vương nghe xong vô cùng vui sướng, phong cho Trâu Kỵ làm Tể tướng, giúp nhà vua chỉnh đốn các việc trong triều và khảo hạch lại quan viên trên khắp cả nước.
Sau khi Tề Uy Vương để Trâu Kỵ làm Tể tướng nước Tề, Trâu Kỵ đã giúp cho Tề Uy Vương điều hành đất nước đâu vào đấy, dân chúng nước Tề đều ca ngợi Tề Uy Vương là vị vua anh minh.
Không chỉ vua chúa mà mọi nhân vật thành công đều là người giỏi tiếp thu ý kiến của người khác và vận dụng vào thực tế.
Đương nhiên trong lịch sử cũng luôn xuất hiện những người vì cố chấp, không chịu nghe lời khuyên can mà gặp đại bại. Thời Tam Quốc có Mã Tắc (hay Mã Tốc) là Đại tướng của nước Thục, vì một mực ngoan cố, không chịu tin theo lời khuyên của Gia Cát Lượng mà đánh mất vùng Nhai Đình. Thất bại của Mã Tắc đã khiến nước Thục chịu một đòn chí mạng, cho dù sau đó Mã Tắc hối hận vô cùng, nhưng Gia Cát Lượng vẫn phải gạt lệ chém đầu ông.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, con trai là Tần Nhị Thế lên nối ngôi, trở thành vị vua võ đoán, bạo ngược khiến Trần Thắng, Chu Quảng hợp quân khởi nghĩa chống lại nhà Tần. Nhà Tần dần suy yếu, cuối cùng bị nhà Hán thay thế. Nếu Tần Nhị Thế không bạo ngược, thay vào đó biết lắng nghe lời can gián của trung thần, chắc hẳn triều đại nhà Tần đã có thể kéo dài hơn thế.
Cố chấp, không chịu lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác là một điểm yếu chết người. Đặc biệt, nếu bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, lời can gián của những người thân thiết thì không những khiến bản thân sứt đầu mẻ trán mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến tấm lòng thiện chí của họ.
Hãy nhớ rằng, chỉ có những người thực sự quan tâm đến bạn mới dành thời gian và tâm sức chỉ ra sai lầm cho bạn cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích. Nếu bạn gạt bỏ sự chân thành ấy thì sẽ khiến họ tổn thương và không còn muốn giúp đỡ bạn. Không có bản lĩnh của Võ Tòng, “biết rõ núi có hổ dữ, vẫn quyết lên núi gặp hổ”, hành vi này không được coi là dũng cảm mà là thiếu sáng suốt. Sẽ không ai đồng cảm với sự thất bại của những người cố chấp, chỉ còn lại sự thương cảm mà thôi.
Vì vậy, phải học cách tiếp thu ý kiến của người khác, đặc biệt là hết sức lắng nghe lời khuyên chân thành của những người thân thiết. “Thuốc đắng giã tật”, những lời góp ý cho dù không dễ nghe nhưng sẽ có lợi cho bản thân bạn. Ngược lại, những câu xu nịnh, thổi phồng, ru ngủ chúng ta thì bạn nên bỏ ngoài tai.
“Một người thì tối, khối người thì sáng.” Dù là người bình thường hay vĩ nhân, là nhân viên hay lãnh đạo, đều phải luyện thói quen lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác. Tuy nhiên, phải biết tiếp nhận góp ý một cách có chọn lọc, có chủ kiến. Ngoài ra, không nên tiếp nhận thông tin một chiều mà cần có sự đối chứng để tránh phạm phải sai lầm không đáng có.
Danh ngôn có câu: “Kẻ tự cho mình là giỏi thì tai không còn nghe được lời khôn lẽ phải nữa.” Ngoan cố giữ vững ý kiến hạn hẹp của bản thân sẽ chỉ khiến bạn càng đi càng sai lối, càng làm càng sai việc. Đó không phải là con đường tiến đến thành công mà sẽ dẫn tới thất bại.
7
DƯỚI CÓ ĐẤT BỒI, TRÊN CÓ NÚI CAO HƠN
Chỉ có khiêm nhường, sẵn sàng lắng nghe góp ý, tiếp nhận quan điểm, ý kiến trái chiều từ người khác mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra
Núi cao bởi có đất bồi
Lão Tử từng nói: “Cố vật hoặc tổn chi nhi ích, hoặc ích chi nhi tổn.” Câu này có nghĩa là: Mọi vật trên đời này có khi thấy bị bớt đi nhưng thực tế lại được thêm lên, có khi mắt thấy được thêm lên mà thực tế lại là bị bớt đi. Đây cũng là lời khuyên dành cho tất cả chúng ta, rằng sống trên đời phải luôn nhớ giữ trọn thái độ rộng lượng để tiếp nhận hết thảy mọi ý kiến, kể cả những suy nghĩ, quan niệm và hành vi khác với mình. Có như vậy chúng ta mới có thể đạt được thành tựu mong muốn.
Có một câu chuyện như sau: Ngày xưa, để thức tỉnh bản thân, một vị hoàng đế đã cho đặt bên trái ngai vàng một chiếc y khí. Đó là một chiếc thau gốm mà người xưa dùng để đựng nước, giữa thân có buộc một sợi dây. Nếu nước đầy tràn, thau sẽ bị nghiêng; khi nước đầy một nửa, thau sẽ đứng thẳng. Nếu một người trong lòng tràn đầy vọng tưởng và tạp niệm thì sẽ đánh mất chân tâm, thay vào đó là tâm lí ngông cuồng, kiêu ngạo. Nếu con người rơi vào trạng thái này, thì cũng không khác nào y khí đầy nước bị đổ nghiêng. Một người tự kiêu, ngạo mạn sẽ dễ bị người khác ghen ghét, đố kị, thậm chí tìm cách gây khó dễ. Người không được chào đón như vậy liệu có thể gặt hái được thành công?
Dân gian có câu: “Núi cao là bởi đất bồi, núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu.” Trong cuộc sống, chỉ có khiêm nhường, sẵn sàng tiếp nhận quan điểm, ý kiến trái chiều từ người khác mới có thể trở thành nhân vật vĩ đại, lưu danh sách sử. Câu chuyện sau đây là ví dụ.
Vào cuối thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Hàn mượn cớ cử thợ tới giúp nước Tần tu sửa lại kênh mương cấp nước để dò la và làm suy yếu thế lực của nước Tần. Sau khi phát hiện ra ý đồ đen tối kia, quần thần nước Tần vô cùng chấn động, dâng tấu xin Tần Vương cho đuổi hết thuyết khách nước ngoài. Tần Vương đồng thuận, lập tức ban đạo lệnh đuổi khách. Bất luận quan viên lớn nhỏ, nếu không phải là người Tần thì đều buộc phải rời khỏi nước Tần.
Lúc đó, Lý Tư là thuyết khách của nước Sở cũng bị trục xuất. Trước khi rời đi, Lý Tư mạo muội dâng lên Tần Vương một bức biểu, đó chính là Gián trục khách thư (Thư can gián việc đuổi khách) nổi tiếng:
“Ngày nay nước Tần có thể lớn mạnh và phồn vinh như vậy đều là nhờ các vị vua Tần biết dùng người hiền. Nước Tần chiêu hiền đãi sĩ, cho nên nhân sĩ khắp thiên hạ nghe danh mới tìm đến đây. Kể từ khi Tần Mục Công tin dùng hàng thần Bách Lí Hề đến nay, danh sĩ bốn phương tìm đến nước Tần người trước nối người sau mãi không dứt.
Cho nên mới nói: Thái Sơn không chê hạt đất bồi nên mới càng ngày càng cao. Biển sâu không kén giọt nước, nên mới càng ngày càng sâu. Vương giả không chê thứ dân, nên có được đức trung thành của họ. Đối với quốc gia, việc quan trọng nhất là tìm được những người hiền tài. Chỉ cần có nhân tài, liền có việc trọng dụng đến họ. Không thể vì thần tử là người nước khác mà hoài nghi họ, xua đuổi họ. Trước mắt cách đuổi khách này không có lợi cho cơ đồ của nước Tần. Nếu nhân tài đều bỏ đi hết và không trở lại nữa, sao còn mong đất nước được thái bình, thịnh trị mãi mãi.”
Sau khi đọc Gián trục khách thư của Lý Tư, Tần Vương bừng tỉnh, lập tức hạ chỉ thu hồi lại lệnh trục khách.
Tần Vương biết lắng nghe lời can gián thật lòng của Lý Tư, sau đó còn đưa ra các chính sách khôn ngoan để thu hút hiền tài về với nước Tần. Điều này đã đặt nền móng cho việc thống nhất các nước sau này.
Cách dùng người như vậy cũng được nhiều chuyên gia nhân sự khác đồng tình.
Hàn Phi11 viết: “Thái Sơn không phân yêu ghét, cho nên mới càng lúc càng cao. Giang Hải không chê dòng nước nhỏ, cho nên càng ngày càng rộng.”
Quản Tử12 viết: “Biển không chê nguồn nước nhỏ nên càng chảy càng rộng lớn. Núi không chọn đất nên càng bồi càng cao. Minh quân không chê người hèn, cho nên được lòng đại chúng.”
11 Hàn Phi (280 TCN-233 TCN): Học giả nổi tiếng của Trung Quốc sống vào cuối thời Xuân Thu Chiến Quốc, theo trường phái Pháp gia.
12 Quản Tử (725 TCN-645 TCN): Chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Cho nên có thể thấy một người có chí lớn lập nghiệp, muốn thực hiện tới cùng lí tưởng và khát vọng của bản thân thì phải biết khiêm tốn, không vì bản thân có tài mà chê bai, gạt bỏ góp ý của người khác. Có như vậy mới đạt đến mục tiêu vĩ đại mà bản thân mong muốn.
Núi cao còn có núi cao hơn
Người xưa từng nói: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân.” Câu này có thể hiểu là xung quanh chúng ta lúc nào cũng có cao nhân đang ẩn thân, chỉ là chúng ta không đủ tinh tường để nhận ra họ mà thôi. Trong tác phẩm Thế thuyết tân ngữ13 cũng có nhắc đến quan điểm: “Tam bách lục thập hàng, hàng hành xuất trạng nguyên”, có nghĩa là: Ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có bậc thầy.
13 Thế thuyết tân ngữ: Tác phẩm do Lâm Xuyên Vương Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444) biên soạn, là một bộ “chí nhân tiểu thuyết” (ghi chép chuyện người), cũng là tiểu thuyết bút ký đầu tiên của Trung Quốc, được các nhà nghiên cứu Trung Quốc đánh giá là một bộ “kỳ thư”, “thú thư”.
Xung quanh chúng ta luôn có những người giỏi giang và đáng học tập. Bạn có thể không phải là người làm tốt nhất, cho nên hãy giữ thái độ khiêm tốn trước mọi người và mọi sự việc. Càng là những người đạt được thành tựu to lớn trong lĩnh vực nào đó lại càng là những người khiêm nhường nhất. Đó là vì trong quá trình học tập, nghiên cứu hay thực hành, họ tiếp thu thêm nhiều tri thức mới và nhận thức được sự thiếu sót của bản thân. Mặt khác, thái độ khiêm tốn còn giúp một người dễ dàng có được thiện cảm từ người khác và xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp. Vậy thì vì sao chúng ta lại không khiêm tốn?
Thắng lợi và thành công luôn thuộc về những người khiêm tốn và có chí cầu tiến. Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc là Tiền Chung Thư đã nhiều lần từ chối trả lời phỏng vấn và nói với các nhà báo nước ngoài rằng ông chỉ là một con người vô cùng nhỏ bé và bình thường. Nhà văn Dương Giáng cũng luôn cho rằng bản thân chỉ là “đất bằng”, không so được với những người coi mình là “núi”.
Người xưa có câu: “Núi cao còn có núi cao hơn.” Chỉ khi ý thức được mình chỉ là một cá thể nhỏ bé trong xã hội, kiến thức của mình là một giọt nước trong đại dương tri thức, chúng ta mới có thể tiến bộ. Khi đó, chúng ta sẽ có động lực để trau dồi bản thân hơn nữa, nỗ lực lấp đầy khuyết điểm và phát huy ưu điểm, ngày càng trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn. Biết mình còn nhỏ bé, chúng ta sẽ bớt đi những ghen ghét, đố kị, sẵn sàng lắng nghe lời góp ý, phê bình của những người xung quanh. Hãy nhớ rằng, chỉ có đức tính khiêm tốn mới có thể nâng bước chúng ta trên con đường tiến tới thành công.
8
SẴN SÀNG NGHE LỜI PHÊ BÌNH
Hãy thẳng thắn đối mặt với khuyết điểm, tiếp thu ý kiến phê bình để hoàn thiện bản thân hơn nữa
Bạn có phải là người cởi mở và rộng lượng không? Hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi trả lời “Có”.
Dù là ai thì trong lòng bạn ắt có nhược điểm mà bản thân không tự khắc phục được và cũng không muốn bị người khác đả động tới. Bạn có thể dốc bầu tâm sự với tri kỉ của mình về mọi thứ – trừ việc tiết lộ bí mật kia.
Bạn sẵn sàng hi sinh bản thân, vì những người quan trọng mà không nề hà nhảy vào nước sôi lửa bỏng. Nhưng khi ai đó muốn thay đổi bạn, nhất là khơi đến nhược điểm bạn chôn chặt trong lòng, bạn hẳn sẽ từ chối: “Chuyện gì tôi cũng có thể nghe theo anh nhưng riêng việc này tôi phải tự mình làm chủ. Tôi đương nhiên biết rõ về bản thân mình, nhưng bây giờ chưa phải là lúc để tôi thay đổi.”
Cái gai trong cuộc sống của bạn là gì? Đó có thể là sự đố kị, ham hư vinh, hoang phí, nóng nảy, thiếu trách nhiệm, kiêu ngạo... Bởi vì có những khía cạnh này cho nên bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc mặt trái của cuộc đời. Dù bạn có cố gắng che giấu khiếm khuyết nhằm để lại ấn tượng tốt trong lòng người khác, nhưng cuối cùng những cố gắng của bạn đều đổ xuống sông xuống biển. Vì sao lại như vậy?
Bạn đã từng trông thấy con đà điểu vùi đầu xuống cát để giấu mình chưa? Có phải nó càng chui sâu xuống cát thì người ta càng chú ý đến nó hơn không? Tận lực che giấu khiếm khuyết của bản thân cũng giống như vậy, càng giấu sẽ càng phản tác dụng, khiến mọi thứ lộ ra rõ ràng hơn.
Ổn định cảm xúc, tâm trạng, thẳng thắn đối mặt với thực tế cho dù là chuyện dễ nói khó làm, nhưng trên đời này vốn dĩ chẳng có thứ gì không cần đổ một giọt mồ hôi mà có được. Ai trong chúng ta cũng có điểm yếu, khác biệt duy nhất đó là có những người cả đời bị nó ám ảnh, có những người biết cách thoát khỏi sự thao túng của nó. Có người chung sống hòa bình với khuyết điểm, chấp nhận nó là một phần của con người mình, dùng thời gian và nỗ lực để sửa đổi bản thân.
Hãy thẳng thắn đối mặt với khuyết điểm của mình, dành thời gian và dũng khí đủ lớn để khắc phục nó, không ngừng làm cho bản thân ngày một tốt hơn. Đồng thời, bạn cũng hãy chấp nhận sự thật rằng sẽ có lúc khiếm khuyết của bạn bộc lộ ra bên ngoài. Trong mối quan hệ với mọi người, bạn chỉ cần cẩn trọng khi phát ngôn và hành động thì sẽ hạn chế được chúng.
Bác sĩ Stephen, người đứng đầu Bệnh viện Lawrence của Mỹ, cho biết: “Khiêm tốn tiếp nhận ý kiến phê bình của người khác, trung thực phản tỉnh bản thân, cố gắng thay đổi, xóa bỏ thói quen xấu và nhược điểm là môn học mà bất cứ ai muốn thành công đều phải thành thục.” Nếu bạn luôn cảm thấy việc người khác chê trách khuyết điểm của mình khiến bạn mất hết thể diện, thì tâm trạng thẹn quá hóa giận này sẽ gây hại cho bạn.
Ai cũng thích nghe những lời nói ngọt, thích nghe những lời khen ngợi, thích nghe những câu khích lệ... Khi được tán thưởng, động viên, bất kể là nghe trực tiếp từ đối phương hay nghe qua lời kể của người khác, bất kể những lời đó là khen thật hay khen giả, bất kể thái độ của người khen là chân thành hay lấy lòng, thì bạn vẫn đều thấy vui sướng. Bất kể người nói với bạn những lời khen này là “người phát ngôn” (trực tiếp khen bạn) hay “người đưa tin” (người kể lại chuyện có người khác khen bạn) thì bạn đều sẽ có cảm tình với đối phương. Khi ấy bạn hẳn là trong lòng thì vui vẻ, ngoài mặt thì đắc ý.
Ngược lại, không ai thích nghe những lời phê bình hay chỉ trích, những lời động chạm đến điểm yếu, vạch trần chỗ sai của bản thân. Bất kể là trực tiếp hay gián tiếp nghe thấy những lời này, bất kể những lời này là thật hay giả, càng bất kể là người nói ra những lời này muốn góp ý chân thành hay cố ý gây sự, bạn đều không thích nghe. Nếu người đó trực tiếp nói thẳng những lời này với bạn, bạn hẳn sẽ rất khó chịu, tức giận với anh ta. Nếu người đó kể lại với bạn những lời này là do người khác nói, có thể bạn cũng vẫn ghét anh ta vì cho rằng đối phương ít nhiều cũng đồng tình với những lời nói khó nghe kia. Phải nghe những lời khó lọt tai như vậy, bạn hẳn trong lòng không vui, ngoài mặt cũng cau có.
Đối diện với lời khen và lời chê, thường chúng ta dễ bài xích lời chê và thích nghe lời khen. Ngoài việc người chê phê bình quá thẳng thừng thì nguyên nhân chủ yếu là do khen và chê bản thân nó đã tạo ra hai loại phản ứng trái ngược nhau đối với người nhận. Khi một người bị người khác chê trách, họ sẽ cảm thấy xấu hổ, mất thể diện, buồn bã, khó chịu và tức giận. Và khi một người được người khác khen ngợi, họ sẽ cảm thấy phấn chấn, vui sướng, tự hào và hạnh phúc. Từ đó, chúng ta đều cho rằng việc bị chê trách là chuyện không hề vui vẻ, dễ chịu.
Ai cũng muốn giữ gìn thể diện và tự tôn của bản thân, luôn lo lắng khuyết điểm và sai lầm của mình bị người khác nhìn thấu, sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến thành công và bước đường phát triển của mình. Vì vậy nhiều người luôn vô tình hoặc hữu ý dùng các cách khác nhau để trốn tránh những lời phê bình, chỉ trích. Rất ít người có thể thực sự xem những lời phê bình, chỉ trích là lời góp ý đối với hành vi chứ không phải nhân cách của họ. Cho dù đó là lời góp ý chân thành thì cũng vẫn khó lọt tai.
Chúng ta luôn biết rằng “nhân vô thập toàn” (con người không có ai là hoàn hảo), đồng thời phải có thái độ cầu thị với những lời phê bình để sửa đổi bản thân tốt hơn. Chúng ta đôi khi nghe thấy hay chứng kiến mọi người hô hào khẩu hiệu “Xin hãy góp ý giúp tôi”, thậm chí bản thân chúng ta cũng không chỉ một lần nói với người khác những lời như vậy. Nhưng trên thực tế, khi có ai đó thực sự lên tiếng góp ý, chúng ta lại trốn tránh hoặc “xù lông nhím” như một hình thức phòng vệ.
Khi bị phê bình, chỉ trích, hầu hết suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu chúng ta chính là: “Đây không hoàn toàn là lỗi của mình” và sẽ có phản ứng như sau: “Mọi người cũng đều làm như vậy, vì sao anh chỉ nhằm vào tôi mà chê trách?”, “Anh tự soi lại mình xem, bản thân cũng như vậy thì lấy tư cách gì mà chê trách tôi”, “Tôi đã làm gì anh, vì sao anh cứ phải nhằm vào tôi như vậy”...
Nếu người phê bình bạn là cấp trên, cho dù bạn không thể phản bác lại thì trong lòng vẫn sẽ thấy khó chịu và tìm cách “phản kháng tiêu cực” trong công việc. Nếu người chê trách bạn là đồng nghiệp, cho dù bạn không nổi trận lôi đình mà cãi nhau tay đôi thì hẳn cũng sẽ khó có thể giữ được mối quan hệ hòa ái với đối phương. Nếu người chê trách bạn là bạn học hoặc bạn bè, cho dù bạn không cãi nhau với họ, thì cũng sẽ oán trách đối phương.
Tuy nhiên, không may là, trốn tránh hay chối bỏ những lời chê trách không có nghĩa là bạn có thể xóa sạch chúng, mà còn khiến bản thân bỏ qua rất nhiều lời góp ý chân thành, đồng thời phá hủy lòng tin và tình cảm của bản thân với những người khác. Nếu một người luôn phản đối những lời chê trách về mình thì không khác gì người đó đang tự cho mình là người hoàn hảo. Điều này rõ ràng là lợi bất cập hại.
Cách thoát khỏi sai lầm này chỉ đơn giản là luôn luôn nhắc nhở bản thân phải nghĩ thoáng ra, vui vẻ lắng nghe và nghiêm túc tiếp nhận những lời phê bình. Bạn có thể làm theo các bước sau:
Học cách tiếp nhận lời chê trách
Nhiều người không có cách nào tiếp nhận lời chê trách của người khác và đã quen dùng cách này hay cách khác để tránh né việc bị phê bình. Vì thế, đầu tiên bạn phải mở rộng lòng mình để đón nhận những lời góp ý, phê bình. Hãy suy nghĩ theo những hướng sau:
• Trên đời này không có ai là hoàn mĩ, cho nên bạn không cần cảm thấy mất thể diện khi bị người khác chê trách. Nhược điểm không làm giảm đi giá trị của bạn, bạn cũng không cần coi những người bất đồng ý kiến với mình là kẻ thù;
• Nếu có người tỏ ra không hài lòng với kết quả công việc của bạn thì bạn nên hiểu rằng người ta đang góp ý để giúp bạn tiến bộ hơn, chứ không phải đang chống lại bạn;
• Đừng bao giờ tự suy diễn rằng người khác nói “Bạn làm việc chưa ổn” nghĩa là “Con người bạn không ổn”. Càng đừng lo lắng nếu bạn tiếp thu góp ý của người khác thì năng lực của bản thân sẽ thụt lùi.
Kiên nhẫn lắng nghe những lời chê trách
Khi có ai đó lên tiếng phê bình, bạn đừng vội phản bác, thanh minh, chặn họng đối phương hoặc phất áo bỏ đi, cũng đừng tỏ thái độ không quan tâm, hoặc giả bộ ngồi nghe cho có. Đừng vội áp đặt rằng người chê trách bạn có ác ý, có địch ý với bạn hoặc quy chụp họ là người có lòng dạ bất lương rồi nổi giận với họ. Bạn cũng đừng hoảng loạn, vội vàng xin lỗi, hoặc vì bị phê bình mà suy sụp, cảm thấy bản thân không có giá trị. Thay vào đó, hãy bình tĩnh lắng nghe hết những gì đối phương nói, như vậy anh ta sẽ cảm thấy được bạn tôn trọng. Sau đó bạn hãy dùng lời của mình tóm lược ý tứ của đối phương và xác nhận lại với anh ta về nội dung tóm lược đó. Bằng cách này, bạn sẽ tiếp nhận lời phê bình theo ý hiểu của bản thân và dễ dàng tiếp thu chúng hơn.
Tiếp thu lời chê trách một cách thông thái
Nếu người khác chỉ ra đúng lỗi sai của bạn nhưng cách thức phê bình chưa hay, bạn có thể tiếp nhận ý kiến đó và bỏ qua cách thức truyền đạt của họ. Nếu người khác chê trách oan uổng về bạn, trước tiên hãy cảm ơn họ đã góp ý, sau đó mới giải thích rõ cho họ hiểu.
Trong quá trình lắng nghe đối phương, hãy đồng thời phân tích những lời anh ta nói với bạn. Nếu đối phương có ý đồ hay động cơ xấu, vậy thì anh ta càng nói sẽ càng lộ rõ, như vậy sẽ giúp bạn sớm biết được chân tướng để có cách đối phó. Đối với các trường hợp vì ghen ghét và tư thù cá nhân nên đặt điều vu khống, hoặc người chê trách có ác ý muốn bôi nhọ bạn, bạn có quyền lên tiếng phản đối và không cần tiếp thu ý kiến của họ.
9
SỨC MẠNH CỦA LỜI XIN LỖI
Một lời xin lỗi chân thành không những có thể hàn gắn một mối quan hệ rạn nứt mà còn bồi dưỡng thêm tình cảm giữa đôi bên
“Con người nào phải thánh nhân, sao có thể không phạm lỗi?” (Tả truyện14). Trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta làm sai việc gì đó. Có thể vì nóng giận, bạn sẽ nói ra những lời làm tổn thương người khác; vì có chút thành tích nên có thái độ kiêu ngạo không phải lối; vì chuyên môn không vững nên để xảy ra sai sót trong công việc… Đối với những tình huống này, bạn đừng vòng vo chối tội, đừng biện bạch đổ lỗi, đừng viện cớ giảm tội, hãy dũng cảm nhận lỗi với đối phương. Một lời xin lỗi chân thành không những có thể hàn gắn một mối quan hệ rạn nứt mà còn có thể bồi dưỡng thêm tình cảm giữa đôi bên.
14 Tả truyện: Tên đầy đủ là Xuân Thu Tả Thị truyện, là tác phẩm biên niên sử đầu tiên vào thời cổ đại ở Trung Quốc, tương truyền là do quan sử nước Lỗ là Tả Khâu Minh biên soạn vào cuối những năm Xuân Thu. Tả truyện chủ yếu ghi chép những sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao tại các nước thời bấy giờ và những thực tế lịch sử cụ thể, những câu chuyện về thiên đạo, thần minh, dự ngôn và các phương diện đời sống xã hội. Ngoài ra tác giả còn ghi chép những câu danh ngôn mang tính tham khảo và khuyên răn.
Có một số người cho rằng đối với những người thân thiết thì không cần khách sáo, cho dù có làm sai cũng không cần xin lỗi nhau. Kì thực, đây là một suy nghĩ sai lầm. Trong cuộc sống, chỉ vì một sự việc nhỏ, một câu nói, một lần tranh cãi, giằng co cũng có thể khiến bạn bè trở mặt, vợ chồng bất hòa. Không thẳng thắn nhận sai và xin lỗi, hoặc tìm mọi lí do để che đậy lỗi lầm của bản thân chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn giữa đôi bên.
Lời xin lỗi chân thành còn có tác động lớn hơn việc thừa nhận sai lầm. Đó là hành động thể hiện sự thành khẩn với lỗi lầm của bản thân. Nó cho thấy bạn nhận ra lời nói, hành động của mình đã làm sứt mẻ mối quan hệ với đối phương, và bạn xin lỗi nhằm mong muốn vun đắp lại mối quan hệ này. Xin lỗi cũng có thể tránh làm bùng nổ một cuộc tranh cãi không đáng có.
Đây tuyệt đối không phải là một hành động dễ dàng, vì thừa nhận sai lầm là việc khiến người ta cảm thấy xấu hổ, thậm chí là mất thể diện. Tuy nhiên một khi bạn dũng cảm nói lời xin lỗi với người khác, khắc chế tâm lí kiêu ngạo của bản thân, nó sẽ trở thành một chất gắn kết và chữa lành vết thương thần kì.
Để bước đi vững vàng trên đường đời, chúng ta cần phải thành thạo nghệ thuật xin lỗi. Hãy thành thực kiểm điểm xem đã bao nhiêu lần bạn làm tan vỡ một mối quan hệ tốt đẹp hoặc bị trả đũa vì nói ra những lời cay nghiệt. Tiếp theo, bạn thử thống kê xem, đã bao nhiêu lần bạn thẳng thắn và thành thật xin lỗi người khác. Kết quả có làm bạn kinh ngạc không? Và bạn đã sẵn sàng để thay đổi tình trạng này rồi chứ?
Hãy nhớ kĩ, xin lỗi đối phương khi bản thân phạm sai lầm không phải là một việc làm mất mặt, đáng xấu hổ mà là biểu hiện của sự thành thật và trưởng thành. Cho dù là vĩ nhân cũng vẫn phải nói lời xin lỗi. Ấn tượng đầu tiên của Winston Churchill15 về Harry S. Truman16 vô cùng không tốt. Về sau Churchill nói với Truman rằng bản thân ông đã nhất thời hồ đồ mà đánh giá thấp Truman – đây chính là một lời xin lỗi chân thành bên trong một lời khen ngợi.
15 Winston Churchill (1874-1965): Cựu Thủ tướng Anh, người đã dẫn dắt nước Anh đi qua Thế chiến thứ hai.
16 Harry S. Truman (1884-1972): Tổng thống thứ 33 của Mỹ.
Một người bạn làm bác sĩ đã từng kể cho tôi một câu chuyện như sau:
Có một bệnh nhân nam tìm đến phòng khám của ông ấy để khám bệnh. Người này bị đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Cuối cùng, bác sĩ nói với bệnh nhân này rằng: “Trừ khi anh nói thật với tôi về điều bất an trong lòng anh, còn không thì tôi không thể giúp gì cho anh được.”
Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, người bệnh cuối cùng cũng thừa nhận: Anh ta đã che giấu di chúc của người cha với người em trai đang định cư ở nước ngoài, khiến người em không được thừa kế tài sản. Bác sĩ nghe xong, yêu cầu bệnh nhân viết cho em trai một lá thư, xin người em tha thứ kèm theo một tấm séc. Sau đó, bác sĩ đưa bệnh nhân tới bưu điện gửi thư. Gửi xong bức thư, bệnh nhân này khóc và nói với bác sĩ: “Cám ơn ông!” Bác sĩ trả lời: “Tôi tin rằng anh sẽ sớm khỏi bệnh!” Về sau quả nhiên người bệnh kia hồi phục rất nhanh.
Một lời xin lỗi chân thành không những có thể hòa giải mối quan hệ bị rạn nứt mà còn có thể hàn gắn và củng cố mối quan hệ này thêm bền vững. Câu chuyện dưới đây là ví dụ.
Ông Lý là một giáo sư tại một trường đại học nổi tiếng của Bắc Kinh. Một lần lãnh đạo khoa phê bình công tác chuyên môn của giáo sư Lý rất nặng lời, nguyên nhân là do một giáo sư khác đã đơm đặt, bôi nhọ ông với lãnh đạo. Những lời nói xấu kia truyền đến tai giáo sư Lý, ông vẫn một mực im lặng, ngậm bồ hòn làm ngọt.
Về sau, một ngày nọ, giáo sư Lý nhận được một bức thư từ người đồng nghiệp kia, lúc đó người này đã chuyển công tác đi nơi khác. Trong thư, người này viết bản thân đã đánh giá sai về giáo sư Lý, hi vọng giáo sư Lý có thể bỏ qua cho những lời nói không đúng của ông ta. Sau khi đọc bức thư này, mọi cảm giác khó chịu, tức giận trong lòng giáo sư Lý đều nhanh chóng tan biến. Ông viết một bức thư trả lời người đồng nghiệp, nói thật suy nghĩ trong lòng. Kể từ đó, hai người trở lại là bạn tốt.
Nếu bạn cảm thấy khó nói ra câu xin lỗi thì có thể dùng cách khác để biểu thị. Bạn có thể tặng đối phương một bó hoa để ngầm gửi gắm thông điệp “Tôi xin lỗi/Tôi sai rồi”; đặt một món quà nhỏ trên bàn làm việc/dưới gối của đối phương để bày tỏ sự hối lỗi, đồng thời biểu thị ý muốn làm hòa với đối phương. Đôi bên không cần phải trò chuyện, không cần chạm vào nhau cũng có thể truyền đạt thông điệp xin lỗi, cho nên bạn đừng đánh giá thấp những hành động xin lỗi gián tiếp này.
Giả sử bạn cho rằng có người làm chuyện không phải với bạn mà đối phương lại không tìm đến bạn để nói lời xin lỗi.
Khi đó bạn nên bình tĩnh ứng phó, đừng nên bực bội, không vui, càng đừng ôm lửa giận trong lòng. Hãy nhắn nhủ đôi dòng hoặc nhờ người khác truyền lời cho đối phương biết lí do bạn không hài lòng với anh ta, đồng thời nói rõ với anh ta rằng bạn rất mong chuyện không vui này sớm được giải quyết. Nếu bạn có thể giúp đối phương giữ thể diện, anh ta sẽ rất sẵn lòng nhận lỗi với bạn. Nói không chừng trong lòng đối phương cũng đang rất trông đợi bạn cho anh ta một cái cớ để được nói lời xin lỗi, để bản thân anh ta bớt áy náy.
Nếu bạn không làm sai thì cũng không cần giả vờ nhận lỗi để giữ hòa khí chung. Hành vi xin lỗi để “dĩ hòa vi quý” này thực chất rất giả dối, và nó không tốt cho ai cả. Đồng thời, bạn cũng phải phân biệt hết sức rõ ràng sự khác nhau giữa việc “vô cùng áy náy” với “bắt buộc phải xin lỗi”. Ví dụ bạn là lãnh đạo, trong số cấp dưới của bạn có một nhân viên không đủ năng lực làm việc. Bạn bắt buộc phải sa thải người này, bạn sẽ cảm thấy áy náy nhưng bạn không cần đi xin lỗi anh ta, bởi vì bạn không làm sai gì cả, bạn không có lỗi với đối phương.
“Con người nào phải thánh nhân, sao có thể không phạm lỗi?” Chủ động và chân thành xin lỗi khi làm sai sẽ giúp bạn thành thật với bản thân, nhìn nhận đúng về lỗi lầm của mình. Đồng thời nó cũng giúp bạn có được sự cân bằng trong tâm lí, để bạn dành hết tinh lực cho cuộc sống và ngày càng trưởng thành hơn.
10
SẴN SÀNG NHẬN LỖI KHI LÀM SAI
Sự chân thành, thẳng thắn nhận sai và tinh thần trách nhiệm muốn sửa sai của bạn chắc chắn sẽ khiến những người khác thấu hiểu và rộng lượng tha thứ cho bạn
Khi bạn làm sai việc gì đó thì nên dũng cảm thừa nhận sai lầm, đừng kiếm cớ biện bạch cho bản thân hay loanh quanh chối tội. Khi bạn dũng cảm thừa nhận sai lầm, bạn chắc chắn sẽ được tha thứ.
Một nhà máy sản xuất tivi ở Trung Quốc nhận được thư góp ý của một khách hàng. Người này viết: “Tôi đang xem tivi, bỗng nhiên màn hình xuất hiện một làn khói trắng, sau đó thì tắt ngóm.” Sau khi kiểm tra, nhân viên kĩ thuật của nhà máy phát hiện lỗi này là do tụ lọc (capacitor filtering) nhập khẩu gây ra. Người phụ trách kĩ thuật của nhà máy tính toán: Mỗi năm nhà máy bán ra tổng cộng 80.000 chiếc tivi, trong đó chỉ có 40 chiếc xảy ra lỗi. Tỉ lệ phải sửa chữa, đổi mới chưa tới 0,05%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn mà nhà nước quy định, cho nên việc này có thể bỏ qua.
Tuy nhiên, giám đốc nhà máy lại cho rằng tỉ lệ “0,05%” là cách tính đối với nhà máy, còn cách tính đối với người tiêu dùng sẽ là “một vạn phần vạn”. Vì thế giám đốc quyết định thay thế tụ lọc cho 80.000 chiếc tivi đã được bán ra trong năm đó. Nhưng 80.000 chiếc tivi này đã được vận chuyển đến 28 tỉnh thành và khu tự trị khắp cả Trung Quốc, cho nên việc đổi tụ lọc không phải là việc dễ dàng. Một số lãnh đạo của nhà máy đề xuất ý kiến chỉ đổi tụ lọc cho khách hàng nào mang tivi đến nhà máy, nhưng giám đốc không đồng ý. Ông cho lập 126 điểm sửa chữa trên toàn Trung Quốc và cho thông báo tin tức này trên báo đài địa phương: Khách hàng mua tivi của công ty nếu đem sản phẩm đến các điểm sửa chữa nói trên sẽ được thay thế tụ lọc miễn phí.
Kết thúc đợt thu gom, thay thế tụ lọc này, nhà máy đã tiêu tốn khoảng một triệu Nhân dân tệ. Tuy nhà máy phải chịu thiệt hại về kinh tế nhưng lại giành được lòng tin của người tiêu dùng, cho nên thương hiệu của họ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên thấy những ví dụ tương tự như vậy. Khi bạn làm sai chuyện gì, hãy thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm của mình. Muốn làm tốt điều này, bạn cần biết đến: Nghệ thuật thừa nhận sai lầm.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn đọc thành thục Nghệ thuật thừa nhận sai lầm:
Lựa chọn thời điểm
Đây là yếu tố quan trọng nhất thể hiện sự thành tâm nhận lỗi của bạn. Nếu bạn nhận ra bản thân đã làm sai điều gì đó, hãy lập tức xin lỗi những người có liên quan. Hãy chọn lúc tâm tình đối phương đang vui vẻ hoặc thư thái, hiệu quả của việc nhận lỗi sẽ cao hơn. Nhưng nếu hôm nay bạn làm sai, cách mấy ngày sau bạn mới tìm đến đối phương để xin lỗi thì sẽ phản tác dụng. Khi đó đối phương sẽ nghi ngờ sự chân thành của bạn, cho rằng bạn không thực sự nhận thức được lỗi sai của mình.
Nhận lỗi một cách đường hoàng, chân thành, thẳng thắn
Bản thân việc nhận lỗi chính là hành động biểu lộ sự chân thành, biết nhận sai của bạn. Đây là việc làm đáng được trân trọng và tôn trọng. Vì vậy, khi phải nhận sai và xin lỗi, bạn không cần và không nên có thái độ khúm núm. Hãy nhìn thẳng vào đối phương, thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình, biểu thị sự áy náy và quyết tâm sửa đổi hoặc khắc phục hậu quả. Có như vậy lời xin lỗi của bạn mới đủ chân thành.
Dám chịu trách nhiệm cho sai lầm mình gây ra
Chuyện đã xảy ra rồi, bạn không cần che giấu lỗi sai nữa. Dũng cảm nhận lấy trách nhiệm về mình mới là cách tốt nhất để nhận được sự lượng thứ của mọi người. Trốn tránh trách nhiệm mà không nhận lỗi sẽ càng khiến những người xung quanh mất thiện cảm với bạn. Và ngoài việc lên tiếng xin lỗi thì hành động sửa lỗi lại càng quan trọng hơn.
Một công ty nọ thường gửi tài liệu cho nhân viên trước khi cuộc họp diễn ra vài ngày. Nhưng một lần, tài liệu gửi đi bị thiếu một phần nội dung. Lỗi này là do nhân viên mới đã lơ là khi phô-tô tài liệu. Cho dù việc phô-tô thiếu tài liệu này chưa gây ảnh hưởng tới cuộc họp, nhưng nhân viên mới kia đã lập tức bị cấp trên phê bình gay gắt.
Sau khi bị phê bình, nhân viên mới đã nói với cấp trên: “Xin sếp cho em mượn lại tài liệu cuộc họp ạ”, biểu thị rằng anh ta sẽ nhanh chóng phô-tô lại và gửi tới mọi người bản tài liệu đầy đủ. Nhân viên này không chỉ nhận lỗi mà còn muốn lập tức sửa chữa sai lầm của mình, khiến cấp trên cảm nhận được sự thành khẩn và tinh thần trách nhiệm của anh ta. Cách xử lí của anh ta đã để lại ấn tượng tốt với cấp trên, cho nên có thể nói anh ta đã làm tốt việc nhận sai và sửa sai.
Làm sai là việc cực chẳng đã, nếu có thể thì phải hết sức tránh gây ra lỗi sai. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cẩn thận trong mỗi việc mình làm, không được có thái độ qua loa, tắc trách. Và khi mắc phải sai lầm, hãy sẵn sàng nhận lỗi và bày tỏ mong muốn được sửa sai. Sự chân thành, thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm của bạn chắc chắn sẽ khiến những người khác thấu hiểu và rộng lượng tha thứ cho bạn.