T
ới khoảng 6 giờ tối thì tất cả bánh kết đều biến mất. Giống như mọi ngày thứ Tư, ngày tập luyện, và thứ Bảy, ngày thi đấu, khác, Karima đã chuẩn bị hàng trăm chiếc. Nhưng bây giờ thì chẳng còn chút dấu vết nào của chúng. Những cầu thủ tí hon, đói khát và thèm thuồng, buộc phải trở lại các sân bóng của Stade Léo-Lagrange trong tâm trạng chán nản và cái bụng đói meo. Chẳng có đĩa bánh nóng nghi ngút khói nào, và cũng chẳng có cơ hội để vẽ những bộ ria mép bằng Nutella trên mặt. Khá lắm thì chúng cũng chỉ mua được một thứ đồ uống gì đó và vài cái kẹo. Nhưng tất nhiên là không bù đắp nổi. Đứng bên quầy bán đồ ăn nhanh, Athmane Airouche vừa cười vừa nhấp một ngụm cà phê do Karima pha. Gì chứ, cà phê thì không thiếu. Ông đáp lễ những cậu bé muốn chào và bắt tay với mình trước khi đi vào phòng thay đồ. Sau đó ông đi kiểm tra công việc của huấn luyện viên lứa U-11.
Kể từ tháng 6/2017, Airouche là chủ tịch của AS Bondy, sau khi đã kinh qua cả vị trí cầu thủ lẫn huấn luyện viên lứa U-19, một “độ tuổi nổi loạn” như thừa nhận của ông. Quay lưng về phía bức tường trên có những dòng chữ theo phong cách graffiti màu xanh ghi tên câu lạc bộ và từ “bóng đá”, ông cập nhật cho tôi thêm một số thông tin mới:
“Chúng tôi có 800 thành viên, thuộc đủ lứa tuổi, bắt đầu từ U-7. Có 140 trong đó là nữ, gần gấp đôi con số của mùa trước. Liệu đó có phải là do hiệu ứng Kylian?
Có vẻ như là thế. Và thật tiếc là chúng tôi đã phải từ chối rất nhiều cậu bé. Chúng tôi không có đủ cơ sở vật chất hay khả năng tài chính để tiếp nhận các em. Ở tổ hợp này có hai sân bóng đá - một cỏ nhân tạo, một cỏ tự nhiên - và một sân futsal trong nhà. Sân Stade Robert-Gazzi thì nằm ở phía bên kia của Bondy. Câu lạc bộ chúng tôi cơ bản chuyên về đào tạo, nên chúng tôi biết cần phải làm gì với các cậu bé và những thanh niên trẻ. Đó cũng là nhiệm vụ chính của chúng tôi. Chúng tôi chưa từng nghĩ là sẽ lấn sân sang cái gì khác. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh là trong số các cầu thủ mà chúng tôi đào tạo, có 30 người đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Mùa trước, bốn trong số các học viên của chúng tôi đã được nhận vào PSG, Bordeaux và Monaco.
Chúng tôi theo đuổi mô hình câu lạc bộ gia đình, và rất đề cao vai trò xã hội của mình. Chúng tôi không tuyển học viên dựa trên trình độ kỹ thuật hay các kỹ năng. Chúng tôi nhận các em vào học, đơn giản chỉ vì chúng tôi muốn các em có cơ hội tiếp cận với thể thao, chơi thể thao và tìm thấy niềm vui trong đó. Chúng tôi không quan tâm các em tới từ Bắc Bondy hay Nam Bondy, từ các gia đình trung lưu hay các gia đình thuộc tầng lớp lao động. Từ khoảnh khắc các em bước qua cánh cổng sân vận động, trong mắt chúng tôi, tất cả các em đều là những cầu thủ măng non đang chờ đâm chồi nảy lộc. Chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc học hành của các em, thường xuyên gặp gỡ các giáo viên cũng như gia đình của các em. Chúng tôi cố gắng truyền cho các em những giá trị như là giáo dục, thái độ tôn trọng người khác và các nguyên tắc, điều mà tôi nghĩ là chúng tôi đã làm nghiêm túc và làm tốt. Ngoài ra chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học. Không phải ai cũng có cơ hội trở thành một ngôi sao bóng đá. Nhưng đáng buồn là đôi khi chính các gia đình lại là những người gây áp lực. Họ bị ám ảnh bởi suy nghĩ con họ đã là một cầu thủ bóng đá. Một ngày nọ, tôi có một cuộc thảo luận rất dài với một ông bố. Cuối cùng, tôi hỏi ông ta: Thế nếu con ông trở thành luật sư thì ông không thấy hạnh phúc à?”
Thế còn Kylian Mbappé thì thế nào?
“Chúng tôi thường xuyên nói về cậu ấy. Bởi một cầu thủ với chất lượng như thế chỉ xuất hiện một lần trong 30 hay 40 năm ở một câu lạc bộ như chúng tôi. Chúng tôi lấy cậu ấy làm tấm gương cho những đứa trẻ khác; chúng tôi muốn lũ trẻ nhìn vào thái độ cả trong lẫn ngoài sân của Kylian và học hỏi. Mọi người ở đây ai cũng tự hào về Kylian. Tại sao ư? Vì cậu bé được sinh ra ở đây, và đã gắn bó với nơi này trong suốt 9 năm trời.”
Karima ngắt lời vị chủ tịch. Ai đó đang tìm ông. Ông đi vài phút rồi quay lại, tiếp tục câu chuyện còn dang dở.
“Cậu ta sống ở kia,” Airouche vừa nói vừa vẫy tay minh họa, ý nói những tòa nhà màu trắng trên đường Allée des Lilas ở phía bên kia của các bức tường sân vận động. “Còn đây chính là nhà trẻ của cậu ta,” ông chủ tịch nói thêm. “Ngày nào cậu ta cũng ở đây. Cậu bé đi cùng bố, người đảm nhiệm cương vị giám đốc kỹ thuật cho các lứa từ U-11 tới U-17. Lúc đó Kylian chắc chỉ tầm 3 hay 4 tuổi gì đó. Cậu bé chính là vật khước của câu lạc bộ. Nếu ở đây, bạn sẽ thường xuyên thấy cậu bé đi vào phòng thay đồ cùng một trái bóng, rồi ngồi lặng lẽ ở một góc, lắng nghe huấn luyện viên đưa ra những chỉ đạo cuối cùng trước một trận đấu. Tôi không nghĩ là có một đứa trẻ nào khác trên thế giới lại nghe được nhiều cuộc nói chuyện như Kylian. Ngay cả người lớn cũng không có mấy ai nghe được nhiều cuộc thảo luận kỹ thuật, chiến thuật, những lời trách móc và những bài giảng đến thế. Kylian lúc nào cũng giống như một miếng bọt biển, có khả năng học hỏi rất nhanh, nên ngay từ khi còn bé cậu đã lĩnh hội được những khái niệm bóng đá mà người khác phải nhiều năm sau mới được nghe và có thể hiểu.”
Ngay từ khi mới 3 hay 4 tuổi, Kylian đã muốn học bóng đá ở AS Bondy. Cậu bé muốn được chơi bóng với các anh lớn và thường mè nheo bố vì điều đó. Nhưng Wilfrid cho rằng vẫn còn quá sớm, và e ngại, trên tư cách là một huấn luyện viên, ông sẽ không thể dạy bóng đá cho con trai mình một cách chỉn chu bởi mối quan hệ quá thân mật giữa hai cha con. Thế nên ở thời điểm đó, thiên tài tương lai của nước Pháp đành phải tạm hài lòng với những trò đá qua đá lại trái bóng trên sân mini cạnh trường Maternelle Pasteur, nơi cậu được mẹ Fayza đưa tới vào mỗi buổi sáng. Thi thoảng, cậu cũng có cơ hội khiến cho những người lớn ở nơi bố cậu làm việc phải ồ lên ngạc nhiên.
“Tôi đào tạo các thủ môn bởi vì tôi cũng từng là một thủ môn, trong khi Wilfrid thì tập trung vào các tiền đạo. Chúng tôi gom các cầu thủ lứa U-17, U-19 và các cầu thủ lớn tuổi hơn vào một nhóm,” Fanfan, tên đầy đủ là Jean-François Suner, nhớ lại. Ông vừa mới tới sân để theo dõi buổi tập của đội. “Một lần, khi chúng tôi đang bước vào bài tập cuối - bài tập trước khung thành - thì Kylian, lúc đó mới 5 tuổi, quyết định mình cũng muốn tập. Cậu bé hét lên: ‘Con muốn chơi! Con muốn chơi!’ Wilfrid lập tức ngăn lại: ‘Thôi đi nào Kylian! Con biết là con không thể mà.’ Sau một lúc như thế, tôi nói với Wilfrid: ‘Kệ đi, Wil. Cho thằng nhóc chơi thử xem sao.’ Rồi Kylian cũng có cơ hội tham gia vào bài tập. Nên nhớ là lúc đó cậu ta chỉ mới có 5 tuổi thôi! Cậu ta bắt đầu thực hiện các động tác với bóng và tất cả chúng tôi đều cười ồ lên. Tất nhiên, cậu bé vẫn còn rất chậm. Nhưng cậu ta quả thực sở hữu tài năng đặc biệt.
Cách cậu ta sút bóng rất đáng ngạc nhiên. Ngay cả các thủ môn cũng không tin vào mắt mình. Họ hỏi nhau: ‘Thằng bé này là con nhà ai vậy?’ Còn tôi thì cứ lẩm bẩm một mình: ‘Oulala, Oulala’.”
Sau này, mọi người sẽ còn nhắc lại kỷ niệm này rất nhiều lần nữa. Về phần Kylian, khi lên 6 tuổi, cậu bé cuối cùng cũng được nhận vào học ở AS Bondy. Huấn luyện viên đầu tiên của cậu không ai khác chính là bố, một người mà theo nhận xét của Airouche là: “rộng lượng, chăm chỉ và công bằng. Giống như Fayza, vợ của anh ấy. Đối với tôi thì họ đúng là trời sinh một cặp. Một điều đáng trân trọng nữa ở họ là tất cả những gì tốt đẹp mà họ làm cho con cái của mình, họ đều làm với những đứa trẻ khác. Họ không bao giờ phân biệt đối xử hay ưu ái cho con mình hơn. Ví dụ, Fayza thường nói với tôi rằng: ‘Nếu tôi mà mua được nhà, tôi muốn có thêm một sân bóng lớn nữa để bọn trẻ trong câu lạc bộ có thể tới và chơi bóng đá.’ Lúc này, dù họ đã chuyển tới Paris, chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên. Mỗi lần chúng tôi nói chuyện, họ lại nói đi nói lại một câu, cả trăm lần: ‘Athmane, nếu anh cần bất kỳ điều gì cho câu lạc bộ, anh biết rằng chúng tôi luôn ở đây nhé.’ Họ hào phóng một cách... bất thường. Và đừng quên rằng tất cả các cầu thủ bé ở câu lạc bộ đều được sử dụng đồ của Nike, nhờ công của Kylian.”
Thế Wilfrid đã làm huấn luyện viên của chính con mình như thế nào?
“Không có chút gì gọi là ưu ái cả. Wil không ngần ngại bắt Kylian phải bò trên sân nếu điều đó tốt cho cậu bé. Anh ấy cũng nhanh chóng cho cậu bé thấy rằng mình sẽ không nhận được bất kỳ sự thiên vị nào từ bố. Anh ấy rất cứng rắn, nhưng đấy là phương pháp mà anh ấy áp dụng cho tất cả những đứa trẻ ở đây, không phải với riêng con mình. Bạn có cảm giác anh ấy là một huấn luyện viên thực thụ, là người hạnh phúc khi được trở thành một phần của câu lạc bộ,” bố của một trong những cậu bé từng chơi bóng cùng Kylian nói. Vậy còn số 29 tương lai của PSG?
“Cậu bé cũng giống những đứa trẻ yêu bóng đá và muốn trở thành cầu thủ khác, chỉ khác là cậu bé sở hữu những phẩm chất mà những cậu bé còn lại không có,” Airouche nhận định.
“Cậu bé làm được những điều khó hơn so với các bạn khác, một cách thuần thục hơn và ở tốc độ cao hơn. Và cậu bé có thể làm những điều đó trong hết trận này qua trận khác. Tôi phải nói là cậu bé giỏi hơn các bé khác 10, 20, thậm chí 100 lần. Thực sự là rất đặc biệt.”
Antonio Riccardi, người đã có 12 năm gắn bó với AS Bondy, ban đầu là trong vai trò cầu thủ, còn hiện tại là trong vai trò huấn luyện viên trưởng của đội U-15, là người rõ hơn ai hết. Anh vừa kết thúc một buổi tập. Trong một căn phòng nhỏ nằm trong phòng thay đồ, nơi bọn trẻ không ngừng đi ra đi vào, anh nhớ lại những ngày đầu huấn luyện Kylian. “Tôi biết Kylian lúc cậu ấy vẫn còn là một em bé bởi vì Wilfrid giống như một người cha thứ hai của tôi. Ông ấy là người đã dìu dắt tôi cả khi là cầu thủ cũng như khi đã trở thành huấn luyện viên. Tôi lưu giữ nhiều ấn tượng về Kylian. Chẳng hạn như cảnh cậu bé đặt tay lên ngực khi hát quốc ca dù mới chỉ 4 tuổi. Hay khi cậu ấy, 6 hay 7 tuổi gì đó, nói với tôi rằng một ngày nào đó cậu ấy sẽ chơi cho đội tuyển quốc gia ở World Cup.”
“Anh ấy không nói quá đâu. Cậu ấy đã nói rất nhiều về điều đó từ khi còn rất bé,” một đồng đội cũ khác xác nhận. “Cậu ấy muốn giành Ballon d’Or, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và chơi cho Real. Tôi thường phải bảo cậu ta im miệng đi!”
“Tất cả những gì anh có thể làm là cười, khi cậu ấy vạch kế hoạch, một cách rất nghiêm túc, cho tương lai của mình. Đầu tiên là Clairefontaine, rồi Rennes, theo lộ trình của anh Jirés Kembo, rồi đội tuyển quốc gia Pháp, và sau đó là Madrid. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng cậu ấy đã để trí tưởng tượng đi quá xa,” Riccardi nói. Nhưng, trên sân, cậu bé tới từ Allée des Lilas nhanh chóng chứng tỏ mình không phải là một kẻ mơ mộng hay ảo tưởng.
Fanfan kể lại: “Tôi huấn luyện cậu ấy trong thời gian khoảng một năm, khi cậu ấy đang nhảy cóc qua một lứa tuổi để chơi cho đội U-10. Trong các buổi tập, cậu ấy nhanh chóng thể hiện khả năng kỹ thuật bẩm sinh. Chúng tôi đều tin rằng nếu không gặp vấn đề liên quan tới thể chất, cậu ấy có thể trở thành một cầu thủ hàng đầu. Cậu ấy chỉ tập với đội U-7 có bốn tháng, rồi sau đó luôn luôn chơi vượt độ tuổi với những cầu thủ sinh năm 1997, thậm chí 1996. Vì Kylian sinh vào cuối năm, nên thực tế là cậu ấy luôn phải chơi bóng với những đối thủ lớn hơn mình tới 3 tuổi.”
“Nhưng bất chấp điều đó, cậu ấy vẫn luôn là người giỏi nhất trên sân,” ông Riccardi bổ sung. “Cậu ấy là người tạo ra sự khác biệt. Từ nhỏ, Kylian đã chơi như bây giờ đang chơi. Cậu ấy nhanh, thực sự rất nhanh, luôn biết cách thoát khỏi người kèm để có thể nhận bóng từ các đồng đội. Phẩm chất tốt nhất của cậu ấy ư? Đó là tốc độ với bóng. Cậu ấy sở hữu những khả năng thiên bẩm.”
“Cậu ấy là một chuyên gia rê dắt bẩm sinh. Kylian thuộc nhóm những cầu thủ mà khả năng rê dắt đã có sẵn trong máu, như Messi, Neymar hay Dembélé. Một điều quan trọng khác là Kylian trưởng thành rất sớm. Cậu ấy không bao giờ tự gây áp lực với bản thân mình. Khi tôi xem Kylian chơi bóng chuyên nghiệp, tôi tự nhủ rằng đó vẫn là cậu bé mà chúng tôi biết,” Suner nhận xét.
Riccardi thì thú nhận: “Trong vai trò huấn luyện viên, chúng tôi chỉ có thể cho cậu ấy lời khuyên về việc đưa ra các quyết định trên sân. Ví dụ như khi nào thì cần sút bóng sớm hơn, khi nào thì cần chuyền bóng, hay khi nào thì cần rê qua thêm một đối thủ nữa. Ngoài ra, chúng tôi chẳng biết phải dạy cậu ấy điều gì nữa. Kỹ thuật của cậu ấy là ngoại hạng, và thường chúng tôi cũng không cần phải nhắc lại bất kỳ một điều gì tới lần thứ hai. Bởi cậu ấy luôn hiểu ngay những gì mà huấn luyện viên đang yêu cầu.”
Bên ngoài phòng thay đồ, trời lạnh như cắt. Trời tối thui. Tối tới mức không nhìn ra được khán đài và dòng chữ “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” (một khẩu hiệu như để dành riêng cho Kylian) được viết theo phong cách graffiti trên tường bao ở phía đối diện. Đèn cao áp chỉ làm sáng được một góc nhỏ trên sân, nơi các cô bé, cậu bé đang miệt mài với các bài tập chuyền bóng hoặc sút bóng về khung thành. Trong không khí ấm áp của phòng thay đồ, những ký ức, những giai thoại về cựu cầu thủ của AS Bondy cứ thế không ngừng tuôn ra.
“Thần tượng của cậu ấy là Cristiano Ronaldo. Cậu ấy dán đầy ảnh của ngôi sao người Bồ Đào Nha trong phòng mình. Kylian bắt đầu thích Ronaldo từ khi anh ta còn chơi cho Manchester United và sau đó là Real Madrid. Cậu ấy mê mẩn những pha rê dắt của Ronaldo và khi ra sân, thường cố thực hiện lại những pha xử lý của Ronaldo mà cậu ấy thấy trên truyền hình,” Riccardi nhớ lại. Nhưng cầu thủ từng giành 5 Ballon d’Or không phải là ngôi sao duy nhất mà Kylian ngưỡng mộ. Cậu còn thích cả Ronaldinho và Zidane nữa. Những người bạn thuở nhỏ của cậu tới giờ vẫn còn trêu chọc cậu vụ đến một tiệm cắt tóc và yêu cầu, với tất cả sự nghiêm túc, có được một kiểu đầu theo phong cách Zizou. Những người thợ cắt tóc há hốc mồm nhìn Kylian như thể cậu bị điên (Zidane bị hói và sau đó để đầu trọc - N.D). Nhiều năm sau, Kylian mới có cơ hội để giải thích: “Khi bạn thích một cầu thủ nào đó, bạn luôn muốn làm tất cả mọi việc giống như người ấy. Lúc ấy, tôi đâu có biết Zidane bị hói!”
Mamadou Yate, điều phối viên kỹ thuật cho các lứa từ U-10 tới U-17, có một ca huấn luyện vào tối muộn. Nhưng ông vẫn ưu ái dành cho những vị khách chút thời gian chuyện trò. “Lần đầu tôi nghe về Kylian là từ bố của cậu ấy. Trong vai trò một huấn luyện viên, ông ấy thường đi tới các trường học để giúp các cậu bé làm quen với bóng đá. Ông ấy cũng huấn luyện nhiều bạn bè của tôi. Tôi đã được nghe nói nhiều lần rằng Kylian rất giỏi, sở hữu nhiều kỹ năng tuyệt vời. Nhưng khi gặp cậu ấy lần đầu tiên, tôi vẫn ngạc nhiên vô cùng. Đó là vào năm 2005, tôi đang huấn luyện một đội bóng cùng độ tuổi ở câu lạc bộ hàng xóm, Stade de l’Est. Chúng tôi đá một trận derby với Bondy. Tới cuối hiệp 1, tỉ số vẫn là 0-0, và mọi thứ đều rất ổn với chúng tôi. Nhưng tỉ số chung cuộc lại khác hẳn. Chúng tôi thua 5-1, tôi nhớ mang mang như thế. Kylian phải ghi được ít nhất là 3 bàn. Ba bàn thắng khó tin. Cậu ấy có thể làm được những việc mà chỉ những cầu thủ trưởng thành mới có thể làm. Cậu ấy có thể đọc được trận đấu trước tất cả mọi người. Khi cậu ấy có bóng, cầu thủ của tôi chỉ có thể đứng lại mà nhìn. Chúng sợ bị cậu ta rê qua, bị làm bẽ mặt.”
Trên sân, Kylian là một hiện tượng. Ở trường, không hẳn. Sau khi rời trường mẫu giáo Pasteur, Kylian Mbappé xin học ở École Primaire Olympe de Gouges. Hiệu trưởng của trường, Yannick Saint-Aubert, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho L’Équipe tiết lộ là mỗi đêm, Fayza đều xin gặp ông và Marc, giáo viên của Kylian, để nắm được tình hình ở trường trong ngày hôm đó của cậu con trai. Cậu bé cư xử thế nào, có làm đủ các bài tập không, và điểm số ra sao. “Kylian biết rằng nếu cậu bị điểm kém, Fayza và Wilfrid sẽ không dễ dàng bỏ qua. Nhưng cậu bé cũng đủ thông minh để biết rằng khi nào thì mình cần phải tỏ ra chịu khuất phục.” Cả bố lẫn mẹ của Kylian đều theo dõi rất sát sao quá trình học hành và lớn lên của cậu con trai đầu lòng. Họ đăng ký cho cậu vào các lớp học tennis, học bơi và vào trung tâm âm nhạc, nơi cậu được học chơi sáo. Và để chắc chắn là cậu không rơi vào một môi trường xấu, cuối cùng họ đã xin cho cậu vào học ở Groupe Scolaire Assomption, một trường tư cho người theo đạo Thiên chúa. Ngay cả khi Kylian đã học ở đó, họ vẫn theo cậu rất sát. Trong trí nhớ của Nicole Lefèvre, giáo viên tiếng Pháp của Kylian, thì cậu là học sinh duy nhất thuộc khối tám8 tuổi còn cần tới sổ theo dõi. Mỗi giờ, cậu lại phải đưa quyển sổ ấy cho các giáo viên để họ ký xác nhận. Các giáo viên cũng được yêu cầu đưa ra những đánh giá về hành xử của Kylian: tốt, không tốt, hoặc rất tệ.
Thông minh, hoạt bát, nghịch ngợm, mơ mộng, tốt bụng, tăng động, ương bướng, khó quản lý. Đó là những từ mà một số giáo viên của Kylian đã dùng để nhận xét về cậu. Vấn đề không phải là môn tiếng Pháp, địa lý hay toán. Kết quả học tập của Kylian thường là chấp nhận được. Vấn đề nằm ở cách cư xử của Kylian, và những trò đùa của cậu. Kylian là một cậu bé không thể ngồi yên một chỗ trên ghế và nghe lời thầy cô giảng. Chỉ một lúc là cậu sẽ thấy chán. Nhịp điệu chầm chậm ở trường không hợp với cậu. Hoặc cũng có thể đơn giản là, như giải thích của François Suner: “Trường học không phải là ưu tiên của cậu ta. Kylian chỉ có duy nhất một mục tiêu trong đầu, đó là trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.”
Riccardi đồng ý: “Cậu ấy yêu bóng đá, lúc nào cũng nghĩ và nói về bóng đá, ngay cả khi cậu ấy không thể tới sân. Cậu ấy có thể chơi bóng ngay trong phòng khách, hoặc chơi game bóng đá FIFA trên máy PlayStation. Nếu trên ti vi mà có chiếu một trận bóng thì bạn có thể chắc chắn là cậu ấy sẽ không bỏ lỡ. Trên tất cả, cậu ấy lớn trong một gia đình yêu bóng đá. Bố và chú đều chơi bóng ở những trình độ nhất định.”
Tài năng, tình yêu, sự quyết tâm và gốc gác gia đình, đó chính là những thành phần chính trong món cocktail đã biến Kylian thành một tiểu thiên tài rất được các huấn luyện viên và đồng đội yêu mến. “Cả các cầu thủ của chúng tôi lẫn đối thủ, không ai là không bị ấn tượng,” Théo Suner, người đã chơi cùng Kylian trong hầu hết mọi độ tuổi ở AS Bondy và hiện đang là thủ môn của đội U-19 tại giải D1, nhớ lại. “Cậu ấy có thể loại bỏ vài cầu thủ của đối phương chỉ trong một pha bóng. Tôi vẫn nhớ một giải đấu cho độ tuổi U-11 ở Tremblay. Đó là giải đấu mà Kylian đã gây được ấn tượng cực mạnh. Ở giải đó, chúng tôi đã tiến được rất xa dù trong số các đội tham dự có cả những ông lớn như FC Porto hay Feyenoord Rotterdam. Kylian chính là đầu tàu, kéo cả đội lên phía trước. Tôi đã chơi cùng rất nhiều người, sau đó đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng tôi chưa từng chứng kiến điều tương tự. Không có ai có thể tiến gần tới trình độ của Kylian. Cậu ấy có thể rê bóng qua cả đội đối thủ, rồi ghi bàn hoặc kiến tạo.”
“Khi chơi cho đội U-13, cậu ấy có thể ghi được tới 50 bàn mỗi mùa. Chúng tôi thậm chí chả thèm đếm các bàn thắng nữa. Trong một trận đấu, việc cậu ấy ghi ba bàn rồi có hai pha kiến tạo là điều bình thường. Tôi nhớ là Kylian luôn chơi ở bên cánh trái. Ở cánh phải đã có Jonathan Ikoné, lúc này đang được Montpellier cho PSG mượn. Kylian và Ikoné rất hiểu nhau, cả trong lẫn ngoài sân bóng. Cơ bản vì Kylian rất hòa đồng, vui vẻ, lúc nào cũng cười. Cậu ấy không bao giờ có mâu thuẫn với các đồng đội, hay với tôi. Kylian là người dẫn dắt, nhưng không phải theo kiểu một đội trưởng lúc nào cũng hò hét, quát tháo các đồng đội, mà dẫn dắt bằng hành động, bằng những thể hiện trên sân.”
Ngoài hai cái tên đã được đề cập ở trên, thế hệ 1998-99 của AS Bondy còn có Joé Kobo (hiện đang khoác áo Caen) và Metehan Güclü (PSG). Không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng Kylian vẫn là ngôi sao của đội. “Tôi nhớ một trận đấu thuộc giải trẻ mà chúng tôi phải thắng để trụ hạng. Chúng tôi dẫn trước 2-0, nhưng rồi đối thủ gỡ lại được 1 bàn. Một trong các đồng đội nói với Kylian rằng anh ta sợ là đối phương sẽ sớm gỡ hòa. Đáp lại, Kylian bảo anh ta cứ bình tĩnh chờ đợi, trong vài phút nữa, anh chắc chắn sẽ ghi bàn. Và rồi chuyện xảy ra đúng như thế. Kylian nhận bóng từ sân nhà, rê qua hết các cầu thủ trước khi đánh lừa nốt thủ môn của đối phương, rồi đưa bóng vào lưới với một cú sục mũi chân theo kiểu Messi. Bố của Kylian hôm đó ngồi trong khu kỹ thuật với tôi. Trước khi Kylian ghi bàn, ông ấy nói là chỉ muốn ‘xử lý’ thằng con vì cái tội chơi dưới phong độ. Khi bóng vừa lăn vào lưới, tôi quay sang ông ấy, nói như máy: Đừng làm thế, đến chúc mừng thằng bé đi!”
Những ký ức vẫn tiếp tục ùa về. François Suner nhắc lại một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong màu áo xanh-trắng của cậu bé đáng yêu, người được vinh dự trao chiếc áo số 10. “Chúng tôi có một trận đấu quan trọng với Bobigny. Sau hiệp 1, tỉ số vẫn là 0-0, nhưng chúng tôi đã thể hiện rất tệ. Lối chơi quen thuộc của chúng tôi - kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận bằng các đường chuyền - hôm đó không phát huy hiệu quả. Trong giờ nghỉ, tôi đi vào phòng thay đồ và xin huấn luyện viên cho nói đôi lời. Tôi nói với các cầu thủ: ‘Nghe này các cháu, hôm nay chúng ta không thể để bị bẽ mặt được. Nên trong hiệp 2, các cháu cứ tìm cách chuyền bóng thật nhanh cho Kylian. Đơn giản thế thôi.’ Chúng tôi kết thúc trận đấu với thắng lợi 4-0, và Kylian là người ghi tất cả các bàn thắng.”
Câu hỏi cuối cùng: Kylian có thích món bánh kếp với Nutella không? “Rất tiếc là khi cậu ấy chơi bóng ở đây, quầy ăn vặt còn chưa có,” Airouche trả lời. “Nhưng bây giờ, bất cứ khi nào cậu ấy về thăm đội, cậu ấy đều có thể bù đắp cho những thiệt thòi trước đây của mình.”