Việc đánh giá nhân sự dưới hình thức một trò chơi được diễn ra tại một sự kiện trong một công ty lớn. Tôi là một trong những người có nhiệm vụ quan sát. Mục đích: xác định những nhà quản lý tiềm năng. Người tham gia − những chuyên gia trẻ tuổi − họ thực hiện các quy tắc do người điều hành đề xuất, thông qua nó những người quan sát sẽ giám sát năng lực quản lý.
Cuối trò chơi, mỗi người tham gia đều được hỏi một câu hỏi:
- Bạn hài lòng về kết quả hay còn có thể làm điều gì đó tốt hơn?
- Tôi hài lòng với tất cả. Mọi thứ đều tốt.
Và tôi sẽ dựa trên những quy tắc đánh giá và ghi chú vào sổ tay của mình: “Không quan trọng kết quả. Không có bất kỳ cải tiến, cải thiện nào”.
- Tôi không hài lòng − những câu trả lời như vậy cũng được chấp nhận.
Khi đó tôi sẽ đặt thêm một câu hỏi:
- Lý do là gì? Điều gì gây cản trở và ảnh hưởng? Nếu được, bạn muốn thay đổi điều gì?
Tôi lắng nghe câu trả lời và trong tay cầm sẵn một chiếc bút mực nước để đánh dấu theo đánh giá sau:
1) Nhận trách nhiệm về mình trước kết quả cuối cùng;
2) Quy trách nhiệm sang người khác;
3) Đổ lỗi và quy trách nhiệm sang hoàn cảnh.
Phòng nhân sự sẽ chỉ tiếp nhận những người quan tâm và biết đánh giá kết quả đạt được, đưa ra được hướng cải thiện, và đặc biệt tôi phải nhấn mạnh, là người nhận trách nhiệm về mình trước kết quả cuối cùng.
Bạn có bao giờ tưởng tượng được không? Một cậu bé 14 tuổi tự mình kiếm tiền tiêu vặt! Tự mình tổ chức những buổi gặp mặt, tụ tập với bạn bè có chung sở thích!
Năng lực này ở tôi lại rất phát triển. Tôi nhận trách nhiệm về mình. Nếu con trai tôi không được nhận vào phòng nhân sự, tôi sẽ không đổ lỗi cho người quan sát, nhân viên phòng nhân sự, giám đốc, thời tiết xấu, điều kiện chiếu sáng tồi tệ, tình huống trong trò chơi không khả quan hay đồng nghiệp thiếu tích cực, thiếu sự ăn ý. Kết luận của tôi sẽ khác: Điều đó có nghĩa là tôi chưa dạy được con trai biết nhận trách nhiệm về mình, chưa dạy được con trai phải quan tâm và biết đánh giá kết quả đạt được, đồng thời đưa ra được hướng cải thiện.
Giáo dục một cậu con trai quả là không dễ dàng gì…
Hoặc ngược lại − rất dễ dàng. Để làm được, đơn giản thôi, hãy nói chuyện với con. Nếu có điều gì chưa đúng, con hãy nghĩ xem: “Tại sao điều này lại xảy ra? Có thể nào nguyên nhân nằm ở chính mình không? Mình có thể thay đổi được gì? Lần sau mình nên làm điều gì khác đi?” Đây được gọi là “tìm kiếm trách nhiệm cá nhân”. Và cha mẹ cần giúp đỡ con trong quá trình tìm kiếm này.
- Con bị điểm kém.
- Ồ, vậy nó có xứng đáng hay không?
- Uhmm, vâng, rất xứng đáng… Con chưa chuẩn bị bài.
- Ồ, vậy thì con nên nói: “Con bị điểm kém vì con đã không chuẩn bị bài”.
- Nhưng con đã không thể chuẩn bị bài được! Hôm qua bị mất điện. Có một tai nạn ở nhà máy điện, người ta còn ngắt cả đèn chiếu sáng nữa!
- Nhưng đèn chiếu sáng đến gần nửa đêm mới bị ngắt mà. Và con vẫn còn hơn mười giờ đồng hồ trước khi tiết học đầu tiên bắt đầu. Con đã có thể làm gì trong mười tiếng ấy?
- Vâng! Con có thể dậy sớm hơn vào buổi sáng và chuẩn bị bài.
- Mẹ nghĩ nếu việc chuẩn bị bài thực sự quan trọng với con, con đã dậy và ngồi vào bàn học rồi.
- Đúng vậy ạ!
Trách nhiệm sẽ xuất hiện thông qua tự nhận thức. Thông qua việc thừa nhận với bản thân rằng: Nếu điều đó mình thực sự thấy cần và thực sự thấy quan trọng, mình đã có thể thay đổi tình huống rồi.
- Tốt thôi. Hãy cùng nhau thảo luận và tìm ra một ý tưởng nào: Làm thế nào để hạn chế lặp lại tình huống này?
- Làm bài khi chưa bị mất điện.
Nụ cười nham hiểm trên khuôn mặt của cậu “học sinh có trách nhiệm” này không làm cho tôi hi vọng nhiều rằng, thằng bé sẽ không đợi đến lúc trời tối hay khuya muộn mới làm bài tập.
Để con cảm thấy có trách nhiệm không có nghĩa là đổ mọi lỗi lầm cho con. Để các cuộc đối thoại không kích thích tiêu cực tới con, bạn cần đối thoại với con một cách dễ chịu và “tử tế”. Không chỉ trích, không tìm mọi cách khiến con phải xấu hổ hoặc đổ lỗi cho con vì con không hành động. Bạn có thể áp dụng cách này cho các tình huống khác nhau, đặc biệt là những tình huống có màu sắc cảm xúc. Khi đứa trẻ cảm thấy thất vọng hoặc oán giận, nó sẽ cản trở con tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “ Mình nên làm điều gì khác đi?” Trong trường hợp này, tốt hơn hết là nói chuyện với con về cảm xúc, lo lắng của con khi rơi vào tình huống cụ thể nào đó. Sau đó, bạn sẽ hỏi con về một tình huống tương tự, nhưng trừu tượng: “Con có lời khuyên nào cho cậu bé ở trong tình huống này không?” Hoặc tiếp tục đưa ra cho con một tình huống giả tưởng: “Giả sử con có một cỗ máy thời gian và con có thể quay trở về quá khứ, con có lời khuyên nào cho mình lúc đó?”
- Thật khó mà chấp nhận! − cậu con trai của tôi nói. Cái bút đã không thể viết được ngay trong lúc thi. Lúc thì ra mực, lúc thì không. Con phải tô lại các nét chữ bị mất và nó mới tốn thời gian làm sao! Sau đó, cô giáo nhìn thấy và đưa cho con chiếc bút của cô. Tại cái bút mà con đã không kịp làm bài. Còn thằng Phedia từ hạng B đã bắt kịp và vượt qua điểm của con. Vị trí thứ nhất đáng lẽ đã thuộc về con nếu không phải tại cái bút chết tiệt đó!
- Mẹ hiểu con cảm thấy bực bội và tiếc nuối như thế nào. Mẹ cũng đã từng tiếc nuối và bực bội như vậy. Có một lần mẹ tham gia thi môn vẽ kỹ thuật và mất rất nhiều thời gian chỉ để tô một cái khung. Sau đó mẹ mới biết khung không cần phải tô nhưng mẹ cũng không kịp hoàn thành bài cuối. Mẹ đã tiếc nuối rất lâu và nghĩ rằng nếu mẹ có một cỗ máy thời gian và mẹ có thể bay trở lại quá khứ, mẹ sẽ khuyên mình lúc đó rằng: “Nhất định phải làm rõ mình đã hiểu đúng yêu cầu chưa”. Nếu con cũng có một cỗ máy thời gian như mẹ, con sẽ khuyên gì mình lúc đó?
- Hãy mang theo một cái bút dự phòng!
- Ồ, một lời khuyên rất hay − mang theo một chiếc bụt dự phòng. Nhưng nếu ai đó chẳng có cái bút nào thì sao nhỉ? Nhỡ bạn ấy quên ở nhà. Hoặc chiếc bút bỗng nhiên bị hỏng? Con có lời khuyên nào với bạn ấy?
- Nói to để thông báo ạ. Có thể ai đó có bút dự phòng. Giống như con vậy. Lúc đó con sẽ cảnh báo bản thân về tình huống này.
- Chính xác. Cần phải thông báo ngay về tình huống mình gặp phải. Điều đó sẽ làm tăng cơ hội giải quyết được vấn đề. Thầy cô có thể đưa cho con bút.
Bất kỳ tình huống nào cũng đều có thể sử dụng giả thuyết về sự tồn tại của cỗ máy thời gian và đứa trẻ nào cũng cần được khuyên bảo một cách nhẹ nhàng. Tôi chắc chắn nó sẽ hiệu quả hơn “cuộc tấn công trực diện” từ phía cha mẹ: “Mẹ đã nói với con rằng con cần phải mang theo một chiếc bút dự phòng! Thật không hiểu con đã nghĩ gì, tại sao không ngay lập tức mượn giáo viên một chiếc bút khác?!”