Một trong những đòn bẩy chính mà phụ huynh và giáo viên sử dụng đó là gây cho trẻ cảm giác tội lỗi.
Rõ ràng họ cho rằng, đây là cách giáo dục tinh thần trách nhiệm cho trẻ. “Tất cả là lỗi của con! Làm thế nào mà con lại không cảm thấy xấu hổ vậy! Tất cả là do con!”. Than ôi... hình thức thao túng tinh thần này lại rất phổ biến.
Đổ lỗi và làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ trước cả lớp, trước một hội đồng gồm người thân, họ hàng, các thành viên trong gia đình: ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác… còn được ví như một phương pháp đem lại hiệu quả cao!
Tuy vậy không có nghĩa cha mẹ cố ý làm hại tâm hồn con, họ chỉ đơn giản nhắc lại những gì mình đã phải nghe khi còn là những đứa trẻ. Bản thân họ có thể đã từng cảm thấy vui mừng thế nào khi thoát khỏi cảm giác tội lỗi.
Lũ trẻ quan sát và nhìn nhận thế giới qua con mắt của người lớn và đến một độ tuổi nhất định, chúng sẽ không còn tin tưởng tuyệt đối con mắt của người lớn nữa. “Nếu mẹ nói mình là một đứa trẻ hư thì chưa chắc mình đã là một đứa trẻ hư”. Nếu người mẹ thường xuyên buộc tội và đổ lỗi cho con, đứa trẻ dần sẽ quen với cảm giác cảm thấy bản thân mình có lỗi. Một thói quen nguy hại theo quan điểm tâm lý!
Vậy nên làm gì thay cho việc đổ lỗi? Cần phải làm gì để điều chỉnh hành vi của trẻ? Việc dạy trẻ cần phải có trách nhiệm và không có cảm giác tội lỗi hoàn toàn có thể làm được.
Trách nhiệm là khi chúng ta cảm thấy được mối quan hệ giữa hành động của chúng ta và kết quả nhận được từ những hành động đó. Trách nhiệm là khi chúng ta điều chỉnh hành vi của mình thì sự việc có thể sẽ bị thay đổi. Trách nhiệm không phải là tội lỗi, đó là sự tự tin vào chính bản thân mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xấu hổ và áp đặt cảm giác tội lỗi vào trẻ? Trẻ sẽ bắt đầu nghĩ rằng nó thực sự là một đứa bé hư, vô dụng và không có tương lai. “Nếu con thực sự là một đứa trẻ như vậy, cha mẹ còn mong chờ điều gì ở con?”. Nghịch lý: muốn trẻ có trách nhiệm hơn, nhưng trên thực tế cha mẹ lại đang tích cực củng cố tinh thần thiếu trách nhiệm và tự ti vào chính bản thân trẻ.
Nếu con có một cỗ máy thời gian và có thể quay ngược về quá khứ, con có lời khuyên gì cho chính mình lúc đó?
Những kẻ có lỗi nghĩ gì và làm gì? Dằn vặt bản thân. Hối cải. Cầu xin sự tha thứ. Đầy vết thương lòng (hoặc làm cho vết thương trở nặng hơn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống).
Những người trách nhiệm nghĩ gì và làm gì? Sửa chữa lỗi lầm.
Ôi, có mối quan hệ ngọt ngào nào lại có thể được xây dựng trên cảm giác tội lỗi và oán trách vĩnh cửu không?
Không có gì sai trái hay tồi tệ khi chúng ta muốn cầu xin sự tha thứ. Nó chỉ thực sự tồi tệ khi chúng ta liên tiếp mắc lỗi mà không có thái độ muốn được sửa chữa lỗi lầm. Tệ hại hơn nữa khi chúng ta sa lầy trong cảm giác tội lỗi và cảm thấy bản thân không phải là một con người. Những cảm giác đó sẽ kìm hãm năng lượng dùng cho việc sửa chữa những sai lầm mà bản thân gây ra.
Hãy tưởng tượng mình là một người quản lý và đang mắc sai lầm trong công việc. Một người quản lý có trách nhiệm sẽ phân tích nguyên nhân gây ra sai lầm, sửa lỗi và sửa đổi quy trình kinh doanh nhằm giảm thiểu nguy cơ tái diễn. Và người quản lý với một cái đầu đầy ắp những suy nghĩ và cảm giác tội lỗi: “Làm thế nào mà mình có thể gây ra lỗi lầm như vậy! Mình đã làm ảnh hưởng cả mọi người! Mình không thể tha thứ cho bản thân mình được!” sẽ cản trở anh ta chú ý đến những điểm cần phải chú ý và rút kinh nghiệm. Kết quả, anh ta không sửa chữa sai lầm, cũng không làm được gì mới mẻ. Tiếp tục như vậy, anh ta sẽ càng ngày càng xấu hổ về bản thân và cuối cùng bị đuổi việc bởi “không xứng đáng nắm giữ chức vụ, trọng trách này”.
Người lớn tráo đổi trách nhiệm với cảm giác tội lỗi bằng cách lớn tiếng chỉ trích, mà không cho trẻ cơ hội để sửa sai. Hoặc khi người lớn chúng ta buộc một đứa trẻ phải xin tha thứ mà không hiểu tình hình: “Ôi, con thật là một đứa trẻ hư! Tại sao con lại đánh Misha? Hãy xin bạn tha thứ ngay lập tức!”
Trong cuộc sống, sẽ không ai quan tâm đến cảm xúc ăn năn, tội lỗi của bạn, ngay cả khi đó là một vết thương lòng. Ở tuổi trưởng thành, điều quan trọng nhất là phải sửa chữa sai lầm, rút ra kết luận và tránh lặp đi lặp lại sai lầm đó. Thật ngu ngốc và nực cười khi cố gắng mô tả sự ăn năn của mình. Bạn có bao giờ gặp một người trưởng thành nào đó biết hối cải về hành vi tội lỗi của mình, nhưng vẫn lặp đi lặp lại, rồi lại ăn năn hối cải và vẫn tiếp tục mắc sai lầm? Những người trưởng thành này lớn lên từ những đứa trẻ “tội lỗi” − những đứa trẻ không hiểu sự khác biệt giữa tội lỗi và trách nhiệm. “Ồ, tôi lại có lỗi với bạn rồi! Hãy tha thứ, tha thứ, tha thứ…” và sau đó, mọi việc vẫn tiếp tục tái diễn.
Cảm giác tội lỗi rất giống với cảm giác xấu hổ và chúng thường xuất hiện cùng nhau. Chúng có một điểm chung: đều xuất phát từ sự tự ti về bản thân. Tuy nhiên vẫn tồn tại điểm khác biệt. Tội lỗi − là những nhận thức về hành động của bản thân, xấu hổ − nhận thức về bản thân. “Tôi có lỗi vì những gì tôi đã làm. Tôi rất xấu hổ vì những gì người khác nghĩ về tôi lúc này”.
Khi chúng ta áp đặt cảm giác tội lỗi và xấu hổ vào trẻ, trẻ sẽ nghĩ mình là một đứa bé hư, vô dụng và không có tương lai.
Cảm giác tội lỗi cũng giống như cảm giác oán giận. Người ta oán giận để làm cho người khác cảm thấy có lỗi. Cả tội lỗi và oán giận đều không nên là những phương tiện dùng để thao túng trong bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào. “Vì anh ta đã xúc phạm tôi, tôi sẽ oán giận anh ta để anh ta hiểu rằng mình đã phạm phải sai lầm lớn như thế nào và hãy để cho anh ta đau khổ. Tôi sẽ tha thứ cho anh ấy khi anh ấy thể hiện sự ăn năn sâu sắc”. Những việc cần làm, nên làm để phát triển mối quan hệ tốt đẹp và phát triển cá nhân đã bị đánh tráo bằng trò chơi “tội lỗi − oán giận”.
Hãy dạy trẻ trách nhiệm, không áp đặt tội lỗi và cảm giác xấu hổ lên chúng. Để làm được điều này, các thông điệp (từ ngữ) mà bạn gửi đi không nên chứa những đánh giá về trẻ: Con là một đứa trẻ hư! Con là đứa trẻ vô trách nhiệm! Con thật cẩu thả và lộn xộn! Bạn có thể biểu lộ thái độ của bạn trước hành động của trẻ bằng lời phát biểu “Mẹ”. Hãy tách rời cảm xúc của bạn ra khỏi hành động của trẻ. Không phải “con làm mẹ xấu hổ” mà “mẹ cảm thấy bản thân có gì đó không thoải mái, mẹ bỗng thấy chút gì đó lúng túng và xấu hổ”. Không phải “con làm mẹ thất vọng” mà “mẹ sẽ thất vọng nếu con/khi con…” Đừng cố gắng phân tích hành vi sai trái của trẻ dưới sự chứng kiến của người khác. Những cuộc trao đổi nên là bí mật, riêng tư. Nếu không, bạn không những không làm lũ trẻ có trách nhiệm hơn mà khiến chúng thấy xấu hổ hơn mà thôi. Sự khác nhau là gì? Trách nhiệm đó là sự tự tin. Xấu hổ đó là sự tự ti.
Nếu bắt đầu từ “Mẹ” làm chủ thể để tự khẳng định nhưng không nhằm dồn người nghe vào thế phòng ngự. Nó có thể được dùng để nhận trách nhiệm về cảm xúc cá nhân, thay vì đổ tại lỗi lầm của người khác gây ra.
✓ Luôn luôn giúp trẻ hiểu rõ mối quan hệ giữa hành động của mình và kết quả nhận được.
✓ Dạy trẻ bằng chính những ví dụ rút ra từ bản thân mình. Tự người lớn phải thoát khỏi cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Chỉ cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm là đủ.
✓ Không ngay lập tức yêu cầu trẻ xin tha thứ. Hãy hướng suy nghĩ của trẻ vào các câu hỏi lần lượt như sau: “Đã xảy ra chuyện gì? Tại sao chuyện ấy lại trở nên tệ như vậy? Bây giờ cần phải làm gì để sửa chữa tình huống ấy?”
✓ Hãy đặt ra những câu hỏi cho trẻ: “Con nghĩ người mà con làm tổn thương sẽ cảm thấy như thế nào?”, “Nếu con là người đó con sẽ cảm thấy như thế nào?”, “Nếu con là người đó, con muốn gì?”, “Con có thể làm gì để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra với người đó?”