Họ là những người xuất sắc nhất, được ngưỡng mộ nhất, có nhiều fan hâm mộ nhất, được khao khát nhất. Từ ngoài nhìn vào, cả hai đều đang có một cuộc sống trong mơ, khi tất cả đều hoàn hảo. Nhưng cũng như tất cả những người khác, họ cũng có lúc thăng lúc trầm. Sau đây là một số những thời khắc khó khăn nhất mà Leo và Cristiano đã phải trải qua trong sự nghiệp...
Hãy bắt đầu với World Cup 2014 ở Brazil. Ngay cả trong những giấc mơ tồi tệ nhất, Messi cũng không thể tưởng tượng ra một trận chung kết như trận chung kết năm đó. Trong gần 120 phút, anh đã liên tục tới gần giấc mơ cuộc đời: vô địch World Cup với Argentina. Nhưng khi cả thế giới đã tin chắc rằng trận đấu sẽ phải kéo dài tới loạt đá luân lưu, một bàn thắng đầy bất ngờ của Mario Götze đã kéo tuột Leo xuống vực thẳm. Một lần nữa lại là người Đức. Mannschaft là một trong những đối thủ truyền kiếp của Argentina, và rõ ràng là họ luôn biết làm thế nào để vùi dập giấc mơ của những người Nam Mỹ. Họ từng hạ nhục Argentina ở vòng tứ kết World Cup 2010, sau khi đã đánh bại Albiceleste trên chấm 11m trên sân nhà vào năm 2006. Lần gần nhất hai đội gặp nhau trong một trận chung kết World Cup là ở Italy 1990. Người Đức cũng chờ tới những giây phút cuối cùng mới tung đòn kết liễu. Bàn thắng từ quả penalty gây tranh cãi của Andreas Brehme ở phút 86 đã giúp người Đức trả thành công món nợ của bốn năm trước. Ở giải đấu trên đất Mexico, Argentina đã đăng quang chức vô địch thế giới thứ hai sau khi đánh bại chính người Đức trong trận chung kết. World Cup 1986 được gọi là kỳ World Cup của Diego Armando Maradona, cũng như World Cup 2014 từng được gọi là kỳ World Cup của Lionel Messi.
Ngôi sao của Barça đã phải gánh trên vai tất cả những hi vọng và giấc mơ của một dân tộc đang mơ ước trong tâm trạng căng thẳng về việc tái lập những chiến tích của các năm 1978 và 1986. Anh chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: đưa đội tuyển quốc gia tới vinh quang, như những gì mà Maradona đã làm được. Messi và Maradona chính là hai cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Argentina. Chính Maradona đã tự gọi Leo là truyền nhân của mình. Nhưng giữa họ là 30 năm cách biệt, và sự chênh lệch lớn liên quan tới sự may mắn. Brazil 2014 đã không kết thúc như hi vọng của Leo. Với một người dường như chỉ biết đến chiến thắng, về nhì là một trải nghiệm khó nuốt trôi.
Nhưng rõ ràng Messi cũng có một phần trách nhiệm. Trong trận chung kết diễn ra vào ngày 13/6/2014, anh đã có một màn trình diễn thiếu ổn định, giống như những gì mà anh thể hiện trước đó trong màu áo của Barcelona - cũng có một vài khoảnh khắc xuất thần, nhưng không tạo nên điều kỳ diệu nào. Sau khởi đầu đầy hứa hẹn, Messi cuối cùng đã phải rời Brazil tay trắng. Thực ra thì không hẳn tay trắng. Anh vẫn giành được giải thưởng Quả Bóng Vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Nhưng đó là một giải thưởng vô nghĩa. Thậm chí, vì giải thưởng đó mà Messi còn bị cuốn vào những tranh cãi liên quan tới câu hỏi anh có xứng đáng hay không. Một số người, trong đó có cả Maradona, cho rằng ủy ban bầu chọn của FIFA đã quyết định dựa trên mức độ nổi tiếng chứ không phải chất lượng của cầu thủ.
Không hề biết về những chỉ trích - cũng có thể là đã cảm nhận được việc đã có những tranh cãi - Messi không hề dù chỉ là một chút cố gắng cười khi bước lên bục nhận giải. Thời khắc trao giải diễn ra chỉ ít phút sau khi trọng tài Nicola Rizzoli thổi còi kết thúc trận đấu. Đầu cúi gằm, Messi dường như đang cố gắng tìm sự lý giải cho những gì vừa xảy ra trên sân vận động Maracaná ở Rio de Janeiro. Anh còn gần như không thể nhìn vào mắt Manuel Neuer, người giành Găng Tay Vàng cho thủ môn xuất sắc nhất, khi hai người bắt tay trước khi cùng chụp chung bức ảnh thủ tục. Đó là một khoảnh khắc ấn tượng: mắt dán xuống đất, Leo trông dường như lại càng trở nên nhỏ bé hơn bên cạnh thủ thành khổng lồ người Đức. Cầu thủ người Argentina dường như đang mải mê theo đuổi những suy nghĩ của riêng anh, có thể là anh đang cố gắng nhớ lại từng pha bóng trong trận chung kết. Anh cũng không thèm giấu giếm sự thất vọng của mình khi đứng trước truyền thông. “Tôi không quan tâm tới Quả Bóng Vàng. Tôi muốn nâng cao Cúp vàng thế giới.”
Một năm sau, bổn cũ soạn lại. Messi lại được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu, lần này là Copa América. Nhưng anh thậm chí chẳng buồn bước lên bục trao giải. Hôm đó là 4/7/2015. Albiceleste một lần nữa lại tiến rất gần tới vinh quang, để rồi lại một lần nữa phải vỡ mộng với thất bại thứ hai liên tiếp ở một trận chung kết. Bằng cách từ chối nhận giải thưởng cá nhân, Messi rõ ràng không muốn tạo ra thêm những tranh cãi mới. Ngay cả việc bước lên nhận huy chương Á quân đối với anh cũng trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Và anh tháo ra ngay khi nó được quàng vào cổ. Lần này, đánh bại Argentina là Chile, đội chủ nhà.
Cũng giống như ở Rio một năm trước, Messi không thể tạo ra sự khác biệt. Anh bị theo rất sát và phải nhận nhiều pha vào bóng quyết liệt. Trên các khán đài, cổ động viên chủ nhà thậm chí còn mạt sát cả gia đình anh. Trận đấu phải phân định trên chấm 11m. Messi đã làm tốt phần việc của mình, nhưng các đồng đội của anh là Higuaín và Banega thì không. Dẫu vậy, người Argentina vẫn đổ hết mọi tội lỗi lên đầu của Leo. Đúng là anh đã chơi không mấy nổi bật trong suốt cả giải đấu. Đó là cái cớ quá tốt để báo chí và mạng xã hội “hành hình” anh. Tờ báo thể thao Olé thậm chí còn yêu cầu Messi từ bỏ băng đội trưởng. Và như thường lệ, Maradona lại nói một cái gì đấy: “Chúng ta có cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, người có thể ghi 4 bàn vào lưới Real Sociedad, nhưng ở đây thậm chí còn không thể chạm bóng. Nói đi, khốn kiếp, cậu là người Argentina hay người Thụy Điển?” Cựu huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Argentina còn nói thêm rằng ông chán ngấy việc ai cũng nói là Messi cần được nâng niu. “Messi nên được đối xử như bất kỳ cầu thủ nào khác đã mặc lên người chiếc áo của đội tuyển quốc gia. Dù thế nào thì anh ta cũng là cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới. Nhưng nghe này, anh ta không giết ai, không hiếp ai, nên hãy thôi biến chuyện này thành một kiểu phim truyền hình sướt mướt đi.”
Điều mà không ai nghĩ tới - Messi thì càng không - rằng chỉ mười hai tháng sau, số phận lại chống lại anh một lần nữa. Leo chưa bao giờ giấu giếm thực tế rằng mơ ước lớn nhất của anh là giành được một danh hiệu với Albiceleste. “Tôi sẵn sàng đổi năm Ballon d’Or để lấy một Cúp vàng thế giới. Chắc chắn là thế. Những danh hiệu tập thể bao giờ cũng quan trọng hơn, và vô địch World Cup chính là thành tựu cao nhất mà một cầu thủ có thể vươn tới,” anh từng nói. Năm 2016, anh lại có thêm một cơ hội nữa để hoàn thành giấc mơ của mình, khi Argentina tham dự Copa América phiên bản Bách niên ở Mỹ. Không phải World Cup, nhưng cũng là một giải đấu quan trọng, có thể phần nào bù đắp cho cơn khát của Leo.
Argentina bắt đầu giải đấu với một phong độ ấn tượng. Tập thể ổn định dưới sự dẫn dắt của Messi dễ dàng nghiền nát những đối thủ mà họ gặp trên đường: 2-1 trước Chile, rồi 5-0 trước Panama (với một hat-trick của M10), và sau đó là 3-0 trước Bolivia. Messi không thể tham dự trận mở màn và không chơi đủ 90 phút trong cả hai trận còn lại của vòng bảng, nhưng anh vẫn tạo được một tầm ảnh hưởng xuyên suốt. Argentina lại vùi dập Venezuela (4-1) ở tứ kết, rồi chủ nhà Mỹ (4-0) ở bán kết và thẳng tiến vào trận chung kết. Oái oăm làm sao, đối thủ của họ trong trận đấu diễn ra vào ngày 27/6 đó lại chính là kẻ đã khiến họ vỡ mộng một năm trước: Chile. Nhưng lần này, mọi dấu hiệu đều dẫn tới một kết thúc khác cho Argentina... trước khi thần may mắn quyết định can thiệp. Trong trận đấu, Messi đã làm tất cả những gì có thể, nhưng các đồng đội của anh lại bỏ lỡ tới ba cơ hội rõ ràng. Tỉ số 0-0 được giữ nguyên trong suốt 90 phút thi đấu chính thức, và sau hai hiệp phụ cũng không có thêm bàn thắng nào được ghi. Một lần nữa, Argentina và Chile lại phải đối mặt với nhau trên chấm 11m. Và một lần nữa, Albiceleste sẽ lại phải ra về trong tay trắng. Lần này Leo là một trong số những người đá hỏng. Ngay sau cú đá, anh đã bật khóc. Một vài phút sau, ở khu vực báo chí, anh thông báo chia tay không chút lưỡng lự: “Đây là một thời khắc khó khăn, không thể nào mang lý trí để đánh giá được. Trong phòng thay đồ, tôi cảm thấy rằng thế là đủ, rằng chuyện giữa tôi với đội tuyển quốc gia thế là kết thúc. Đó là tất cả những gì tôi cảm thấy ở thời điểm này. Nỗi buồn kinh khủng này cứ trở đi trở lại. Tôi đã bỏ lỡ một quả penalty cực kỳ quan trọng. Tôi nghĩ thế là đủ rồi. Như thế này tốt hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta không được phép thỏa mãn với việc chỉ vào được tới trận chung kết. Tôi đã chiến đấu không biết bao nhiêu lần, nỗ lực không biết bao nhiêu lần để có thể trở thành nhà vô địch với Argentina. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi không thể làm được.” Sau khi để thua bốn trận chung kết (Copa América 2007, 2015 và 2016, World Cup 2014), Lionel chấp nhận bỏ cuộc với quyết định từ giã đội tuyển quốc gia.
“Chúng tôi ai cũng suy sụp. Và người suy sụp nhất chính là Leo. Chưa bao giờ tôi thấy anh ấy ở trong tình trạng tồi tệ đến thế,” tiền đạo của Man City, Kun Agüero, tiết lộ. Ngay lập tức, hashtag #NotevayasLeo - “Đừng đi Leo” - ngập tràn trên các mạng xã hội. Ở quê nhà Argentina, không ai từ bỏ hi vọng rằng cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Albiceleste sẽ đổi ý và trở lại dẫn dắt đội tuyển. Và vào ngày 12/8/2016 thì hi vọng đó đã có cơ hội bùng lên khi Messi xác nhận trong một buổi họp báo rằng anh đang cân nhắc rút lại ý nghĩ chia tay đội tuyển quốc gia. “Tôi quá yêu đất nước mình, quá yêu màu áo của đội tuyển quốc gia mình. Tôi biết rằng bóng đá Argentina đang gặp phải nhiều vấn đề, và tôi không muốn tạo ra thêm một vấn đề nữa. Tôi rất biết ơn những người đã luôn mong tôi trở lại với Argentina, hi vọng rằng tôi có thể sớm mang niềm vui tới cho các bạn,” anh nói.
Cuộc đời của Leo xứng đáng được dựng thành một vở kịch riêng - anh đã có đủ cả những vinh quang lẫn thách thức. Thách thức lớn nhất có lẽ là khi anh lần đầu tới Tây Ban Nha nhiều năm về trước. Anh cùng với bố mình đặt chân xuống Barcelona vào ngày 17/9/2000. Ở Rosario, tài năng của Messi đã được biết đến rộng rãi, khi nhiều tờ báo thường dành cả trang đôi để nói về những thành tựu của anh. Lúc này đây, anh đang có mặt ở thủ phủ xứ Catalunya để chứng minh rằng tất cả những gì mà người ta được nghe về anh ở phía bên kia của đại dương là sự thật. Và đương nhiên, anh khiến cho tất cả phát cuồng ngay trong buổi đá tập. Carles Rexach, giám đốc kỹ thuật của Barça ở thời điểm đó, nhớ lại: “Tôi đến thẳng sân sau khi ăn xong nhưng vẫn bị muộn 5 phút. Hai đội đã bắt đầu thi đấu rồi. Tôi phải chạy nửa vòng quanh sân để có thể tới được khu vực kỹ thuật nơi các huấn luyện viên đang ngồi. Tôi mất 7 hay 8 phút gì đó. Nhưng ngay từ thời điểm ngồi xuống, tôi đã có quyết định của mình. Tôi nói với Rifé và Migueli (hai huấn luyện viên đào tạo trẻ): ‘Chúng ta phải ký hợp đồng với cậu ta. Ngay bây giờ.’ Điều gì khiến tôi làm thế? Tôi thấy một cậu nhóc bé tí xíu, nhưng thực sự khác biệt, với sự tự tin hiếm thấy, rất linh hoạt, nhanh nhẹn, kỹ thuật hoàn hảo. Cậu ta có thể dốc bóng xộc thẳng vào hàng phòng ngự đối phương, nhưng cũng có thể đi bóng lắt léo vòng qua các chướng ngại vật khi cần. Không khó để nhận ra năng lực của cậu ấy. Bây giờ thì ai cũng biết tài năng của Messi là thế nào rồi.
Lúc cậu ấy mới 13 tuổi, năng lực ấy đã được thể hiện rất mạnh. Có những cầu thủ phải được chơi trong những đội bóng phù hợp thì mới có thể tỏa sáng. Nhưng Messi thì khác. Tôi luôn nói với những người nói rằng tôi là người đã phát hiện ra tài năng của Messi rằng: nếu một người Sao Hỏa nhìn thấy Messi chơi bóng, anh ta cũng sẽ lập tức nhận ra cậu ấy thực sự đặc biệt.” Sếp đã chuẩn y, việc Barcelona có được Messi ngỡ sẽ chỉ còn là vấn đề thủ tục. Nhưng lại có những rắc rối phát sinh. Đầu tiên là làm sao để đội bóng ký hợp đồng với anh. Không phải tất cả các thành viên trong đội bóng đều bị thuyết phục về tài năng của Messi. Một số người cho rằng Messi quá nhỏ và gầy gò, không đáng để phải làm ồn ào đến thế. Ngoài ra, Messi còn rất trẻ, có lẽ là quá trẻ, nên đội bóng sẽ phải tìm những công việc phù hợp cho bố mẹ của cậu nếu muốn có được cậu. Và ngay cả khi hợp đồng đã được ký thì những vấn đề vẫn còn đó. Những tháng đầu tiên trong cuộc đời mới trên đất Catalunya của Messi không diễn ra như mong muốn. Vào ngày 6/3/2001, Leo được cấp giấy phép thi đấu tạm thời. Nhưng cậu là người nước ngoài nên không thể thi đấu ở bất kỳ giải đấu nào thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, và vì thế không thể gia nhập đội Thiếu niên A, là đội bóng dành cho cậu. Thay vào đó, cậu phải chơi cho đội Thiếu niên B, ở giải khu vực của Catalunya. Tệ hơn, vào tháng 3, các đội bóng đã chốt danh sách và bắt đầu thi đấu rồi. Nên dù Messi rất giỏi, các huấn luyện viên cũng không thể vì cậu mà hi sinh một trong những cậu bé đã thi đấu từ khi mùa giải bắt đầu. Thế là không công bằng.
Một vấn đề khác: đội bóng cũ của Messi, Newell’s, không hợp tác trong việc hoàn thành các giấy tờ chuyển nhượng cần thiết, nên Barcelona không thể đăng ký Messi với Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng vẫn còn những điều tồi tệ hơn phía trước. Vào ngày 21/4, một hậu vệ của Tortosa đã có một pha vào bóng rất thô bạo với Messi. Hậu quả là một vết rạn xương ở chân trái. Đó chính là chấn thương đầu tiên trong sự nghiệp của Leo. Đầu tiên anh cần tới nẹp, sau đó là bó bột, và cuối cùng là tập hồi phục. Phải tới 6/6 thì Messi mới có thể thi đấu trở lại. Một tuần sau, một cơn ác mộng khác. Thêm một chấn thương nữa, lần này xảy ra khi anh đang bước xuống cầu thang: rách dây chằng mắt cá chân trái. Rất may, chấn thương lần này ít nghiêm trọng hơn - Leo có thể tái xuất chỉ sau ba tuần.
Messi rõ ràng đã bước nhầm chân khi bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Barcelona. Đến cuối mùa giải, vì lý do này hay lý do nọ, ngoại trừ các trận đấu tập, Leo chỉ được ra sân trong hai trận đấu chính thức và một giải đấu giao hữu. Đã thế, cuộc sống của gia đình Leo bên ngoài sân cỏ cũng không thực sự thuận lợi. Em gái María Sol của anh không thích nghi được với cuộc sống mới, buộc cả nhà phải đi đến một quyết định khó khăn là chia tách chỉ năm tháng sau ngày tới Barcelona. Mẹ Celia trở lại Argentina cùng với María Sol, còn bố Jorge thì ở lại Barcelona cùng con trai. Đó là một thực tế khắc nghiệt với Messi, nhất là khi bản thân anh vốn cũng đang gặp vấn đề trong việc kết thân với các đồng đội mới do bản tính nhút nhát. Álex García, một trong những huấn luyện viên đầu tiên của anh ở Barça, nhớ lại: “Tôi biết rằng cậu ấy phải sống xa quê hương, xa gia đình, chỉ có bố ở bên cạnh.”
Giai đoạn gia đình chia lìa là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của Lionel. Nhưng thật may là anh vẫn luôn có bố ở bên cạnh. “Chúng tôi dành rất nhiều thời gian bên nhau. Chúng tôi thực sự như những người bạn, dù cũng trải qua không ít thăng trầm,” Leo nói. Với ông Jorge, trải nghiệm mới đồng nghĩa với việc ông đã phải tự chuyển hóa từ một lao động lành nghề thành một quản lý, dưới danh xưng Quản lý của Leo Messi: “Không dễ dàng gì. Tôi phải mò mẫm tất cả từ đầu. Vừa làm, tôi lại vừa khám phá ra những điều mới mẻ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là bảo vệ Messi khỏi những kỳ vọng từ những người có thể gây hại cho thằng bé.”
Nực cười làm sao, ông Jorge lại không thể bảo vệ con trai khỏi chính mình. Ông là người chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho Messi, nhưng lại bị cơ quan thuế của Tây Ban Nha phát hiện làm những việc không được phép. Vào năm 2013, một ủy viên công tố buộc ông và Messi vào tội không khai báo các khoản thu nhập có được từ bản quyền hình ảnh trong giai đoạn từ 2007 tới 2013. Theo cáo trạng, gia đình Messi nợ cơ quan thuế 4,1 triệu euro. Họ quyết định trả hết khoản tiền này kèm lãi suất với hi vọng sẽ tránh được các án phạt nặng hơn. Nhưng cuối cùng thì cả hai vẫn bị triệu tập ra tòa vào ngày 2/6/2016, chỉ vài ngày trước khi Copa América phiên bản Bách niên khởi tranh.
Trước tòa, Messi khẳng định lại sự “vô tội” của mình: “Bố tôi lo hết chuyện tiền bạc, còn tôi chỉ biết chơi bóng.” Trong thông báo dài 15 phút của mình, anh khẳng định “Tôi tin tưởng bố tôi và những luật sư mà chúng tôi thuê để xử lý những công việc liên quan. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng họ muốn lừa bịp.” Lionel thừa nhận rằng anh phải đi tới một văn phòng công chứng để “ký vào một số giấy tờ”, nhưng hoàn toàn không biết chi tiết của những giấy tờ ấy là gì. Anh chỉ hỏi qua, mà bố anh cũng chỉ thông báo ngắn gọn. “Tôi biết rằng chúng tôi đang ký những hợp đồng trong đó các nhà tài trợ sẽ trả một khoản tiền X nào đó. Tôi cũng biết việc của tôi là xuất hiện ở các sự kiện quảng bá hay trong các buổi chụp hình, những việc đại loại như thế. Nhưng tôi hoàn toàn không biết tiền sẽ đi đâu.” Ông Jorge xác nhận điều này, khẳng định con ông không hề biết gì cả. “Chúng tôi đưa các tài liệu và nó cứ thế ký.” Nhưng ông chủ của gia đình Messi cũng khăng khăng rằng mình vô can. Lỗi của ông chỉ là quá tin đội ngũ kế toán. Theo ông Jorge, chính họ là những người đã tự ý mở các công ty ở các “thiên đường thuế” mà không cho ông biết để tránh phải đóng thuế cho các khoản thu từ bản quyền hình ảnh của Leo. Nhưng những lý lẽ của cả hai cha con đều không thuyết phục được quan tòa. Ông ta tin rằng Messi biết nhiều hơn những gì mà anh muốn thừa nhận, và đã đưa ra một lời buộc tội rất đanh thép: “Tôi không muốn so sánh Messi với một tay mafia (mafioso), nhưng có vẻ như anh ta không khác gì một ‘capo’ (đội trưởng) của một tập đoàn tội phạm.” Án phạt được tuyên vào ngày 7/7/2016: hai bố con Messi mỗi người lĩnh 21 tháng tù giam vì tội gian lận.
Trong khi các luật sư vẫn đang cố gắng kháng án, thì lại xuất hiện thêm một vụ lùm xùm khác có nguy cơ khiến Messi phải ra tòa một lần nữa: tên của anh là một trong những cái tên đầu tiên xuất hiện trong cái gọi là “Hồ sơ Panama”. Theo những thông tin rò rỉ, anh và bố mình đã thành lập một công ty ma ở Panama với mục đích trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cho các hợp đồng bản quyền hình ảnh. Gia đình Messi lập tức phát ra một thông cáo phủ nhận khả năng phạm luật. “Công ty Panama được nhắc tới trong các bài báo là một công ty không hoạt động, chưa từng có tài khoản hay quỹ, và là một phần trong hệ thống cấu trúc công ty do đội ngũ tư vấn tài chính cũ của Messi lập ra. Việc xử lý các sai phạm tài chính liên quan đã được tiến hành. Tất cả những nguồn thu từ việc khai thác bản quyền hình ảnh của Messi, trước và sau khi diễn ra các phiên tòa, đều đã được công khai trước Bộ Tài chính Tây Ban Nha.” Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang điều tra những cáo buộc được khui ra trong vụ Hồ sơ Panama. Sự thành thực của cha con Messi vẫn đang là dấu hỏi. Nhưng dù thế nào, hình ảnh của Messi cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những lùm xùm tài chính liên tiếp.
Như Messi, Cristiano Ronaldo cũng trải qua những năm đầu sự nghiệp đầy khó khăn. Cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng gặp phải những thách thức tương tự khi phải rời quê nhà Madeira và chấp nhận sống xa gia đình khi mới 12 tuổi để theo đuổi giấc mơ ở Sporting Lisbon. Nhiều năm sau, anh vẫn chưa quên: “Rất khó khăn. Đó là quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp thể thao của tôi. Các chị tôi và mẹ tôi đều khóc. Tôi cũng khóc. Ngay cả khi tôi đã ở trên máy bay và chiếc máy bay đã cất cánh, tôi lại bắt đầu khóc khi nghĩ về việc gia đình mình đang khóc vì mình.”
Ngày đầu tiên ở trường cũng là một trải nghiệm gian khổ. Ronaldo đến lớp muộn, lúc thầy giáo đã bắt đầu kiểm tra sĩ số. Khi anh đứng dậy và nhắc lại tên mình, anh có thể nghe thấy một số học sinh ở mấy dãy ghế cuối mang chất giọng Madeira của anh ra làm trò cười. Tiếng Madeira là một phương ngữ rất khác so với tiếng Bồ Đào Nha ở thủ đô, gần như là một ngôn ngữ mới hoàn toàn. Giọng Ronaldo nghe rất lạ. Rất tội nghiệp. Đúng kiểu người từ đảo vào, và không ai có thể thực sự hiểu được anh nói gì. Anh mất bình tĩnh và còn giơ ghế lên dọa thầy giáo. Anh trở thành trò cười cho cả lớp, và luôn cảm thấy mình như một tên đần độn. Anh nhớ nhà, nhớ hòn đảo, nhớ bạn bè mình. Mỗi tuần, anh lại gọi về nhà hai hay ba lần. Nhưng nghe giọng mẹ càng khiến anh buồn hơn, anh lại khóc và nhớ bà hơn bao giờ hết. Bà Dolores cố gắng trấn an con trai bằng cách khuyên con bỏ ngoài tai hết những lời trêu chọc ở trường. Bà thường xuyên phải an ủi và thuyết phục cậu con trai rằng cuộc sống và tương lai của cậu là ở đó, ở Lisbon, ở học viện bóng đá Sporting. Nhưng cuối cùng thì bà vẫn phải tới thủ đô, bởi vì Cristiano nói rằng anh không thể chịu đựng hơn được nữa. Anh muốn bỏ cuộc, chấp nhận từ bỏ giấc mơ để được trở về hòn đảo của mình, nơi anh có thể lại được đoàn tụ với gia đình. Năm đầu tiên thực sự rất khó khăn, nhưng dần dà Ronaldo cũng thích nghi được. Tới lúc này thì anh lại thừa nhận là anh biết ơn - ở một mức độ nào đó - những trải nghiệm anh có được trong giai đoạn đó. “Trong những quãng thời gian khó khăn, ta hiểu thêm được rất nhiều về bản thân mình,” anh nói. “Ta phải mạnh mẽ, và kiên định với những gì ta thực sự muốn.” Nhiều năm sau, anh đã phải nhờ tới sức mạnh nội tâm đó để có thể vượt qua ngày buồn nhất trong đời. Đó là ngày thứ Ba, 6/9/2005. Sau ngày hôm đó, Bồ Đào Nha sẽ gặp Nga trong một trận đấu rất quan trọng với mục tiêu đoạt vé dự World Cup 2006. Nếu thắng và Slovakia mất điểm, Bồ Đào Nha sẽ tiến thêm một bước dài tới nước Đức. Lúc đó ở Moscow đang là 9 giờ tối. Cristiano đang ở trong phòng xem phim thì huấn luyện viên Luiz Felipe Scolari triệu anh lên phòng của ông. Trong phòng có cả đội trưởng Luís Figo. Cristiano thấy hơi lạ với kiểu gặp gỡ này, nhưng anh cũng không mảy may nghi ngờ điều gì. Anh cho rằng có thể có vấn đề chiến thuật nào đó mà vị huấn luyện viên và đội trưởng của đội muốn thảo luận với anh. Nhưng không phải. Họ gọi anh tới để thông báo về cái chết của bố anh. Ông Dinis Aveiro vừa qua đời trong một phòng khám ở London sau vài tháng nằm viện. Cái chết bất ngờ của ông có nguyên nhân từ rượu, và thực sự đã khiến Cristiano suy sụp. Dẫu thế, anh vẫn không muốn bỏ lỡ trận đấu quan trọng phía trước. “Tôi muốn được chơi bóng,” sau này anh nói. “Đó là tất cả những gì mà tôi biết làm. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng tôi là một người công tư rạch ròi, rằng tôi là một nhà chuyên nghiệp thực thụ, luôn xem trọng công việc của mình. Tôi muốn được ra sân ở trận đấu đó để có cơ hội tưởng nhớ bố tôi. Tôi muốn tặng ông ấy một bàn thắng. Lúc đó, tôi đã thử thách bản thân và cả những người yêu mến mình.”
Nhưng trận đấu với Nga đã kết thúc với tỉ số 0-0. Ronaldo không thể ghi được bàn thắng mà anh muốn dành tặng cho bố. Nhưng anh cũng có được điều mình muốn trong kỳ World Cup trên đất Đức, sau khi thực hiện thành công cú đá penalty quyết định trong trận đấu với Anh để đưa Bồ Đào Nha vào bán kết. Sau khi thực hiện xong quả đá, anh giơ tay lên trời và nói: “Bàn thắng này là dành cho Bố, Bố ơi.”
Từ Moscow, Ronaldo bay thẳng về Madeira để dự lễ tang của bố. Trong lễ tang, anh mặc áo đen và đeo kính râm. Được ở bên cạnh những thành viên khác trong gia đình, anh đã giữ được sự bình tĩnh trong suốt cả buổi lễ. Anh không khóc, nhưng nhìn vào mắt anh, người ta có thể đoán được là trước đó anh đã khóc rất nhiều rồi. Một thời gian sau đó, anh mới lên tiếng chê trách cách báo chí khai thác cái chết của bố anh. Họ xem đó như một tin giật gân câu khách, liên tục chạy tít ở trang nhất trong liên tiếp bốn ngày sau khi ông qua đời. “Điều đó khiến tôi và gia đình bị tổn thương. Chúng tôi cần sự yên bình, nhưng rồi mọi sự lại bị xáo tung lên hết cả.”
Về Dinis bố mình, Ronaldo dành cho ông những lời tốt đẹp: “Bố tôi luôn luôn động viên tôi. Ông luôn khuyên tôi là cần phải tham vọng, và thường nói rằng ông tự hào về những thành tựu mà tôi đạt được trong bóng đá. Tôi yêu ông ấy, và sẽ luôn là như thế. Ông ấy sẽ luôn ở đây với chúng tôi. Và ông ấy sẽ luôn là một hình mẫu đối với tôi. Tôi tin rằng dù ông ấy ở đâu, ông ấy cũng sẽ chứng kiến được những gì tôi làm và những gì tôi đạt được.” Sinh thời, Dinis không thích xuất hiện trước truyền thông. Ông cố gắng giấu mình ở sau cánh gà. Nhưng mối liên hệ giữa ông với con trai thì lúc nào cũng rất mạnh. Trước khi Cristiano tới Lisbon, hai người không khi nào rời nhau. Họ vẫn rất gần gũi ngay cả khi anh đã chuyển tới Manchester. Dinis thường tới thăm anh, ủng hộ và động viên anh, cho tới khi bệnh tật khiến ông không thể làm điều đó nữa. Lúc nào Cristiano cũng cố gắng thuyết phục ông nhập viện để chữa trị chứng nghiện rượu của mình, nhưng cuối cùng thì anh đã không cứu nổi ông. Dinis vẫn uống rượu không ngừng, tới mức ngay cả những bệnh viện tốt nhất ở Anh cũng đành chịu bó tay.
Không có gì phải nghi ngờ, cái chết của người bố là khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc sống cá nhân của Cristiano. Còn trong sự nghiệp bóng đá, thời điểm khó khăn nhất có thể là sau trận chung kết EURO 2004. Hôm đó là Chủ nhật, 4/7, và Bồ Đào Nha với tư cách chủ nhà sẽ đối đầu với Hy Lạp trên sân Da Luz ở Lisbon. Lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu, hai đội bóng đã chơi trận khai mạc gặp lại nhau trong trận đấu cuối cùng. Ở trận đấu diễn ra hôm 13/6, may mắn đã đứng về phía Hy Lạp khi họ khiến đội chủ nhà phải chịu một thất bại bất ngờ và đầy cay đắng với tỉ số 2-1. Nhưng với Ronaldo thì trận đấu đó đáng nhớ ở chỗ đấy là trận đấu chứng kiến anh ghi được bàn thắng đầu tiên ở một giải đấu chính thức cho đội tuyển. Chỉ 23 ngày sau, lịch sử lặp lại. Cả Bồ Đào Nha chết sững, không thể tin những gì đang diễn ra trên sân là sự thật. Bồ Đào Nha có đủ lý do để chiến thắng. Họ là một trong những ứng viên nặng ký nhất giải, trong khi Hy Lạp chỉ là kẻ lót đường, với tỉ lệ vô địch là 80-1. Sân Da Luz cũng được xem như một pháo đài của Bồ Đào Nha, nơi họ chưa từng thua trong suốt 17 năm. Yếu tố chủ nhà cũng rất quan trọng trong lịch sử EURO - Tây Ban Nha năm 1964, Italia năm 1968 và Pháp năm 1984 đều vô địch với tư cách chủ nhà. Nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa.
Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0 cho Hy Lạp nhờ pha lập công bằng đầu của Angelos Charisteas ở phút 57. Ronaldo khóc như mưa sau khi hồi còi chung cuộc vang lên. Anh đứng thất thần và đầy cô độc ở giữa sân; bất chấp những lời nói cũng như cử chỉ an ủi từ các đồng đội, anh cứ khóc mãi không ngừng. Khóc vì nỗi buồn thất bại. Khóc vì những cơ hội bị bỏ lỡ. Như tình huống ở phút 59, khi anh không thắng được Nikopolidis. Hay ở phút 74, khi anh có cơ man khoảng trống trước khung thành nhưng lại sút bóng vọt xà, trong tiếng “à” tập thể đầy tiếc nuối trên các khán đài. Anh khóc vì không bao giờ có thể tin rằng đội bóng của anh phải nhận thất bại trước Hy Lạp. Bởi vì “chúng tôi có một đội ngũ tuyệt vời, đã chơi một giải đấu tuyệt vời, nên chúng tôi không đáng phải thua trận như thế này.” Bởi vì anh là “một người tham vọng” và anh “muốn trở thành nhà vô địch châu Âu ở tuổi 19”. Nhưng rồi cuối cùng thì anh cũng phải chấp nhận thực tế: “Giờ tôi chỉ có thể hướng về phía trước. Tôi có thể vượt qua được nỗi đau này. Vẫn còn nhiều cơ hội để tôi giành chức vô địch châu Âu và bù đắp cho nỗi thất vọng lớn lao này.”
Nhưng xuyên suốt sự nghiệp của Ronaldo thì đó không phải là khoảng thời gian khó khăn duy nhất anh phải đối mặt. Mùa 2015-16 được xem là một trong những mùa giải nhiều thách thức nhất, hơn cả những mùa giải Real còn do José Mourinho dẫn dắt. Mùa giải bắt đầu với việc huấn luyện viên Rafa Benítez tiếp quản lại đội bóng từ Carlo Ancelotti. Huấn luyện viên mới là một “Madridista” đích thực. Ông bắt đầu cả sự nghiệp cầu thủ lẫn huấn luyện viên đều cùng với các đội trẻ của Real. Ông trở lại sau khi đã giành hai chức vô địch La Liga với Valencia, Champions League, FA Cup và Siêu Cúp Anh với Liverpool, Europa League với Chelsea, Siêu Cúp Italia và Club World Cup với Inter Milan, và Coppa Italia với Napoli. Những thành tích ấy là sự bảo chứng cho khả năng của ông. Nhưng rồi tất cả nhanh chóng nhận ra rằng có cái gì đó không thực sự ổn. Benítez không tạo được mối quan hệ tốt với các cầu thủ. Có những thông tin nói rằng Benítez muốn kiểm soát hoàn toàn các cầu thủ bằng cách siết chặt kỷ luật. Nhưng đó là một nhiệm vụ bất khả thi ở một đội bóng sở hữu toàn những ngôi sao lớn với mức lương trên trời, những người ở một mức độ nào đó có thể làm bất kỳ những gì mà họ thấy thích. Mâu thuẫn ngay lập tức phát sinh. Đặc biệt là với CR7, người đã có hơn một lần va chạm với Benítez trong các buổi tập.
Không có gì bất ngờ khi ngay sau khi Benítez được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của Real Madrid, ông không ngừng được yêu cầu phải đưa ra nhận xét về cầu thủ người Bồ Đào Nha. Nhưng lần nào ông cũng trả lời một cách vòng vo. Lần đầu tiên diễn ra trong chuyến tập huấn trước mùa giải ở Australia: “Tôi từng không may mắn khi phải đối đầu với anh ấy trong thời gian ở Anh, khi tôi còn dẫn dắt Liverpool - lúc đó, Ronaldo thực sự là một thế lực đáng sợ. Bây giờ anh ấy đã trưởng thành hơn, toàn diện và kinh nghiệm hơn. Tôi nghĩ mình có đủ cơ sở để khẳng định anh ấy là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới.” Một vài tuần sau đó, khi được hỏi lại câu hỏi này, ông tỏ ra nhiệt tình hơn một chút, nhưng vẫn còn rất khiên cưỡng: “Tôi nghĩ anh ấy là một cầu thủ xuất sắc, một trong những người xuất sắc nhất mà tôi từng huấn luyện. Tôi không thể khẳng định anh ấy xuất sắc nhất, bởi vì trong sự nghiệp huấn luyện của mình, tôi có may mắn được làm việc với nhiều cầu thủ giỏi. Nhưng ở thời điểm này, thì bởi anh ấy là cầu thủ của chúng tôi, nên anh ấy là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.”
“Tại sao ông không thể thừa nhận rằng Cristiano là người giỏi nhất?” Một phóng viên căn vặn Benítez sau trận đấu với Shakhtar Donetsk vào ngày 16/9. “Tôi rất ngạc nhiên vì tất cả các anh dường như quan tâm tới việc một người nghĩ gì hơn là những gì thực sự xảy ra trên sân bóng,” Benítez trả lời, không giấu giếm mong muốn khép lại chủ đề khiến ông khó xử này. “Cristiano là cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới. Tôi hiểu rất rõ năng lực của Ronaldo. Anh ấy thể hiện chúng trong mọi trận đấu và trong mọi buổi tập. Anh ấy chính là cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới. Kể từ bây giờ, tôi sẽ trả lời là ‘đúng’ mỗi khi các anh hỏi câu tương tự, để chúng ta có thể quay trở lại tập trung vào những gì anh ấy thực sự thể hiện trên sân.” Nhưng rõ ràng là ông chỉ đang cố “làm màu”. Cả giới truyền thông lẫn các cổ động viên đều tin rằng đây chính là annus horribilis - năm tồi tệ - của Real Madrid. Họ thậm chí còn nghi ngờ các cầu thủ đang không chơi hết khả năng, như một cách để tẩy chay vị huấn luyện viên mới. Lần đầu tiên kể từ khi Ronaldo tới Real Madrid, xuất hiện những lời kêu gọi - không chỉ một - bán anh cho một đội bóng khác, tất nhiên là với giá hợp lý.
Sau kỳ nghỉ Giáng sinh thì mọi chuyện bị đẩy tới mức không thể kiểm soát nổi. Và cuối cùng thì Benítez bị thay thế bởi Zinedine Zidane. Cristiano không thể che giấu cảm giác thỏa mãn khi thông tin về vụ sa thải được công bố. “Chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian cho việc này,” anh nói với tờ báo điện tử El Confidencial. Nếu theo những gì rút ra được từ một buổi phỏng vấn sau khi mùa giải La Liga đã khép lại - lúc Benítez đã sang Newcastle - thì một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mâu thuẫn giữa hai người là việc Benítez khăng khăng đòi dạy cho CR7 cách đá phạt. Sau khi (cố gắng) bật ra một tiếng cười lớn, Ronaldo giãi bày: “Có những thứ mà ta thậm chí không thể tranh cãi, nhất là với những người có quan điểm hoàn toàn khác với quan điểm của ta. Ta chỉ có thể cảm ơn họ và tiếp tục làm việc của mình. Luôn có nhiều thứ có thể học hỏi được từ mỗi huấn luyện viên, nhưng cũng có những thứ mà không ai có thể dạy được. Hoặc là tự ta có thể làm được, hoặc là thôi. Ông ấy cố gắng dạy tôi cách đá phạt, và không chỉ thế, cả cách sút bóng và rê dắt nữa.” Đó rõ ràng là những lời khuyên mà Ronaldo không hấp thụ nổi. Và quãng thời gian gắn liền với Benítez trở thành một trong những quãng thời gian đáng quên nhất đối với anh.
Nhưng dù không còn Benítez nữa, Ronaldo vẫn phải đối diện với rất nhiều thách thức, cả trong lẫn ngoài sân cỏ, ở mùa giải tiếp theo, 2016-17. Tới mùa đông, dù Ronaldo vẫn ghi được số bàn thắng tương tự số bàn thắng của cùng kỳ mùa trước, đám đông ở Bernabéu bắt đầu la ó, huýt sáo anh trong các trận đấu. “Ai trên đời mà chẳng có người ghét, đâu chỉ riêng tôi,” Ronaldo nói với tờ báo Trung Quốc Dongqiudi vào tháng 1. Sau khi Real để thua Celta Vigo ở Cúp Nhà Vua, những tiếng huýt sáo trở thành một dạng thông điệp từ các cổ động viên áo Trắng. “Tôi không quan tâm tới những lời chỉ trích. Tôi có mặt ở đây là để làm hài lòng các cổ động viên, những người thể hiện sự tôn trọng đối với tôi,” anh kết luận, trước khi cảm ơn các cổ động viên Trung Quốc vì đã bầu anh là Cầu thủ giá trị nhất năm 2016 trong cuộc bầu chọn do Dongqiudi tiến hành.
Những tiếng huýt sáo vẫn tiếp tục xuất hiện trong các trận đấu tiếp theo, nhưng đấy không phải là cơn đau đầu duy nhất mà Ronaldo phải đối mặt trong mùa giải này. Tới giữa tháng 6, công tố viên Madrid chính thức kết luận Ronaldo đã gian luận thuế trong quãng thời gian từ 2011 tới 2014. Thông tin nói rằng anh đã che giấu thu nhập từ bán bản quyền hình ảnh bằng cách chuyển tiền từ Ireland tới một tài khoản ở thiên đường thuế British Virgin. Số tiền được nói tới là rất lớn. Theo dự tính, Ronaldo có thể sẽ phải trả thêm một khoản thuế lên tới 14,7 triệu euro. Cũng như Leo Messi, anh có nguy cơ phải ngồi tù. Bởi thế Ronaldo, đội ngũ luật sư và người đại diện Jorge Mendes làm tất cả những gì có thể để giành chiến thắng trong cuộc chiến với tòa án sắp tới2.
2 Ở thời điểm cuốn sách này tới tay bạn đọc, Ronaldo đã bị tuyên 21 tháng tù, nhưng được tại ngoại.