Thiện Minh Minh nào ngờ chỉ sang ngày hôm sau, tình hình đã có khả năng xoay chuyển.
Trên đường đi học, Đỗ Tiểu Á cười hì hì nói với Thiện Minh Minh: “Suýt nữa thì tớ quên, chúng mình còn có một cơ hội tốt để kiếm tiền.”
Thiện Minh Minh ngỡ ngàng thốt lên một tiếng “a”, đứng khựng lại, cất lời với vẻ nửa hào hứng nửa trách móc: “Sao cậu cũng hồ đồ thế, làm tớ như ngồi trên đống lửa cả ngày hôm qua.”
Đỗ Tiểu Á nói: “Hai hôm trước, mẹ đã bảo tớ là đoàn kịch của mẹ mới tập vở viễn tưởng sáu màn Con chim xanh của Maeterlinck.”
Thiện Minh Minh ngắt lời nó: “Maeterlinck là ai?”
“Là một nhà văn lớn của Bỉ, từng nhận giải Nobel Văn học.”
Thiện Minh Minh lại “ồ” lên một tiếng. Giải Nobel Văn học thì ai cũng biết. Nhưng nó lập tức bày tỏ sự hoài nghi: “Việc đó thì liên quan gì đến chúng mình?”
Đỗ Tiểu Á vẫn cười tít mắt: “Cậu nghe tớ nói đã. Vở kịch Con chim xanh bắt đầu diễn từ hôm nay, đoàn kịch cần tìm hai đứa trẻ đóng vai Tyltyl và Mytyl, đứng ở cửa lớn đón khách. Đây là cách quảng cáo của họ.”
Thiện Minh Minh thầm nghĩ, chắc chắn Tyltyl và Mytyl là hai nhân vật trong vở kịch rồi.
“Chỉ đứng nửa tiếng thôi, kịch mở màn là rút lui, sẽ được trả thù lao mười tệ!” Đỗ Tiểu Á trìu mến nhìn nó.
Thiện Minh Minh hồi hộp trong lòng, mặt nóng bừng lên.
Đỗ Tiểu Á lại nói: “Tớ vốn không đồng ý, tớ ngượng lắm. Nhưng nếu có cậu, chúng mình có thể thành đôi. Mỗi tối, chúng mình có thể kiếm được hai mươi tệ. Chỉ cần có cậu ở bên thì tớ chẳng sợ gì hết.”
Thiện Minh Minh nhẩm tính, một ngày hai mươi tệ, mười ngày là hai trăm tệ, chỉ cần đoàn kịch diễn đủ mười buổi, không, e là phải mười hai buổi, chúng sẽ có thể mua được chiếc xe ba bánh. Số tiền này không kiếm cũng uổng phí!
Thiện Minh Minh nói dứt khoát, gọn gàng: “Đi, đương nhiên đi chứ.”
Đỗ Tiểu Á rất phấn khởi, nó nghĩ mẹ nó và mọi người trong đoàn kịch đều sẽ vui, bởi vì những đứa trẻ phù hợp để làm việc này chưa chắc dễ tìm.
Buổi tối phải đi kiếm tiền nên Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á đều tận dụng thời gian sau bữa trưa và sau mỗi giờ học để làm bài tập về nhà. May sao, các giờ học chính đều vào ca sáng và phần lớn các bài tập về nhà được viết lên bảng trong buổi sáng. Thực ra, giáo viên cũng hy vọng học sinh làm hết bài tập trong giờ nghỉ giải lao nên giao bài sớm cũng là một cách gợi ý ngầm. Như thế, buổi tối, học sinh có thể dành thời gian học gia sư, làm các bài tập tham khảo, học ngoại ngữ… Ai da, dù sao thì học sinh càng dành nhiều thời gian cho học tập, giáo viên càng hoan hỉ.
Chu Học Hảo cảm thấy lạ khi Thiện Minh Minh đột nhiên trở nên chăm chỉ đến vậy, cứ nhìn nó chằm chằm, ra sức hỏi: “Sao… sao… sao… thế? Có… có… có… việc gì à?” Nó đau khổ vì mình không thể kịp thời biết được bí mật của Thiện Minh Minh.
Thiện Minh Minh cắm đầu chép từ mới xoàn xoạt, đầu không thèm ngẩng lên, đáp: “Chẳng có việc gì cả.”
Bữa tối rất đơn giản, Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á về nhà, mỗi đứa ăn một bát cơm canh. Xong xuôi, Đỗ Tiểu Á sang gọi Thiện Minh Minh, cả hai vội vàng đi xe buýt đến nhà hát. Lúc này, cô Trịnh Duy Na đã hóa trang xong cho tất cả diễn viên chính của đoàn kịch, đan hai bàn tay nhuốm đầy màu sắc vào nhau, đứng trước cửa sốt ruột đợi chúng.
Cô Trịnh Duy Na nói: “Lần sau, tan học thì đến thẳng đây, bữa tối ăn ở đoàn kịch. Trước giờ diễn ba mươi phút, các con nhất định phải vào vị trí. Làm việc gì cũng thế, hoặc là không làm hoặc là làm tốt nhất, đó là thái độ tôn trọng nghề nghiệp.”
Đỗ Tiểu Á lè lưỡi với Thiện Minh Minh, một câu giải thích cũng không dám nói.
Cô Trịnh Duy Na hóa trang cho Thiện Minh Minh trước. Trên tay cô có phấn màu, không tiện chạm vào thằng bé, bèn dùng hai cổ tay kẹp lấy cổ Thiện Minh Minh, đưa nó ngồi lên ghế. Thiện Minh Minh chưa từng nhìn thấy cảnh tượng này, vừa tò mò vừa hồi hộp, mồ hôi trên chóp mũi không ngừng đổ. Trịnh Duy Na lấy bông trang điểm lau cho nó và nói: “Da con là da dầu.”
Thì ra, việc hóa trang rất đơn giản. Không, phải nói là, việc hóa trang vào tay cô Trịnh Duy Na liền trở nên giản đơn. Đầu tiên, cô bôi một lớp kem Vaseline lên mặt Thiện Minh Minh, sau đó dùng phấn hồng màu da lót nền, hai tay làm việc không ngừng, chỉ nghe thấy hàng tràng những tiếng “xoẹt xoẹt”, mắt của Thiện Minh Minh được cô trang điểm đến mức phải chớp liên tục. Sau đó, cô cầm một cây cọ rất nhỏ, chấm vào phấn màu cà phê đậm, vẽ lông mày, tô khuôn mắt, nhân tiện điểm thêm một nốt ruồi xinh xinh bên khóe môi. Cuối cùng, cô túm lấy một miếng xốp lớn, giặm bùm bụp cho phấn đầy mặt rồi lấy một thỏi son vẹt đầu trong hộp ra, quẹt qua một phát lên góc trái môi Thiện Minh Minh, lại quẹt tiếp một phát ở góc phải và nói: “Mím môi. Xong rồi.”
Thiện Minh Minh nhìn vào gương, nó trong gương đã trở thành một chàng thiếu niên đẹp trai môi đỏ, răng trắng. Chỉ có điều, mùi phấn son khắp mặt không dễ chịu, ngọt đến phát ngấy. Da cũng bị căng ra, lúc ngứa còn không dám đưa tay lên gãi, bực chết đi được.
Cô Trịnh Duy Na quẳng cho Thiện Minh Minh một bộ đồ diễn, bảo nó đi ra phía sau rèm mà thay. Đó là một chiếc quần đùi màu đỏ tươi, một chiếc áo cộc màu xanh da trời nhạt, phối cùng tất dài màu trắng và giày da màu nâu vàng. Giày hơi nhỏ nhưng vẫn đi tạm được. Không phải di chuyển đường dài, chật một chút cũng không sao. Quần áo được điểm xuyết thêm những mảnh lấp lánh và dây ruy băng, nhìn xa rất lộng lẫy, nhìn gần lại rất bẩn, có chỗ bị rách, được khâu qua loa mấy mũi, chiếc quần mất khuy tạm thời dùng dây luồn qua lỗ khuyết rồi buộc lại, cả quần lẫn áo đều ám mùi mốc của màu hóa trang cùng mùi mồ hôi. Thiện Minh Minh thất vọng nghĩ thầm, thì ra diễn viên cũng chẳng kỹ tính cho lắm!
Đỗ Tiểu Á phối hợp thành một cặp với Thiện Minh Minh trông có vẻ không hợp lắm, bởi vì dáng người nó quá nhỏ, ngũ quan lại quá đỗi thanh tú. Trịnh Duy Na nhìn con trai mình rồi suy nghĩ một lát, quyết định hóa trang cho nó thành một cô gái. Đỗ Tiểu Á trề môi muốn phản đối, nhưng mẹ Trịnh Duy Na chỉ nói một câu đã khiến nó phải nuốt lại ý định: “Đây là diễn kịch, sợ cái gì?”
Kết quả công cuộc hóa trang là lông mày Đỗ Tiểu Á cong vút, đôi môi mềm mọng như trái anh đào, hai má hồng kiều diễm, đẹp đến nỗi khiến Thiện Minh Minh cũng không khỏi ngại ngùng. Cộng thêm bộ tóc xoăn màu vàng óng ả, chiếc váy lụa trắng tinh được tô điểm những mảnh sequin lấp lánh, một đôi bốt cổ ngắn màu vàng thì một cô bé chính hiệu cũng chưa chắc có được vẻ đẹp e lệ làm lay động lòng người như Đỗ Tiểu Á.
Sau đó, lúc đứng ngoài cửa đón chào người xem, Đỗ Tiểu Á luôn thẹn thùng vì tạo hình con gái của mình, đầu hơi cúi, mắt chỉ nhìn xuống chân, chẳng dám nhìn ai. Nhưng các bà các cô lại rất thích đưa tay chạm vào nó, sờ thử mái tóc xoăn tít của nó, kéo kéo chiếc váy của nó, khiến cho Đỗ Tiểu Á chỉ chực khóc.
Cô Trịnh Duy Na đi vòng qua cửa sau đến quan sát cả hai một lần rồi nói với trưởng đoàn: “Cậu bé trông rất thoải mái, không luống cuống. Con trai em lại không ổn, cứ khúm núm, lúng túng.”
Trưởng đoàn cũng qua xem, nhưng lại hài lòng tuyệt đối, nói: “Con trai cô e thẹn trông lại càng giống truyện. Con gái cần phải dịu dàng, mong manh mới càng được yêu thích.”
Tóm lại, nhờ có hai mươi tệ làm mồi nhử, Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á cũng trụ được đến phút cuối cùng. Khi ánh đèn sân khấu vụt sáng, cửa chính của nhà hát đóng lại, Trịnh Duy Na chạy đến, đưa tay ra hiệu “kết thúc”, hai bạn nhỏ mới thở phào nhẹ nhõm, vội vàng lao vào nhà vệ sinh, lấy xà phòng rửa mặt rồi quay lại phòng hóa trang, thay trang phục của mình.
Thiện Minh Minh nói: “Vui phết.”
Đỗ Tiểu Á trả lời: “Tớ chẳng thấy thế. Tớ lúc nào cũng gặp xui xẻo.”
Thiện Minh Minh chợt nghĩ, đặt mình vào hoàn cảnh của Đỗ Tiểu Á, nếu bản thân cũng bị biến thành một cô gái thì khó coi nhường nào, bèn quay ra đồng cảm với bạn của mình.
Thiện Minh Minh lớn bằng ngần này nhưng chưa từng được xem kịch do người thật diễn, nó van nài Đỗ Tiểu Á xem với mình thêm một lúc rồi hãy về. Trong khán phòng đã tắt đèn, hai đứa khom lưng mò mẫm về phía trước, tìm thấy hai ghế trống, liền khẽ khàng ngồi xuống.
Bức màn vừa mới được kéo sang hai bên, bối cảnh sân khấu hiện ra: Một căn nhà gỗ cũ kỹ, đơn sơ, mang đậm phong cách làng quê châu Âu của người tiều phu. Ngọn lửa trong lò sưởi đang tắt dần. Trong nhà có bày một vài đồ dùng làm bếp, tủ quần áo, lò nướng bánh, đồng hồ treo tường, khung cửi, vòi nước… Trên bàn leo lét một ngọn đèn dầu. Chó, mèo mỗi con ôm một chân tủ, cuộn tròn, mũi vùi vào trong đuôi, ngủ ngon lành. Giữa chúng đặt một thanh kẹo to hình chóp nón màu trắng xanh. Trên tường treo một chiếc lồng chim tròn, bên trong nhốt một con chim ngói. Phông nền còn có hai cánh cửa sổ kiểu chớp lật vào trong, đang đóng im ỉm. Phía dưới một cửa sổ có chiếc ghế đẩu. Bên trái là một cánh cửa phòng với then cài lớn ngang cửa. Bên phải cũng có một cánh cửa phòng khác. Còn có cầu thang lên gác. Phía bên phải kê hai chiếc giường ngủ của trẻ con, mỗi đầu giường đều đặt một chiếc ghế, trên đó để chồng quần áo đã được gấp ngay ngắn.
Trước đây, Đỗ Tiểu Á từng được xem đoàn kịch diễn tập, nó thì thầm với Thiện Minh Minh: “Tất cả những sự sắp đặt trên sân khấu đều có hiệu ứng đặc biệt. Chó và mèo đều do người đeo mặt nạ đóng, thanh kẹo, nồi niêu, khung cửi cũng đều là người cả, lát nữa sẽ chuyển động. Đạo cụ không dùng tới thì không bao giờ cho lên sân khấu.”
Thiện Minh Minh ngạc nhiên há hốc miệng: “Thế á?”
Trong lúc chúng nói chuyện, diễn viên đóng vai bố mẹ đã bước ra sân khấu từ cánh cửa phòng bên trái, nhìn ngắm hai anh em Tyltyl và Mytyl đang say ngủ trên giường, thổi tắt ngọn đèn dầu rồi lại rời khỏi sân khấu từ cánh cửa phòng bên phải. Đèn sân khấu tối đi, thể hiện màn đêm buông xuống. Sau đó, một luồng sáng chiếu qua khe cửa sổ chớp lật vào trong phòng, càng ngày càng sáng. Ngọn đèn trên bàn cũng tự nhiên bật sáng, dự báo một cảnh tượng kỳ bí bắt đầu.
Tyltyl và Mytyl bò dậy khỏi giường, thì ra chúng không hề ngủ. Đây là đêm Noel, nhưng những đứa trẻ nghèo khó không được tặng quà, nên chúng đành bò rạp trên cửa sổ, nhìn đứa trẻ giàu có nhà hàng xóm đón Giáng sinh với tất cả niềm mong chờ thiết tha.
Đừng vội, có tiếng gõ cửa, then cài cửa kêu “két két” rồi tự động nhấc lên, một bà tiên đầu đội mũ đỏ, lưng gù, chân khập khiễng, một mắt, mặc một bộ váy màu xanh lục, chống gậy bất ngờ tiến vào phòng. Bà cần tìm một con chim màu xanh để chữa bệnh cho một cô bé. Bà tặng cho hai đứa trẻ một chiếc mũ nhỏ màu xanh lục có phần chóp mũ khảm kim cương, chúng đội lên đầu, quay viên kim cương trên chóp mũ, thế giới bình thường sẽ trở nên diệu kỳ trong nháy mắt.
Kìa, mọi thứ trên sân khấu lúc này đã khiến Thiện Minh Minh mắt chữ o mồm chữ a: Bà tiên biến thành một nàng công chúa diễm lệ; viên đá trên tường phát ra ánh sáng xanh lam lấp lánh; đồ dùng xấu xí trong nhà trở nên giàu sức sống, sáng rực, rạng rỡ; chiếc đồng hồ treo tường nháy mắt, mỉm cười hiền hòa; cửa đồng hồ bật mở, một tốp người thời gian tí hon nhảy ra, họ tay nắm tay nhảy múa hát ca, cười nói rộn rã; bác bánh mì cả người lấm lem toàn bột chạy ra từ lò nướng; ngọn lửa trong lò mặc bộ quần áo bó sát màu lưu huỳnh đuổi theo bánh mì; chó và mèo lần lượt lao về phía Tyltyl và Mytyl, ôm lấy họ rất thân mật…
Thiện Minh Minh tròn mắt kinh ngạc: “Sao lại thế được? Những thứ kia sao lại biến hình được? Cứ như đang làm trò ảo thuật ấy!”
Đỗ Tiểu Á giải thích với vẻ am hiểu của người trong nghề: “Đó là công sức của nhân viên ánh sáng và mỹ thuật. Để có được một vở diễn như thế này, họ phải suy nghĩ rất nhiều.”
Bỗng chốc, Thiện Minh Minh đã bị môn nghệ thuật sân khấu kỳ diệu hút hồn. Vốn bảo chỉ xem một lúc rồi đi, nhưng mông nó mãi không chịu rời khỏi ghế ngồi. Mải cho đến khi vở kịch kết thúc, miệng nó vẫn há hốc vì kinh ngạc, để rồi đến lúc muốn ngậm lại thì môi đã cứng đơ, các thớ cơ bị kéo căng đau nhói.
Giờ nghỉ giải lao ngày hôm sau, nó hỏi Chu Học Hảo: “Cậu đã từng xem kịch chưa?”
Chu Học Hảo bị lúng túng trước câu hỏi bất ngờ, tay gãi gãi đầu, trả lời có phần lạc đề: “Tớ… tớ… tớ… từng xem phim điện ảnh.”
Thiện Minh Minh nhấn giọng: “Phim điện ảnh cái gì? Tớ đang nói kịch cơ mà.”
“Buổi hòa nhạc có được tính không? Tớ từng được xem buổi hòa nhạc của minh… minh… minh… tinh, sáu trăm tệ một vé, cơ quan bố tớ phát… phát… phát… cho.”
Thiện Minh Minh thở đánh thượt, không muốn nói thêm. Người chưa từng đến nhà hát tuyệt đối sẽ không hiểu diễn kịch là như thế nào. Bây giờ, Thiện Minh Minh rất đỗi tự hào, cuối cùng, nó đã có được trải nghiệm mà các bạn khác trong lớp không có.
Buổi chiều có tiết đọc hiểu ngữ văn của thầy Văn. Hôm nay, thầy Văn mặc một chiếc áo sơ mi thuần cotton màu đen, cổ áo và tay áo đều được là ra góc ra nếp, cài chỉnh tề đâu vào đó. Phía dưới là một chiếc quần màu kem, cũng được là rõ cả hai đường ly quần, trông rất chỉn chu. Từ trước đến nay, thầy Văn luôn là người kỹ tính. Bình thường, thầy không ưa nhất cách trang điểm như búp bê nước ngoài của cô giáo dạy toán Lý Tiểu Lệ, luôn miệng nói giáo viên phải là tấm gương cho học trò, thầy giáo là tấm gương cho nam sinh, cô giáo là tấm gương cho nữ sinh, bản thân cô còn trang điểm quá đà như thế, ắt sẽ làm hỏng con gái nhà người ta! Cô Lý Tiểu Lệ liền phản bác: Ăn mặc, trang điểm là tự do cá nhân, tôi có phong cách của tôi, tôi không bao giờ cho phép bản thân mình chìm nghỉm giữa đám đông. Nghe xong, thầy Văn cứ như lên cơn đau răng, không ngừng thở dài. Nhưng thầy chẳng thể nói gì hơn.
Thầy Văn phong độ lịch lãm bước vào lớp, ánh mắt tuần tra lướt qua cả lớp một vòng, gần như đã mang lại chút hiệu quả trấn áp; không nói một lời, liền quay người lại và bắt đầu viết chữ lên bảng. Phần trước đã từng giới thiệu, chữ viết trên bảng của thầy Văn Nhất Đào đẹp nhất toàn trường, thầy thích tận dụng mọi cơ hội để phô bày sở trường này.
Trước tiên, thầy dùng phấn đỏ viết đề bài: Đọc hiểu đoạn văn, trả lời câu hỏi. Màu đỏ là để thu hút sự chú ý của cả lớp.
Đổi sang một viên phấn trắng, thầy viết nội dung chính của bài. Nét phấn trắng viết trên bảng đen trông rất rõ ràng, sáng sủa.
Cây lựu
Tháng Năm đã qua, mặt trời càng phô bày uy lực của nó, cây cối đều mở rộng chiếc ô che chắn của mình, không còn muốn tiếp tục so bì sắc đẹp kiều diễm, lúc này, một số loài cây lại nở hoa. Lựu chính là cây đáng yêu nhất trong số ít những loài cây đó.
Cây lựu có cành nhánh của cây mai, phiến lá của cây liễu, mạnh mẽ mà không khô cằn, tươi mới mà không yếu mềm, thần thái này quả thật đã hội tụ được những thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của cây mai, cây liễu.
Đáng yêu nhất là hoa của nó, những bông hoa đỏ đậm không thèm giấu mình trước cái nắng gay gắt đang chiếu rọi, hoa cánh đơn đã đủ rực rỡ, hoa cánh kép càng lộng lẫy, đó chẳng phải là trái tim của mùa hè sao?
Riêng dáng vẻ giọt nước nhỏ xinh của hoa đã là một điều kỳ diệu. Bạn xem, nó dần dần chuyển đỏ, đầu nụ hoa dần dần nứt ra thành bốn cánh, bạn có dùng dao sắc thế nào cũng không thể cắt được đều như thế...
... Mùa thu đến, dường như không nhịn được cười trước trò ảo thuật của chính mình, hoa há miệng cười tươi, để lộ hàm răng trắng tinh, hàm răng trắng tinh đến trong suốt, dịu dàng đó, bạn đã từng nhìn thấy ở nơi khác chưa?
Tôi vốn thích hè. Mùa hè là lúc cả vũ trụ tiến lên, khoảng thời gian này khiến cơ thể cũng như tâm hồn con người được giải thoát khỏi tất cả những gông cùm nặng nề. Vì thế, tôi càng yêu mến trái tim này của mùa hè.
Khi thầy Văn quay người chép bài lên bảng, vai và đầu khẽ chuyển động, những sợi tóc không chịu thuần phục phía sau đầu cũng đung đưa theo giống như con bướm đen đang vỗ cánh. Cùng với tiếng “ken két” của viên phấn lướt nhanh trên bảng là những hạt bụi trắng bay bay, phần lớn dính vào bảng đen, tạo nên một thác nước mỏng manh, các bạn ngồi bàn đầu dường như còn nghe thấy tiếng hạt bụi khe khẽ chạm đất. Một số ít còn lại bay lên, tỏa ra trong không khí, bờ vai thầy Văn bỗng được nhuộm một lớp màu trắng. Lúc viết mấy hàng chữ đầu tiên, thầy phải kiễng gót chân, với tay lên trên. Sau đó, số chữ trên bảng nhiều lên, cơ thể thầy thấp dần, cuối cùng, đầu gối hạ thấp xuống, mông vểnh lên, thân trên đổ về phía trước, tư thế như đang nhặt thứ gì đó.
Khi thầy Văn viết chữ trên bảng, toàn thể học sinh trong lớp như thường lệ, đều chăm chú nhìn lên, im phăng phắc. Không phải vì tính tự giác cao, mà quả thật chữ thầy viết quá đẹp, trước những thứ đẹp đẽ, người ta luôn có khả năng lĩnh hội trời phú, dường như loài người vừa sinh ra đã biết cảm nhận và thưởng thức cái đẹp. Những đứa ham học hỏi như Tả Phàm Binh thậm chí còn lấy giấy và bút ra viết theo. Đương nhiên, Tả Phàm Binh cố gắng thế nào cũng không thể viết nên kiểu chữ bay bổng phóng khoáng như thầy Văn. Nước chảy mãi thành dòng đương nhiên phải khác với ăn tươi nuốt vội.
Nhưng hôm nay, Thiện Minh Minh không thể tập trung tinh thần vào bảng đen, trong đầu nó chỉ có khung cảnh huyền diệu cùng ánh đèn sân khấu lung linh, có những nhân vật chó, mèo, bánh mì, ngọn lửa, ánh sáng, kẹo và sữa sống động do người thật diễn. Nó dùng chun cao su bắn đi một bức thư ngắn cho Đỗ Tiểu Á đang ngồi ở bàn đầu, trong thư viết: Tối nay xem thêm một lần nữa được không?
Thầy Văn còn một khả năng đặc biệt nữa, đó là sau gáy có cảm giác, dù quay lưng lại thì thầy vẫn biết được tất cả mọi việc xảy ra trong lớp học. Lúc Thiện Minh Minh bắn bức thư đi, cánh tay đang viết chữ của thầy Văn từng dừng lại trong tích tắc, nhưng thầy không quay lại, cũng không nói câu nào. Sau khi chép hết toàn bộ bài lên bảng, thầy thong thả phủi tay, lùi về đằng sau một bước, tự mình kiểm tra và thưởng thức trước một lượt, sau đó mới quay mặt xuống dưới lớp, ánh mắt thầy nhắm đúng về phía Thiện Minh Minh đang uốn éo như khỉ con vặn mông.
“Em!” Thầy chắp tay sau lưng, tiến lại chỗ Thiện Minh Minh, quai hàm hơi đưa lên, chĩa thẳng vào nó. “Nói xem, ‘vì thế, tôi càng yêu mến trái tim này của mùa hè,’ ‘trái tim’ ở đây chỉ cái gì? A, cây lựu; B, cánh hoa lựu. Em chọn đi.”
Thiện Minh Minh chẳng khác gì người lính đột ngột trúng đạn, ngồi ngây ra, không nhúc nhích ở trên ghế. Nó nghe thấy tiếng cười khúc khích trong lớp, điều này khiến đầu óc nó càng rối loạn, câu hỏi cần phải trả lời trở nên cực kỳ mơ hồ.
Chu Học Hảo vô cùng lo lắng, ra sức đạp chân Thiện Minh Minh dưới gầm bàn, để nó nhìn vào miệng mình. Thầy Văn đứng sát quá, Chu Học Hảo chỉ có thể nhắc bài bạn bằng khẩu hình.
Nhưng thầy Văn đã sớm đoán được sự việc sẽ như thế nào, ánh mắt thầy như cái dùi xoáy chết vào Thiện Minh Minh, khiến nó không có cơ hội lật ngược tình thế.
Thiện Minh Minh hít một hơi, nhắm tịt mắt, nghĩ: Mặc kệ, thầy gọi thì thưa thôi. “A.” Nó nói to.
Thầy Văn kéo dài giọng, hỏi: “Em chắc chắn chứ?”
Thiện Minh Minh hoảng hốt, thầm nghĩ: Thầy có ý gì? Mình chọn sai sao? Nó lí nhí đổi đáp án: “B.”
“Thật sự là B?”
“Đúng là B.”
Thầy Văn bật cười đắc ý, tay vỗ nhẹ lên vai Thiện Minh Minh: “Này cậu học trò, tư tưởng ăn may như vậy không ổn nhé. Nếu em không biết thì nên thành thật trả lời là không biết. Các bạn lớp chúng ta không lẽ nào lại như thế chứ? Câu hỏi này rất khó sao? Nếu lúc nãy tập trung nhìn lên bảng, nếu biết động não và suy nghĩ cẩn thận, em sẽ biết cây lựu giống như một trái tim, chứ không phải cánh hoa lựu.”
Thầy vừa nói vừa đi lên bảng, tay vẫn chắp sau lưng, mỗi khi nói một câu, ngón tay lại chỉ vu vơ vào không trung. Đến bên bục giảng, thầy bất ngờ quay người, thở dài một hơi: “Thiện Minh Minh, sau khi tan học, đến văn phòng gặp tôi nhé.”
Trong lòng Thiện Minh Minh thầm gào thét thảm thiết: Toi rồi, toi rồi! Ai cũng biết thầy Văn không bao giờ về nhà ngay sau khi tan làm, thầy gọi học sinh đến văn phòng, trước nay không trách phạt cũng chẳng phê bình, chỉ yêu cầu bạn đứng im và tự kiểm điểm, thầy vẫn ngồi bên cạnh làm việc của mình. Đứng một mạch cho đến khi bạn cảm thấy vô cùng ngán ngẩm, rối bời đến khó thở, nôn nao đến bất an, rồi chủ động, thẳng thắn nhận lỗi, nói ra tất cả những thành tích bất hảo của mình thì thôi. Lúc ấy, bạn mới ý thức được một cách sâu sắc rằng im lặng còn khó chịu gấp trăm lần so với bị mắng.
Nếu sau khi tan học, Thiện Minh Minh phải đứng suốt một, hai tiếng bên cạnh thầy Văn thì tối nay, nó có đóng vai Mytyl đón khách được không? Thật là tồi tệ quá đi thôi! Hơn nữa, nếu chẳng may nó không thể có mặt, chắc chắn đoàn kịch sẽ phải mời một đứa trẻ khác đảm nhận vai diễn của nó, thế là Thiện Minh Minh sẽ không thể đứng vào vị trí tối hôm qua nữa, mãi mãi không bao giờ!
Nếu nước mắt có thể lay chuyển được thầy Văn, đảm bảo Thiện Minh Minh sẽ tìm đủ mọi cách vắt ra cho bằng được. Đáng tiếc, thầy Văn không phải cô Lý Tiểu Lệ, muốn qua mặt thầy quả thật rất khó.
Hết giờ học, những học sinh khác đều đeo ba lô, ùa ra ngoài, hỏi thăm lẫn nhau tên bộ phim hoạt hình trên ti vi tối nay, ca thán bài tập về nhà quá nhiều, ước chừng phải mất bao nhiêu thời gian mới làm xong. Có đứa thì chạy đuổi theo Tả Phàm Binh, ngỏ ý mượn sẵn vở bài tập, chuẩn bị sáng mai chép trước giờ truy bài. Tả Phàm Binh tỏ ra không mấy quan tâm, vừa đi vừa ném quả yo yo lên trời, ra vẻ như một ông hoàng.
Thiện Minh Minh buồn bã len qua các hàng ghế, tiến lên phía trước; lúc đi qua chỗ ngồi của Đỗ Tiểu Á ở bàn đầu, nó ra sức nháy mắt. Đỗ Tiểu Á lập tức hiểu ý. Thiện Minh Minh vừa đứng trong phòng thầy Văn được đôi phút, Đỗ Tiểu Á đã ập tới, đứng cạnh Thiện Minh Minh.
Thầy Văn giả bộ không nhìn thấy, chuyên tâm chữa vở bài tập. Thiện Minh Minh liền ho hắng, lấy áo lau mép bàn, tạo ra đủ loại âm thanh. Lúc này, thầy Văn mới ngỡ như phát hiện ra Đỗ Tiểu Á, ngạc nhiên nhìn nó, gõ gõ chiếc bút đỏ trong tay lên đầu: “Thầy không bảo em đến thì phải?”
Đỗ Tiểu Á đáp: “Em muốn ở cùng bạn ấy.”
Thầy Văn gật đầu tán thưởng: “Được, có nghĩa khí.” Thầy lại đưa tay ra: “Nộp mẩu giấy ra đây nào!”
Đỗ Tiểu Á và Thiện Minh Minh bốn mắt nhìn nhau, không khỏi giật mình: Lúc đó, thầy Văn không hề quay người lại, sao thầy biết Thiện Minh Minh gửi thư cho Đỗ Tiểu Á? Gáy thầy thật sự mọc mắt sao?
Đỗ Tiểu Á cúi đầu, moi từ trong túi ra một tờ giấy xé từ vở bài tập, nộp cho thầy Văn. Thầy Văn liếc nhìn qua, cười xì một tiếng, nói với Thiện Minh Minh: “Mỗi câu nói này mà em không đợi được đến hết giờ?”
Thiện Minh Minh cũng nhoẻn miệng cười theo.
“‘Tối nay xem thêm một lần nữa.’ Xem cái gì? Chắc không phải một cuốn sách thú vị chứ?” Thầy Văn hai tay chống vào mép bàn, ngửa người ra sau, dựa lưng vào ghế, một dáng vẻ hết sức khoan thai, nhàn hạ.
Đỗ Tiểu Á đáp: “Không ạ, là xem kịch nói.”
“Kịch nói?”
“Vở kịch giả tưởng Con chim xanh.”
“Của Maeterlinck?” Thầy Văn đột nhiên bỏ tay ra, ngồi thẳng lưng.
Thiện Minh Minh ngạc nhiên xen vào một câu: “Thầy Văn, thầy biết tác giả đó sao?”
Thầy Văn cười, tỏ ra không vui: “Em nghĩ thầy chỉ biết sách giáo khoa lớp sáu?”
Thiện Minh Minh cười hì hì, vui sướng vỗ tay, nó vui trước học vấn uyên thâm của thầy, và cũng vui vì vai diễn do mình đảm nhận được thầy giáo biết đến.
“Bây giờ, hai em ai nói xem, rốt cuộc là chuyện gì?” Thầy giáo nhìn cả hai, vẻ mặt có chút hứng thú.
Thiện Minh Minh huých tay Đỗ Tiểu Á. Đỗ Tiểu Á liền kể lại việc tối qua chúng đã hóa trang thành nhân vật trong vở kịch để nghênh đón người xem vào rạp. Nhưng nó nửa cố ý nửa vô ý lờ đi chuyện thù lao. Nó không biết thầy Văn sẽ nghĩ như thế nào về việc chúng nó đi làm thêm kiếm tiền. Khi không biết có nên nói hay không thì tốt nhất là không nói.
Thầy Văn vừa nghe vừa cười, lại còn gõ nhẹ ngón tay lên mặt bàn. Nghe xong, thầy nghiêng đầu nói: “Chuyện này không tồi chút nào nhỉ? Maeterlinck là một nhà văn rất giỏi, Con chim xanh cũng là một tác phẩm rất xuất sắc. Học sinh của thầy có thể chạm đến gần Con chim xanh là điều rất tốt. Thầy rất tự hào.” Thầy đã dùng bốn chữ “rất” một lúc. Sau đó, thầy xua tay: “Đi đi, sớm đến hóa trang đi, thầy không làm lỡ việc của các em nữa.”
Thiện Minh Minh không dám tin vào mắt mình, nhìn sang Đỗ Tiểu Á: “Thầy Văn, thầy thật sự tha cho chúng em đi sao?”
Thầy Văn kéo dài giọng: “Thế em nghĩ thầy sẽ giữ các em lại ăn cơm chăng?”
Thiện Minh Minh liền kéo tay Đỗ Tiểu Á, quay đầu đi thẳng, nó chỉ lo thầy Văn sẽ đổi ý chỉ sau một phút.
Nhưng việc kinh ngạc hơn còn ở phía sau. Khi Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á đã hóa trang kỹ càng, một đứa mặc trang phục nhân vật cổ tích với áo xanh quần đỏ, một đứa khoác lên mình chiếc váy dài trắng được điểm thêm những mảnh kim sa lấp lánh, đứng bên ngoài cửa nhà hát cười ngô nghê, bạn đoán xem chúng đã nhìn thấy gì? Chúng nhìn thấy thầy Văn và vợ thầy! Thầy Văn mặc hẳn một bộ vest màu xám, thắt chiếc cà vạt màu đỏ đậm, bên trong là chiếc áo sơ mi trắng tinh, đôi giày da cũng được đánh bóng loáng, trông rất lịch sự. Vợ thầy thì mặc váy len dài màu lông lạc đà, vai choàng chiếc khăn màu cà phê tua rua, phối với đôi giày cao gót cùng tông màu. Họ tay khoác tay, mỉm cười nhẹ nhàng, sánh đôi như một cặp vợ chồng bá tước châu Âu sang trọng, bước lên bậc thềm, lịch sự gật đầu với nhân viên soát vé rồi đưa ra hai tấm vé xem kịch của họ.
Ngay cả người ngoài hành tinh xuất hiện trước mắt cũng không khiến Thiện Minh Minh kinh ngạc bằng việc nhìn thấy vợ chồng thầy Văn ở đây lúc này. Nó trợn tròn mắt, con ngươi như muốn nhảy ra ngoài, kéo mạnh khuỷu tay Đỗ Tiểu Á: “Cậu… cậu… nhìn thấy chưa?” Nó đột nhiên lắp bắp y hệt Chu Học Hảo.
Chắc chắn Đỗ Tiểu Á còn nhìn thấy trước cả Thiện Minh Minh, bởi vì cổ của nó đã đỏ ửng lên như cây xúc xích Xuân Đô. Gay go hơn nữa là bây giờ Đỗ Tiểu Á đang trong bộ dạng của một bé gái! Lông mi của nó được chuốt lên cong vút, môi được tô đỏ thắm, tóc giả, váy lụa, bốt da màu vàng… Tất cả đều thật ngu ngốc, ngu ngốc đến không còn gì để nói!
Khi Đỗ Tiểu Á đang quay mòng mòng tại chỗ vì không biết trốn đi đâu, vợ chồng thầy Văn Nhất Đào đã mỉm cười, tiến về chỗ chúng. Đỗ Tiểu Á đành phải đứng im, cố gắng co người lại phía sau Thiện Minh Minh, nghiêng mặt qua chỗ khác, mắt nhìn xuống dưới đất.
Thầy Văn Nhất Đào đứng trước mặt chúng khoảng mười giây. Cả Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á đều cảm thấy mười giây này còn dài hơn một thế kỷ. Sau đó, thầy Văn Nhất Đào nói với vợ: “Em thấy thế nào? Hai học sinh này của anh hóa trang rất giống với nhân vật, đúng là có chút năng khiếu kịch phải không?”
Vợ thầy Văn Nhất Đào trìu mến xoa đầu Đỗ Tiểu Á: “Bạn nhỏ đáng yêu quá! Em mà có một cậu con trai đẹp như thế này thì em chẳng cần gì nữa.”
Thầy Văn Nhất Đào nhún vai và nói: “Rất vui được làm quen với các bạn, Mytyl và Tyltyl. Cố gắng làm cho thật tốt, đừng để trường ta mất mặt nhé!”
Dứt lời, thầy khoác tay vợ, tiến vào bên trong rạp, tìm chỗ ngồi của mình.
Sau khi hoàn hồn, Đỗ Tiểu Á nói với Thiện Minh Minh bằng vẻ mặt đầy xúc động: “Vợ thầy Văn biết tớ là con trai, đúng không? Họ chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên. Họ biết nhân vật và người thật có thể không giống nhau.” Sau đó, nó tự mỉm cười một hồi lâu, tận hưởng cảm giác hạnh phúc vì được người khác thấu hiểu và công nhận.
Tối hôm đó, Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á ngồi xem vở kịch ở ghế trống hàng cuối cùng. Trước khi vở kịch kết thúc, phân đoạn Tyltyl tìm được con chim xanh cho cô bé bị ốm, khi con chim xanh còn chưa bay vụt khỏi tay cô bé, chúng đã đứng lên, lặng lẽ ra về trước. Chủ yếu là vì Thiện Minh Minh không muốn để thầy Văn bắt gặp chúng một lần nữa. Ngày nào cũng xem kịch đến khuya như vậy, đối với một học sinh cũng có chút quá đà.
Ngày hôm sau đến trường, Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á lại chạm mặt thầy Văn ở cổng trường. Thầy Văn hỏi chúng: “Sao hôm qua các em không ‘xem thêm lần nữa’?”
Thiện Minh Minh ấp a ấp úng, không nói là đã xem nhưng cũng không nói là không xem.
Thầy Văn dắt xe, sóng đôi với chúng tiến vào trường, vừa nói liên hồi: “Vở kịch hay như thế, sao không mời tất cả học sinh trong lớp cùng đi xem một lần nhỉ? Đỗ Tiểu Á, em có thể về bàn với mẹ để đoàn kịch bán cho chúng ta một ít vé học sinh không? Suất diễn cuối tuần này luôn. Không cần chỗ ngồi đẹp nhất, chỉ cần giá vé rẻ, vì học sinh xin phụ huynh tiền đâu dễ dàng.”
Đỗ Tiểu Á trả lời: “Vâng ạ, em sẽ về nói với mẹ.”
Kết quả là mọi việc thuận lợi không ngờ, trưởng đoàn đồng ý bán cho họ vé học sinh rẻ hẳn một nửa. Hơn nữa, vì Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á làm diễn viên đón tiếp nên giá vé lại được giảm thêm, chỉ cần trả một phần tư giá vé gốc. Trưởng đoàn nháy mắt với chúng và nói: “Bây giờ chúng ta coi như là người một nhà rồi, đúng không các cháu?”
Đỗ Tiểu Á và Thiện Minh Minh vui sướng đến phát điên. Lần đầu tiên làm việc cho lớp đã thành công như vậy, chúng mới hãnh diện làm sao!
Tối cuối tuần, lúc đứng ngoài cửa nhà hát nghênh đón các bạn trong lớp lục tục tiến vào, Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á lưng vươn thẳng hết cỡ, nụ cười trên môi cũng cực kỳ tự nhiên và tươi sáng. Thậm chí, Đỗ Tiểu Á còn nâng vạt váy dài của mình, ngang nhiên thực hiện động tác chào khuỵu gối theo kiểu giới thượng lưu châu Âu. Nó có gì mà phải ngượng ngùng? Thầy Văn đã nói đây là diễn kịch, là do vai diễn yêu cầu như vậy!
Trong số học sinh đến xem, người có sắc mặt kém tự nhiên nhất là Thái Dương. Thái Dương là diễn viên thuộc đoàn nghệ thuật Tiểu Hồng Hoa của thành phố, từng có một thời gian là diễn viên chính và còn được lọt vào ống kính máy quay. Có lẽ nó đang thầm nghĩ: Người đóng vai Mytyl sao lại là Đỗ Tiểu Á? Phải là nó mới đúng! Đoàn kịch nên mời nó đến mới phải! Vì thế, lúc đi ngang qua Đỗ Tiểu Á, nó rất không phục, hếch mũi lên “hừ” một tiếng.
Đương nhiên, người đắc ý nhất chính là Chu Học Hảo. Nó lấy tư cách là bạn thân của Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á, tự nguyện tung tăng bận rộn trước sau, lúc thì ngồi xổm dưới chân của Thiện Minh Minh, kéo đôi tất sắp tụt lên, lúc thì khom người sau lưng Đỗ Tiểu Á, cởi cái dây đai đã buộc chặt trên chiếc váy lụa rồi thắt lại một cách vụng về. Dường như nó cố tình muốn thể hiện để tất cả khán giả đến rạp thấy: Xem này, quan hệ giữa nó với Tyltyl và Mytyl mới tốt đẹp biết bao! Họ là những người bạn thân thiết nhất của nó!
Lần này, Tả Phàm Binh lại tỏ ra rất đỗi phóng khoáng. Có lẽ thầy Văn đã “tiêm phòng” cho nó từ trước. Trước khi vào rạp, nó đã mua hai que kem đắt nhất cửa hàng rồi đưa cho Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á mỗi đứa một que. Nhưng nó quên rằng hai người bạn kia đang tô son, không thể ngoác mồm ăn vặt. Thêm vào đó, Tyltyl và Mytyl cũng không nên ăn kem, ở thời đại của các câu chuyện cổ tích, kem đã được loài người phát minh ra hay chưa vẫn còn là một câu hỏi. Cuối cùng, hai que kem đều thuộc về Chu Học Hảo đang lên cơn thèm, nó mỗi tay cầm một que, ăn lấy ăn để, khiến đôi môi lạnh buốt đến trắng bệch.
Thiện Minh Minh có nằm mơ cũng không ngờ cơ hội duy nhất biểu diễn trên sân khấu trong đời nó lại diễn ra vào đúng tối nay, buổi tối mà học sinh cả lớp hào hứng đến xem kịch.
Hai mươi phút sau khi mở màn, lúc đó, phân cảnh thứ nhất của màn kịch đầu tiên đã xong, rèm sân khấu đóng lại, chuẩn bị chuyển sang phân cảnh thứ hai của màn hai là lâu đài của tiên nữ, nữ diễn viên đóng vai em bé áo xanh trong phân cảnh thứ mười đột nhiên lên cơn đau dạ dày cấp, miệng nôn trôn tháo, đau đến nỗi mặt trắng nhợt, mồ hôi lạnh túa ra, co quắp giữa đống rèm phía sau sân khấu, rất giống con tôm đang thoi thóp sau khi thiếu nước quá lâu.
Trưởng đoàn lo lắng vỗ đùi liên tục, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Làm sao đây? Làm sao đây? Ai diễn vai em bé áo xanh bây giờ?”
Quả thật là không tìm được người thay thế, bởi vì vở kịch này đòi hỏi một số lượng lớn diễn viên quần chúng, tất cả nhân viên ánh sáng, nhân viên trang trí, đạo diễn, giám sát viên đều đã hóa trang xong, sẵn sàng được lôi lên sân khấu bất cứ lúc nào. Ngay cả nghệ sĩ trang điểm Trịnh Duy Na cũng mặc bộ trang phục màu xanh lục vẽ hình cái cây, đến phân cảnh thứ năm của màn ba cũng phải ra sân khấu, đứng cùng nhiều người khác để tạo thành một “cánh rừng rậm dưới ánh trăng”.
Cô Trịnh Duy Na nói: “Chẳng còn người nào rảnh rỗi cả, chỉ có mình anh thôi. Anh lên diễn vai em bé đó đi.”
Trưởng đoàn cúi đầu nhìn cơ thể mình, cảm thấy hết sức khó xử: “Anh béo như thế này, sao giống một đứa trẻ? Hơn nữa, bộ trang phục đó anh cũng chẳng thể mặc nổi.”
Cái khó ló cái khôn, cô Trịnh Duy Na thốt lên: “Bảo đứa trẻ đó lên! Cậu bé đóng vai Tyltyl ấy! Cậu bé đã xem vở kịch suốt mấy hôm, thuộc hết rồi!”
Thế là Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á được âm thầm gọi ra sau cánh gà.
Thời gian rất gấp, tính đến từng phút từng giây, chẳng khác nào rút dao ra khỏi trái tim trưởng đoàn! Chỉ trong nháy mắt, hoạt cảnh “cung điện của tiên nữ” trên sân khấu đã sắp hạ màn. Nữ diễn viên bị đau bụng kia lại nôn sạch chỗ thuốc vừa uống.
Thiện Minh Minh đỏ mặt nhìn Đỗ Tiểu Á và nói: “Sao không để cậu ấy diễn? Ngày bé, cậu ấy từng là diễn viên mà.”
Cô Trịnh Duy Na lên tiếng: “Nếu bạn ấy có thể diễn, chắc chắn sẽ không làm khó cháu. Cháu xem, bạn ấy người bé tí thế kia, đứng cùng với các diễn viên khác làm sao cân xứng được? Sân khấu lúc nào chẳng đề cao vẻ đẹp hài hòa, đúng không?”
Thiện Minh Minh lại lôi ra một lý do: “Em bé áo xanh phải nói một đoạn thoại rất dài, cháu không biết.”
Trưởng đoàn vội đỡ lời: “Không biết cũng không sao, cháu cứ nói như nói chuyện bình thường, đoàn sẽ có nhân viên chuyên nhắc thoại ngồi sau cánh gà nhắc cháu. Cháu chỉ cần nói để người khác nghe hiểu được, thế là thành công rồi. Ngắc ngứ, giọng điệu lạ kỳ, lạc giọng lạc điệu đều không sao hết, khán giả sẽ nghĩ đó là do nhân vật buộc phải thế, là diễn viên cố ý làm thế.”
Thiện Minh Minh không nhịn nổi, bật cười.
Cô Trịnh Duy Na bổ sung: “Cháu lẻn vào trong rạp xem kịch miễn phí mấy hôm liền, cháu tưởng cô chú không biết sao? Nếu đòi cháu tiền vé thì số tiền cả hai đứa kiếm được cũng chẳng đủ trả.”
Đây là câu nói then chốt. Dù sao Thiện Minh Minh vẫn là một đứa trẻ, không hiểu lời nói của người lớn là thật hay là đùa, chỉ sợ tiền đến tay lại bị đòi lại, nên sau một hồi suy nghĩ đã nhận lời: “Vậy được ạ!”
Phía sau sân khấu bắt đầu cuộc tổng động viên cấp bách, người này tìm mũ cho Thiện Minh Minh, người kia lấy trang phục cho nó, cô Trịnh Duy Na giữ lấy mặt nó vỗ vỗ, quết quết, phẩy phẩy một chặp, vẽ bên trái một nét, rồi lại vẽ bên phải một nét, bên cạnh còn có nhân viên nhắc thoại tay cầm kịch bản không ngừng đọc lời thoại cho nó nghe, giúp nó làm quen với tình tiết trước sau, cứ như thể đoàn kịch mời được diễn viên nổi tiếng của Holywood vậy. Vì thế, dù Thiện Minh Minh rất căng thẳng nhưng trong lòng không khỏi thấy kiêu hãnh.
Mọi việc đâu vào đó đúng lúc tấm rèm của phân cảnh thứ mười mang tên “quốc vương tương lai” từ từ kéo ra. Thiện Minh Minh bị bác trưởng đoàn đẩy mạnh, loạng choạng bước ra sân khấu với vẻ mặt còn ngơ ngác.
Sân khấu được trang trí thành căn phòng lớn trong cung diện dưới vòm trời xanh. Một tốp những đứa trẻ mặc áo xanh ở nơi này đang đợi được đến với nhân gian. Chúng nó có đứa thì đang chơi, có đứa thì đang suy tư, có đứa đang nói chuyện, có đứa đang đi dạo. Toàn bộ sân khấu được chiếu sáng bởi thứ ánh sáng xanh hư ảo, lắng sâu như cảnh tiên, vừa lấp lánh vừa thơ mộng.
Sau khi Thiện Minh Minh chới với bước ra sân khấu, được ánh đèn xanh chiếu thẳng vào người, con tim như ngừng đập tức thì, nó khó thở đến nỗi sắp ngất đi. Nó không biết bản thân nên đứng ở đâu, nên thực hiện động tác nào, chỉ ngả nghiêng quay tròn một vòng tại chỗ, chẳng khác gì con ruồi mất đầu.
Đỗ Tiểu Á khẽ vạch rèm cánh gà, hét nhỏ: “Thiện Minh Minh, đừng sợ, cậu nằm xuống ngủ đi, cậu đang say ngủ rồi!”
Tình hình hiện nay của Thiện Minh Minh là: Ai nói thế nào thì nó làm theo thế ấy, lời nói nào của bất cứ ai cũng đều là phao cứu sinh với nó. Vì thế, Đỗ Tiểu Á vừa lên tiếng nhắc, nó lập tức tạo dáng nằm luôn, một tư thế nằm trông rất lạ kỳ. Nhưng vừa hay nó lại phù hợp với tình tiết vở kịch, vì lúc này cậu bé đang thoải mái nghịch ngợm.
Diễn viên đóng vai Tyltyl và Mytyl đã bước ra sân khấu, Thiện Minh Minh lén mở mắt, thấy đôi chân đi giày da màu nâu và bốt màu vàng đang di chuyển về phía nó. Đây mới là Tyltyl và Mytyl thực sự. Dáng đi, giọng điệu nói chuyện, vẻ mặt của họ mới tự nhiên và cuốn hút biết mấy! Nếu không có mấy nếp nhăn mờ mờ trên mặt họ, Thiện Minh Minh cứ ngỡ bản thân đúng là đang ở trong thế giới mộng mơ rồi.
Rất nhiều em bé áo xanh bắt đầu vây quanh Tyltyl và Mytyl. Thiện Minh Minh cũng hòa nhịp với mọi người trên sân khấu, đứng lên, chen vào giữa đám trẻ. Nhờ quá trình thích nghi ngắn ngủi vừa rồi, lúc này nó đã không còn hoảng hốt nữa, tay chân cũng cử động khá tự nhiên. Thậm chí, nó còn kéo đai quần một cách vô thức, điệu bộ giống hệt như vẫn làm hằng ngày ở trường, sau đó thầy Văn bình luận, động tác nho nhỏ ấy của nó thực hiện rất đúng lúc, cực kỳ phù hợp thân phận nhân vật.
Bây giờ, nhân vật em bé áo xanh của Thiện Minh Minh bắt đầu diễn. Theo hướng dẫn vừa rồi của nhân viên nhắc thoại, trước tiên, nó đánh mắt nhìn lên cái mũ của Tyltyl, tỏ ra hiếu kỳ, sau đó đưa tay ra sờ. Sờ đâu cũng được.
Em bé: (Sờ vào mũ của Tyltyl.) Đây là cái gì?
Tyltyl: Cái này sao? Đây là mũ của ta… Em không có mũ sao?
Em bé: Không có. Mũ dùng để làm gì?
Tyltyl: Dùng để chào hỏi… Còn nữa, khi trời lạnh…
Em bé: Lạnh là cái gì?
Tyltyl: Lạnh là run lên như thế này: Hừ! Hừ… Chính là đưa tay lên hà hơi như thế này, hoặc là co duỗi cánh tay như thế này…
(Nhân vật ra sức co duỗi cánh tay.)
Em bé: Trái đất lạnh không?
Tyltyl: Lạnh chứ, thỉnh thoảng, khi mùa đông, khi không đốt lửa…
Em bé: Tại sao không đốt lửa?
Tyltyl: Bởi vì đốt lửa rất tốn kém, phải có tiền để mua củi…
Em bé: Tiền là cái gì?
Tyltyl: Là thứ dùng để mua đồ…
Em bé: Ồ…
Tyltyl: Một số người có nhiều tiền, một số người lại chẳng có xu nào…
Em bé: Tại sao thế?
Tyltyl: Bởi vì họ không phải người giàu… Em có phải người giàu không? Em mấy tuổi rồi?
Em bé: Không lâu nữa em sẽ được sinh ra đời… Mười hai năm sau, em sẽ được sinh ra… Được sinh ra có hay không vậy?
Tyltyl: Ồ, hay! Rất thú vị!
…
Nhân viên nhắc thoại ở sau rèm nhắc một câu, Thiện Minh Minh liền nói theo một câu, may mắn là nó có một đôi tai thính như chó săn, có thể nghe rõ mồn một thứ âm thanh yếu ớt bị tấm rèm ngăn cách kia. Hơn nữa, nó còn chưa bị vỡ giọng, chưa ồm ồm như thanh niên đang lớn mà vẫn là giọng trẻ con hết sức tự nhiên nên tất cả đều hoàn hảo không chê vào đâu được.
Sau khi hạ màn, nó chạy xộc xuống dưới sân khấu, trưởng đoàn là người đầu tiên bắt tay nó, chúc mừng thành công của nó, còn hứa sẽ trả thù lao diễn xuất và chi phí ăn đêm. Đỗ Tiểu Á xúc động đến đỏ bừng mặt, không nói nên lời mà chỉ cười. Thiện Minh Minh mồ hôi vã ra như tắm, lâng lâng như thể còn chưa tỉnh khỏi giấc mơ thần tiên trên sân khấu, dồn dập hỏi Đỗ Tiểu Á: “Lúc nãy là tớ sao? Là tớ trên sân khấu ư? Thật sự là tớ à?”
Lúc cởi trang phục, nó ngửi thấy một mùi khó chịu, quả thực mồ hôi đã đổ quá nhiều. Khi trả trang phục cho cô Trịnh Duy Na, nó thẹn thùng thừa nhận bản thân đã căng thẳng, lẩm bẩm một mình: “Trên sân khấu sao mà nóng thế? Đèn thì sáng chói, sắp đốt cháy người ta rồi.”
Sau đó, suốt một thời gian rất dài, các bạn trong lớp đều nhìn chằm chằm Thiện Minh Minh rồi nói câu thoại: “Tiền là cái gì? À, là thứ dùng để mua đồ!” Có đứa còn hỏi: “Cậu là Thiện Minh Minh giả mạo đúng không? Bây giờ cậu ta vẫn đang ở vương quốc tương lai, mười hai năm nữa mới được sinh ra cơ!” Tóm lại, cả lớp đều rất ngưỡng mộ, thậm chí còn thấp thoáng chút ghen tị với nó.